Hiện tình nghĩa trang quân đội Biên Hòa ngày nay rất nhiều người đã biết rõ, nhưng câu chuyện xây cất từ đầu thì ở bộ Tổng tham mưu QLVNCH dường như chỉ còn mình tôi có thể kể lại. Năm 1965 người ra lệnh cho Cục công binh khởi công là ông tổng cục trưởng Tiếp Vận Đồng Văn Khuyên. Ông mới qua đời tại Virginia. Đại tá Nguyễn Tử Đóa cục trưởng cục quân nhu là vị chỉ huy trực tiếp liên đội chung sự tại nghĩa trang cũng đã ra đi hơn10 năm trước.. Khi quân đội khởi sự tìm đất xây nghĩa trang quân đội cho khu vực trung ương để sau này trở thành nghĩa trang quốc gia thì tôi đại diện quân đoàn 3 trong phái đoàn chọn đất.
Chúng tôi bay trực thăng quan sát toàn khu vực. Đây là khu đẹp nhất của quận Dĩ An thuộc tỉnh Biên Hòa và ngày nay thuộc về Bình Dương. Nghĩa trang lực chọn nằm phía tay trái con đường Sài Gòn Vũng Tàu, lúc đó gọi là xa lộ Biên Hòa. Toàn thể rộng 125 mẫu tây có thể chôn cất 30 ngàn tử sĩ. Đến tháng 4-1975 chúng ta đã chôn cất 16 ngàn tử sĩ, gồm tất cả hải lục không quân, nữ quân nhân và cả thiếu sinh quân. Có các tướng lãnh, các đại tá truy thăng chuẩn tướng. Có mộ của đại tường Đỗ Cao Trí. Về bộ binh đa số là lính tổng trừ bị, các đơn vị thuộc quân đoàn 3 và biệt khu thủ đô. Hàng trăm ngàn chiến binh khác tử trận gia đình đem về chôn tại quê quán hay tại các nghĩa trang tiểu khu.
Ngay tại nghĩa trang, vào đầu tháng 5 cộng sản vào tiếp thu đã ra lệnh gom tất cả các di hài còn lại chôn 3 khu mộ tập thể. Từ phía ngoài xa lộ có bức tượng Thương tiếc nổi danh mang hình ảnh người lính ngồi tưởng nhớ chiến hữu đã hy sinh. Tượng này đã bị cộng sản phá bỏ ngay sau khi mất Sài Gòn.
Con đường từ xa lộ dẫn vào phía trong gặp cổng Tam Quan. Trên hai cột có hàng chữ nổi chân phương. Vì dân chiến đấu, Vì nước hy sinh. Qua khỏi Tam Quan là đền Liệt sĩ. Ngôi đền này xây trên một gò đất cao có 4 phía đi lên. Đây chỉ là khoảng không gian trống dành cho các buổi chính quyền tổ chức nghi lễ tưởng niệm. Một con đường chính từ đền Liệt Sĩ đi thẳng vào khu chôn cất hình quả trứng tượng trưng như lưng con ong.
Chính giữa là ngọn đồi xây Nghĩa Dũng Đài có vành khăn tang vĩ đại vòng quanh ngọn kiếm mũi nhọn hướng lên trời cao. Vành khăn tang cao 5 mét, dầy 1 mét 2 và đường kính 34 mét. Dự trù sẽ khắc hình nổi về công cuộc chống ngoại xâm trong lịch sử. Trụ đài, tức thanh kiếm cao 43 mét. Dưới đáy chữ thập chiều ngang 6 mét 5. Trên ngọn đỉnh chiều ngang 3 mét 5. Có thang sắt leo lên ngọn trong lòng thanh kiếm. Hiện nay ngọn kiếm này đã bị quân cộng sản cắt thấp xuống 10 mét. Khoảng tháng tư 75 các công trình chính đã gần xong. Bộ TTM dự trù sẽ khánh thành vào ngày quân lực 19 tháng 6-1975. Ngày đó không bao giờ đến vì nước mất tháng tư.
Năm 1993 chúng tôi khởi sự dự án Viện bảo tàng thuyền nhân và VNCH tại San Jose nên muốn nghiên cứu để dựng lại mô hình nghĩa trang quân đội. Chúng tôi sưu tầm tài liệu tại hải ngoại và cho người về liên lạc với anh em thương phế binh tại Sài Gòn. Một mặt tìm cách tảo mộ thăm dò từng khu vực và nghiên cứu hiện trạng. Công trình nghiên cứu với đầy đủ chi tiết được hoàn thành trong tác phẩm dự thảo cuối năm 1993 với tựa đề 16 ngàn tử sĩ ở lại nghĩa trang Biên Hòa. Sách này chính thức xuất bản năm 2003. Tất cả các bài viết về nghĩa trang về sau đều xử dụng tin tức từ tài liệu này. Mô hình về Nghĩa trang rất công phu đã hoàn tất năm 2006 tại Viet Museum trong History Park, San Jose. Mặt khác từ năm 1995 chúng tôi thông báo cho các chiến hữu và thân nhân mọi nơi biết để có thể tìm cách về tảo mộ, thăm viếng.
Đây là cách hữu hiệu nhất để bảo toàn nghĩa trang thay vì nhắm mắt bỏ quên thì sẽ hoàn toàn mất dấu vết khu nghĩa trang hết sức quan trọng coi như di sản linh thiêng của VNCH còn để lại trên quê hương miền Nam.
Thực vậy trong suốt 15 năm đầu không được quan tâm nên dân chúng và cán bộ cùng các cơ quan cộng sản đã xây trại làm nhà chung quanh nghĩa trang, trên các khu chưa có tử sĩ an táng. Có nhiều nơi làm nhà lẫn vào khu mộ địa. Một nhà máy nước xây cất ngay khoảng giữa cổng Tam Quan và đền Liệt Sĩ. Thời gian sau 30 tháng tư chính quyền cộng sản đã giao cho đơn vị quân đội chiếm đóng khu vực này và một hàng rào được dựng lên tạm giữ cho nghĩa trang không bị lấn thêm đất làm nhà. Hiện trạng từ ngày đó đến nay khu vực chôn cất thu hẹp chỉ còn trên 50 mẫu đất. Các gia đình cải táng và một số mộ bị phá hủy nên chỉ còn trên 10 ngàn ngôi mộ. Vì thời gian và không được bảo toàn nên nghĩa trang ngày càng điêu tàn. Từ thập niên 90 với chiến dịch phổ biến tin tức của cơ quan IRCC do chúng tôi phụ trách, hầu hết mọi người đều biết tin tức về nghĩa trang quân đội.
Mặt khác đầu thập niên 2000 chúng tôi nhiều lần đặt vấn đề trực tiếp với thủ tướng chính quyền Hà Nội và cũng gửi hồ sơ qua các dân biểu Hoa Kỳ. Cũng có nhiều dịp nhờ các giáo sư như ông Nguyễn Mạnh Hùng trên DC và giáo sư Lê Xuân Khoa ở CA nói chuyện trực tiếp với ông Nguyễn Tấn Dũng và ông Võ Văn Kiệt. Trong hồ sơ gửi chính thức cho thủ tướng chính phù Việt Nam chúng tôi viện các văn kiện và hiệp định quốc tế để yêu cầu Hà Nội tôn trọng mồ mả của đối phương trong quy ước chiến tranh. Nghĩa trang Biên Hòa phải được bảo toàn như khu di tích lịch sử. Con đường đối thoại được mở ra với nhiều khó khăn vì trên thực tế thời gian và hoàn cảnh chưa cho phép.
Phía cộng sản cũng có nhiều ý kiến khác biệt chống đối và chính bên hải ngoại ý kiến cũng không đồng thuận. Chúng tôi vẫn kiên trì theo dõi để thông báo tin tức và mở nhiều chương trình tảo mộ riêng từng vùng. Thời gian sau này hội VAF của thiếu tá Nguyễn Đặc Thành nỗ lực đi tìm mộ các anh em tù Lao Cải trên biên giới có nhiều kết quả vô cùng khích lệ. Chúng tôi rất ngưỡng mộ và chính thức lên tiếng ủng hộ.
Biết rằng quan điểm của các cựu quân nhân QLVNCH vẫn khác biệt nhưng cá nhân chúng tôi đã có sự liên hệ từ đầu nên tiếp tục theo con đường đã đi từ nhiều năm qua. Tuy nhiên phải công nhận thiếu tá thiết giáp Nguyễn Đặc Thành đã tiên phong bắt tay khai phá thực tế việc bảo toàn Nghĩa Trang quân đội Biên Hòa. Chính ông đã thuyết phục vị tổng lãnh sự Mỹ tại Sài Gòn thời trước là ông Lê Thành Ân nhập cuộc. Ông được các dân biểu Hoa Kỳ yểm trợ và kết quả ngoạn mục nhất hiện nay là vị đại sứ Mỹ tại Việt Nam đã viếng thăm nghĩa trang và hiểu rõ nhu cầu cũng như con đường phải tiếp tục. May mắn vô cùng là đại tá Tôn Thất Tuấn, một sĩ quan gốc Việt xuất sắc của quân lực Hoa Kỳ hiện là tùy viên quốc phòng của tòa đại sứ Mỹ tại Hà Nội. Ông Tuấn vốn là thiếu niên cựu thuyền nhân đến Mỹ năm 1977 hiện giữ trong tay hồ sơ chính thức về công tác bảo toàn Nghĩa trang quân đội Biên Hòa.
Nghĩa Dũng Đài đã được dọn dẹp rất sạch sẽ, các khu chôn cất lần lượt làm lại quy mô do rất nhiều người bảo trợ. Chúng tôi có cô Thanh Nga tình nguyện viên vốn là đoàn viên quổc gia nghĩa tử luôn luôn sát cánh với toà đại sứ để theo dõi công việc. Trên 1000 ngôi môi được xây dựng lại trong năm 2014. Qua 2015 tính đến cuối năm tổng cộng đã hoàn tất 3000 ngôi mộ. Hiện chưa có con số tính đến tháng 5 năm 2016.
Công việc xây cất bảo toàn do các nhóm nhà thầu dân sự tại Bình dương đảm trách. Ngân khoản do các nhóm gia đình từ Hoa Kỳ, từ Pháp, Canada và nhiều nơi khác thực hiện. Những ngôi mộ xây bằng ciment quét sơn trắng ẩn hiện dưới hàng cây rõ ràng đã đem lại không khí linh thiêng và ấm lòng các tử sĩ nằm chờ dưới huyệt lạnh từ suốt 40 năm qua.
Cơ quan chúng tôi hãnh diện góp phần vào công cuộc ghi dấu mở đường. Nhưng thực sự những người Việt vô danh, những đoàn thể, những gia đình hoàn toàn gần như không có danh tiếng đã góp phần hết sức âm thầm vào việc bảo toàn nghĩa trang quân đội Biên Hòa tồn tại cho đến ngày nay. Chắc chắn rằng với chế độ cộng sản còn tồn tại thì không thể có ngay được những hình thức thay đổi cụ thể về danh tính nghĩa trang hay các tổ chức nghi lễ khánh thành quy mô. Tuy nhiên nếu chúng ta quan niệm rằng trong chiến tranh, trên chiến trường ta đã không bỏ anh em. Trong trận đánh quân ta phải hy sinh nhiều chiến binh để lấy xác một tử sĩ. Vì vậy công việc gian nan cay đắng khi phải trở về trên đất địch để giữ lại mồ mả của chiến binh anh em thì có xá gì những búa rìu dư luận.
Thêm vào đó tình hình hiện nay có nhiều đột biến. Hồ sơ nghĩa trang quân đội đang nằm tại bộ quốc phòng và bộ ngoại giao Hoa Kỳ. Tại tòa đại sứ Hà Nội, và toà lãnh sự Sài Gòn. Nghĩa trang xưa của anh em ta sẽ còn tồn tại muôn đời. Tại hải ngoại trong nhiều năm qua đã có những thuyền nhân tỵ nạn ra đi, nay chỉ vì mồ mả ông cha nên đã phải quay về quê hương làm tròn đạo hiếu. Trong khi đó cũng có các anh em giữ vững quyết tâm, còn cộng sản là không trở về. Mỗi người một hoàn cảnh. Mỗi người một quan niệm. Trên cõi nhân sinh khi 2 điều đúng, đụng nhau mới nên chuyện.
Ngày xưa trước 75 tôi đã từng lên thăm nghĩa trang quân đội nhiều lần. Trận 72 xác đem về nằm kín cả sân cờ. Xe GMC, xe cứu thương, xe Jeep, xe đò. Có cả xe lam 3 bánh. Ồn ào nhất xác xuống bằng trực thăng. Cờ vàng phủ kín mặt đất. Lính chung sự chạy tới chạy lui. Anh em tẩm liệm bên nhà xác uống rượu mặt đỏ ké, tiếp liệu đòi thêm dầu xanh cho át mùi tử khí.
Và đau thương nhất là nghe tiếng khóc. Tôi đi cùng tướng Khuyên qua khi gia đình tử sĩ lên nhận xác. Tiếng than khóc lẫn lời đàn bà đay nghiến. Ông tướng ơi, ông đánh làm sao mà con tôi chết thảm như thế này. Ông tướng, ông tá chúng tôi cúi đầu đi mau qua khu gia đình chờ liệm xác. Chúng tôi vào coi lại khu máy lạnh cần nới rộng và nghe tổng kết về tử sĩ mỗi ngày.
Tôi còn nhớ những chuyện như thế. Bây giờ lại sưu tầm hình ảnh trên 3 ngàn hình mộ bia tử sĩ. Nhớ chuyện như thế làm sao tôi lại không ủng hộ ông Nguyễn Đặc Thành hay anh đại tá Tôn Thất Tuấn hay anh lãnh sự Lê Thành Ân trong công việc bảo toàn nghĩa trang quân đội Biên Hòa. Thiên hạ gọi ông già Đặc Thành là kẻ buôn xác chết tử sĩ. Gọi tôi là đại tá nghĩa địa. Tôi xin nhận phần mình. Tôi hết sức đau xót cho ông Thành. Ông thiếu tá thiết giáp từ thời kỳ còn lái xe nồi đồng bánh cao su. Bao nhiêu chiến sĩ thiết giáp bây giờ, sao ngó lại chỉ có mình ông luôn luôn dẫn đường húc đầu vào nghĩa địa.
Từ phía sau tôi vẫn sui dại: Tới luôn đi bác tài. Hãy mở đường cho tôi về lại nghĩa trang Biên Hòa. Không hề sợ anh em bên ngoài mắng chửi. Chỉ sợ anh em bên trong lòng đất hỏi rằng sao bấy lâu nay niên trưởng đi đâu mà không thấy mặt. Ai giữ chân mà ông không về với anh em. Xin nhớ cho chúng tôi đây là anh em tử si VNCH. Nằm chờ chiến hữu hơn 40 năm. Hay niên trưởng đi lạc qua bên kia xa lộ không đèn để nằm với phe bộ đội ở nghĩa trang liệt sĩ.
Tôi trả lời rằng: Không, qua không đi lạc, qua chỉ mải vui nên về muộn. Nhưng bây giờ ở bên Tây bên Mỹ có mấy tên lính ba gai hỗn lắm, chúng chuyên chửi bậy. Nhờ cộng sản chiến thắng, dậu đổ bìm leo. Chúng coi tướng tá không ra gì, chán lắm..
Thưa niên trưởng, anh em nằm đây hết sức kỷ luật. Chỉ vì chật chội xin niên trưởng miễn cho khỏi chào tay. Thông cảm, bây giờ các cậu nằm lùi vào trong dành cho tớ một chỗ. Không cần rộng lắm. Tớ nằm co chân. Sao niên trưởng lại co chân. Để có đứa nào hay chửi bậy về qua đây tao đá cho nó bỏ mẹ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét