khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Năm, 26 tháng 5, 2016

Diễn văn TT Obama đọc trước công chúng Việt Nam Tại Trung Tâm Hội Nghị Quốc Gia, Hà Nội, Việt Nam



Chào các bạn [cử tọa vỗ tay], chào đất nước Việt Nam [cử tọa vỗ tay]. Vô cùng cảm ơn các bạn. Cảm ơn chính phủ và công chúng Việt Nam, đã nồng nhiệt đón tiếp khi tôi đến thăm đất nước của các bạn. Cảm ơn các bạn có mặt hôm nay. [Cử tọa vỗ tay] Chúng tôi biết rằng, các bạn từ khắp nẻo đường đất nước đến đây, kể cả những thanh niên nam nữ tiêu biểu cho sự tích cực, tài năng, và hy vọng của Việt Nam.

Trong chuyến công du này, tâm hồn tôi xúc động và cảm kích, trước sự đón chào thân ái của các bạn. Nhiều người đứng bên đường vẫy tay chào tôi, cử chỉ này khiến tôi cảm nhận tình thân hữu giữa các quốc gia. Hôm qua tôi đi giữa phố cổ, thưởng thức món bún chả rất ngon, và uống bia Hà Nội. [Cử tọa vỗ tay] Tôi muốn nói một câu rất thật: Tôi chưa bao giờ nhìn thấy, một dòng xe máy xuôi ngược nhiều như vậy trong đời. Có điều tôi chưa thử qua đường, nhưng một ngày nào đó nếu tôi có dịp trở lại, các bạn nhớ chỉ giùm tôi phải qua đường như thế nào.

Tôi không phải là tổng thống Hoa Kỳ đầu tiên đến Việt Nam, trong thời gian gần đây. Nhưng tôi là người đầu tiên - giống như các bạn - trưởng thành sau cuộc chiến giữa hai đất nước. Khi Lực Lượng Hoa Kỳ cuối cùng rời Việt Nam, tôi mới 13 tuổi. Ðến lúc trưởng thành, lần đầu tiên tôi biết đến Việt Nam và tiếp xúc với người Việt là tại Hawaii, tiểu bang có một cộng đồng người Việt rất đáng tự hào.
Cũng trong thời điểm đó, tại Việt Nam có nhiều người nhỏ tuổi hơn tôi. Cũng giống như hai cô con gái của tôi, nhiều người trong số các bạn chỉ biết một điều duy nhất, đó là mối quan hệ bình thường, thanh an giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Tuy nhiên khi đến đây tôi hiểu rõ quá khứ, hiểu rõ trang sử ngặt nghèo của chúng ta; nhưng tôi muốn tập trung nhìn vào tương lai - bởi vì sự phồn vinh, an toàn, và bình định là những điều chúng ta có thể hướng đến.

Tôi cũng đến Việt Nam, với lòng trân trọng di sản cổ xưa của quý quốc. Hàng ngàn năm qua, những nông dân đã cày cấy trên mảnh đất này - lịch sử được khắc ghi trên những chiếc trống đồng Ðông Sơn. Hà Nội bất khuất đứng bên dòng sông Hồng, hàng ngàn năm qua. Thế giới ngưỡng mộ những bức tranh lụa tuyệt đẹp của Việt Nam; Văn Miếu tồn tại như bằng chứng bất biến cho nền khoa cử và kiến thức của Việt Nam. Trong nhiều thế kỷ, vận mệnh quốc gia của các bạn bị giặc ngoại xâm thôn tính. Quê hương thân yêu của các bạn nhiều lần thuộc quyền thống trị của kẻ khác. Nhưng giống như cây tre, tinh thần bất khuất của dân tộc Việt Nam, được danh tướng Lý Thường Kiệt minh họa bằng hai câu thơ: Nam Quốc Sơn Hà Nam Ðế Cư. Tiệt nhiên định phận tại thiên thư.

Hôm nay, chúng ta cùng ôn lại lịch sử giữa người Việt và người Mỹ, về một khoảng đời xưa từng bị bỏ quên. Hơn hai trăm năm trước, một tiền nhân của người Mỹ, là Tổng Thống Thomas Jefferson, đã đến Việt Nam khi đi tìm hạt lúa cho nông trại của ông. Tại đây, ông tìm thấy giống gạo trắng, thơm ngon, cho ra năng suất cao, hiệu quả nhất. Về sau, từng thương thuyền Hoa Kỳ vượt trùng dương đến Việt Nam buôn bán.

Suốt Thế Chiến Thứ Hai, người Mỹ có mặt hỗ trợ cuộc kháng chiến chống ngoại xâm tại Việt Nam. Khi những phi công Mỹ bị bắn hạ, người Việt Nam đã giải cứu họ. Ngày Việt Nam tuyên bố độc lập, Hồ Chí Minh trích dẫn Tuyên Ngôn Ðộc Lập của Hoa Kỳ, rằng: “Mọi người sinh ra đều bình đẳng. Thượng Ðế ban cho họ các quyền bất khả xâm phạm, trong đó có quyền sống, quyền tự do, và quyền mưu cầu hạnh phúc.”

Ở một thời điểm khác, tiêu chuẩn chung về lý tưởng và lịch sử chống thực dân, có lẽ đã đưa chúng ta đến gần nhau hơn. Nhưng đáng tiếc, Chiến Tranh Lạnh và nỗi sợ hãi trước chủ nghĩa cộng sản, lại đẩy chúng ta đến bến bờ xung đột. Giống như những cuộc chiến khác xuyên suốt lịch sử nhân loại, chúng ta nhận biết một sự thật cay đắng rằng - dù chúng ta muốn hay không muốn, chiến tranh chỉ mang đến thống khổ và bi kịch.

Tại các nghĩa trang tử sĩ không xa trung tâm này, và trên bàn thờ của các gia đình ở khắp ba miền đất nước Việt Nam, vẫn còn lẩn khuất nỗi bi thương, vì các bạn biết đấy, khoảng 3 triệu người Việt Nam, cả thường dân và binh sĩ ở Miền Nam và Miền Bắc Việt Nam, đã nằm xuống. Trên Bức Tường Tưởng Niệm tại thủ đô Washington, công chúng có thể chạm vào họ và tên của 58,315 binh sĩ Hoa Kỳ, những người đã chết vì cuộc chiến đã qua. Trong đất nước của chúng ta, những cựu chiến binh và gia đình tử sĩ vẫn không ngừng khóc thương những người thân yêu đã qua đời. Cũng tương tự như tại Hoa Kỳ, chúng ta biết rằng, dù không đồng ý với cuộc chiến này, chúng ta luôn tôn vinh những người đã phục vụ tại sa trường, chào đón họ trở về với sự tôn kính mà họ xứng đáng được hưởng. Chính vì thế, người Việt Nam và người Mỹ, công nhận nỗi đau khổ và sự hy sinh đến từ hai phía.
Gần đây hơn, suốt hai mươi năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ. Ngày nay, thế giới có thể nhìn thấy những tiến bộ của các bạn. Từ sự cải cách kinh tế, đến các hiệp định thương mại, kể cả những hiệp định ký kết với Hoa Kỳ, quốc gia của các bạn đã bước vào nền kinh tế toàn cầu, bán sản phẩm trên toàn thế giới. Nhiều danh mục đầu tư cũng đã bước vào Việt Nam. Là một trong số những nền kinh tế phát triển nhanh nhất Châu Á, Việt Nam đang vươn lên, trở thành quốc gia có thu nhập trung bình.

Chúng tôi nhận ra sự tiến bộ của Việt Nam qua những tòa nhà chọc trời, những tòa nhà cao tầng tại thủ đô Hà Nội và thành phố Sài Gòn, những trung tâm thương mại, và những trung tâm đô thị. Chúng tôi nhìn thấy những điều này, qua vệ tinh Việt Nam đặt vào không gian, cũng như nhìn thấy thế hệ mới trên online, tung ra chiến dịch khởi động và điều hành các dự án mới. Chúng tôi nhìn thấy qua sự kết nối của hàng chục triệu người Việt Nam, trên trang truyền thông xã hội Facebook và Instagram. Các bạn không chỉ đăng những tấm hình selfies - mặc dù tôi nghe nói, các bạn đăng rất nhiều tấm ảnh loại này - [cử tọa cười] - cho đến bây giờ có rất nhiều người yêu cầu tôi chụp hình selfies. Các bạn cũng cất cao tiếng nói, bày tỏ thái độ về những điều đáng quan tâm, chẳng hạn như các bạn đã lên tiếng, để cứu hàng cây cổ thụ in bóng tại thủ đô Hà Nội.

Tất cả những điều tích cực này trở thành sự tiến bộ thật sự, trong đời sống của mọi người. Tại Việt Nam, các bạn đã thực hiện xóa bỏ đói nghèo một cách đáng kể, tìm cách tăng thu nhập gia đình, đưa hàng triệu người bước vào tầng lớp trung lưu. Ðói nghèo, bệnh tật, tỷ lệ tử vong của trẻ em và các bà mẹ, tất cả đều đã giảm xuống. Số lượng người có nước sạch để uống, có điện để sử dụng, số trẻ em trai và trẻ em gái đến trường, và tỷ lệ người dân biết đọc biết viết&, tất cả đều đã gia tăng. Ðây là sự tiến bộ phi thường. Ðây là những gì các bạn đã đạt được, trong một thời gian rất ngắn.

Khi đất nước Việt Nam thay hình đổi dạng, cũng là lúc Việt Nam và Hoa Kỳ thiết lập mối quan hệ. Chúng tôi cảm nhận bài học do Thiền Sư Thích Nhất Hạnh giảng dạy: “Bằng đối thoại thật sự, cả hai bên đều sẵn sàng thay đổi.” Chính bằng đối thoại và thay đổi, cuộc chiến vốn phân chia chúng ta, nay trở thành nguồn mạch chữa lành mọi nỗi đau. Chính bằng sự đối thoại và thay đổi, chúng tôi có thể tìm kiếm những quân nhân Mỹ mất tích trong chiến tranh, cuối cùng đưa họ trở về nhà. Chính bằng sự đối thoại và thay đổi, chúng tôi có thể giúp các bạn loại bỏ những trái mìn, những quả bom chưa nổ, để không một em bé nào bị mất tay chân, khi chạy nhảy chơi đùa ở vườn rau hay bến bãi. Ngay cả khi tiếp tục hỗ trợ những người Việt Nam khuyết tật, chúng tôi cũng tiếp tục giúp các bạn loại bỏ chất độc da cam - dioxin - vì thế, Việt Nam có thể khai hoang vỡ đất. Chúng tôi tự hào về công việc chúng tôi đã làm tại Ðà Nẵng, cũng như chúng tôi mong muốn hỗ trợ các bạn tại Biên Hòa.

Xin đừng quên quá trình hòa giải giữa hai quốc gia của chúng ta, do những cựu chiến binh từng đương đầu với nhau ngoài chiến trường, thực hiện. Hãy nhớ đến Thượng Nghị Sĩ John McCain, người bị giam giữ nhiều năm trong chiến tranh. Ông đã gặp Ðại Tướng Võ Nguyên Giáp, chia sẻ rằng: Việt Nam và Hoa Kỳ không nên là kẻ thù, mà nên là bạn. Hãy nhớ đến tất cả các cựu chiến binh Việt Nam và Hoa Kỳ, những người đã và đang nỗ lực hàn gắn vết thương, cũng như đem lại lợi ích cho cả hai quốc gia. Như trung úy Hải Quân Mỹ, hiện nay là ngoại trưởng Hoa Kỳ, John Kerry, người cũng đang có mặt ở đây, hôm nay. Thưa Ngoại Trưởng John, thay mặt cho tất cả mọi người, chúng tôi vô cùng biết ơn những nỗ lực phi thường của ông, đã làm vì sự hòa hợp hòa giải của nhân dân Việt-Mỹ.

Chính vì những cựu chiến binh đã cho chúng ta nhìn thấy con đường, chính vì những người lính có đảm lược tìm kiếm hòa bình, giờ đây chúng ta trở nên gần gũi nhau hơn bao giờ hết. Ngành thương mại của chúng ta ngày càng phát triển. Sinh viên và học giả của chúng ta cùng nghiên cứu với nhau. Chúng tôi đã chào đón nhiều sinh viên Việt Nam, hơn bất kỳ quốc giao nào khác ở Ðông Nam Á. Và mỗi năm, các bạn đón chào thêm nhiều du khách người Mỹ, trong đó có cả giới trẻ lưng khoác ba lô, đến Hà Nội-ba mươi sáu phố phường, đến mua sắm tại phố cổ Hội An, và đến cố đô Huế. Là những người Mỹ và người Việt Nam, chúng ta, bằng cách nào đó, đã có thể hiệp thông, nhờ ca từ của nhạc sĩ Văn Cao - “Từ nay người biết quê người; từ nay, người biết thương người.”

Với tư cách là tổng thống, tôi muốn tiếp tục xây dựng và phát huy sự tiến bộ. Bằng Quan Hệ Đối Tác Toàn Diện mới, chính phủ hai quốc gia sẽ cùng chung lòng chung sức làm việc. Trong chuyến công du này, chủ ý của chúng tôi là đặt mối quan hệ của chúng ta trên nền tảng vững chắc hơn nữa, cho nhiều thập niên tới. Hãy cùng tôi cảm nhận câu chuyện nghìn đêm lẻ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, bắt đầu từ hơn hai trăm năm trước, bắt đầu với Tổng Thống Thomas Jefferson, giờ đây thật đã tạo thành vòng tròn viên mãn. Điều này phải chăng cần rất nhiều thời gian, cần không ít nỗ lực. Bây giờ chúng ta có thể nói một điều, mà trước đây chúng ta không dám mường tượng đến: Hôm nay, Việt Nam và Hoa Kỳ trở thành bạn hữu, trở thành đối tác.

Quan hệ đối tác mới giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, khơi nguồn từ những sự thật căn bản. Việt Nam là đất nước độc lập, có chủ quyền, không quốc gia nào có thể áp đặt ý muốn, hay quyết định số phận của Việt Nam. Giờ đây, Hoa Kỳ có lợi ích tại Việt Nam. Chúng tôi quan tâm đến sự thành công của đất nước này. Nhưng Quan Hệ Đối Tác Hiệp Thông giữa chúng ta, mới chỉ là giai đoạn đầu. Trước khi rời Việt Nam, tôi muốn chia sẻ với các bạn một quan điểm, mà tôi tin rằng có thể hướng dẫn chúng ta, trong những thập niên tới.

Trước hết, chúng ta hãy cùng làm việc, để tạo ra cơ hội và sự phồn vinh thật sự cho nhân dân của chúng ta. Chúng tôi biết những yếu tố mang lại sự thành công về kinh tế, trong thế kỷ 21. Nền kinh tế toàn cầu, sự đầu tư và kinh doanh của chúng tôi, tuôn đổ vào bất cứ nơi nào tuân theo nguyên tắc pháp luật. Không ai muốn trả tiền hối lộ để khởi nghiệp. Không ai muốn bán sản phẩm hay đến trường lớp để thụ huấn một điều gì đó, nếu họ không biết sẽ được đối xử như thế nào. Khi nền kinh tế dựa trên tri thức, công việc sẽ phát triển ở những nơi người dân có quyền tự do suy nghĩ, có quyền trao đổi ý tưởng và có quyền đổi mới. Quan hệ đối tác kinh tế thật sự, không chỉ căn cứ vào tài nguyên chiết xuất từ quốc gia này, để rồi đổ vào quốc gia kia. Mà chính là sự đầu tư vào nguồn tài nguyên vô tận của chúng ta, lưu dụng người dân, sử dụng kỹ năng và tài năng của họ, cho dù các bạn sống giữa một đô thị lớn, hay ở tận làng quê xa xôi cũng vậy. Đây chính là mối quan hệ đối tác mà Hoa Kỳ cung cấp.

Như hôm qua tôi đã thông báo, Tổ Chức Hòa Bình - Peace Corps - sẽ đến Việt Nam, tập trung vào việc giảng dạy Anh Ngữ. Thế hệ trước của người Mỹ đến đây để chiến đấu, nhưng thế hệ sau của người Mỹ đến đây để giảng dạy, để xây dựng tình bằng hữu thiết thân. Một số công ty công nghệ và trường đại học danh tiếng của Hoa Kỳ đến Việt Nam, cùng hội nhập với các đại học ở đây, tăng cường đào tạo khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học, và y học. Chúng tôi luôn luôn thân ái chào đón sinh viên Việt Nam sang Hoa Kỳ du học. Chúng tôi tin rằng giới trẻ Việt Nam xứng đáng được theo học một trường đại học có đẳng cấp quốc tế, ngay trên đất nước của các bạn.

Đây chính là một trong số nhiều lý do tại sao chúng tôi vui mừng loan báo rằng mùa Thu này, Trường Đại Học Fulbright mới sẽ khai giảng tại Việt Nam - đây là đại học tự trị, phi lợi nhuận đầu tiên mở ra trên quê hương của các bạn - một đại học có đầy đủ chương trình học thuật tự do, và học bổngcho những sinh viên cần đến. Giới sinh viên, các vị học giả, các nhà nghiên cứu có thể tập trung vào chính sách điều hành và thương mại công cộng; các ngành kỹ thuật và khoa vi tính; các ngành nghệ thuật - tất cả mọi ngành học, từ thơ của thi hào Nguyễn Du, cho đến triết lý của nhà cách mạng Phan Chu Trinh, hay là đề cương toán học của Giáo Sư Ngô Bảo Châu.

Chúng tôi muốn tiếp tục hợp tác với giới trẻ và các nhà khởi nghiệp, bởi vì chúng tôi tin rằng, nếu các bạn được tiếp cận kỹ năng, công nghệ, và đồng vốn - những điều các bạn cần - chắc chắn không gì có thể ngăn cản bạn phát triển con đường riêng đã chọn - chúng tôi không hề bỏ quên phái nữ tài ba của Việt Nam. Chúng tôi nghĩ rằng, sự bình đẳng giới tính là nguyên tắc quan trọng. Từ thời Hai Bà Trưng cho đến bây giờ, phụ nữ Việt Nam tự tin, mạnh mẽ, luôn muốn nhìn thấy Việt Nam đứng lên, tiến về phía trước. Tôi từng nói như thế này, khi đi đến bất cứ nơi nào trên thế giới: Bằng chứng rõ ràng cho thấy gia đình, cộng đồng và quốc gia sẽ phồn vinh thịnh vượng nhiều hơn nữa, nếu như phụ nữ có cơ hội bình đẳng, để gặt hái thành công tại trường học, tại công sở, và trong chính quyền. Đây là sự thật phơi bày ở khắp mọi nơi, và cũng là sự thật ở ngay dải đất hình chữ S này.

Chúng tôi tiếp tục làm việc để khai phóng toàn bộ tiềm năng kinh tế của các bạn, bằng mối quan hệ qua Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương. Hiệp định này cho phép quốc gia của các bạn bán được nhiều sản phẩm trong cộng đồng quốc tế, giúp các bạn thu hút nguồn đầu tư mới. Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương đòi hỏi phải bảo vệ người lao động, bảo vệ quy định của pháp luật, và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Hoa Kỳ sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam, bằng cách thực hiện đầy đủ lời cam kết mà chúng tôi đã đưa ra. Tôi muốn các bạn hiểu rằng, là tổng thống của Hoa Kỳ, tôi mạnh mẽ ủng hộ Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương. Bởi vì các bạn cũng sẽ mua nhiều hàng hóa “Made in America” của chúng tôi.

Có thể nói tôi ủng hộ Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương, vì lợi ích chiến lược của hiệp định này. Việt Nam sẽ ít phụ thuộc vào bất kỳ một đối tác thương mại nào, tận hưởng mối quan hệ rộng rãi với nhiều đối tác hơn nữa, trong đó có Hoa Kỳ. Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương sẽ tăng cường sự hợp tác trong khu vực. Hiệp định này giúp chỉ ra bất bình đẳng kinh tế, thúc đẩy nhân quyền, đề nghị mức lương cao hơn, và điều kiện làm việc an toàn hơn. Lần đầu tiên tại Việt Nam có những liên đoàn lao động độc lập, cấm cưỡng bức lao động, chống cả việc bắt trẻ em lao động. Hiệp định này bao gồm những biện pháp bảo vệ môi trường, và những tiêu chuẩn chống tham nhũng mạnh mẽ nhất, mạnh hơn bất cứ hiệp định nào từng có trong lịch sử thương mại. Đây là tương lai mà Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương cung cấp cho chúng ta. Hoa Kỳ, Việt Nam, và những quốc gia ký tên gia nhập - sẽ phải tuân theo những quy tắc đã thành lập. Tất cả đang chờ đón chúng ta trong tương lai. Chúng ta phải làm sao, để thực hiện đúng Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương, vì nền kinh tế phồn vinh thịnh vượng, và vì an ninh quốc gia của chúng ta.

Tôi muốn nói đến lãnh vực thứ hai, mà chúng ta có thể cùng làm việc: Đó là sự bảo đảm an ninh chung. Trong chuyến công du này, chúng tôi đồng ý nâng cao hợp tác an ninh, xây dựng niềm tin nhiều hơn nữa của các quốc gia đối tác, vào đội ngũ nhân viên nam nữ mặc quân phục của chúng tôi. Chúng tôi tiếp tục hỗ trợ đào tạo, cung cấp trang thiết bị cho Đội Tuần Tra Biên Phòng Duyên Hải của các bạn, nhằm tăng cường khả năng hàng hải của Việt Nam. Chúng tôi sẽ hợp tác cung cấp viện trợ nhân đạo, hay những khi có thiên tai. Giống như thông báo tôi công bố hôm qua, chính phủ Hoa Kỳ hoàn toàn dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam. Đất nước của các bạn cần phải thu thập thêm nhiều trang thiết bị quân sự, để bảo đảm an ninh. Và như đã nói, Hoa Kỳ cam kết bình thường hóa mối quan hệ với Việt Nam.

Nhìn chung, thế kỷ 20 đã dạy chúng ta - cả Hoa Kỳ và Việt Nam - biết rằng trật tự quốc tế, nền an ninh mà các quốc gia phụ thuộc, bắt nguồn từ những quy tắc và tiêu chuẩn nhất định. Mỗi một quốc gia dù lớn hay nhỏ, đều có chủ quyền. Chủ quyền này cần được tôn trọng, cũng như không thể vi phạm lãnh thổ của bất cứ quốc gia nào. Các cường quốc không thể trấn áp, bắt nạt một nước nhỏ hơn. Mọi tranh chấp nên được giải quyết bằng tinh thần ôn hòa. Các tổ chức trong khu vực, chẳng hạn như ASEAN và Hội Nghị Thượng Đỉnh Đông Á, cần được tiếp tục tăng cường. Đây là tất cả những gì tôi hằng vững tin. Đây là tất cả những gì Hoa Kỳ hằng vững tin. Đây là mối quan hệ đối tác, mà Hoa Kỳ muốn gửi đến khu vực này. Cuối năm nay, tôi mong muốn thúc đẩy tinh thần tôn trọng và hòa giải, khi tôi là Tổng Thống đầu tiên đến nước Lào.

Tại Biển Đông, Hoa Kỳ không phải là một trong những bên tranh chấp. Nhưng chúng tôi sẽ đứng bên cạnh các quốc gia đối tác, để gìn giữ các nguyên tắc cốt lõi, như tự do hàng hải, tự do thương mại hợp pháp không bị cản trở, giải quyết hòa bình các tranh chấp, thông qua từng tiêu chuẩn pháp lý, sao cho phù hợp với luật pháp quốc tế. Khi chúng ta cùng thẳng tiến về phía trước, Hoa Kỳ tiếp tục chỉ thị phi cơ giám sát, ra lệnh cho tàu ra khơi tuần tra, và hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép. Chúng tôi ủng hộ các quốc gia có quyền thực hiện những điều tương tự.

Ngay cả khi Hoa Kỳ và Việt Nam hợp tác chặt chẽ hơn nữa, trong tất cả mọi lãnh vực mà tôi đã trình bày, mối quan hệ đối tác của chúng ta còn bao gồm một yếu tố thứ ba - đó là giải quyết những điều mà chính phủ của chúng tôi không đồng ý, kể cả vấn đề nhân quyền. Tôi nói điều này, không phải vì Việt Nam là quốc gia duy nhất [cần nhìn lại nhân quyền]. Bởi vì không có quốc gia nào thật sự hoàn hảo. Hai thế kỷ qua, Hoa Kỳ vẫn phấn đấu để sống theo lý tưởng mà chúng tôi sáng lập. Chúng tôi vẫn phải đối phó với những thiếu sót - quá nhiều tiền trong nền chính trị của chúng tôi, khiến bất bình đẳng kinh tế gia tăng, thiên vị chủng tộc trong hệ thống tư pháp hình sự, nữ giới vẫn chưa được trả lương nhiều như nam giới, cho dẫu họ làm cùng một công việc. Chúng tôi vẫn còn rất nhiều vấn đề nan giải. Tôi khẳng khái nói với các bạn rằng, chúng tôi vẫn bị chỉ trích. Mỗi ngày tôi đều nghe những lời chỉ trích. Nhưng khi nhìn thẳng vào vấn đề, khi bắt đầu cuộc tranh luận cởi mở, khi đối diện với những điều không hoàn hảo, chính những khiếm khuyết này đã giúp Hoa Kỳ phát triển, mạnh mẽ hơn, phồn thịnh hơn, và cảm nghiệm giá trị công lý nhiều hơn.

Như tôi đã nói từ trước - Hoa Kỳ không tìm cách áp đặt khuôn thước của chúng tôi lên chính phủ Việt Nam. Tôi tin rằng những quyền mà tôi đề cập đến, không chỉ có giá trị tại Hoa Kỳ, mà có giá trị ở khắp mọi nơi trong cộng đồng quốc tế. Bởi vì những quyền này được ghi trong Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền, ghi cả trong Hiến Pháp Việt Nam. Chúng ta đều thuộc lòng “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tiếp cận mọi nguồn thông tin, tự do hội họp, tự do thành lập hội đoàn, và tự do biểu tình.” Nói rất thật, đây là vấn đề của tất cả chúng ta, mỗi một quốc gia cố gắng áp dụng những nguyên tắc nói trên, để bảo đảm rằng - những người ở trong chính phủ như chúng ta - trung thành thực hiện lý tưởng này.

Những năm gần đây, Việt Nam đạt được một số tiến bộ đáng kể. Việt Nam cam kết san định luật pháp, sao cho phù hợp với hiến pháp mới, và với tiêu chuẩn quốc tế. Theo luật pháp vừa được thông qua, chính phủ sẽ công bố nhiều hơn về ngân sách, dân chúng có quyền truy cập tìm kiếm thêm thông tin. Và như tôi đã nói, Việt Nam cam kết cải cách kinh tế và lao động, theo Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương.

Có thể nói đây là những bước tích cực. Để cuối cùng, tương lai của Việt Nam do chính người Việt Nam quyết định. Mỗi quốc gia có biểu đồ cho con đường riêng của đất nước. Hoa Kỳ và Việt Nam có truyền thống, văn hóa, guồng máy chính trị khác nhau. Nhưng là bằng hữu của Việt Nam, cho phép tôi được chia sẻ quan điểm cá nhân - về lý do tại sao tôi tin rằng, các quốc gia sẽ có nhiều thành công hơn, khi nhân quyền được tôn trọng.

Khi có tự do ngôn luận và tự do diễn thuyết, khi mọi người có thể chia sẻ ý tưởng, được truy cập vào Internet và các phương tiện truyền thông xã hội không hạn chế, đây chính là nhiên liệu mà những nền kinh tế đổi mới cần có để phát triển. Đây chính là yếu tố giúp những ý tưởng thăng hoa. Đây chính là cách Facebook bắt đầu. Đây chính là con đường đi, mà một số công ty hàng đầu của chúng tôi, dùng để khởi nghiệp - đó là học tập, dựa trên những ý tưởng mới của ai đó đưa ra. Điều này tuy khác biệt, nhưng mọi người đều có thể chia sẻ.

Khi có tự do báo chí - khi các ký giả và những người viết blog, đem ánh sáng soi vào những điều bất công hay ngược đãi - chính là lúc các quan chức phải có trách nhiệm, phải giúp dân chúng tin rằng, hệ thống điều hành của chính phủ thật đang hoạt động vì công lý.

Khi các ứng cử viên có thể phát động chiến dịch tranh cử một cách tự do, cử tri có thể lựa chọn nhà lãnh đạo bằng cuộc bỏ phiếu tự do và công bình. Điều này giúp đất nước ổn định hơn, vì dân chúng biết rằng tiếng nói của họ được lắng nghe, sự thay đổi trong hòa bình là điều khả thi. Điều này cũng là cách giúp đưa những con người mới vào hệ thống quản trị.

Khi có tự do tôn giáo, điều này không chỉ cho phép mọi người thể hiện đầy đủ tình yêu thương và lòng nhân ái, mà còn là trung tâm điểm quy tụ tất cả các tôn giáo lớn. Tự do tôn giáo cho phép các nhóm tôn giáo phục vụ cộng đồng, bằng những nhiệm vụ họ lãnh nhận tại trường học, trong bệnh viện, hay chăm sóc người nghèo và những ai dễ bị tổn thương.

Khi có tự do hội họp - khi công dân được tự do tổ chức xã hội dân sự - đất nước có thể tốt hơn, vì chính đoàn thể sẽ giải quyết những vấn nạn mà chính phủ không thể tự giải quyết.

Quan điểm của tôi vẫn trước sau như một: Tôn trọng những quyền này không phải là mối đe dọa sự ổn định, mà ngược lại, chính nó tạo nên sự ổn định thật sự, và đặt bệ phóng để tiến bộ.

Trên hết mọi sự, đây là khát vọng về nhân quyền lấy cảm hứng từ những người sống trong cộng đồng quốc tế, trong đó có Việt Nam, một quốc gia đã thoát ra khỏi ách thực dân. Tôi tin rằng duy trì các quyền căn bản của con người là biểu hiện đầy đủ nhất về sự độc lập mà rất nhiều quốc gia trân trọng, kể cả Việt Nam - quốc gia từng tuyên bố rằng chính quyền là “của dân, do dân, và vì dân.”

Việt Nam chắc chắn sẽ có cách thực hiện không giống Hoa Kỳ. Mỗi một người trong chúng ta, ở chừng mực nào đó, cũng có những cách làm khác nhau, vì sinh trưởng từ nhiều đất nước khác nhau trên thế giới. Nhưng có những nguyên tắc căn bản, mà tôi nghĩ rằng tất cả chúng ta phải cố gắng làm, phải cố gắng cải thiện. Tôi nói điều này với tư cách một người sắp kết thúc nhiệm kỳ. Trong gần tám năm qua, tôi thu gặt được rất nhiều lợi ích, khi nhìn lại hình ảnh phản chiếu những gì mà hệ thống hành chính quản trị của chúng tôi đã thực hiện. Tôi nhận biết chúng tôi đã làm như thế nào, tương tác như thế nào với các quốc gia trên toàn thế giới, những quốc gia cũng đang không ngừng cố gắng cải thiện hệ thống của họ.

Cuối cùng tôi nghĩ rằng, quan hệ đối tác của chúng ta sẽ đáp ứng những thách thức toàn cầu, mà không một quốc gia nào có thể đơn độc giải quyết. Nếu chúng ta bảo đảm sức khỏe của dân trong nước, bảo đảm vẻ thanh lịch của căn nhà chung là Trái Đất này, nhất định sự phát triển sẽ bền vững. Những kỳ quan thiên nhiên như Vịnh Hạ Long, Hang Sơn Đòong phải được bảo vệ cho con em chúng ta. Mực nước biển lên cao đe dọa bờ biển và đường thủy, là hiểm họa rất nhiều người dân Việt phải chịu đựng, vì cuộc mưu sinh của họ lệ thuộc vào biển cả. Vì thế Hoa Kỳ và Việt Nam cùng hợp tác, trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Chúng ta cần thực hiện đầy đủ lời cam kết đã ký tại Paris. Chúng ta cần giúp nông dân và các làng chài lưới, những người sống bằng nghề đánh bắt cá những điều thích ứng với họ; cũng như mang lại năng lượng sạch hơn cho đồng bằng sông Cửu Long - vựa lúa mà thế giới cần đến, để nuôi dưỡng thế hệ tương lai.

Hoa Kỳ và Việt Nam cũng có thể giữ gìn sinh mạng, của những người ở ngoài biên giới lãnh thổ. Chúng ta có thể giúp các quốc gia khác trở nên hùng mạnh, thí dụ như làm một chút gì đó cho hệ thống y tế của họ. Khi thực hiện điều này, chúng ta có thể ngăn chặn virus bùng phát, trở thành đại dịch đe dọa chính mạng sống của chúng ta. Một khi Việt Nam cam kết tham dự Lực Lượng Gìn Giữ Hòa Bình của Liên Hiệp Quốc, Hoa Kỳ tự hào giúp huấn luyện những tình nguyện viên hòa bình của các bạn. Có một sự thật đáng ghi nhớ, đó là Hoa Kỳ và Việt Nam đang sát cánh bên nhau, giúp đỡ những quốc gia khác tìm kiếm nền hòa bình thịnh trị. Chính vì thế, ngoài mối quan hệ đối tác, cho phép chúng tôi giúp các bạn định hình môi trường quốc tế, theo hướng tích cực.

Toàn bộ quan điểm của tôi trình bày với các bạn hôm nay, chẳng hề xảy ra trong đêm qua, nhưng là những điều không thể lẩn tránh. Trên con đường chúng ta đi, có những điều tình cờ dẫn đến thất bại. Hiện tại vẫn còn là thời điểm [chúng ta] có những ngộ nhận, hiểu lầm. Điều này - ở chừng mực nào đó - sẽ làm tiêu tan nỗ lực và sự đối thoại chân thành vốn có của chúng ta, trong lúc cả hai quốc gia đang tiếp tục thay đổi. Nhưng nhìn lại những nghịch cảnh có trong lịch sử mà chúng ta đã vượt qua, ngay phút giây này đang đứng trước mặt các bạn, tôi rất lạc quan khi nghĩ đến tương lai chung của Hoa Kỳ và quý quốc. Như thường lệ, sự tự tin của tôi bắt nguồn từ tình bạn, từ sự chia sẻ nguyện vọng xuất phát từ trái tim của hai dân tộc Việt-Mỹ.

Tôi nghĩ rằng người Mỹ và người Việt đã vượt qua đại dương mênh mông - một số người lần đầu tiên đoàn tụ với gia đình, sau nhiều thập niên cách biệt - và nhiều người, như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết, đã“Nối Vòng Tay Lớn,” mở cánh cửa lòng, để cùng nhìn thấy nhân loại trong tâm hồn. Tôi nghĩ rằng tất cả những người Mỹ gốc Việt đã thành công, khi kiến tạo cuộc đời riêng tại Hoa Kỳ - họ là bác sĩ, nhà báo, thẩm phán, công chức. Trong số họ có những người chào đời tại đây. Họ đã viết thư cho tôi, chia sẻ rằng: “Nhờ ân sủng của Thiên Chúa, họ đã có thể sống giấc mơ của người Mỹ... Họ tự hào là người Mỹ, nhưng cũng rất tự hào là người Việt Nam.” Và hôm nay anh ấy cũng có mặt trong hội trường này. Anh ấy trở về nơi chôn nhau cắt rốn, vì “niềm đam mê cá nhân,” đó là “cải thiện đời sống của từng người Việt Nam.”

Tôi nghĩ đến thế hệ mới của người Việt Nam - đó là các bạn, rất nhiều người trẻ hiện diện trong hội trường này - những người sẵn sàng đưa thương hiệu của các bạn đến với cộng đồng quốc tế. Tôi muốn nói rằng, hỡi các bạn trẻ, hãy lắng nghe tài năng, động lực, ước mơ của các bạn. Việt Nam có đủ mọi thứ cần thiết, để phát triển mạnh mẽ. Số phận của các bạn nằm trong tay của chính các bạn. Đây là thời điểm của các bạn. Nếu như các bạn đang theo đuổi tương lai mà bạn khao khát đạt được, tôi muốn nói cho các bạn biết: Hoa Kỳ sẽ đến bên cạnh các bạn, để trở thành đối tác và bằng hữu thân tình.
Nhiều năm và nhiều năm sau nữa, đến khi nào người Việt và người Mỹ cùng nghiên cứu, cùng đổi mới và hợp tác kinh doanh, cùng sát cánh bên nhau để bảo vệ an ninh, cùng thúc đẩy nhân quyền, cùng bảo vệ Trái Đất, ngôi nhà chung của chúng ta - Tôi mong các bạn nhớ lại phút giây này, nhớ lại niềm hy vọng trong quan điểm mà tôi trình bày với các bạn hôm nay. Hẳn là tôi nên mượn lời từ Truyện Kiều, áng văn chương mà tất cả các bạn đều thuộc lòng, để nói với các bạn:“Rằng trăm năm cũng là đây. Của tin gọi một chút này làm ghi.”

Chân thành cảm ơn các bạn. Cảm ơn đất nước Việt Nam.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét