khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Hai, 16 tháng 5, 2016

Thể chế của ma cà rồng và ngụy tín về một lãnh tụ - Tác giả Nguyễn Hoàng Văn



“Đất nước này rồi sẽ về đâu?”, câu hỏi day dứt như một điệp khúc bất tận với những tiếng thở dài tưởng chừng bất tận khi những tin dữ dồn dập tiếp nối nhau và, bất chợt, tôi rờn rợn nghĩ đến xứ sở u ám của những con ma cà rồng trên màn ảnh Hollywood.
 
Tôi hoàn toàn không tin chuyện ma quỷ. Tôi cũng chưa bao giờ đủ kiên nhẫn chịu đựng một phim ma quá năm phút dẫu đạo diễn và tài tử lừng danh đến mấy. Nhưng càng đối mặt với những câu chuyện đau đớn về đất nước, tôi càng bị ám ảnh bởi cái xứ sở lạnh lẽo nhờ nhờ sáng tối không hề dành cho con người ấy.
 
Kể ra thì đất nước đã từng bị ví như là một thứ đất của ma rồi, như Nguyễn Khắc Trường với Mảnh đất lắm người nhiều ma, từ tận năm 1990. Nhưng dẫu sao thì đó cũng chỉ là một phần nhỏ của đất nước và, bất quá, chỉ là thứ chính trị tủn mủn quanh cái đình làng đã phủ bóng cờ đỏ búa liềm với cuộc tranh giành quyền lực và đền đáp ân oán giữa đám người đầy mưu ma chước quỷ, những cai tổng, lý trưởng và trương tuần lưng lận tấm thẻ đảng viên, mở mồm là thưa nhau… đồng chí. Nếu chữ “ma” ở đây hàm ý sự chết chóc thì đất nước chúng ta đã là một nơi mà cái chết đã quá đỗi… bình thường.
 
Có lẽ chưa bao giờ người Việt Nam giết nhau một cách dễ dàng, thoải mái và… vô duyên như lúc này, giết từ một vụ quẹt xe nhỏ nhặt bên đường, giết từ một ánh mắt không ưa trong quán nhậu, thậm chí ngay trong tiệc cưới. Trong thời chiến chúng ta đã đau đớn đối mặt với những cái chết chớp nhoáng và dữ dội nhưng bây giờ thì chai sạn với đủ kiểu lìa đời. Người Việt Nam đang bị giết, từng ngày từng giờ, ồn ào hay thầm lặng, gấp gáp hay từ từ, tức tưởi chết ngay hay đau đớn chết mòn. Chết nạn trên đường vì những rắc rối trong chuyện đô thị hoá và thặng dư xe máy từ… tận Trung Quốc: chuyện bình thường. Chết lúc hành nghề giữa biển vì những rắc rối trong “tình hữu nghị lâu đời”: chuyện bình thường. Từng người, từng người chết giữa trụ sở công quyền vì những rắc rối trong “nhận thức pháp lý” của những chức sắc nhà nước: chuyện cũng bình thường. Từng làng và từng “làng ung thư” chết mòn vì những rắc rối môi trường: thì cũng bình thường thôi. Rừng chết và sông đang giãy chết với vô số dự án thuỷ điện: vẫn là chuyện bình thường. Và cả biển. Biển đang giãy chết, còn chế độ thì hùng hục đưa cả “hệ thống chính trị vào cuộc” để dụ dỗ lẫn đe nẹt cả nước phải nhởn nhơ như không có gì đáng gọi là rắc rối!
 
Nếu chết là hết thì ma, theo truyền thuyết, lại là những linh hồn vất vưởng, không nơi thờ tự. Nhưng đất nước chúng ta bây giờ đâu chỉ ma với những kiếp sống vật vờ? Đâu chỉ ma với những “công bộc quốc gia” quản trị tài nguyên như những âm hồn và bảo vệ đất nước như những âm binh? Tình thế còn tồi tệ đến mức chúng ta phải nghiến răng nghĩ tới giống ma chuyên hút máu người.
 
Nếu ma cà rồng “sinh tồn” bằng cách cắn cổ hút máu người thì đất nước chúng ta, sau mấy mươi năm dưới ách toàn trị, cũng đang quằn quại trong cái cuộc mưu sinh có khác nào trò cắn cổ nhau? Nếu những nạn nhân của ma cà rồng, sau vết cắn đầu tiên, bị hoá thân thành chính giống ma này thì đất nước đã bước vào một thời kỳ mà bất cứ thân phận nạn nhân nào, vô tình hay cố ý, cũng có thể dễ dàng xoay chuyển để đóng trọn vai trò thủ phạm. Có một thời, để sống, người ta phải đấu tố, phải đạp lên đầu, phải giẫm vào cổ họng nhau. Và bây giờ, cũng để sống, người Việt Nam thản nhiên hại nhau, thản nhiên lừa lọc bán rẻ hay đầu độc nhau. Để sống, con người phải hành xử như ma, như quỷ. Mà ai cũng cần phải sống cả, nên cách sống ma quỷ hoá ấy đã trở thành... bình thường. Nói có phần quá đáng thì, để sinh tồn, người Việt Nam đang hút máu của người Việt Nam. Và nói không quá đáng chút nào thì, để tồn tại, chế độ toàn trị đã sa đoạ hoá dân tộc bằng thứ văn hoá hút máu người. Văn hoá dân tộc đang bị chuyển hoá thành một thứ văn hoá ma cà rồng.
 
Nếu ma cà rồng là những xác chết biết đi thì cái “cộng đồng văn hoá hút máu người” với những thể chế chính trị tại Nga, Việt Nam, Trung Quốc, Bắc Hàn lại cùng chia sẻ một đặc điểm mang tính biểu tượng ở mấy cái xác chết chỉ biết nằm.
 
Khó mà gọi là ngẫu nhiên khi bốn chế độ hút máu người ấy đều tôn thờ... xác chết, mà là mấy cái xác lạnh ngắt bất toàn, không một chút huyết cầu.[1] Xác Vladimir Lenin, sau gần một thế kỷ tẩm ướp và vô số lần súc rửa định kỳ, theo một thông tin vào năm 2008, chỉ còn lại “10 phần trăm Lenin”.[2] Rồi Hồ Chí Minh, Mao Trạch Đông và Kim Nhật Thành, thi thể lạnh ngắt của những lãnh tụ chết chưa chôn này còn lại được mấy phần? Năm 1976, chỉ sau bảy năm thôi, khi Trung Quốc chuẩn bị ướp xác cho Mao thì mũi Hồ Chí Minh đã thối và râu thì đã rụng, phải che mắt thế gian bằng hàng giả thế vì.[3] Mà Mao, trong giai đoạn chuẩn bị tang lễ, đã bị hành hạ hay tra tấn còn tệ hơn cả con cá hay con vịt trong công đoạn nhồi nhét gia vị hương liệu trước khi bỏ vào nồi hầm. Bụng Mao bị mổ banh, cắt bỏ hết đồ lòng để nhét bông gòn tẩm thuốc ướp. Từng mạch máu của Mao bị hút, hút sạch sẽ, hút đến hồng huyết cầu cuối cùng cũng để bơm thuốc ướp. Thuốc ướp tràn ngập, thuốc ướp ê hề, thuốc ướp nhiều đến độ da Mao bóng nhẫy vì nước thuốc rỉ ra qua lỗ chân lông, mặt Mao phù lên như trái banh, cổ Mao phồng ra bằng cái đầu, hai tai Mao sưng vù, dựng đứng thành một góc 90 độ. Một Mao Trạch Đông mà nhân chứng diễn tả “trông thật là quái dị”, cái sự quái dị rất ư là... bình thường với thế giới quỷ ma.[4]
 
Như một biểu tượng, mấy cái xác ướp bất toàn này lại yên vị giữa vị trí thờ tự để đảm nhiệm vai trò nuôi dưỡng... linh hồn cho chế độ. Chúng ta chế biến thật kỹ một con cá hay con vịt trước khi ném vào nồi là để phục vụ cái nhu cầu khoái khẩu của chúng ta. Chế độ cộng sản thì “chế biến” cái thi hài bị cắt xẻo và hút máu của lãnh tụ để phục vụ cái tham vọng quyền lực đời đời của nó. Nó dùng thuốc ướp để nuôi dưỡng hòng da thịt lãnh tụ... sống đời. Đến lượt, sự “sống đời” của khối da thịt bị tùng xẻo từ bên trong ấy sẽ đảm nhiệm vai trò của một thứ “thuốc ướp” hòng bảo quản cho sự “sống đời” của chế độ. Và, như là luật nhân quả, mối quan hệ cộng sinh oan khuất này lại đưa đến những biến tướng quái dị trong các mối quan hệ của xã hội, nhân quần.
 
Tôi phải nói ngay là tôi không tin vào sự quả báo theo ý nghĩa tâm linh. Nhưng tôi rất tin vào nó như một quy luật xã hội. Những kẻ, như tôi từng biết, từng hăng hái xung phong và hung hãn đi đầu trong phong trào đập chùa phá miếu sau năm 1975 – có thể xem như một thứ… “tiền bối” của đám “dư luận viên” bắng nhắng hiện tại – lại là những kẻ bị tàn mạt, hậu vận chẳng ra gì, con cháu đời sau tàn mạt, chẳng ra gì. Đây không phải là sự báo ứng do một thế lực siêu nhiên từ trên cao chi phối mà là một quy luật nằm ngay dưới mặt đất bởi chỉ có hạng không ra gì mới sốt sắng giẫm đạp lên tín ngưỡng của người khác. Thứ đã không ra gì thì sẽ bị nhân gian e sợ và xa lánh, xử sự theo đúng cách cần xử sự với thứ không ra gì và, bởi thế, thứ không ra gì sẽ khó mà ngóc đầu lên nổi.
 
Quy luật đó, xem ra, cũng hiệu nghiệm khi cả xã hội cúc cung tôn thờ những giá trị chẳng ra gì. Tôn thờ một cái xác chết chẳng ra gì, chấp nhận một chế độ chẳng ra gì cũng có nghĩa là đã chọn lựa một phần số… chẳng ra gì. Chế độ đã chẳng ra gì thì, để tương xứng với mình, phải sa đoạ hoá con người để họ… chẳng ra gì với nhau. Hậu quả là một thời đại chẳng ra gì. Chẳng ra gì với quá khứ khi lãnh thổ thấm máu tổ tiên bị cắt xẻ và sang nhượng hàng loạt. Chẳng ra gì với tương lai theo những gánh nợ trút lên đầu con cháu. Chẳng ra gì với trời đất, núi rừng, cây cỏ. Chẳng ra gì đến toàn phần, toàn diện.
 
Kiều rằng: Những đấng tài hoa
Thác là thể phách, còn là tinh anh
 
Cái còn lại của những đấng tài hoa là những “tinh anh” chứ không phải là phần thân xác của họ, dù bảo quản và bồi đắp bằng cách nào đi nữa. Không chỉ là Nguyễn Du, nhà thơ Bùi Giáng cũng cho chúng ta thấy điều đó, thật rõ, thật đơn giản, qua hình ảnh bàn chân “đè” lên dòng nước:
 
Ngươi con gái lôi qua khe
Bàn chân vơi nươc la?nh đè lên nhau
Nôi niêm tương la?i xưa sau
Bàn chân vơi nươc cùng nhau la?i đè
 
Chúng ta có dùng chân “đè” lên cái gì đó là để, hoặc, in dấu chân mình lên, hoặc, giữ nó nằm yên trong vị trí đã dành cho nó. Nước thì chảy cũng như thời gian thì trôi và ai có thể in dấu chân mình lên cái dòng chảy ấy? Và ai có thể chặn cái dòng trôi ấy lại? Chỉ những bậc tài danh, họ in và họ níu giữ thời gian bằng những “tinh anh” gói ghém trong sự nghiệp, trong tư tưởng và trong “nỗi niềm tưởng lại”. Như khi Nguyễn Du “Độc Tiểu Thanh Ký” với nỗi niềm “Bất tri tam bách dư niên hậu”, “tưởng lại xưa” mình 300 năm và “tưởng lại sau” cũng chừng ấy năm, cái nỗi niềm mà hôm nay, sau chưa đầy hai phần ba chặng đường, chúng ta vẫn đều đặn nhắc đi, nhắc lại.
 
Nhưng chế độ toàn trị thì khác, thô bỉ và thô bạo. Sợ bị lãng quên, nó cố in cho bằng được dấu chân và, để làm như thế, nó bắt cái dòng chảy kia phải đóng băng, đặc lại. Thời gian phải đóng băng với những giai đoạn u tối nhất thì lãnh tụ mới khả dĩ là “đỉnh cao tri tuệ” và chế độ mới khả dĩ loé lên một chút công lao. Phải đóng băng với thế kỷ 19 khi Karl Marx viết Tư bản luận. Phải đóng băng với thập niên 30 của thế kỷ 20 khi dân tộc còm cõi dưới ách thực dân. Và phải đóng băng với “tình hữu nghị” của thập niên 60 khi ngửa tay nhận súng đạn và lương khô từ tay kẻ thù truyền kiếp của dân tộc.
 
Đó là một chủ trương ngu dân. Trò ngu dân nào cũng làm hao kiệt sinh lực đất nước cả, và để tồn tại và in lại dấu chân, nó đã huỷ diệt sức sống của dân tộc y như là loài ma cà rồng nhe nanh cắn cổ. Mà càng nhìn kỹ bao nhiêu, càng thấy nó giống với loài ma hút máu ấy bấy nhiêu. Ma cà rồng kỵ ánh sáng. Nó thì vật vã bưng bít thông tin và duy trì bóng tối. Ma cà rồng không thể hắt bóng. Nó thì phủ nhận sạch trơn những vết đen mình đã tạo ra. Ma cà rồng không phản chiếu hình bóng trong gương. Nó thì tránh né, không dám nhìn vào chân dung của mình khi bị tấm gương lịch sử chiếu rọi.
 
Và cũng giống như ma cà rồng, chế độ toàn trị chỉ có thể huỷ diệt khi bị đâm cọc xuyên tim, bị chặt đầu phơi ra ánh sáng. “Quả tim” hay “cái đầu” mà nó bảo bọc bằng bóng tối chính là những huyền thoại về lãnh tụ, là những chiến công và những kỳ tích chỉ có thể loé lên khi kéo ngược thời gian về trước. Phải phủ ánh sáng lên cái vệt đen nó hằng che đậy và phải phơi bày cái chân dung phản chiếu mà nó không dám ngước mắt nhìn.
 
Cái vệt tối hay chân dung phản chiếu đó, lúc này, chính là cảnh tang tóc dọc theo bờ biển miền Trung.
 
Hởi những ngư dân Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế đang đau đớn khi gia sản bị mất trắng. Thảm hoạ không chỉ là riêng của các bác các anh mà là thảm hoạ chung của dân tộc, một thảm hoạ mà cái giá phải trả không chỉ là của hôm nay mà còn của nhiều nhiều đời sau nữa. Cội nguồn sâu xa của thảm hoạ quốc gia xuyên thấu thời gian này không chỉ là sự vô lương tâm và tham lam của một công ty như Formosa và không chỉ là sự ngu xuẩn và vô trách nhiệm của những viên thượng thư và tri phủ hằng thưa nhau “đồng chí”. Sâu xa hơn, thảm hoạ đã bắt nguồn từ cái thể chế chính trị đã bắt thời gian phải ngưng lại như thế, đã đẻ ra những tri phủ và thượng thư ngu muội như thế, đã sang nhượng lãnh thổ cha ông trong những điều kiện mập mờ và thua thiệt như thế. Ngày nào cái thể chế đó còn tồn tại, ngày đó đất nước vẫn còn bị đầu độc, vẫn bị thua thiệt trước ngoại bang và sự chết, chết tức tưởi trước mắt hay chết đau đớn dần mòn, vẫn tiếp tục là chuyện bình thường.
 
Hỡi những ngư dân đang tan nát vì nguồn sống bị huỷ diệt kia ơi. Trong các bác các anh, hẳn, vẫn còn không ít người thật thà tôn thờ Hồ Chí Minh như cha một “cha già dân tộc”. Các bác và các anh phải hiểu rằng sự tôn thờ này chính là cái “nhân” khởi nguồn cho sự báo ứng hiện tại, khởi nguồn cho sự chà đạp và huỷ diệt những giềng mối của đạo lý và của môi trường sống. Hồ Chí Minh chẳng đã, nấp dưới chiêu bài “giành độc lập”, xem quyền lực của mình cao hơn môi trường sống của dân tộc qua lời hăm he “dẫu đốt cháy cả dãy Trường Sơn” hay sao?[5] Hồ Chí Minh chẳng đã hỗn láo với cả dân tộc mình khi, vào năm 1945, chỉ mới 55 tuổi, đã bắt cả nước gọi mình là bác, rồi sau đó, là “cha già dân tộc” hay sao?[6] Và Hồ Chí Minh chẳng đã vô đạo đến mức, trong di chúc soạn đi soạn lại suốt bốn năm trời, chỉ tuyên bố sẽ đi gặp cụ Mác, cụ Lê và các “đàn anh cách mạng” mà không có lấy nửa lời để nhắc đến tổ tiên mình hay sao?[7]
 
Một Hồ Chí Minh toàn thây đủ đầy hồn vía đã là thứ chẳng ra gì đừng nói là cái xác lạnh ngắt đầy hàng giả thế vì của va. Cái chế độ thờ xác cũng quái dị và bất toàn như chính cái xác bất toàn mà nó đang thờ. Dân tộc Việt Nam không thể mãi mãi cúi đầu tôn thờ cái xác không còn chút máu để tiếp tục quay cuồng trong cuộc sinh tồn trông như là hút máu lẫn nhau.
 
Để giành lại quyền sống thì phải đâm vào tim nó. Mà để đâm cho trúng tim nó thì, trước hết, phải gọi nó đúng tên. Cái thế lực đang cai trị đất nước như một lũ âm binh hoàn toàn không xứng đáng với danh hiệu “chính quyền”. Phải gọi đúng tên nó như một thứ ngụy quyền. Và phải gọi đúng xương cốt tinh thần của nó như một thứ ngụy tín. Ngụy quyền cộng sản và ngụy tín Hồ Chí Minh.
 
 
_____________________________
 
 
Chú thích và tài liệu tham khảo:
 
[1] Ferdinand Marcos – nhà độc tài Phillpines – cũng được ướp xác nhưng đây là chuyện của gia đình. Xác ướp này đặt tại tỉnh Ilocos Norte.
 
Khi qua đời năm 1953 Stalin cũng để lại ý nguyện ướp xác, để thi hài cạnh xác ướp Lenin. Tuy nhiên đến năm 1956, sau khi Đại hội đảng Cộng Sản Liên Xô lần thứ 20 lên án tệ sùng bái cá nhân, Stalin bị hạ bệ,thi hài bị mang đi chôn tại nơi khác.
 
 
[3] Zhisui Li (1994) The Private Life of Chairman Mao: The inside story of the man who make modern China (Random House, London)n trang 23. Zhisui Li (Lý Chí Thỏa) là bác sĩ riêng của Mao sau sang định cư tại Mỹ và viết cuốn hồi ký trên
 
[4] Zhisui Li, sđd. trang 17–21. Sau khi Mao trút hơi thở cuối cùng vào sáng 9.9.1976, toán bác sĩ riêng được lệnh phải bảo quản thi hài trong vòng hai tuần để “cán bộ nhân dân mọi miền đến viếng”. Tuy nhiên sau đó uỷ viên Bộ chính trị Uông Đông Hưng (Wang Dongxing) – người phụ trách an ninh cho Mao – đã kéo Lý Chí Thoả ra một góc riêng, thông báo rằng Bộ Chính Trị đã quyết định bảo tồn đời đời: “Nhiệm vụ của anh là phải tìm cách thực hiện”.
 
Tôi xin lược dịch đoạn này:
 
Tôi sững sờ. “Nhưng ngài đã bảo tôi chỉ bảo quản thi hài trong trong hai tuần thôi mà” Tôi phản đối. “Tại sao lại gìn giữ thi thể vĩnh viễn. Năm 1956 Chủ tịch Mao đã trở thành người đầu tiên viết lời hứa là sẽ hoả táng sau khi chết. Tôi còn nhớ rõ ràng”. “Đó là quyết định của Bộ chính trị. Chúng tôi chỉ mới vừa quyết định”. Uông Đông Hưng trả lời.”
 
“Không thể nào làm được”, tôi phản đối, “Làm sao ngài có thể cảm thấy được việc này?”
 
“Thủ tướng Hoa (Hoa Quốc Phong) và tôi đều ủng hộ giải pháp này”, Uông trả lời.
 
“Nhưng việc này không thể thực hiện được”, tôi cãi lại. Tôi nhớ lại chuyến đi Liên Xô cùng với Mao năm 1957, tôi có ghé thăm xác Lenin và Stalin. Tôi được cho biết là mũi và tai của Lenin cũng như cơ thịt của Stalin đều rã nát và phải làm giả bằng sáp. Kỹ thuật ướp xác của Liên Xô dĩ là tối tân hơn của Trung Quốc nhiều. Tôi không thể tưởng tượng ra cách để ướp xác của Mao.
 
“Anh phải quan tâm đến nỗi lòng của chúng tôi”, Uông Đông Hưng trả lời với đôi mắt nhấp nháy.
 
“Vâng, dĩ nhiên”. Tôi đồng ý. “Nhưng khoa học Trung Quốc chưa tiến bộ đủ cho công tác này”.
 
“Vì vậy nên chúng tôi sẽ tìm ra người để giúp anh. Bất cứ thứ gì anh cần, thiết bị, tiện nghi, bất cứ thứ gì, chỉ cần báo cho tôi biết”. Uông cam kết với tôi. “Trung ương bảo đảm rằng anh sẽ có mọi thứ cần thiết”.
 
Thống chế lão thành Diệp Kiếm Anh đến nhập bọn. Diệp Kiếm Anh là một trong những đảng viên đầu tiên của đảng Cộng Sản Trung Hoa, một trong những người thành lập ra Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc và là một trong những uỷ viên bộ chính trị tôi mến nhất.
 
Thống chế Diệp hỏi ý kiến tôi về việc lưu giữ xác Mao chủ tịch. Tôi nhắc lại sự phản đối của mình. Sau một hồi im lặng, ông nói: “Bác sĩ Lý, trong tình thế này chúng ta không có chọn lựa nào khác là tuân thủ quyết định của Bộ chính trị. Nhưng tại sao bác sĩ không tham vấn với Viện Thủ công và Mỹ nghệ để họ có thể làm tượng chủ tịch Mao bằng sáp? Nói họ làm giống như thật. Nếu cần thiết thì sau này chúng ta có thể dùng tượng sáp này để thay thế”.
 
Tôi cảm thấy nhẹ nhõm. Ít ra cũng có Diệp Kiếm Anh, phó chủ tịch quân uỷ trung tương, một trong những thành viên then chốt của Bộ chính trị, không khăng khăng đòi phải làm chuyện không thể làm được.
 
Uông Đông Hưng đồng ý, nhưng dặn tội không được hé môi về chuyện này.
 
Đầu tiên là nhiệm vụ giữ xác Mao Trạch Đông trong hai tuần và việc này khá đơn giản, tác giả thuật:
 
Chúng tôi đã bơm tất cả 22 lít thuốc ướp, nhiều hơn quy định của công thức trên đến 6 lít với hy vọng rằng sẽ chắc ăn. Việc này kéo dài lê thê và mãi đến 10 giờ sáng hôm sau mới xong.
 
Kết quả thật kinh khủng. Mặt của Mao phù lên. Trông giống như trái banh vậy còn cổ của ông ta thì to bằng cái đầu. Nước da ông ta bóng nhẫy khi thuốc ướp bắt đầu rò rỉ ra khắp lỗ chân lông, trong giống như đang chảy mồ hôi. Hai tai ông ta cũng sưng vù lên, dựng đứng thành một góc 90 độ so với cái đầu. Thi hài này trông thật là quái dị. Nhân viên cận vệ và phục dịch ai nấy cũng kinh hoảng. Trương Ngọc Phượng (Zhang Yufeng – thư ký riêng và là tình nhân của Mao) la lên: “Các người đã làm gì để chủ tịch nhìn kinh khủng như thế này. Các người nghĩ rằng trung ương sẽ cho phép các người làm những chuyện như thế này à?”
 
Hứa Tĩnh thì vẫn giữ bình tĩnh nhưng tôi cảm thấy lo lắng cho Trương (Trương Bình Trường - Zang Bingchang). Mặt mày tái mét, anh ta trở nên bồn chồn. Tôi cố trấn an anh ta: “Đừng lo. Chúng ta sẽ nghĩ ra cách nào đó để giải quyết”.
 
Bằng cách nào đó chúng tôi phải khôi phục nhân dạng của Mao nhưng không có cách nào để lấy thuốc ướp ra ngoài. Tôi nói, “Thân thể ông ta phù lên thì cũng được vì có quần áo che lại. Nhưng chúng ta phải sửa mặt và cổ của ông ta lại.”
 
Trương đề nghị: “Có lẽ nếu chúng ta xoa bóp thì chúng ta sẽ đẩy thuốc ướp trở lại thân thể”. Cả toán dùng khăn tay và những nùi bông gòn để xoa bóp, bắt đầu từ mặt của Mao trước, cố xoa bóp để ép thuốc ướp chạy về cơ thể. Khi Trần xoa bóp quá mạnh, một mảng da trên má phải của Mao bị rách, tuột ra ngoài. Trần run lẩy bẩy vì sợ. Nhưng Mã trấn an: “Chúng ta có thể trang điểm. Anh ta dùng một nùi bông để quẹt vaseline và một thứ nước màu rồi thấm lên chỗ da rách. Việc trang điểm này thật hiệu quả và không ai có thể nhận ra vết rách nữa.
 
Bốn người này miệt mài làm việc đến ba giờ chiều. Cuối cùng, mặt Mao bình thường trở lại. Hai tai không còn dựng đứng nữa. Chỉ cần cổ còn phù lên nhưng các nhân viên bảo vệ và phục vụ cho rằng như vậy là đỡ lắm rồi. Nhưng khi mặc quần áo cho thi hài của Mao thì không ai tài nào cài nút được vì ngực ông ta phồng lên to quá. Thế là phải cắt dọc ở phần sống lưng mới có thể cài được, cả quần của ông ta cũng được mặt theo cách này mới có thể vừa với thân hình mới.
 
 
[6] Thành Tín (1991), Hoa xuyên tuyết (Nxb. Nhân Quyền, California), tr. 117. Thành Tín là bút hiệu của Bùi Tín, cho biết lần đầu tiên Hồ Chí Minh công khai xưng là “bác” năm 1945 trước công chúng, lúc đó ông ta 55 tuổi.
 
[7] “Vì vậy, tôi để sẵn mấy lời này, phòng khi tôi sẽ đi gặp cụ Các Mác, cụ Lênin và các vị cách mạng đàn anh khác, thì đồng bào cả nước, đồng chí trong Đảng và bầu bạn khắp nơi đều khỏi cảm thấy đột ngột.”
 
Hồ Chí Minh soạn di chúc từ 1965 đến 1969.
 
Bản di chúc đầu tiên hoàn tất ngày 15.5.1965 có chữ ký của “nhân chứng” Lê Duẩn ở góc trái, gồm ba trang.
 
Sau đó Hồ Chí Minh “lén” viết hai bản khác. Bản thứ hai, gồm 6 trang viết tay: viết lại đoạn mở đầu, thêm phần giải thích về bản 1965 và thêm một số đoạn khác. Nhưng Hồ Chí Minh không yên tâm và tiếp tục viết thêm, thế là có bản thứ ba ký ngày 10.5.1969 ra đời.
 
Sau khi Hồ Chí Minh chết Bộ Chính trị mới khám phá ra hai bản di chúc viết “vụng” này nên quyết định xào nấu thành bản “chính thức”:
 
Phần “nhập đề”: trích từ bản 1969. Đoạn viết về việc hậu sự, Hồ Chí Minh gọi là “việc riêng”, lấy từ bản 1968 .
 
Việc xào nấu di chúc này bị giữ kín, mãi đến năm 1989 mới được công bố qua thông báo số 151 của Bộ Chính trị, ký ngày 19.8.1989.
 
 
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét