khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Bảy, 5 tháng 3, 2016

Hoa Kỳ bí hiểm - Tác giả Nguyễn xuân Nghĩa



Hoa Kỳ là quốc gia rất lạ. Nhờ sức sáng tạo của cả xã hội quân và dân sự, người ta không biết sẽ có những gì trong năm năm tới.

Mới năm năm trước thôi, ít ai biết cuộc cách mạng về thuật lý khai thác dầu khí, là “fracking,” lại nâng sản lượng của Mỹ, làm đảo lộn thị trường dầu thô, đánh sụt giá dầu khiến các đại gia như Saudi Arabia, Liên Bang Nga hay Venezuela và cả khối OPEC điêu đứng. Chiến lược của thế giới bị đảo lộn vì người Mỹ có cách gạn cát ra dầu! Giá dầu sút giảm cũng hạ thấp phí tổn sản xuất của doanh nghiệp và dẫn tới cuộc cách mạng về quản trị kinh doanh với hậu quả ra sao thì chưa ai biết được.
Việc ứng dụng và thường trực cải tiến các phương tiện thông tin, sản xuất hay y học - mới chỉ phát minh từ 15 năm trở lại - đang mở ra chân trời mới, và sẽ thay đổi nếp sinh hoạt của nhiều người. Những ai bắt kịp đà tiến hóa thì có mức sống cao hơn. Nếu không kịp thì bị đào thải, thất nghiệp hoặc phải nhận việc có lương thấp hơn khả năng, chỉ vì khả năng đó tụt hậu, bị “lỗi thời hóa” quá nhanh.
Sự thay đổi quá rộng và quá mau làm nhiều người chóng mặt. Nếu chửa biết những gì sẽ xảy ra trong năm năm tới thì ta khó làm chủ cuộc sống, nên nhiều người hoang mang, bất mãn... Tình trạng dồn ép tâm lý ấy đang chi phối cuộc tranh cử tổng thống và mở ra lý luận mị dân.

Ðể hốt phiếu cử tri, các ứng cử viên phải vạch mặt chỉ tên thủ phạm. Thủ phạm là bọn chính khách chuyên nghiệp cùng đám tài phiệt - và gạch nối giữa hai thành phần này là doanh nghiệp vận động hành lang chính trị, bọn “lobby” giấu mặt. Không, thủ phạm của nạn tụt hậu chính là bộ máy thư lại bao cấp, hay nghiệp đoàn giáo chức vốn chỉ là công chức về giáo dục, hoặc các di dân đã “cướp việc làm” của người Mỹ. Thủ phạm cũng là truyền thông báo chí, có dụng tâm ủng hộ “gà nhà” mà không cho thấy sự xoay vần đến hoa mắt của khoa học, kỹ thuật, hay kinh tế thị trường, v.v...

Thật ra, mọi lý luận mị dân đều phải có một phần sự thật, nhưng chỉ một phần thôi.

Vì vậy, mọi giải pháp đề nghị đều sẽ thất bại vì chỉ giải quyết một phần vấn đề, lại gây ra loại hậu quả bất lường, nhưng các ứng cử viên bất cần. Nhu cầu của họ là chứng minh tài nghệ tranh cử, tài hùng biện và nghề tổ chức, hơn là khả năng lãnh đạo sau này nếu như đắc cử. Trường hợp lý tưởng là người sẽ làm tổng thống giỏi phải trước hết là người giỏi tranh cử. Vì lý tưởng nên hơi hiếm. Nhiều người có thể là tổng thống giỏi đã rụng như ruồi vì tranh cử quá dở! Cựu Thống Ðốc Jeb Bush là một thí dụ mà không duy nhất! Mất tiền mất tiếng là phải...

Nổi danh như cồn thì có con vịt The Donald, nỗi lo của đảng Cộng Hòa và nhiều người khác. Ông Trump này mà đắc cử thì thế giới sẽ loạn to!

Trong một thế giới mà tương lai năm năm còn mù mờ thì năm tháng tranh cử sắp tới, cho đến khi Ðại hội đảng chính thức giới thiệu liên danh thụ ủy, sẽ là cơ hội bằng vàng cho báo chí tường thuật. Vừa giật gân bán báo vừa thu tiền quảng cáo chính trị của các ứng cử viên. Vì vậy, con Donald là sản phẩm ăn khách trên thị trường Hoa Kỳ làm thế giới giật mình ngao ngán.

Nhưng việc ai người ấy làm.

Tuần qua, khi dư luận hào hứng theo dõi vòng bỏ phiếu sơ bộ và các cuộc tranh luận chính tri trên truyền hình, Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ lặng lẽ giới thiệu một ám khí sắp ra lò, qua một tấm hình mơ hồ mà ác liệt. Ðó là oanh tạc cơ mới chỉ có mã hiệu là B-21. Chưa có mặt nên chưa đặt tên.

Nhờ tấm hình, ta biết đấy là một phi cơ! Vì có thể giội bom được nên ta gọi là oanh tạc cơ, với mã hiệu là chữ B của “bomber.” Nhờ kinh nghiệm thì mình đoán thêm rằng đấy là oanh tạc cơ có khả năng tàng hình, “stealh,” vì tránh được radar hay phương tiện phòng không của địch. Tránh tới cỡ nào thì chưa biết. May ra, năm năm nữa sẽ biết!

Dĩ nhiên, oanh tạc cơ chưa ra lò sẽ chở võ khí tinh khôn với sức “phóng lực” - power projection - vô cùng chuẩn xác, ở rất xa, với tốc độ rất nhanh. Và trong bộ não, chiếc B-21 này có khả năng... mưu sinh thoát hiểm siêu hạng. Chỉ vì mỗi chiếc sẽ tốn 500 triệu đô la.

Một máy điện tử giết người, có thể di động trên không gian nhanh hơn vận tốc của âm thanh, lại trị giá nửa tỷ bạc như vậy thì chẳng thể là võ khí tầm thường. Mà Hoa Kỳ dự trù chế tạo một trăm chiếc, với phí tổn là 50 tỷ, chưa kể các chi phí điều hành lặt vặt khác. Tức là làm sao?

Trong khi cử tri và dư luận còn đắn đo với chuyện chọn mặt gửi vàng vào ngày Thứ Ba mùng 8 Tháng Mười Một, giới hữu trách về an ninh vẫn chuẩn bị việc phóng chiếu sức mạnh Hoa Kỳ vào một môi trường còn nhiễu nhương và phức tạp gấp bội! Khi ấy, trở lại quy luật “chưa biết năm năm tới sẽ là gì,” những ai có trách nhiệm bảo vệ Hoa Kỳ đã chuẩn bị, từ trong viện nghiên cứu, phòng thí nghiệm ra các nhà máy bí mật, việc chế tạo ám khí cho một trận địa chưa có.

Trận địa ấy không chỉ là chiến xa hay chiến hạm mà là các công xưởng sản xuất chiến cụ, hay các trung tâm tiếp liệu, liên lạc và chỉ huy của những đối phương chưa có tên.

Ðấy là lúc ta nhớ tới hội nghị Hoa Kỳ cùng 10 nước ASEAN của hiệp hội các Quốc gia Ðông Nam Á tại Rancho Mirage vào hai ngày 15-16 Tháng Hai.

Hội nghị kết thúc trong tẻ nhạt, tổng thống Mỹ chẳng dám một lời nhắc tới Trung Cộng ở Biển Ðông. Nhưng hôm 16, đài Fox News nổi tiếng bảo thủ lại tiết lộ việc Bắc Kinh thiết trí hỏa tiễn loại Hồng Kỳ lớp 9 trên đảo nhân tạo Phú Lâm mà Trung Cộng chiếm đoạt của Việt Nam trong trận Hải Chiến Hoàng Sa năm 1974. Sau Fox là đài CNN thiên tả rồi cả thông tấn xã Reuters cũng nhập cuộc với hình ảnh và tường thuật đầy đủ.

Reuters còn dẫn lời phát biểu của Ðô Ðốc Harry B. Harris, tư lệnh Quân Khu Thái Bình Dương của Hoa Kỳ. Rằng “Trung Cộng đang quân sự hóa vùng biển Ðông Nam Á và phải lầm tượng rằng Ðịa Cầu là mặt phẳng thì mới nghĩ khác.” Từ một ông tướng chỉ huy lực lượng quân sự Hoa Kỳ trên Thái Bình Dương qua Ấn Ðộ Dương thì lời phát biểu hiển nhiên có trọng lượng quốc tế, làm thế giới xôn xao.

Nhưng chìm sâu ở cuối bản tin của Reurters là một câu nói khác của Ðô Ðốc Harris: “Hoa Kỳ có khả năng quân sự để làm việc phải làm, nếu chuyện ấy xảy ra.” Phiên dịch cho dễ hiểu: “Trung Cộng chưa có ký lô nào!” Chưa là mối nguy quân sự cho nước Mỹ.

Cho nước khác thì nước khác phải lo... Nếu cần thì cứ mua võ khí của Hoa Kỳ, với điều kiện.
Thế thì nhìn từ bên ngoài thì ta giải thích làm nào về nước Mỹ? Tinh hoa của sáng tạo, tinh ma của chính trị, bén nhạy trên doanh trường mà khật khùng trong chính trường vào mùa tranh cử? Hoa Kỳ có tất cả những yếu tố ấy, mà còn có khả năng kinh hãi hơn vậy: ai cũng nói thật, một phần của sự thật đầy mâu thuẫn, đầy nghịch lý và nghịch nhĩ. Thế thì người Mỹ muốn gì?

Hình như cái gì cũng muốn dù chẳng biết cái đó là cái gì!

Sự thật có khi lại đơn giản hơn vậy.

Nước Mỹ bí hiểm chỉ vì có xã hội cởi mở, đa nguyên và tôn trọng quyền tự do, kể cả quyền tự do nói nhảm của mọi người. Vì vậy, cái gì cũng nói, hoặc cũng đòi làm. Trước một đối thủ đầy vẻ “thiên thủ thiên nhãn,” có ngàn tay ngàn mắt, tay nào cũng đòi nắm bắt thiên hạ, hoặc phóng ám khí trị giá nửa tỷ đô la qua nửa vòng trái đất, thì các nước tính sao? Hoa Kỳ đến hồi mạt vận? Hay đang giả điên với một con vịt khùng?

Cái hiểm của nước Mỹ nằm trong cái bí đang được phơi bày cho bàn dân thiên hạ cùng thấy! Vì vậy, người viết này không sợ tổng thống Trump, chỉ tòe loe như hiện tượng trumpet.

Mà sợ chuyện khác...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét