Giới thiệu và góp ý về cuốn Mặt Trận Đại Học của Bạch Diện Thư sinh
Cũng một cách ấy, tôi cũng nhận ra, tại hải ngoại này, chính người quốc gia sợ người quốc gia. Vì thế, họ chụp mũ, vu cáo, bịa đặt cho nhau! Ai cũng có thể là tay sai cộng sản. Và người ta thường mỉa mai chống cộng hay chống nhau!
Đó là biểu tượng tinh thần xã thôn, lấy ta làm trung điểm, là đúng, người khác là sai.
Tôi nhấn mạnh là có bốn cuốn sách của phía bên kia viết về mật vụ ông Cẩn với trân trọng.
Có cuốn sách nào của phía bên kia viết về công tác của Phủ Đặc Ủy Trung ương tình báo không?
Trong khi đó chẳng hiểu tại sao có nhiều người quốc gia hận thù ông Cẩn và đánh giá quá thấp ông Cẩn như thế! Trong khi kẻ thù của ông lại nể sợ ông.
Mười Hương sau này vào đến Trung Ương Đảng(10) viết về Ngô Đình Cẩn như sau:
Chúng ta lâu nay cứ chê bai thằng Cẩn rằng nó đi guốc mộc, miệng nó nhai trầu bỏm bẻm… chê như vậy nó không đúng đâu. Thằng Cẩn giỏi lắm, có mưu trí lắm. Nếu anh em thằng Diệm mà nghe lời thằng Cẩn thì chưa chắc Diệm đã đổ sớm như vậy đâu. Chính Nhu Thục bảo đàn áp Phật giáo chứ thằng Cẩn bảo không được…’(11)
Sách về công tác mật vụ thời đệ nhị cộng hòa kể là hiếm hoi như vừa nêu trên. Vì thế, tôi đón nhận một cách phấn khởi khi đọc cuốn “Mặt Trận Đại Học” của Bạch Diện Thư Sinh.
Trước khi đọc “Mặt Trận Đại Học” thì đã được nghe nói về tác giả cũng như về những người bạn đồng hành, những người mà sau này, do nghề nghiệp nghiệt ngã, chịu đựng những án tù, người 8 năm, người 13 năm và có hai người tù đến 17 năm mấy tháng cho đến lúc đóng cửa trại tù cải tạo. Sự trân trọng, lòng quý mến cũng như sự cảm phục về con người, về tư cách của các anh em ấy cũng như về cách xử xự khi ra khỏi tù càng cho tôi có một cảm tình đặc biệt với họ.
Họ là những sinh viên thuộc đủ phân khoa đại học Sài Gòn mà phần đông đã tốt nghiệp đại học nay trở lại trường công tác trong vai trò một điệp báo viên. Họ đã làm công việc của họ trong thầm lặng, trong một tổ chức mà một số quy luật bắt buộc phải tuân theo. Phải nói họ lãnh cái phần thiệt thòi nhất, hy sinh nhiều nhất, nhất là đánh mất tuổi trẻ trong cuộc chiến tranh này.
Một phần đời của họ sẽ không bao giờ lấy lại được.
Đại bàng gẫy cánh! Không họ chỉ là những con người bình thường trong một xã hội miền Nam mà điều tốt nhiều hơn điều xấu, người tử tế thì nhan nhản ngoài đường phố. Vậy mà họ đã một thời sống nỗi bất hạnh, mất mát của cả một miền đất nước.
Nay họ đã trở về. Và họ đã lớn lên. Nhà tù đã không thay đổi được gì nơi họ.
Trong cái tâm tình ấy. Tôi cũng đã đọc cuốn Hồi Ký ngắn, “Một cuộc đổi đời” của anh Lê Anh Kiệt, một sinh viên tốt nghiệp đại học khoa học mà cha theo kháng chiến, gốc miền Nam. Anh không viết gì nhiều về những ngày công tác trong Phủ Đặc Ủy Tình báo, nhưng viết về trại tù cải tạo trong suốt 17 năm. Trước khi đi tù, anh có người vợ trẻ đang mang thai cháu bé. Và khi ra tù thì vợ anh đã bỏ đi rồi.
Anh viết với một tấm lòng, với sư trung thực, với một sự chững chạc không kết án ai, nhất là những thiệt thòi bạc bẽo từ nơi mà anh đã từng phục vụ.
Ngoài Lê Anh Kiệt, người viết cũng xin được nói tới anh Nguyễn Phúc Bửu Uy, người chủ tịch sinh viên Sài Gòn (1972-1973). Qua điện thoại, với tiếng cười xem ra hồn nhiên, trong sáng. Xem ra anh không phải là người đã từng 17 năm tù trong ngục tù cộng sản? Những câu trả lời của anh rất mực thẳng thắn mà vượt khỏi những ranh giới hận thù.
Anh cũng là nhân viên của cụm tình báo A17 và cũng như nhiều anh em khác, cũng như khoảng 500 nhân viên của Phủ Đặc Ủy Trung Ương Tình báo, anh đã bị đi tù cải tạo trong suốt 17 năm và chỉ được thả ra khỏi trại cải tạo ngày 29 tháng 4 năm 1992 cùng với 20 người tù cải tạo cuối cùng, trong đó có bốn tướng lãnh Việt Nam Cộng hòa. Và một trong những người đó là tướng Lê Minh Đảo – từng được mệnh danh là “Người hùng Xuân Lộc”. Tướng Đảo cũng là người lo giúp đỡ và chăm sóc cho Bửu Uy lúc mới ra tù. Tình bạn của họ nảy sinh từ trong tù, từ những lúc cuộc đời tăm tối, lao đao, khốn khổ nhất.
Được hỏi tại sao anh bị đi tù cải tạo lâu như thế? Anh Bửu Uy do dự trả lời, “Có thể mình cũng bướng với họ. Và cũng rất có thể, họ muốn dụ ra làm việc cho họ, nhưng mình từ chối.”
Nếu muốn, chúng ta có thể gọi anh là người tù ‘kiệt xuất’. Mặc dầu cha anh cũng là cán bộ phía bên kia. Nhưng đã không giúp đỡ gì được anh cả. Nói chuyện qua điện thoại với anh, tôi có cảm tưởng anh đã vượt thắng được chính mình và nay anh đã coi 17 năm tù ấy như phần đời đã trải qua.
Nó cũng làm anh lớn lên về nhiều mặt.
Nhưng nghĩ tới anh và nghĩ tới những bạn bè của anh như quý anh Tuân (Pháp), Ngọc Diệp, họa sĩ, Điệp, anh Thắng, cũng 17 năm tù (người phụ trách vụ Huỳnh Văn Trọng) cùng chung nỗi oan nghiệt thời thế.
Tôi cũng muốn nhắc đến ông Nguyễn Thành Long, người chỉ huy A17 được anh em quý mến vì sự nhiệt thành, hăng say trong công việc và rất được tướng Bình quý trọng.
Tôi có một thắc mắc trong nhiều thắc mắc là liệu công việc của A17 có thể xâm nhập vào cơ sở chùa Ấn Quang, vào đại học Vạn Hạnh không? Bởi vì nhiều phần tử cộng sản đã được cài đặt vào chùa Ấn Quang và họ đã tạo dựng được cơ sở từ nơi chốn thiền môn này?
Chẳng hạn, một thí dụ điển hình trong một bài viết của Vũ Tiêu Giang đăng trên báo Độc Lập ngày 12 tháng 8 -71 với tiêu đề như sau: Đồng bào các giới xúc động. 20 sinh viên, học sinh tuyệt thực đã bắt đầu kiệt sức! ‘ Dùi cui xiết chặt vòng vây’ quanh chùa Ấn Quang.
Dùi cui thì chắc là công việc của cảnh sát không phải công việc của anh em A17 rồi.
Sài Gòn ngày 11 tháng 8 (ĐL) Tiếp xúc với báo chí sáng thứ tư tại chùa Ấn Quang, T.T. Huyền Quang phát ngôn viên chính thức của giáo hội Việt Nam Thống Nhất Ấn Quang lên tiếng cho rằng nếu đại tướng Dương Văn Minh rút lui thì cũng chỉ vì ông Thiệu đã gia công tối đa cố chèn ép các liên danh đối lập và như vậy cuộc bầu cử đơn độc chỉ có một mình liên danh chính quyền thì hóa ra một trò khôi hài có một không hai trên thế giới.
Khi đưa ra nhận định trên T.T. Huyền Quang còn lớn tiếng tiên đoán rằng: ông Thiệu dù bình tĩnh đến đâu cũng không gạt nổi sự lo ngại về đảo chánh, tranh cử đơn độc trưng cầu dân ý để bảo đảm pháp lý tổng thống sau 3 tháng 10- 1971.
Lên tiếng về dư luận cho rằng Đại sứ Bunker về Hoa Thạnh Đốn có liên can đến vấn đề bầu cử tổng thống, nhất là liên danh Kỳ-Lễ bị loại bỏ. T.T. Huyền Quang nói rằng dư luận thấy rõ tại Hoa Thạnh Đốn chứ không phải Đại sứ Mỹ ở Việt Nam đang bối rối trước trò chơi dân chủ tháng 10 sắp tới đây có thể có lợi cho Mỹ hoặc cũng có thể có hại cho chính sách ngoại giao Mỹ với thế giới và cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 1972.
Một nhà sư tạm bỏ kinh kệ để bàn luận chính trị cũng đến là hay. Tôi đồng ý với T.T. Huyền Quang trò bầu cử độc diễn này thật là khôi hài. Nhưng nếu đã là khôi hài thì còn chấp làm gì và xúi các thanh niên sinh viên tuyệt thực đến đói lả? Thật là tội nghiệp cho các cô cậu ấy. Cuộc tranh đấu tuyệt thực xem ra thiếu tính chính nghĩa. Đó có phải là công việc của một nhà sư? Hay đó chỉ là cái bệnh tinh thần xã thôn, xía vô và gây rối?
Một số nhỏ nhà sư, gốc gác miền Trung, mang sẵn tinh thần xã thôn, lấy vùng địa lý của họ làm điểm tựa, đã liên tục quấy phá chính quyền trong suốt nhiều năm như thế.
Và xin hẹn trong bài sau sẽ phân tích kỹ càng về họ.
Tướng Nguyễn Khắc Bình- Phủ Đặc Ủy như lá che chắn cho chế độ
Có một câu hỏi mà tôi mong muốn các nhân viên từng phục vụ trong Phủ Đặc ủy Trung ương Tình báo cho tôi một câu trả lời là: Từ năm 1968 cho đến 1975 dưới quyền lãnh đạo của tướng Bình, Phủ Đặc ủy Trung ương Tình báo đã làm được những công trạng gì? Câu trả lời mà mọi người ở bên ngoài đều muốn biết sự thật. Tất cả những nhân viên tình báo trong cụm A17 đều có vẻ e dè không muốn trực tiếp trả lời!
Cuốn sách của tác giả Bạch Diện Thư Sinh thì càng kín đáo đến hầu như tôi không thấy tên tướng Nguyễn Khắc Bình trong cuốn sách, người chỉ huy cao cấp nhất của cụm A17. Thế nghĩa là thế nào? Tôi thấy chỉ có một lần tướng Bình được nhắc tới trong việc thành lập A17 mà thôi(12). Sự im lặng ấy mang ý nghĩa gì? Sự nhắc tới như thể không nhắc đến tên người chỉ huy của mình trong toàn cuốn sách, phải chăng tự nó đã là một ân huệ?
Vì thế, tôi không thể không nghĩ đến người chỉ huy của Phủ Đặc ủy Trung Ương Tình báo: Tướng Nguyễn Khắc Bình. Giống như các cấp chỉ huy cao cấp trong chính quyền miền Nam. TT Nguyễn Văn Thiệu đã chuyển giao quyền hành cho Phó Tổng thống Trần Văn Hương. Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, trước đó, đã mời ông Nguyễn Bá Cẩn ra giữ chức vụ Thủ tướng, thay cho thủ tướng đương nhiệm là Trần Thiện Khiêm vừa từ chức. Nhiệm kỳ của Thử tướng Nguyễn Bá Cẩn kéo dài 10 ngày, từ 14/4 đến 23/4/1975. Phần Tướng Nguyễn Khắc Bình, theo một người nhân viên làm tại Phủ Đặc Ủy cho hay, tướng Bình đã ‘ép’ ông Nguyễn Phát Lộc, đốc sự thượng hạng, ngoại hạng phải nhận chức Đặc ủy Trưởng thay ông, mặc dầu ông Lộc từ chối không muốn nhận.
Ông Lộc, một công chức già, người từ tốn, kín đáo, không khoe khoang khoác lác, có hiểu biết rộng, không quen biết nhiều, sau đó đóng vai ‘Con dê tế thần’ hay nói cho đẹp là ‘Lê Lai cứu Chúa’, ông cũng như mọi anh em khác trong Phủ Đặc Ủy Trung Ương tình báo phải đi học tập.
Sau đó, ông Nguyễn Phát Lộc đã chết trong trại học tập tại Nam Hà!
Cộng sản vào thì ai cũng sợ, ai cũng tìm đường cho mình một con đường thoát hiểm. Nhưng vẫn cần có một Sirik Matak, một Nguyễn Khoa Nam chứ!
Thư của Thủ tướng Cambodia Sirik Matak gởi Đại sưa Mỹ tại PnomPenh John Gunther Dean
Giá lo xong được cho đồng đội, rồi muốn đi đâu thì đi vẫn là điều tốt đẹp nhất.
Tôi còn nhớ F. Snepp có phận sự lái xe đưa hai ông Thiệu và Khiêm ra phi trường theo lệnh của Polgar. Lộ trình của T.T. Nguyễn Văn Thiệu là phải ghé qua đón thủ tướng Khiêm, sau đó trên xe, F. Snepp còn đặn dò T.T. Nguyễn Văn Thiệu phải cúi rạp xuống sàn xe kẻo lính gác cổng trông thấy sẽ tức giận nổ súng. F. Snepp còn cắc cớ hỏi, bà Nguyễn Văn Thiệu giờ này đang ở đâu?
Ông Thiệu trả lời “nhà tôi đã đi sớm và giờ này đang đi mua sắm đồ ở Londres.” Chỉ một câu trả lời một cách tự phát này thôi đủ đánh giá cuộc đời làm Tổng Thồng của ông Thiệu.
Về tướng Nguyễn Khắc Bình thì một trong số những người cận vệ của ông khi vào tù có kể cho bạn bè nghe là: Ông Bình đã lặng lẽ ra đi, và không từ biệt cũng như chào hỏi bất cứ nhân viên dưới quyền nào. Người cận vệ ấy kể thêm – không biết đúng hay sai – là tướng Bình đã rút ra 5000 đô la cho người nhân viên này!
Chữ tướng Bình “lặng lẽ ra đi” là chữ của Huy Đức, tác giả “Bên Thắng cuộc” dùng. Xin trả lại cho tác giả Huy Đức.
Ông Lâm Lễ Trinh thì mỉa mai hơn, viết:
‘Sáng 29-4-1975, Sài Gòn hoảng loạn hoàn toàn, Tướng Nguyễn Khắc Bình đã bỏ chạy, chỉ có Phó Tổng Giám đốc cảnh sát Phạm Kim Quy. Quy cho biết y chỉ có thể điều động được một sư đoàn cảnh sát dã chiến và sẽ cố gắng thi hành chỉ thị của ông tổng thống Minh, giữ trật tự trong đô thành(13).
Theo một nhân viên làm tình báo ở Phủ Đặc Ủy Trung Ương trong nhiều năm có viết cho tôi nội dung như sau:
‘Chiều 29 tháng tư, trước khi rời cơ quan, ông phụ tá Nguyễn Phát Lộc cũng chờ đợi như một số anh em từ sáng tới giờ, nói với chúng tôi: Ông Long và đại tá Nguyễn Tấn Lợi được cử sang tòa đại sứ Mỹ thu xếp di tản thì đã lên máy bay đi rồi. “Các anh về thu xếp lo liệu cho gia đình. Tôi cũng như các anh.”
Có anh thắc mắc, “Nhưng ông phụ tá cũng có passport ra phi trường.” Ông Lộc đáp lại, “Tôi cũng như các anh.”
Xếp lớn, xếp nhỏ lo tìm đường thoát thân để mặc đàn em ở lại! Trong cái cách thức ra đi này, những người ở lại cảm thức được như một sự phản bội. Trong thâm tâm họ nghĩ như thế. Ngồi trong tù họ cũng nghĩ như thế. Chỉ không tiện nói ra.
Nếu có dịp may mắn gặp tướng Bình, tôi sẽ tặng ông một cuốn sách rất đáng đọc. Đó là cuốn “Hồi Chuông tắt lửa”, truyện của Thế Nguyên. Tại sao tôi lại có ý định tặng quyển sách này? Chỉ có cách là tìm đọc nó ắt sẽ hiểu.
Còn đối với người bình thường, ưa đọc sách thì xin giới thiệu truyện ngắn của nhà văn Phạm Duy Tốn. truyện “Sống chết mặc bay”. Ngoài kia vỡ đê, dân làng nghe trống thúc dục lo cứu lụt, phần các cụ Chánh, cụ Lý, quan trên vẫn chiếu trên chiếu dưới, rượu vào lời ra, chửi nhau loạn xạ! Một lúc lại có người chạy vào bá cáo đê thế này, đê thế kia! Các cụ vẫn tiếp tục chửi nhau, sống chết mặc bay!
Đó là cái tinh thần xã thôn, cái văn hóa làng xã, cái Le Mal Vietnamien! Nó thiếu hẳn một tấm lòng tử tế. Nó thiếu hẳn một thứ đạo đức vì người hay vì mình.
Tôi đã có cơ hội được nghe cũng như tôi đã đọc; tôi đã được cơ hội nói chuyện với một số người trong nhóm A17 và cả một số nhân viên khác trong Phủ Đặc Ủy, tôi chỉ còn biết tôn trọng thái độ của họ cũng như tôn trọng sự chọn lựa của mỗi người. Và nhất là tôn trọng cách ứng xử của họ sau khi ra khỏi tù cải tạo. Chắc hẳn, họ có quyền ngửng mặt lên trước mọi người vì họ đã thực sự lớn lên sau những năm tháng cô đơn cùng cực trong cõi tối tăm của ngục tù cộng sản.
Nhưng với tư cách người cầm bút, tôi cần trình bầy một cách đẩy đủ hơn, nhất là những mặt trái của quá khứ.
Và nhân tiện đọc cuốn sách này – mặc dù cuốn sách giới hạn vào hoạt động của nhóm A17- ( A17 có nghĩa hoạt động tình báo tại 17 phân khoa đại học Sài Gòn) mà tôi viết bài giới thiệu và khai triển thêm về những hoạt động mật vụ, vốn là một bộ phận trong bất cứ cuộc chiến tranh nào.
Nhận xét chung của tôi là các hoạt động mật vụ của Việt Nam Cộng hòa, nhất là thời kỳ Đệ Nhị Cộng Hòa chưa đáng kể. Tôi không đủ tư cách để biết rõ từng cơ quan, từng tổ chức và đó cũng không phải là công việc của tôi.
Tôi chỉ nhìn bên ngoài, nhìn các hoạt động của cộng sản thì thấy họ hoành hành xuống đường, biểu tình, phá rối trị an, đốt xe Mỹ, ám sát hết nhân vật nọ, nhân vật kia. Nếu chúng ta có một tổ chức tình báo chặt chẽ như trước đây, làm sao có thể để xảy những cảnh thây người nằm la liệt bị chết, bị thương như vụ Mỹ Cảnh?
Cảnh sát bất lực! Các tổ chức an ninh, mật vụ, an ninh quân đội bó tay. Hàng chục vụ đốt xe Mỹ, hàng chục vụ ám sát công khai giữa thanh thiên bạch nhật. Và gần 200 vụ đánh bom trên toàn quốc. Xác người bị giết như giáo sư đại học y khoa nằm phơi thân giữa phố thị không đủ gây một mối thương cảm nào trong dân chúng.
Xác sinh viên Lê Khắc Sinh Nhật nằm đó. Có biểu ngữ, có những lời phản đối. Nhưng nhà cầm quyền như cảnh sát im lặng.
Không một lời công bố lên án và hứa sẽ trả thù cho họ.
Hàng trăm vụ xuống đường biểu tình, đi khơi khơi ngoài phố, hung hăng, la hét, biểu ngữ rợp trời. Cảnh sát chỉ dàn trào và ngăn chặn, kéo hàng rào kẽm gai.
Tôi cũng đã từng chứng kiến cảnh đó. Tôi thấy thiếu một cái gì, không giải thích được. Thiếu một tinh thần! Tôi nói thật, thiếu thật đấy. Tôi chưa bao giờ được chính tai nghe tướng Bình, đứng đầu cảnh sát lên tiếng.
Trang Sĩ Tấn họp báo, tuyên bố huyênh hoang, dọa nạt thì có. Tôi nghe mà không tin.
Đã thế, về mặt lý tưởng, ta thờ ơ, thiếu huấn luyện. Về mặt tinh thần ta hớ hênh và thiếu cảnh giác. Về mặt thực tế, nhiều bộ phận làm việc như công chức, sáng đi tối về. Đó không phải là công tác mật vụ, vì nó đòi hỏi hơn nhiều, một sự hy sinh đôi khi cả gia đình, vợ con. Mật vụ là kín đáo, làm mà tay phải không biết tay trái làm.
Dương Văn Hiếu. Một người làm tình báo tiêu biểu! Một người đã bị Phủ Đặc ủy Trung ương Tình báo cho ngồi chơi
Mặc dầu Dương Văn Hiếu không phải là chủ điểm của bài viết này. Nhưng ông lại là ngưới làm tình báo có công trạng nhất thời Việt Nam Cộng hòa. Hơn hẳn mọi người – hơn Trần Kim Tuyến một bậc. Câu hỏi là tại sao Dương Văn Hiếu làm được người khác không làm được? Nhắc đến ông cũng là dịp để so sánh Mật vụ miền Trung với các cơ quan tình báo khác như thế nào.
Chắc nhắc đến Dương Văn Hiếu, nhiều người sẽ không quên có dư luận về việc thủ tiêu một vài chính khách đối lập thời đệ nhất cộng hòa. Công việc ấy, sẽ xin đề cập đến trong một bài viết khác.
Nhắc đến ông cũng bởi vì ông đã bị Thủ tướng Trần Thiện Khiêm ‘gửi gấm’ ông một cách đặc biệt sang Phủ Đặc ủy Trung ương Tình báo như một hình thức giam lỏng ông.
Về điểm này, mong được tướng Bình giải thích kỹ càng hơn chăng?
Nhắc đến Dương Văn Hiếu là nhắc về một quá khứ sự nghiệp làm tình báo của ông và những người cộng sự với ông. Ông được cụ Võ Như Nguyện, một vị chỉ huy cảnh sát miền Trung đặc biệt giới thiệu, rồi sau đó ông trở thành trưởng ty công an Thừa Thiên Huế. Trong thời gian làm trưởng ty công an Thừa Thiên, Huế, ông đã phá vỡ được trong vòng hai năm hệ thống điệp báo cộng sản Khu 5. và từ đó mở rộng hoạt động ra các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Trị, Bình Thuận, Quy Nhơn(15)…
Quan trọng hơn cả ông đã bắt được Mười Hương, ủy viên Trung ương Đảng, chỉ huy mạng lưới tình báo của Hà Nội tại miền Nam. ở Sài Gòn năm 1958. Y không chịu quy thuận, rồi đại tá cộng sản Lê Câu, rồi Phạm Bá Lương công cán ủy viên của Bộ ngoại giao(15)!
(11) Hoàng Hải Vân, “Tướng tình báo chiến lược”, Thanh Niên, số 330, thứ ba 26/11/2002
(12) Bạch Diện Thư Sinh, Ibid, trang 248.
(13) Lâm Lễ Trinh, “Về Nguồn”, trang 339. Theo tôi thì tướng Bình đã rời Sài Gòn sớm hơn thế nhiều. Chỉ đi sau Ông Thiệu thôi.
(14) Xin đoc bài Phỏng vấn của ông Lâm Lễ Trinh có nhan đề “Dương Văn Hiếu lên tiếng” đăng trên vietnamexodus, một bài phỏng vấn khong thể bỏ qua. Sau đó, Dương Văn Hiếu cũng nhờ tỉnh trưởng Thừa Thiên ông Nguyễn Đình Cẩn cũng như ông Hồ Đắc Khương, Đại biểu chính phủ miền Trung nhiệt tình giới thiệu với tổng thống Ngô Đình Diệm.
Giữa năm 1957, tổng thống Diệm bổ nhiệm ông làm Trưởng Đoàn Công Tác Đặc Biệt Miền Trung để làm việc tại Sài Gòn vào đầu năm 1958.
Người ta thường tưởng lầm ông làm việc cho ông Cẩn. Không hẳn vậy. Ông làm việc trực tiếp với ông Nhu, đôi khi ông Diệm gọi. Nhân viên dưới quyền ông không có cả trăm người mà vỏn vẹn có khoảng 10 nhân viên.
Kết quả là ông đã bắt được Vũ Ngọc Nhạ, một cán bộ trà trộn vào bộ Công Chánh. Huỳnh Văn Trọng thì dính dáng vào vụ Gián Điệp Pháp ở nhà hàng Morin Huế. Y trốn thoát qua Cao Mên. Năm 1963 thì mò về được Sài Gòn, do linh mục Trần Ngọc Nhuận bạn của gia đình Nguyễn Văn Thiệu giới thiệu và sau đó Nhạ ‘trở thành cố vấn’.
(15) Lâm Lễ Trinh, “Dương Văn Hiếu lên tiếng”, vietnamexodus.info
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét