Khoảng thời gian sau Tháng Tư năm 1975 bỗng nhiên có hai chữ xuất hiện mà tôi nhớ là trước đó không nghe thấy bao giờ: “tiếng U.” Sau một hồi, tôi hiểu đó là những tiếng láy cho đi sau để hai chữ “tiếng Anh” khỏi cô đơn trên con đường tị nạn. Hai tiếng này luôn luôn được nghe thấy trong những câu than thở của nhiều người về cuộc sống mới trên nước Mỹ, và cũng có thể ở luôn cả Canada hay Australia, hay ở những nơi nói tiếng Anh mà người Việt tị nạn tới sinh sống. Thường thường là trong một câu đại khái than thở là bị đẩy vào một môi trường mà ngôn ngữ không thông thạo, ăn nói khó khăn, người bản xứ nói mình không hiểu, mình nói người ta lại càng không hiểu vì một chữ tiếng Anh tiếng U cũng không có trong đầu…
Như vậy, hình như không hề bao giờ có một thứ ngôn ngữ nào tên là tiếng U. Nhưng gần đây, tôi tin là có một thứ tiếng có tên là tiếng U thật. Nó mơ hồ, dường như cũng họ hàng xa gần đâu đó với tiếng Anh nhưng nhất định không phải là tiếng Anh.
Lang thang một hồi nó cùng đến Việt Nam với tiếng Anh lúc nào không biết. Và như để trả thù cho việc tiếng Anh bị thù ghét vì bị coi là tiếng của đế quốc nên cần phải bị tận diệt sau khi nón cối dép râu tiến vào Sài Gòn. Những tủ sách tư nhân có cuốn sách nào viết bằng tiếng Anh đều bị ném hết vào ngọn lửa phần thư hay dùng làm giấy gói xôi, miếng thịt, con cá… cho bằng hết. Luôn cả những bộ tự điển, những cuốn bách khoa Britanica cũng cùng chung những cái chết nghiệt ngã đó. Ngay cả những cuốn sách để học tiếng Anh của nhà xuất bản Longman mà tôi dùng trong suốt bao nhiêu năm thời trung học cũng ra đống rác hết. Sợ rắc rối, ông ngoại các cháu phải thuê hai chuyến xe ba gác mới thanh toán hết đống xà bần tôi để lại ở nhà…
Mấy chục năm nay, ở Việt Nam người ta bỏ tiếng Nga để quay sang học tiếng Anh nhưng càng học tiếng Anh thì lại càng ra tiếng… U. Y hệt như “cha em trồng khoai lang, đào lên thấy khoai mì… thật là điều vô lý…”
Tiếng U cứ tự động nhẩy ra không chỉ ở đầu đường xó chợ, mà còn từ lỗ miệng của Nguyễn Xuân Phúc, thủ tướng chính phủ khi chàng hồn nhiên hô hào phát triển các sản phẩm “MA ZÊ IN ZIỆC NAM.” Người ta sính tiếng Anh đến độ đâu không cần cũng lôi tiếng Anh vào. Trên các thực đơn, trong những bảng đường, nhà cầu…
Trong những tấm bằng cấp cho các sinh viên tốt nghiệp thì người ta có thể hiểu được: Việt Nam đang vươn ra ngoài, sinh viên tốt nghiệp muốn có việc làm với các công ty ngoại quốc nên nếu cứ đem tấm bằng viết bằng “chữ quốc ngữ, chữ nước ta, con cái nhà, đều phải học…” thì chắc lại phải đi xuất khẩu lao động ở Đài Loan, Hàn Quốc… mất thôi. Nên tấm bằng tốt nghiệp phải có chút tiếng Anh cho oai. Nhưng tiếng Anh không thấy, chỉ toàn tiếng… U. Thí dụ thay vì Bachelor of Engineering thì tấm bằng ghi là Bachelor of Engineer. Thay vì Pharmacy thì ghi là Farmacy. Thay vì Degree of Architecture thì ghi rõ là Degree of Architect…
Đúng là tiếng U.
Mới đây, nhiều người đang xôn xao về tấm giấy khen song ngữ Việt Anh của một trường trung học ở Hạ Long thuộc tỉnh Quảng Ninh tặng cho một học sinh giỏi của niên học 2015-2016. Không biết trường Trần Quốc Toản ở Quảng Ninh to nhỏ ra sao, thành tích giáo dục thế nào… để phải có cả giấy khen viết bằng cả tiếng Việt lẫn tiếng Anh cho… thế giới biết mà sợ chơi.
Học sinh được giấy khen đang học lớp 7 bậc trung học. Đứng đầu trường là hiệu trưởng. Trong tiếng Anh, hiệu trưởng một trường trung học được gọi là headmaster hay headmistress hay principal hay head teacher. Tờ giấy khen dùng danh từ “DEAN” thì không đúng. Dean là khoa trưởng của một đại học. Giấy khen hay bảng danh dự thời tiểu học và trung học của tôi, tôi còn nhớ, trị giá chỉ là 1 hay 2 đồng bạc Đông Dương của bà nội, bà ngoại chứ có ông Tây cà lồ nào ngó mắt tới đâu, nên thời ấy chỉ là một tờ giấy bằng nửa trang vở viết bằng tiếng Việt là cùng. Đức Quốc Trưởng Bảo Đại cũng không thèm để mắt tới. Mà đó là ở Hà Nội chứ đâu phải ở Quảng Ninh xa xôi.
Đọc tiếp lại càng thấy tiếng U kinh hoàng hơn. Cái “Dean List” này được “trao cho” thì tiếng U ghi là “DONATE” thay vì phải là “AWARDED.” Tờ giấy khen được trao cho người học sinh XYZ thi thay vì chỉ cần nêu tên thì bản tiếng Anh ghi là “KID…”
Và đó là tiếng U, một thứ tiếng có thật đang được dùng rất nhiều ở Việt Nam ngày nay.
Bố Mỹ cũng không hiểu được.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét