khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Chủ Nhật, 12 tháng 7, 2015

"Tên tuổi không là gì, nếu con cái nhìn mình xa lạ”




       
 

Nhiều năm qua, sự “biến mất” của đôi song ca Ngọc Lễ – Phương Thảo vẫn là một câu hỏi trong lòng nhiều người hâm mộ. Dĩ nhiên, chọn việc ra đi định cư – ẩn cư ở nước ngoài giữa lúc tên tuổi đang lên trên sân khấu ca nhạc là một lựa chọn hết sức khó khăn của cả hai, cũng như hết sức khó hiểu với nhiều khán giả.

Ngọc Lễ rất yêu sân khấu, và trong trái tim nồng nhiệt của một rocker, khởi đầu sự nghiệp, Ngọc Lễ không thể không bàng hoàng khi một ngày của năm 1992, anh bị Sở VHTT chất vấn bài Sài Gòn Đêm Nay là ngụ ý gì. Nội dung về một chàng trai si tình, cất tiếng hát hỏi “Sài Gòn, đêm nay, em đi với ai…” bị bẻ cong thành ý tưởng xuyên tạc chính trị, như là chuyện Sài Gòn hôm nay buộc phải đi với chế độ Cộng sản. Khi kể về những ngày đó, nhiều năm sau, Lễ vẫn còn ngạc nhiên vì sao người ta lại có thể đối xử với âm nhạc như vậy. Nhưng với Ngọc Lễ, đó chỉ là cú sốc đầu đời, cho một loạt chuyện khó tin xảy ra sau đó.

Năm 1993, Ngọc Lễ và Phương Thảo nhận một cú sốc lớn hơn, từ một chương trình liên hoan nhạc rock ở Đà Nẳng. Một nhạc sĩ có tên tuổi, người mà trước đó được cả đôi song ca này kính trọng đột nhiên có một thái độ bất thường với nhóm nhạc Đen Trắng của Ngọc Lễ, vốn đang tham gia chương trình. Đêm trước ngày thi chung kết, thấy sức hấp dẫn của nhóm Đen Trắng quá cao và có “nguy cơ” đoạt giải nhất, người nhạc sĩ đáng kính đó đến gặp riêng Ngọc Lễ và đề nghị nhóm ngừng diễn, để dành cơ hội cho một nhóm nhạc rock khác ở phía Bắc. Điều cần nói thêm là bối cảnh lúc đó nhạc trẻ đang quay trở lại, và trở thành một “mặt trận văn hoá” và cần phải chia phần theo ý một ai đó, chứ không thuần tuý là cuộc chơi trong sáng của giới trẻ. Sau khi hội ý, Ngọc Lễ cùng cả nhóm bỏ về Sài Gòn. Cuộc chơi đã không còn vui, nhưng việc phản ứng của Ngọc Lễ và nhóm Đen Trắng từ đó đã ngấm ngầm tạo một sự khó chịu trong giới “tai to mặt lớn” của làng văn nghệ.

Năm 1994, một sáng tác khác của Ngọc Lễ bị tấn công trực diện và bị cấm hát, phán xét ở nhiều nơi. Bài hát “Đừng tin những gì con gái nói” bị một số nhà đạo đức XHCN ở Việt Nam coi là một tác phẩm phỉ báng phụ nữ Việt Nam, phản văn hoá. Cùng với các bài hát “Yêu nhau ném đá vỡ đầu nhau ra”, “Trả nợ tình xa”… bài hát của Ngọc Lễ bị nhiều sân khấu từ chối không cho trình diễn, dù đang là bài hát hit trong giới trẻ. Một phong trào lên gân đạo đức lại nhằm vào nhạc sĩ Ngọc Lễ, lúc đó đang chuyển sang khuynh hướng âm nhạc gia đình do anh vừa có đứa con gái đầu lòng. Bài hát “Cái bô của con” nói về đứa con gái nhỏ trong những ngày bệnh, cái bô nằm lăn lóc ở góc nhà bị một nhà báo nữ viết trên báo công an, tấn công dữ dội, cho rằng đó là một bài hát dơ dáy và đồi truỵ. Còn nhớ lúc đó cả nhà Lễ – Thảo đọc bài báo mà mặt rất buồn. Buồn không phải cho mình, mà họ buồn vì thấy xã hội đã quá nhiễu nhương.

Đó chỉ là một vài chuyện nho nhỏ, chưa nói hết về những kỷ niệm không vui trong đời của Ngọc Lễ – Phương Thảo. Một ngày nào đó, khi điều kiện cho phép, sẽ phải ghi thêm để lưu vào lịch sử nhạc Việt cho đầy những điều còn nằm sâu trong bóng tối.

Năm 2005, trước khi chuẩn bị ra đi định cư ở nước ngoài, Ngọc Lễ đến chào từ giã bằng cách gửi lại cây đàn fender và một hộp FX như món quà chia tay. Năm năm sau, tôi mới có dịp gặp lại gia đình của 2 người bạn hiền lành này. Cuộc đời họ đã khác, suy nghĩ họ cũng khác, được và mất của họ cũng nhiều… Nhưng cái còn lại lớn nhất, họ vẫn là người Việt Nam, yêu quê hương mình và luôn mong mỏi được hát với đồng bào mình, như ước mong đi qua được những chặng đường dài mệt mỏi, lòng vẫn không quản ngại xin làm lại từ đầu.

Mùa hè năm nay, sau 10 năm vắng bóng trên sân khấu, gia đình âm nhạc Ngọc Lễ Phương Thảo đã có một liveshow bất ngờ tại Sài Gòn, sau nhiều ngày âm thầm tập luyện. Với những ai là khán giả của đôi song ca này, muốn tìm hiểu về khoảng thời gian im lặng của họ, có thể đọc phần phỏng vấn dưới đây như một cách tham khảo và chia sẻ cùng họ .


1. Được biết Lễ – Thảo cùng các con gái của mình đã thực hiện một chương trình biểu diễn lớn vào đầu tháng 7/2015 tại Sài Gòn, lâu lắm rồi mới hát một chương trình riêng của mình tại VN, Lễ – Thảo cảm giác ra sao?

Đã lâu lắm rồi Lễ – Thảo mới có lại được cái cảm giác hồi hộp, nôn nao cho một chương trình biểu diễn như ngày xưa. Một cảm giác thật khó tả. Có thể vì đây là chương trình live show lớn nhất từ trước đến giờ của Lễ – Thảo sau chương trình Hãy Giữ Lấy Tình Yêu 1993 cùng với ban nhạc Đen Trắng. Live showtháng 7 này có thể là ngày diễn đặc biệt nhất trong trong cuộc đời của cả gia đình, vì Lễ – Thảo được hát chung với 2 con gái của mình là Na và Nấm. Trước đây Na Nấm cũng đã hát với ba mẹ nhưng chỉ hát phần phụ thôi. Trong live show này, Na và Nấm sẽ chính thức biểu diễn những bài hát của cả gia đình.Đặc biệt hơn, Lễ – Thảo muốn bật mí trước một chút, là Na và Nấm sẽ biểu diễn 2 bài hát do chính Na va Nấm sáng tác và hòa âm. Bài của Na có tên là Yêu Hay Không Yêu, bài của Nấm có tên là Ai Sẽ Là Người Yêu Của Tôi.

2. Na và Nấm đã chính thức sáng tác? Thật thú vị, Lễ – Thảo đánh giá như thế nào các tác phẩm của con?

Chính Lễ – Thảo cũng vô cùng ngạc nhiên và thú vị khi nghe Na Nấm giới thiệu những bài hát mới ở nhà. Rất khác với sáng tác của Ngọc Lễ (có thể buồn hay mơ mộng gì đó – cả hai cùng cười) những bài hát của Na và Nấm có giai điệu hết sức mới mẻ và hồn nhiên. Ơ… chắc tại cũng một phần do con mình, nên khi nghe thấy, cả Lễ và Thảo đều thấy các bài hát đó thân thương và đáng yêu. Nhưng phải chờ xem khán giả có thích không đã. Đây là một thử thách lớn với cả Na và Nấm, nhưng dù được khán giả thích hay không, đây cũng là một kỷ niệm rất đẹp. Hai bài hát đó chắc chắn sẽ là những dấu mốc đầu tiên sáng tác của Na và Nấm cũng như không thể quên đối với gia đình Lễ – Thảo.

3. Cả “gia đình âm nhạc” của Lễ – Thảo đều thấy quen thuộc, gần gũi với sân khấu VN trong nước ?

Hai đứa mình vui lắm. Cứ nghĩ tới là hồi hộp nôn nao như sắp gặp lại những người thân yêu sau nhiều năm xa cách. Na Nấm cũng cảm thấy rất vui và hăm hở khi được về Việt Nam biểu diễn lần này. Dù không có nhiều thời gian, Na Nấm cũng đã cố gắng rất nhiều để giúp Lễ – Thảo chuẩn bị cho chương trình thật chu đáo.

4. Gia đình Lễ – Thảo thật sự là một mảng độc đáo trên sân khấu Việt Nam hôm nay. Nhưng anh chị có thể nói thêm là âm nhạc là một sở thích không thể thiếu trong đời sống hàng ngày của anh chị, hay chỉ là những dự án buộc phải biểu diễn, được lên lịch và tập luyện cho nó

Dù không có lịch biểu diễn, hàng tuần cả nhà vẫn chơi nhạc, ca hát chung với nhau. Thảo và Lễ vẫn nói các con rằng chúng ta có thể khó khăn và nhịn mua một thứ gì đó tiện nghi, nhưng với âm nhạc thì không còn tiếc gì cả khi có thể. Làm sao vừa sống được bằng âm nhạc mà vẫn không bị áp lực của tập luyện biểu diễn cho sân khấu thương mãi gây căng thẳng quá mức, không biết phải nói sao nhỉ… à, Lễ – Thảo cứ như phải đong đưa, giữ thăng bằng giữa 2 trạng thái đó để mình không bị gò ép, không bị rượt đuổi. Đã có những lần, các nhà tổ chức ở Mỹ mời Lễ – Thảo đi hát xa, nhưng vì thiếu hai đứa con theo cùng (dù đã lớn) – cả nhà họp lại và bàn thôi thì xin không nhận, để cuối tuần cả nhà ca hát với nhau cho vui.

5. Na và Nấm có thật sự yêu âm nhạc, hay phải theo đuổi âm nhạc vì ba mẹ muốn như vậy, thương ba mẹ nên phải chìu theo?

Thật ra, Na thì mê ngành graphic designs,vẽ trên computer từ lớp 6 khi đến lớp 9. Nhưng gần đây thì Na quay qua học nhạc và làm nhạc nhiều hơn. Bài hát đầu tay của Na viết để biểu diễn trong trường có tên là Solving For X, đã được chọn là bài hát được yêu thích nhất trong chương trình cùa trường trung học. Nấm thì bắt đầu bằng việc đến với cây guitar điện, và cũng bắt đầu sáng tác năm nay. “Thương ba mẹ nên chìu theo” – câu này nghe xa lạ đối với nhà Lễ – Thảo lắm. Đơn giản vì Na và Nấm hết sức cá tính, khó lòng chìu theo một điều gì đó mà hai đứa cảm thấy không cần hoặc không thích làm. Nói tới đó thì nhà nào có con cũng biết liền (cười) 

6. Có ý kiến nói rằng các anh chị đã uổng phí nhiều năm để ra đi, trong khi có thể làm ra nhiều tiền và tên tuổi lớn hơn nữa nếu vẫn Việt Nam sinh hoạt âm nhạc. Theo anh chị, sự ra đi của mình có là một sự thất bại?

Đối với Lễ hay Thảo cũng vậy, mỗi sáng thức dậy vẫn được tươi cười trò chuyện thân mật với vợ (chồng) và các con là thành công số một rồi. Những chuyện khác là thứ yếu. Cả hai chọn ra đi vì muốn Na và Nấm được va chạm và thử sức với một môi trường giáo dục mới, khác hơn. Tên tuổi sẽ không là gì nếu quay về nhà thấy con cái xa lạ với mình do mê mãi biểu diễn, hay không thể giúp gì được cho chúng tốt hơn. Với những gì mà Na và Nấm có được hôm nay, Lễ – Thảo thấy mình được nhiều hơn là mất.

Thảo thì chưa bao giờ thấy ân hận khi quyết định qua Mỹ sống. Nhiều bạn bè của Thảo phải cho con đi du học Mỹ mỗi năm mẹ con gặp nhau chỉ 1 hay 2 lần, Thảo ở đây, thấy mình hạnh phúc khi được đưa đón con đến trường, chăm sóc, nấu nướng cho con mỗi ngày suốt cả 10 năm nay, Thảo không mong gì hơn thế

7. Đời sống âm nhạc của anh chị có tồn tại được ở nước ngoài? Với cộng đồng người Việt? Qua băng đĩa, đã thấy anh chị từng xuất hiện trong các chương trình âm nhạc của người Việt hải ngoại nhưng sau đó lại thôi, vì sao?

Cuộc sống của các nghệ sĩ độc lập và có khuynh hướng riêng không chìu theo thị trường thường sẽ gặp nhiều khó khăn hơn. Với các trung tâm ca nhạc thì có lẽ họ thấy âm nhạc của Thảo Lễ không hợp thị hiếu của khán giả cộng đồng Việt Nam tại Mỹ, nên họ vẫn ưu tiên những giọng ca ăn khách hơn. Lễ – Thảo thấy rõ điều này nhưng quyết định là không thay đổi khuynh hướng và vẫn sống với dòng nhạc của mình

8. Nói thêm về phần mình, cả hai anh chị đã có thêm những “vốn liếng” gì cho tình yêu âm nhạc của mình, qua trãi nghiệm ở nước ngoài?

Lễ – Thảo ngày xưa cứ mơ mình được đi học chung với nhau, chỉ đến khi qua Mỹ giấc mơ đó mới thành hiện thực. Nên sau khi tìm hiểu, Lễ – Thảo cùng vào học College âm nhạc chung với nhau. Thảo thì học và nâng cao khả năng thanh nhạc của mình, Lễ thì vẫn theo guitar nhưng học về các phương thức ứng dụng âm nhạc mới. Ngoài ra, nói thật là nếu không ráo riết học thêm thì sơ sẩy là không theo kịp, không trò chuyện nổi về âm nhạc với các con mình đâu

9. Về mảng tình ca, những sáng tác của anh vẫn tiếp tục ra đời? hay chỉ còn là một phần nhỏ trong dòng nhạc về gia đình mà anh chị đang gầy dựng?

Thật ra Lễ – Thảo chẳng cố gắng gầy dựng cái gì to tát cả, mình yêu âm nhạc và đi theo nó, thích gì viết cái đó thôi. Mục tiêu sáng tác và hát của Lễ – Thảo hay cả gia đình không có ý định hay project gì rõ ràng hết. Chẳng hạn như vừa rồi Lễ viết về mấy con mèo hoang ở chỗ mình ở đấy thôi. Nhà mình có cái sân sau nho nhỏ. Thảo thì hay trồng vài thứ cho vui, nhưng không hiểu sao mèo cứ kéo đến nhìn và đợi Thảo nhìn thấy và cho ăn. Nhiều con mèo rất dễ thương, viết cho chúng một bài cũng hay (cười)

10. Nhiều năm nay anh chị có theo dõi liên tục âm nhạc trong nước? Các anh chị có nhận xét gì về âm nhạc Việt Nam lúc này, đặc biệt là các cuộc thi âm nhạc dành cho thiếu nhi?

Theo dõi qua các chương trình truyền hình được ghi lại trên Youtube, Lễ – Thảo thấy những cuộc thi âm nhạc thiếu nhi gần đây làm các em tập luyện nhiều, có bài bản nên khả năng âm nhạc cua các em phát triển rõ ràng. Chúng ta rồi sẽ có nhiều giọng ca nhí hay hơn. Nhưng điều Lễ – Thảo quan tâm là có những chương trình, nhìn thấy các em bị stress rất rõ. Nên để các em phải chịu một áp lực quá lớn của show thương mãi như vậy không, đặc biệt với những em tuổi còn quá nhỏ. Đào tạo nên một tài năng âm nhạc không khó bằng nuôi dưỡng tình yêu đối âm nhạc trong các em lâu dài. Áp lực trong các kỳ thi có thể làm tuổi thơ không còn thấy vui với âm nhạc nữa, thậm chí sẽ là nỗi ám ảnh về sau khi chúng đã trưởng thành.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét