khktmd 2015
Chủ Nhật, 25 tháng 9, 2016
Phật Tử làm gì trước hiện tình rối ren của GHPGVNTN? - Tác giả Trần Xuân Ninh
Chủ đề “Người Phật tử làm gì trước hiện tình rối ren của GHPGVNTN?” quý vị thấy có ba câu hỏi được đặt ra là:
1. Tại sao GHPGVNTN ngày càng xa rời Tăng Ni và quần chúng Phật tử?
2. Có phương cách nào để mang “những người có lòng với Giáo Hội” cùng ngồi lại?
3. Hình thái tổ chức nào để xây dựng một Giáo Hội bền vững mai hậu?
Đây là một vấn đề lớn với những câu hỏi hướng dẫn thảo luận cụ thể. Trong phạm vi 15 phút mở đầu ban tổ chức cho phép, tôi xin đưa ra vài nhận định, hy vọng có thể đóng góp phần nào cho sự thảo luận.
Trong Chiến quốc sách kể chuyện Đàm Thập Tử khuyên Mạnh Thường Quân có câu nói đại khái là: Chợ buổi sáng thì đông người, chợ buổi chiều thì vắng vẻ, không phải buổi sáng người ta yêu chợ, buổi chiều người ta ghét chợ. Chỉ vì lẽ còn nhu cầu mua bán thì người ta đến chợ, hết nhu cầu thì người ta không đến chợ.
Hiểu rạch ròi sự việc như vậy thì trong chốc lát và trong tương lai, tôi nghĩ chúng ta sẽ đề ra được vô số những cái mà người đi chợ (mà ở đây gọi là những người có lòng) cần, và xếp đặt bầy biện ra sao (hình thái tổ chức) để lôi kéo họ đến. Nhưng tôi xin mạo muội nhìn vấn đề hơi khác, mà mục đích cũng là để giải quyết tình trạng rối ren trong GHPGVNTN, trước khi đi vào chọn lựa các món hàng và cách bầy biện.
Bài trình bày của tôi sẽ gồm hai phần: 1) Sự rối ren do đâu mà có, và có thể tránh được không? 2) Nguyên tắc giải quyết rối ren ra sao? Tất cả lý luận của tôi đều dựa trên nền tảng sự hiểu biết Phật pháp, với tinh thần như thị.
Hịện tình rối ren của GHPGVNTN từ đâu mà có?
Phật giáo, tự bản chất, không mang tính tổ chức. Mối liên hệ gắn bó giữa tăng sĩ với nhau và với Phật tử là liên hệ thầy trò, huynh đệ, cùng chung một mục tiêu cứu khổ cho mình và cho người, mà phương tiện là thực hành Phật pháp (tức là tu). Tùy theo cách nhìn, góc nhìn, hoàn cảnh, và khả năng nhận định Phật pháp mà có những cách thi triển Phật pháp khác nhau, mà con số theo kinh sách là 4 vạn tám ngàn pháp môn. Theo tôi, đây chẳng qua là con số tượng trưng để cho thấy rằng phương cách tu tập là nhiều vô hạn.
Phật giáo tại VN cũng không khác. Các môn phái rất nhiều và phương cách tu hành cũng thế. Tuy nhiên có một điều hết sức đặc biệt tại Việt Nam, là có một tông phái Phật giáo mà sự hiện hữu và tu hành gắn liền với lịch sử dân tộc, cho nên tôi gọi là Phật giáo Việt nam. Trong tông phái này, yếu tố giải khổ cho mình (cá nhân) không tách ra khỏi yêu cầu cứu nạn cho dân tộc (tha nhân). Những nét điển hình của tông phái này bắt đầu từ vua Trần Nhân Tông, người kể là sáng tổ của thiền phái Trúc Lâm Yên tử. Khi quân Nguyên với sức mạnh quân sự vũ bão xâm chiếm nước ta, phản ứng có ba loại: Một là đầu hàng giặc để được yên thân, yên nhà; hai là chống giặc để giữ gìn phẩm giá dân tộc, bảo vệ toàn vẹn đất nước - cách này đòi hỏi những hy sinh xương máu; ba là chấp nhận tai ương nhục nhã nhưng lánh đời, bằng mũ ni che tai, bằng tụng kinh niệm Phật, ngụy biện rằng: thôi thì tha thứ cho sự bạo tàn của giặc, ngụy giải rằng tai ương giặc đem tới là cái nghiệp phải gánh của mình, để hy vọng đời sau được giải thoát. Vua đã không chọn cách đầu, không nhận cách thứ ba, mà chọn cách thứ hai. Nhưng vua đã không chỉ nhân danh quyền vua, để gọi là ra lệnh chiến đấu. Ngược lại vua cho hỏi ý mọi người dân bằng hội nghị Diên Hồng để xem dân có chịu liều thân chọn khổ đau hy sinh để sống cho ra sống hay không. Câu trả lời chúng ta đã biết rồi. Và người VN đã viết nên hùng sử trong 50 năm liền, quân Nguyên bách chiến bách thắng trên toàn thế giới nhưng đã bị khuất phục ở nước Nam. Người về sau này được giáo dục theo Tây phương đã cho rằng đó là tinh thần Dân chủ, mà thực sự là xã hội Tây phương chưa thi hành vào thời nhà Trần ở nước ta (trừ thời tiền cổ 5 thế kỷ trước Thiên chúa, ở thành phố Athens). Thái độ nhà vua chỉ là tinh thần không phân biệt ta với người của Phật pháp trong cách ứng xử. Nói khác đi, giải quyết vấn đề không phải chỉ vì mình, cho mình mà còn cho người. Cũng có thể nói rằng đó là phong thái đức Phật đã theo để giáo hóa con người: ta chỉ đường, còn các ngươi chọn đường. (Khác hẳn với nhiều danh nhân danh tướng trên thế giới từ đông sang tây mà quyết định lập công dựa trên tham vọng của cái ta để khiến có câu rằng “nhất tướng công thành vạn cốt khô”. (Một tướng thành công, một vạn bộ xương chết khô).
Xin nhắc lại rằng ngoài Trúc Lâm Yên tử đặc thù của Phật giáo Việt Nam như đã nói trên, tu hành có vô số cách. Người Việt Nam nói chung không tách rời Phật giáo ra khỏi Khổng và Lão giáo, không phân biệt rạch ròi Trời Phật Tiên Thánh. Trong sách vở dùng ở trường cũng như trong các hướng dẫn của phụ huynh chỉ dạy phong cách sống luôn luôn có đủ mầu sắc Khổng Lão Phật. Trong các chùa thì tụng kinh niệm Phật nhưng cũng có xin sâm đoán quẻ cầu tài cầu phúc. Chùa nói chung được nhìn như chỗ lánh đời cho những người thất bại, thất tình tìm quên.
Tính tổ chức của Phật giáo Việt Nam.
Cái tinh thần tích cực nhập thế của Phật giáo Việt Nam, gắn kết hạnh phúc cá nhân với lợi ích dân tộc của tông phái Trúc Lâm Yên tử của vua Trần Nhân Tông đã được phục hồi với đức Phật Thầy Tây An Đoàn Minh Huyên, tại Thất Sơn Châu Đốc, vào năm 1849 khi dựng nên đạo Phật Bửu Sơn Kỳ Hương trên nền tảng học Phật tu Nhân, tức là noi theo giáo lý Đức Phật mà tu sửa con người, tích cực thực hành thuyết "Tứ ân", đó là: Ân tổ tiên cha mẹ, Ân đất nước, Ân Tam bảo và Ân đồng bào nhân loại. Đạo Phật Bửu Sơn Kỳ hương có thể nói là hình thức tổ chức đầu tiên của Phật giáo vì người đến quy y được cấp cho một tấm giấy màu vàng có ghi bốn chữ "Bửu Sơn Kỳ Hương" màu son. Bửu Sơn Kỳ Hương đã được dựng nên vào giai đoạn đất nước nhiễu nhương, chiến tranh, các giá trị băng hoại, hệ quả của thời kỳ Trịnh tàn Lê mạt Nguyễn suy và Tây Sơn diệt Thanh. Chiến tranh tuy chấm dứt bởi vua Gia Long năm 1802, nhưng lòng dân thì chưa yên đất nước nghèo khổ và loạn lạc tứ phía, thêm vào đó là bị sa vào vòng mâu thuẫn tôn giáo và chính trị thời Minh mạng, Thiệu Trị, Tự đức do Tây phương mang tới. Đạo Bửu sơn Lỳ hương đã phát triển mạnh một giai đoạn ngắn 7 năm nhưng không tiếp tục được sau cái chết của đức Phật Thầy năm 1856. Những đệ tử (10 người) đã không đủ khả năng nối nghiệp Phật Thầy.
Trong thời hiện đại, tính tổ chức của Phật giáo được khởi động bởi bác sĩ Lê Đình Thám và các hòa thương miền Trung với Hội An Nam Phật học ra đời, năm 1932, trụ sở là chùa Từ Đàm. Tại miền Bắc, Tổng hội Phật giáo Bắc Kỳ thành lập năm 1934, trụ sở tại chùa Quán Sứ. Năm 1945, khi Hồ chí Minh và đảng CS chiếm quyền với chủ trương tam vô, tôn giáo bị đàn áp. Phật giáo nằm yên bất động nếu không muốn nói là bị trấn áp. Vài tăng sĩ được xử dụng như là đại diện cho Phật giáo Việt Nam lập ra, để đóng vai trò một tổ chức quần chúng trong Mặt Trận Tổ quốc của Việt Cộng.
Do thực tế chính trị, tại miền Nam, Phật giáo nói chung phát triển hơn. Nhưng tình hình chính trị VNCH đã trở thành phức tạp với cuộc chiến gọi là giải phóng miền Nam do Hồ chí Minh mở ra năm 1960. Những nhân tố xã hội, địa phương, tôn giáo cũng như chính trị đều được các đối thủ CS, quốc gia, ngoại quốc (Mỹ), khai thác mọi cách để len lấn, lũng đoạn cho những mục tiêu xa và gần (giai đoạn). Phật giáo là một địa bàn phân tranh. GHPGVNTN đã được thành lập tháng 1/1964, với 13 hệ phái khác nhau, sau mấy tháng liên tiếp biểu tình kể từ ngày Phật đản 1963 tại Huế đòi hỏi bình đẳng tôn giáo, và sau khi tổng thống Ngô đình Diệm bị giết trong cuộc đảo chính ngày 1 tháng 11/1963 được Mỹ khuyến khích và ủng hộ.
Với GHPGVNTN, tinh thần đạo pháp và dân tộc, gắn kết sự tồn vong của người dân và đất nước với đạo pháp lại được đề ra. Nhưng đã không có bao nhiêu kết quả. Sự phân rã đã xẩy ra trong giáo hội thành hai phe Ấn Quang và Việt Nam quốc tự, vì những nhân tố xã hội chính trị cũng như ngoại quốc len lấn lũng đoạn. Cho tới khi VC chiếm miền Nam năm 1975, GHPGVNTN bị sát nhập vào cái chậu cảnh Phật Giáo Việt Nam của VC. Nhưng việc không xong vì sự phản đối của một số tăng sĩ lãnh đạo giáo hội, đặc biệt là HT Thích Huyền Quang và HT Thích Quảng Độ. Ngài Huyền Quang đã mất. Ngài Quảng Độ trải qua mấy chục năm tù đầy, quản chế tại Vũ Đoài Thái Bình rồi sau cùng hiện nay bị cô lập trong Thanh Minh thiền viện mà sự liên lạc có được với bên ngoài là cầu may, nếu không nói là tùy theo VC.
Thành lập trong hoàn cảnh đất nước rối ren như vậy, GHPGVNTN không thể không có rối ren - như chúng ta đã thấy không lâu sau khi thành lập. Sự rối ren ban đầu và bây giờ có thể tránh được không? Nếu không thì người Phật tử đóng góp giải quyết cách nào?
Nguyên tắc giải quyết rối ren.
Như đã biết, giáo hội rối ren, vì đất nước rối ren. Sự rối ren trong giáo hội có những nguyên nhân chủ quan và khách quan. Chủ quan, về mặt nhân sự ngay trong giáo hội, nếu khả năng nhận định và lượng giá cá nhân là một yếu tố quan trọng để hành xử, thì tham sân si là một động lực tác hại quan trọng không kém. Về mặt tổ chức, khách quan có các nhân tố đối nghịch từ ngoài len lấn vào lũng đoạn. Các nhân tố từ ngoài này thuộc đủ loại, như thời thập niên 60, mà tóm tắt có thể chia làm ba loại: Mỹ, VC và quốc gia. Nhưng ngay trong quốc gia thì cũng có nhiều thành phần xu hướng chống chỏi nhau vì lợi ích phe nhóm. Theo tôi, ngày nay, tình hình có thể nói là còn phức tạp hơn, nhất là từ khi Mỹ trở thành đối tác của chế độ VC hiện tại. Sự phân loại đặc tính không còn là ba loại Mỹ, VC, quốc gia nữa. Mà là hai thành phần dân tộc và phi dân tộc. Những thành phần phi dân tộc, ngoài VC mà chúng ta đã thấy từ trước đến nay, còn có thể là những người kể là quốc gia. Những người này vì chịu ảnh hưởng nặng nề của lối suy nghĩ thời chiến tranh lạnh lưỡng cực CS và tư bản, cho nên lý luận và hành động đã trở thành phi dân tộc mà không hay. Chưa kể những kẻ thời cơ hành xử phi dân tộc chỉ vì một lý do nhỏ nhen là lợi ích cá nhân.
Tôi đã có thể đưa ra những nhận định như trên là vì có cái cơ duyên mà được biết những diễn biến hình thành GHPGVNTN tại hải ngoại và Hoa kỳ và sự thành lập văn phòng hai viện hóa đạo.
Trong mối tương quan đạo và đời của Phật Giáo Việt Nam từ thời Trần Nhân Tông, thì đạo là để phục vụ dân tộc chứ không đứng ngoài hay đứng trên dân tộc. Vì thế sau khi vua Trần Nhân Tông đi tu rồi, mà giặc Lào đến đánh thì đã bỏ tu về cầm binh đánh giặc tới khi giặc yên mới trở về am lại tu cho mình, tới lúc chết trong yên bình bên cạnh chỉ có một thị giả. Bởi thế, mỗi người Phật tử hành đạo (tu) là để giải khổ cho mình, nhưng một Phât tử tu theo Phật Giáo Việt Nam còn là cứu nạn cho dân tộc. Nói khác đi, người Phật tử Việt Nam không lánh đời. GHPGVNTN với tinh thần đạo pháp và dân tộc theo tôi hiểu thì là như thế. Nếu cái tinh thần này thực sự được coi là tối thượng và làm nền tảng cho lượng giá và hành động thì mọi rối ren đều có thể giải quyết, bởi mỗi cá nhân sẽ tự thấy không còn to lớn bao nhiêu nữa, để mà có thể hợp chung với nhiều đồng đạo phát triển Giáo hội phục vụ dân tộc. Tu trên nền tảng này thì dù chỉ một người cũng có sức mạnh vô địch bởi vì tinh thần vô cầu, vô úy. Mà đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ là gương trước mắt suốt mấy chục năm nay.
Trên nguyên tắc là thế, nhưng thực tế, làm sao thi hành? Cũng vẫn chỉ là áp dụng lời Phật dậy trước khi nhập niết bàn, là Phật ra đi nhưng còn Pháp, tức là còn nguyên lý chỉ đạo. Vì thế Phật mới được coi là hình ảnh ngón tay chỉ mặt trăng. Nhưng Phật cũng nói rằng đừng nghe lời ta chỉ vì coi ta là thầy, cũng đừng nghe theo ta chỉ vì thương ta, mà phải suy nghĩ, tìm hiểu đúng sai rồi mới hành động. Lời dậy này được tóm lại bằng ba chữ văn, tư, tu. Văn là nghe, tư là suy nghĩ và tu là thực hành, sửa đổi. Tất cả những điều này đều là chuyện khả thi vì chúng ta đang sống ở thời đại có đủ thông tin nhanh chóng và rộng rãi mọi nguồn, để mà đối chiếu so sánh và nhận định tìm ra kết luận. Trong trường hợp giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống nhất, với đủ mọi nhân tố phức tạp tác động, lũng đoạn như đã trình bầy ở trên, để ổn định giải quyết, chúng ta không thể đi ra ngoài nguyên tắc đã tạo nên cái sức mạnh nền tảng vô địch phá quân Nguyên, được phát huy từ thời Trần Nhân Tông. Đó là thi triển đạo pháp đúng mức và nghiêm chỉnh trên tinh thần đạo vì dân tộc, với những người Phật tử Việt Nam khiêm nhường đóng góp, người nào việc nấy, hợp với khả năng, bỏ công mà không kể, tốn sức mà không màng. Như thế, thì không đợi mà thành công tất đến, không tìm mà thân tâm an lạc.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét