khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Bảy, 18 tháng 7, 2015

Long Môn hiệp khách - Tác Giả Nguyễn Từ Hanh



Dốc Nguyệt Trào Sông



Nó phất phơ trước gió như một cành phan, ở giữa đám cọc cắm đầu người dựng quanh pháp trường. Nó là một chéo lụa, được cài lên ngọn cờ ngay từ chiều mà không ai để ý đến.
 
Mãi cho đến lúc tên giặc Tàu tò mò bước lại giật xuống, giận dữ la mắng đám đao phủ, người ta mới rõ là đã có một đầu người bị đánh cắp và ai đó dựng lại cọc tre với tấm lụa vàng. Những người  hiếu kỳ chung quanh còn đọc được hàng chữ viết bằng máu nâu sậm:
 
„Giờ Tý đêm nay, Phan Liêu sẽ đền tội“.
 
Phan Liêu là tên quan Tri Phủ mới được Tổng Binh Trương Phụ đưa lên cai quản tỉnh Nghệ An chừng một tuần. Mảnh lụa được quân Minh lập tức cưỡi ngựa đưa vào thành trình Trương Đại Tướng đang dự tiệc trong dinh Tri Phủ. Dân chúng hiếu kỳ vây quanh pháp trường lại bị quân Minh giận dữ lấy roi vụt túi bụi khi đám binh Minh triều rẽ ngựa chạy về dinh. Chiều xuống trên bãi đất trống ngoài thành, trải mầu tím thẫm trên những xác chết cụt đầu, nằm co quắp trên đài cao giữa pháp trường. Gió rít thê lương qua những cọc tre, nghe như tiếng người khóc. Đứng giữa đám đông, người ta cũng muốn rùng mình.
 
Đêm đó, thành Nghệ An có hội.
 
Từ ngoài thành, dọc theo bờ biển, đám quân binh giặc Tàu đổ vào thành từ chiều, đi nghênh ngang lũ lượt khắp nơi, vẻ tự đắc khả ố. Dân chúng được lệnh mở cửa ăn mừng, hàng quán phải chuẩn bị chào đón tướng sĩ Thiên triều ngay từ giờ Mùi. Những trụ pháo bông được dựng vội trước đền Thành Hoàng và Văn Miếu để thêm phần long trọng cho một ngày hội; nhưng cũng chỉ đủ soi một góc thành, chưa tạo được vẻ vui cho Nghệ An. Chung quanh thành, mùi tử khí nồng nặc từ một tuần nay vẫn chưa bạt hết. Những đám cháy tắt vội ở khu ngoại thành còn đưa khói khét lẹt thịt người về đến trước dinh quan Tri Phủ.
 
Dù được lệnh Phan Tri Phủ phải mở cửa ăn mừng, dân trong thành vẫn không dấu được vẻ miễn cưỡng lãnh đạm. Chỉ có đám con buôn vô lại mới có vẻ mừng rỡ. Hàng họ ế ẩm từ một tuần, nay mới có dịp làm ăn. Binh lính Thiên triều khoác tay nhau vào thành ăn mừng , đảo mắt tìm phụ nữ chọc ghẹo và cười nói hô hố, khạc nhổ như trong chợ. Chúng uống rượu khá mạnh, tay áo trấn thủ tên nào cũng quệt đẫm rượu. Những quán bán rượu mở ra múc không kịp tay. Ngoài khu ăn uống này, Nghệ An vẫn là thành phố chết, tiêu điều và thê lương.
 
Nhưng, muốn thấy hết vẻ ghê rợn của Nghệ An từ khi bị chiếm đóng, người ta phải ra ngoài bờ thành, nơi bãi đất trống cửa Nam được dựng thành pháp trường.
 
Từng bó đuốc lớn quấn bạch bố tẩm nhựa tùng đã được đốt cháy trên những trụ cao bao vây khu đất Ở giữa, một đài được tô sơ bằng tre và đất sét. Chung quanh đài, dưới lá đại kỳ mang phù hiệu của Trương Tổng Binh, người ta thấy tua tủa một hàng cột tre cao nghệu. Đầu cột cắm đầu người vừa bị chặt. Từ hai ngày nay, đao phủ thủ của giặc Tàu làm việc hầu như liền tay. Các ổ kháng cự của Trùng Quang Đế dường như bị bao vây và tiêu diệt hết. Những người bị điệu về thành đã bị tra tấn tàn bạo đến lết chân không nổi, trước khi bị đem ra bêu đầu trước dân chúng thành Nghệ An để làm gương.
 
Dân trong thành không thích xem hội, mà bảo nhau kéo ra pháp trường. Họ im lặng vây quanh khu đất trống bập bùng ánh lửa dưới nắng chiều, và nghiến răng nhình từng người gục ngã. Mỗi đợt giặc Tàu kéo tử tội về là lại thấy chiêng trống om xòm, đám người hiếu kỳdạt sang hai bên, kiễng chân nhìn xem có ai quen biết trong số nghĩa quân bị xử chém hay không. Ngoài Nghệ Anh, không hiểu tình hình Thanh Hóa và Đông Quan ra sao... Người dân hỏi nhau qua ánh mắt, qua sự căm thù tuyệt vọng. Không rõ Hóa Châu đã mất hay chưa. Trong đám tử tội, không thiếu gì những người trẻ tuổi, cả đàn bà con gái. Tiếng người la hét, tiếng cầu kinh và ráng chiều đổ xuống in bờ lũy thành từng mãnh đen trên đài xủ trảm lấp loáng gươm đao, khiến mỗi người đều nghĩ đến một cảnh địa ngục. Mỗi hồi trống vang lên là lại có tiếng người thầm thì cầu kinh ở bên dưới. Đám giặc ra roi hăm dọa và lớn tiếng đọc thông báo thị oai đã tạo ra một cảnh hỗn độn không kém gì tiếng người cười đùa uống rượu ở trong thành.
 
Trong cảnh hỗn loạn đó, khó ai biết người nào đã táo gan nhẩy lên lấy cắp sọ người và thay vào đó một vuông lụa với mấy câu cảnh cáo Phan Tri Phủ. Cũng phải là tay đởm lược hơn người mới dám chọc giận quân binh Thiên triều như vậy. Phan Tri Phủ đang đãi khách trong dinh, đến con kiến cũng không lọt vào được, ăn gan hùm mật gấu hay sao mà dám vào Phủ làm việc thích khách?
*
Phan Tri Phủ là người có học, nổi danh hay chữ từ kỳ thi Hương năm Dậu, khi vào bộ Lễ tập sự để năm sau thi Hội, hắn đã nổi danh Đông Quan là tay giỏi thơ phú và thư pháp. Năm Hợi, khi hắn đỗ Thái Học Sinh, quan Thái Phó tại Nghệ An đã mở tiệc ăn mừng liền ba ngày, dân thành Nghệ vẫn còn nhớ. Có ngờ đâu, một tay danh sĩ lại thành người phải quốc để đêm nay bị dọa đền tội.
 
Quan Tri Phủ tiễn khách ra về rồi mới tần ngần ngắm nghía bảy mâm quà tặng, tận khuya mới vào thay áo. Bên ngoài, lính canh đi lại in bóng bên song. Ngay trước đại sảnh và ở hàng hiên vây quanh công đường, đám vệ sĩ người Minh gác dáo đứng canh như tượng đá. Chúng to lớn khỏe mạnh, võ nghệ hơn người nên đượcTrương Tổng Binh đặc cách cho ở lại bảo vệ dinh Tri Phủ. Nơi đây, có tài thánh mới lọt vào được. Phan Tri Phủ gật gù nghĩ vậy, rồi ra dấu cho đám quân hầu bưng bảy mâm vàng vào thư phòng phía trong. Hắn liếc chào đám vệ sĩ người Minh rồi vào theo.
 
Trên bàn thờ, khói nhang đã nguội lạnh từ mấy hôm nay. Bức họa truyền thần vẽ chân dung quan Thái Phó Phan Quý Hữu ẩn hiện trên góc tối, nghiêm nghị nhìn xuống, thoáng vẻ trách móc. Hai ngọn đèn bạch lạp trên kỷ chỉ đủ soi mấy mâm vàng phủ nhiễu đỏ chói. Tri Phủ Nghệ An xoay mình để khỏi nhìn thấy  ảnh cha trên bàn thờ và mân mê một hộp gỗ dài, bao giấy hoàng điều, trên có triện son của Đại Tướng Mã Kỳ. Cầm hộp thấy nhẹ, hắn thoáng chau mày thất vọng. Được Đại Tướng Mã Kỳ gửi quà là điều vinh dự. Mã Đại Tướng còn trấn ngoài Thanh Hóa mà lưu tâm đến quan Tri Phủ tận Nghệ An làm sao mà không vui. Nhưng, từ Tổng Binh Trương Phụ đến các tướng sĩ Thiên triều khác, ai ai cũng đưa vàng, không rõ Mã Đại Tướng gửi quà gì mà chỉ có một hộp gỗ này thôi. Đưa lên mũi ngửi, thoảng mùi trầm.
 
Là người kín đáo điềm đạm, Phan Tri Phủ lặng lẽ đặt hộp quà xuống. Đoán là ngọc quý. Rồi qua phòng bên thay áo, uống sâm. Hắn hơi tiếc rẽ là không biết lưu lại mấy con hát cho đêm nay. Để chúng khoác áo theo hầu đám tướng sĩ Thiên triều hết cả, thật hoài của. Nhớ vẻ háu đói của đám Trương Phụ, hắn bật cười ái ngại cho đám ca nhi mảnh khảnh này...
*
Năm đó là năm Quý Tỵ. Nhà Hồ đã đổ từ sáu năm về trước. Việc kháng cự của dân Hoàng Việt đã như ngọn đèn trước gió. Sau khi Giản Định Đế bị diệt, Trùng Quang Đế đã rút binh đội chọn Nghệ An là đất cố thủ, những mong ở sự trợ sức của quan Thái Phó Phan Quý Hữu, là thân phụ của danh sĩ Phan Liêu. Sau năm Bính Dần, tình hình thêm nguy ngập. Phan Thái Phó là người biết rõ nội tình nghĩa quân của Trùng Quang Đế, nên hai cha con đều thuyết phục Trùng Quang Đế xin hàng. Ngự sử Nguyễn Biểu không chịu. Ngay giữa triều, nơi dựng dinh Tri Phủ, Nguyễn Biểu đã luận việc hòa hay chiến rất minh bạch. Cho đến khi được Trùng Quang phái đi gặp Trương Phụ, ông vẫn khảng khái chủ trương phải đánh, và vạch kế lui về núi Lam Thành xây trại làm thế ỷ dốc. Trùng Quang không nghe, ý cũng muốn hòa, xem Trương Phụ có chịu hay không.
 
Tháng Năm, năm Tý, Tổng Binh Trương Phụ kéo quân xuống Nghệ An, đánh bật cứ điểm cuối cùng của Trùng Quang. Quan Thái Phó đã biết oai Thiên triều, xin đầu hàng tức khắc.
 
Nhưng đêm đó, khi nghe dân chúng trong thành la khóc dưới vó ngựa thô bạo của quân Minh, và khi quỳ nghe Trương Tổng Binh thóa mạ kể tội Nguyễn Biểu, so sánh khí tiết của Nguyễn Đại Tướng với tính « hiếu hòa biết sợ oai trời » của mình, quan Thái Phó Phan Quý Hữu đã thổ từng búng máu.
Hai ngày sau thì chết. Trương Phụ nghĩ lại, cũng biết thưởng công cho người con của Ngài. Nhờ vậy, Phan Liêu đa được cất lên làm Tri Phủ Nghệ An. Sau ba ngày, viện cớ giữ tang cha cho phải lễ, Phan Tri Phủ đã mở tiệc khao quân Thiên triều và cũng để ăn mừng danh vọng vừa tới…
 
Những mâm vàng rực rỡ đang được lính hầu bưng từ đại sảnh vào thư phòng đã được binh lính bên trại Trương Tổng Binh đưa qua từ chiều. Trong suốt buổi tiệc, kéo dài từ đầu giờ Dậu đến khi trăng tháng năm chênh chếch ngoài hiên, quan Tri Phủ đem hết tài văn chương thêu dệt chiến công hiển hách của Trương Tổng Binh và quân binh long hổ của Thiên triều đã sớm bình định cõi Nghệ, để thẳng đường xuống tới Hóa Châu tiêu diệt luôn đám tàn quân của Quý Khoách. Mỗi đợt lính bên trại lết vào báo tin vui, Trương Tổng Binh lại gật gù trên ghế rồng và quan Tri Phủ lại mau mắn hô lũ con hát rót rượu mừng hồng phúc Minh Thành Tổ.
 
Cho đến khi quân hầu Trương Tổng Binh lết vào quỳ dâng vuông lụa, mọi người đều đã quên khuấy pháp trường và những nghĩa quân đang bị chém ngoài kia. Vuông lụa được truyền từ tay Tổng Binh qua quan Tri Phủ với cái cười mỉa mai khiêu khích. Là tay kín đáo, Phan Tri Phủ đón nhận với tất cả bình tĩnh. Kinh nghiệm mấy ngày qua cho thấy Trương Phụ không ưa kẻ hèn yếu. Quan Tri Phủ cũng không thể tỏ vẻ sợ sệt trước mặt tướng sĩ Thiên triều được. Tùy theo phản ứng của mình, hắn biết sẽ giữ được ghế tri phủ lâu hay chóng.
 
Vì vậ, Trương Tổng Binh rất hài lòng khi thấy Phan Tri Phủ lặng lẽ cầm chéo lụa chùi vết rượu trên kỷ và vứt xuống đất:
 
-        Chúng chưa biết sợ oai trời. Vài hôm nữa, Nghệ An này sẽ vững như bàn thạch.
 
Câu nói của Phan Tri Phủ được đám hổ tướng của Trương ồn ào tán đồng bằng những tiếng mừng rượu. Đám ca kỷ lại thêm một phen rót rượu liền tay. Tổng Binh Trương Phụ gật gù đắc ý, bớt hẳn vẻ khiêu khích, khó chịu:
 
- Như vậy tốt. Dù sao, ta cũng cắt cho ông mấy tên vệ sĩ. Không muốn ông mang cái nhục khăn yếm, phải lẩn trốn như đàn bà, làm giảm oai khí Thiên triều; nhưng ta cũng không thể để lũ giặc kia phạm tới tay chân của ta được.
 
Phan Tri Phủ cúi đầu lạy tạ và tỏ lòng cảm kích bằng cách trình bày dự định trước đây đã được Nguyễn Biểu tâu lên Trùng Quang Trần Quý Khoách, đó là mở rộng thành Nghệ đến núi Lam làm hậu cứ để Bắc trợ Thanh Hóa, Nam đánh Hóa Châu. Trương Tổng Binh chăm chú nghe, mắt sáng đắc ý.
 
Có lẽ vì vui chén, và luôn miệng dâng kế lên Tổng Binh, Phan Tri Phủ không còn nhớ đến vuông lụa nằm dưới đất, được viết bằng máu, nay đã thôi màu rượu. Cho đến khi tiễn tướng sĩ Thiên triều ra tận cổng và ân cần dặn dò đám kiệu phu đưa bầy con hát về phục dịch quan tướng nhà Minh, Phan Tri Phủ cũng quên luôn lời hăm dọa trên vuông lụa. Chung quanh, lính hầu và quân canh đi lại nườm nượp khiến hắn nhớ lại cách đây không lâu, đám lính hầu này đã phải canh chừng cho Trùng Quang Đế. Phan Tri Phủ đang thành một vua con ở thành Nghệ. Mùi thuốc súng của pháo bông quện với gió biển từ ngoài thổi vào vẫn không át được mùi tử khí, khiến hắn rảo bước đi vào. Đám vệ sĩ Minh triều cúi đầu chào lãnh đạm.
 
Phan Tri Phủ cẩn thận liếc ra ngoài cửa. Bên ngoài vẫn vắng lặng. Ngài bước ra khép chặt cửa thư phòng, khóa trái ở bên trong và lần mở các mâm vàng, rồi đăm chiêu cầm hộp quà của Mã đại tướng ngắm nghía. Chéo giấy hoàng điều còn in chức Thái Biện sứ của Mã Đại Tướng rành rành. Đặt chén sâm xuống kỷ, Phan Tri Phủ kéo ngọn đèn bạch lạp tới gần và lần mở hộp quà. Ở trong, chỉ một vuông giấy lụa màu vàng, cuộn một cây bút lông.
 
- Mã Đại Tướng quả là tay sành ý. Ngài biết mình thích thư pháp và sưu tập bút lông. Phan Tri Phủ tự nhủ như vậy. Nhưng, gửi từ Thanh Hóa vào có món quà này thì Ngài cũng có keo bẩn. Làm chức Thái Biện sứ, bao nhiêu tài vật Hoàng Việt đều được đưa qua tay Ngài để chở về Yên Kinh, chẳng lẽ lại chỉ cho mình cây bút?
 
Phan Tri Phủ phân vân không ít. Cây bút bằng trúc đen, tô sơn đỏ, sợi chỉ vàng quấn quanh chưa gỡ, còn mới nguyên. Soi trên ánh đèn, Phan Tri Phủ đọc được bốn chữ chạm thật khéo: „Thống Nguyên Ngự Chế“. Từ thời Hồ đây, cũng đã tròn một giáp rồi. Đây là văn phòng tứ bảo của Hồ Quý Ly, chắc do quân Minh trong vương khố Tây Đô…. Kéo ngọn đèn đến gần, Phan Tri Phủ thở dài gỡ sợi chỉ vàng chạy quanh quản bút. Mã Đại Tướng sành điệu nhưng hẹp lượng. Vẫn biết mình thích bút, nhưng phải là mâm vàng mới quý. Ngòi bút bằng lông sói trắng, loại cực quý. Năm Hợi, khi đỗ Thái Học Sinh, Phan Tri Phủ đã được thấy loại bút này. Quản bút trúc đen cực cứng, lại được mài sơn đỏ sẫm thành từng đường vân đen đỏ rất đẹp. Cầm bút đảo một chữ thảo, thấy chắc trong tay. Phan Tri Phủ kéo ra một tờ giấy lụa. Thử một câu thơ với bút mới trong ngày trọng đại này, cũng là một cách nối vẻ đạm bạc của thánh hiền…
 
Phan Tri Phủ ngắm nghía ngọn bút và đưa bút lên đèn. Là tay sành thư pháp, Ngài biết là phải hơ lửa đèn thật khéo để đốt sạch các sợi lông tơ nhỏ ở ngòi bút, mới bắt đầu dậm mực được. Nghiên mực đen bên ánh đèn có vẻ chào mời quyến rũ lạ thường. Nhìn lên ảnh cha, Phan Tri Phủ cười nhẹ, rồi chăm chú hơ bút trên ngọn đèn, chăm chú ngắm những đường vân nổi sắc dưới ánh lửa.
 
Bên ngoài, tiếng trống cầm canh báo hiệu quá giờ Tý. Đây là những tiếng động sau cùng Phan Liêu được nghe thấy ở cõi đời này.
 
*
 
Sau một đêm hội hè mệt nhọc đầy ác mộng, thành Nghệ đã tỉnh giấc trong kinh hoàng.
 
Tin Phan Tri Phủ bị ám sát chết ngay trong thư phòng khóa trái đã lan ra như một vệt thuốc súng. Nơi pháp trường, tám tên giặc Tàu được bố trí canh gác đã bị giết chết. Hàng cột tre cắm đầu người đã bị ai đó nhổ sạch, nằm ngổn ngang dưới đất. Những đầu người, đã bị một bàn tay bí mật nào đó lấy đi hết. Giữa pháp trường, ngọn đại kỳ đã bị xé nát, vứt xuống bùn và thay vào đó là một vuông lụa vàng: „Đây là số phận của Phan Liêu và giặc Tàu“. Trên lá thư cảnh cáo kỳ này đã có ký tên: „Long Môn Hiệp Khách“.
 
Cũng từ hôm đó, Long Môn Hiệp Khách ra tay trừ khử đám quân binh giặc Minh, với sự táo tợn thần sầu. Dân chúng Nghệ An chưa kịp mừng vì những hành động hào hiệp này thì đã lập tức bị quân Minh trả đòn khủng bố. Từng xâu người bị bắt đưa ra giữa pháp trường xử trảm. Tuyên cáo của Tổng Binh Trương Phụ đã được dán khắp nơi: „Mỗi binh tướng Thiên triều bị sát hại, Tổng Binh sẽ giết chết một trăm tên lê dân An Nam. Mọi người cung cấp tin tức hay giúp đỡ binh đội Thiên triều bắt được tên thích khách Long Môn sẽ tùy theo công trạng mà được miễn thuế, thưởng và và cất nhắc vào phủ.
 
Tình trạng khủng bố ghê rợn kéo dài đến bốn tuần, người ta vẫn không tìm ra tông tích Long Môn hiệp khách, và số người bị giết đã lên tới mấy ngàn. Những lời đồn đãi về tay nghĩa sĩ này đã lan truyền tới Thanh Hóa khiến Tổng Binh Trương Phụ khó chịu không ít. Ngài khó chịu, là pháp trường lại thêm đổ máu.
 
Nhưng, kỳ án Phan Liêu bị giết như thế nào thì vẫn chẳng ai giải cho ra. Viên Tri Phủ phản dân hại nước đã bị giết trong thư phòng khóa trái, không cửa sổ. Chung quanh, binh lính Thiên triều và quân hầu Nghệ An tấp nập bảo vệ suốt đêm. Ai giết Phan Tri Phủ? Giết như thế nào? Long Môn hiệp khách là ai? … Những câu hỏi này rồi cũng bị lãng quên trong bốn tuần kinh hoàng của Nghệ An. Nhiều người đâm oán tay hiệp khách đã gián tiếp gây tang thương cho gia đình họ vì những hành động sát nhân thích khách này.
 
Hai tháng sau, Nghệ An lại như có tang lớn, khi tin từ Hóa Châu về cho hay, nghĩa quân Trùng Quang Đế hoàn toàn tan rã. Vua Trùng Quang đã bị bắt, các tướng sĩ theo Ngài đều tử tiết. Còn Trùng Quang nhảy xuống biển tự trầm, ngay trên đường giặc đưa về Yên Kinh.
 
Chưa khi nào dân chúng Nghệ An lại tuyệt vọng đến như vậy. Trong khi đó, Trương Tổng Binh đã sai binh tướng mộ phu, vét dân xây đồn trấn thủ tại Lam Thành và dân gian thường gọi là Rú Thành. Chúng xây thành rất kiên cố, với ba lần lũy đắp vây quanh. Chúng sẽ còn trấn đóng lâu dài, người dân Nghệ An biết vậy mà than trời. Việc truy lùng nghĩa quân cũng được gia tăng ráo riết và có lẽ vì vậy, người ta không còn thấy Long Môn hiệp khách ra tay ngang tàng như trước.
 
*
 
Chân núi Lam Thành, trước khi lên con dốc ngược đưa tới chỗ quân binh giặc Tàu đang đóng trại xây lũy, có mấy mái nhà dân lụp xụp, thấp bé. Dân nơi đây làm nghề đốn củi, nhưng từ khi giặc Tàu mở rộng thành Nghệ An và xây lũy tới núi Lam Thành, dân chúng cũng đã bị bắt đi; xóm nghèo này vốn xơ xác, lại thêm tiêu điều. Nhưng, cũng từ ngày có quân binh qua lại, mấy mái nhà lá đã được lợp lại để làm quán nước. Hai bên đường đất quân phu đi qua là hai quán nước tương đối khang trang. Nhà chủ đã biết điều, cộng tác với quân binh Thiên triều nên chiếm được hai vị trí đắt khách nhất. Không ai thèm lưu ý tới phía trong, cũng có một quán nước tồi tàn, thường chỉ có dân An Nam ghé chân, trước khi lên dốc vào rừng đốn gỗ kéo về trại binh xây lũy.
 
Từ mấy hôm nay, người ta thường thấy một cụ già chống gậy vào quán uống nước. Cụ hay ngồi trầm ngâm cả buổi, nhìn quân binh giặc Tàu tải lương bụi mù ở ngoài, hay đám lê dân Hoàng Việt thất thểu lên dốc vào rừng. Ông cụ mặc áo đoạn xanh đã sờn, kiểu đã xưa cũ, có lẽ phải lên tới những năm Hưng Long, thời vua Anh Tôn, mới thấy. Trông cụ, ít ai đoán ra tuổi. Vẻ già nua cũ kỹ khiến người ta áng chừng cụ cũng phải trên lục tuần. Nhưng ánh mắt rất sáng và dáng đi còn vững chãi, làm bác chủ quán nước đoán cụ cũng chỉ trên năm mươi. Cụ ăn nói nhỏ nhẹ và chậm rãi, ngôn từ từ tốn và kiểu cách lạ tai. Nhìn cây gậy cụ chống, người ta đoán cụ cũng thuộc thành phần khá giả thời xưa. Màu gỗ lên nước đỏ sậm và trơn bóng như cánh kiến. Bác chủ quán chép miệng nghĩ thầm:
 
-Lại một thứ quý tộc triều Trần tàn cơ nghiệp vì giặc giã mà lưu lạc tới đây.
 
Hôm nay cụ có vẻ tươi tĩnh hơn mọi ngày, không còn đăm chiêu tư lự khi bước vào quán. Ngả nón bện lông chim đặt trên bàn, cụ đảo mắt nhìn quanh, và như mọi ngày, lại xin bình trà xanh và đĩa bánh đậu. Trong quán hôm nay cũng chỉ lưa thưa năm ba người khách. Bên cửa sổ, một cậu nho sinh, áng chừng vậy, qua cách ăn mặc và kết khăn, ngồi trầm ngâm nhìn vào rừng. Ngoài gần cửa ra vào, hai ba người dân phu lao động vừa ghé chân uống nước, trước khi cụ già đi tới. Góc trong, gần bàn nước của gã chủ quán, một gã trung niên dáng dấp nhanh nhẹn đang lần túi đếm mấy đồng bạc lẻ trả tiền nước. Nhìn nắm tiền kẽm, gã chửi đổng:
 
-Mẹ kiếp, ngày xưa có tiền rêu bể thì chê, chẳng gì cũng ăn mười mấy con rồng. Bây giờ có nắm tiền kẽm cũng không mua đủ bát nước. Thời thế đảo điên, Thiên triều ăn cướp!
 
Bác chủ quán liếc mắt dò xét, lo ngại, nhưng không thấy ai phản ứng gì với câu nói đổng của gã trung niên. Cụ già lại có vẻ thích thú với câu nói, khẽ đưa ngón tay ra hiệu cho chủ quán:

-Phần nước của ông bạn đây, xin để cho già này.
 
Thấy có người đồng tình, gã trung niên kéo ghế đứng dậy:
 
-Cụ tính xem có phải không, bạc giấy của Thái Sư thời đó mà chẳng ăn đứt tiền bây giờ sao? Lúc đó ai cũng oán người ta, đến khi giặc vào, chẳng ai ra đánh. Bây giờ nó vào đến tận đây, mới trắng mắt ra.
 
Đã lâu lắm mới thấy có người lên tiếng ca ngợi Hồ Quý Ly. Cụ già có vẻ thích thú nhìn bác chủ quán đang trợn tròn con mắt lo sợ nhìn quanh. Nơi đây tai vách mạch rừng. Ngoài kia, giặc Tàu đi nườm nượp mà gã trung niên này dám bạo gan nói đổng, mất đầu chứ chẳng chơi. Hai người nhà quê dự định đứng lên rồi lại ngồi xuống. Đã vào tới đây, chẳng lẽ lại bỏ ra? Một người lớn tuổi, trong hai người lặng lẽ kéo bạn ngồi xuống, xem chừng cũng muốn biểu đồng tình với những lời ta thán của gã trung niên. Cụ già khoan thai đứng dậy:

-Oán giặc lắm sao? Bạo miệng nói như ông bạn mà không sợ gặp nạn ư?

-Bẩm cụ, nạn đến đâu nữa? Mình sống khổ cực như trâu như ngựa thế này, thì còn có gì phải sợ nữa? Vả lại, cứ cúi đầu như thế này, thì càng giống trâu ngựa chứ làm sao khá hơn được! Tôi cứ ước ao, có thêm dăm bảy người nghĩa sĩ như Long Môn hiệp khách, bêu thêm ít đầu giặc ngoài hào kia, mới hả! Còn gì mà phải sợ nữa, cụ tính xem?

-Nhà bác này lại nói gở rồi. Lại còn muốn Long Môn hiệp khách ra tay? Cái thứ vũ phu đó có ra gì! Cũng phường mãi võ mà thôi!
 
Cả quán nước bỗng dưng lặng thinh, lạnh lẽo. Cụ già này là người thứ nhất, từ bấy lâu nay, đã lên tiếng mạt sát một người mà dân chúng Nghệ An coi là đại hiệp. Bác chủ quán định đánh trống lảng, e rằng ông cụ là tai mắt của quân Minh, thì gã trung niên đã đứng dậy, hậm hực bước tới:
 
-Thấy cụ già cả, tôi kính trọng, nhưng cụ cũng không nên chê người Long Môn đó. Hành động trừ gian của người ta là việc làm nghĩa hiệp. Sao cụ lại nặng lời bảo là vũ phu mãi võ?
 
Cụ già chậm rãi vuốt râu, liếc nhanh về phía người nho sinh ngồi bên cửa sổ, từ nãy giờ vẫn ngồi yên bất động. Như nhìn thấy rõ tất cả sự chú tâm căng thẳng qua cái bất động đó, mỉm cười nhẹ, cụ già nâng ly trà về gã trung niên:

-Bác đừng nóng giận già này. Già chỉ nói những điều mình nghĩ, chứ không nói oan. Long Môn hiệp khách là người có lòng, nhưng kém trí. Già chỉ muốn nói vậy thôi. Có quen biết gì người ta đâu mà dám nặng lời!
 
Cụ nói thiếu trí? Làm sao thiếu trí khi giết tri phủ Nghệ An mà không để lại dấu vết nào? Gã trung niên nhìn quanh phân bua. Khi đó, tôi còn làm việc trong phủ nên biết mọi chuyện. Trong phòng đóng kín, con muỗi không qua, sao tri phủ bị phóng tiễn chết đứng bên trong, mà bên ngoài không ai hay biết? Phi bậc đại trí, đại dũng, mấy ai làm được điều này?
 
-Trò tiểu xảo con trẻ! Cụ già cười nhạt, đi lại trong quán nước, trầm ngâm như đang nói với chính mình. Mấy bác thử nghĩ xem nhé! Phan Liêu là tay hay chữ, lại mê thư pháp, bút pháp, thích sưu tầm bút quý để luyện chữ. Điều đó, ai trong thành Nghệ An này cũng đã biết. Không đợi gã trung niên và hai bác nhà quê gật đầu trả lời, cụ già nói tiếp. Nếu trong bữa đại yến hắn khoản đãi bọn tướng sĩ Tàu, tôi đưa được một món quà, lồng trong mâm quà của giặc ban cho hắn, và nếu món quà đó là một cây bút quý, các bác nghĩ sao? Điều này đâu khó. Bây giờ tôi giết hắn bằng cây bút đó thì sao?

-Cụ luận chí phải, nhưng làm sao cụ vào tới đó để cầm bút giết hắn? Cho là mình có tuyệt chiêu đi, làm sao lọt vào thư phòng khóa trái để giết hắn bằng cây bút? Lần này, chính bác chủ quán đã không nén được tò mò mà góp chuyện và hỏi vặn cụ già. Hai người nhà quê há hốc mồm nhìn nhau, trong khi nơi cửa sổ, người khách mặc chiếc áo nho sinh vẫn lặng thinh. Tinh ý lắm, người ta mới thấy bàn tay đang bóp chặt chén nước, trắng cả mấy đầu ngón tay.
 
Cụ già lặng lẽ chắp tay sau vạt áo che lưng, đi lại giữa quán mà ôn tồn giải thích, như một cụ đồ dạy học:

-Các bác vẫn biết, bút tốt và mới phải được đặc biệt nâng niu. Gặp tay ham bút như Phan Liêu, làm gì người ta không đoán ra cử chỉ của hắn khi được một cây bút tốt, loại bút lấy từ ngự phòng ra, chẳng hạn? Khai bút mới, người ta thường phải hơ ngọn bút trên đèn để đốt lông tơ quanh mép bút. Vừa đốt, vừa soi, xem đã sạch lông hay chưa. Điều đó có đúng không nào? Mấy người nhà quê thì ú ớ nhìn nhau. Gã trung niên gật gù suy nghĩ, ra vẻ biết. Riêng chàng nho sinh bên cửa sổ thì đã khẽ xoay người, liếc nhìn cụ già. Ông cụ như không để ý gì đến người chung quanh mà tiếp tục giảng. Bây giờ, nếu trong quản bút, tôi để một mũi dao nhọn thật tròn, rỗng ruột mà không cán, một mũi phi tiêu, chẳng hạn?...

- Đúng rồi! Gã tri phủ chết như vậy đó cụ. Gã trung niên không dằn được vẻ ngạc nhiên, sôi nổi đứng lên giải thích. Sáng hôm đó, khi phá thư phòng vào, người ta thấy xác hắn đã chết cứng, và ngay trên mắt có ghim một mũi phi tiêu y như cụ nói vậy. Mà ... cụ là ai vậy? Sao cụ biết? ...

-Bác để già nói hết cái trò trẻ con này đã, kẻo lại trách già nặng lời nhiếc móc Long Môn hiệp khách, hay nghĩa sĩ ... gì đó của bác. Đã bảo là trò trẻ con. Nhưng phải công nhận là trò trẻ con mà công phu. Công phu là phải gài được phi tiêu trong cán bút. Công phu là phải tìm được keo tử nghị để giữ lưỡi mây không bật khi người khác cầm bút. Có một điều, xin hỏi bác là người biết chuyện, Phan Liêu nó chết, mặt tím ngắt, xùi bọt mép màu hơi vàng, phải không?

- Cụ là thần hay sao mà biết rõ vậy? Lúc Phan Tri Phủ chết, mặt ông ta tím bầm, hai bên bọt mép xùi ra, đã khô, màu vàng khi người nhà phác giác ra buổi sáng. Cụ nghĩ là...?

- Dĩ nhiên, một mũi phi tiêu làm sao kết liễu tính mạng của hắn được, dù là đâm vào mắt! Phải đánh thuốc độc. Già này thắc mắc xem loại thuốc độc nào được dùng, có vậy thôi. Như vậy, già đoán ra rồi. Đất Long Môn cách đây cũng không xa lắm, lên gần tới ranh giới Ngưu Hống và Nam Chưởng. Đất này có lắm thổ sản kỳ dị. Hoàng lạp nơi đây trộn với tử nghị cho ta một chất cao rất cứng, nhưng lại rất dễ chảy khi gặp nhiệt. Loại đồng thạch-lục sản xuất ở Mai Sơn là một chất đồng non, rất dễ pha và rất nhẹ, đánh phi tiêu rất tiện. Nước sông Mỹ Hà không thiếu gì độc chất bốn mùa kết lại, pha với diêm tiêu là dẫn độc rất nhanh. Ăn vào máu thì chỉ trong chớp mắt, lục phủ ngũ tạng bị phá tan và xùi bọt mép mà chết. Thổ dân nơi đây hay dùng lại thuốc độc này tẩm cung tên đi bắn. Long Môn hiệp khách, như tên gọi, là người đất Long Môn trên mạn ngược ... Ở tận Hưng Hóa, vì sao lại lặn lội xuống tận đây hành hiệp không biết nữa. Già này khâm phục cái chí, nhưng vẫn chê là thiếu trí. Giết một mạng khuyển ưng đó, làm trăm người khác chết oan, đâu phải là giải pháp? ... Mà thôi, nói chuyện quốc sự như thế, sợ chủ nhà ở đây bất an, già xin kiếu. Dù sao, cụ già cầm nón vái chào gã trung niên, bác là người cương cường, thật quý. Hãy đi tìm anh em đồng chí hướng mà đuổi giặc. Ở đây uống nước, ta thán đến chiều, chẳng làm giặc chùn tay đâu! ...
 
Không ai thấy cụ già đi ra thoăn thoắt như thế nào. Và, cũng không ai thấy cụ đi về hướng nào. Mọi người đều há hốc mồm nhìn nhau, ngạc nhiên và những lời giải thích của ông cụ, thật đơn giản mà thật tinh vi. Chẳng lẽ, ông cụ lại là ...? Mấy người nhìn nhau, vẻ mừng rỡ lẫn sợ hãi. Chẳng lẽ chính ông cụ là tay hiệp khách dị kỳ đất Long Môn? Nếu không, làm sao cụ biết được tường tận như đã từng đứng ngay trong thư phòng của Phan Tri Phủ? Như đã tự tay rèn lấy thứ ám khí kỳ dị này? Trong quán nước về chiều, ba người khác và bác chủ quán đưa mắt hỏi nhau, rồi nhìn về phía chàng nho sinh ít nói. Mọi người lại thêm một lần nữa ngạc nhiên ...
 
Như đã tuồn ra cửa sổ, chàng nho sinh đã rời khỏi quán lúc nào không ai hay. Trên mặt bàn chỉ còn mấy đồng bạc kẽ nằm trơ trọi bên khay nước. Đến gần lấy tiền, bác chủ quán mới trợn tròn con mắt khi đọc hai chữ “Long Môn” chấm nước trà viết trên gỗ.
 
Nét viết rất mạnh, nhưng mờ dần, mờ dần, như muốn tan trong thinh không vắng lặng của quán nước ...
 
*
 
Không ai có thể ngờ cụ già chống gậy lại đi nhanh đến như vậy. Trong ánh chiều tối xẫm dưới chân núi, người ta chỉ thấy cụ già thấp thoáng ẩn hiện. Xa xa, trại binh giặc có tiếng tù và buồn bã, vang vọng cùng màu bóng cây. Vầng trăng non của tháng Chín mới bắt đầu nhô lên khỏi tàng cây phía Đông.
 
Đằng sau, bóng đen rảo bước chạy theo chính là người nho sinh đã ký tên “Long Môn” trong quán nước.
 
Hai người, một già, một trẻ, dường như không bảo nhau mà cùng thi triển khinh công trong rừng. Cụ già đi chậm, bóng sau cũng đi chậm; cụ già rảo bước, bóng chạy nhanh hơn, như cũng không muốn che dấu tung tích. Vượt qua khu rừng rậm, xa dần triền núi, cụ già đột nhiên biến mất. Đi sau, chàng nho sinh đảo mắt tìm kiếm mãi không ra. Đến cả tuần nhang, chàng mới lần mò đến được bờ tường mà vào. Tiếng giun dế nỉ non làm không khí tịch mịch quạnh hiu càng thêm lạnh lẽo. Ánh sáng yếu ớt bên trong chỉ soi bóng cụ già đang ngồi im trước bệ. Trên bệ thờ, ánh đèn hắt lên tường một bức tượng ngồi tĩnh lặng. Trông người ngồi dưới và bức tượng ở trên, chàng nho sinh không khỏi bỡ ngỡ.
 
- Con vào đây! Cụ già lên tiếng, như đã chờ đợi chàng nho sinh từ muôn đời muôn kiếp. Con vào đây nghe ta nói. Con đã giết Phan Liêu như vậy phải không? Ta luận có điều gì sai chăng?

- Thưa ... dạ thưa Cụ, không sai một mảy may. Làm sao Cụ biết, và sao Cụ chê là bất trí?

- Con tính xem, mỗi ngày giết một tên giặc, hay trừng phạt một tên phản dân hại nước, con sẽ giết được bao nhiêu đứa trong suốt cuộc đời trăm năm của con? Trong khi đó, có bao nhiêu mạng dân sẽ chết oan vì giặc Tàu trả thù? Cách hành hiệp của con quả là có đáng yêu, có cái anh hùng tính rất đẹp mắt. Nhưng, đứng trên đại thể của dân tộc, nó chưa phải là cách rốt ráo.

-Thưa Cụ, giặc Tàu qua đây chiếm đóng nước ta, giết một đứa là bớt đi một đứa. Những tên bán nước hại dân, trừ một đứa là đỡ một đứa. Vả lại, không giết chúng nó, tất nghĩa quân mình sẽ bị hại. Con trộm nghĩ vậy nên dùng thuật riêng để góp phần chống giặc. Ngoài việc hành thích chúng nó, lấy của trả lại cho dân, con cũng chưa tìm ra cách nào khác ...

-Ta biết vậy. Con chưa tìm ra, vì không chịu dùng cái tâm mà suy cho đến cùng đấy mà thôi. Việc chống giặc, mỗi thời mỗi khác. Đời Trần, giặc Nguyên vào như thác lũ, khí thế hung hăng. Chúng không có chính nghĩa, trong khi đại khối dân ta đều một lòng. Thời đó, các đấng Tiên quân và đức Hưng Đạo Vương đã đánh theo một cách. Đó là làm bớt nhuệ khí của chúng, rồi công lương đả viện để chúng nao núng tinh thần, rồi tập trung binh lực và sức đề kháng của dân tộc mà dùng đoản binh đánh trường trận đuổi chúng ra khỏi bờ cõi. Đó là cái thế nước lửa đối chọi. Chúng đến ào ào như lửa như gió, bên ta thì binh tướng như cha con mà trị được chúng. Ngày nay giặc vào nước ta với danh nghĩa “phù Trần diệt Hồ” để phân hóa lòng dân. Rồi tìm người Việt để cai trị người Việt, theo lối củi đậu nấu đậu. Chúng vào hết đợt này đến đợt khác, tới đâu cũng đưa người Hoàng Việt vào bộ máy cai trị, theo thế tầm ăn dâu. Chúng vào để ở lại lâu dài. Trong khi đó, dân tâm của ta thì ly tán. Năm xưa, từ trên xuống dưới chỉ biết chê trách cha con Quý Ly mà không nhìn ra giặc dữ. Giặc vào, bó tay hàng giặc biết bao nhiêu người. Rồi, quan lại của ta cũng suy đồi đạo đức và tư tưởng mà chỉ nghĩ đến thân mình, nhà mình; có chống giặc thì cũng chỉ là vì riêng mình. Làm sao có có thể lấy võ lực, vốn là sở đoản của ta trong thời này, để chõi lại binh lực vốn là sở trường của chúng?

-Bẩm Cụ, người tráng sĩ lấy tay áo chùi mặt, vẻ thảm não hỏi lại cụ già, con có mường tượng ra điều đó từ khi thấy chúng đánh thành Đa Bang, với sự giúp đỡ của nhiều người mơ tưởng việc xây dựng lại triều Trần, và chiêu tập lưu dân cắt quan cai trị.

- Thì vậy. Nay con biết dân ta oán chúng đến chừng nào? Những chỉ muốn có nơi kêu gọi, là muôn dân sẽ tập trung vào một hướng. Tại sao con không nghĩ đến sức mạnh của muôn dân, nó chẳng hơn cung tên, gươm dáo đến trăm lần sao? Nếu dân ta quyết không nuôi giặc, chúng đi đến đâu, ta đốt sạch đồng nội để không góp gạo cho chúng. Nếu từ Lạng Giang, Đông Đô xuống Thanh Hóa, Lạc Thủy, vào Chí Linh, Lam Sơn, xuôi Diễn Châu, Nghệ An tới Thuận Hóa, nơi nào binh tướng giặc Minh cũng gặp khó khăn vì bị thiếu lương, vì bị muôn dân phá hoại thì làm sao chúng có thể yên trị được? Phải làm chúng mệt, lấy cái nhàn của ta đánh cái mệt của chúng. Phải làm chúng đói, lấy cái no của ta đánh cái đói của chúng. Phải làm cho chúng bệnh, lấy cái khỏe của ta đánh cái bệnh của chúng. Con nên nghĩ cách dùng tâm, dùng trí để đánh chúng bằng mưu kế lâu dài...

- Làm sao con đảm đương nổi việc đó, thưa Cụ, con chỉ có một thân một mình ...?

- Vì vậy ta mới nói con là kẻ thiếu trí. Cụ già cao giọng nói trong bóng tối của ngôi đền cổ, hai mắt sáng long lanh. Con nghĩ là chỉ mình con thù giặc thôi sao? Con nghĩ là đám lê dân kia không biết chống giặc và chỉ trông cậy vào tay con thôi sao? Nếu biết vận dụng sức đề kháng của dân tộc, ngôi miếu cổ này cũng thành chiến khu, bìa rừng kia cũng là mồ chôn giặc. Quán nước hồi chiều sẽ là một trạm giao liên, mấy người dân con đã gặp sẽ trở thành nghĩa quân. Con phải chống giặc với toàn dân, chứ không để lưu danh “Long Môn hiệp khách” cho người đời khâm phục!
 
Người tráng sĩ cúi đầu ngượng ngập. “Long Môn hiệp khách”, sự kiêu hùng kéo dài non tháng ở thành Nghệ quả chưa phải là hành động tranh đấu đến nơi đến chốn. Vẻ mặt đăm chiêu, con người đã tính chuyện chọc trời khuấy nước tự nhiên thấy mình yếu đuối vô cùng trước một ông già lim dim ngồi trong miếu cổ. Ngoài kia, trăng đã lên tới đỉnh, vành cung cao vút.
 
Cụ già từ từ mở mắt, nhìn chàng tráng sĩ vẻ hiền từ:
 
-Ta biết con đang rất mực hoang mang. Nhưng, hãy quên khả năng cung kiếm của con đi. Con chống giặc cho hả giận, con chống giặc để khỏi bị bắt xử trảm, hay chống giặc để đuổi chúng ra khỏi bờ cõi và cứu lấy muôn dân? Việc đuổi giặc phải là việc  chính, anh hùng tính của con chỉ là phụ. Cái tài xuất quỷ nhập thần của con sẽ không làm giặc tan được đâu! Trước hết con phải biết từ từ bẻ chân rết, rồi con sẽ thấy, chúng chỉ là con giun. Đừng giết người vô ích mà chỉ nên nghĩ cách chiêu hàng đám quan lại Hoàng Việt, để họ trở về với giòng giống Việt và làm nội ứng đánh giặc ngay trong quân ngũ của chúng. Con giết bọn phản loạn là đẩy họ vào cái thế phải bảo vệ quan thầy để giữ mạng sống; tức làm rết mọc thêm chân. Hãy biết “công tâm” hơn công thành, hãy biết dùng tâm trí mà đánh vào tinh thần của giặc. Con nghe ta nói không, Mộc?
 
Người tráng sĩ đất Long Môn ngửng đầu kinh ngạc. Cụ già kín đáo gật đầu, rồi moi trong túi áo ra một cuốn vở đặt lên đùi.
 
-Ta biết tên con chứ. Tổ tiên con, từ bảy tám đời nay đã phục vụ Trần Triều và có mối duyên riêng với gia đình ta. Ta biết, con đã từ Hưng Hóa lặn lội theo đại binh Trương Phụ để mưu thích khách mà chưa thành. Phải biết khi nào cần tha, khi nào cần giết mới được. Ta thương gia đình con bảy đời xây dựng vùng Hưng Hóa với ta nên tìm đến con. Họ Đinh của con sẽ còn là khai quốc công thần lần nữa cho triều Lê sắp tới...

- Thưa Cụ, triều Lê nào?!... Còn riêng Cụ, con ngu tối vẫn chưa đoán ra cao danh ...?

- Tên ta không quan trọng. Trần, Lê gì cũng vậy thôi. Con hãy vào Lam Sơn đi. Hôm nay là ngày Trùng Cửu. Rằm này con sẽ gặp bạn cùng chí hướng trên đường tới Lam Sơn. Nơi đây con sẽ có dịp đem sự hiểu biết của con về các sắc dân Thổ, Mường để chống giặc cứu nước. Ta chỉ dặn con là, làm gì cũng phải biết quên mình đi. Sau Trùng Quang, nhà Trần sẽ tuyệt; nhưng Trần tuyệt mà Hoàng Việt vẫn còn mới là điều đáng để con suy gẫm ...
 
Long Môn tráng sĩ cúi đầu như uống từng lời nói của cụ già kỳ dị. Tiếng chim hót ngoài miếu khiến chàng như chợt tĩnh, ngửng lên nhìn cụ già.
 
Trước bệ thờ, chỉ còn ngọn đèn khô dầu leo lét cháy. Cụ già đã ra đi tự hồi nào. Nếu không còn tập vở trước mặt, chàng đã tưởng mình nằm mơ. Đảo mắt nhìn quanh miếu, chàng hiệp khách đất Long Môn chỉ thấy sự tĩnh lặng oai nghiêm của pho tượng thờ trên bệ. Quỳ dậy cầm tập vở, lần từng trang dưới ánh đèn chập chờn muốn tắt, chàng thấy ngần ấy trang chỉ ghi hai chữ “công tâm”. Ở trang cuối, một chữ “Duật” viết theo lối thảo, dợm bay như rồng thiêng hiện trong mây.
 
Chàng vươn vai đứng dậy, ra tới miếu như người vừa tĩnh ngủ. Bên ngoài, trời đang sáng hẳn. Quay lại nhìn ngôi miếu cổ, chàng thấy rõ bốn chữ “Chiêu Văn Vương Miếu”.
 
Đây là ngôi miếu thờ Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật, một vị đại tướng triều Trần. Vương là một tay am hiểu binh thư và đặc biệt đã có công khai phá khắp vùng Hưng Hóa; và cũng là một tay bác học hiểu rõ phong tục các sắc dân miền Thượng Du Hoàng Việt. Bảy đời trước, tổ tiên Đinh Công Mộc đã từng là tùy tướng của Vương và đã tham dự những trận đánh oai hùng nhất của lịch sử Hoàng Việt, khi ngăn chống giặc Nguyên ba lần trong ba mươi năm.
 
Họ Đinh của chàng là một thế gia vọng tộc vùng Hưng Hóa, thời đó đã là thành trì bảo vệ Tây biên của đất Hoàng Việt.
 
*
 
Trên đường tìm vào Lam Sơn, ngày rằm tháng Chín, Đinh Công Mộc có gặp một người bạn đồng hành. Bạn là người đã đỗ Thái học sinh từ mười mấy năm về trước và trọn mười năm qua, đã lặn lội khắp nơi để học cách chống giặc. Cho tới ngày chín tháng Chín ở Chí Linh, người bạn đã gặp một dị nhân để luận về “Bình Ngô Sách” ... Và đã được chỉ đường vào đất Lam Sơn.
 
Theo lời kể của người bạn, một tay văn nhân thao lược hơn đời, dị nhân đêm trùng cửu là một cụ già chống gậy, mặc áo đoạn màu xanh lam đã cũ...
 
Tháng 11, 1985
 
 
Cước chú:
 
Đại Nam Nhất Thống Chí viết về tỉnh Hưng Hóa: “Tỉnh này ở miền thượng du các hạt Bắc Kỳ, hình thể bao la, ít đồng ruộng mà nhiều rừng núi. Danh sơn có các núi Động Đình, Pha Lũng, Hùng Nhĩ và Bắc Thiệt cao chót vót ở phía Đông và phía Tây. Đại xuyên (sông lớn) thì có sông Thao, sông Đà bao bọc tả hữu. Phía Bắc giáp tỉnh Vân Nam, có các đồn Bảo Thắng, Phong Thu ngăn chặn nơi hiểm yếu. Phía Tây có phủ Điện Biên chế ngự nước Nam Chưởng. Còn hai mặt Đông, Nam tiếp giáp với các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Ninh Bình, Sơn Tây và Tuyên Quang. Đại khái, tỉnh này có nhiều rừng núi xen lẫn thật là hiểm trở, ngăn đón bảo vệ miền biên giới.
 
Cũng theo “Đại Nam Nhất Thống Chí”, ở châu Đà Bắc tỉnh Hưng Hóa, gần Châu Lỵ, phía trước mặt sông Đà, có núi Long Môn, còn có tên khác gọi là Thác Pha. Đá núi chặn ngang đến nửa sông, thế nước chảy rầm rộ rất nguy hiểm. Nhà Lý đánh giặc Ma Sa, có đóng quân ở eo Long Thủy, tức là chỗ này. Sách “Đại Nam Nhất Thống Chí” chép: “ Núi này ở huyện Triện Phủ Gia Hưng, trước giáp sông lớn, có đá đứng chót vót bao quanh, ít người lai vãng. Tục truyền, trên núi có cây ngải tiên, thường đến mùa Xuân nở hoa, gặp mưa, hoa trôi xuống sông. Bầy cá nuốt hoa, bèn qua sông Long Môn hóa thành con rồng”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét