khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Bảy, 18 tháng 7, 2015

Nguyễn Văn Trung và Lý Chánh Trung đối đấu với Lữ Phương và Nguyễn Trọng Văn- Tác giả Nguyễn văn Lục



Có thể nói việc tố giác của Nguyễn Trọng Văn và Lữ Phương chỉ là một phiên bản mới, tái diễn lại của những cuộc đấu tố đã một thời trong cải cách ruộng đất. Hay nói đúng hơn, nó gần với phiên bản tố giác như trong vụ Nhân Văn Giai Phẩm?

Hiện tượng tố giác này, sau 20 năm sống ở miền Nam, tôi chưa hề bao giờ thấy xẩy ra. Tại sao Nguyễn Trọng Văn vốn cũng là một trí thức miền Nam có hạng, trở thành một tên chỉ điểm, đi tố giác đàn anh.

Kẻ đi tố cáo đã tự làm mất bản thân mình trở thành tên đao phủ như trường hợp Tố Hữu tố Nguyễn Hữu Đang, Trần Dần trong Nhân Văn Giai Phẩm?

Trước những lời tố cáo như thế, Lý Chánh Trung giữ thái độ im lặng. Theo tôi, sự tố giác của Lữ Phương, Nguyễn Trọng Văn không phải là trực tiếp do hai người đó tự làm. Họ được bật đèn xanh và khuyến dụ cho sự tố cáo nhau trong hàng ngũ trí thức thành phần thứ ba ở miền Nam.

Rõ ràng, Lý Chánh Trung cũng chỉ là một con bài mà ngay cả kẻ đi tố giác cũng chỉ là một con bài của chế độ cộng sản.

Đó là sách lược cộng sản chia để trị, dùng người này khống trị người kia, đe dọa và răn đe.

Trước 1975, ông nghênh ngang ngậm tẩu, đầy phong cách trí thức, đầy tự tin, tham dự các cuộc mít tinh biểu tình như một thứ lãnh tụ sinh viên.

Sau 1975, ông học làm thinh.

Sự làm thinh ấy là một sự khôn ngoan cộng sản để sống còn. Thích Trí Quang cũng đã làm như vậy trong suốt hơn 40 năm trời. Và trí thức ngoài miền Bắc của nhiều thế hệ từ Nguyễn Tuân đến những lớp đàn em, đàn em của đàn em cũng đã học được bài học biết làm thinh như vậy để sống còn.

Và để gỡ tội với chế độ, ông đã điều chỉnh cách nhìn, quay 180 độ, đổi giọng. Và đây mới là điều đáng trách, đây mới là điều tủi hổ cho trí thức miền Nam.

Thà chạy mẹ ra nước ngoài cho yên. Thà buông súng đầu hàng.

Hay thà ngồi trong trại Cải Tạo nó bảo trắng thì mình bảo trắng, nó bảo đen thì mình bảo đen.

Ở đây có ai bắt ông chịu nhục phải viết như thế!

Trong một bài phỏng vấn của nhà báo Alain Ruscio, ông nói với một giọng điệu nịnh bợ, dối trá và hèn mạt như sau:

“Đã từ lâu, tôi vẫn mơ một cuộc cách mạng khoan hòa, đúng mực và khoan nhượng… Chủ nghĩa xã hội Việt Nam đã đáp đúng nguyện vọng của tôi. Chúng tôi đã làm mọi cách để xã hội mới được hình thành với ít đau đớn bao nhiêu hay bấy nhiêu. Ảnh hưởng của Hồ Chí Minh về điều này là một yếu tố quyết định.”

Ở chỗ bạn bè, chỗ những người quốc gia, ông lý luận rất khéo léo để che đậy, rất thuyết phục. Câu nói sau đây có vẻ can trường lắm:

Tôi chỉ đồng hành với họ (cộng sản), nhưng không là đồng chí.

Một lối nói ngụy biện chỉ những tay biện luận triết học có tay nghề mới nói được như thế.

Bởi vì cũng trong một bài trả lời phỏng vấn Alain Ruscio, ông được coi là dại diện cho thành phần thứ ba, ông lại nói khác. Ông cho rằng:

“Người ta không thể nào là người yêu nước, yêu hòa bình, hòa hợp dân tộc mà lại đồng thời có thể chống lại cộng sản.”

Ở đây lại là một lối ngụy biện cao đồng hóa tình tự yêu nước và yêu Đảng vào làm một. Yêu nước và yêu đảng là một là một luận điệu rẻ tiền ngụy trá của người cộng sản quen dùng!

Điều này rõ ràng ông học được – không phải từ trường đại học Louvain – mà từ trường Đảng, trường dạy ngụy biện gian dối có đẳng cấp nhất mà tôi thường được nghe từ những nhà trí thức đủ loại ở Hà Nội.

Tôi có thể bỏ qua cho ông tất cả những gì ông đã làm, đã nói trước 1975. Nhưng thật là khó cho tôi không thể dung nhượng được những điều ông nói và làm sau 1975.

Nói cho cùng, cả Lý Chánh Trung, cả Nguyễn Trọng Văn tiêu biểu cho một bi kịch của trí thức miền Nam sau 1975. Bi kịch của những kẻ được coi là kẻ dư thừa, không bao giờ được cộng sản tin dùng.
Có lẽ lời nhận định của Nguyễn Văn Trung đáng lẽ trước tiên phải được dành ưu tiên cho Lý Chánh Trung – người bạn đồng hành của ông – mới phải:

Tham gia cách mạng là tham gia vào quá trình tự tiêu diệt chính mình.

Cái độc ác và cái tàn bạo của cộng sản là biết dùng người này trị người kia. Họ tạo ra những hiểu lầm, những mâu thuẫn để những kẻ đáng nhẽ tôn trọng nhau như thầy trò trở thành phường ăn cháo đái bát, phản bội và ám hại nhau bằng đủ thứ tố cáo.

Điều ấy đã xảy ra trong các trại cải tạo, trong trường học, trong tổ chức tôn giáo và ngay cả trong phạm vi một gia đình và trong những các bản tự khai. Con tố cao cha, vợ tố cáo chồng!

Xã hội mất mẹ nó niềm tin vào nhau. Đi dạy học thì cẩn thận từng lời nói, từng cử chỉ kẻo có những đứa học trò được chỉ thị theo dõi thầy. Xã hội làm sao không đảo điên!

Con người tự hạ mình mất nhân cách trở thành ăng ten, trở thành những tên điểm chỉ.

Cho đến bây giờ, khi nhắc lại vụ phê bình của Lữ Phương và Nguyễn Trọng Văn (có thêm một người nữa là ông Nguyễn Văn Bảy) về hai người đàn anh của họ là Nguyễn Văn Trung-Lý Chánh Trung, tôi không còn mang nỗi bực tức như trước đây nữa.

Mà hiểu rằng, điều đó nó phải xảy ra như thế trong một xã hội cộng sản, trong đó người ta nghi ngờ nhau, tố cáo nhau, triệt hạ nhau. Và nếu trong tay có quyền thế họ có thể hạ bệ, cách chức và cả thanh trừng nữa.

Các cuộc thanh toán nội bộ đã xảy ra như chuyện cơm bữa trong đám quyền lực của đảng.

Lữ Phương, Nguyễn Trọng Văn đã làm theo đúng sách vở, và nhiều phần làm theo lệnh Đảng hoặc làm để lấy điểm.

Cứ giả dụ rằng không có 1975 thì mối giao hảo giữa Nguyễn Trọng Văn, Lữ Phương đối với Lý Chánh Trung, Nguyễn Văn Trung – dù có không ưa nhau đi nữa – đã không bao giờ có cảnh tố thầy trên báo như thế!

Cho nên, tôi sẽ không đề cập đến vấn đề nội dung phê bình đúng sai. Những nạn nhân như ông Lý Chánh Trung thì nay không còn biết gì nữa. Nguyễn Văn Trung thì từ lâu đã gác mọi chuyện và để ngoài tai cả mười năm nay rồi.

Phần Lữ Phương thì cũng đã thấm đòn, thất vọng ngay từ sau 1975 đã không được trọng dụng và ở thế ngồi chơi xơi nước. Sau đó xoay ra ngồi nghiên cứu phê bình chủ nghĩa Mác xít – mà tự nó, chủ nghĩa này đã lỗi thời – nên cũng chẳng ai quan tâm và chẳng gây đuợc tiếng vang gì.

Nguyễn Trọng Văn thì giọng phê bình như đao búa, gần như mạt sát nẩy lửa. Đó cũng là cái tài của anh ta.

Chẳng bao lâu sau, lấy điểm cũng không xong, anh ta bị Đảng cấm cầm bút. Sau đó thì anh ta bị tai biến mạch máu não, phải ngồi xe lăn, và qua đời cách đây được hơn một năm.

Cuộc đời Nguyễn Trọng Văn có cái may là cả hai đời vợ đều tốt nết. Người vợ đầu tôi thấy chị ấy thật là hiền thục. Ít nói, hỏi gì chị chỉ cười nhẹ. Người vợ thứ hai nhanh nhẹn, xinh xắn, hết lòng chăm sóc lo cho Nguyễn Trọng Văn từng miếng cơm.

Còn ngoài ra, con người Nguyễn Trọng Văn, ngay từ ngày còn ngồi trên ghế nhà trường đại học, tôi đã nhận ra tính bá đạo dựa trên những suy luận biện chứng.

Trong một bữa ăn tụ họp anh em bạn bè cũ cùng học, sau 1975, khi tôi có dịp về thăm Việt Nam. Một người bạn đã chỉ thẳng mặt Nguyễn Trọng Văn tố cáo Văn đã làm chỉ điểm hại bạn bè.

Những chuyện nghi ngờ như thế, khó kiểm chứng, khó biết thật là đúng hay sai như chuyện làm ăng ten trong các trại cải tạo. Tôi đã đứng lên can thiệp và yêu cầu anh bạn ngồi xuống để bữa ăn họp mặt được trọn vẹn.

Phần Nguyễn Trọng Văn ngồi im lặng, không phản ứng gì trong suốt bữa ăn.

Cảnh đó, nghĩ lại nay cũng thấy tội nghiệp. Bạn bè nghi kỵ, trở thành thù địch. Đàn em tố cáo, hại đàn anh.

Những điều như thế chỉ có thể xảy ra trong Xã Hội cộng sản.

Tôi còn nhớ, khi Nguyễn Trọng Văn ra tòa xin ly dị với bà vợ người Tàu lai, làm nghề châm cứu.

Nguyễn Trọng Văn đã tố cáo vợ trước tòa đại loại như sau:

“Đây là một người đàn bà bất xứng, phản bội lại tổ quốc vì đã vươt biển. Vậy thưa quý tòa, người đàn bà này có còn xứng đáng có quyền để nuôi giữ đứa con trai của tôi Không?”

Quan tòa nghe vậy thì chột dạ đành quyết định trao đứa con trai cho Nguyễn Trọng Văn. Nghe chuyện này, anh em bạn bè đều ngao ngán.

Riêng Nguyễn Ngọc Lan (linh mục hoàn tục), một cây viết phê bình sắc sảo và khá thâm độc cũng phải lắc đầu: Thật chịu thầy thôi.

Hai bài tham luận của Lữ Phương và Nguyễn Trọng Văn cùng một chủ đề.

Bài của Nguyễn Văn Bảy nhan đề Phê Bình quan điểm Cách Mạng Xã Hội không cộng sản của hai ông Nguyễn Văn Trung trong Nhận Định IV, Nam Sơn, tháng 5-1966 và của Lý Chánh Trung, trong Cách mạng và Đạo Đức, Nam Sơn, tháng 1-1966

Bài của Lữ Phương nhan đề Vài ý kiến về các xu hướng gọi là ‘Cách mạng Xã Hội không cộng sản’, ở miền Nam trước đây.

Bài của Nguyễn Trọng Văn nhan đề Chủ nghĩa Xã hội không cộng sản tại miền Nam Việt Nam – Nội dung và ảnh hưởng. (Tham luận của Nguyễn Trọng Văn, tại Đại học Tổng Hợp, cơ sở hai, TP Hồ Chí Minh).

Lý Chánh Trung và về một môn học mà thầy không muốn dạy và trò không muốn học

Tôi đang ở Munich tại nhà một người bạn vào năm 1988 thì được cho biết là có một bài báo đang gây sôi nổi lắm ở Việt Nam của Lý Chánh Trung. Bài báo được đăng trên tờ Tuổi Trẻ chủ nhật, 13-11-1988.

Thú thật đây là bài báo gây sảng khoái, thích thú nhất trong số cả trăm bài khác của ông Lý Chánh Trung mà tôi đã đọc.

Tôi thầm nghĩ trong bụng, phải như thế mới là Lý Chánh Trung.

Ông viết thật xuất phát từ tim gan, viết gọn ngắn, rất thẳng thừng. Dù ngắn gọn cũng là ấp ủ một hoài bão muốn xóa bỏ môn học chết tiệt đó.

Hơn ai hết, một người thấm nhuần tư tưởng văn học, triết học từ phương Tây làm sao chịu thấu những định đề cứng nhắc của triết học Mác xít?

Một nền giáo dục xứng đáng, nhân bản đôi khi chỉ cần là biết trở về nguồn, trở về nguồn cõi đích thực mà cha ông bao đời đã để lại.

Người ta đã biến một lý thuyết xã hội thành phương châm, thành một thứ luân lý chính trị làm kiểu mẫu đạo đức cho giáo dục Việt Nam, cho con người Việt Nam cho thế hệ trẻ Việt Nam.

Giáo dục Việt Nam ngày nay nó hỏng từ đó, mục ruỗng từ đó.

Tưởng rằng sau đó nó sẽ được thay đổi!

Cái môn học ấy mà Lý Chánh Trung cho rằng nó làm khổ thầy giáo, làm khổ học trò từ bao nhiêu năm rồi! Không muốn dậy mà cứ phải dậy, không muốn học mà cứ phải học. Học như vẹt. Nay mới có một người dám nói lên sự that.

Bài báo gây chấn động, gây thích thú cho mọi người. Ông Đoàn Thanh Liêm có kể lại rằng, có một nhân sĩ sau khi đọc xong bài này đã nhờ ông Liêm gửi tặng ông Lý Chánh Trung một món tiền(34).
Phần tôi nghĩ rằng câu nói của Lý Chánh Trung sẽ mãi mãi được người đời ghi nhớ chẳng khác gì câu nói của ông Nguyễn Văn Thiệu.

Buồn thay vào ngày 22-12-2004, Bộ giáo dục đào tạo đã đưa ra hai phương án cho các trường đại học áp dụng kỳ thi tốt nghiệp phải có môn học Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.

Nói về hành trạng của một người trí thức miền Nam thì từng ấy trang giấy hẳn là vẫn không đủ. Nhưng phải chấp nhận cái giới hạn của chữ nghĩa với chừng ấy sự kiện và bằng cớ.

Khi suy nghĩ về trường hợp Lý Chánh Trung xin thưa rằng như viết về nhiều người khác, tôi không có một liên hệ ân oán gì, ngược lại có nhiều thời gian với những kỷ niệm đẹp, với những giao tình trong mối quan hệ nhiều phía mà không thiếu sự trân trọng tầm mức trí thức của người họ Lý.

Nhưng chính ở chỗ đó, tôi có một cảm thức chua xót là tại sao người cộng sản đã có khả năng khuyến dụ, uốn nắn ngay cả chỉ đạo và bịt mắt một người trí thức như Lý Chánh Trung.

Nay đã có biết bao nhiêu trí thức đã thức tỉnh và bầy tỏ sự hối hận vì đã có thời lầm lỡ.

Riêng Lý Chánh Trung thì nay trí nhớ hầu như xa vắng và ông không có cơ hội để bày tỏ một thái độ trí thức dứt khoát như những người khác.

Có lẽ, đó là điều đáng tiếc nhất cho ông. Một bi kịch làm người trong chế độ cộng sản.

Trước 1975, ông từng viết một bài nhan đề rất sâu sắc ác độc Nghĩ về một xã hội tan rã để ám chỉ đến xã hội miền Nam trước 1975. Tôi nghĩ nếu bài viết ấy dùng để mô tả xã hội hôm nay của chế độ cộng sản thì quả thực là một lời tiên tri của Lý Chánh Trung!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét