khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Sáu, 11 tháng 12, 2015

Nhưng, một U80 của Saigon không bao giờ là con cắc kè đổi màu: Hoang Hai Thuy a refusé de se taire (Source: Le Parisien)



Dưới đây là bản dịch bài báo viết về “Biệt kích dzăng bút Hoàng Hải Thủy” đăng trên nhật báo Le Parisien, Tháng Tư năm 1988. Người viết là Nữ ký giả Catherine Monfazon

Đáp ứng lời kêu gọi của Hiệp Hội Phóng Viên Không Biên Giới – L’Association Reporters sans frontières – 38 cơ sở truyền thông Pháp quốc đã nhận bảo lãnh mỗi cơ sở một ký giả bị tù vì làm tròn công việc của mình. “Le Parisien” tự chọn tranh đấu cho sự tự do của Hoàng Hải Thủy, ký giả Việt Nam, hiện đang bị bỏ quên trong một trại lao động cải tạo.

Chúng tôi yêu cầu chính phủ Pháp quốc không những chỉ vận động để đưa ông Thủy ra khỏi nhà tù mà còn, theo sự đòi hỏi của gia đình ông ta, đưa ông ta ra khỏi quốc gia của ông ta…

Hoàng Hải Thủy không chịu câm miệng

Đừng nói đến cái tên Hoàng Hải Thủy ở Việt Nam, nói đến cái tên đó trong điện thoại, đường dây sẽ bị cắt, trong đường phố những đôi mắt sẽ nhìn xuống đất. Được nhờ đến, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch, được coi như là một động lực của công cuộc đổi mới của Việt Nam, sẽ bực bội gạt bạn sang Bộ Tư pháp, một cách từ chối, không tiếp khéo léo.

Hoàng Hải Thủy năm mươi chín tuổi, đêm đêm nằm ngủ trên tấm ván rộng năm mươi phân giữa ba ngươi người bạn tù chung phòng giam trong trại cải tạo Xuân Lộc, một nơi cách thành phố HCM (Sàigòn) một trăm hai mươi cây số. Những lời buộc tội thật mơ hồ “Lên tiếng chống chủ nghĩa cộng sản” Người ta trách ông ta đã gửi ra nước ngoài những bài thơ, bài viết không sao có thể đăng được trong những tờ báo Việt Nam bị rọ mõm.

Hoàng Hải Thủy biết rất rõ những người cộng sản. Bên cạnh họ ông đã tham gia kháng chiến năm 1945. Nhưng kề từ đó ông chỉ đi theo một con đường: nhân bản. Thi sĩ, văn sĩ, ký giả, dịch giả: ông được nhiều người biết vì tính tình hay nói thẳng, vì niềm hăng say tố cáo những sự bất công. Ông tự ý làm những việc ấy. Trước năm 1975 ông công khai chỉ trích chế độ cũ trên những tờ báo châm biếm như tờ Con Ong (nghĩa đen là con ong chuyên châm chích). Ông cũng là viên chức của Trung tâm Thông Tin Hoa Kỳ, USIS.

Năm 1974, ông dịch “Trăm năm cô đơn” của Garcia Marquez. Bản dịch truyện này bị cấm xuất bản. Bản dịch “Quần đảo ngục tù” (Archipel du Goulag) cũng bị cấm. Lần này là đảng cấm. Sau năm 1975 Hoàng Hải Thủy phải sống nhịn nhục. Nhưng ông từ chối không chịu im tiếng. “Ông ấy không thể im lặng trước những đau khổ của đồng bào ông. Ông ấy tức giận khi thấy bọn cán bộ kêu gọi người khác hy sinh nhưng chính chúng lại sống như vương giả”. Đấy là lời một người bạn của Hoàng Hải Thủy nói về ông.

Năm 1977 ông ta đã bị bắt lần thứ nhất, bị giam hai mươi ba tháng trong nhà tù Chí Hòa. Vừa ra khỏi tù, ông lại cầm bút. Ông bị bắt lần thứ hai năm 1984. Năm 1988, ông bị xử ở tòa án. Người bạn của ông nói tiếp về ông:

“Trong phiên xử, ông ấy có nói ông không viết vì thù hận chính quyền mà viết để chống lại tất cả những kẻ dối trá từ trong trái tim…”

Bị tuyên án sáu năm tù Hoàng Hải Thủy chỉ được trả tự do vào tháng Năm năm 1990. Ông còn phải chịu đựng nhiều tháng sống trong trại cải tạo vì thái độ tự do tư tưởng của ông, một thái độ mà cái chính phủ vẫn tự nhận là đã mở nắp nồi và đổi mới vẫn không thể chấp nhận được.

Nữ ký giả Catherine Monfazon
Nhật báo Le Parisien


Đây là bài báo Nữ ký giả Monfazon viết về vợ con Hoàng Hải Thủy đăng cùng trên trang báo Le Parisien với bài báo trên.

Chúng tôi mạnh vì chúng tôi yêu ông ấy
 
Hoàng Hải Thủy và cả gia đình ông phải trả giá đắt vì niềm khao khát tự do của họ. Nhưng họ vẫn sát cánh với nhau và họ hy vọng.
 
Đêm đen như mực ở thành phố HCM. Cô con gái của Hoàng Hải Thủy, Giang, ba mươi hai tuổi, di chuyển vòng vèo giữa rừng xe đạp và xe xích lô trên chiếc xe gắn máy mua trả góp. Cô dừng xe trong một xóm đông dân cư. Con đường trở nên sình lầy. Im lặng. Giang dựng xe trước cửa vào nhà, cạnh mấy chuồng gà. Anh con và bà vợ Thủy chờ đón chúng tôi. Vài cái ghế, hai cái giường không nệm, một tủ lạnh rỉ sét, sân nhà lát gạch bông đỏ trắng rất sạch: tất cả toát lên một sự nghèo túng được che dấu cẩn thận.
 
Mái tóc bạc được chải tươm tất, xanh xao, rất gầy, rất đường hoàng, bà vợ của Thủy nói tiếng Pháp lần thứ nhất từ hơn hai mươi năm nay.
 
Một bức ảnh rất đẹp của ông chồng trang hoàng bức tường lở vôi, bên cạnh hai tờ thông cáo tuyên truyền của cộng sản mà nhà nào cũng phải dán. Đỗ Thị Thủy không được gặp mặt chồng từ hai tháng nay. “Ông bố tôi mạnh khỏe, bà mẹ tôi mới chịu không nổi. Bà mất mười ký lô,” anh con trai hai mươi tám tuổi nói nhỏ.
 
Họ nói đến ông bố và ông chồng của họ với niềm kiêu hãnh, họ nhắc đến những bài ông đã viết, những bài này đều bị công an tịch thu, những gì ghi lại nỗi tuyệt vọng, sự đau khổ và cái đói của nhân dân. “Ông ấy nói ít, viết nhiều”. Bà Đỗ nói. Tôi hỏi:
 
 “Có bao giờ bà yêu cầu ông ấy đừng viết để cả nhà được an ninh không?”
 
“Không bao giờ…” bà trả lời ngay, gần như bà giận dữ vì câu hỏi ấy. Bỗng bà mỉm cười dịu dàng, xúc động:
 
“Chúng tôi đói, chúng tôi không có tiền, nhưng chúng tôi chấp nhận tất cả những cái đó. Chúng tôi mạnh vì chúng tôi yêu thương ông ấy, chúng tôi kiêu hãnh vì sự can đảm của ông ấy.”
 
Cái giá của sự tự do tư tưởng của Thủy là một giá đắt. Để có thể sống, họ phải bán hết. Nữ trang, đồ đạc, quần áo. Đến cả ba ngàn quyển sách của Thủy, từ tủ sách lớn ấy, họ còn giữ được khoảng trăm quyển cất kỹ trong một ngăn tủ nhỏ. Camus, Nabokov, Nietzche, Zola, Sacha Guitry… Những sách này đều được những người con của Thủy đọc đi, đọc lại. Từ nhiều năm nay các con của Thủy bán bánh ngoài đường. Tất cả việc học của họ đều bị cấm. Hiện nay họ đang muốn tin vào việc Thủy sắp được trả tự do. Rồi sau sẽ ra sao? Họ lo âu.
 
“Ông ấy lại sẽ bị kiểm soát, bị theo dõi khắp nơi. Lại có sợ hãi. Ông ấy có thể lại bị bắt. Chính phủ phải để cho chúng tôi ra đi. Không có tờ báo nào ở đây nhận cho ông ấy làm việc. Với cái tên ấy, ông ấy sẽ bị từ chối ở khắp nơi. Chúng tôi chỉ có thể có tự do ở một miền đất khác. Cô có thể làm gì được không? Ở đây người ta chỉ cho phép chúng tôi im lặng…”
 
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét