khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Sáu, 11 tháng 12, 2015

Thu nhập bình quân ở VN và một cái nhìn khác - Tác giả Nguyễn văn Tuấn



Hi vọng đây là một tin mừng: Thu nhập bình quân của bà con vùng nông thôn là 24.4 triệu đồng/năm. Nhưng như người ta hay nói con số thống kê giống như là bộ đồ bikini: những gì nó tiết lộ ra ngoài (như đường cong và da chẳng hạn) thì thú vị đấy, nhưng những cái nó giấu mới là quan trọng. Con số thu nhập này cũng thế: cũng như cái bộ đồ bikini thôi.

Không biết con số này được tính toán như thế nào, nhưng thú thật với các bạn là tôi hơi nghi ngờ về con số này. Nhà tôi ở miệt quê vùng ĐBSCL, nên tôi biết khá rõ về thu nhập của bà con chung quanh. Một người đi làm mướn như nhổ cỏ, cắt lúa, v.v. thì thu nhập mỗi ngày khoảng 5 USD. Nhưng không phải suốt năm đều có việc, chỉ có khoảng 50% ngày trong năm là có việc thôi. Thành ra, tôi ước tính rằng thu nhập của người làm mướn là khoảng 1000 USD/năm. Do đó, con số 24 triệu có lẽ là áp dụng cho MỘT người lao động chính trong gia đình. Chứ nếu chia bình quân 1000 USD năm cho 2 người (tính đơn giản) thì thu nhập bình quân đầu người chắc chỉ là 500 USD thôi.

Còn với người có ruộng, trung bình là 5 công đất. Mỗi vụ thu hoạch được khoảng 500 USD sau khi đã trừ tiền thuốc trừ sâu, giống, nhân công. Mỗi năm làm 3 vụ thì gia đình này cũng có thu nhập 1500 USD. Nhưng nếu chia cho 2 người thì cũng chỉ 750 USD đầu người mà thôi.

Cả hai tính toán thực tế trên cho thấy con số 24.4 triệu (tức 1200 USD đầu người) là đáng nghi ngờ. Thật vậy, theo World Bank, tỉ lệ nghèo ở VN tuy có cản tiến, nhưng vẫn ở mức ~21%. Ấy thế mà chính quyền VN thì tuyên bố rằng tỉ lệ nghèo chỉ 8%! Có lẽ tiêu chuẩn của Nhà nước khác với tiêu chuẩn nghèo của WB.

Nhưng khoảng cách giữa người nghèo và người giàu mới đáng lo hơn. Theo một báo cáo ở VN thì số hộ giàu chiếm 20% dân số, nhưng thu nhập của họ chiếm hơn phân nửa tổng GDP quốc gia. Số hộ nghèo (khoảng 20%) thì tổng thu nhập của họ chỉ chiếm chưa đầy 5% tổng GDP quốc gia. Thật ra, chỉ cần đi ra khỏi trung tâm Quận 1 của Sài Gòn vài cây số sẽ thấy mức độ khác biệt về giàu nghèo cao như thế nào. Trong khi có người tiêu ra hàng trăm triệu để mua cái bóp LV, thì cũng có người ngay bên cạnh cửa hàng đó đang nhọc nhằn lèo lái cái xe đạp để bán ổi, xoài, mà thu nhập cả đời chưa chắc đủ mua cái bóp LV đó.

Do đó, con số thu nhập mà Chính phủ đưa ra có thể (chỉ "có thể" thôi) là tin vui, nhưng nó chưa nói hết câu chuyện. Câu chuyện thật là sự phân hóa giữa người giàu và người nghèo càng ngày càng tăng cao. Đó mới là điều đáng lo ngại vì cái khoảng cách này càng tăng thì xã hội sẽ có ngày bất ổn.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét