khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Sáu, 18 tháng 9, 2015

Phim Versailles nhân 300 năm ngày giỗ của Louis 14 - Tác giả Tuấn Thảo



 

media
 
Kể từ trung tuần tháng 11, đài truyền hình Canal + của Pháp sẽ khởi chiếu bộ phim lịch sử cổ trang mang tựa đề Versailles. Bao gồm tổng cộng là mười tập, bộ phim này kể lại cuộc đời của nhà vua Louis XIV, được phát hành đúng vào dịp kỷ niệm 300 năm ngày giỗ (1638-1715) của Le Roi Soleil, Vua Mặt Trời.
Với chi phí đầu tư lên tới 27 triệu euro, Versailles đương nhiên trở thành bộ phim truyền hình đắt nhất của Pháp. Đây là lần đầu tiên, đài Canal + đầu tư nhiều đến như vậy, không những dành riêng cho thị trường Pháp, mà còn nhắm vào đối tượng khán giả nước ngoài. Loạt phim truyền hình này đã được quay hoàn toàn bằng tiếng Anh, với một thành phần diễn viên quốc tế gồm cả Anh, Mỹ, Tiệp, Đức và Pháp ….
Vai diễn chính tức là vai vua Louis XIV được giao cho nam diễn viên người Anh George Blagden (nổi tiếng nhờ saga cổ trang Vikings). Còn phần thực hiện, ít ra là trong hai tập đầu, do đạo diễn Jalil Lespert đảm nhiệm. Đây cũng là lần đầu tiên đạo diễn Jalil Lespert quay phim truyền hình, sau khi anh đoạt giải César với bộ phim tiểu sử nói về cuộc đời của nhà thiết kế thời trang Yves Saint Laurent. Để huy động nguồn vốn, bộ phim nhiều tập Versailles, trước khi được bấm máy khởi quay, đã từng bán quyền khai thác cho nhiều nước trên thế giới, trong đó có Anh, Mỹ, Canada, Đức và Tây Ban Nha ….
Theo lời đạo diễn Jalil Lespert, bộ phim Versailles không chỉ đơn thuần là một phim tiểu sử, bám sát theo trình tự thời gian để kể lại cuộc đời và cơ nghiệp của Louis XIV, từ thời ấu thơ cho tới khi nhà vua băng hà. Bộ phim bắt đầu vào năm 1666, nhà vua lúc ấy 28 tuổi. Đó là giai đoạn nhà vua Louis XIV chủ trương phát triển, mở rộng lâu đài Versailles : từ một dinh thự nho nhỏ dành cho thú vui săn bắn, biến thành một cung điện nguy nga lộng lẫy.
Từ cái cột mốc ấy, bộ phim nhìn lại quá khứ để xem những sự kiện đau buồn trong tuổi thơ của nhà vua. Chính những biến cố ấy lại tạo ra động lực thôi thúc Louis XIV tự tay điều hành việc nước. Triều đại của ông kéo dài 72 năm, dài nhất trong lịch sử nước Pháp. Lúc sinh tiền, nhà vua đã lấy một số quyết định quan trọng, kể cả chính đáng cũng như sai lầm, ảnh hưởng tới lịch sử vương triều Pháp trong những đời sau ….
Ngược dòng thời gian trở về năm 1643, Louis XIV lên kế vị lúc mới 4 tuổi sau khi vua cha (Louis XIII) băng hà. Thái hậu Anne d’Autriche thay vua làm nhiếp chính. Mãi đến hơn một thập niên sau (năm 1654), Louis XIV mới làm lễ đăng quang tại nhà thờ Reims. Thời thơ ấu, Louis XIV lớn lên trong một giai đoạn nhiễu nhương, binh biến. Vua cha Louis XIII bị Đức Hồng y Richelieu thao túng khống chế, còn Thái Hậu Anne d’Autriche sau khi độc chiếm quyền nhiếp chính thì bị Hồng y Mazarin điều khiển chi phối. Cả hai Đức Hồng y này nắm quyền Thừa tướng, tương đương với chức Thủ tướng chính phủ thời nay.
Chính sách sưu cao thuế nặng của Hồng y Mazarin, nhằm tài trợ cho cuộc chiến của nước Pháp chống Tây Ban Nha, khiến cho dân tình lâm vào cảnh lầm than ai oán. Nhiều cuộc nổi loạn diễn ra khiến cho vua Louis XIV, lúc ấy còn nhỏ phải rời khỏi kinh đô Paris để tìm đường ẩn náu. Giới hoàng thân, quý tộc thời bấy giờ do hai anh em dòng họ Bourbon (Prince de Conti / Price de Condé) dẫn đầu, đã tranh thủ thời cơ, lập liên minh chống lại quyền nhiếp chính.
Dòng họ Bourbon-Conti thân với vương triều Tây Ban Nha và nhất quyết chống lại Hồng Y Mazarin, theo phe phái của gia đình Médicis (Marie de Médicis, người đã ra lệnh xây dựng cung điện và vườn Lục Xâm Bảo / Luxembourg là bà nội của vua Louis XIV) …. Trong cái bối cảnh triều đình hỗn loạn suy yếu, Louis XIV thời còn nhỏ từng bị bắt làm ‘’con tin’’ trong hoàng cung Palais Royal (nay là Viện Bảo tàng Louvre), bị nhốt lỏng ở pháo đài Vincennes, nơi có hào sâu che chắn, thành lũy kiên cố ….
Có lẽ cũng vì những kỷ niệm tuổi thơ ấy mà Louis XIV có nhiều ác cảm với hoàng cung Palais Royal nói riêng, kinh thành Paris nói chung. Khi lên nắm quyền, ông cũng không tin tưởng nơi giới quần thần. Một trong những quyết định đầu tiên là nhà vua bãi bỏ chức Thừa tướng, điều hành quản lý trực tiếp việc nước. Ông cũng dời đô về Versailles, tập trung mọi quyền lực về cùng một nơi, và cũng từ cung điện Versailles, mà giám sát chặt chẽ các quan triều.
Khi chọn xây dựng tuyến truyện chính xung quanh cung điện Versailles, đạo diễn Jalil Lespert đã vận dụng kỷ niệm tuổi thơ của Louis XIV như một sợi chỉ đỏ xuyên suốt, để rọi sáng nội tâm của nhân vật, để phơi bày những động lực tiềm ẩn của một đấng quân vương nhưng hơi chuyên quyền, độc đoán. Cung điện Versailles trở thành một sân khấu, trong cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Nơi tổ chức các buổi dạ tiệc hoành tráng cũng là nơi diễn ra các tấn bi kịch quyền lực : ‘‘ái phi’’bị lưu đày thất sủng, quan triều bị bãi chức tước quyền.
Chính sách sưu cao thuế nặng dưới thời Hồng y Mazarin không chỉ tài trợ cho nỗ lực thời chiến, giúp tăng thêm ngân khố hoàng gia, mà còn giúp cho nhiều nhân vật lịch sử trở nên cực kỳ giàu có, thừa nước đục thả câu. Đó là trường hợp của hầu tước Nicolas Fouquet, dưới thời nhiếp chính của Thái Hậu, trở thành quan Thượng thư, tương đương với chức Bộ trưởng Tài chính thời nay. Nicolas Fouquet trở nên giàu có tới mức ông khuếch trương xây cất lâu đài Vaux-le-Vicomte, còn lộng lẫy hơn cung điện Versailles cả chục lần. 
Một trong những quyết định quan trọng của Louis XIV, sau khi đăng quang là ra lệnh cho d’Artagnan dẫn đầu một đoàn lính ngự lâm bắt giam hầu tước Nicolas Fouquet. Pháo đài Vincennes biến thành ngục thất dành cho giới quý tộc. Khác hẳn với lâu đài Vincennes, cung điện Versailles được xây giữa đồng trống, không cần thành lũy mà cũng chẳng có pháo đài. Một cách để cho Louis XIV răn đe giới quan triều, khẳng định quyền hành của mình : một đấng quân vương không cần được bảo vệ bởi hào sâu, mà cũng chẳng cần phải ẩn nấp đằng sau các bức tường thành ….
Một khi được hoàn tất vào năm 1862, Versailles trở thành biểu tượng quyền lực của Pháp, một trong những vương triều hùng mạnh nhất châu Âu. Vào thời ấy, những vì vua đang trị vì khác, kể cả những nước đang có giao tranh xung đột với nước Pháp, đều xem cung điện Versailles như một tấm gương cần phải noi theo. Triều đại của Vua Mặt Trời tỏa sáng trên hầu hết mọi phương diện : quân sự, kỹ thuật, ngoại giao, ngôn ngữ, văn chương, kiến trúc, âm nhạc, kịch nghệ, thời trang, ẩm thực ….
Trước ngày ra đời của khái niệm soft power (quyền lực mềm), nghệ thuật được vua Louis XIV nâng lên hàng quốc sách, tạo thêm uy tín và tầm ảnh hưởng cho một nền văn hóa. Điều này được phản ánh rất rõ qua chương trình sinh hoạt tại Pháp trong tháng này, nhất là cuộc triển lãm lớn mang tựa đề Đức Vua băng hà (Le Roi est mort / The King is dead), do năm nay lâu đài Versailles tôn vinh nhà vua Louis XIV. Nhân cuộc triển lãm này, lần đầu tiên cung điện Versailles trưng bày nhiều tài liệu quý hiếm, trong đó có bản di chúc dày 16 trang của Louis XIV, cho thấy nhà vua lúc sinh tiền ý thức về những quốc sách ưu tiên và di sản để lại cho hậu duệ ….
Không phải ngẫu nhiên mà đạo diễn Jalil Lespert chọn năm 1666 làm điểm khởi đầu bộ phim Versailles. Thời niên thiếu, Louis XIV có nhiều năng khiếu nghệ thuật, việc ông lên nắm quyền buộc ông phải cứng rắn mà khôn khéo, dùng thủ đoạn để cai trị, thậm chí phải thỏa hiệp với kẻ thù đẻ bảo vệ quyền lợi quốc gia.
Năm 1666 là thời điểm quyết định phái triển cung điện Versailles, đó cũng là thời điểm nhà vua phải từ bỏ bộ môn múa ballet. Trong số các loại hình nghệ thuật, ballet vẫn là bộ môn ông yêu thích nhất. Từ năm 7 tuổi đến 27 tuổi, nhà vua Louis XIV vẫn học múa 2 giờ mỗi ngày. Một cách tượng trưng, qua việc ngưng học múa ông từ bỏ ‘’đam mê đầu đời’’, rời tuổi thơ để bước vào cõi người lớn, chính thức điều hành việc nước. Quá trình xây dựng lâu đài Versailles cũng là điểm khởi đầu cho vua Louis XIV chinh phạt để rồi tập trung quyền lực, hành trình càng đơn độc khi vầng Thái Dương lên tột đỉnh chói chang, Vua Mặt Trời lẻ loi dù vầng hào quang tỏa muôn ánh sáng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét