khktmd 2015
Thứ Năm, 26 tháng 5, 2016
Ba gánh xiếc to trên một quê hương nhỏ - Tac gia Dinh Tu Thuc
Sáng tác mới của nhạc sĩ Tuấn Khanh mang tựa đề Gánh xiếc to trên quê hương nhỏ được phổ biến rộng rãi đúng vào ngày bầu cử đại biểu Quốc Hội, trùng với cuộc viếng thăm của Tổng Thống Mỹ Obama tới Việt Nam. Và tại sao ông Obama tới Việt Nam, hầu như ai cũng biết, nhưng lý do ông đưa ra không giống như nhiều người nghĩ. Một bài hát thật hay và thấm thía. Xin mời nghe chính tác giả trình bầy tác phẩm của mình:
https://youtu.be/G0Hbf2JBI20
Gánh xiếc to trên quê hương nhỏ
Sáng tác & trình bày: Tuấn Khanh
—————————–
Ai đem từng trò hề
Đem đến thành thị
Đem đến thôn quê
Ca ca hát hát ê chề
Ai đem từng trò hề
Che khuất đường về
Gieo rắc u mê
Nơi quê hương đã lắm bộn bề
Gánh xiếc to trên quê hương bé nhỏ
Mẹ phải vỗ tay
Mà cười buồn mắt âu lo
Gánh xiếc to trên quê hương cháy đỏ
Người người hỏi nhau
Thì thầm với đắn đo
Ai đem từng trò hề
Thay những mộ phần
Chôn lấp nhân gian
Cho quê hương nhỏ bé hoang tàn
Sao không đem mộng lành
Trong thế kỷ dài
Mơ tới tương lai
Quên đi bao chia chác tranh giành
Gánh xiếc to trên quê hương bé nhỏ
Người người lặng yên, u uất trong tim
Gánh xiếc to trên quê hương cháy đỏ
Bài học tự do đâu chỉ cơm no
Gánh xiếc to sao không nghe tiếng cười
Tiếng vỗ tay sao như tiếng khóc người
Vuốt mặt nhìn nhau
Bỗng thấy nghẹn lời
***
Nhạc sĩ Tuấn Khanh không xác định có bao nhiêu gánh xiếc. Nếu chỉ có một gánh, đích thị đó là gánh xiếc diễn trò bầu cử. Nhưng trước một tác phẩm nghệ thuật, người thưởng ngoạn có quyền tự do suy luận theo ý riêng mình.
Theo suy nghĩ của người viết, có tới ba gánh xiếc to cùng đua nhau diễn trò trên một quê hương nhỏ.
Xiếc là những trò khéo léo, do con người hay con vật dầy công luyện tập mà thành. Nhưng diễn trò lạ chỉ là một phần. Món ăn khách hơn là chọc cười và ảo thuật. Vai chính hài càng tỏ ra vô lý, ngớ ngẩn, càng ăn khách. Ngược lại, vai ảo thuật gia phải cực kỳ lanh lợi, phải biết qua mắt khán giả; nói nôm na, càng bịp giỏi, càng ăn khách. Tóm lại, một gánh xiếc to, cần có đủ nhân sự thuần thục cả ba mặt: khéo léo, ngớ ngẩn, bịp bợm.
Từ bài hát của nhạc sĩ Tuấn Khanh, có thể dễ dàng nhìn thấy ba gánh xiếc to đang thi nhau diễn trò trên một quê hương nhỏ. Tài năng của gánh thứ nhất là phối hợp khéo léo với ảo thuật. Chỉ với bụi bẩn trong không khí hòa với máu, họ biến thành một loại mực đặc biệt, rồi viết thành những khẩu hiệu vàng óng ánh, có loại ngắn bốn chữ, loại dài mười sáu chữ. Viết xong, rất nghiêm trang, nói là chữ bằng vàng thật. Dân dã thấy họ đóng vai ngu như thật, cười hô hố.
Gánh xiếc thứ nhì có tài ảo thuật vào loại thượng thừa. Giữa thanh thiên bạch nhật, đứng tại Washington, chủ gánh cầm chiếc micro, vẫy tay, thổi phù một cái, tượng Nữ Thần Tự Do hiện ra sừng sững. Lại vẫy tay, thổi phù một cái, Nữ Thần bỗng biến thành xe tăng, máy bay, tầu chiến…. Rồi lại “phù” một cái, bỗng thấy ảo thuật gia bá vai một tướng công an đứng giữa Hà Nội, nói vào micro “Tôi đến đây vì tình bạn thắm thiết, chẳng phải vì ai khác”. Mọi người tấm tắc khen, tài khôi hài của tay này nghiêng ngửa tài ảo thuật.
Gánh thứ ba nổi tiếng về màn đi giây, đi hoài mà chưa ngã. Ngoài ra, về ảo thuật cũng rất cao cường. Thói thường, mọi người phải há miệng để ăn. Gánh xiếc này ngậm miệng mà vẫn ăn được. Dân gian gọi là ngậm miệng ăn tiền. Đặc biệt hơn nữa, người thường ăn thì no, gánh này ngậm miệng ăn mà không bao giờ no. Riêng về mặt khôi hài, như màn diễu bầu cử, họ không hề phải đóng vai diễn, mà do tài năng bẩm sinh. Cho nên khi cả nước cười, và thế giới cười, họ vẫn nghiêm trang như chẳng có gì đáng cười. Cái hay là ở chỗ đó.
Tóm lại, cả ba gánh xiếc to đều tài. Riêng quê hương nhỏ lãnh chữ “tai”. Nguyễn Du: Chữ tài liền với chữ tai một vần.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét