khktmd 2015
Chủ Nhật, 16 tháng 10, 2016
Đồi Ổi - Tác giả Lê Phạm Lê
Đồi ổi phía sau căn nhà gỗ của gia đình tôi là một khu vườn cây, lá xanh tươi mà mẹ tôi đã hãnh diện gọi là “Thiên đường màu xanh” mỗi khi bà nằm võng đu đưa dưới hàng mận thoảng hương thơm nhè nhẹ từ những đoá hoa trắng như hoa lê, và đó cũng là màu xanh mượt mà của tuổi thơ rất riêng tư của bọn trẻ chúng tôi.
Nơi đó, các bạn tôi và tôi thường vây quanh cậu bé hàng xóm tên Nam, “diễn viên chính” đóng vai Đinh Bộ Lĩnh thuở còn thơ, thường lấy bông lau làm cờ khi tập trận giả với đám trẻ chăn trâu trong làng. Trong khi đó, các bạn khác và tôi hoá trang làm ngựa đi bằng “bốn chân,” với lá đa che lưng, râu bắp làm bờm và cỏ tranh làm đuôi. Vừa đi, chúng tôi vừa cười ngặt nghẽo, không bước nổi, cứ ngã chồng lên nhau. Ấy vậy, Nam vẫn ngồi thẳng trên lưng “ngựa” đi khoan thai vòng quanh đồi khiến mấy đứa con gái phải lòm còm bò dậy bước theo sau đoàn quân “thiện chiến.” (Tội nghiệp cho Việt, thằng bé to con nhất xóm, tình nguyện làm ngựa cho Nam cỡi!)
Từ lúc đó, bọn tôi thấy Nam oai quá nên gọi hắn là “anh hùng xưa” khiến hắn hừng chí, tưởng tượng mình là Đinh Bộ Lĩnh thật, dục ngựa đi mỗi lúc mỗi nhanh hơn khiến Việt la lên ơi ới. Kìa, Nam đang đuổi quân thù ra khỏi biên cương! Biên cương lúc bấy giờ là một đường ranh to tướng chính tôi vừa mới bẻ cây vạch ra gần cây hồng dẽo sum sê trái, và hễ khi ngựa đến điểm này coi như quân Tàu đã bị quét sạch ra khỏi bờ cõi nước ta rồi. Nam phất cao ngọn cờ lau trong gió lộng và bọn tôi quơ những nhánh hoa lau như múa kiếm trong không trong khi hát bài “Anh Hùng Xưa” thật hùng hồn trong không khí chiến thắng.
Nghỉ xả hơi một chốc, chúng tôi lấy lá chuối khoanh thành vòng tròn, gắn lên đó vài bông dã quỳ rực rỡ, rồi Việt trịnh trọng cài vòng hoa lên đầu Nam. Có lẽ để tỏ sự thích thú được tập trận tại đồi ổi sau nhà tôi nên tụi nhóc con gái bèn nối tay nhau làm “võng” khiêng tôi đi theo ngựa của Nam rồi đi vòng lại phía bên kia đồi. Các bạn còn cài cho tôi một “vương miện” gắn hoa mai rừng mà tôi ưa thích, gọi tôi “hoàng hậu”, y như cảnh trong tranh vẽ “ngựa anh đi trước, võng nàng đi sau” khi kẻ sĩ đã công thành, danh toại, về làng “vinh quy, bái tổ…”. Rồi chúng tôi còn bày đặt uống “rượu” mừng bằng nước suối đổ vào mấy cái “chung” xếp bằng lá sen!
Tôi muốn viết vài dòng về Nam, người con trai của Bác Bảy (người hàng xóm và bạn thân của ba tôi) nên Nam thường theo ba qua nhà tôi chơi. Thấy tôi hay nhìn lén mấy con cá lia thia nuôi trong mấy cái lon sữa bò của hắn, Nam tặng tôi một con cá lia thia màu tím thẫm có đuôi rất dài, đẹp mê hồn, khiến tôi liên tưởng tới hình ảnh “Nàng Tiên Cá” dưới thuỷ cung trong truyện cổ tích nước ta. Sau khi mừng chiến thắng, bạn bè đi về hướng xóm trên còn tôi và Nam “xuống núi” về nhà cùng một lúc. Điểm hẹn là cái ao nước gần đó, nhưng hắn ham nói chuyện rồi quên bẵng đi, làm tôi cứ đứng đó chờ. Vừa sợ, vừa tức, tôi quăng bị cá xuống ao cho hả giận. Trong khi cá bơi lơ lửng, ẻo lả khoe cái đuôi dài thần thoại, bụng tôi bắt đầu đánh lô tô…
Ngày hôm sau, vào giờ ra chơi hắn rượt theo tôi quanh sân trường vì tôi ráng chạy thật nhanh làm như không thấy hắn. Thình lình, tôi nghe như có vật gì mới rơi cái “thịch” xuống đất. Thì ra đó là một trái ổi chín Nam mới hái để dành cho tôi vừa tuột khỏi bàn tay hắn. Dừng lại, nhìn thấy tay Nam vẫn còn hơi run, tôi quay mặt đi chỗ khác để tránh ánh mắt buồn hiu của hắn. Hôm ấy bọn tôi được tan trường sớm vì thầy cô bận họp với phụ huynh học sinh. Nam rủ tôi ghé ngang ngôi chùa trên xóm núi. Tôi không trả lời nhưng chân vẫn bước đi về hướng đó.
Cuối cùng, chúng tôi lén chui vào một căn phòng nhỏ phía sau bụi trúc, nơi những vị sư mặc áo vàng đang tụng kinh, Nam cầm một cây nhang, nói nhỏ vào tai tôi, “Nếu trò không nói chuyện với tui, Phật sẽ không chứng cho lời khấn vái của trò đâu nhé!” Thoáng nhìn xuống những đoá sen trắng in trên tấm thảm màu tím nhạt, tôi ráng nín cười khi bàn chân trần, hồng hào như chân của một em bé đập vào mắt tôi. Thử hỏi làm sao tôi có thể ghét người bạn nhỏ ngây thơ, vô tội này?
Hôm đó, chúng tôi vào tu viện để lạy Phật. Bỗng dưng, một luồng khói nhỏ không biết từ đâu toả ra. Một vị sư già trong chiếc áo nâu sòng từ phòng sau hối hả chạy ra. Khi sư cụ nhìn thấy vài tia lửa bắn lên trên sàn nhà, chuỗi hạt người đang cầm trong đôi tay nhăn nheo bỗng rơi xuống đất.
“Nam Mô A Di Đà Phật!”. Vị sư vừa niệm vừa lấy nước trong các bình hoa lan trên bàn thờ Phật rắc lên thảm, dập tắt ngọn lửa vừa mới bén. Nhìn xuống cộng nhang nằm bên cạnh chân Nam, tôi đoán biết thủ phạm suýt gây ra hoả hoạn là ai rồi!
Chúng tôi bước theo chân nhà sư vào thư viện chưng đầy sách, báo về Thiền học. Vào lứa tuổi lên 10, Nam dám đánh bạo hỏi, “Làm thế nào để đến con đường tỉnh thức, bạch Thầy?” Nhà sư trả lời với giọng nói thật ôn tồn, nhỏ nhẹ, “Biết hỏi như vậy là con đang đi đúng hướng rồi đó con ạ.” Mắt Nam bỗng sáng rực lên khi hắn tưởng tượng đến con đường “giác ngộ” mà hắn được nghe mỗi khi theo mẹ lên chùa.
Có những buổi chiều xa xưa ấy chúng tôi đã hái hoa ngọc lan ở cổng chùa. Và chiều nay, sau nhiều năm xa cách với biết bao “vật đổi, sao dời”, một mình tôi trở lại nơi này. Tự tay ngắt những chùm hoa trắng nhỏ, xinh tươi, tôi đốt hương trầm và nguyện cầu cho Nam, cho tất cả bạn bè, thân hữu, cho những ai còn sống sót sau cuộc chiến dài triền miên trên đất nước tôi và những ai không được may mắn. Rồi bỗng nhiên, tôi nghe tiếng chuông chùa vang vọng...
Tôi nghĩ bao nhiêu thế kỷ đã trôi qua và tự hỏi có phải cũng tiếng chuông chùa này đã từng ngân nga vào mỗi sáng tinh sương và mỗi khi chiều xuống trên mảnh đất quê hương yêu dấu của tôi?
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét