Đức Thầy Huỳnh Phú Sổ, |
Từ những ngày đầu ở miền Nam, 1954, khi còn trong tuổi thiếu niên, người viết bài này đã nghe nói đến nhân vật Huỳnh Phú Sổ, giáo chủ Phật Giáo Hòa Hảo, được nhìn thấy hình ảnh ông với gương mặt thanh thoát, sáng láng, và mái tóc dài khác thường, được nghe đọc đôi câu sấm giảng của nhà lãnh đạo tôn giáo trẻ tuổi, nhưng không được đọc đầy đủ.
Trong mấy năm gần đây, một đoạn thơ đã khiến nhân vật Huỳnh Phú Sổ sáng lên trong tôi lại chính là thơ của ông, đó là đoạn thơ vượt lên trên thơ đạo, trong đó nhà lãnh tụ nói đến nạn đói mà năm 1945 mà khi còn thơ ấu tôi đã chứng kiến, cái bánh nếp cầm trong tay đang ăn dở dang khi tôi đứng trước cửa nhà mình trên phố Ðồng Văn, đã bay xoẹt khỏi tay tôi, biến mất trong miệng một thanh niên đen đủi vừa xẹt vèo qua, cướp cái bánh và nó biến mất trong cái miệng đen ngòm, khuôn mặt với hai hố mắt trắng dã, làn da đen đủi. Nạn đói ấy khiến hơn hai triệu người các tỉnh Thái Bình, Nam Ðịnh chết rụi dọc quốc lộ xuyên Việt, cả đoạn phố trước cửa nhà tôi, trải dài lên Hà Nội, ra Hải Phòng. Chính Huỳnh Phú Sổ đã đọc thơ ở Sa Ðéc thúc đẩy người dân miền Nam phải làm việc cứu nạn đói ấy; bài thơ của vị giáo chủ, và cuốn sách kể lại việc này, đã khiến tôi kính trọng nhân vật đã nghe đã biết từ nửa thế kỷ trước, một cách khác hẳn.
“Một hôm Triệu đến viếng cụ cử Võ Hoành. Cụ cho hay phải ở lại tham dự buổi lễ ra mắt của Hội Truyền Bá Quốc Ngữ địa phương. Ðồng thời cụ cũng bảo phải đi nghe ông Huỳnh Phú Sổ thuyết giảng và khuyến nông vì ở Bắc và Trung hiện có nạn đói trầm trọng. Ðây là dịp đầu tiên Triệu có cơ hội gặp vị giáo chủ Phật Giáo Hòa Hảo.
“Khi Triệu đến chợ Sa Ðéc thì đã thấy rất đông dân chúng vây quanh ông Huỳnh Phú Sổ, một người dáng trông thanh lịch, rất trẻ, tóc để dài ngang vai, có cặp mắt rất sáng. Ông nói năng giọng sang sảng nhưng chậm rãi, cử chỉ từ tốn. Ðồng bào càng lúc càng đến đông nhưng rất im lặng, trật tự. Vài người nói nhỏ với nhau: ‘Thiên hạ nay đến nghe Ðức Thầy rất đông. Lúc trước còn Tây ở đây, lính kín đến nghe Thầy còn đông hơn dân chúng.’
“Bài Khuyến Nông của ông đã thật tình giúp người nông dân mộc mạc, khiêm tốn, nay hãnh diện ý thức được vai trò của mình và lo lắng cho đồng bào ruột thịt tận miền Trung, Bắc:
“Hỡi đồng bào! Hỡi đồng bào!
Thần chết đã tràn vào Trung Bắc...
....
Kẻ phu tá cũng là trọng trách,
Cứu giống nòi quét sạch non sông
Một mai vác cuốc ra đồng
Thề rằng ruộng phải được trồng lúa khoai.
Nam Kỳ đâu phải sống riêng,
Mà còn cung cấp cho miền Bắc Trung.
Miễn sao cho cánh đồng Nam
Dồi dào lúa chín gặt đem về nhà
Chừng ấy mới hát ca vui vẻ
Ai còn khinh là kẻ dân ngu.”
(Huỳnh Phú Sổ, Khuyến Nông)
Buổi thuyết giảng mở đầu bằng “Khuyến Nông” sau đó đã được ông Huỳnh Phú sổ chuyển qua dạy về Tứ Ân của Phật Giáo Hòa Hảo: Ân Tổ Tiên Cha Mẹ, Ân Ðất Nước, Ân Tam Bảo, Ân Ðồng Bào Nhân Loại. Ông nhắc cho tín đồ cách tu giản dị: chỉ cần một bàn Thông Thiên ngoài trời, bàn thờ Phật và bàn thờ Ông Bà trong nhà nhưng không tượng Phật, chỉ cúng nước lã, bông hoa và đèn hương. Có nhang thì đốt, không có thì nguyện không. Phật Giáo Hòa Hảo không chủ trương cất chùa, đúc tượng Phật, không dùng chuông mõ. “Nên dùng tiền cứu người nghèo khổ, thay vì cất chùa to, đúc tượng lớn.”
“Ông Huỳnh Phú sổ đã phổ biến giáo lý Phật Giáo với những lời thơ bình dân, dễ hiểu, dễ nhớ. Suốt buổi giảng ông không dùng ngôn ngữ cầu kỳ, những ý nghĩ trừu tượng. Sấm giáng, thi văn của ông phù hợp với trình độ đại chúng nông thôn và đáp ứng được tâm lý quần chúng vốn không thể lãnh hội được thiên kinh, vạn quyển của giáo lý Phật Giáo.”
“Buổi đầu tiên được nghe Huỳnh Giáo chủ thuyết giảng, ấn tượng một người trẻ nhưng phi thường đã ám ảnh Triệu suốt nhiều năm tháng và Triệu đã có ý định cần phải tìm hiểu về chủ trương Phật Giáo Dân Tộc này. Sau khi phong trào Nam Kỳ Khởi Nghĩa thất bại, thành phần nông dân là bộ phận bị chánh quyền thực dân đàn áp hung bạo nhất. Ý chí tập hợp đâu tranh người dân quê tưởng chừng như đã bị tan rã. Thế mà dân chúng nông thôn vùng đồng bằng sông Cửu lại đã đáp ứng nồng nhiệt và gia nhập Phật Giáo Hòa Hảo của ông Huỳnh Phú Sổ. Việc ấy chắc hẳn phải có lý do cần được tìm hiểu sâu rộng hơn.” (1)
Cuốn sách còn cho thấy trong những ngày đầu của Nam Bộ kháng chiến, 1945, “phần đông các đại biểu đảng phái không biết Việt Minh là ai, nhưng Triệu (tức Bác Sĩ Trần Nguơn Phiêu) nghe nói lúc ấy chỉ có ông Huỳnh Phú Sổ Phật Giáo Hòa Hảo là có phát biểu như đùa: ‘thì Việt Minh có đâu đây, cần gì phải đi xa mà kiếm gfgg Sau này khi các sự việc khác xảy ra, nhiều người tự hỏi không biết lúc đó ông Huỳnh Phú Sổ muốn nói Việt Minh đã có tiếp xúc với ông rồi, hoặc ông muốn ám chỉ đến Trần Văn Giàu lúc đó đã tìm cách len lỏi xin vào đảng phái quốc gia độc lập [của Hồ Văn Ngà]?
Ðể chống lại toán tính của Pháp trở lại Việt Nam qua phái đoàn đồng minh giải giới Nhật, lực lượng các đoàn thể quốc gia Nam bộ thành lập được bốn sư đoàn: đệ nhất sư đoàn của Việt Minh (Trần Văn Giàu), đệ nhị sư đoàn của Cao Ðài, đệ tam sư đoàn của Nguyễn Hòa Hiệp (Quốc Dân Ðảng miền Nam) và đệ tứ sư đoàn của Phật Giáo Hòa Hảo. Thình lình có thông cáo Trần Văn Giàu tự phong là Lâm ủy Hành chánh chỉ huy tất cả. Trần Ngươn Phiêu viết: “Việc làm [của Việt Minh Cộng Sản Trần Văn Giàu] trái với tinh thần đoàn kết quốc dân trước hiểm họa Pháp thôn tính tái xâm lăng đã làm dân chúng bất bình và hoang mang. Năm ngày sau, tức vào ngày 30 tháng 8 (1945), Lâm ủy Hành chánh mở phiên nhóm Hội nghị Khoáng đại, có báo chí tham dự. Ông Huỳnh Phú Sổ và Trần Văn Thạch đã đứng lên chất vấn Trần Văn Giàu: ‘Ai đã cử [anh làm] Lâm ủy Hành chánh Nam bộ?’ Trần Văn Giàu đã trả lời Trần Văn Thạch với giọng du côn và thách thức, tay mặt vỗ vào cây súng ngắn đeo bên hông... báo trước chủ trương thủ tiêu đối lập về sau này.” (tr. 110-111).
Chuyện đã xảy ra rất nhanh, chỉ một tuần sau. Cuốn sách cho thấy Cộng Sản rất e ngại lực lượng Hòa Hảo, nên “Ngày 8 tháng 9, 1945, tin tức Cần Thơ cho biết là Trần Văn Giàu đã chỉ thị cho địa phương nổ súng đàn áp tín đồ Hòa Hảo vốn không võ trang,... Nhiều người đã chết và bị thương. Cuộc khủng bố tín đồ Hòa Hảo bắt đầu từ đó khiến khám đường Cần Thơ không còn đủ chỗ chứa.” (trang 119). Cán bộ cao cấp Phật Giáo Hòa Hảo đều bị bắt ở khắp các tỉnh Cần Thơ, Long Xuyên, Châu Ðốc, Sa Ðéc, Vĩnh Long, Trà Vinh... Cán bộ chỉ huy cuộc biểu tình ở Cần Thơ đều bị bắt gồm có Huỳnh Thành Mậu, em của Huỳnh Phú Sổ, Trần Văn Hoành, trưởng nam của Trần Văn Soái, Nguyễn Xuân Thiếp, tức nhà thơ Việt Châu, em của nhà văn Nguyễn Hiến Lê. Nhà thơ-nhà văn Việt Châu là đại diện của Ðức Thầy Huỳnh Phú Sổ được phái ra Hà Nội tiếp xúc với Tổng Bộ Việt Minh. Cả ba đều bị xử tử ở sân vận động Cần Thơ. (tr.119)
Báo chí miền Nam nhiều tờ có đăng những bài thơ họ viết là “sấm giảng” của Ðức Thầy, như ông Hồ Nhựt Tân có biệt danh Thất Sơn Cư Sĩ đọc vài bài cho báo chí rồi diễn ra, nói rằng Ðức Thầy biết trước những biến cố sẽ xảy ra trên đất nước, song chúng tôi không thấy chứng từ nào xác đáng. Hồi Ðệ Nhất Cộng Hòa năm 1962 ông này có ra ứng cử tổng thống đối lập với ông Ngô Ðình Diệm. Có những đoạn như:
Chó tru ba tiếng cho tru
Hơi oan nghiệt nổi mịt mù bến mê
Lòng khùng nghĩ lại tái tê
Tây thành cảm nỗi tư bề tan hoang.
Trong bài giải ‘Bến mê” là bờ sông Mê Công, hay là một đoạn khác:
Chó này đi heo nọ lấn sang
Chuột kêu nước Việt giang san
Nào ai tế độ nào trang cứu đời
Ngẫm âu muôn sự tại trời
Tu nhân tích đức ấy thời thoát qua
Ơn trời đất, ơn mẹ cha
Ơn Phật thánh với sơn hà chớ quên.
Có nhắc đến Tứ Ân của Ðức Thầy, như có nói ở trên, song chúng tôi không đủ tài liệu chính xác để kết luận. Một bài thơ “Khuyến Nông” và hành trạng vị giáo chủ, dù chỉ mấy trang trong sách Trần Nguơn Phiêu, đủ để vẽ ra một chân dung đầy tin tưởng.
(Viên Linh, viết tại Quận Cam trước Lễ Kỷ Niệm 76 năm Khai sáng Phật Giáo Hòa Hảo, 1939-2015)
Chú thích:
1. Gió Mùa Ðông Bắc, tự truyện Trần Nguơn Phiêu, 95-97, Hải Mã xuất bản, 2008. Trần Nguơn Phiêu sinh năm 1927 tại Gia Ðịnh, lớn lên ở quê nội Cao Lãnh Sa Ðéc và quê ngoại, ấp Phước Lư, Biên Hòa. Thuở niên thiếu là học sinh các trường Trung học Petrus Ký và Chasseloup Laubat. Ông tham gia kháng chiến khi còn rất trẻ, phụ trách báo Nam Thanh của tổ chức Nam Bộ Thanh Niên Kháng Chiến Ðoàn (Nam Thanh Ðoàn). Du học Pháp, tốt nghiệp Y Khoa Ðại Học Bordeaux. Trở về nước, ông đã phục vụ trong ngành Quân Y Hải Quân hơn 17 năm, chức vụ trước khi giải ngũ là cục phó Cục Quân Y Việt Nam Cộng Hòa.
2. Cuốn hồi ký ông gọi là tự truyện, Gió Mùa Ðông Bắc, dày trên 500 trang thể hiện tấm lòng chân thành của ông với cuộc đời, người đọc dễ dàng nhận thấy qua từng dòng, kể cả thời gian tham gia tổ chức kháng chiến ở Nam Bộ và tuổi trẻ ở Pháp, đặc biệt là thời kháng chiến ngay từ những ngày đầu 1944,1945: Trần Nguơn Phiêu đã gặp, đã tiếp xúc và đã tai nghe mắt thấy nhiều sự việc quanh các nhân vật cùng phong thổ miền Nam như ông, những nhân vật đã đi vào lịch sử, những người đã bị Cộng Sản bắt cóc thủ tiêu ám sát: Huỳnh Phú Sổ, Nguyễn An Ninh, Tạ Thu Thâu, Phan V. Hùm, Hồ V. Ngà, Huỳnh V. Phương, Trần V. Thạch,... Ông viết như một nhân chứng, với lời căn dặn của Hồ Hữu Tường, sau khi ông Tường đã bật khóc dặn ông: “Anh phải viết.”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét