khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Bảy, 27 tháng 2, 2016

Tại sao người nói tiếng Anh bản ngữ cảm thấy khó tin vào chúng ta?- Tác giả Nguyễn Văn Tuấn



Giọng nói của chúng ta -- những người không dùng tiếng Anh như là bản ngữ -- có thể làm cho người Mĩ thiếu tin tưởng vào phát biểu của chúng ta. Đó là một thí nghiệm rất thú vị (1), và có ý nghĩa lớn đến người Việt.

Phần lớn chúng ta sinh ra và lớn lên ở Á châu khi nói tiếng Anh đều có "accent", tức là cách phát âm dù cho đúng cũng không có cái âm hưởng của người nói tiếng Anh như là bản ngữ (tiếng mẹ đẻ). Theo giới tâm lí học, cái accent có thể ảnh hưởng đến sự tiếp nhận thông tin của người đối diện, bởi vì họ cảm thấy khó hiểu những gì chúng ta nói. Ngay cả accent của chúng ta nhẹ, thì theo tâm lí, người dùng tiếng Anh như là bản ngữ sẽ không xem chúng ta là cùng "bộ lạc". Và, do đó, accent có ảnh hưởng đến sự tin tưởng (thậm chí uy tín) của chúng ta. Cũng là một đề tài khoa học, nhưng trong thuyết trình người bản ngữ có thể tỏ ra "commanding" hơn người có accent, dù trình độ hai người tương đương nhau.

Chính tôi đã từng gặp vài trường hợp như thế. Một trường hợp tiêu biểu là một nhà khoa học gốc Tàu ở Viện tôi. Anh ấy là người rất tài ba, rất giỏi về kĩ thuật, và có thể nói là người đứng đằng sau những công trình lớn mà cả nhóm thực hiện. Thế nhưng sự nghiệp của anh ấy không lên cao được, một phần là do khả năng truyền đạt thông tin bằng tiếng Anh. Anh ấy nói tiếng Anh còn rất accent. Ngay cả tôi là người cũng có accent và cũng là dân Á châu, nhưng nhiều khi còn không hiểu anh ấy nói gì! Do đó, anh ấy gần như là đứng bên lề những thảo luận ngoài khoa học, có lẽ người ta không xem anh là cùng "bộ lạc". Trong những buổi dạ tiệc hay liên hoan, anh ấy như là một người cô đơn, vì ít ai đến trò chuyện (ngoại trừ, dĩ nhiên là, tôi và Nguyên thường hay trò chuyện với anh ấy).

Cá nhân tôi cũng từng có trải nghiệm về chuyện accent. Những năm đầu tôi còn làm tutor (như trợ giảng) ở ĐH Sydney, tôi thấy cũng buồn, vì mình đứng trên bục giảng cố gắng giải thích, vậy mà phía dưới sinh viên họ mở báo ra đọc, chẳng cần quan tâm tôi nói gì! Tôi nghĩ có lẽ họ không tin mình. Một lần khác (lâu lắm rồi), khi tôi công bố được một bài báo quan trọng, người làm PR của Viện có nhã ý giới thiệu tôi đến vài đài truyền hình để phỏng vấn. Nhưng khi chị ấy gặp và nói chuyện với tôi, thì chị ấy nói rằng có lẽ tôi không nên xuất hiện trên truyền hình, mà nên giao cho một đồng nghiệp khác. Chị ấy rất thẳng thắn nói rằng vì tôi "còn accent quá" nên đài truyền hình có thể không thích phỏng vấn! Khi tôi rất tình cờ nói vớp sếp lớn về vụ đó, thì ông đùng đùng nổi giận cho rằng chị PR là kì thị, và đích thân ông phụ trách vụ PR cho công trình đó. Thế là tôi được xuất hiện trên đài ABC và đài số 7 để nói. Tuy nhiên, cái nhận xét về accent đó tôi nghĩ cũng có lí chứ không hẳn là kì thị.

Đó chỉ là cảm nhận cá nhân, chứ chưa có bằng chứng khoa học gì đáng tin cậy. Nhưng một nghiên cứu mới đây (1) cho thấy cảm nhận trên là có cơ sở khoa học! Các nhà tâm lí học của ĐH Chicago làm thí nghiệm trên một nhóm người bản ngữ (tức người Mĩ), Ba Lan, Thổ Nhĩ Kì, Ý, Áo, và Hàn Quốc. Mỗi người được cho nghe 45 câu phát biểu: 15 câu có accent bản ngữ, 15 câu có accent nhẹ, và 15 câu có accent nặng. Sau đó, họ yêu cầu mỗi người đánh giá độ tin cậy mà họ gọi là "truth rating".

Kết quả cho thấy độ tin cậy giảm dần theo độ nặng của accent (Biểu đồ). Những câu có accent bản ngữ được đánh giá có độ tin cậy cao nhất. Những câu do người có accent nặng nói có độ tin cậy thấp nhất. Người có accent nhẹ có độ tin cậy cao hơn một chút so với nhóm có accent nặng. Các nhà nghiên cứu lặp lại thí nghiệm này với một qui trình khác (nhưng tôi không hiểu họ mô tả -- do họ dùng tiếng Anh không rõ ràng). Kết quả của thí nghiệm 2 cũng cho thấy người có accent nặng ít được tin tưởng hơn người có accent nhẹ và accent bản ngữ.



Trong thực tế, tôi nghĩ không chỉ người nói tiếng Anh, mà ngay cả người nói tiếng Việt cũng thế. Một số người trong chúng ta (người Việt) có thể thấy vui mừng khi một người ngoại quốc nói tiếng Việt, nhưng vì lí do nào đó, chúng ta tỏ ra nghi ngờ, không dám đặt niềm tin vào họ. Một người Khmer có thể nói tiếng Việt rất tốt, nhưng vì còn accent nên đôi khi chúng ta cảm thấy không thoài mái vì không biết anh ta có thật sự hiểu như người Việt. Có lẽ kết quả nghiên cứu trên đây giải thích một phần tại sao chúng ta có cái tâm lí đó. Tìm được cái lí do "bias" này tôi nghĩ sẽ là một đóng góp rất tốt cho khoa học xã hội.

Tôi nghĩ cái phát hiện này có ý nghĩa rất lớn. Thứ nhất, nó giúp chúng ta phải làm nhiều hơn người bản xứ để họ hiểu chúng ta trong các hội nghị khoa học. Thứ hai, nó giúp chúng ta xác định mức độ phấn đấu trong môi trường xã hội khác bản ngữ. Do đó, tôi thường hay nói để bằng người bản xứ, chúng ta người Việt phải hơn họ 2 cái đầu, hay phấn đấu làm hơn họ gấp 2 lần. Thứ ba là nó hàm ý khuyên chúng ta nên thấu cảm cho sự khó khăn của người có accent hay không nói tiếng bản ngữ; không nên kì thị họ, mà nên bao dung hơn.

Nói thế thôi, chứ trong thực tế, tôi thấy cũng có những trường hợp "phản biện" cho quan điểm này. Nếu một người có bề dày khoa học tốt hoặc có chức danh quan trọng, dù có accent nặng, thì vẫn được tin tưởng như thường (và điều này quay lại điểm thứ hai tôi muốn nói).

Thú thật, tôi rất yêu các nhà tâm lí học. Họ là hương hoa của đời. Họ thêm chất liệu sống ngọt ngào cho đời. Rất tiếc là ở VN mình ngành tâm lí học chưa được phát triển tốt.


====

(1) Why don't we believe non-native speakers? The influence of accent on credibility.
http://psychology.uchicago.edu/people/faculty/LevAriKeysar.pdf


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét