khktmd 2015
Thứ Năm, 10 tháng 12, 2015
Chính sách chống khủng bố của Obama qua vụ San Bernardino- Tác giả Hà Tường Cát
Vụ nổ súng ở San Bernardino ngày Thứ Tư, 2 Tháng Mười Hai, là vụ gây thương vong nhiều nhất kể từ cuộc tấn công 9/11 năm 2001 của al-Qaeda tại Hoa Kỳ. Qua bốn ngày điều tra, nhà chức trách đã xác định đây là hành động khủng bố do hai phần tử có thể có liên hệ đến nhóm ISIS.
Tầm nghiêm trọng của sự kiện này thể hiện qua việc Tổng Thống Barack Obama đã phải có một bài nói chuyện đặc biệt, truyền hình toàn quốc đến dân chúng Mỹ, ngay tối Chủ Nhật. Ông nói: “Ðây là một hành động của khủng bố nhằm giết hại những người vô tội. Tôi muốn quần chúng biết như thế. Mối đe dọa của khủng bố là có thật, nhưng chúng ta sẽ thắng. Chúng ta sẽ tiêu diệt ISIS và những tổ chức nào muốn làm hại chúng ta.”
Tổng thống muốn có cơ hội nói chuyện để trấn an dân chúng ở thời điểm mà có tới 60% không tin tưởng vào chính sách đương đầu với khủng bố của ông. Theo thăm dò dư luận mới nhất, 53% dân Mỹ muốn Hoa Kỳ đưa quân bộ chiến sang đánh ISIS, và 68% cho rằng phản ứng của Mỹ đối với nhóm khủng bố này chưa đủ mạnh mẽ.
Bằng cách ngồi ngay tại bàn giấy làm việc trong Phòng Bầu Dục của Tòa Bạch Ốc để nói chuyện, thay vì đứng sau bục thuyết trình như bình thường, Tổng Thống Obama muốn chứng tỏ thái độ bình tĩnh nắm vững tình hình để dứt khoát đối đầu với hiểm họa khủng bố. Ông mới chỉ dùng cách nói chuyện như thế hai lần trước đây, trong vụ chảy dầu BP ở Vịnh Mexico và vụ triệt thoái quân đội Mỹ chấm dứt chiến tranh Iraq.
Như mọi người đều có thể dự đoán, bài nói chuyện dài 1,900 chữ của ông ngay lập tức bị những người Cộng Hòa chỉ trích, đặc biệt những ứng cử viên tổng thống, tìm thấy đây là dịp để tấn công ông Obama và ứng cử viên đảng Dân Chủ Hillary Clinton.
Ngay trong lúc Tổng Thống Obama nói chuyện, ông Donald Trump dùng Twitter đánh đi những ý kiến của mình: “Tất cả chỉ có vậy sao?” và “Chúng ta cần nhanh chóng có một tổng thống mới.” Ông Jeb Bush nói là “cuối cùng ông Obama đã từ bỏ hình ảnh tưởng tượng là hiểm họa khủng bố đã giảm” và “bây giờ là lúc cần có một tổng tư lệnh thời chiến vào Tòa Bạch Ốc.” Ông Rand Paul thì lại chỉ chê trách rằng tổng thống nhân cơ hội này để vận động phải cải cách luật súng.
Quả thật bài nói chuyện của Tổng Thống Obama có một đoạn kêu gọi sửa đổi luật kiểm soát súng đạn vì ở Mỹ người dân mua súng quá dễ và các phần tử ISIS cũng thế. Theo lời ông, “Quốc Hội nên có luật để bảo đảm rằng những đối tượng đã nằm trong danh sách cấm lên máy bay không mua được súng. Có thể giải thích thế nào khi cho phép một nghi can khủng bố mua một khẩu súng bán tự động loại tác chiến? Ðây là vấn đề an ninh của quốc gia.” Và ông cho rằng: “Chúng ta có thể và phải làm cho bọn chúng khó khăn hơn khi giết người.” Tuy nhiên với hai viện Quốc Hội đều do đảng Cộng Hòa kiểm soát, sự thay đổi luật súng là việc hầu như không thể nào đạt tới.
Mặc dầu chỉ nhắc lại chính sách chống khủng bố đang có, nội dung vấn đề Tổng Thống Obama nói đến có nhiếu khía cạnh phức tạp về chính trị. Ông cho rằng những lời lẽ nóng nảy và phê phán vội vã của những ứng cử viên tổng thống đảng Cộng Hòa sẽ chỉ có lợi cho ISIS khai thác để tuyên truyền.
Ông cũng cảnh cáo rằng Hoa Kỳ không thể nào thắng ISIS bằng sự tái diễn hành động sai lầm là triển khai một lực lượng bộ binh lớn như đã thấy ở chiến tranh Iraq.
Ông nói: “Làm như thế chúng ta sẽ bị lôi cuốn một lần nữa vào cuộc chiến tranh lâu dài và hao tốn nhân vật lực ở Iraq hay Syria. Ðó chính là cái mà ISIS muốn thấy. Một phần chiến binh ISIS bây giờ là thành phần nổi dậy đối đầu với chúng ta ở Iraq. Chúng hiểu là không thể nào thắng Mỹ. Nhưng chúng cũng hiểu rằng nếu Mỹ chiếm lãnh thổ nước ngoài, thì sẽ có thể duy trì cuộc nổi dậy kéo dài trong nhiều năm không dứt, và dùng sự hiện diện của chúng ta để tuyển mộ thêm nhiều phần tử quá khích mới.”
Tổng Thống Obama bênh vực chiến lược đang theo đuổi, bao gồm oanh kích bằng không quân, dùng lực lượng đặc biệt phối hợp với các lực lượng địa phương ở Iraq và Syria. Như vây cuối cùng có thể đạt thắng lợi vững bền mà không đòi hỏi đưa một thế hệ thanh niên mới đi chiến đấu và hy sinh ở nước ngoài.
Ông cũng tiết lộ rằng Hoa Kỳ vẫn trợ giúp cho các lực lượng Iraq và Syria chiến đấu với ISIS tại địa phương đặc biệt là sau vụ khủng bố tấn công Paris. Ông cũng cho biết quân lực Mỹ sẽ săn lùng khủng bố ở bất cứ nơi nào chúng ẩn náu và hoạt động, tấn công các lãnh tụ ISIS, vũ khí nặng, xe chở dầu và các cơ sở hạ tầng của chúng. Washington cũng hợp tác với các đồng minh để cắt đứt nguồn kinh tài và ngăn chặn tuyển mộ nhân sự mới của ISIS.
Qua bài nói chuyện, Tổng Thống Obama chứng tỏ một lập trường vững chắc trong đối phó với khủng bố. Nhưng bằng những lập luận hùng biện có vẻ là của một chính trị gia hơn là một tổng tư lệnh quốc gia, ông đã không đưa ra thêm đường lối gì mới. Ðiều ấy khiến các người đối lập và nhiều nhà bình luận vội vã lên tiếng phê bình ông và tỏ sự hoài nghi về hiệu quả của cuộc chiến chống ISIS.
Tuy nhiên cần chú ý đến một nguyên tắc căn bản về đối ngoại của Tổng Thống Obama trong suốt hai nhiệm kỳ, đó là không bao giờ ông chủ trương nước Mỹ đóng vai “cảnh sát quốc tế” và can dự bằng sức mạnh vào bất cứ mọi vấn đề gì xảy ra trên thế giới.
Vì thế trong bài nói chuyện tối Chủ Nhật, ông nhắc lại là Hoa Kỳ ở trong tình trạng chiến tranh với khủng bố kể từ vụ tấn công 9/11 của al-Qaeda, và sau đó với sự gia tăng phòng thủ và kiên trì tấn công đã nắm vững quyền chủ động trước tình thế. Nhưng theo lời ông, “trong ít năm gần đây, đe dọa của khủng bố đã chuyển qua một hình thái mới.” Ông nói: “Khủng bố diễn ra ít phức tạp hơn, dùng những hành động kiểu nổ súng bắn người hàng loạt vẫn thường xảy ra tại Mỹ, như ở Fort Hood, Chattanooga và San Bernardino năm nay.”
Nhìn nhận rằng khủng bố là một hiểm họa khó chấm dứt, Tổng Thống Obama nói Hoa Kỳ cần phải đối phó mạnh nhưng khôn khéo, linh hoạt và kiên trì. Nhưng ông nhấn mạnh hai nguyên tắc phải giữ: Thứ nhất là phải duy trì và đề cao những giá trị truyền thống của dân Mỹ, tránh mọi quan điểm kỳ thị. Thứ hai là không để chống khủng bố diễn ra như cuộc chiến giữa nước Mỹ và Hồi Giáo. Do đó, sự cộng tác với các quốc gia có dân Hồi Giáo chiếm đa số, và sự hợp tác của các cộng đồng Hồi Giáo ở Mỹ là căn bản để thắng khủng bố.
Tổng Thống Obama cho biết cuộc điều tra của FBI vẫn còn đang tiếp tục để tìm hiểu mối liên hệ giữa hai vợ chồng hung thủ ở San Bernardino với các tổ chức khủng bố nước ngoài. Cho đến bây giờ không có bằng chứng gì cho thấy Syed Rizwan Farook và Tashfeen Malik hành động theo mệnh lệnh của ai.
Một đài phát thanh chính thức của ISIS ở Iraq đã lên tiếng ca ngợi hai hung thủ ở San Bernardino và cầu nguyện “Thượng Ðế đón nhận họ như những kẻ tử đạo.” Ðiều đáng chú ý là đài này gọi họ là “những ủng hộ viên,” thay vì gọi là “kỵ sĩ” hay “chiến sĩ,” như trong những vụ tấn công khủng bố mà ISIS chính thức tuyên bố nhận trách nhiệm. Như vậy Syed Rizwan Farook và Tashfeen Malik có lẽ chỉ là những người đã được cải hóa với ý thức hệ Hồi Giáo quá khích để trở thành jihadist (chiến binh thánh chiến), và không hẳn đã là thành viên ISIS hay một tổ chức nào khác.
Vụ khủng bố ngày Thứ Tư, 2 Tháng Mười Hai, xảy ra ngay tại nơi làm việc của Farook khiến thoạt tiên người ta có thể nghĩ nguyên nhân là từ chuyện cãi nhau tại nơi làm việc. Nhưng dấu hiệu chứng tỏ thảm kịch tại San Bernardino do khủng bố là vì có tới hai tay súng. Theo FBI trong 160 vụ nổ súng bắn người bừa bãi tại Mỹ từ năm 2000 đến năm 2013, chỉ hai vụ có hơn một tay súng. Do đó FBI bây giờ đặt giả thiết là nếu không có mệnh lệnh, đây là loại hành động gọi là của “sói cô đơn” (lone wolf), như người ta đã lo ngại từ lâu về những chiến binh trốn sang Trung Ðông theo ISIS rồi trở về Mỹ và các nước Âu Châu rồi tự ý hành động khủng bố bằng ý nguyện cá nhân sau khi đã tiêm nhiễm tư tưởng tôn giáo quá khích.
Farook, 28 tuổi, có việc làm được trả lương căn bản $49,000/năm, sống cùng với vợ trong một căn nhà townhouse có lầu và hai người mới có một đứa con gái 6 tháng. Khác với hầu hết những phần tử khủng bố, thường có lý lịch tội phạm và nếp sống nhiều phức tạp bên cạnh xã hội, như đã thấy trong số các tên khủng bố ở Paris, những chi tiết ấy khiến Farook và Malik hầu như không bị lưu ý. Và đây có thể là một sơ suất của các viên chức chống khủng bố.
Hồ sơ của hơn 300 phần tử cực đoan quá khích đã từng bị truy tố vì một vài hành động liên can đến khủng bố tại Hoa Kỳ sau 9/11, có những chi tiết đáng chú ý như sau: Tuổi trung bình 29; hơn 1/3 có vợ và có con; trung bình có trình độ giáo dục như những công dân Mỹ tiêu chuẩn. Ðến nay FBI chỉ có thể nói rằng Farook và Malik đã được cải hóa thành Hồi Giáo quá khích ở một thời điểm nào đó nhưng chưa thể xác định lúc nào hay ra sao. Theo FBI, trước đây ít lâu, Farook đã tham gia một cuộc thực tập chống bạo hành tại nơi làm việc, được thành phố tổ chức ngay tại cơ sở sau này xảy ra vụ khủng bố that.
Cô vợ Tashfeen Malik là dân Pakistan, có một thời gian qua Saudi Arabia và có lẽ được cải hóa thành Hồi Giáo quá khích tại đây. Trước vụ khủng bố, Malik đã đọc lời tuyên thệ trên Facebook với lãnh tụ ISIS Abu Baki al-Baghdad. Còn theo lời ông Syed Farook, cha của Syed Rizwan Farook, thì người con trai của ông có cùng lý tưởng hình thành một nhà nước Hồi Giáo với Abu Baki al-Baghdad.
Trước khi hành động, cả hai đã phá hủy hard drive máy điện toán và đập nát điện thoại của họ để phi tang tất cả mọi thông tin gì còn lại liên quan đến quá trình hoạt động.
Những biện pháp khôn ngoan ấy cũng được chú ý trong bài nói chuyện của Tổng Thống Obama. Ông cho biết đã ra lệnh cho Bộ Nội An xem xét lại thủ tục nhập cảnh Hoa Kỳ, qua vụ Malik có thể dễ dàng đến Chicago và được cấp quy chế thường trú nhân tạm thời với tính cách là hôn thê của Farook. Ông cũng nhắc nhở các giới hữu trách rằng khủng bố ngày nay biết lợi dụng những kỹ thuật tin học hiện đại để hành động và qua mặt nhà chức trách.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét