Đầu tháng Chín là mùa nhập học. Các tiệm tấp nập các phụ huynh “Back to school shopping”. Mẹ con Christine mấy hôm nay ngày nào cũng đi mua sắm chuẩn bị đi học, đồ đạc chất đầy phòng khách. Chú xót ruột cách xài tiền con gái cằn nhằn:
“Con mua sắm gì mà dữ vậy, phí phạm quá!”
Không giận cha, Thùy- mẹ Christine- vuốt tóc con rồi ôm nó vào lòng nhìn chú mủm mĩm cười:
“Ngày đầu đi học mà ba! Con muốn chuẩn bị cho Christine coi bảnh nhứt, học giỏi nhất và khi lớn lên không thua ai hết.”
Thùy vừa nói vừa nheo một mắt như muốn gởi cho cha mình một thông điệp gì.
Chú xúc động khi nghe Thùy lập lại câu mà ba của chú đã nói ngày xưa, ngày đầu chú đi học.
Con bé Christine thì vô tư, lăng xăng thử quần áo mới. Nó loay xoay ngắm nghía trước gương như người mẫu đang trình diễn thời trang, hoặc thí sinh dự thi hoa hậu.
Vợ chồng Thùy đi làm rất sớm nên chú lảnh phần đưa đón cháu đi học. Mỗi sáng trước đi làm Thùy đã lấy sẵn quần áo cho con, đồ ăn sáng đã sửa soạn sẵn sàng trên bàn. Thùy đi rón rén không dám gây tiếng động sợ đánh thức con bé. Chú cũng đã chuẩn bị xong từ lâu, đang ngồi xem tin tức buổi sáng, trong khi chờ Christine thức dậy.
Thỉnh thoảng chú ngước nhìn đồng hồ. “Mới bảy giờ hai mươi, sớm chán, cho nó ngủ thêm tí nữa”. Chú nghĩ.
Đúng bảy giờ rưởi, chú vào phòng đánh thức Christine. Con bé còn ngái ngủ bám cổ ông xin xỏ:
“Ông cho con ngủ thêm chúc xíu nữa nhé ông.”
Nhìn con bé thấy thương lắm. Lúc chưa có cháu, chú chán đám bạn già của chú, mỗi khi gặp nhau là đem con cháu ra khoe. Bây giờ có cháu chú mới hiểu họ. Chú cười dễ dãi:
“Ông cho thêm năm phút thôi nhé”,
Rồi chú ngồi cạnh giường nhìn con bé ngây thơ say ngủ như một thiên thần nhỏ.,
Tiếng giày cao gót lọc cọc đi ra cửa, Thùy còn ngoái cổ lại dặn dò:
“Con Christine nó bị ho, ba nhớ cho nó mặc đồ ấm, mang vớ dầy, đội nón cho nó nhé ba”.
“Biết rồi”.
“Nó làm như chỉ có mình nó là biết thương con”, Chú nghĩ mà cười thầm trong bụng.
Chú đưa cháu đến trường, hôn nó giả từ rồi giao cho cô giáo xong xuôi mới lái xe chạy vòng ra phố Bolsa, mua ly cà phê nóng và tờ nhật báo. Chú vừa nhâm nhi ly café nóng vừa tà tà lái xe về nhà để kéo dài thì giờ.
Hết đọc báo rồi xem TV, thỉnh thoảng chú lại liếc nhìn cái đồng hồ treo tường mong đến giờ để đi đón cháu. Chú thầm nghĩ: “Con nít bây giờ sao sướng quá, đầy đủ quá đến dư thừa. Một đứa bé con đi học mà bao nhiêu người theo phục dịch, không như ngày xưa thuở mình đi học.”
Thuở chú đi học (1952) trẻ con bảy tuổi mới được nhận vào học lớp vỡ lòng (lớp năm), bây giờ là lớp một. Làm gì có lớp mẫu giáo, hoặc lớp mầm, chồi, lá, như ngày nay! Trẻ con đa số thiếu ăn, bảy tuổi nhưng đẹt ngắt, tay chân nhỏ xíu, nhìn chúng chỉ thấy cái đầu to và mấy cái răng cửa to tướng mới thay hoặc cái hàm răng súng.
Khi chú lên sáu tuổi, chú được ba dạy đánh vần nhờ cuốn “Vần Quốc Ngữ”. Học trò nào cũng bắt đầu đi học với quyển vần nầy. Quyển sách kế tiếp là cuốn “Quốc Văn Giáo Khoa Thư”, cũ mèm, rách bìa, sút gáy, thằng anh học xong để dành lại cho đứa em.
Sinh trưởng ở nhà quê, trẻ con từ nhỏ đến lớn chỉ biết chơi đùa, quanh năm ở trần đi chân đất, suốt ngày bận rộn mò ốc,bắt cua, câu cá. Bây giờ phải chuẩn bị đi học, đối với nó đi học như là một cơn ác mộng, một cuộc phiêu lưu xa vời.
Trước ngày tựu trường ba đem nó ra sông, tự tay ông tắm nó bằng xà bông “Cô Ba” thơm phức, chà xát, kì cọ từ đầu đến chân rất kỹ lưỡng. Ba dùng cái kéo cắt sạch móng tay móng chân rồi dùng miếng xơ dừa và trái khế Tàu chà xát cho sạch sẽ cáu bẩn. Nó thắc mắc hỏi ba:
“Làm chi kỹ lưỡng vậy ba?”
Ông cười xoa đầu nó nói:
“Ngày đầu đi học mà con, con phải được chuẩn bị đàng hoàng tử tế chớ.”
“Đi học làm chi vậy ba?”
“Đi học để con biết chữ nghĩa, biết đủ thứ mà dân làm ruộng làm vườn như ba không biết.”
“Biết để làm chi vậy ba?”
“Ờ.. ờ..Thì để mình giỏi, không bị dốt, đầu óc mình khôn… để mình làm được mấy chuyện lớn”
“Làm chuyện lớn là làm chuyện gì vậy ba?”
“Thì..để làm thầy Giáo, thầyThông, thấy Ký, làm Bác Sĩ, Kỹ Sư, làm thầy Kiện...”
“Làm chuyện lớn làm chi hả ba?”
“Ờ.. thì..ờ..để giúp mình trước rồi giúp..ờ… bà con mình, giúp luôn làng xóm, giúp hết cả nước, để mọi người thương mình, quí trọng mình.
“Vậy hả ba. Học có khó không ba?
“Có khó khăn gì đâu nếu con muốn và chịu khó, nhưng phải chuẩn bị. Ba biết con dư sức làm được hết mấy cái chuyện nầy. Ba đang chuẩn bị cho con coi bảnh nhất, học giỏi nhất, và khi lớn lên không thua ai hết.”
Thằng bé đau khổ vì phải đi học nhưng trong lòng cũng thấy nôn nao. Nó nghĩ đi học để khi lớn lên mình sẽ giống như anh tư Liêm, con cậu Năm đi học trường Tây, hè nào ảnh cũng về chơi, mặc đồ Tây đeo kính mát, coi rất bảnh. Lớn lên mình giống như cậu Tư làm ông Đốc.
Sáng sớm hôm sau, trời vừa hừng sáng ba chú chèo ghe đưa chú ra chợ quận. Ông dẫn chú đến ông “thầy hù” để hớt tóc kiểu “đờ mi cua” (demi court). Muốn con nít ngồi yên, mấy ông thợ hớt tóc phải “hù” cho nó sợ, nên ông được gọi là “thầy hù”. Không biết sao thợ hớt tóc được kêu bằng “thầy”, nó thắc mắc. Ông có cái “tông đơ” (tondeuse) bóp bằng tay kêu lạch cạch và cái kéo xắp lách cách rất vui tai. Hớt tóc xong chú còn được xịt dầu thơm mát rượi sau ót, thơm phưng phức, sướng lắm!
Hớt tóc xong ba dẫn chú qua tiệm may của chị bảy Đầm. Vì chị suốt ngày không ra nắng nên trắng tươi như bông bưởi. Chị bắt chú dang tay để chị lấy ni, đo vai, đo bụng, để may hai cái quần “xọt” (short) màu xanh nước biển và hai cái áo “sơ mi” bằng vải “pô-pơ-lin” trắng (popeline). Quần xọt có hai cái túi hai bên để xọt tay vào, chú nghĩ, tại vì vậy mà nó có cái tên quần “xọt”, khác với quần “xà lỏn” mà chú đang mặc, không có túi để xọt tay vào.
Rồi ba dẫn chú ghé tiệm tạp hóa chú Thìa mua cuốn tập “đờ voa” (devoir) 50 trang, cây bút chì, cục “gôm”, một bình mực tím với cây viết mực ngòi viết lá tre và cây thước vuông. Ngày nay không ai biết xài cây thước vuông. Nó được dùng để kẻ lằn trên tập “đờ voa” để học trò tập viết, tập đồ cho ngay hàng thẳng lối, nên còn còn được gọi là cây thước kẻ. Ba còn mua cho nó đôi giày “săn đan” (sandale), và cái mà chú thích nhứt là cái “cặp táp”(cartable). Thuở ấy không có túi đeo lưng nên má kết cái quai bằng vải cho chú có thể đeo nó lên vai cho hai tay được rảnh để lần tay vịn khi đi qua cầu. Chú thích nó đến nỗi đêm nào cũng ôm nó vào giường ngủ, mong đến ngày đi học để được đem khoe.
Vốn đầu tư ban đầu cho quá trình học vấn của chú chỉ vỏn vẹn có chừng ấy, quá khiêm nhường so với con cháu Cristine bây giờ. Quần áo đầy mấy cái tủ, đồ chơi búp bế đầy phòng, lan tràn đến garage, phòng khách, Mỗi năm phải đem cho từ thiện. Đó là chưa kể đến các đồ điện tử đắt. tiền, I pad, máy game, keyboard…
Ngày tựu trường chú được mặc quần xọt xanh áo sơ mi trắng bỏ vô quần, mang dép mới, tóc hớt cao ráo. Vai đeo cập táp, sạch sẽ thơm tho chú được ba dẫn đến trường ngày đầu tiên đi học. Ba gặp ông “Đốc”là cậu ruột của chú, và được ông dẫn vào lớp học giao cho thầy giáo Ngọc. Chú ngạc nhiên nhìn sửng mấy chục cái đầu đen lố nhố. Chưa bao giờ chú thấy nhiều trẻ con như vậy cùng một lúc.
Chú hãnh diện thấy mình bảnh nhất, sáng chói giữa đám học trò nhà quê lem luốc, nhưng chú vẫn ghì chặc tay ba, sợ ông sẽ bỏ chú bơ vơ giữa cái thế giới xa lạ nầy. Chú nhìn ông, nước mắt rưng rưng như muốn van xin. Nếu có má ở đây chắc chú đã chạy ù đến ôm má và đòi được về nhà chơi với con chó Mi Nô quen thuộc, không thèm đi học nữa. Thà “dốt” ở nhà đi câu cá, bắn chim còn thích hơn đi học. Ba chú hình như cảm nhận được cảm giác cô đơn lạc lõng của con, vò đầu chú và bảo:
“Có ba đây con đừng sợ, vài bữa rồi sẽ quen. Tan học ba đón con về”
Rồi ông nới lỏng bàn tay, đẩy chú vào lớp học. Chú lạc loài, ngỡ ngàng bước vào một thế giới mới lạ.
Ở nhà quê, nông dân đi ngủ sớm và thức sớm khi gà vừa gáy hiệp đầu. Má thức dậy nấu cơm cho cả nhà ăn sáng, phần cơm dư ba vắt trong cái lụa mo cau để đem theo ăn trưa. Trời vừa hừng sáng, ba đã chèo ghe đi làm, có khi má ẵm em đi theo. Chú ở nhà một mình bên ánh đèn leo lét của cái đèn dầu “hột vịt” đợi cho trời sáng.
Khi mặt trời mọc khỏi ngọn cây bên kia sông là lúc chú đi học. Vào “tháng 10 chưa cười đã tối” mặt trời mọc trể nên chú phải đi học khi trời còn tối, sương đêm còn rơi lộp độp trên các tàu lá chuối. Đường đi tối thui. Nghĩ đến đoạn đường dài tới trường mà ngao ngán. Đứa bé nhỏ xíu, tay ôm cặp tay xách đôi giày, một mình lội bộ đi học trên bốn năm cây số đường làng!
Khi đi qua mấy cây cầu cau, chú treo giày trên cổ để rảnh hai tay lần theo tay vịn qua cầu. Nhiều hôm trời mưa người ướt như con gà con té mương, cầu lại trơn trợt khó đi, chú phải lần từng bước một mà qua cầu. Sợ nhất là đi qua những cây cầu không có tay vịn, phải bò, nếu không khéo trợt chân rớt xuống mương như chơi. Nhiều hôm về đến nhà áo quần lem luốc bùn sình vì “chụp ếch” trên đường.
Trên các sông rạch lớn lớn thân cây không đủ dài để bắt qua sông nên cầu phải có cột chống ở giữa, làm bằng thân cây xóc chéo nên được gọi là cầu chéo (tréo). Con nít ít đứa nào dám qua cầu chéo mà không có người dẫn. Cầu bắt rất cao để ghe thuyền có thể chui qua bên dưới nên cheo leo, run rẩy khi có người đi qua lại. Khi con nước lớn đầy sông, chú không ngại qua cầu vì nếu lỡ có té xuống sông chú có thể lội đến bờ, cùng lắm là uống vài ngụm nước bùn, không sợ bị chết đuối. Nhưng chẳng may gặp lúc nước ròng chảy xiết, và nhất là lúc nước cạn, nhìn xuống đáy sông sâu thâm thẩm, chú sợ lắm, quíu cả chân, phải ngồi ở đầu cầu mà đợi cho đến khi có người đến để nhờ “quá giang”.
Có hôm chú phải đợi quá lâu nên đi học về trễ, bị ba vặn hỏi, đành phải khai sự thật. Hôm sau ba đến gặp cậu hai Cang nhà ở đầu cầu tréo để nhờ cậu dẫn giùm. Cậu lúc nào cũng thấy ngồi trước nhà chẻ tre đan thúng rổ để bán nên khi cần giúp, chú chụm hai tay làm cái loa mà réo “Cậu Hai ơi..” là được cậu cõng qua cầu.
Những buổi sáng mù sương, chú sợ nhất là khi đi qua khu vườn nhà ông “Cù”, cây cối dầy đặc lù mù trong sương mai. Có mấy cái mả hoang lổng chổng bên đường. Người ta đồn nơi nầy có ma. Con nít nào lại không sợ ma? Chú phải đứng đợi có người đi chợ sớm để đi theo. Có một hôm đợi hoài cả buổi vẫn không thấy ai, chú quyết định quay về nhà không thèm đi học nữa. Thà bị đòn còn hơn bị ma cho ăn đất sét. Người to nói ma nó bắt người dẫn vô mả, cho ăn bánh, nhưng khi tìm ra thấy miệng đầy đất sét! Về đến nhà, chú phập phồng lo sợ ba về thế nào cũng bị đòn vì tội bỏ học. Nhưng ba chẳng những không đánh đòn mà con dạy chú cách bắt ấn trừ ma quỉ! Ông nói:
“Con thấy hôn, ba đi tối về khuya, có ma nào dám đến gần đâu! Ba dùng bùa lổ ban đó. Có hôm có con ma dử, muốn thử bùa của ba, men men lại gần cách ba một thước, nó té ngữa chết tươi, hai chân giãi đành đạch!
Chú le lưỡi.
“Bộ bùa hay vậy sao ba. Ba dạy con đi.”
“Đâu có được. Bùa nầy kỵ nhứt là con nít bỏ học. Học bùa nầy mà bỏ học là bị khùng liền!”
“Thì con không bỏ học nữa.”
“Vậy thì được, con hứa không bỏ học thì ba mới dạy cho”. Chú hứa ngay không cần suy nghĩ.
Hôm sau khi đến vườn ông Cù chú đem bùa ra xài thử, bắt ấn trừ ma như ba chú đã dạy.
Dí đầu ngón tay cái vào chân ngón tay áp út và nắm bàn tay lại thật chặt để “bắt ấn” chú nín thở, cấm đầu chạy vù qua khỏi khu vườn tâm tối. Mà bùa hay thật, ma quỷ sợ bùa, có con ma nào dám chạy theo đâu!
Chú dạy bùa nầy cho mấy đứa bạn trong lớp cũng sợ ma như chú. Tụi nó đều làm thử và không đứa nào thấy ma hết trọi! Tụi nó xầm xì với nhau, “Thằng Chín nó có bùa tụi bây ơi!” Nhờ vậy chú nổi tiếng quá trời!
Đi học ngại nhất là mùa mưa, có khi mưa dầm mấy hôm không dứt. Ra đường thì bị ướt mưa, đường xá thì lầy lội trơn trợt khó đi. Mà ở nhà thì cả ngày chỉ ngồi co ro trên cái chổng trước nhà, nhìn mưa rơi nổi bong bóng và nhìn đám cá thòi lòi nhảy lông chông đến tận thềm nhà để kiếm mấy con trùng, con dế ngộp nước trồi trên mặt đất để ăn.
Khi mưa to như vậy học trò thường nghỉ học, nhưng ba chú có khác. Ông gắn lên ghe cái mui bằng lá chằm để chú ngồi rồi chèo ghe dưới mưa đưa chú đi học. Thà ông nghỉ làm một hôm chứ không để con nghỉ học một ngày. Thà ông bị ướt chứ không để con dầm mưa.
Rằm tháng Mười ngày nước rong lớn nhất trong năm, mực nước lên rất cao ngập lênh láng sân trường, đường đi, ngập cả các bờ mẫu trên đường về nhà. Khi nước rút để lại lớp bùn nhảo nhẹt, vừa trơn vừa dơ. Trẻ con phải lội lỏm bỏm trong nước, nhiều đứa sụp lổ chân trâu té nhào ướt hết quần áo, phải bỏ học đi về nhà, vừa đi vừa khóc. Nhưng chú thì lại thích mấy ngày nầy vì được ba cõng đi học. Ông khom lưng để chú hót lên, bá cổ ba vừa cười khúc khắc. Chiều tan trường đã thấy ông đứng đợi trước lớp để cõng con về, sợ nó lội nước lạnh chân.
Con nít trong làng thỉnh thoảng được bỏ học ở nhà giúp cha mẹ trong mùa cấy gặt, hoặc đi lùa vịt chăn trâu, có vẻ vui lắm. Còn chú thì phải đi học quanh năm. Chú than phiền với ba thì ông bảo: “Được rồi, con nghỉ học thì cũng được, đâu còn cần xài cặp táp và mặc đồ Tây, ba lấy lại cho thằng Út con chú Năm chịu không?” Dỉ nhiên chú không chịu và không còn đòi nghỉ học ở nhà chăn vịt nữa.
Trường học thuở ấy học hai buổi mỗi ngày, trưa nghỉ cho thầy giáo về nhà ngủ trưa. Trẻ con ở chợ về nhà ăn cơm, còn chú vì nhà xa nên được má dàn xếp ăn cơm trưa ở nhà anh Tư, người anh bà con ở gần chợ. Anh Tư có đứa con trai học cùng lớp với chú. Ngày nào nó đi học cũng có ba nó xách cái roi theo sau. Có hôm trở chứng nó không chịu đi nên bị ba nó “đét” vào mông. Càng bị đòn nó càng lì, hai tay ôm cứng cái cột nhà, nhứt định không buông ra. Má nó nóng ruột can “ Bộ anh định đánh cho nó chết phải hông?” Ba nó sau cùng phải chịu thua và cầu cứu đến chú. Dễ ợt, chú ghé mỏ, rù rì vào tai nó mấy câu. Mắt nó sáng lên, buông cái cột nhà rồi xách cặp đi học, dưới cặp mắt ngạc nhiên sững sờ của ba má nó. Hôm sau ba nó theo hỏi nhỏ chú:
“Chú nói cái “dì” mà thằng Phước nó chịu đi học “dậy”?”
“Thì em biểu nó đến trường em cho nó coi con dế than em mới bắt”.
Chú có hai con dế, một “than” một “lửa”, nhốt trong hai cái hộp diêm quẹt, đang gái re re trong “cập táp”. Nó nghe tiếng dế gáy nên chịu đi học ngay để được coi con dế. Chú dẫn nó đi học, cho nó “cộp dê” bài vở, trưa về nhà, ăn cơm xong chú dạy nó học bài. Ba nó thích lắm gọi đùa chú là “thầy Chín”! Bảy tuổi được làm “thầy”, chú sướng lắm, cho đệ tử luôn con dế lửa bị cắn cụt một chân khi đá với con dế than. Chắc đó là cái điềm cho biết sau nầy lớn lên chú sẽ làm nghề dạy học.
Chú rất nể nang ba của chú. Ông nói gì chú cũng nghe ngoại trừ một chuyện mà chú âm thầm chống đối cho đến cùng, đó là phải mang giày đi học. Đôi giày làm chú khó chịu, đau chân, lại trơn trợt khó đi. Mùa mưa giày bị dính sình nặng ịt, thỉnh thoảng phải cởi giày dùng cành cây cạo gỡ. Hơn nữa, chú “mắc cỡ” vì mình không giống ai trong lớp. Học trò cả trường đều đi chân đất. Chỉ có ông Đốc là mang giày Tây. Thầy giáo còn mang dép. Hôm nào trời mưa ông máng đôi dép trên ghi đông, đạp xe bằng chân không. Khi đến trường ông mới bỏ dép xuống đất mà mang.
Chú không dám cãi ba, nhưng khi ra khỏi nhà chú cởi giày cột bằng sợi dây chuối rồi xách tòn ten trên tay. Khi về đến nhà, chú bỏ giày xuống đất mang vào nhà. Chân cẳng bùn đất đen thui, làm sao gạt ba chú cho được, nhưng ông không nói gì. Mấy hôm sau, ông cất đôi giày của chú mất tiêu! Mừng húm! Chú đâu có đòi gì quá đáng đâu? Chỉ muốn giống ba thôi! Có bao giờ chú thấy ông mang giày dép gì đâu, ngoại trừ khi ba đi ra tỉnh hoặc đi ăn đám cưới!
Từ hôm ấy chú chánh thức được chấp nhận được đi chân đất. Không biết có phải tại vì chú đi chân đất lúc còn bé nên bây giờ chú gặp khó khăn khi chọn giày để mua, phải tìm cỡ WW (Extra Wide). Chân chú hình vuông, mấy ngón chân xòe ra như bàn tay xòe vì phải bám các ngón chân xuống đất bùn mà đi trên đường trời mưa trơn trợt.
Trường làng rất thô sơ, gồm ba dãy nhà vách cây mái lá, xếp thành chữ U, lớp học ở hai bên, giữa là văn phòng ông “Đốc”. Má chú kể lại có lần Tây “ruồng” bắt hết trai làng trói ké với tội là Việt Minh. Nhờ cậu xổ tiếng Tây rôm rốp với quan Hai nên trai làng được thả hết.
Sát phòng ông Đốc có một gian trống, có treo cái trống chầu. Đám con nít đang chạy nhảy lung tung, la hét om sòm trong sân trường, ồn ào như ổ ong vò vẽ, nhưng khi nghe ba hồi trống là chúng cong đuôi chạy về sắp hàng trước lớp, nín thin thít, rồi nối đuôi nhau như đám vịt con lon ton vào lớp. Trong lớp học có hai dãy bàn, mỗi bàn ngồi bảy tám đứa. Muốn ngồi rộng phải thúc cùi chỏ lẩn nhau để chen lấn chỗ.
Thuở ấy tinh thần “Quân, Sư, Phụ” còn cao, học trò sợ thầy còn hơn sợ cọp. Trên bàn thầy có cái roi mây và cây thước khẻ. Tội nhẹ bị “khẻ” vào bàn tay. Tội nặng bị “ăn” roi mây vào đít. Đứa nào bị thầy gọi lên bảng đen là coi như tới số, hồn vía bay lên mây, thuộc bài cũng quên ráo trọi. Nếu loạn quạng là bị đét vào mông, có đứa nhảy lưng tưng, có đứa hai tay ôm mông, nước mắt chải dài trên má nhưng không dám khóc. Sau cái bảng đen lú nhú mấy đứa bị quì gối. Bị quì lâu, đứa uốn éo thân mình vì mỏi lưng, đứa nhỏm lên nhỏm xuống vì đau đầu gối! Có lẽ nhờ chú là cháu ruột của ông “Đốc” nên không bị đòn hoặc bị quì gối bao giờ lại được mẹ tâng bốc nên chú tưởng mình giỏi thật! Khi học cửu chương chú đọc bài vang vang đến bên kia sông còn nghe rõ mồn một:
“Hai lần một là hai, hai lần hai là bốn, hai lần ba là sáu…...”
Cho đến cửu chương chín:
“Chín lần một là chín, chín lần hai mười tám, chín lần ba hăm bảy…”
Học hết lớp ba chú tốt nghiệp trường làng, phải đi học trường tỉnh. Hết trường tỉnh chú đi học trường ở Sài Gòn. Sau đó đi học trường bên Mỹ.. và cuối cùng đi học trường đời. Cái trường nầy khó nhất, học hoài không hết, càng học càng dốt.
Cái vốn đầu tư ban đầu cho quá trình học vấn lâu dài của chú chỉ có cục xà phòng “Cô Ba”, cái cập táp, và hai bộ đồ mới mà ba chú đã sắm sửa cho chú ngày đầu tiên đi học. Tuy vật chất đơn sơ nhưng giá trị vô song của nó là ở sự quan tâm, khích lệ của người cha tuyệt vời, đã ảnh hưởng đến tâm lý đứa trẻ suốt đời.
Chú nhớ hoài lời ba chú nói:
“Ba muốn con bảnh nhứt, học giỏi nhất và khi lớn lên không thua ai hết”.
Ba chú đã trang bị cho chú vào đời bằng con đường học vấn. Ông đã mở rộng trước mắt chú một hướng đi, cho chú lòng tự tin ở chính mình và một ước mơ để thành đạt. Đây là những trang bị vô giá cho cả cuộc đời, mà cho đến ngày hôm nay, tuy tuổi đã trên bảy mươi, chú vẫn còn sử dụng.
Biến cố 1975 đã đưa đẩy hàng triệu người Việt Nam định cư khắp nơi trên thế giới. Ở bất cứ nơi nào, các học sinh gốc Việt đều vượt trội học sinh các sắc tộc khác. Tinh thần hiếu học và truyền thống giáo dục Việt Nam đã góm phần lớn cho sự thành công nầy, và đó là niềm hãnh diện của cộng đồng người Việt hải ngoại.
*
Ba ơi, con cám ơn ba, người cha mộc mạc, quê mùa. Những gì ba dạy muôn đời vẫn còn giá trị dù bất cứ ở nơi đâu, ở thế hệ nào..
Chúng con đang tiếp tục đi trên con đường mà ba đã mở, đã được bốn thế hệ rồi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét