Khi quyết định viết bài nhận xét và giới thiệu cuốn sách Công giáo Việt Nam 2005-2015, tôi đã gặp khó khăn lúng túng là chọn cách viết, thái độ cầm bút.
Đọc cuốn Công Giáo Việt Nam 2005-2015: Từ Tòa Khâm Sứ – Thái Hà đến Mỹ Yên
Khó khăn ở chỗ, tôi mong được gặp, được nói chuyện hay phỏng vấn những nhân chứng sống trong nước để xem ý kiến của họ nghĩ gì về giáo hội, nghĩ gì về đất nước mình. Những thành phần tôi mong được gặp là các thanh niên nam nữ trẻ – nhất là các vị linh mục trẻ – rồi được gặp các vị giám mục để học hỏi thêm ở họ, để nghe họ nói.
Rất tiếc, điều mong mỏi tưởng dễ mà thật khó, chưa thực hiện được. Tôi vẫn mơ là có thể đi được một vòng các xứ đạo từ Nam ra Bắc, sống tại những nơi ấy để cảm nghiệm tại chỗ nếp sống đạo, để thấy được những biến động, thấy được cái còn cái mất.
Mong, muốn lắm thay!
Để bù lại sự thiếu xót đó, tôi để ra nhiều thời giờ, xem các tin tức xứ đạo, địa phận để có cái nhìn rộng rãi bao quát hơn.
Tôi cũng đặc biệt theo dõi tất cả các buổi nói chuyện cùa các nhân chứng như Lm Nguyễn Văn Khải. Nghe các buổi nói chuyện từ Mỹ, Úc, Paris, Canada cho đến các buổi phỏng vấn linh mục.
Điều tôi băn khoăn suy nghĩ là tại làm sao, một người trẻ – 41 tuổi, sinh ra và lớn lên trong lòng chế độ ấy, lại có thể không bị nhiễm một chút xíu nào nọc độc cộng sản? Chẳng những thế, Lm Khải còn có thể nói năng trôi chảy, trơn tru như thuộc lòng, nói như rút tự nhiên từ trong ruột ra một cách khá bộc bạch, đơn sơ với nhiều câu ví von đến buồn cười – một lối nói gần Nguyễn Chí Thiện.
Lm Khải là đàn em của Lm Vũ Khởi Phụng. Lm Vũ Khởi Phụng có bố là bạn chí thân của Nguyễn Chí Thiện. Lm Khải là thứ hậu duệ của Nguyễn Chí Thiện là phải rồi.
Có thể nói Lm Khải hiểu cộng sản hơn ai hết và như thể hiểu cộng sản mà không cần đến sách vở, tài liệu.
Nếu tôi có dịp gặp lại Lm thì chắc tôi yêu cầu ông ngồi lại và viết lại những trải nghiệm sống thực và đắng cay ấy.
Đã đến lúc Lm Khải nên viết thôi.
Vì thế, tôi cũng rất tiếc là trong cuốn sách này, có vẻ thiếu tiếng nói một nhân chứng sống về các vụ đàn áp về Thái Hà như Lm Khải.
Điều thứ hai, tôi dùng lối viết trực cảm – ngoài sách vở – để duyệt lại trí nhớ và tìm lại trong dĩ vãng những vị lãnh đạo tinh thần trong giáo hội. Tôi cố gắng nhớ lại họ thực sự đã trải nghiệm cộng sản như thế nào, đã đối phó ra sao và so với các vị lãnh đạo giáo hội hiện nay.
Nếu chúng ta có dịp nhìn lại chân dung của các vị mục tử như Hồng Y Trịnh Như Khuê, Hồng y Phạm Đình Tụng, giám mục Phaolồ Lê Đắc Trọng ngoài Bắc và trong Nam như TGM Nguyễn Văn Bình, TGM Nguyễn Văn Thuận, TGM Nguyễn Kim Điền, chúng ta sẽ nhận ra con người của các vị ấy và cả những chặng đường thánh giá mà quý vị ấy đã trải qua.
Tôi nghĩ cuộc đến cuộc đời Hồng y Trịnh Như Khuê, từ lúc cộng sản cai trị miền Bắc, có lẽ không một ngày nào ngài không nghĩ đến việc phải đối đầu với cộng sản. Gót chân ngài đã đi bộ đến mòn sân thượng ở số 40 Nhà Chung Hà Nội đủ nói lên nỗi khổ tâm của ngài. Nghĩ đến ngài – một con người mà tôi có dịp gặp – một chút xót thương và một lòng oán hận cộng sản.
Tôi cũng nghĩ đến Hồng y Phạm Đình Tụng – 31 năm làm giám mục Bắc Ninh mà chỉ được có dịp đi thăm 5, 6 giáo xứ trên tổng số cả trăm họ đạo. Gớm thay sự cai trị tàn bạo của cộng sản. Và biết bao linh mục tu sĩ đến ông Trùm, ông Quản bị cộng sản bắt tù đầy, giam cầm, tra khảo. Họ có tội tình gì ngoài cái tội là người công giáo.
Tôi cũng nghĩ đến số phận dành cho các cha địa phận Hà Nội như cha Vinh, cha Thông, cha Oánh, cha Quynh mà ngoài cái liên hệ máu mủ cũng có, tôi xót xa trong bụng vì những năm tháng tù đầy khốn khổ của họ mà đời sống con người không bằng súc vật. Người thì chết khốn nạn trên trại cổng trời, người ra tù thì dở điên dở dại. Người còn sống sót như cha Oánh thì sợ nhát đến độ chỉ nhắc đến hai chữ cộng sản cũng co rúm người lại.
Nếu ai hỏi tôi trên đời này, tôi hận điều gì. Tôi trả lời không do dự: tôi hận người cộng sản. Tôi ứa nước mắt khi phải nói ra một điều như thế.
Trong 70 năm sống dưới sự thống trị của cộng sản với khủng bố, sách nhiễu, áp đặt, giáo hội đã trả giá quá nhiều. Nhất là giáo hội miền Bắc.
Nếu phải phong thánh cho họ như ông Kiều Duy Vĩnh – một sĩ quan VNCH ở lại miền Bắc bị tù trên trại Cổng Trời gọi họ, những người công giáo bị giam trên trại Cổng Trời – là những ông Thánh thì chúng ta có bao nhiêu ông Thánh?
Khi ta mừng 118 Thánh tử đạo(1), tại sao không thể liên tưởng đến những vị là nạn nhân của cộng sản hàng vạn người bị giam cầm dưới chế độ. Phải chăng cứ bị chặt đầu mới có thể trở thành thánh? Chết rũ tù cộng sản và bị chặt đầu, ai khổ hơn ai?
Phải chăng nếu có thứ thánh được phong vì bị chặt đầu thì cũng có thể thành thánh khi bị chết rũ tù?
Nếu thế thì chúng ta không phải chỉ có 118 vị thánh mà có thể nhân lên hai lần, trong suốt 70 năm vừa qua.
Có lẽ đã đến lúc chúng ta có bổn phận chọn những nạn nhân đi tù cộng sản chọn lấy một ông thánh – bất kể là Vatican đã chuẩn nhận hay không.
Họ là thánh chứ còn là gì ? Thánh đi tù cộng sản.
Theo sự đồng ý của nhiều đồng bào công giáo địa phận Hà Nội – trong đó có tôi – thì xin được vinh danh linh mục Nguyễn Văn Vinh xứng đáng là vị thánh đầu tiên.
Từ nay ta gọi là thánh tử đạo Nguyễn Văn Vinh, chết rũ tù cộng sản trên trại Cổng Trời.(2)
Theo sự nhận xét và quan sát của Lm Nguyễn Văn Khải – một nhân chứng sống của vụ Tòa Khâm sứ và Thái Hà – tiết lộ không một xứ đạo nào, không một làng công giáo nào ở ngoài Bắc mà không có người đi tù cộng sản.
Trong số 8 triệu người công giáo hiện nay, chỉ cho tôi một người thôi giữ chức vụ đầu tỉnh. Một huyện ủy công giáo. Một sĩ quan, lý lịch công giáo, trong quân đội cộng sản cấp đại tá, đại tướng.
Người công giáo dưới chế độ cộng sản chỉ là một thứ công dân bậc hai.
Tự do tôn giáo, tự do truyền đạo, liệu có nổi một nhà in, nhà xuất bản sách công giáo? Liệu có nổi một đài phát thanh công giáo? Tự do ở chỗ nào?
Trong thời kháng chiến, nếu có người công giáo làm lớn thì chắc hẳn họ đã phải từ bỏ đạo như trường hợp cụ Vũ Đình Huỳnh.
Trong khi đó, người Việt chúng ta ở Mỹ thì nay có cả tướng tá, dân biểu, nghị sĩ, thị trưởng! Các cơ quan truyền thông hàng vài chục cơ sở, báo chi tại quận Cam có cả chục tờ.
Rồi đến lượt miền Nam, sau 1975, sự triệt hạ công giáo là triệt để. Tôi nghĩ không cần nhắc lại nữa.
Rất may là chúng ta có một số nhà lãnh đạo sống chết với giáo hội.
Nay có dịp nhìn lại, so sánh hồi tưởng lại chân dung TGM Nguyễn Văn Bình trước và sau 1975. Một điều tôi nhận thấy rõ nơi ngài là lúc nào ngài cũng tỏ ra một con người sống đạo hạnh, nói ít, giản dị và thanh bạch. Tôi cũng nhận thức được những nỗi lo toan, những nỗi khổ tâm của ngài trên nét mặt, trên những điếu ngài phát biểu, khi phải chịu nhiều áp lực, khi phải đối phó với chính quyền mới. Ngài có thể không hoàn toàn làm vừa lòng ai, nhưng cũng không làm mất lòng ai. Có khó tính đi mấy với Ngài về thái độ chính trị, về sự nhượng bộ cộng sản. Nhưng cuộc sống của Ngài thì không thể chê trách được. Tôi nghĩ, cho đến khi ngài chết, ngày 1/7/1995. Tổng giáo phận Sài gòn vẫn giữ được nếp sống đạo vốn sẵn có.
Nhưng sau ngài, từ 1995 trở đi, nó không còn được như trước nữa.
Sự thế tục hóa hay tha hóa cho những tham vọng cá nhân cứ thế trượt dốc. Hằng trăm linh mục đứng về phía Mặt Trận xâm nhập vào nội bộ giáo hội, chi phối tại mỗi địa phận, tại nhiều giáo xứ.
Nhìn hằng trăm, hằng ngàn linh mục trẻ trên toàn miền Nam trong các buổi lễ lạc, ai mà không đặt kỳ vọng vào họ? Vậy mà trong đầu tôi vẫn vẩn lên câu hỏi: Ai trong số đó là kẻ phản bội giáo hội, làm tay sai cho cộng sản?
Nhất là các địa phận phía Nam. Đây là thành phần yếu kém nhất, dễ bị mua chuộc nhất.
Hàng giám mục ở cấp cao nhất như Tổng giáo phận Sài Gòn, Tổng giáo phận Huế, Tổng giáo phận Hà Nội cho người ta có cảm tưởng có sự thỏa hiệp ngầm- nếu dám nói sự thật chỉ là loại bù nhìn, là công cụ của chính quyền cộng sản.
Trong khi đó, tôi nhìn số các vị lãnh đạo trong Hội Đồng Giám Mục hiện nay cũng một nghi ngờ như thế.
Người ta mất niềm tin vào giáo hội, phải chăng đó là điều tai hại nhất?
Cái thiếu lớn nhất đến cho các vị đó là giáo dân không còn tin vào các lãnh đạo của mình nữa. Nhất là sau sự ra đi của TGM Ngô Quang Kiệt.
Các tờ thông tin địa phận chỉ đưa lên hình ảnh hết lễ lạc này đến lễ lạc khác. Đấy không phải là thông tin mà là một chuỗi các vụ trình diễn, lễ lạc vô bổ. Nó thể hiện đúng một giáo hội thế tục lấy lễ lạc che lấp sự that
Tôi có hai nỗi lo ngại: một là sự sa sút trầm trọng về sự thế tục hóa này trong đời sống các vị lãnh đạo tôn giáo. Cái lo thứ hai, những vị lãnh đạo này trở thành thứ công cụ cho chính quyền cộng sản, biến giáo hội Việt Nam thành một thứ giáo hội nhà nước.
Cái mối lo thứ hai này, tôi tìm đọc thấy trong suốt cuốn sách mới được xuất bản là cuốn: Công giáo Việt Nam 2005-2015.
Hầu như toàn bộ cuốn sách do nhiều trí thức công giáo đều chia xẻ cái mối lo ngại đó.
Nếu chúng ta không kịp thời tố cáo những âm mưu, những toan tính, những thói khuynh loát của một số nhỏ chức sắc trong Hội Đồng giám mục thì cơ nguy Giáo Hội Việt Nam bị trói tay với cộng sản không xa.
Theo tinh thần nội dung cuốn sách, các tác giả mong muốn mọi người công giáo trong nước, ngoài nước, phải lên tiếng, phải tố cáo vạch mặt một số chức sắc áo tím đang lũng đoạn Hội Đồng Giám Mục Việt Nam.
Khi tôi đọc cuốn Công giáo Việt Nam 2005-2015 thì tôi hiểu rằng, việc lên tiếng của nhiều người là cần thiết.
Tôi đọc với sự trên trọng và với lòng khâm phục. Mỗi bài viết, dù ở trong những vị thế khác nhau như có chung một tiếng nói.
Tiếng nói này phải được khuyếch đại lên để mọi người được nghe, được thấy.
Đây là cuốn sách thứ hai của nhóm anh em trí thức công giáo trong và ngoài nước nhìn về Giáo Hội Việt Nam.
Cuốn sách ra đúng lúc và hy vọng là kịp thời và đáp ứng được ước vọng của các giáo dân trong nước đang thầm lặng, chịu đựng.
Cuốn sách thứ nhất được xuất bản cách đây 10 năm nhan đề ‘Ba mươi năm Công giáo Việt Nam dưới chế độ cộng sản 1975-2005’ nhằm nhận định về tình trạng giáo hội Việt Nam sau 30 năm dưới chế độ cộng sản.
10 năm sau, 2015, nhóm trí thức thức công giáo trong và ngoài nước lại một lần nữa đưa ra tập sách thứ hai với một chủ đề rất rõ rệt: Từ Tòa Khâm sứ – Thái Hà- đến Mỹ Yên.
Tất cả cuốn sách là một bản cáo trạng nhiều trang lên án cộng sản đàn áp tôn giáo ở nhiều nơi và gián tiếp lên án các vị lãnh đạo tôn giáo thờ ơ, im lặng hoặc bỏ rơi con chiên của họ, thậm chí về hùa với chính quyền.
Các bài viết ấy vì thế đều xoáy vào những biến cố xảy ra cho Giáo Hội Công giáo, khởi đi từ vụ Tòa Khâm Sứ đến vụ tranh đấu đòi đất ở Thái Hà và đến vụ Mỹ Yên.
Ngay trong lời ngỏ mở đầu, người ta đọc được những dòng ghi nhận sau đây:
“Mười năm sau nhìn lại, những nỗi ưu tư vẫn còn đó, những thương tích Giáo Hội phải mang thêm không có triệu chứng nhẹ bớt, mà còn trầm trọng hơn. Chiếc áo bề ngoài rực rỡ bằng những lễ tấn phong, hội hè xây cất không che dấu được bàn tay của nhà nước nhúng vào việc nội bộ của Giáo Hội.”(3)
Thiết tưởng mấy dòng trên đây tóm lược toàn thể nội dung cuốn sách và dưới nhiều góc cạnh, dưới nhiều góc độ từ Hội Đồng Giám Mục- Tòa Thánh Vatican,-Văn Kiện của HDGM và dưới nhiều tài liệu trưng dẫn từng sự việc xảy ra tại nhiều địa điểm như Cồn Dầu-Tóa Khâm Sứ- Thái Hà-Mỹ Yên..
Các tác giả đã lần lượt trình bày thực trạng mối tương quan giáo hội Việt Nam-Chính quyền cộng sản Việt Nam trong khoảng thời gian 2005-2015.
Đó là các bài viết của Đỗ Mạnh Tri, Nguyễn Đức Tuyên, Phạm Hồng Lâm, Nguyễn Tiến Cảnh, Phạm Minh Tâm, Trần Phong Vũ, Lê Thiên, Mặc Giao, và các Lm như Nguyễn Ngọc Nam Phong, linh mục Đỗ Xuân Quế, linh mục Nguyễn Ngọc Tỉnh.
Đây là những khuôn mặt công giáo tiêu biểu ở hải ngoại. Các vị linh mục như Đỗ Xuân Quế, linh mục Nguyễn Ngọc Tỉnh ai biết các vị ấy thì đều là những vị tu sĩ đáng kính. LmNguyễn Ngọc Nam Phương là người trẻ nhất trong danh sách này.
Họ có thể bất đắc dĩ phải nói lên trong một chừng mực trách nhiệm tinh thần mà họ thừa hiểu phải cân nhắc, phải khôn ngoan và hiểu biết.
Và trong phần đúc kết từ trang 541, người đọc sẽ có những trang chót do nhiều người viết với nhan đề của chương Một trang sử buồn.
Chẳng hạn,Việt Catholic đã nhận được một tin rất buồn. Tại sao rất buồn? Rất buồn vì sự ra đi của TGM Ngô Quang Kiệt. Rất buồn và kèm theo đó là những đau thương, bất mãn và thất vọng.
Đọc chương này, nhiều sự thực được tiết lộ, được trình bày công khai về mặt trái của Hộng Đồng Giám Mục Việt Nam.
Mặt trái ấy được tiết lộ về những việc bổ nhiệm từ Giám Mục Nguyễn Văn Nhơn ra làm TGM giáo phận Hà Nội đến việc đề cử giám mục Nguyễn Thái Hợp ra Vinh..
Có một đoạn tường thuật của Hải Đăng, ngày 07-05-2010 về ngày lễ khai mạc sứ vụ tông đồ của vị TGM Phó Phê rô Nguyễn Văn Nhơn. Nhiều giáo dân dấu trong tay tấm hình TGM Ngô Quang Kiệt, bên dưới có hàng chữ, Chúng con yêu mến Đức TGM- We love our Archbishop.
Tôi không biết khi đọc được những dòng chữ như thế thì tâm trạng vị tân TGM phó nghĩ gì?
Nhưng điều rõ rệt nhất là Thông Tấn Xã Việt Nam nhắc đi nhắc lại nhiều lần rằng:
“Được sự chấp thuận của Thủ tướng chính phủ, Đức Giáo Hoàng đã tiến hành bổ nhiệm giám mục Nguyễn Văn Nhơn làm tổng giám mục phó, Hà Nội.”
Như thế thì rõ ràng là Hà Nội bổ nhiệm, Hà Nội chọn TGM Nguyễn Văn Nhơn. Nghe tiếng đồn ông là người đạo đức mà cúi đầu nhận sự chọn lựa của Hà Nội thì đó là thứ đạo đức gì?
Điều này cho thấy chính quyền cộng sản đã cố tình công khai hóa việc bổ nhiệm này là do sự chỉ định của Hà Nội. Sự công khai hóa đó làm nhục HĐGM và coi cái tổ chức ấy chẳng ra cái gì cả? Còn sự bổ nhiệm các quý vị khác như Bùi Văn Đọc, Nguyễn Văn Khảm, Nguyễn Thái Hợp thì có khác gì không?
Giám mục Nguyễn Văn Khảm là người ăn nói lưu loát có dám lên tiếng công khai rằng việc bổ nhiệm làm Giám Mục Mỹ Tho là quyết định của tòa thánh và không có bất cứ sự can thiệp gián tiếp hay trực tiếp nào của chính quyền cộng sản?
Điểm son hay vết nhơ của Hội Đồng Giám Mục nằm ở chỗ này. Chỉ chỗ này mà thôi.
Tại sao Hội Đồng GM không cương quyết dành lại cái quyển bổ nhiệm? Làm được chứ không thể không làm được.
Tại sao trước đây chúng ta đã có nhiều linh mục chui thì nay tại sao lại không có thể có giám mục chui? Ta nhượng bộ cộng sản nên mới có việc Giám Mục Phạm Minh Mẫn về Sài Gòn? Ta cứ chịu nhượng bộ mãi sao?
Nếu thay vì có 10 giám mục được cộng sản chỉ định, ta chỉ cần hai giám mục chui để chứng tỏ tính độc lập của giáo hội.
Hai giám mục chui là một thách thức quyền lực cộng sản.
Sự thách thức sẽ chuyển sức mạnh về phía giáo hội. Giáo dân sẽ đồng tình với hai vị giám mục chui. Sự thách thức được nhân lên nhiều lần.
Giám mục chui là sự mở đường cho một giáo hội Việt Nam lành mạnh và thánh thiện.
Khi nào có một giám mục chui. Tôi sẽ xin tình nguyện về Việt Nam để chỉ được quỳ xuống hôn nhẫn ngài và bày tỏ lòng kính trọng của một giáo dân.
Trong bài Điểm son và vết nhơ của Lm Đỗ Xuân Quế, ngày 5/5/2010 cho rằng việc nhận chức của TGM sẽ chẳng đem lại lợi ích gì vì thái độ lạnh nhạt của giáo dân.
Còn nếu đức cha bất chấp dư luận mà cứ nhận thì sẽ chuốc lấy cho mình mình một vết nhơ. Đức cha (ĐC) viết tắt ở đây dễ bị hiểu lầm ĐC thành Đồng chí!
Vết nhớ ấy là sự thỏa hiệp với một chế độ đã gây ra biết bao oan trái cho quê hương và đồng bào.(4)
Nghĩ đến buổi lễ nhận chức của TGM Nguyễn Văn Nhơn, tôi nhớ đến cảnh ông Đoàn Văn Vươn khi được thả ra tù. Làng xóm đã dựng rạp, bắn pháo hoa đón ông Đoàn Văn Vươn. Bà con xã Vinh Quang, Tiên Lãng, Hải Phòng đã chuẩn bị pháo giấy và bắc rạp làm cơm chiêu đãi người nông dân Đoàn Văn Vươn. Sau chặng đường hơn 80 km từ trại giam Hoàng Tiến (Chi Lính, Hải Dương) về tới quê nhà đã lại được đi trên mảnh vườn thân yêu tại Quê Nhà. Người dân Tiên Lãng đã ra từ đầu ngõ đón tiếp ông Đoàn Văn Vươn.
Câu chuyện ông Đoàn Văn Vươn được dân làng đón tiếp như vậy trong nỗi vui mừng như thế nó thể hiện đúng cái lòng dân.
Người ta nói ý dân là ý trời. Một người được chỉ định ra làm TGM được đón tiếp một cách lạnh nhạt. Bài diễn văn chào mừng của TGM Nguyễn Văn Nhơn đọc xong không nhận được một tiếng vỗ tay.
Trong khi đó, một người nông dân ra tù về làng được cả dân làng hân hoan mở tiệc đón mừng.
Việc thứ nhât là trái ý trời – trái ý Chúa – Việc sau là hợp lòng người, hợp ý trời.
Và trong phần chót của tuyển tập, nhóm chủ trương tuyển tập đã đặt câu hỏi ở trang 645: Giáo Hội Việt Nam sẽ đi về đâu?
Câu trả lời rất thẳng thắn và không do dự Nó sẽ biến thành một thứ Giáo Hội nhà nước.
Cụ thể là trong dịp tết Trung Thu 2009 trong một thánh lễ dành cho các thiếu nhi, tại nhà thờ Yên Báy, giáo phận Hưng Hóa. Cha xứ ‘mắc dịch’ đã cho rước tượng tên Hồ Chí Minh vào thánh đường giáo xứ để cho các thiếu nhi chiêm bái.
Tôi thật sự muốn biết tên ông linh mục này là ai?
Vào ngày 8 tháng 5, 2010, tại giáo xứ Dị Nậu, Thạch Thất, Hà Nội – thuộc giáo phận Hưng Hóa, cờ Hội thánh đã được thay thế bằng cờ đỏ sao vàng dẫn đầu cuộc rước kiệu Đức Mẹ. Trong hành trình rước quanh xứ đạo, người ta còn thấy bàn thờ Hồ Chí Minh nghi ngút khói được đặt long trọng trên đường ngang hành với bàn thờ Đức Mẹ.(5)
Đây là những chuyện quái gở tôi nghe được lần đầu mà tưởng chỉ có Giáo Hội Phật Giáo quốc doanh mới làm như vậy.
Ngày hôm nay, cái Hội Đồng giám mục với cái dàn áo tím như Hồng Y Phạm Minh Mẫn về hưu tiếp nối bởi Tổng Giám Mục Bùi Văn Đọc, Vũ Đức Minh, Nguyễn Văn Khảm, Nguyễn Thái Hợp, Nguyễn Văn Nhơn, Nguyễn Như Thể với những lời tuyên bố khó nghe, không ngửi được.
TGM Bùi Văn Đọc từng không biết ngượng mồm khi tuyên bố: “Nếu có ai không thích cộng sản, người ấy không nên yêu cầu chúng tôi khích bác họ.”
Về trường hợp mấy giám mục có thói quen xu nịnh cộng sản, tôi xin trích dẫn một ý tưởng của người xưa như sau:
Ở chung với người bất lương, như vào trong chợ cá ươn, lâu mà chẳng biết mùi hôi, vì mình cũng hóa ra hôi vậy. Như người mới vào chợ cá, lúc đầu còn nghe mùi hôi tanh, dần dà quen thuộc, không còn nghe mùi tanh tưởi khó chịu. nữa, như người quân tử sống với kẻ tiểu nhân, dần dần đồng hóa với cái xấu mà mình không hay biết.
Hội Đồng Giám Mục vẫn là HĐGM hay nay là chợ cá Trần Quốc Toản?
Không lạ gì, những vị giám mục trên đây nay đã thuần hóa, đã quá quen với chế độ cộng sản nhem nhuốc, đã quá quen với mùi hôi của cá tanh..
Tai, mũi, miệng, đầu óc họ đã quá quen với mùi hôi thối. Khứu giác họ đâu còn phân biệt mùi nước tiểu hay mùi nước thánh!
Muốn đưa Hội Đồng Giám Mục ra khỏi vũng lầy tội lội, nhơ nhuốc, hôi hám. Phải có những giám mục có can đảm dám lên tiếng và phải có giáo dân đứng đằng sau hỗ trợ họ.
Đừng bao giờ để cho xảy ra một trường hợp Ngô Quang Kiệt một lần nữa.
Chúng ta cần những giám mục dám nói, dám làm như một Ngô Quang Kiệt. Chỗ nào dân cần, dân kêu oan thì có mặt. Chỗ nào dân bị tù đầy, bị công an hiếp đáp thì giám mục có bên cạnh.
Một đôi dòng gián tiếp giới thiệu cuốn sách quý của các trí thức công giáo trong nước và ngoài nước.
Và mong mọi người đón nhận và tìm đọc.
(1) Các thánh tử đạo Việt Nam là danh sách những tín hữu Công giáo người Việt hoặc thừa sai ngoại quốc được Giáo hội Công giáo Rôma tuyên thánh với lý do tử đạo. Trong lịch sử Công giáo tại Việt Nam, ước tính có đến hàng trăm ngàn người đã tử vì đạo để làm chứng cho đức tin Kitô giáo. Trong số đó có 117 vị đã được Giáo hoàng Gioan Phaolô II phong Thánh vào ngày 19 tháng 6 năm 1988, và Anrê Phú Yên được phong Chân phước ngày 5 tháng 3 năm 2000. (Nguồn: Wikipedia.org)
(2) Xin đoc thêm, Mặc Lâm, “Trai giam Cổng Trời”, RFA, ngày 24/12/2010.
(3) Lời Ngỏ, Công giáo Việt Nam 2005-2015. Diễn Đàn Giáo Dân, California, Hoa Kỳ, 2015.
(4) Đỗ Xuân Quế, Điểm son và vết nhơ, trang 567.
(5) Công giáo Việt Nam 2005-2015, trang 644.
Tuy nhiên, theo trang http://www.hdgmvietnam.org/, Trích đoạn Lm Antôn Vũ Huy Chương, giám mục Hưng Hóa, trả lời phỏng vấn về “Cuộc rước Đức Mẹ ở giáo phận Hưng Hoá” cho thấy sự kiện có thể khác.
WHĐ: Gần đây có thông tin trên mạng về “Một cuộc rước Đức Mẹ ở giáo phận Hưng Hoá”. Xin Đức cha cho biết thực hư như thế nào ?
Đức Giám mục Vũ Huy Chương (Gm.VHC): Tôi nghĩ rằng nếu muốn thông tin đầy đủ về cuộc rước Đức Mẹ tại giáo xứ Dị Nậu thì không nên thông tin như thế vì có thể làm cho người khác hiểu theo một định hướng của người thông tin!
Tôi đã tiếp xúc với cha xứ và Hội đồng giáo xứ Dị Nậu và đã xem toàn bộ DVD về cuộc rước, và thấy rất rõ Thánh giá nến cao dẫn đầu cuộc rước (xin xem hình). Những hình ảnh trong trích đoạn video là vài quang cảnh chuẩn bị cuộc rước, còn chính cuộc rước thì không thấy trích!
Giáo dân giáo xứ Dị Nậu, thuộc xã Dị Nậu, sống chen lẫn với lương dân, chiếm khoảng 30% dân số trong xã. Khi có rước Đức Mẹ quanh làng xã, thì bà con lương dân cũng hưởng ứng theo kiểu của người lương dân, chẳng hạn thấy rất rõ trong video có biểu ngữ phía trên bàn đặt tượng HCM trước cổng đình, nguyên văn 3 hàng như sau: “LƯƠNG DÂN THÔN DỊ – CHÀO MỪNG LỄ RƯỚC HOA KÍNH ĐỨC MẸ – HỌ GIÁO DỊ 2010” (xin xem hình chụp không bị cắt bỏ hàng chữ “LƯƠNG DÂN THÔN DỊ”). Phong tục tập quán ở nhiều làng xã miền Bắc gọi việc đó là “bái vọng” như được viết trong quyển “Chứng Từ Của Một Giám Mục”, hồi ký của Đức cha Phaolô Lê Đắc Trọng, Giám mục Phụ tá Hà Nội: “Trên đoạn đường kiệu đi ngang, có những bàn thờ gọi là “bái vọng” do dân chúng trong làng làm ra. Đó là một cái bàn, trên đặt Thánh Giá nếu là của bên đạo, hoặc đặt lư hương nếu là của bên lương. Bên nào cũng có người ăn mặc chỉnh tề đứng chực….” (trang 28). Đây là do lòng thành kính của dân chúng đối với cuộc rước và họ bày tỏ theo cung cách của họ (xin xem vài hình bái vọng). Nếu họ không có cờ Nước Vatican (mà có người gọi là cờ Toà Thánh), thì trong dịp lễ hội dân gian miền Bắc, người ta thường treo hoặc cầm cờ Tổ quốc. Thậm chí có người bên lương ôm tượng Đức Mẹ trên xe và cầm cờ Tổ quốc cho xe chạy quanh làng vài ngày trước ngày rước Đức Mẹ để cổ động (trong trích đoạn video, cảnh chuẩn bị cuộc rước thấy có xe cầm cờ đi ban ngày, trong khi cuộc rước bắt đầu vào chiều tối với thánh giá dẫn đầu – xin xem hình). Đấy là còn nhiều cảnh đẹp chưa được giới thiệu, như cảnh người bên lương dựng cây đuốc cao 14 mét ngay trước ao đình làng để đốt lên trong đêm rước Đức Mẹ, cảnh các cụ ông cụ bà bên lương đến chúc mừng tại nhà xứ v.v. (xin xem hình).
WHĐ: Còn việc rước tượng HCM vào nhà thờ Yên Bái như thông tin trên mạng:“Ngày tết Trung thu 2009, trong thánh lễ dành cho các cháu thiếu nhi, linh mục quản nhiệm nhà thờ Yên Bái, giáo phận Hưng Hóa, đã long trọng rước tượng HCM vào thánh đường giáo xứ để các thiếu nhi chiêm bái”?
Gm.VHC: Đó cũng là một hình thức thông tin không đầy đủ. Tôi đã hỏi cha xứ và HĐGX Yên Bái. Họ cho biết từ trước đến nay, chưa bao giờ có linh mục quản nhiệm nào đã làm như thế! Vậy thì có gì không? Được biết, Thánh Lễ thì thuần túy tôn giáo trong nhà thờ; sau Thánh Lễ có thiếu nhi bên lương cùng vui Trung Thu với thiếu nhi công giáo tại sân nhà thờ, chứ không tổ chức rước xách gì.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét