khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Chủ Nhật, 16 tháng 10, 2016

Thực phẩm chức năng và những hứa hẹn hão huyền - Tác giả Nguyễn văn Tuấn



Cộng đồng người Việt ở California (và ngay cả trong nước) đang bị "dội bom" thông tin về "thực phẩm chức năng" và các loại dược thảo mà nếu chỉ nghe qua về hiệu quả của chúng thì tất cả những người như tôi và đồng nghiệp sẽ không có việc làm nay mai.
Mở bất cứ tờ báo Việt ngữ nào, mở bất cứ đài truyền hình nào hay đài phát thanh nào, tôi cũng đều thấy/nghe đến các quảng cáo về các "thần dược". Nào là fucoidan, đông trùng hạ thảo, cordyceps, sữa ông chúa, ngọc toàn khang, yến sào, v.v. được giới thiệu như là những thần dược. Sự xuất hiện dày đặt của những quảng cáo này làm cho người đọc cảm thấy họ đang luân phiên nhau "tấn công" vào cộng đồng. Nhìn cách họ quảng cáo, tôi thấy có hai điểm chung:
 
Đặc điểm thứ nhất của các dược thảo này là chúng chữa bách bệnh. Thật vậy, hầu như bệnh lí phức tạp nào đều là điểm nhắm của các dược thảo này, nhưng tập trung vào các bệnh liên quan đến ung thư, tiểu đường, thấp khớp, tim mạch. Họ cũng đặc biệt nhấn mạnh đến các bệnh lí tế nhị như suy sinh dục ở nam giới, khô âm hộ, hay tay ra mồ hôi, tức là họ nhắm đến những người ở độ tuổi trung niêm hay sau mãn kinh (ở nữ giới). Những người trong độ tuổi này hay mắc hội chứng nôm na gọi là "midlife crisis", họ lo lắng rất nhiều cho sức khoẻ. Một số lo lắng cũng hợp lí, nhưng đa số là loại vu vơ, hay nói theo ngôn ngữ nhà nghề là nhóm "worry well." Tập trung vào nhóm này là rất tốt về mặt marketing, vì họ vừa có tiền, mà quan trọng hơn là sẵn sàng tiêu tiền cho sức khoẻ.

Đặc điểm thứ hai là họ mượn danh khoa học và nhà khoa học. Thường thường, họ dùng những danh từ rất cao và sang như research, study, clinical test. Họ tạo ra một ấn tượng là các sản phẩm này đã qua thử nghiệm lâm sàng theo tiêu chuẩn chặt chẽ của khoa học, nhưng trong thực tế thì chẳng có (hay rất rất ít) sản phẩm đã qua kiểm chứng trên lâm sàng. Lí do đơn giản là vì các sản phẩm này đăng kí dưới dạng thức ăn hay thực phẩm bổ trợ, chứ không phải thuốc, và do đó họ thoát khỏi qui trình thử nghiệm lâm sàng theo mô hình randomized controlled trial (tức là mô hình thử nghiệm thuốc trước khi đưa ra thị trường và bệnh nhân.)

Quảng cáo thường kèm theo những trung tâm mà … ít ai biết đến. Một người dân "trung bình" cho dù ở Mĩ cả vài chục năm cũng khó mà đánh giá được viện hay đại học nào là có uy tín trong một lĩnh vực nào đó, nhưng khi nghe đến những cái tên Mĩ thì họ thấy … ấn tượng. Họ còn trình làng những nhà khoa học đã "phát minh" ra thần dược. Họ cho nhà khoa học (hi vọng là thật) mặc áo trắng, đeo kính cận, nói về phát minh của họ, và cái thông điệp thường là nhà khoa học làm việc vì sức khoẻ của chúng sinh. Họ thường có những chức danh cao như tiến sĩ, giáo sư; tuy nhiên, rất khó biết họ nghiên cứu cái gì do chẳng thể nào tìm thấy các công trình nghiên cứu của họ trên hệ thống Pubmed.

Tôi không biết có cộng đồng sắc tộc nào ở Mĩ bị "dội bom" với những loại thực phẩm chức năng như trong cộng đồng người Việt ở đây. Có lẽ vì không có qui chế kiểm soát các quảng cáo này (vì là báo Việt ngữ), nên người ta muốn quảng cáo sao cũng được, chẳng ai phàn nàn. Có người đọc chỉ xem những quảng cáo đó như là trò giải trí. Nhưng trong thực tế cũng có người rất tin vào những hiệu quả được trình làng, và đó là một vấn đề đáng quan tâm.

Nhưng không chỉ ở đây, mà những thông tin loại này còn lan truyền về tận Việt Nam. Nhiều tờ báo lớn ở Việt Nam cũng đăng rất nhiều quảng cáo về những sản phẩm mang tiếng là thực phẩm chức năng có nguồn gốc từ Mĩ (mà tôi đoán là từ các doanh nghiệp Việt kiều). Rất nhiều người, kể cả thân nhân tôi, tìm đến những sản phẩm này. Họ khẳng định rằng các sản phẩm này có hiệu quả, và đưa ra những trường hợp tiêu biểu. Dĩ nhiên, những người dùng các sản phẩm này mà không có hiệu quả thì chẳng ai biết. Cái khó khăn là đối với những bệnh lí phức tạp, rất khó đánh giá hiệu quả chỉ qua vài tháng sử dụng, và lợi dụng kẽ hở khoa học này nên các doanh nghiệp lí giải rằng phải dùng lâu mới có tác dụng!

Ở Việt Nam, còn có một loại "mại võ Sơn Đông" khác là tế bào gốc. Có những bản tin, quảng cáo trên báo, thậm chí trong vài hội nghị khoa học hàm ý nói rằng tế bào gốc cũng là một liệu pháp thần kì, trị bá bệnh. Nhưng khác với thực phẩm chức năng, tế bào gốc ở VN thường được quảng bá bởi những nhà khoa học thật, và họ thường có chức danh cao. Đối với người không am hiểu khoa học hay tế bào gốc hay bị thuyết phục bởi những quảng bá được truyền đạt từ các nhà khoa học.

Nhưng trong thực tế thì tế bào gốc chỉ mới ở giai đoạn nghiên cứu, rất rất ít ứng dụng trong điều trị lâm sàng. Sự thật là cho đến nay, tế bào gốc chỉ mới được sử dụng cho một số rối loạn miễn dịch mà thôi. Tất cả các bệnh lí khác, kể cả ung thư, tế bào gốc trị liệu vẫn còn trong vòng nghiên cứu, chứ chưa áp dụng cho điều trị bệnh nhân được. Những ai hứa hẹn dùng tế bào gốc để điều trị các bệnh lí như ung thư, tiểu đường, thấp khớp, v.v. là không đúng sự thật. Phải khẳng định như thế để không phải nhầm lẫn.     

Do đó, tôi thấy sự phổ biến của các sản phẩm mang danh chức năng hoặc tế bào gốc trị liệu rất đáng lo ngại. Lo ngại là vì (i) các sản phẩm này không có hiệu quả như quảng cáo muốn người ta tin vào; (ii) chúng ta không biết chính xác thành phần hoá học và dược tính của sản phẩm; (iii) chúng ta không biết tương tác giữa các "thực phẩm" này và thuốc Tây chính thống; (iv) chúng ta không biết tác hại của chúng ra sao (vì bất cứ sản phẩm nào cũng có hữu dụng và tác hại); và (v) giá rất đắt chứ không hề rẻ, thậm chí đắt hơn thuốc Tây chính thống. Có thể nói rằng sự phổ biến của những sản phẩm này kèm theo những lời quảng cáo trị bá bệnh là vi phạm y đức. Điều đó đặt ra vấn đề đạo đức kinh doanh. Nhưng công chúng cần phải cẩn thận tìm hiểu cho kĩ những sản phẩm này để tránh tình trạng "tiền mất tật mang", mà bệnh thì vẫn không hết. 
 
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét