khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Chủ Nhật, 12 tháng 7, 2015

Đốt Pháo Bông Đón Bộ Đội Bắc Việt Xâm Nhập - Tác giả Tuệ Chương



Sau đợt bắt bớ, mặc dầu nhiều người được tha, chỉ có một mình Sáu Chơn bị giải giao cho Ủy Ban An Ninh Tỉnh, thái độ dân chúng đối với chính quyền quốc gia cũng đổi khác, hợp tác nhiều hơn vì không còn sợ Việt Cộng như trước. Bọn Cộng co cụm lại, không dám ngang nhiên hoạt động. Rút sâu vô rừng tràm, chúng không còn lập trạm sát gần ngoài kinh Rạch Giá - Hà Tiên mà tuốt ở trong xa để cấm hoặc thu thuế người vào đốn tràm.

Tình hình lắng dịu một thời gian.

Một hôm, thiếu tá Khánh, chi đoàn trưởng một chi đoàn thiết giáp thuộc Thiết Đoàn16 Kỵ Binh, gặp tôi ở Vàm Rầy, hỏi:

“Tôi muốn đi tắt về Châu Đốc, ông liệu tôi có thể đi dọc theo kinh Xà Tón mà về trên ấy được không?”

Tôi giải thích:

“Không nên! Trước hết, không chừng ông phải đụng tụi nó. Ít thì tụi nó chỉ có mấy tên du kích; có thể chúng nó chém vè! Lỡ khi có đơn vị từ Kampuchia qua, ban ngày dừng chân trên kinh Kháng Chiến, để tối lại di chuyển tiếp thì ông mệt với chúng nó. Bây giờ, ít khi chúng di chuyển ít người, phải cở tiểu đoàn trở lên. Bọn nầy phần đông là từ ngoài Bắc mới vô,trang bị đầy đủ.”

“Được rồi, tôi sẽ liên lạc với biệt khu để biết tình hình chúng nó. Tôi muốn biết địa hình?” Thiếu tá Khánh nói.

“Không cách chi đi được. Xe M113 của ông một là chạy trên đất cứng, hai là lội nước. Vùng nầy toàn sình lầy, không có nước để lội, cũng không có đất cứng để chạy, xe M113 bám vào đâu mà chuyển.”

Thiếu tá Khánh lại hỏi tôi:

“Ông có bị rồi?”

Tôi cười:

“Không. Tôi đoán chừng. Vã tôi học bài “lội nước” ở cầu Rạch Chiếc, khi lên bờ nhằm chỗ lầy, mắc kẹt luôn, phải gọi Wrecker đến kéo về. Lần ấy tụi tôi bị thiếu tá Thương chưởi một trận dữ nên lấy đó làm kinh nghiệm. Nếu muốn biết kinh nghiệm sình lầy vùng nầy, nên hỏi “Đường Sơn Đại Huynh”. Bây giờ mà gặp ông cũng khó lắm”

Sau khi liên lạc với Biệt khu, thiếu tá Khánh nói với tôi:

“Một đơn vị lớn của tụi nó đang di chuyển phía biên giới, chuẩn bị xâm nhập Hà Tiên. Thôi, tôi đi đường vòng cho xong.”

Đường vòng là ông phải cho chi đoàn đi qua ngã Rạch Giá, Long Xuyên rồi mới tới Châu Đốc, đường dài gấp 4 hoặc 5 lần.

Mấy ngày sau, thiếu úy Kiệt nói với tôi rằng có một đơn vị “Bắc Việt xâm nhập” đang dừng chân trong kinh Kháng Chiến, có lẽ chờ đêm tối di chuyển về Tà Keo, vượt cây Số 15 để về Chương Thiện.

Tôi hỏi:

“Dân họ mới báo?”

“Vâng!” Thiếu úy Kiệt trả lời. “Nón cối, không có nón tai bèo. Nói toàn giọng Bắc Kỳ. Dân họ báo vậy. Tui báo cáo cho chi khu và biệt khu rồi.”

Tôi đi gặp trung tá Hồ Đàn, (Khi còn ở BCH- Thiết Giáp, tôi từng làm việc với ông, khi ấy ông còn mang loon đại úy), thiết đoàn trưởng Thiết Đoàn 16, ông đang nhậu ở quán TL, Chợ Tròn.

Nghe tôi nói chuyện Cộng Sản chuyển quân, ông nói:

“Tui biết rồi. Chút nữa anh đi với tui xuống Vàm Rầy. Tôi chụp cho bọn nầy một trận.”

Chưa có kinh nghiệm việc nầy, nhưng tôi không hỏi, để thử coi ông ta làm gì.

Nửa tiếng sau, khi tôi cùng ông Hồ Đàn tới Vàm Rầy thì pháo binh đã đặt hai cây súng 105 ly sẵn bên bờ kinh, kế một quán chạp phô của người Tàu. Trung tá Hồ Đàn và tôi vào quán càphê, trãi bản đồ ra, xem tọa độ chỗ đang đóng của quân Cộng Sản Bắc Việt xâm lược. Tôi loay hoay, không nắm rõ chúng nó đóng ở đâu!

Một lúc sau, tôi gọi Ngô Văn An, trung sĩ Cảnh Sát xã Đức Phương, con ông xã trưởng Ngô Văn Àn tới, hỏi:

“Anh có biết rõ chỗ tụi nó đang đóng quân không?”

An nói:

“Dạ không! Dân họ báo tụi nó đông lắm, treo võng nằm trong rừng tràm, ba lô với súng máng trên cây.”

Tôi biết bây giờ tới “mùa nước nổi” (nước đang lên), chẳng có chỗ nào đất liền nên chúng phải treo võng nằm.

Tôi hỏi An:

“Ai rành trỏng?”

“Dạ! Chín Đực, để em đi tìm Chín Đực.”

Chín Đực vừa là truởng ấp Vàm Rầy, vừa là cựu hồi chánh viên, khi theo Việt Cộng, anh ta hoạt động trong ấy, nên rành đường.

Một lúc Chín Đức tới, tôi hỏi:

“Anh có biết dân họ báo tụi nó ở đâu không?”

Chín Đực cho biết chỗ của chúng ở quá ngã tư kinh Xà Tón và kinh Kháng Chiến cở một cây số, trong rừng tràm. Tôi tìm rừng tràm trên bản đồ, thường có màu xanh lá cây, gần ngã tư hai con kinh nói trên. Tôi gọi Chín Đức tới, ngó sát bản đồ, chỉ cho anh thấy đường vẽ kinh Kháng Chiến, đường vẽ kinh Xà Tón, quá kinh Chủ Ry và kinh Thầy Ban một khoảng, phía bên tay phải là khu rừng tràm. Chỉ vào khu rừng tràm, tôi nói:

“Chỗ xanh xanh nầy là khu rừng tràm. Anh có nghĩ là chúng nó đóng ở đây không?”

“Dạ đúng! Chắc chắn chỗ nầy.” Chín Đực trả lời.

Nãy giờ trung tá Hồ Đàn ngồi im, theo dõi tôi trao đổi với An và Chín Đực. Tới khi nghe Chín Đực trả lời chắc chắn, ông ta cúi xuống. Sát bên cái đầu của ông là cái đầu của tôi. Chúng tôi khoanh vùng rừng tràm, chấm tọa độ bốn phía. Xong, trung tá Đàn gọi anh lính mang máy truyền tin tới.

Mười phút sau, hai cây đại bác 105 ly bắt đầu nhả đạn. Tôi và trung tá Hồ Đàn bước ra sân, ngó về hướng rừng tràm. Chưa được nửa phút sau, đạn nổ phía trên các ngọn cây tràm.

Ban ngày, không thấy lửa, chỉ thấy khói tỏa ra từng chùm như đám mây cuộn, khá đẹp. Tôi nói với trung tá Đàn:

“Trông như pháo bông!”

Trung tá Đàn nói:

“Tôi cho nổ chụp, như người ta chụp nơm, từ trên chụp xuống, chạy ngã nào cho thoát.”

“Ban đêm có thấy pháo nổ trên trời như vậy không, trung tá?” Tôi hỏi.

“Trông như đốt pháo bông. Đẹp lắm!” Trung tá Đàn giải thích.

Tôi nói đùa:
“Không chừng người ta bảo rằng mình đốt pháo bông chào lính cụ Hồ.”
Trung tá Đàn lại cười:

“Đốt pháo chào kiểu nầy chết cha tụi nó luôn!”

Chín Đực đứng phía sau tôi, nói:

“Ngay chóc rồi ông thầy. Đúng là chỗ họ đang đóng quân.”

Trung tá Đàn nói:

“Đánh giặc kiểu Mỹ nên “lấy của che thân”. Anh cứ tìm tin tức, chỗ nào có tụi nó, mình cứ đốt pháo bông mà chơi. Bị trận nầy, chúng khó chuẩn bị kịp lực lượng để đánh mình, tối ngủ yên.”

Khoảng nửa tiếng sau, thôi bắn. Hai cây súng đại bác được kéo về Kiên Lương, trung tá Đàn cũng về theo.

Trời còn sáng, tôi nán lại một chút, về sau. Đang khi đứng gần chợ, ông già Tàu chủ tiệm chạp phô, mặt mày thảm não, có vẻ sợ sệt, nói với tôi:

“Ông xầy ơi! Pể kiếng của tui hết zồi!”

Chưa hiểu chuyện gì, thì xã trưởng Àn đi tới, giải thích:

"Súng để trước tiệm ông, tiếng súng dội làm bể hết cả chục tấm kiếng cái tủ trong nhà, ông ta khiếu nại với tui, tui biểu đến gặp ông.”

Tôi nói:

“Pháo binh bắn chớ tui có bắn đâu! Hồi nãy sao không nói ngay với ông trung tá?”

“Ông ta sợ, không dám nói, chỉ nói với tui.” Xã trưởng Àn nói.

“Nói vậy chớ có nói với ông trung tá, ông cũng chẳng có tiền mà đền. Thôi! để tôi nói với ông phó Nghiêm. Ông làm tờ trình với ty Xã Hội, may ra được chút đỉnh.”  Tôi an ủi.

Ông chủ tiệm nghe nói cũng an tâm. Vã ông có đi kiện cũng không biết kiện ai, ở đâu. Biết ông xã trưởng thì nắm áo ông xã trưởng. Ông xã trưởng đẩy qua cho quận, quận đẩy lên tỉnh, may ra được chút an ủi chớ biết bao giờ mới được đền, và đền bao nhiêu cho đủ.

Sau đó, ông phó Nghiêm nói với tôi theo nguyên tắc, ty Xã Hội không bồi thường cho những trường hợp lẻ tẻ như vậy. Chỗ nào có đánh nhau to mới có “bồi thường chiến tranh”. Thành ra ông già Tàu chủ tiệm chạp phô chẳng được chút tiền nào. Tuy nhiên, cũng nhân dịp Việt Cộng đánh vào xã Đức Phương, tuy không có nhà nào bị cháy, bị sập để được “bồi thường” bốn chục ngàn và hai chục tấm tôn lạnh (tôn của Úc Đại Lợi) như thường lệ, nhưng ai ai cũng được Ty Xã Hội cứu trợ, cho lãnh gạo và thức ăn đóng hộp. Nhân dịp đó, xã trưởng Àn có “chiếu cố” cho ông già Tàu chút ít.

Gặp tôi, ông ta lại cám ơn rối rít. Tôi nghĩ thầm: Lãnh chưa tới hai giạ gạo, có gì mà ông ta mừng lắm vậy?!

Dân miền quê họ có một kinh nghiệm về bầu bán. Năm ngoái, bầu hội đồng tỉnh. Có ông giáo sư dạy ở trường trung học Nguyễn Trung Trực, Rạch Giá ra ứng cử, thầy trò đi vận động, thấy cảnh tượng rộn ràng, cũng vui, nên tôi nói chuyện với một gia đình người Miên ở ấp Xà Ngách, sao không bầu cho ông thầy giáo, ông có học, biết luật lệ, biết đấu tranh cho đồng bào. Bầu lại một kỳ nữa cho ông hội đồng Đáp, ông không có trình độ, biết lo gì cho dân!?

Bà vợ nói:

“Tui bầu cho người ở đây thôi! Có chi tui tới ông cho gần. Ông thầy giáo ở xa, đi gặp ông mệt lắm!”
Đó cũng là cái tâm lý ông chủ tiệm chạp phô gặp ông xã trưởng khi ông muốn khiếu nại về việc pháo binh bắn súng làm bể kiếng nhà ông. "

Sáng hôm sau, tôi lại xuống Vàm Rầy coi thử tình hình hôm qua như thế nào! Vào quán càphê xong, tôi biểu nhân viên gọi Chín Đực tới uống càphê với tôi, mục đích để nghe ngóng việc hôm qua như thế nào. Chưa kịp ngồi xuống, Chín Đực nói:

“Bữa nay dân đốn tràm thả giàn!”

“Sao vậy?” Tôi hỏi.

“Trận hôm qua, tụi nó chạy trối chết, trốn đâu mất tiêu.” Chín Đực giải thích. “Bữa nay, du kích canh gác cũng không. Tụi nón cối di chuyển hết, nhưng có lẽ bị thương và chết cũng nhiều. Có bao nhiêu chúng chở xuồng ngược lên Trà Tiên. Nhiều cái võng còn mắc trên cây, đạn xuyên như tổ ong. Balô, nón cối vất lung tung.”

Uống xong nửa cái “xí nại”, Chín Đực nói nhỏ với tôi:

“Tui có cái nầy cho ông thầy!?

“Cái chi?” Tôi hỏi.

“K-59. Ngon lắm. Cấp cao mới có súng nầy.” Chín Đực nói.

“Đâu vậy?” Tôi hỏi.

“Tư Gà lượm trong đó chớ đâu!” Chín Đực giải thích.

Tôi nhớ ông Tư Gà nầy. Ổng bị què một chân, hai con nhỏ, vợ chết. Ông ta chuyên đi giăng lưới bắt cua trong đồng sâu. Món hàng nầy được giá hơn. Và ông ta cũng bị bắt vì tội làm “giao liên.” Thấy ông ta thương tật, vợ chết, lại có con nhỏ nên bị giam hai hôm thì được chính quyền quốc gia tha, sau khi làm tờ cam kết không hoạt động cho Việt Cộng nữa. Về cái chân què, ông ta khai là bị trực thăng bắn lầm, nhưng tôi biết chắc là trong một lần đụng độ với quân đội VNCH, ông bị thương khi ông làm du kích trong kinh Kháng Chiến, vợ ông ta cũng chết trận đó.

Dân Vàm Rầy thương tình nuôi giúp hai đứa con, còn Tư Gà, sau khi xuất viện ở Rạch Giá, bỏ không theo Việt Cộng nữa, lo đi làm nuôi con. Biết thì biết vậy nhưng cũng coi như ông ta “chiêu hồi”, để yên cho ông ta nuôi con. Khui quá khứ của ông ta ra, bỏ tù, ai nuôi hai đứa con của ổng, phiền lắm! Tránh đi một chuyện phiền cho nó khỏe bụng, tôi nghĩ vậy. Không ngờ nhờ vậy mà ông ta nhớ ơn, lượm được cây K-59 trong rừng tràm, lén giao Chín Đực đem biếu tôi. Nghĩ lại, ông ta cũng dại. Tại sao ông ta biết K-59 là loại quí, phải chỉ huy cao cấp mới có. Tại vì ông ta từng theo Việt Cộng nên ông ta biết vậy chớ gì! Vậy mà ông ta khai gian là bị trực thăng bắn lầm, không phải vì vì theo Việt Cộng mà bịthương. Cho tôi cây súng, khác chi “Lạy ông tui ở bụi nầy”. Ông ta khôn mà chẳng ngoan chút nào cả. Đúng là dân nhà quê thiệt thà!

Cây súng ông ta cho, tháng sau tôi đem đổi cho đại úy Vương của Trung Đoàn 16 lấy cây Titan nhỏ bằng bàn tay, lận vô túi quần ra Rạch Giá chơi, gặp Philip Đạt, anh ta tước mất. Đòi lại, anh ta bảo là đem biếu cho Tướng Nam rồi. Không biết việc Philip Đạt nói thiệt hay giả. Ông nầy cũng “ba trời” lắm!

Việc đốt pháo bông, sau nầy trung tá Đàn và tôi “bổn cũ soạn lại” một lần nữa, khi nhận tin Việt Cộng đóng quân ở cuối kinh Lình Quỳnh, gần cửa sông. Khi đại tá Biếc về làm tư lệnh khu chiến thuật, ông cũng lại biểu tôi “lấy của che thân”. Ghi nhận tin tức Việt Cộng đóng ở đâu, gởi cho chúng nó “ít chục quả làm quà”, như lời ông ta nói. Đến hồi trung tá Trần xuân Hải thì gặp tai nạn. Thay vì đạn vô tới mục tiêu mới nổ thì một quả nổ ngay trên nhà dân ở ấp Ngã Ba, trên bờ kinh đi Hà Tiên, cả nhà bốn người bị thương lúc còn đang ngủ. Đang đêm, trung tá Hải phải xin trực thăng tải thương thật gấp.

Mọi việc lặng lẽ êm xuôi, cố dấu không cho ai biết, chớ không thì ông ta bị kiện tụng lôi thôi lắm, nhất là lỡ khi mấy chả dân biểu đối lập hay hội đồng tỉnh muốn kiếm phiếu trên cái đau khổ của của những người khác!

Hú hồn.

---------------------

Đoạn viết trên giúp tôi hồi tưởng khá chính xác những việc xảy ra trong những ngày đó. Thời gian nầy là những ngày khởi đầu thực hiện hiệp đinh Paris khoảng đầu năm 1973, miền Nam lúc bấy giờ thực sự nằm trong cảnh giặc trong giặc ngoài, tại Sàigòn đám chính trị nửa mùa hoặc xôi thịt ra sức đánh phá một cách vô ý thức vào cái chế độ đã thực sự nuôi dưỡng và ưu đãi họ moị thứ và khi CS chiếm được miền Nam, hiểu ra được thì mọi sự đã rồi…

Sau ngày cái gọi là Hiệp Định Paris được thực thi, đi trên vài liên tỉnh lộ, thỉnh thoảng thấy xuất hiện không lâu lá cờ xanh -trắng - đỏ của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, một con bài của CS Bắc Việt và CS quốc tế trong âm mưu xâm chiếm miền Nam VN. Tôi đang hành quân bên kia biên giới quận Hà Tiên thì nhật lịnh thu quân, chuyển tới một vùng khác thuộc quận Tịnh Biên, tỉnh Châu Đốc càng sớm càng tốt để tới một nơi mà áp lực địch đang bao vây một lữ đoàn Kampuchia đang đóng gần trục lộ nối liền 2 nước và không xa biên giới Miên-Việt.

Tịnh Biên nơi thị xã quận ly của người Việt với nhà cửa khang trang trông thật khác hẵn quang cảnh đìu hiu trống vắng của phía bờ bên kia biên giới đối diện. Từ Hà Tiên tới Châu Đốc theo đường chim bay thì không xa so với lộ trình liên tỉnh lộ dài gấp 4 hạy 5 lần hơn vì phải đi ngang qua các tỉnh Rạch Giá, Long Xuyên, Châu Đốc. Đó là lý do để có cuộc đối thoại trên với viên sĩ quan trực thuộc lãnh địa chi khu mà thế đất trong vùng lầy lội rất khác thường, có nhiều nơi mà khi xe xích chạy bình thường thì không sao nhưng nếu gặp một trở ngại nào trên đường di chuyển làm vận tốc thay đổi  thì xe sẽ bị mắc lầy, khi đó máy càng gắng  chạy xe càng bị lún sâu hơn, nếu đất không chân như vậy thì các xe khác đến kéo cũng sẻ bị lún lầy theo và tình hình như vậy sẻ rất nguy hiểm nếu trong tầm pháo và áp lực của địch, nhất là trong đêm.

Đối với tôi, con kênh đào nầy còn mang một dấu ấn định mệnh của một lần bị thương trí mạng trước đó vài tháng mà cái chết kề chỉ trong đường tơ kẻ tóc, đó là ngày mồng ba tết AL, khi đơn vị tôi cùng tiểu doàn 41 Biệt Dộng Quân do thiếu tá Thi tiểu-đoàn-trưởng có nhiệm vụ hành quân tiểu trừ và ngăn chận sự xâm nhập của địch từ bên Miên vượt qua con kênh để đi vào vùng núi non trải dài từ Chi Lăng đến đây mà dân gian gọi là núi Thất Sơn hay Bảy Núi, trong núi cò nhiều hang động lớn, là nơi ẩn trú và tích chứa lương thực. Đơn vị phối hợp của chúng tôi di dộng theo chiều dọc con kênh về hướng Hà Tiên và trong khoảng trống từ đó chạy gần đến chân núi. Thời gian nầy nhờ vào “cái ống dòm đêm” và “cây tiểu pháo ” được trang bị riêng cho đơn vị mà việc ngăn chận và tiểu trừ rất hiệu quả, giữa dòng nước 2 bên là đồng trống, nhờ ống nhìn từ xa trong đêm địch bị phát hiện mà không hay biết, hãy thử hình dung một toán địch đang di chuyển hay sang sông ban đêm mà bất thần đạn pháo binh nổ chụp từ trên đầu hoặc cây “tiểu pháo”của đơn vị khạc non 500 viên đạn/ một giây và nồ lại khi chạm đất thì quả thật mức độ kinh hoàng còn hơn bị thiên lôi đánh…

Lần đó, chúng tôi đóng quân đêm giữa con kênh và cái eo núi có tên là “Ma Thiên Lãnh” hay “Bụng Ông Địa”, theo tên đặt của người địa phương, sáng sớm mồng 3 AL, ngày Tết cổ truyền của dân tộc và vẫn còn trong thời han hưu chiến dù rằng binh sĩ vẫn cảnh giác chứ không như trước tết Mậu Thân 1968, nhưng không khí ngày tết liêng liêng như vẫn còn bàng bạc trong tâm hồn mọi người thì bất chợt những trái trái đạn cối 82mm của địch từ trên triền núi rót xuống ngay đơn vị, nhìn hướng theo tiếng nổ chúng tôi còn thấy được nơi địch đặt súng qua làn khói xẹt lên khi đạn đi. Theo phản xạ, chúng tôi ngồi vào vị trí thì một trong những trái đạn rơi dưới đất bên hông trái xe, một miểng đạn nhỏ cắm vào xương hông trái sọ, cảm thấy khác thường tôi sờ vào hông đầu thì thấy máu nơi tay, tôi vẫn tiếp tục điều khiển “tiểu pháo”và cối

81mm cơ hữu rót ngay vào vị trí địch, thật hiệu quả không ngờ là sau chừng  trăm quả tạc đạn phản pháo chính xác vào vị trí cối 82mm của đối phương thì địch im ngay tiếng súng. Tôi cho bắn tiếp tục thêm vào các vị trí lân cận cho chắc ăn, mặc dù vẫn nghỉ toán cối địch đã bị lảnh đạn… Thiếu tá Thi ngồi sau tôi thấy tay tôi vấy máu khi vịn bên hông đầu, anh nói với các binh sĩ trong xe: “Alpha các anh bị thương rồi!” Tay trái vừa vịn ngang vết thương tôi quay nhìn lại nói: “Chắc không sao” và nhìn quay nhìn lại thấy trước ngực ông cũng có vết máu, tôi chỉ tay vào, ông nhìn xuống và nói:

“Ô hay tôi cũng bị, thế mà có hay đâu!”

Có lẻ vì đầu óc khá căng thẳng với tiếng đạn đến và đi cùng lúc nên một mảnh nhỏ ghim vào người mà ông không hay.  Hai anh em tôi được trực thăng bốc về Quân y viện Cao Lảnh. Trước khi rời khỏi vùng tôi ngỏ ý yêu cầu viên phi công lượn mấy vòng tìm vị trí nơi đặt pháo để mong nhìn thấy tận mắt kết qủa của những đợt xạ kích phản pháo vừa rồi mà tôi tin có hiệu qủa. Người Trung-úy phi-công chưa nói và đưa mắt nhìn viên co-pilot tỏ ý ngần ngại vì đúng ra chiếc trực thăng HU-IB nầy chỉ có nhiệm vụ tải thương. Thấy vậy tôi nảy ra sáng kiến rút mấy tờ Trần Hưng Đạo ở túi dưới ống quần phải chìa ra và hơi khẩn khoản nói:

“Hai anh giúp tôi, có thể với vết thương nơi đầu nầy tôi sẽ phải gỉa từ vủ khí từ hôm nay…” Tôi chưa dứt câu, hai viên hoa-tiêu chính và phụ nhìn nhau một thoáng đồng cảm rồi viên phi-công  nói:
“Thiếu tá cất đi, chúng tôi sẻ thực hiện theo yêu cầu của Thiếu tá.”

Tôi mừng trong bụng vì thấy ván bài phé mình tố có kết qủa như tôi dự đoán, tôi củng nghĩ trong đầu là các anh sẻ không nhận vì điều đó gắn liền với danh dự, tự ái và lòng tự trọng của chúng tôi, những sĩ quan Quân Lực VNCH.

Sau nầy tôi nghĩ mình cũng bậy nhưng trong lúc cấp bách phải giải quyết một việc mà tôi muốn phải đạt cho bằng được nên vô kế khả thi. Tôi đành phải thực hiện điều hơi hạ sách đó, tôi phải làm vậy vì tôi muốn các anh giúp tôi thế thôi.

Sau đó phi cơ hạ vòng xuống thấp nơi mục tiêu phía dưới tôi chỉ, lượn qua lại các nghi điểm. Tôi không tìm thấy gì vì cây cối hoặc giả địch đã hạ cối và dúi vào một bụi rậm nào đó…Tôi ra dấu bốc lên cao và liên lạc thẳng với đơn vị của mình phía dưới chỉ điểm trưc xa vào các nơi nghi ngờ. Chúng tôi bắt đầu rời vùng trong lúc anh Thi liên lạc với đơn vị anh ra lịnh cho lục soát chớp nhoáng.

Ngay chiều đó trong bệnh viện chúng tôi được báo biết là bộ binh hành quân luc soát đã tìm thấy được nơi đặt cối với nhiều vết máu loang vây. Tôi vui mừng nóí với thiếu tá Thi là “Ông Bà” linh thiêng đã giúp mình hạ được tụi nó ngay vì nó dám khuấy động đến không khí thiêng liêng của những ngày đầu năm khi tinh thần con cháu đang hướng đến tổ tiên, cũng như “Ông Bà” đã nướng trọn mấy trăm ngàn ngàn quân của Mặt Trận Giải Phong Miền Nam và của CS Bắc Việt vào những ngày đầu Tết Mậu Thân 1968. Tại bệnh viện tôi được chụp hinh trước khi đưa vào phòng giải phẩu, tôi vẫn tỉnh táo. Ba bác sĩ cùng có mặt họ xịt thuốc tê, cạo một mảng tóc rồi lấy cái kềm y tế mò mẩn như định kéo mảnh đạn ra. Trong khi làm việc thì họ hỏi tôi xem đau không. Tôi nói khi nhúc nhích mảnh đạn thì đau nhiều. Họ hội ý và nói để vậy tốt hơn.

Tai bệnh viện tôi gặp thiếu tá Sang cùng binh chủng, là chi đoàn trưởng thuộc một Thiết Đoàn khác. Ông bi thương trong một trận đánh nào đó, cả người ông bi cháy phỏng nhiều nơi, rõ nhất là trên mặt và hai tai. Các vết thương phảng phất đả có mùi… Tôi nghĩ sau nầy vết thương có lành đi thì gương mặt vẫn không bình thường được. Anh hiện ở Canada và vừa mới sang Mỹ thăm bạn bè. Anh Kiệu người bạn cùng chiến đấu cùng binhchủng năm xưa củng từ Đức qua cùng lúc. Trong câu chuyện chúng tôi nhắc tới Sang, có cho tôi xem tấm hình vừa chụp chung. Trong bệnh viện cạnh anh có người vợ trẻ đang săn sóc. Tôi chợt có ý nghĩ ước ao cho đời anh luôn có được bình an và hạnh phúc. Tôi với anh biết nhau nhưng không có dịp nào sống gần nên không thân thiết, một lần gặp nhau khi biết đơn vị tôi đang đóng tại Cao Lãnh, đơn vị anh củng từng tăng phái cho tiểu khu đó nên anh biết tình hình và đề nghị với tôi là chị Mai, chị của anh có tiệm thuốc tây tại thị xã, có căn nhà bên hông sân vận động, trước cho Mỹ mướn, nay để trống. Anh đề nghị là khi đơn-vị bị xé lẻ tăng phái các nơi thì tôi lại nhà đó ở cho tiện. Tôi đã làm điều đó theo nhả ý của anh. Tình chiến hửu giữa chúng tôi thật lắm khoáng đạt và chân tình. Bà chị ruột của anh cũng vậy, vui vẻ và đầy nhiệt thành. Với bài viết ngắn ngủi nầy, hồi tưởng về quá khứ xa xưa tôi xin mượn đây nói lên sự khuấy động trong mối cảm xúc chân thành chợt đến. Xin cảm ơn chị Mai. Tình người trong xã hội miền Nam khi đó như vậy! Sau hơn 30 năm sống với Công Sản chủ nghĩa thì mọi sự đã thay đổi ngược lại, tình người thật sự đã biến mất, mọi giá trị đạo đức cũng ra đi chỉ còn lại cái thể loại duy nhất là “Đạo Đức Cách Mạng” hay nói một cách khác hơn là “Đao Đức Từ nòng súng” mà hậu quả là 15 triệu người đã bị giết tại thiên đường Sô Viết, hơn 50 triệu người tai Trung Quốc cùng số phận và vô số tại Kampuchia và Việt Nam đã bị hành hình để thực hiện  duy nhất cho ách thống tri bạo tàn và bần cùng hoá mọi tầng lớp dân chúng.  Nằm tại bệnh viện Cao Lãnh vài ngày không thấy gì khác thường. Thiếu tá Thi và tôi muốn chuyển về Bệnh Viện Long Xuyên cho gần nhà và tại đây chúng tôi xuất viện khoảng tuần lễ sau đó. Những ngày nghỉ dưỡng thương này là nhửng ngày nghỉ phép lâu và thoải mái nhất trong đời lính của tôi. Lính trận chết sống là lẽ thường mà đã không chết thì cũng không thể bình thản mà nằm nhà đoc sách. Hay tin tôi về mấy ông bạn thương nghiệp trong thi xã, lớn tuổi hơn tôi nhưng chí tình, rủ tôi về các vùng đồng quê giải trí và  ăn những món đặc sản miền quê. Vào thời gian đó từ Long Xuyên đi Rạch Giá trên đường xe cộ chạy ngày đêm, sinh hoạt vẫn yên lành nơi nơi. Tôi còn nhớ ông Bảy Kiều lúc đó đả ngoài 70, chủ rạp hát Minh Hiển khi tôi cùng ông vào nhà, ngang qua cửa hông rạp hát mà cô con gái của ông đang kiểm soát hay thâu tiền gì đó, ông giới thiệu: 

“Đây thiếu tá Khánh bạn ba nè con.”

Chị hơi khoanh tay và cuối đầu chào. Tôi cảm thấy hơi ngượng vì chị khá đứng người và có vẻ lớn tuổi hơn tôi Khi vào nhà tôi gặp con của chị đã là một thiếu nữ. Hơn 30 năm đã qua với quá nhiều thay đổi chắc ông không còn. Xin một phút tưởng niệm cho người bạn già thật dể mến. Tôi cũng không quên anh Trần Thanh Liêm mà lần naò anh cần bốc mộ cho ngươi thân mà trở ngại giờ giấc theo niềm tin riêng, anh ái ngại cậy đến tôi. Quá dễ với tôi một lần giúp anh việc đó dùng xe cần cẩu của đơn vị, sau đó chúng tôi trở thành bạn hữu.

Trở lại với vết thương trên đầu, hình chụp mảnh đạn chi nhỏ nằm gọn kẹp trong phía trái xương sọ mà phần đầu trong vừa chạm mặt bên kia thì ngừng lại không đi tiếp, kể cũng lạ thật! Tưởng vậy là mọi sự yên rồi nhưng không phải vậy. Nó làm tôi khổ sở nhiều năm sau nầy. Mỗi khi nằm xuống không biết là tóc đã vừa chạm đến gối nằm chưa thì cái cảm giác khó chịu lan rộng nửa phần đầu phía đó. Những cơn nhức đầu khủng khiếp kéo dài từng cơn và nhiều lần trong ngày. Khi bực bội hoặc phai suy nghĩ sâu một việc gì thì cảm giác muốn buồn nôn chợt đến. Khi đó kinh nghiệm bản thân là phải cho “hạ hỏa”và tập quên đi ưu phiền... Không biết có phải vì những cơn đau đầu nầy đả biến thành thói quen mà tôi uống nhiều rượu hơn sau nầy. Vào năm 1978 khi bị giam tại Sơn La, một lúc nào đó tôi sờ tay lên ngay vết thương cũ thấy như có một cái đầu đinh đang nhú ra. Rồi như thói quen thôi thúc, tôi cứ dùng móng tay lay động nhẹ nó, dần dà mảnh đạn như bị lỏng lẻo và nhô ra khá hơn, lần nọ tôi thuận dùng hai móng tay giựt mạnh ra. Trước mắt tôi, lần dầu tôi thấy nó chỉ lớn hơn hạt đậu xanh một chút nhưng không tròn trịa.

Cơ thể con người, thượng đế tạo ra thật hoàn hảo biết ứng biến với mọi hoàn cảnh để thích nghi và biết loại trừ vật lạ bị xâm nhập. Những mành đạn vào cơ thể sẽ được bao bọc lại để đẩy ra ngoài da từ từ. Trường hợp tôi thì không thấy có gì bao ngoài, có lẻ vì nằm giữa xương.  
 
Trên đường di chuyển ngang thành phố Long Xuyên, tôi đi xe Jepp riêng nên tiện ghé thăm gia đình được vài giờ trong khi đoàn xe vẫn tiếp tục dưới sự hướng dẫn của đơn vị phó. Tình cảm gia đình, con cái là một cái gì thiêng liêng và thân thương vô cùng.

Nỗi vui mừng bất ngờ và hiếm có của người đàn bà Việt Nam có chồng là lính trận chắc hẵn vượt trội hơn mọi niềm vui trong hoàn cảnh thường tình khác. Sự quấn quít của các con cũng chút gì như vướng bận kẻ chinh phu. Người vợ đầu của tôi, người đan bà thật đơn sơ, luôn sống với niềm vui và cái buồn cua chồng, chỉ cái hơi ghen. Nghĩ tới binh sĩ và những anh em khác trong đơn vị lòng tôi chợt dấy lên một ước muốn cho họ có được một khoảnh khắc yên vui trong không khí gia đình, một điều thật bình thường với moị người nhưng chúng tôi không có được, nghĩ tới những thiếu thốn của gia đình con cái họ đã và đang hứng chịu mọi lúc trong cuộc sống với đồng lương quá thiếu thốn mà lòng như dấy lên một nỗi buồn miên man vời vợi.

Đoàn thiết giáp cuả tôi đến Tịnh Biên vào sáng hôm sau, nhận lịnh hành quân cùng ghi nhận những tin tức tình báo về địch tình nơi BCH dã chiến của biệt khu. Tăng cường thêm 02 đại đội tùng thiết, tôi dẫn đơn vị hỗn hợp ra trận mạc.

Vượt qua biên giới, nơi con kinh cũng là điểm xuất phát tiến quân. Bộ chỉ Huy một Lữ Đoàn Kampuchia nằm bên trái khoảng 200mét, cách lộ và chỉ non 3 cây số và biên giới Miên-Việt. Tin tức ghi nhận khoảng một đại đội Khơme-Rouge (đỏ) đang đóng chốt bên đường đối diện BCH/ LĐ Miên nói trên. Chúng được yễm trợ súng cối của quân CS Bắc Việt trên các cao điểm phía Tây-Bắc cách đó không xa. Chúng đang bao vây quân trú phòng từ tuần lề nay. Địa thế tương đối trống trải ngoại trừ mục tiêu chính, một con suối cạn khá rộng chạy một đoạn song song bên phải trục lộ và rải rác đây đó có những hàng cây thốt nốt. Cánh quân hỗn hợp, tôi chia làm 2 lực-lượng: 1/ Bộ Binh tiến và bám theo trục lộ và con suối, mở rộng khả dĩ theo địa thế 2 bên đường. 2/ Thiết Giáp tiến song song bên phải, phối trí bám hông trái và dùng hỏa lực cơ hữu trực tiếp phá hủy các chốt địch trên đường tiến của Bộ Binh. 

Cuộc tiến quân đang tiến triển tốt đẹp nhưng không quá nhanh vì phải mất thời giờ tìm chốt và triệt hạ từng cái lần hồi, dưới hỏa lực trực xạ của súng đại bác 75mm không giật và cối 81mm nổ chậm được điều chỉnh tiêu hủy từng chốt địch. Một số Khơme Đỏ bám chốt khiếp đảm bỏ chạy bị hạ ngay khi vừa trồi lên, một số bị vùi thây dưới hầm khi bị nổ tung bởi đạn trái phá. Khi còn cách mục tiêu chính tại ngã ba giao điểm của BCH/LĐ Kampuchia và trục lộ khoảng 300 mét thì hỏa lực pháo của CS Bắc Việt rót ngay vào đội hình của đoàn Thiết Giáp. Một đơn vị nhỏ trong đoàn mở rộng tránh đạn đạo pháo thì bị B41 từ một cái chốt giữa cánh đồng bắn cháy, những xe còn lai vừa chiến đấu vừa tiếp cứu nhửng người còn sống đang nhảy thoát ra khỏi xe.

“Alfa đây thẫm quyền Một.”

“Nghe Thẩm quyền Một.” 

“Cái chốt nướng thằng 12 nằm ngay hàng thốt nốt hướng 2 giờ của Alfa và cách tôi khoảng 150 thước, có thể thêm một hai cái nữa quanh đó. Alfa cho mượn “không giựt” (*đại bác 75mm) hạ hầm và “tiểu pháo” (*súng tự động bắn đạn M.79), tôi sẽ cho cày nát để BB vào lục soát.”

“OK. Good! thẩm quyền Một. Thẩm quyền Bốn, đây Alfa.”

“Thẩm quyền Bốn nghe Alfa.”

“Anh nghe yêu cầu của Quyền Một chứ?”

“Nghe rỏ Alfa.”

“Tăng phái 41 (đại bác 75 không giựt) cho Thẩm quyền Một xử dung. Anh phối hợp với Quyền Một nhận định rõ mục tiêu và rót “delay” vào từng chốt (delayed có nghĩa là viên đạn trái phá sẽ phát nổ khi chui vào mặt đất). Cẩn thận di chuyển tránh trường hợp em thằng Một vừa rồi. Một cánh nhỏ Bắc Bình đang chuyển bên phải gia đình, tên Dũng Lực sẽ đến phối hợp với Một và Bốn trong số nhà nầy. “Hải-âu” đang trên vùng, khi nào gà của Bốn gáy báo tôi biết trước để Hải Âu chuyển xa lên hướng Bắc cho 43 và 44 làm việc. Thẩm quyền Một và Bốn nhận hiểu, nói.”

“Một nhận rõ Alfa.”

“Bốn nhận rõ Alfa.”

Sau đó thì vài chốt địch bị cày tung lên, chờ bộ binh lên soát lại thành quả, diễn tiến thật nhanh và gọn. Đây là cụm chốt nhỏ của địch đặt ngay chòm thốt nốt giữa đồng trống nhằm để bắn ra lộ, có lẽ vì trong khi tản xa tránh pháo lại dừng ngay cạnh cái chốt làm nó hoảng mà bắn thôi chứ cái chốt nằm khơi khơi giữa đồng thì việc nổ sung chỉ là “lạy ông tôi đang ở bụi nầy”. Hơn nữa chúng tôi biết ít khi Khơme-Đỏ dám chạm mặt thẳng với lực lượng của VNCH, kinh nghiệm đổ quân dạo nào chỉ vài tuần lễ quân đội VNCH đả tiến như chẻ tre từ biên giới phía Đông sang Tây giáp giới Thái Lan của nước Kampuchia để hỗ trợ cho Thống tướng Lon Nol lên thay Shihanook đang là Quốc Trưởng vì ông nầy mãi cho Bắc Việt dùng lãnh thổ để chuyển quân phá rối miền Nam. Ngay cả quân CS Bắc Việt cũng phải né tránh trước hỏa lực phi pháo khi bị phát hiện. Nhưng thời gian gần đây, từ khi người Mỹ có chuyển động rút chân ra khỏi chiến tranh VN thì hỏa lực xử dụng trên chiến trường cũng bị hạn chế, đồng thời do đó hiệu năng tác chiến bị mất hiệu lực là điều không tránh khỏi. Trước ngày Tổng thống Ngô Đình Diệm bị đám tướng lãnh được chính quyền Mỹ mua chuộc để đảo chính lật đổ và giết để đổ quân vào thì quân đội miền Nam dù chưa có yễm trợ dồi dào và chưa được huấn luyện cải tiến theo lối đánh giặc nhà giàu của người Mỹ, đả từng áp dụng trong các cuộc chiến qui ước trước đó thì quân dội miền Nam,  phối hợp cùng những phương thức tình báo chiến lược riêng vẫn chiến đấu hiệu quả. Phải công tâm mà nhận rằng nhà lãnh đạo của thời “Đệ nhất Cộng Hòa” rất sáng suốt, quyền biến, tận dụng vượt trội trong khả năng, hoàn cảnh và cách thức đối dầu với đối phương trong một cuộc chiến mà người CS mị dân, mô phỏng là “chiến tranh của nhân dân”. Chính sách “Ấp Chiến Lược” như những cái nôm, cô lập không cho CS tiếp xúc với người dân và hầu như toàn bộ hạ tầng cơ sở của địch đều bị bắt hoặc bị phá hủy.bởi nhửng cơ sở tình báo của miền Nam thời đó.

“16 đây 171"

(*171 là danh hiệu của trung tá Hồ Đàn, vừa được trực thăng bốc từ Hà Tiên qua Tịnh Biên)
 
Vô tuyến viên điều hợp đưa máy tôi trả lời:

“16 tôi nghe 171.”

“Máy bay của Ủy Ban Liên Hợp Quân sự sẽ trên vùng trời của anh chốc lát nữa, lịnh từ Bắc bình-Kinh kỳ của 414 (414 là danh xưng của đại tá Ninh, tư lệnh Biệt khu 44), anh phải đem toàn bộ em út anh đang xử dung về bên nầy, hoặc dấu mặt càng nhanh càng tốt để tránh nó đến thấy, kể cả thằng em vừa gãy càng của gia đình anh cũng vậy. Anh phải làm trước khi nó trên đầu của anh. 16 nghe rỏ trả lời!”

“Nghe rỏ rồi 17, nhưng tôi muốn xác định để tiện điều động là mình vẫn giử ý định phải triệt tiêu áp lực địch tại đây chứ?"

“Đúng, nhưng tạm thời toàn bộ phải lánh mặt.” 

“Tôi hiểu rồi. Để thật nhanh tôi sẽ cho kéo em thằng Một gãy càng vào đường nước cạn cạnh con đường Bi Bi (bộ binh) đang bám trong đó, phần lớn gia đình tôi sẽ cho bám và ẩn luôn trong đó. Một số rải rác bên ngoài, tôi sẽ mang theo với tôi về bằng đường lộ chánh về gặp 171. Dẹp giặc kiểu nầy lạ quá!”
           
“Tôi hiểu 16. Lịnh trên đó. Gặp nói chuyện sau.”
           
Sau đó tôi cho đơn vị kéo xe bất động vào sâu trong con suối có nhiều tàn cây, cùng với Bộ Binh ngụy trang và phối trí theo con suối, số rải rác bên ngoài được bốc chở và chuyển động như thu quân lên lộ về bên kia biên giới. Khi phần đoàn thiết giáp về đến Tịnh Biên một lúc thì tôi được báo biết chiếc máy bay của UBLH/ QS trên vùng. Họ bay khá cao vì đây là vùng lửa đạn nên không quá dại dột mà uổng mạng. Vã lại, dù có muốn xuống thấp nhìn thật rõ thì cũng không dám khi nhìn thấy những viên đạn lửa thỉnh thoảng từ dưới đất bay thẳng lên. Về đến biên giới, xe Jeep chờ sẵn, chở tôi đến BCH tiền phương của BK, 171 tức trung tá Hồ Đàn, được trực thăng bốc từ Hà Tiên đến đây gặp tôi bên ngoài. Chúng tôi vào phòng hành quân gặp Biệt Khu trưởng là đại tá Hoàng Đức Ninh và một ít sĩ quan phòng 3. Họ muốn biết nhận định của tôi về tình hình, địa thế và nhu cầu vận dụng. Biệt Khu Trưởng nói ý định là bằng mọi giá phải triệt tiêu áp lực địch để Lữ Đoàn Miên tái phối trí phóng thủ và an ninh bên kia biên giới, nhất là truc lộ. Nhiệm vụ thi hành khá đặc biệt trong hoàn cảnh mới đòi hỏi mục tiêu phải được triệt phá nhanh và dứt khoát để tránh phái bộ của UBLH/QS thấy. Tôi nói rằng với địa thế trống trải nầy thì địch sẽ không kháng cự để bị tiêu diệt. Hơn nữa, đây là Khơme-Đỏ thì họ càng tránh mặt mình sớm, bình thường tôi nghĩ thì họ sẽ tìm cách rút lui đêm nay. Nhưng nếu họ nghĩ rằng lực lượng mình sẽ không làm gì được bởi sự cản trở của phái bộ LHQS như hôm nay thì địch sẽ không rút. Họ thử dùng Khơme Rouge trắc nghiệm để tạo áp lực vùng bên kia biên giới bất khả xâm của họ. 
         
414 hỏi tôi:
            -
“Thiếu tá Kh. nghĩ sao? Thực hiện được chứ?
           
“Được. Thưa đại tá. 171 nhìn tôi như tìm hiểu sao tôi trả lời dứt khoát nhanh vậy mà không có nhu cầu gì hơn, tôi hiễu ý nhìn lại và nói:
           
“Tôi đã quan sát rõ trận địa này và có bửu bối riêng để trị. Nhưng hôm nay đả trễ, hơn nữa  không nắm được vị trí các chốt. Tối nay tôi sẻ trực tiếp quan sát mục tiêu bằng “ống dòm hồng ngoại tuyến nhìn đêm”.

Nếu tụi nó rút thì tôi cho pháo binh dập; còn nếu vẫn bám trụ thì tôi triệt hạ vào sáng sớm mai. 171 có nhớ 1/16 của tôi được trang bị “ống dòm hồng ngoại tuyến nhìn đêm” và “ súng tự động bắn tạc đạn M.79” chớ? Tối nay tôi sẽ dùng nhiều tới ống dòm nầy.
           
“Anh nói rõ ý định điều quân và nhu cầu.” 414 hỏi tiếp.
           
“Hiện tại phần chính đơn vi cả Bộ Binh và Thiết Giáp đã ém sẵn bên đó, dọc theo con suối và một tiền đồn Bộ Binh vẫn còn bám phía Bắc muc tiêu. Khi trời bắt đầu tối, tôi sẽ nhờ Pháo Binh dập thật rộ trên muc tiêu và xa hơn phía tây nơi địch đặt pháo để địch không ngóc đầu được. Đồng thời tôi sẻ dẫn lực lượng chánh vào nơi BB vẫn còn đang bám phía bắc muc tiêu. Tại đó, tối đến tôi sẽ dùng ống dòm hồng-ngoại-tuyến để quan sát hoạt động của các chốt địch trên mục tiêu. Nếu địch rút lui thì tôi cho pháo dập, nếu vẫn bám thì tôi sẽ cho từng các thẩm quyền 2 bên quan sát tận mắt các chốt mà họ có trách nhiệm triệt hạ. Sáng sớm mai, khi trời có thể thấy được tôi sẽ “đánh bom” vào mục tiêu. Pháo binh bắn “delay” và 75mm trực xạ vào từng chốt. Sau đó, tôi hướng dẫn chở Bộ binh đánh thẵng vào mục tiêu cho họ tiếp tục diệt và luc soát. Xin L.19 (máy bay trinh sát) lên vùng chận pháo địch khi tôi tiến quân. Tôi yêu cầu thỏa mãn cho tôi những nhu cầu yễm trợ tôi xin để thu đạt kết quả như ý.
        
“Nếu anh không triệt hạ chúng được, mấy thằng “Đỏ Đen” nầy thì chúng sẽ hừng chí mà tiếp tục trò nầy nữa đó.(414 nói tiếp)
           
Tối đó, lực lượng hành quân tiến hành phối trí như dự trù. Từ xa chúng tôi các thẩm quyền trách nhiệm lần lượt quan sát chuyển động của địch trên mục tiêu: tải thương, tiếp tế, tu bổ phòng tuyến mà không hề biết rằng “nhất cử nhất động”của chúng đều đang được chúng tôi cẩn thận dò xét, xác định và cân nhắc… Chúng tôi còn quan sát thấy rõ tại vài chốt mà gia đình Một và Bốn của tôi triệt hạ khi chiều nhưng không có thì giờ khai thác thêm thì một toán nhỏ địch đến xem xét, dường như chỉ một còn sống nhưng thương tích nặng được cõng và đở từ phía sau chuyển về hướng bắc, tôi để họ đi êm vì thấy tại mục tiêu chánh địch vẫn phối trí. Tôi báo về BCH/ HQ và 171 chi tiết mọi diễn tiến và 414 muốn tôi triệt hạ mục tiêu chính vào sớm mai như tôi đã định để triệt hạ ý đồ của địch trong tương lai.
Tôi phân chia giới hạn trách nhiêm cho từng thẩm quyền kể cả các trưởng xa (chỉ huy 01 thiết giáp) để họ nắm vững mà tiến thẳng đến với hỏa lực cơ hữu khi xung phong. Sự thật như tôi dự đoán, địch không nhiều trên mục tiêu quá trống trải chung quanh mà chỉ muốn ướm thử tình hình liên hệ tới cái hiệp đinh quái quỉ vừa được mới thực hiện. Trận dánh được kết thúc thật nhanh trong không đầy 2 tiếng và kết thúc khi mặt trời thật tỏ. Các chốt một số bật tung ra, số bị sập thành mồ chôn, một số hoảng kinh bật chạy khỏi hầm và bị hạ ngay sau đó.14 xác địch đếm được trên mục tiêu hoàn toàn là ‘Khơme Rouge”. Viên Đại tá CHT/ lữ đoàn Miên ngồi trên xe Jeep từ bên kia đường phóng nhanh ra, thấy Thiết-Giáp ông bảo tài xế ngừng lại hỏi. Ông ta mừng rở và cảm động ôm lấy tôi kèm một phong thơ mà sau nầy tôi dùng ủy lạo cho gia-dình các binh sĩ đã hy sinh trong đơn vị. Tiếng nổ bom, đạn lẩn tiếng súng khi trời hừng sáng đã đánh thức người dân thị xả Tịnh Biên. Họ lên lầu các nhà cao và đổ xô ra đường để hướng nhìn về bên kia trận mạc đang xảy ra. Một binh sỉ trong đơn vị tôi quê quán tai đó thuật lại rằng dân Tịnh Biên họ nói xem và được kích động bởi sự xảy ra trước mắt còn hay hơn xi-nê nhiều, mà quả thật tôi nghĩ họ đang được kích động tối đa là vì trong đoàn quân đang quần thảo với lửa đạn không xa lắm trước mắt họ có cả chính những người thân yêu là chồng, cha, con hay anh em của họ …những người đả đang xả thân chiền đấu cho sự yên ổn mà họ từng có được nơi mà họ đang sống… Không biết có phải vì trận đánh nầy mà tôi được chỉ định dẫn đơn vị về thủ-đô Sàigòn cho cuộc duyệt binh ngày Quốc Khánh năm đó. Tôi chắc chắn rằng không một người dân nào trong thị xã ngày đó có được hay chỉ lóe lên được một ý nghĩ về quân đội mà họ từng chứng kiến đã bảo vệ cho đất nước, cho chính bản thân gia đình ho trong suốt cuộc sống…sẽ bị sụp đổ hoàn toàn vỏn vẹn chỉ 2 năm sau đó.

Cần nói thêm là vào khoảng thời gian 1972-1973, trong Thiết đoàn, riêng đơn vị tôi có được trang bị 2 chiến cụ mới:     
             
1/ loại súng bắn đạn M.79 tự động khoảng non 500 tạc đạn/ một giây và nỗ lại khi chạm.

Được trang bị xử dụng thời gian đầu thường bị trở ngại vì kẹt đạn nên không bắn được liên tục, thời gian xử dụng độ gần ½ năm thì một bộ phận thuộc “Trung Tâm nghiên Cứu hành Quân Phối Hợp” do trung tá Nguyễn Văn Trọng đến đơn vị hỏi cặn kẻ chi tiết về hiệu năng xử dụng và trở ngại, sau đó cây súng được mang đi để hoàn chỉnh.. Thời gian sau cây súng cùng loai đã tu chỉnh những khuyết điểm, được mang trả lại, xử dung được khoảng thêm gần ½ năm, hiệu quả ngoài sự mong đợi. Binh sĩ trong đơn vị và ngay cả chúng tôi thường gọi là “tiểu pháo” cái tên nghe vừa thân thương vừa nói lên được cái hiệu năng cao của nó trên chiến trường khi cần để buộc địch không ngóc đầu dậy, cho bộ binh tiến sát hông hoặc cùng với bộ binh càng thẳng vào như trường hợp trên. Rất vững vàng trong những lúc phòng thủ đêm trên chiến tuyến nhằm chận đứng sức tiến và tiêu diệt đối phương bên ngoài vòng đai phòng thủ. Vì hiệu năng tức thời và sức công phá tập trung khá lớn mà không cần phải có thời gian liên lạc và điều chỉnh cho tầm đạn rơi đúng vào mục tiêu như pháo yễm.
            
2/ “Ống dòm hồng-ngoại-tuyến nhìn đêm” có đường kính khoảng hơn 6 inches và dài khoảng 3 feet, chân 3 càng, khuếch đại ánh sáng làm rõ hơn từ những nguồn sáng đêm tự nhiên hoặc từ những điểm sáng nhỏ như lân tinh phát ra từ lá cây mục… Hình ảnh hiện lên thật rõ từ xa mà hàng đêm chiếc máy nầy được đăt trên xe chi huy của tôi để quan sát các vọng gác đêm và động tỉnh bên ngoài. Trận đánh trên là lần đầu tiên tôi nhanh trí xử dung hiệu quả nhờ phần nào vào tính hình thái của địa thế và muc tiêu. 
         
Cả 2 chiến cụ hiệu quả trên vào gần cuối năm thì được lệnh thu hồi vỉnh viễn. Khi tôi sống trên đất Mỹ, vào khoảng năm 2006 tôi nhớ có đọc trên tờ báo ngày “Sacramento Bee” mô tả 2 chiến cụ nầy đang được xử dụng trên chiến trường xứ “Iraq”. Về hai chiến cụ trên, tôi chỉ kể  ra cái thực trạng trong đơn vị của mình ngày nào mà tôi có biết chứ hư thực như thế nào thì ai biết được, cũng như trường hợp 2 quả bom CBU được ném ra tiêu diệt tức thời 2 trung đoàn địch tai Xuân Lộc vào những ngày cuối cuộc chiến, sau đó người Mỹ có đem vào thêm một ít nhưng không có đầu nỗ thành ra như vô hiệu. Những quả bom nầy về sau người CS trưng bày như là sản phẩm “tội ác của Mỹ Ngụy”. Tôi nghĩ ví thử có thêm được khoảng vài chục quả nữa thì với sự xuất hiện lộ diện rõ ràng vào những ngày đó của địch thì việc chuyền bại thành thắng là điều quá rõ. Vài chục qủa bom với kết thúc thắng lợi cho một cuộc chiến dai dẵng gần thế kỷ để mang lại tự do và thanh bình như toàn dân mong đợi là một gía quá rẻ so với chiến phí mà ngươi Mỷ đã bỏ ra trước đó…Đã hơn 30 năm chiến tranh chấm dứt việc người Mỹ muốn thử vũ khí mới hay muốn dùng bom CBU để làm chậm sức tiến của đich vào những ngày cuối cùng để cho người Mỹ rút hết người ra khỏi VN lúc đó thì đó là một câu hỏi mà tôi nghỉ sẽ chẳng bao giờ chúng ta nghe được câu trả lời.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét