khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Bảy, 18 tháng 7, 2015

Lý Chánh Trung và Linh mục Nguyễn Huy Lịch- Tác giả Nguyễn văn Lục



Tôi muốn viết thêm về vụ linh mục Nguyễn Huy Lịch và Lý Chánh Trung – hai trí thức công giáo tiêu biểu và hèn cũng tiêu biểu. Họ đã làm những công việc không đáng làm – những công việc của những tay điểm chỉ, đi tịch thu những cơ sở tôn giáo, đi làm nhân chứng cho những vụ công an đàn áp tôn giáo.

Nói đúng chỉ những loại người như họ mới làm được những việc đê tiện ấy!

Linh mục Lịch thuộc một gia đình có bề thế, có tiếng tăm ở Hà Nội; cha của ông là loại trí thức cấp tiến, thiên tả ở Hà Nội. Bố là luật sư, chống Pháp nên ngả theo phía bên kia. Sau khi Lm Lịch thi đỗ tú tài có ngỏ ý xin đi tu và đã bị ông bố tức giận bợp tai vì muốn ông học làm luật sư. Rồi cuối cùng cũng chiều theo con. Lm Lịch sau đó sang Pháp du học.

Năm 1954, bố mẹ Lm Lịch chọn ở lại Hà Nội cùng với một người em gái tên Khanh.

Năm 1955, thay vì về Hà Nội với gia đình, Lm Lịch chọn vào miền Nam, về làm Tuyên úy sinh viên công giáo Câu Lạc Bộ Phục Hưng, số 43 Nguyễn Thông. Nói đến Lm Lịch, một số đông sinh viên công giáo cũng như không công giáo đều có một thái độ trân trọng, kính mến ông vì tinh thần cởi mở và hòa hợp – không phân biệt tôn giáo hay xu hướng chính trị. Có khoảng 500 sinh viên đã từng ở câu lạc bộ này, xin kể một vài người:

“Nguyễn Đức Quý, Hoàng Ngọc Tuệ, Bùi Thế Cần, Ngô Khắc Tỉnh, Đoàn Thanh Liêm, Bửu Sao, Trần Ngọc Báu, Tô Lai Chánh, Đặng Tiến, Cao Huy Thuần, Vĩnh Linh, Pham Đăng Long Cơ, Đỗ Phan Hạnh (Chủ tịch Hội cựu hoc sinh Chu Văn An).”

Nói chung, người ta nhận ra phong cách trí thức nơi cách diễn đạt- dù bằng những ngôn từ dễ hiểu – pha chút khôi hài tế nhị sự tôn trọng cá nhân cũng như sự tôn trọng ý kiến khác biệt, tạo được bầu khí ôn hòa chấp nhận người khác.

Phong cách đạo đức hẳn cũng có.

Tuy nhiên có thể Lm Lịch thiếu một phong cách chính trị nào đó. Tôi rất lấy làm bất nhẫn và dám nói rằng khinh bỉ khi nhìn hình ảnh Lm Nguyễn Huy Lịch đang leo cái thang để lên trần nhà tìm xem chỗ Lm bề trên Trần Đình Thủ – một cụ già 80 tuổi đang ẩn nấp ở trên đó.

Cái hình ảnh ấy không đẹp tý nào cả.

Một ông linh mục trí thức phải đóng vai trò công an đi bắt kẻ gian! Đó có phải là công việc của một người đồng đạo đi tố cáo và bắt một người đồng đạo khác? Nó tố cáo một sự hăng say và sự mất tư cách của một linh mục.

Vai trò linh mục không ở chỗ ấy. Cũng chẳng phải vai trò như đứng về phía kẻ cầm quyền đi bắt một kẻ gian vốn là người anh em của mình.

Hình ảnh linh mục Nguyễn Huy Lịch leo thang lên chỗ trú ẩn của Lm Trần Đình Thủ mà nhiều người không mấy quan tâm. Nhưng nó lại bộc lộ rõ cái bản chất, cái hoạt cảnh trơ trẽn của đám linh mục trí thức tiến bộ thời ấy.

Nó cho người ta thấy rằng có một sự thỏa hiệp đồng lõa giữa những thành phần thiểu số tiến bộ trong công giáo với chính quyền cộng sản.

Trong khi đa số giáo dân, đa số linh mục tu sĩ sống thầm lặng, chịu đựng, giữ phẩm cách và không hùa theo đám giáo sĩ và trí thức tiến bộ mà cái hèn, cái thiển cận, cái óc cơ hội xu thời, cái theo đuôi kẻ mạnh, kẻ chiến thắng mà trước đây nhiều người vẫn coi là kẻ thù nguy hiểm nhất.

Họ trở cờ và họ muối mặt hãnh diện về sự trở cờ ấy. Nói nặng thì họ là những kẻ phản bội.

Thời xưa, chỉ có một Juda. Nay thì có khá nhiều. Juda Lý Chánh Trung, Juda Trương Bá Cần, Juda Huỳnh Công Minh và Juda Nguyễn Huy Lịch, v.v. nhiều đến đếm không xuể.

Họ không khác gì những người đánh trống và thổi kèn cho chế độ mới. Cả hai làm công việc đi tiếp thu Cư xá Câu Lạc Bộ Phục Hưng làm chỗ hoạt động cho chính quyền cộng sản. Họ tiếp tay cho cộng sản!

Chúng ta cùng nhau đọc lại mấy tin tức thời ấy. Tờ Sài Gòn Giả Phóng, số 117 đưa tin:

Đã phá vỡ một ổ phản cách mạng, đội lốt tôn giáo.

Tờ Tin sáng của nhóm Ngô Công Đức- Hồ Ngọc Nhuận Lý Chánh Trung, số 161 thì kết án mạnh bạo hơn đã đưa tin:

“Những bằng cớ tịch thu được của bọn phản cách mạng chứng tỏ bọn họ muốn phá bỏ những thành quả của nhân dân ta trong suốt 100 năm nay.”

Để tỏ ra khách quan, chính quyền mới đã mời ba người đại diện Thiên Chúa giáo trong vụ vây bắt này là các ông: Huỳnh Hữu Đặng, Nguyễn Đình Đầu và Lm Nguyễn Huy Lịch đến chứng kiến vụ vây bắt những người đang cố thủ trong nhà thờ.

Một lần nữa linh mục Nguyễn Huy Lịch và đám Tin Sáng với Ngô Công Đức, Lý Chánh Trung trở thành những kẻ tay sai, đồng lõa.

Riêng vụ án Vinh Sơn thì người ở ngoài giáo hội lại đề cập tới nhiều.

Mới đây nhất, Huy Đức trong Bên Thắng Cuộc có nhắc tóm tắt đến vụ Vinh Sơn như sau:

“Đêm 12 rạng sáng 13-2-1976, lực lượng an ninh thành phố bắt đầu tấn công nhà thờ Vinh Sơn, thu giữ các thiết bị phát thanh và in tiền giả. Hai linh mục cố thủ trong nhà thờ đã dùng súng và lựu đạn chống trả quyết liệt, bắn chết Nguyễn Văn Ràng, một cán bộ an ninh. Mãi tới gần sáng, lực lượng bao vây mới khống chế được nhà thờ, hai linh mục Nguyễn Hữu Nghị và Nguyễn Quang Minh cùng ba người khác bị bắt.”

Huy Đức chỉ căn cứ vào tài liệu của chính quyền cộng sản, sự thực sự việc xảy ra như thế nào?
Những người bị bắt trong vụ Vinh Sơn như hai vị linh mục, nhất là Nguyễn Xuân Hùng tự Ali Hùng bị giam chung với cánh nhà văn cũng bị giam tù thời đó.

Vì thế, có đến ba bài ký ức viết về anh lính Ali Hùng như bà Nhã Ca. Nhất là bài viết của Nguyễn Thụy Long, Ký ức về tiếng hát người tử tù. Và Duyên Anh, trong Nhà Tù, chương 18.

Xin ghi lại một trích đoạn của nhà văn Nguyễn Thụy Long, người chứng kiến những giờ phút chót của người tù tử tội Ali Hùng:

“Những câu chuyện vặt trong phòng giam bỗng im bặt, khi tiếng nói thật lớn thật to ở phòng giam tử tội cuối hành lang cất lên:

Chào tất cả các anh em bạn tù, chúng tôi ba người mang án tử hình, sẽ bị xử bắn vào sáng sớm ngày mai, chúng tôi có lời chào vĩnh biệt tất cả các anh em bạn tù, chúng tôi ba người mang án tử hình, sẽ bị xử bắn vào sáng sớm ngày mai, chúng tôi có lời chào vĩnh biệt tất cả các anh em còn ở lại. Tôi là Nguyễn Xuân Hùng, tự Ali Hùng, hai người bạn tôi, một là linh mục, một là chiến sĩ. Tôi là một người Việt Nam lai da đen, xứ Phi Châu Sénégalais, mẹ tôi là người Việt Nam, vậy tôi xin nhận nơi này làm quê hương, vì mẹ Việt Nam của tôi đã nuôi tôi khôn lớn và thành người. Trong phòng giam của tôi, vị linh mục đang quỳ dâng mình cho Chúa, người bạn chiến sĩ thì đang huấn nhục. Tôi có giọng khỏe, xin được hát thân tặng lại tất cả những anh em còn ở lại. Những bài hát thấm đượm tình quê hương của Phạm Duy mà tôi rất ngưỡng mộ: Chúng tôi đã mất Sài Gòn thật rồi.”

Chúng tôi lưu ý đến vụ án này là vì theo một nhân chứng rất quan trong là ông Trần Kim Định, bị án tù chung thân viết lại cho biết:

Trên xe về trại, Ali Hùng nói với tôi:

“Em thật không ngờ ông cha Lịch lại nhẫn tâm làm chứng gian cho em. Từ việc bắn chết tên Rạng đến việc dùng loa phát thanh đều do Dũng làm.  Tòa án đã cố tìm chứng cớ để cho đủ bản án tử hình.”

(Trần Kim Định, Hồi ký của Trung tá Trần Kim Định).

Phần tôi thì tin vào lời trối trăn của Ali Hùng. Linh mục thì không còn nữa.

Phải chăng Lý Chánh Trung hoặc Nguyễn Đình Đầu có thể viết lại chuyện này?

Bộ trưởng Quốc Phòng Lê Đức Anh và con trai Lý Chánh Trung, Lý Chánh Dũng: “Nói láo.”
Đây là chỉ là câu chuyện nhỏ nhắc lại cho vui. Nhắc đến các con ông, tôi nhớ là trong một lúc vui miệng, ông kể câu chuyện có lần ông Lê Đức Anh đến thăm một đơn vị quân đội có nói gì đó đụng chạm đến cá nhân Lý Chánh Trung. Không ngờ con trai Lý Chánh Trung cũng có mặt bữa đó. Lý Chánh Dũng, một đại úy mới về từ chiến trường Cam Pu Chia cũng có mặt.

Muốn hiểu đầu đuôi thì cần phải nhắc lại, khi còn làm đại biểu Quốc Hội, Lý Chánh Trung có đề nghị phải cho báo chí tư nhân hoạt động.

Lời đề nghị đó đi quá xa và làm Nguyễn Văn Linh nổi giận. Bà Ngô Bá Thành – một thành viên của mặt trận cũng hùa theo phê phán Lý Chánh Trung dữ dội.

Tiếp theo, Lý Chánh Trung nguyên là Phó chủ tịch Hội Trí thức yêu nước nên có đồng ý để cho tổ chức một buổi nói chuyện cho nhà văn Dương Thu Hương nói về cuốn tiểu thuyết đang gây tranh cãi hồi đó nhan đề, Những Thiên đường mù.

Rõ ràng là một cuốn sách chống Đảng.

Từ đó, Lý Chánh Trung không được Mặt trận Tổ Quốc đề cử vào danh sách đại biểu Quốc Hội nữa.
Dư luận còn cho rằng, lợi dụng tình hình ở Đông Âu sụp đổ, một số thành phần thuộc lực lượng thứ ba trước đây nay đang có mưu đồ diễn tiến Hòa Bình.

Lê Đức Anh lợi dụng dịp nảy đưa ra trường họp Lý Chánh Trung trong bài nói chuyện của ông ta để mọi cấp cảnh giác.

Nhưng chẳng may có mặt con trai của ông Lý Chánh Trung ngồi đó. Dũng tức khí vì có kẻ đụng chạm đến bố mình – bất kể kẻ đó là ai – anh tức khí đứng lên, đập bàn hét lớn, “Nói láo”, rồi vội rời khỏi Hội trường. Sau này, Lý Chánh Dũng ra khỏi quân đội và làm Tổng Biên Tập tờ Đại Đoàn kết.
Câu chuyện rồi cũng xong, được Lê Đức Anh bỏ qua.

Giả dụ nếu không phải là con trai Lý Chánh Trung thì số phận viên đại úy quèn này sẽ ra sao?
Kể xong câu chuyện, Lý Chánh Trung cười một cách rất con người – một Lý Chánh Trung rất là Lý Chánh Trung.

Tôi cũng cười nói, “Như thế là nó giống bố nó.”

Tôi cảm nhận và bắt gặp lại cái cười nửa miệng hơn 40 năm về trước của một trí thức miền Nam – với cá tính miền Nam – với phong cách trí thứ áo vét, măng tô – với cái miệng ngậm ống tẩu – đôi chút cao ngạo cùng nhau dạo buổi tối trên một con dốc của Viện Đại Học Đà Lạt.

Tôi ngậm ngùi đã có một thời, cuộc sống của người miền Nam có thể sống an bình hạnh phúc như thế. Con người trí thức xưa ấy và con người ngày hôm nay ngồi trước mặt tôi, hình như không phải một người.

Sau vài giây phút thoải mái, Lý Chánh Trung trở lại con người thay vì khoác măng tô mang từ Bỉ về, ông khoác lại chiếc áo Mác xít và nói:

“Này nói chơi thôi nhé, đừng kể cho ai nghe và về bên ấy nhớ đừng viết gì cả.”

Lý Chánh Trung bỏ đạo Chúa theo Mác

Nhắc lại vấn đề này cho thấy cộng sản có thể dùng áp lực chi phối con người ngay cả trong lãnh vực niềm tin tôn giáo. Một người công giáo bỏ đạo là điều khó lắm, không dễ. Nhất là bỏ đạo vì áp lực của Đảng. Điều đáng trách nhất nơi ông – mà điều gì khác cũng có thể xí xóa được – là khi cộng sản vào một thời gian, trước mặt nhiều người, ông tuyên bố công khai kể từ nay, ông bỏ đạo công giáo.
Việc công khai hóa ấy ông muốn chứng tỏ cho mọi người biết mà không cần dấu diếm.

Việc công bố này làm bỉ mặt nhiều người. Nhất là những người công giáo. Một người công giáo bình thường không ai làm như vậy. Có ai bắt ông phải làm một điều như vậy? Bỏ đạo thì có người đã từng làm, nhưng công bố bỏ đạo là một điều ít ai trên đời này có thể làm được.

Và được biết, chỉ đến khi con trai ông bị nạn. Ông than thở, cầu cứu khắp nơi và cuối cùng chẳng còn biết trông cậy vào ai, ông mới hồi tâm trở lại đạo.

Tuy nhiên, theo tôi được biết thì hiện nay kể như cả gia đình ông đều ra khỏi công giáo. Tôi cũng được biết rằng ảnh hưởng gia đình bên vợ ông trong những quyết định của ông theo cộng sản là điều không nhỏ.

Khi con trai ông qua đời, không thấy đả động gì đến các nghi thức công giáo cả?

Thôi thì cũng đành
.
Sau 1975, ông đã sống khuôn mình vào môi trường CNXH vốn không dễ gì. Bởi vì, con người Xã Hội chủ nghĩa, ngoài sức khỏe thể xác và tinh thần còn có một thứ sức khỏe không thiếu được: Đó là sức khỏe chính trị. Theo sự nhận xét của riêng cá nhân tôi, ông Lý Chánh Trung là người bằng mọi giá bảo vệ các sức khỏe chính trị này. Tất cả những cánh bạn bè trí thức cũ hầu như đều tìm cách lánh xa ông và chính ông cũng tìm cách lánh xa họ để giữ cho trọn vẹn cái sức khỏe chính trị ấy.

Tôi cũng nhận ra được những nỗi khổ của người trí thức biết câm lặng, biết nói điều gì được phép nói.

Mất cái sức khỏe này thì mất tất cả nên ai cũng phải lo giữ gìn.

Cho nên, người ta không lấy làm lạ gì khi cấp lãnh đạo Đảng vào thăm thành phố Saigòn năm 1975 đã chỉ đưa ra một nhận xét duy nhất cho một người – một nhận xét xem ra quá khổ về Lý Chánh Trung: Lý Chánh Trung là một người cộng sản không có thẻ đảng.

Lời khen này có thể là một lời khen thật – vì ông được đề nghị cho vô Quốc Hội mà cũng có thể hàm ý anh vừa vừa thôi nhé, đủ dose rồi, như một lời đe dọa bóng gió.

Lời nói bóng gió ấy chắc có kẻ sợ giữ mình.

Tôi đã không được biết phản ứng và câu trả lời của Lý Chánh Trung ra sao. Chắc là im lặng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét