khktmd 2015
Thứ Năm, 9 tháng 4, 2015
Tôi, với những ngày đầu đến Mỹ - Tac Gia Horizon Ho
Hai mươi tám tuổi, tôi đến Mỹ với một niềm háo hức, hân hoan về một xứ sở văn minh và giàu có.
Tôi được trải nghiệm sự văn minh của đất nước này ngay khi mới đặt chân xuống phi trường San Fransisco hào nhoáng để làm thủ tục nhập cảnh. Tại đây, tôi được nhân viên Hải Quan Mỹ chào đón với nụ một cười rạng rỡ và một thái độ lịch thiệp - thứ mà tôi ít khi bắt gặp ở cán bộ nhà nước trước đây của mình. Tiếp đến là sự giàu có của nước Mỹ hiện ra trước mắt tôi với hệ thống freeway “trùng trùng điệp điệp” và muôn vàn ánh đèn màu hào nhoáng, lấp lánh về đêm của cây cầu Golden Gate huyền thoại. Và tôi cứ như thế mà kỳ vọng về một cuộc đời sung túc trên mảnh đất này. Một tháng sau khi đến Mỹ, tôi bắt đầu công việc mà phần lớn người Việt sống trên đất Mỹ đã, đang và sẽ làm: nail!
Tôi, một người phụ nữ 100 pounds, lần đầu tiên trong đời ôm cái chân của một người Mỹ nặng gần 200 pounds để hì hụi làm hết tất thảy các công đoạn cần thiết của công việc pedicure.
Tôi đã cố hết sức để bưng, bê, và bóp cho cái bàn chân to gấp nhiều lần với đôi tay nhỏ bé của mình. Nước mắt chảy ngược vào tim và thân xác rã rời hết ngày này sang ngày khác vì công việc khá nặng nề đối với tôi - người đã quen làm việc văn phòng.
Sáu tháng sau kể từ ngày đến Mỹ, tôi bị người thân đuổi ra khỏi nhà lúc nửa đêm vì những chuyện hiểu lầm không đáng có. Không xe, không nhà, không bạn bè, tôi co ro trên vỉa hè giữa đêm Ðông lạnh giá của miền Bắc Cali. Ngồi một mình cùng chiếc vali đồ ít ỏi, dán mắt vào màn đêm đen thẫm, tôi tự hỏi rằng: thiên đường của nước Mỹ là đây? Cuộc sống sung túc và đầy đủ mà tôi hằng ao ước là đây? Tại sao không ai nói cho tôi biết thực trạng mà tôi sẽ trải qua khi đến Mỹ? Ðể tôi vội vàng từ bỏ tất cả cuộc sống trước đây của mình: công việc, tình yêu, và bạn bè chỉ để kiếm tìm những giá trị ảo tưởng? Ðêm vẫn cứ rất sâu, mùa Ðông Sacramento vẫn lạnh buốt, và tôi vẫn ở đó chờ đợi một thứ “ánh sáng cuối đường hầm.”
Một năm trôi qua, tôi chuyển về miền Nam Cali và quay trở lại trường học với mong muốn tìm thấy một cái gì đó khác hơn, sáng sủa hơn cho cuộc sống ảm đạm ở Mỹ. Tôi nhận ra mình không thể ngụp lặn mãi trong nghề nail vì nghề đã không chọn tôi, tôi đã không tìm thấy niềm vui trong công việc cho dù đã cố gắng thân thiện và hòa nhập.
Tôi đi học với tâm lý nặng nề của một người Việt Nam chính gốc. Bởi ở Việt Nam có sinh viên nào ở cái tuổi 29? Ðó là cái tuổi đã phải lấy chồng, sinh con, và chăm sóc gia đình. Thêm vào đó lại phải học chung với một đám tuổi teen nhí nhố, chuyện trò rôm rả bằng thứ tiếng Mỹ rất đỗi xa lạ với tôi. Và mỗi giờ trôi qua trên ghế giảng đường là mỗi giờ tôi căng mắt, giỏng tai để cố gắng nghe và hiểu thầy giáo đang nói gì. Một lần nữa, tôi thấy mình cô độc và lạc lõng trên mảnh đất này. Nước Mỹ vẫn cứ là thứ ánh sáng mờ ảo trong tôi.
Hai năm trôi qua, tôi bắt đầu mạnh dạn hơn với vốn tiếng Mỹ ít ỏi của mình. Ở trường, tôi tự tin hỏi lại thấy giáo những gì mình không hiểu, ở tiệm nail tôi mạnh dạn hỏi khách hài lòng hay chưa thay vì chỉ “yes, yes, no, no” như trước đây. Rồi ba năm, rồi bốn năm trôi qua, tôi vẫn đang đến trường đầu tuần và đến tiệm nail cuối tuần. Tôi vẫn tiếp tục gồng hết sức mình để chiến đấu với bài vở, thi cử ở trường và cúi mình chịu đựng những lời tệ bạc, nhục mạ của chủ và thợ nails nơi tôi đang làm. Nhưng hơn hết, tôi nhận ra rằng, những khó khăn, rào cản ấy chỉ là tạm thời, là thử thách trên bước đường thành công của tôi mà thôi bởi “những thứ không giết ta được thì sẽ khiến ta mạnh mẽ hơn.”
Tôi không biết rồi mình sẽ làm được gì, sẽ sung sướng ra sao ở nơi này. Nhưng giờ đây, mỗi ngày tôi thấy mình hạnh phúc vì có cơ hội học hỏi và tiếp xúc với nền giáo dục hiện đại của Mỹ, mỗi giây phút trôi qua trong cuộc đời, tôi khám phá ra những nét độc đáo và nhân văn trong văn hóa Mỹ, và ngay khoảnh khắc này tôi lạc quan về một cuộc sống tươi đẹp và bình yên trên đất Mỹ.
Ngoài kia, bên bờ biển của miền Nam California, bầu trời xanh, gió thật nhẹ, và ánh nắng chan hòa.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét