khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Sáu, 26 tháng 2, 2016

Khảo sát công trạng của những người Pháp giúp vua Gia Long - Tác giả Thụy Khuê



Chương 2: Giới thiệu bộ sử Nguyễn Văn Tường của Nguyễn Quốc Trị
 
Bộ sách lịch sử “Nguyễn Văn Tường (1824-1886) và cuộc chiến chống đô hộ Pháp của nhà Nguyễn” xin gọi tắt là Nguyễn Văn Tường của Nguyễn Quốc Trị, do tác giả xuất bản năm 2013 tại Maryland, Hoa Kỳ, đáp ứng đúng nhu cầu nhìn lại và viết lại lịch sử.
 
Cảm tưởng đầu tiên của người đọc là sự ngạc nhiên trước một công trình nghiên cứu mới mà từ lâu những người quan tâm đến lịch sử vẫn hằng chờ đợi, không chỉ đối với giai đoạn hiện đại, mà cả về cuộc chiến chống Pháp của nhà Nguyễn, bởi hầu hết chúng ta, vì thiếu sách sử, vì không đọc được chữ Hán, vì kém Pháp văn, đã trưởng thành trong tình trạng thiếu hiểu biết lịch sử nước mình.
 
Nguyễn Quốc Trị, sinh năm 1929, xuất thân Đại học Quốc gia Hành chánh và Đại học Luật khoa Sài Gòn. Là viện trưởng cuối cùng của Học viện Quốc gia Hành chánh. Là cháu đời thứ ba của quan phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường. Với mục đích tìm hiểu những gì “ông cố” đã làm để gây tiếng xấu trong lịch sử, Nguyễn Quốc Trị không những đã truy tìm hành trình đích thực của Nguyễn Văn Tường mà còn điều tra lại những sự kiện lịch sử xẩy ra dưới triều Nguyễn, đánh đổ những thành kiến sai lầm về các vua Gia Long, Minh Mệnh, Tự Đức. Ông tố cáo những giả trá trong cách hành xử của các nhà chính trị, quân sự, giáo sĩ Pháp; sự bóp méo lịch sử của những ngòi bút thuộc địa và giáo hội thừa sai; sự cố tình bôi nhọ triều Nguyễn nói chung, Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết nói riêng; cốt để trình bầy một bộ mặt lịch sử có lợi cho chế độ thực dân.
 
Nhờ những bản tấu của Nguyễn Văn Tường, do ba người cháu nội của quan phụ chính sao chép lại từ các bộ, viện và được phổ biến trong cuộc hội hội thảo chủ đề Nhóm chủ chiến trong triều đình Huế cuối thế kỷ XIX, tổ chức tại Đại học sư phạm, Sài Gòn, ngày 12/11/1991, mà người ta biết rằng chính Nguyễn Văn Tường là tác giả sách lược “hòa để thủ, thủ để mưu chiến”, mà các triều Tự Đức, Kiến Phúc và Hàm Nghi đã ứng dụng để đối phó với cuộc xâm lăng của Pháp.
 
Từ năm 2002, Nguyễn Quốc Trị đã chuyên tâm nghiên cứu, sao lục tài liệu ở các tàng thư Pháp, Mỹ, đối chiếu với kho tư liệu Việt. Bộ sách của ông đồ sộ, đưa ra nhiều vấn đề, đi vào nhiều chi tiết nhưng cách sắp đặt chưa thật sự được hệ thống. Nếu tác giả chia sách làm nhiều quyển (hoặc nhiều chương mục), sắp xếp theo chủ đề, hoặc theo từng nhân vật, hoặc theo thứ tự ngày tháng, có lẽ độc giả dễ tiếp nhận hơn.
 
Ngoài ra, sách viết với chủ ý bạch hoá những vấn đề đưa ra, cho nên phần diễn lại lịch sử đích thực đôi khi bị chìm đi. Có lẽ sau khi đã đẩy lui những thông tin sai lầm, thiết tưởng tác giả nên tóm tắt lại mỗi vấn đề, mỗi sự kiện, để làm nổi trội bộ mặt lịch sử sau khi đã được tìm tòi, phân tích, minh chứng một cách khoa học. Ở trong nước, Trần Xuân An, hậu duệ đời thứ năm của Nguyễn Văn Tường có viết bộ truyện ký tựa đề Phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường (nxb Văn Nghệ tpHCM, 2004) theo lối lịch sử tiểu thuyết, dựa trên những sự kiện có thật ghi trong Đại Nam Thực Lục, tiếc rằng bộ sách này không mấy giá trị.
 
*

Bộ sách Nguyễn Văn Tường dày 1138 trang khổ lớn (21×27) chia làm hai tập, viết về sự nghiệp Nguyễn Văn Tường, vị phụ chính đại thần đã bôn ba lo việc nước nhưng bị các sử gia Pháp Việt chôn vùi như một người “tham ô, hà lạm” thậm chí “bán nước” vì đã ký hòa ước Giáp Thân 1884, nhận sự bảo hộ của Pháp. Tác giả trình bầy sách lược chống Pháp của Nguyễn Văn Tường: “hòa để thủ, thủ để mưu chiến”, mà theo ông, đã được vua Tự Đức chấp nhận; đồng thời mở rộng thêm nhiều vấn đề khác, giải mã những sai lầm về các vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức; tìm hiểu những khúc mắc trong mối quan hệ chính trị, ngoại giao và quân sự của triều Nguyễn với Pháp.
 
Tập I, gồm những chương:
 
1- Chương một, tựa đề Nguyễn Văn Tường và sách lược chống đô hộ Pháp:
 
Tác giả dẫn lại hành trình Nguyễn Văn Tường từ 1862 đến 1886, khi ông mất.
 
Khi Nguyễn Văn Tường bắt đầu có trách nhiệm chính trị và ngoại giao, thì vua Tự Đức đã phải ký hiệp ước Nhâm Tuất (5/6/1862), nhượng cho Pháp 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ, cốt yên mặt Nam, để Nguyễn Tri Phương ra Bắc dẹp loạn.
 
Sau khi đã bình định ba tỉnh chiếm được, bất chấp hiệp ước Nhâm Tuất, năm 1867, Pháp chiếm nốt ba tỉnh miền Tây Nam Kỳ.
 
Năm sau, 1868, Nguyễn Văn Tường dâng kiến nghị đầu tiên lên vua Tự Đức, ngụ ý: thường thì phải đánh rồi mới thủ, thủ rồi mới hòa; nhưng tình thế đã nguy ngập, ta phải hòa trước để thủ, thủ rồi mới mưu chiến” (Bản tấu ngày 8/3/1868, Nguyễn Văn Tường I, t.25).
 
Con đường mềm dẻo trong chính trị và ngoại giao này sẽ được Nguyễn Văn Tường áp dụng gần 20 năm, dưới triều Tự Đức, khi đánh khi hòa, mỗi chặng là một đương đầu, một khó khăn, cho tới khi ông bị Pháp bắt, đầy đi Tahiti năm 1885 và mất năm 1886.
 
2- Chương hai: Sử thuộc địa bôi lọ vua quan nhà Nguyễn và Nguyễn Văn Tường: Tác giả phản bác những luận điểm của sử gia thuộc địa và một số điều được sử gia Việt chép lại. Về “công ơn” của Bá Đa Lộc đối với vua Gia Long: ơn cứu mạng, ơn giúp Nguyễn Ánh dựng lại cơ đồ, về những sự vu khống: vua Gia Long “tàn bạo”, “nhỏ nhen”, đối xử tàn tệ với nhà Lê; vua Minh Mạng “bội bạc” “quên ơn” Pháp, “giết đạo, giết hại công thần, diệt dòng trưởng hoàng tử Cảnh”; Nguyễn Văn Tường “tư thông với Học phi, giết Kiến Phúc”, vv…
 
3- Chương ba: Nguyễn Văn Tường và vua quan nhà Nguyễn tham lam: Tiếp tục giải mã những vu cáo của sử gia và chính quyền thuộc địa đối với Nguyễn Văn Tường qua việc sử dụng thông tin sai lầm và văn kiện giả mạo. Đồng thời đưa ra những chứng từ xác định tư cách và hành động của các vua Thiệu Trị, Tự Đức, bị bôi nhọ là bạo chúa.
 
Tập II, tiếp tục chứng minh những luận điểm xuyên tạc Nguyễn Văn Tường và các vua triều Nguyễn qua các chương bốn và năm.
 
4- Chương bốn: Vua quan nhà Nguyễn và Nguyễn Văn Tường tàn nhẫn? Tác giả phản bác sự quy kết Nguyễn Văn Tường những tội: diệt đạo, đi với công giáo để giết Văn Thân, giết công thần Trần Tiễn Thành, giết ba vua: Dục Đức, Hiệp Hòa, Kiến Phúc.
 
Những vần đề nêu ra đều được tác giả giải quyết bằng sự đối chiếu văn bản: Trần Tiễn Thành bị Kỳ ngoại hầu Hồng Chuyên giết chết. Dục Đức bị truất phế vì theo Pháp. Hiệp Hòa bị giết vì mật thông với Khâm sứ de Champeaux để diệt phe chống Pháp. Vua Kiến Phúc chết vì bệnh.
 
5- Chương năm: Ai gian trá: Người Pháp hay vua quan triều Nguyễn? Nêu ra những thủ pháp bội nhọ trong sách vở, ca dao, vè, viết lách xuyên tạc, không kiểm chứng. Đặc biệt trong chương này, tác giả đã có những khám phá quan trọng:
 
a/ Vụ đánh Bắc Kỳ lần thứ nhất: Khi Francis Garnier tấn công Hà Nội, không hề có tối hậu thư, Nguyễn Tri Phương không ngờ Garnier dám động thủ, vì vua Tự Đức đang thương lượng, không muốn dùng bạo lực. Giám mục Puginier huy động giáo dân tiếp tay với Francis Garnier trong việc đánh chiếm Bắc Kỳ.
 
b/ Vụ đánh Bắc Kỳ lần thứ hai: Henri Rivière bất chấp hiệp ước 1874, dùng thủ đoạn và sự nội công của giới thừa sai.
 
Riêng chương năm này đã là một cuốn sách nghiên cứu về hai sự kiện lịch sử chính trong cuộc chiến Bằc Hà, gây ra cái chết của hai vị đại thần Nguyễn Tri Phương và Hoàng Diệu, mà cho tới nay, vì thiếu sự giải thích minh bạch, chúng ta vẫn không hiểu tại sao Nguyễn Tri Phương và Hoàng Diệu lại có thể thua trận một cách dễ dàng như thế, trước hai kẻ giang hồ như Francis Garnier và Henri Rivière.
 
Đặc biệt về việc đại tướng Nguyễn Tri Phương để mất thành Hà Nội, như trên đã nói, Nguyễn Quốc Trị chứng minh rằng vì Francis Garnier tấn công bất ngờ, không hề có tối hậu thư như lời đồn đại, Nguyễn Tri Phương được lệnh vua không động thủ, để điều đình.
 
Đây không phải là lần đầu tiên quân Pháp dùng những thủ đoạn lừa gạt để tấn công.
 
Khi đánh Đà Nẵng lần đầu năm 1847, dưới thời vua Thiệu Trị, Lapierre và Rigault de Genouilly cũng đã đánh lén: bất ngờ bắn phá tan 5 thuyền đồng của nước ta ở vịnh Đà Nẵng, trong khi đang đợi thư vua trả lời. Lapierre đã đánh lén và nhờ giám mục Forcade biện minh cho hành động nhơ nhuốc này như thế nào?
 
Chúng tôi sẽ trở lại vấn đề này trong bài Tìm hiểu cuộc tấn công Đà Nẵng ngày 15/4/1847, cuộc chiến đầu tiên của Pháp ở Việt Nam mà ít người để ý tới. Chính vì trận ấy mà vua Thiệu Trị phẫn uất, mấy tháng sau mất và việc giao thiệp với Pháp và người Âu bị đình chỉ trong gần 10 năm.
 
*
 
Thủ pháp bôi nhọ các vua triều Nguyễn trực chỉ vua Minh Mạng, là biện pháp chung của các vị thừa sai và các sử gia thuộc điạ. Tại sao vua Minh Mạng lại bị giới thừa sai và sử gia thuộc địa cay độc kết án? Bởi ông là vị vua tài ba trong việc nội trị, cứng rắn trong việc ngoại giao, chủ trương ngăn ngừa ngoại xâm bằng một đường lối chính trị và quân sự vững chắc, chặt chẽ và toàn diện. Để bôi nhọ Minh Mạng, sau khi mô tả việc xử linh mục Gagelin (bị thắt cổ), với những chi tiết cực kỳ dã man (theo lời kể của các giáo sĩ), Gosselin còn thêm thắt:
 
“Tuy nhiên Minh Mạng dấn thân vào đủ loại tội ác. Người ta xác định, nhưng tôi chưa thể kiểm chứng sự xác thực của việc này, rằng ông ta loạn luân với chị dâu, vợ hoàng tử Cảnh; khi bà này có mang trông thấy, ông ta kết án tử hình người đàn bà bất hạnh cùng với hai con của bà, là cháu ruột ông ta, cho họ được hưởng “tam ban triều điển” là đặc ân trong cái chết: ba thước lụa hồng để thắt cổ hay treo cổ, một lọ thuốc độc và một thanh gươm để cắt cổ” (Gosselin, L’Empire d’Annam, trang 116)
 
Lối trình bày “sự kiện” như trên, thường thấy trong thư từ hoặc báo cáo của các vị thừa sai gửi hội truyền giáo, và được người viết chia động từ trong thể điều kiện (conditionnel), tức là chưa chắc hoặc ghi thêm nghe nói, nhưng khi được các sử gia chép lại, nó trở thành sự thực! Việc “vua Minh Mạng tư thông với chị dâu” đầu tiên là do Trương Vĩnh Ký (gần gũi giới thừa sai) đưa ra, rồi Gosselin chép lại.
 
Nguyễn Quốc Trị minh giải bằng những điều ghi rõ trong Đại Nam Thực Lục và Liệt Truyện: vợ hoàng tử Cảnh là Tống Thị Quyên loạn luân với con trai Mỹ Đường (hoàng tôn Đán). Lê Văn Duyệt biết chuyện tâu lên. Đây là một trong những tội nặng nhất về hình sự. Vua Minh Mệnh sai Lê Văn Duyệt dìm chết Tống Thị Quyên và cấm Mỹ Đường không được vào chầu. Người em là Mỹ Thùy (hoàng tôn Kính) chết vì bệnh dịch tả. Sau khi phạm thêm một tội nữa, Mỹ Đường bị biếm làm thường dân; mất năm 1849, dưới thời Tự Đức. Con trai Mỹ Đường là Lệ Chung trông nom việc thờ cúng hoàng tử Cảnh. (Nguyễn Quốc Trị, tập I, t.432).
 
Ngoài việc phản bác những sự bôi nhọ cá nhân, Nguyễn Quốc Trị còn khai quật những nghi vấn tầm vóc quốc gia, như:
 
1- Bá Đa Lộc có thực sự cứu Nguyễn Ánh khỏi chết không?
 
2- Sự giúp đỡ của Bá Đa Lộc có quyết định sự nghiệp của Nguyễn Ánh không?
 
3- Vai trò của các giáo sĩ Marchand (Mã Song hay Cố Du) và Tabert trong cuộc khởi loạn Lê Văn Khôi.
 
4- Sự thật về sự phế lập ở Huế.
 
5- Hồng Bảo (anh vua Tự Đức) âm mưu đảo chánh, nhờ sự giúp đỡ của giới thừa sai và quân đội viễn chinh.
 
6- Vai trò của các giáo sĩ trong các cuộc nổi loạn ở Bắc, Trung, Nam.
 
7- Những hiệp ước quan trọng: Nhâm Tuất 5/6/1862; Giáp Tuất 15/3/1874; và Giáp Thân 6/6/1884, đã được ký kết trong những điều kiện như thế nào?
 
Những câu hỏi mà cho tới nay, chưa mấy ai đặt ra, hoặc chỉ viết lại những gì người trước đã đưa, đôi khi là vài lời phán xét của Trần Trọng Kim có giá trị như một sự thật lịch sử mà chính vị học giả cũng lại dựa vào những nguồn tin chưa phải là đáng tin cậy.
 
Ví dụ việc phế vua, giết vua, từ trước đến nay, sử gia đều đổ lên đầu hai ông Tường và Thuyết, mà không đả động đến việc các vua Dục Đức, Hiệp Hoà thông đồng với Pháp.
 
Hoà ước Giáp Thân 6/6/1884, còn gọi là hoà ước Bảo hộ, đã được thiết lập trong điều kiện nào? Có ai biết bản tiếng Pháp khác với bản chữ Hán? Nguyễn Văn Tường có chịu nhận hai chữ bảo hộ hay không? Thủ tướng Pháp Jules Ferry đã dùng thủ đoạn gì để ký hòa ước ấy? Tại sao Nguyễn Tri Phương để mất thành Hà Nội? Một đại tướng xông pha cả đời trong chiến trận khiến quân Pháp nể trọng, sao chưa đánh mà thua một kẻ vô danh tiểu tốt như Francis Garnier? Những mánh lới gì nằm sau vụ Henri Rivière chiếm Hà Nội lần thứ nhì, nội ứng của giới thừa sai ra sao? Tại sao Hoàng Diệu tuẫn tiết?…
 
Tất cả những câu hỏi trên đây, đều được Nguyễn Quốc Trị giải đáp thoả đáng. Những sự thực bị che đậy như thế, được trưng ra và ông đã phanh phui rất nhiều điểm tối của lịch sử.
 
*

Phần phụ lục ở cuối tập II, trang (925-1138) có một số văn bản gốc chụp trong các kho tư liệu, gồm nhiều thư từ trao đổi giữa các viên chức, giáo sĩ với nhà cầm quyền Pháp. Đặc biệt có hai tài liệu quan trọng: Hoà ước Giáp Thân và lá thư Silvestre gửi Lemaire.
 
1/ Hòa ước Giáp Thân 6/6/1884, còn gọi là hòa ước Patenôtre hay hòa ước Bảo hộ
 
Trong lúc mọi sự đang hết súc rối ren, thì vua Tự Đúc mất ngày 19/7/1883.
 
Một năm sau, ngày 6/6/1884, trong thế cùng, triều đình Huế phải ký với Pháp hoà ước Giáp thân hay hoà ước Patenôtre còn gọi là hoà ước Bảo Hộ.
 
Đây là hoà ước “nhục nhã” nhất của nước ta, vì với nó, nưóc ta chính thức mất chủ quyền.
 
Trong đó chữ Protectorat (Bảohộ) ngụ cả ý ngoại giao lẫn nội trị. Có nghiã là Việt Nam hoàn toàn chịu sự bảo hộ hay đô hộ của người Pháp. Nguyễn Văn Tường, lúc đó là phụ chính đại thần, đảm trách việc ký hòa ước này, dư luận cho rằng ông đã theo Pháp mà ký một hiệp ước “bán nước”.
 
Nguyễn Quốc Trị đưa ra hình chụp nguyên bản hòa ước chữ Pháp và chữ Hán, để chứng minh sự khác biệt giữa bản Pháp văn và Hán văn, và thủ đoạn của thủ tướng Pháp Jules Ferry.
 
Xin nhắc lại một số sự kiện:
 
- Chưa đầy một tháng sau khi vua Tự Đức mất, vua Hiệp Hoà, dưới áp lực của Toàn quyền Harmand và Khâm sứ De Champeaux, sai Trần Đình Túc và Nguyễn Trọng Hiệp ký hoà ước Quí Mùi ngày 25/8/1883, Pháp gọi là hoà ước Harmand.
 
- Hoà ước Harmand chưa được chính phủ Pháp phê chuẩn và bị phe chống Pháp do Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết cầm đầu quyết liệt phản đối.
 
- Vua Hiệp Hòa -đi với Pháp, định diệt hai ông Tường và Thuyết- bị buộc phải uống thuốc độc chết ngày 29/11/1883.
 
- Vua Kiến Phúc lên ngôi.
 
- Pháp điều đình vói Tầu, ký hòa ước Thiên Tân 11/5/1884, để Tầu công nhận quyền bảo hộ của Pháp ở Việt Nam.
 
- Patenôtre trên đường đi Bắc Kinh nhận chức đại sứ, ghé Huế, ký một hiệp ước mới, thay thế hiệp ước Harmand bị coi là quá khắt khe.
 
- Không ngờ hòa ước Patenôtre còn tệ hơn hòa ước Harmand.
 
Vì vậy mà Nguyễn Văn Tường, là người chủ chốt ký hoà ước này, đã bị coi là phản bội.
 
Nguyễn Quốc Trị trình bầy sự gian lận của chính quyền Pháp bằng cách đối chiếu văn bản.
 
Chữ protectorat (bảo hộ) xuất hiện lần đầu trong hòa ước Harmand, nguyên văn tiếng Pháp:
 
Article Premier: L’Annam reconnait et accepte le protectorat de la France avec les conséquences de ce mode de rapports au point de vue du droit diplomatique européen, c’est-à-dire que la France présidera aux relations de toutes les puissances étrangères, y compris la Chine, avec le gouvernement annamite, qui ne pourra communiquer diplomatiquement avec lesdites puissances que par l’intermédiaire de la France seulement. (Gosselin, Phụ lục số 9, trang 528).
 
Điều Một: Nước Nam nhìn nhận và chấp nhận sự bảo hộ của nước Pháp, với những hậu quả của thể thức này theo luật ngoại giao Âu châu, nghiã là nước Pháp sẽ điều khiển các mối giao thiệp của nước Nam với tất cả các cường quốc bên ngoài, kể cả nước Tầu, chính phủ An Nam chỉ được quan hệ ngoại giao với những cường quốc ấy qua trung gian của nước Pháp mà thôi.
 
Nhận xét: Chữ protectorat (bảo hộ) trong hòa ước Harmand chỉ bao hàm ý nghiã ngoại giao.
 
Hòa ước Giáp Thân, ký ngày 6/6/1884, giữa Patenôtre và Nguyễn Văn Tường, Phạm Thận Duật, Tôn Thất Phan, mà Nguyễn Quốc Trị chụp lại được bản chính viết tay, như sau:
 
Article I
 
L’Annam reconnait et accepte le protectorat de la France.
La France représentera l’Annam dans toutes ses relations extérieures.
Les Annamites à l’étranger seront placés sous la protection de la France.
(Nguyễn Văn Tường, Tập II, Phụ lục 4a, trang 936)

Điều I
 
Nước Nam nhìn nhận và chấp nhận sự bảo hộ của nước Pháp.
 
Nước Pháp sẽ đại diện cho nước Nam trong tất cả các mối bang giao bên ngoài.
 
Người An Nam ở nước ngoài sẽ được đặt dưới sự bảo hộ của nước Pháp.
 
Nhận xét: điều I của hòa ước Harmand và hoà ước Patenôtre hoàn toàn khác biệt:
 
Hòa ước Harmand viết điều I thành một câu hoàn chỉnh với nghiã: Việt Nam công nhận sự bảo hộ của Pháp về mặt ngoại giao.
 
Điều I của hòa ước Patenôtre, có vẻ “bao dung” hơn, chiếu cố đến cả người Việt ở nước ngoài; được chia làm 3 câu độc lập, mỗi câu một ý nghiã:
 
1- Nước Nam chấp nhận sự bảo hộ của Pháp (ngụ ý cả nội trị và ngoại giao)
 
2- Nước Pháp sẽ đại diện cho nước Nam ở bên ngoài (ngụ ý về mặt ngoại giao không còn nước Nam nữa mà nước Pháp đã thay thế)
 
3- Người Việt ở nước ngoài sẽ được đặt dưới quyền bảo hộ của Pháp (ngụ ý người Việt ở nước ngoài cũng trở thành công dân bảo hộ).
 
Với mục đích thành lập một hòa ước mới, bớt khắt khe hơn, để bên Việt chấp thuận, thì quả là hòa ước Patenôtre đã đi ngược lại: Từ sự bảo hộ về ngoại giao, đã tiến sang, bảo hộ cả nội trị lẫn ngoại giao và người Việt ở nước ngoài sẽ trở thành thuộc dân của Pháp.
 
Tại sao Nguyễn Văn Tường lại chịu ký một hòa ước như vậy? Nếu nhìn bản Hán văn mà Nguyễn Quốc Trị chụp kèm theo (NQT, II, Phụ Luc 4b, t. 944-966), được dịch trong Đại Nam Thực Lục, thì điều I này được viết như sau:
 
“Khoản thứ 1: nước Đại Nam tự nhận nước Đại Pháp giúp đỡ, nghiã là nước Đại Nam có giao thông với nước nào, thì nước Đại Pháp giúp đỡ công việc và nhân dân nước Đại Nam có ở nước ngoài thì Đại Pháp cũng giúp đỡ.” (NQT, I, t.165).
 
Nhận xét: Khoản thứ 1 này hoàn toàn không có nghiã như điều I trong bản tiếng Pháp.
 
Ngoài ra, bản tiếng Pháp, trong điều số 19, còn ghi thêm:
 
“En cas de constestations, le texte français fera seul foi” (Trong trường hợp tranh chấp, chỉ bản tiếng Pháp là có giá trị).
 
Và đây là sự giải thích của Nguyễn Quốc Trị (Tập I, t.166-167):
 
1- Nguyễn Văn Tường và các quan nhất quyết đòi thay chữ bảo hộ bằng chữ bảo trợ hay bang trợ, tức là giúp đỡ chứ không nhận sự thống trị của Pháp trên nước Nam. Điều này được xác định trong một văn kiện của triều đình Huế, dịch ra tiếng Pháp mang tên Projet de la Cour de Huế, (Dự án của triều đình Huế) lưu trữ ở văn khố Bộ ngoại giao Pháp, được Võ Đức Hạnh phát hiện và đăng lại trong cuốn La place du Catholicisme dans les relations entre la France et le Vietnam de 1870 à 1886, 3 tomes. Berne, New York: P Lang, 1992.
 
2- Cuộc tranh luận về từ ngữ đưa đến bế tắc, không bên nào chịu nhượng bộ. Patenôtre đánh điện xin chỉ thị của Paris, Jules Ferry trả lời trong một điện văn mật (codé) gửi ngày 3/8/1884: “Le texte français faisant foi, vous pouvez accepter le mot baluttro [bảo trợ] si vous jugez nécessaire, Ferry” (Chỉ bản tiếng Pháp là có giá trị, ông có thể chấp nhận chữ bảo trợ nếu cần, Ferry). Nguyễn Quốc Trị tìm thấy điện văn này trong văn khố Bộ ngoại giao Pháp.
 
Như vậy, hòa ước này có hai bản, chỉ bản tiếng Pháp là có giá trị mà thôi. Bản chữ Hán viết sao cũng được, miễn làm vừa lòng phiá Việt.
 
Jules Ferry dùng thủ đoạn này, vì ông dự trù rằng khi thi hành hoà ước thì Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết sẽ không còn ở ghế phụ chánh nữa. Với một ông vua thân Pháp, thì sẽ không gặp trở ngại gì. Quả đúng như vậy, đầu năm 1886, khi Nguyễn Văn Tường bị đầy đi Tahiti, Pháp mới đưa bản hòa ước cho vua Đồng Khánh chuẩn y. Sau đó không ai nêu lại vấn đề khác biệt giữa hai bản Pháp-Việt nữa.
 
3- Nguyễn Văn Tường có thể đã biết rõ âm mưu về sự khác biệt giữa hai văn bản, nhưng đành phải ký, vì cũng như với hòa ước Harmand, lần này Pháp cũng đem chiến thuyền vào uy hiếp Huế. Pháp đưa tối hậu thư bắt buộc phải ký trong vòng 24 tiếng đồng hồ, nếu không họ sẽ dùng biện pháp quân lực. Tại trung tâm văn khố hải ngoại Aix-en-Provence, Nguyễn Quốc Trị tìm được tờ trình về bộ Hải Quân của viên đại tá, dưới quyền đề đốc Courbet, cho biết: “Hòa ước Patenôtre chỉ được Nguyễn Văn Tường ký một cách miễn cưỡng sau khi nhận được tối hậu thư 24 giờ của phiá Pháp”.
 
Tối hậu thư này chưa từng thấy ghi lại ở đâu. Đọc kỹ Thực Lục, Nguyễn Quốc Trị thấy có chỗ nói thoáng qua về việc người Pháp hăm doạ sẽ để cho quan võ giải quyết vấn đề, và ngày hôm sau thì thủ tục ký kết hòa ước đã bắt đầu, không thương thuyết gì nữa.
 
Tóm lại, hậu ý của công hàm Jules Ferry gửi cho Patenôtre:
 
- Cứ cho viết bản chữ Nho, theo đúng ý của triều đình Huế. Tức là Việt Nam chỉ nhận sự bang trợ ngoại giao của Pháp.
 
- Còn bản tiếng Pháp ghi điều gian trá: Việt Nam chấp nhận nền bảo hộ của Pháp. Và chua thêm trong điều 19 câu: khi có tranh chấp, chỉ bản tiếng Pháp là có giá trị mà thôi.
 
- Dùng tối hậu thư đe dọa, để ép buộc triều đình phải ký ngay, nếu không quân Pháp sẽ tấn công kinh thành: Ngoài 2 đại đội tháp tùng Patenôtre, còn có quân Pháp đóng ở Thuận An và hạm đội của tổng tư lệnh Courbet đóng ở ngoài khơi cửa Thuận.
 
Chỉ vài tháng sau khi hiệp ước Patenôtre 6/6/1884 được ký kết, Tổng trú sứ Rheinat dựa vào quyền “bảo hộ” đòi truất phế vua Hàm Nghi, vì lên ngôi không được Pháp cho phép, rồi người kế nhiệm Lemaire đòi thêm rằng sự bổ nhiệm Phụ chánh và Thượng thư cũng phải có sự chấp thuận của Tổng trú sứ. Tất cả những uất ức này, dẫn Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết đến quyết định chống Pháp: Tôn Thất Thuyết đi kháng chiến, Nguyễn Văn Tường ở lại để nghị hoà.
 
Sau biến cố Mang Cá, 4-5/7/1885, kinh thành thất thủ, vua Hàm Nghi xuất bôn kháng chiến trong ba năm, đến khi vua bị bắt năm 1888, thì Việt Nam mới hoàn toàn mất quyền tự chủ, nhận sự bảo hộ của Pháp, theo bản Pháp văn của hoà ước Patenôtre.
 
2- Bản chụp bức thư Silvestre gửi Lemaire
 
Tài liệu quý giá thứ nhì mà Nguyễn Quốc Trị tìm được là bức thư viết tay của Silvestre gửi Lemaire:
Silveste, Giám đốc chính trị và dân sự, viết thư cho Lamaire, Tổng trú sứ, ngày 19/11/1884, đề nghị kế hoạch truất phế vua Hàm Nghi.
 
Thư này viết sau khi vua Hàm Nghi lên ngôi (ngày 2/8/1884) được 3 tháng rưỡi. Tài liệu quan trọng, chứa nhiều thông tin về tình hình chính trị và quân sự sau khi vua Tự Đức mất.
 
Silvestre coi hai phụ chính Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết là đích danh thủ phạm chính sách chống Pháp.
 
Coi Nguyễn Văn Tường kẻ thù lợi hại hàng đầu, Silvestre kể đủ mọi tội tham tiền, tham nhũng để bêu xấu Nguyễn Văn Tường: Tuy không ra mặt nhưng cầm cương ở đằng sau, trách nhiệm tất cả những mưu đồ, liên kết với quân Tầu làm mặt trận thống nhất chống Pháp. [Lúc này Fournier đã ký với Lý Hồng Chương hiệp ước Thiên Tân (11/5/1884): Tầu công nhận VN là thuộc địa của Pháp và sẽ rút quân về].
 
Sivestre khám phá chiến lược chống Pháp của triều đình Huế qua hai nguồn tin đồng quy: tin tức tình báo và thư giám mục Puginier gửi tổng tư lệnh quân đội viễn chinh ngày 6/11/1884, theo đó, thì cuộc nổi dậy do Nguyễn Văn Tường bí mật chỉ đạo: Tôn Thất Thuyết sẽ đưa vua Hàm Nghi ra Cam Lộ. Hoàng Kế Viêm, Đề đốc Ngô, Lưu Vĩnh Phúc… được giao trọng trách đánh chiếm các vùng Hưng Hoá, Thanh Hoá, Ninh Bình, Sơn Tây, Tuyên Quang.
 
Silvestre đề nghị với Lemaire giải pháp: Nếu hai phụ chính đưa vua Hàm Nghi rời Huế thì Pháp lập tức đưa Chánh Mông (sau là vua Đồng Khánh) lên ngay, tuyên bố truất phế Hàm Nghi, lập chính phủ mới với 6 tên tuổi: Đoàn Văn Bình, Nguyễn Thuật, Cao Hữu Sung, Lê Tấn Thông, Đặng Đức Địch, Nguyễn Hữu Độ, là những người đã từng giữ chức tuần phủ hoặc thượng thư nhưng bị triều đình giáng chức hoặc cách chức vì có tội.
 
Nửa năm sau, xẩy ra biến cố Mang Cá ngày 4-5/7/1885, kinh thành thất thủ, vua Hàm Nghi ra Cam Lộ cầm đầu lực lượng kháng chiến trong ba năm mới bị bắt, tất cả đã xẩy ra gần đúng như dự báo của Silvestre.
 
Nguyễn Văn Tường, Phạm Thận Duật, thuộc Cơ Mật Viện và Tôn Thất Đính (cha Tôn Thất Thuyết) bị bắt, đi đầy ở Tahiti.
 
Phạm Thận Duật chết trên tầu. Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Đính, mất ở Tahiti năm sau (1886).
Phong trào Cần vương tiếp tục chống Pháp đến khi Phan Đình Phùng mất (1895) mới tan rã.
 
Bộ sử Nguyễn Văn Tường của Nguyễn Quốc Trị là một công trình nghiên cứu thận trọng và chi tiết, mở đầu cho một khuynh hướng tìm lại, viết lại và đọc lại lịch sử Việt Nam. Tác giả không chỉ quan tâm đến việc kể lại sự kiện lịch sử, mà còn lật trái lật phải, xem những gì đã được viết về sự kiện này, từ trước đến giờ, như thế nào, nếu nó sai, thì sai ở chỗ nào, tại sao sai, người ta căn cứ vào đâu để đưa ra những luận chứng như thế. Tuy viết về nhân vật chính là Nguyễn Văn Tường, nhưng thực sự Nguyễn Quốc Trị đã trải dài lịch sử đến gần như cả ba triều Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức.
 
Nguyễn Văn Tường và cuộc chiến chống đô hộ Pháp của nhà Nguyễn sẽ là tác phẩm sử học đầu tiên viết theo lối nhìn mới thoát hẳn các khuôn mẫu cũ. Tác giả đã điều tra đến tận nguồn nhiều sự việc, nhiều biến cố lịch sử; dĩ nhiên ông chưa làm được tất cả, nhưng những gì ông đem ra ánh sáng cũng đủ khơi mào cho một khuynh hướng nghiên cứu lại lịch sử, trung thực và đào sâu hơn, để trả lại giá trị cho đại thần Nguyễn Văn Tường và triều đại nhà Nguyễn, nhất là vua Tự Đức, trong suốt thời kỳ trị vì, đã tìm mọi cách chống lại sự xâm lăng của Pháp.


 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét