Làm sao có hòa giải khi hận thù vẫn còn đó, khi những kẻ chiến thắng vẫn còn huênh hoanh, đắc thắng và vẫn tìm cách khơi dậy nỗi đau thương của những kẻ đã mất tất cả!
Thưa chị Mai Khôi,
Là người Việt có lẽ không ai trong chúng ta lại không đau buồn trước những trang sử cận đại của dân tộc. Chiến tranh triền miên, đất nước chia cắt và ngay cả sau biến cố 30/4/1975, ngày mà người cộng sản gọi là “Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”, lại chính là một cột mốc đen tối đã khiến cho hàng triệu đồng bào phải rời bỏ quê hương đi tìm tự do. Họ đã bỏ tất cả từ những gì thân yêu nhất, lênh đênh trên những con thuyền nhỏ bé, đối đầu với đại dương mênh mông, hung dữ và cả những kẻ cướp biển man rợ, khát máu. Họ ra đi “tìm tự do trong cái chết” như lời của một nhà văn nào đó! Gần nửa triệu đồng bào của chúng ta đã bỏ mình nơi biển khơi trong những cuộc “vượt biên” làm chấn động lương tâm nhân loại!
Tôi mạn phép nhắc lại những sự kiện trên để cho chị thấy rằng nỗi đau ấy là một vết thương chưa lành và không thể nào lành sau gần 42 năm “thống nhất” đất nước. Nỗi đau ấy như một bức tường vô hình vẫn đang chia cắt dân tộc Việt. Nó vẫn cứ âm ỉ trong lòng của hàng triệu đồng bào tha hương, tỵ nạn cộng sản. Đó là sự thật mà chúng ta không thể nào chối bỏ.
Tôi từng mến phục chị cũng như nhiều người đã và đang đấu tranh vì một tương lai tươi đẹp cho quê hương. Trong bối cảnh đất nước vẫn còn nhiều nhiễu nhương, bất công và những quyền căn bản nhất của một công dân đang bị chà đạp bởi nhà cầm quyền thì tiếng nói của chị là điều trân quí. Khi mà đại đa số thanh thiếu niên vẫn còn ngại, thậm chí sợ bộ máy an ninh đàn áp thì những hành động của chị được nhiều người cho là dũng cảm. Chị được ví như là một “người đàn bà trẻ con nổi loạn” khi dám dấn thân hoạt động cho phong trào Xã hội dân sự vốn còn non trẻ trong nước. Chị liên tục đấu tranh cho quyền làm người, quyền tự do dân chủ, quyền tự do ngôn luận tại Việt Nam. Tôi từng xúc động khi nghe chị tâm sự:
“Hãy quan tâm đến chính trị, đến quyền được nói, quyền được yêu, được ghét, quyền tự do sáng tác, quyền được ứng cử của mình và hãy đấu tranh để bảo vệ chúng. Cũng chính bằng âm nhạc, Khôi muốn nhắc nhở chính quyền phải tôn trọng các quyền thiêng liêng đó của người dân, vốn đã ghi trong hiến pháp.”
Có lẽ cũng chính vì lý tưởng cao cả ấy mà chị đã từng nộp đơn ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa 14 tại tỉnh Khánh Hòa vào năm 2016 với mong muốn góp phần thiết thực thay đổi đất nước.
Và có lẽ cũng vì sự dấn thân, đấu tranh bất chấp hiểm nguy mà chị cùng vài nhà hoạt động dân chủ khác trong nước đã được Tổng thống Hoa Kỳ B. Obama và các phụ tá cao cấp của ông đón tiếp trong chuyến thăm chính thức Việt Nam vào tháng 5/2016. Điều ấy chứng tỏ hình ảnh của chị đã vượt ra khỏi biên giới nhỏ bé của quê hương. Tiếng nói phản kháng của chị trở nên quan trọng hơn và có tầm ảnh hưởng không nhỏ đến với đời sống chính trị, văn hóa trong nước.
Những bài hát của chị chuyên chở những khát vọng đổi thay, khát vọng của tuổi trẻ được sống trong một xã hội tự do, dân chủ. Những lời hát rất bình dị, nhưng vô cùng mạnh mẽ, như gào thét, như muốn đạp tung mọi bất công trong xã hội, như muốn thách đố cả một bộ máy chính trị độc quyền. Tôi thích như thế. Tuổi trẻ hết mình với bầu nhiệt huyết bấy lâu nay đang chìm trong giấc ngủ, trong gông cùm, trong sợ hãi.
Chị mang tiếng hát, tiếng đàn và cả bao hy vọng của nhiều người, trong đó có cả tôi đến với những người Việt tha hương. Từ Paris đến Berlin, chị nhận được sự chào đón thân ái, cảm kích. “Trói vào Tự do”, chủ đề album mới của chị chính là ước mơ, là sự thao thức của tất cả chúng ta.
Ước mơ quá đỗi bình dị được gắn chặt mình với tự do nhưng sao vẫn xa vời với dân tộc Việt. Tự do chỉ là một khái niệm xa xỉ và luôn bị đánh tráo bởi những người đang lãnh đạo mảnh đất này.
Và đó cũng chính là bản chất của vấn đề, chị Mai Khôi à. Chị có hát, có đấu tranh dũng cảm như thế nào đi chăng nữa, chị cũng không thể nào thờ ơ với sự chia cắt sâu thẳm, đến tận cùng của nỗi đau, giữa nhà cầm quyền trong nước và hàng triệu đồng bào tỵ nạn khắp nơi trên thế giới (thậm chí với cả gần 90 triệu người Việt trong nước). Đất nước này không thể nào đổi thay khi bài toán hòa giải dân tộc vẫn chưa tìm được đáp án, và hòa hợp sẽ mãi chỉ là điều viễn vông. Đó mới chính là nỗi đau không nguôi của tất cả chúng ta.
Làm sao có hòa giải khi hận thù vẫn còn đó, khi những kẻ chiến thắng vẫn còn huênh hoanh, đắc thắng và vẫn tìm cách khơi dậy nỗi đau thương của những kẻ đã mất tất cả !
Thưa chị,
Chị đã không gặp trở ngại đáng kể nào khi mang tiếng hát đến với cộng đồng tại Pháp và Đức. Nhưng khi đặt chân đến Mỹ, quốc gia đã cưu mang gần 2 triệu người Việt, những người đã vượt biên, từng bị gán tội phản quốc, thì lẽ ra chị cần cẩn trọng hơn bao giờ hết. Không ai có thể ép chị, dẫu với bất cứ lý do nào, phải chấp nhận lá cờ vàng ba sọc đỏ. Đó cũng chính là qui luật bất di, bất dịch của sự tự do mà chị và tất cả chúng ta đang hằng theo đuổi.
Nhưng chị Mai Khôi, chị cần phải biết lá cờ đó, không đơn thuần chỉ là quốc kỳ của một thể chế đã bị chính quyền độc tài trong nước xóa bỏ. Mà nó chính là biểu tượng của sự Tự do, là lý tưởng Sống của hàng triệu người đã liều mình bỏ nước ra đi. Phải sống trong hoàn cảnh bi thương của họ thì mới cảm thông hết được những mất mát, thậm chí những oán hận mà đến ngày nay, họ vẫn còn đeo nặng trong tâm hồn. Những tháng ngày lênh đênh trên biển cả hay những năm tháng trong ngục tù, chính lá cờ ấy là tia sáng hy vọng, là ngọn lửa heo hắt của bao phận đời dựa vào đó để Sống.
Có người cho rằng, sau chừng ấy thời gian mà vẫn còn câu nệ chuyện cờ quạt, phải dẹp bỏ quá khứ, nhìn về tương lai,… Đó cũng là chủ đích, là thông điệp của nhà cầm quyền khi kêu gọi hòa giải, hòa hợp dân tộc. Đáng tiếc, đó chỉ là sự giả dối, là sự tuyên truyền rỗng tuếch.
Chị ở trong nước, chị là người đấu tranh cho sự bình đẳng, lẽ nào chị không hiểu và cảm nhận được sự trơ trẽn của chế độ. Họ vẫn đang trả thù một cách nhỏ mọn với những người lính VNCH đã nằm xuống hay những thương phế binh đang sống vất vưởng trong đói nghèo, bệnh tật. Những tổ chức xã hội dân sự vẫn đang thầm lặng giúp đỡ, cải thiện cuộc sống hàng ngày của họ tại quê nhà, lẽ nào chị không hay?
Đến nghĩa trang của những người đã khuất cũng bị cố tình vùi dập trong quên lãng thì làm sao nói đến chuyện tương lai, hỡi chị Mai Khôi!
Tôi luôn lên án những ai, dựa vào sự tranh đấu, áp đặt cờ vàng hay ý thức chính trị lên người khác. Tôi không trách chị từ chối đứng chung với biểu tượng của người Việt tỵ nạn. Nhưng tôi vô cùng thất vọng, thậm chí phẫn nộ với những lập luận biện minh cho hành động của chị. Chị đã vô tình (hay cố tình?) khơi dậy nỗi đau của cả một cộng đồng khi trách móc, thậm chí có phần dè bỉu chế độ VNCH. Cách giải thích ấy chỉ thể hiện sự kém hiểu biết và thiếu tôn trọng đối với hàng triệu người đã phải bỏ đất nước ra đi và vong hồn của bao người đã mất. Thậm chí, khi chị có lời xin lỗi, tôi vẫn có cảm giác chị không chân thật, chị Mai Khôi à. Cách hành văn của chị biểu lộ thái độ coi thường nỗi đau của dân tộc. Phải chăng chị đã quá nổi tiếng, trở nên quá quan trọng đến mức tự cho mình cái quyền phát ngôn bừa bãi như thế?
Đêm nhạc thính phòng “Trói vào Tự do” của chị tại Mỹ, đối với tôi, như một cái tát vụng về vào mặt những ai đang mong chờ sự hòa giải dân tộc. Của bao hy sinh, mất mát to lớn mà dân tộc này đã phải trãi qua. Cái tiến trình ấy nó rất dễ vỡ, nó không thể là trò đùa và càng không phải là những toan tính vụ lợi cho bất cứ ai, bất cứ đảng phái chính trị nào!
Tôi luôn cảm động và khâm phục cộng đồng người Việt tỵ nạn cộng sản tại châu Âu và Bắc Mỹ cũng như bao người Việt khác vì bất cứ một lý do nào đó đã phải rời bỏ quê hương. Khi nhìn vào ánh mắt ẩn chứa bao tuyệt vọng và đớn đau của những bậc trưởng lão đang sống những năm tháng cuối đời tại đất khách quê người mới cảm nhận được số phận bi đát của dân tộc mình. Có người bảo rằng dứt khoát không về khi còn cộng sản, dẫu phải có chết rục xương tha hương!
Chị có bao giờ nhìn thấy bức ảnh “Vá cờ” của nhiếp ảnh gia Nguyễn Ngọc Hạnh chưa? Nếu không, có dịp, chị tìm trên Internet, khi ấy có thể chị sẽ hiểu vì sao đất nước chúng ta vẫn còn nhiều nỗi đau chưa thể hàn gắn được.
Tôi không cố chấp hay hoài niệm về dĩ vãng nhưng viết lên sự thật là bổn phận và lương tâm của chúng ta đối với các thế hệ mai sau, đối với lịch sử của dân tộc.
Thưa chị Mai Khôi,
Có lẽ cái tôi của chị quá lớn, lớn đến mức vô cảm trước nỗi đau của chính đồng bào mình.
Ngẫm cho cùng, chị vẫn có quá nhiều may mắn so với những người bạn đồng chí hướng của chị khi họ đang bị giam cầm tại quê nhà. Chị vẫn có thể mang tiếng hát đến với bà con bên ngoài. Chị vẫn được quyền đi đây, đi đó. Ông bà ta có nói, “đi một ngày đàng, học một sàng khôn”, tiếc rằng, đối với tôi, chị chẳng học được gì ngoài sự trịch thượng và xấc xược!
Giờ đây khi nghe lại những nhận xét cho rằng chị là một người phụ nữ “quá dũng cảm” hoặc chị là niềm tin tươi đẹp của tương lai dân tộc, tôi chợt phì cười, vị đắng đọng trên môi.
Chị quá đỗi tầm thường, chị Mai Khôi à!
========================
“Chị nhà thơ nhà văn Thanh Bình đã vì yêu thích và ủng hộ những việc Khôi đang làm, nên chị đã gọi điện thoại mời tôi sang Virgina hát, do chị tổ chức (chỉ có mình chị tổ chức thôi) vì chị chỉ mời những người bạn thân quen và làm một buổi nhạc thính phòng private, không ra cộng đồng. Thoả thuận ban đầu là thế. Tôi cũng có nói rõ, tôi có 3 điều tôi không muốn dính vào đó là: cờ vàng, Việt Tân, tham gia tổ chức nào đó… Tôi là nghệ sỹ độc lập và hát tiếng hát đòi quyền tự do biểu đạt, tự do nghệ thuật, tự do sáng tạo, tự do đi lại, tự do tụ tập, v.v. Vì vậy, ngay từ đầu đã thoả thuận không ra cộng đồng và không chào cờ gì cả. Chỉ là đêm nhạc chia sẻ với các văn nghệ sỹ thân tình của chị Thanh Bình, những người đã sẵn một đầu óc cởi mở, văn minh, với một trình độ thưởng thức cao và hiểu biết rộng.” – Mai Khôi (Trước 14/1/2017)
“Kính thưa các cô chú, các anh chị, các bạn,
Mai Khôi thật sự cảm thấy rất hối hận vì đã làm các cô chú, các anh chị , các bạn phật lòng, Mai Khôi thành tâm xin lỗi đã làm tổn thương nhiều người bằng những lời lẽ thiếu hiểu biết, sai trái của mình. Trên đường đời, ắt hẳn ai cũng có những lúc suy nghĩ không đúng và phạm sai lầm, Mai Khôi thành tâm xin lỗi tất cả mọi người. Xin lỗi các cô chú, các anh chị vì quá quý mến Khôi đã tổ chức buổi nhạc cho Khôi tại Virgina. Xin lỗi đã làm những người thương mến Khôi thất vọng.
Nhân đây, Khôi xin được phép rút lại những lời nói sai của mình trên Facebook bằng cách xoá hết những status làm phiền lòng mọi người.
Rất mong các cô chú, các anh chị, các bạn nguôi giận, tha lỗi và bỏ qua cho Khôi.
Mai Khôi chân thành cảm ơn sự rộng lượng, vị tha của các cô chú, các anh chị và các bạn.” — Mai Khôi, Facebook 6:18am 14/1/2017
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét