khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Sáu, 12 tháng 8, 2016

VỀ NHÀ - Tác giả Dương Nghiễm Mậu



17.

Con đường đưa lên cổng trại đã hiện ra trước mắt. Người trẻ nhìn người tóc bạc. Người tóc bạc mỉm cười vẻ cam chịu. Một toán người đang từ con đường nhỏ đi lên. Một bà già, một cô gái, hai thanh niên thấp nhỏ, rớt lại phía sau một bé trai gầy ốm, bụng ỏng, da vàng, khuôn mặt già khô, kẻ mang người vác, hẳn đây là những cư dân trong vùng. Người đàn ông tóc bạc lên tiếng hỏi:

– Cụ ơi, chỉ giúp cho cháu đường ra bến sông…

Bà cụ đứng lại lặng im một lúc rồi mới trả lời như cố gắng để hiểu những âm thanh nghe được :

– Đi theo tôi…

Toán người đi trước, hai người đàn ông lặng lẽ theo sau. Không một lời trao đổi. Tới chỗ ngã ba, bà cụ già ngừng lại chỉ tay về phía trước:

– Đi thẳng đây tới bến  sông

– Cám ơn cụ.

Chưa kịp nghe hết lời cám ơn bà cụ và toán người đã rẽ vào con đường nhỏ phía tay trái, đằng xa, thấp thoáng sau những ngọn cây mấy mái nhà nhỏ. Người trẻ tuổi thốt thành lời: – Về nhà.
Người tóc bạc nhìn sang người bạn đồng hành:

– Về nhà?

– Tôi nói về toán người chúng ta vừa gặp. Họ trở về nhà với con đường quen thuộc. Tôi với anh cùng tìm đường trở về nhưng sự trở về của anh khác với chuyến trở về của tôi: những gì đang đợi?
Tiếng thở dài nghe lạnh buốt. Hai người cất bước mà trước mặt là một con đường thẳng. Người tóc bạc quay lại nhìn quãng đường phía sau:

– Từ đây đi ngược lên là trở lại trại 7. Nếu biết trước mình đi ngay từ đầu có khi đã tới bến sông. Cái cổng trại xa hút thế kia…

Người trẻ như nghe thấy tiếng ai nói trong đầu: đã ra khỏi cổng thì đừng nhìn lại nếu không muốn trở lại đó. Đi và không nhìn lại. Người thanh niên với những bước đi dài hơn, nhanh hơn…

18.

Từ đâu? Câu chuyện bắt đầu từ đâu? Tại sao lại như thế? Tại sao hàng triệu người nối nhau bước chân vào những nơi giam hãm? Tội gì? Mình có tội ư? Tiếng kẻng khua. Những củ sắn. Những đêm tối. Những ngày nắng lửa. Những đêm lạnh cóng run rẩy. Phảng phất những mảng nhỏ sáng tối nhòe nhoẹt. Những vạt màu chàm. Màu trắng nhoa nhuếch. Tiếng giọt nước rơi chậm đều trên tấm tôn han rỉ. Những chuyển đổi không ngừng. Đây là đâu? Vẫn là đất quê hương mình đó chứ? Không lẽ? Không nhìn để khỏi trở lại nơi ấy. Những người nơi khác cũng giống như thế? Những nơi khác. Những tên gọi khác. Trở về. Chuyến đi ngày nào còn ghi khắc…

Tiếng bước chân, tiếng mở khóa, tiếng cửa sắt kêu nghiến, tiếng xích sắt va đập vào nhau. Không khí khô đặc lặng câm. Từng bóng người rời khỏi những khuôn cửa sắt. Từng bước chân thoát nhanh khỏi những hành lang mờ tối. Nền xi măng cứng nham nhở. Những nét mặt như tượng đá. Hình như không có một cử động nào. Hình như hơi thở cũng được giữ lại…

Khoảng sân rộng, ánh sáng ngọn đèn vàng nhòe nhoẹt làm cho những khuôn mặt như giống nhau với chiều ánh sáng, chẳng thể phân biệt ai già, ai trẻ, ai trắng ai đen. Tất cả chỉ có một màu và những độ đậm nhạt khác nhau của ánh sáng…

Một giọng nói khô lạnh cất lên:

– Nguyễn Văn K … Nguyễn Văn X… ra ngoài, mang theo đồ…

Câu nói như ngắn lại. Đám đông lặng câm như bắt đầu cựa quậy. Vài bóng người di chuyển, ít tiếng nói không rõ, rì rào những âm thanh côn trùng. Không nghe thấy một lời trao đổi. Mấy bóng người di chuyển chậm chạp với bị cói trên tay…Tiếng cửa sắt rú buốt, tiếng xích sắt va đập, tiếng khóa…Những bước chân xa dần rồi mất hút. Những con mắt nào nhìn ra cửa theo những gót chân khuất ngoài hành lang. Ở xa, nơi cuối dãy nhà là khoảng sân xi măng. Bao nhiêu mắt đã nhìn và cố gắng ghi nhớ: mấy bóng người đã đi qua, ngoài những K. những X. là những ai đó đã từng gặp chưa hay chưa bao giờ gặp? Một giọng nói rõ, tỉnh táo: Chuyển trại, sắp thêm đợt mới.

Những tiếng động vang lên trên những hành lang trong khoảng thời gian ngắn rồi lặng im trở lại. Nghe như có tìếng một cành khô rơi gãy trên một mái tôn nào. Tất cả như khóa chặt, như vùi sâu, như hàn kín…

Trong khoảng sân xi măng từng người một lặng lẽ tập trung người trước người sau lần lượt xếp thành hàng. Đêm và những ngọn đèn vàng từ trên cao chiếu xuống. Trên mái nhà, trên những ban công những bóng đen với súng chĩa xuổng. Tiếng ho vang lên từ một người tượng nào?

– Nguyễn Văn K.

– Có mặt.

– Tên cha tên mẹ?

– Nguyễn Văn Q. Trần Thị L.

– Lê Văn Đ.

– Có mặt. Cha vô danh. Mẹ Nguyễn Thị B.

– Đặng Đình H.

– Có mặt. Cha vô danh, mẹ vô danh…

Tiếng gọi tên khô lạnh. Những giọng nói khác nhau. Có nhiều Nguyễn Văn Ba, Nguyễn Văn Tư… Thêm tên cha mẹ như một xác minh. Người ta phát hiện ra trong đám có cả trường hợp hai anh em ruột cùng đang ở đây. Có những người cha vô danh và những bà mẹ vô danh…

Khoảng sân đặc kín người. Có mấy tiếng ho. Có tiếng động như một cái lon sắt rơi xuống mặt sân cứng. Những người mặc đồng phục vây quanh không nghe một tiếng người.

Người đứng trên cao gọi tên với cuốn sổ cầm tay sau cùng đi xuống chỉ tay đếm từng hàng người, rồi những chiếc còng được mang tới, hai người chung một còng. Tiếng sắt, tiếng khóa liên tiếp vang lên. Người cầm cuốn sổ trở lại chỗ cũ, trong yên lặng tiếng nói vang lên rõ từng tiếng:

– Có ai hỏi gì không?

– Thưa cán bộ…

Một giọng nói yếu và hiền vang lên từ phía góc sân. Có một vài cái đầu động đậy như muốn nhìn về phía tiếng nói:

– Cái gì?

Im lặng một lúc, một cơn ho từ đâu đó.

– Tôi chưa có còng.

Người cầm cuốn sổ đi xuống, mấy người mặc đồng phục chụm đầu vào nhau. Trong đám người nghe như có tiếng cười ở chỗ nào đó.

– Yên lặng. Trật tự.

Tôi chưa có còng. Tôi không có còng. Tôi mất còng. Mọi người đều có còng sao mình lại không có còng. Lẻ loi quá, không có tình bầy đàn. Tôi không có còng, tôi không ở trong đám đông này, tôi bị gạt ra, loại ra khỏi đám đông này. Tôi phải có còng. Tôi ở trong đám đông này. Tiềm thức hoang dã bầy đàn? Tôi chưa có còng? Sao thế. Bao nhiêu nhà máy sản xuất súng đạn, bom mìn, xích còng đã được xây dựng? Phải xây thêm bao nhiêu nữa, sản xuất thêm bao nhiêu nữa cho ai cũng có còng? Chưa hay là không nhận ra một cái còng hay nhiều còng đã được đeo lên người, từ chân tới tay, từ đầu tới cổ. Bao nhiêu cái ách đã khoác lên vai như những con trâu con bò đang phải bước đi trên đường bùn lầy lội với cái cày nặng kéo theo. Tôi chưa có còng. Và khi nào: Chúng tôi chưa có còng? Cho tới lúc ai cũng có một cái còng, khi đó còng để làm gì? Một vật trang sức?

Lần lượt từng hai người chung nhau một cái còng kẻ tay trái, người tay phải bước lên xe. Thế là hai con người bổng trở thành cai tù của nhau. Một thằng muốn bỏ chạy ư . Làm sao chạy, cả hai cùng lòng chạy, nhưng kẻ cao người thấp, kẻ chân ngắn, người chân dài? Đâu phải chỉ những cái còng không bao giờ bị rỉ sét? Còn bao nhiêu sợi dây thừng, bao nhiêu sợi dây điện không hư được dùng để trói kẻ này với kẻ khác, thành một dây, thành một chùm.

Từng hai người một chung một còng bước lên rồi cùng ngồi xuống, sát bên nhau. Tất cả lặng lẽ, trật tự. Những cánh cửa sắt trên xe đóng lại. Sát cửa, hai người đồng phục súng cầm tay ngồi ngoài cùng với đôi mắt như không động đậy và da mặt khô cứng. Tấm bạt nhựa kéo lên phủ kín. Kẻ không có còng lặng lẽ và chậm một mình bước lên xe sau chót. Tiếng còi ré lên, đoàn xe nổ máy rời khu trại lao vào đêm tối…



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét