khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Hai, 6 tháng 4, 2015

Có Trời Nào Không Mây....! – Tác giả Tom Tom



Đầu Tháng Hai năm 2015, đêm nay trời đổ mưa liền mấy ngày, lúc tạnh, lúc mưa, phía sau nhà những tàn cây khô trụi lá, đong đưa trong gió, gió rít lên từng cơn, một cảm giác lạnh lạnh, man mát, làm Minh nhớ đến một ngày rét buốt năm xưa cách đây hơn 30 năm..

Trời mưa tiết Tháng Hai năm 1983, Minh đang đứng chờ xe thân nhân đến đón về nhà, ngày đầu tiên đặt chân đến Mỹ. Trong nhóm Minh còn lại 15 người tị nạn trong tổng số từ đầu 30 người khởi hành từ phi trường Singapore, chuyến bay ghé Hồng Kông, bay tiếp đến Nhật, rồi đến Hawaii thì đoàn tách ra 15 người về San Francisco, 15 người về Los Angeles. Đứng ngoài hiên hành lang phi trường Los Angeles. Trời u ám trong cơn mưa giông, gió rít, mưa tạt vào người, tất cả mọi người lạnh rung, co ro, đứng xúm lại với nhau tránh mưa dưới ánh mắt tò mò của khách đi đường, xe cộ lưu thông kẹt cứng vì phi trường Los Angeles đang sửa sang, xây cất lại chuẩn bị cho kỳ Thế Vận Hội Olympic mùa Hè năm 1985 tại Los Angeles...Một người thanh niên Việt Nam gặp gỡ đầu tiên trên đất Mỹ, anh chỉ mặc cái jacket mỏng bình thường, anh làm việc cho hội USCC bảo trợ người tị nạn đến Mỹ, anh đến đón đoàn người, sau mọi thủ tục hành chánh, anh hường dẫn mọi người đứng chờ ngoài hiên rồi biến mất cả tiếng đồng hồ làm mọi người phân vân lo lắng, mãi bây giờ anh mới xuất hiện như vị cứu tinh, mọi người nhìn thấy anh tươi cười, cảm thấy an tâm...Anh cười như có vẻ xin lỗi để đoàn người chờ lâu, anh nói:

- Tôi đi liên lạc với hội USCC, để họ báo tin đến gia đình các bạn rằng còn 15 người đã đến rồi mà chưa có thân nhân đón về, và tôi xin họ gửi 15 cái jacket cho từng người vì ai nấy cũng chỉ mặc cái áo chemise mỏng bình thường, đang lạnh cóng dưới cơn mưa.

Trời ơi! Cám ơn trời, con đến đất Mỹ vời cái túi xách nhỏ xíu, thân một mình, trong túi chỉ còn lại vài chục đô do thằng Hùng bạn học từ bên Pháp gửi cho $200.00 USD từ 2 năm trước, Minh ráng để dành đến ngày hôm nay. Ngày hôm nay con đến được đất Mỹ trong một đoạn đường dài gian nan, chịu đựng, tứ cố vô thân, gặp ai cũng là bạn, ai cũng là bè, nương nhau sống trong hai năm qua, giờ mỗi người một ngả, không biết bao giờ gặp lại, đời tị nạn là vậy... “Bidong có list thì dông...còn Galang thì... Galang tình xù.”

Cám ơn hội USCC, càm ơn anh “gì đó...” đã mang đến cho chúng tôi một chút hơi ấm tình người, chúng tôi đang bơ vơ, lạc lõng nơi xứ người, chúng tôi không còn biết gì đến thế giới bên ngoài sau 2 năm lăn lóc từ trại tị nạn này đến trại chuyển tiếp khác, hết đảo này lại đến đảo nọ...Minh đã hoàn toàn mù tịt về đời sống của thế giới bên ngoài từ ngày rời Việt Nam trên con tàu đánh cá với khoảng 40 người đến được đất liền Malaysia, liền sau đó được chuyển xuống tàu chở ra đảo...Welcome to Pulau Bidong, Freedom Gate, Ngưỡng Cửa Tự Do, hơn mười ngàn thuyền nhân đang tập trung sống trên đảo, nơi đây Minh được phái đoàn INS di trú Mỹ mở hồ sơ tị nạn, sau đó một năm trải qua nhiều lần nộp đơn và bị từ chối xin đi định cư tại các nước Pháp, Australia, Canada..., phái đoàn di trú Mỹ tái mở hồ sơ phỏng vấn và nước Mỹ đã mở rộng vòng tay lớn đón nhận hầu hết các dân tị nạn ở toàn vùng Đông Nam Á, ..thuyền nhân và bộ nhân đến Mỹ, muốn được nhận đến nước Mỹ rất khó qua nhiều thủ tục, nhưng nước Mỳ rất rộng lượng và hào hiệp, thuyền nhân sau một năm không được nước nào nhận, nước Mỹ nhận hết theo diện nhận đạo mà mọi người thường gọi là diện “Hốt Rác... Every things must go” (chỉ trừ một vài trường hợp không nhận ngoại lệ bắt buộc) cũng có một số người không may mắn gửi thân xác lại đảo trên đồi Khu F.

“Cám ơn Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ, Thank you America..!”

Sau khi được phái đoàn di trú Mỹ nhận Minh được chuyển trại từ đảo Pulau Bidong sang trại chuyển tiếp Sungei Besi ngoài ô thành phố Kuala Lumpur, thủ đô Malaysia, ở tại đó vài tháng chờ chuyến bay đến Singapore, rồi lại xuống tàu ra đảo nhập trại Galang II, Indonesia để học thêm tiếng Anh và học về đời sống, sinh hoạt hàng ngày tại Mỹ. Tại trại Galang II còn có một số thuyền nhân, bộ nhân Việt Nam, Campuchia, Lào được chuyển đến từ trại Song-Kla, Thái Lan, trại Hawking Road, Singapore đang chờ khóa học.

Minh ăn Tết lần thứ hai tại trại tị nạn, lần thứ nhất tại đảo Pulau Bidong, Malaysia lần thứ hai tại đảo Pulau Galang, Indonesia.., trong ngậm ngùi vì Minh đã có list đi định cư tại Mỹ... sắp phải chia tay với các bạn bè lưu lạc lần cuối, không biết bao giờ gặp lại...nói rằng ăn Tết cho vui chứ chẳng có gì lạ trong trại Galang II, mọi thứ tổ chức sinh hoạt trại đều tập trung ngoài trại Galang I, hai trại cách nhau khoảng hơn hai cây số đường rừng, có con đường xe nối liền.

Thằng Tâm làm phụ dọn chợ, bán hàng cho một người chủ Indonesia và quán café Ca Dao, nó mang đến barrack Minh một mớ khoai và gói trà gọi là party tiễn Minh rời đảo...nhờ Tâm mà cả bọn Minh năm đứa có thêm một chút thực phẩm tươi, sau buổi chợ, người chủ trẻ người Indonesian cho Tâm lấy về một mớ rau, củ còn sót lại rồi đem chia cho bọn Minh, Tâm bán chợ nên quen biết được nhiều người, thường hay trao đổi rau củ thừa lấy gạo giúp cho bọn Minh vì trong bọn có ba thằng gọi là “Cô Nhi, con Bà Phước” tuổi đang lớn, lúc nào chủng nó cũng thấy đói, thực phẩm phân phát cho năm ngày mà mới ba ngày đã hết sạch, Minh thường xuyên đi xin gạo cứu đói, những gia đình có con nhỏ cũng lãnh phần như người lớn, nên họ có dư gạo và sẵn sàng cho, chỉ gạo thôi, ngoài ra cái gì cũng thiếu chứ không có dư.. Cám ơn mày nghe Tâm, giờ này không biết mầy ở đâu, Minh quen Tâm khi còn ở trại Pulau Bidong, lúc đó Minh là thầy giáo Anh văn dạy ABC, còn Tâm là học trò, bây giờ là bạn bè trên đường lưu lạc... Cả bọn xúm nhau ngồi đấu láo, tâm sự ngày đầu năm chỉ có nồi khoai luộc và nước trà...hẹn ngày tái ngộ tại Mỹ.

“Nghìn trùng xa cách, người đã đi rồi
Còn gì đâu nữa mà khóc với cười...”

Minh rời trại Galang II và chuyển trại bằng tàu đến Singapore mất khoảng hai giờ đường biển. Đến đất liền Singapore, đoàn người tị nạn được chuyển đến trại quân đội củ không con sử dụng từ thời Thế Chiến Thứ II, có tên là Hawking Road, nơi đây đã có sẵn một số thuyền nhân Việt Nam do các tàu hải quân Mỹ, hay các tàu buôn vớt tàu vượt biên gặp nạn trực tiếp trên biển, chở họ vào Singapore tạm cư chờ làm thủ tục tị nạn đi định cư nước thứ 3 hay chờ chuyển trại ra đảo Pulau Galang II nhập khóa học trước khi đi Mỹ. Trong trại thưa vắng người vì đa số thanh niên nam, nữ đã rời trại xuống phố từ sáng sớm kiếm việc làm, đoàn người mới đến từ Galang II, tạm cư khoảng một tuần lễ chờ chuyến bay đi Mỹ, mỗi người được phát cho 14 đồng tiền Singapore (2 dồng một ngày cho 7 ngày chờ chuyến bay) mỗi người đều có thẻ ID, tự lo ăn uống, trại mở cửa ra vào tự do từ 8 giờ sáng đến 10 giờ đêm, có thể đi kiếm việc làm thêm bên ngoài phố, không về trại cũng được, phải mang theo ID, không ai làm khó dễ...người dân Singapore phần đông là người gốc Hoa, rất đàng hoàng, lịch sự, nhã nhặn, không có ánh mắt tò mò, soi mói kỳ thị người Việt Nam tị nạn, các hội đoàn, nhà thờ, chùa thường cho xe chở dân tị nạn Việt Nam đi chùa, nhà thờ hay tham quan thành phố, các hội từ thiện thường mang thực phẩm đến trại phát miễn phí cho mọi người. Hôm nay, nhân dịp đầu năm Rằm Tháng Giêng mọi người trong trại vui vẻ nhận được thêm bao lì xì $10.00 đồng từ các hội đoàn từ thiện gửi tặng, nên đời sông thuyền nhân Việt Nam tại Singapore được coi như là “Thiên Đàng” so với tất cả các trại tị nạn thuyền nhân khắp Đông Nam Á. Số tiền 2 đồng một ngày không xài đến, Minh và một vài bạn để dành chiều tối đi xe bus ra phố đến khu “Sam-Bo-Wuang” (chữ phiên âm) nơi tập trung ăn uống bình dân ngoài trời giông như Chợ Lớn Việt Nam, có đầy đủ xe hủ tiếu gõ, mì gõ, sửa đậu nành gõ...luôn cả bia gõ, lai rai vài chai bia với đậu phộng rang vừng còn dư tiền về xe...Một tuần ngắn ngủi tại Singapore thật thoải mái.

“yêu đời, ” ... đành lưu luyến chia tay...
“Thank you Singapore, một đất nước hiền hòa, nhân ái...”

Mọi người lần lượt có xe đến đón, anh hướng dẫn viên USCC cầm theo danh sách đọc và chia từng chuyến xe van shuttle đến đón đi theo thành phố khác nhau, chiếc xe shuttle cuối cùng đón Minh và một gia đình 5 người Campuchia, Minh không biết xe sẽ đưa mình đi đâu, nghe nói xe này sẽ chạy đến phi trường John Wayne, Orange County. Minh nghĩ, vậy là mình còn một chuyến bay nữa...xe chuyển bánh trong cơn mưa giông mịt mù không thấy gì ngoài kiếng xe, Minh mệt lả người, chìm vào giấc ngủ...

Trời chiều mưa đã tạnh, Minh giật mình thức dậy khi xe chạy chầm chậm vào phi trường John Wayne, xe đậu lại, Minh đã thấy cậu của Minh cùng gia đình đến đón...Minh chợt nghĩ, đây mới là giây phút mình lao vào cơn giông bão, cơn giông bão ngoài biển không nhấn chìm Minh, nhưng giờ phút này cơn giông bắt đầu thổi đến thay đổi cuộc đời Minh, giờ đây Minh một mình phải tự chống chọi với cuộc đời, gia đình cậu Minh cũng chỉ là một nhịp cầu thôi chứ không phải là trạm đến cuối cùng, và từ nay mình phải tự lực cánh sinh, bất giác Minh thầm nghĩ đến sự đơn độc của mình, Minh nhớ đến câu ca dao, tục ngữ...

“Con có cha như nhà có nóc, con không cha như nòng nọc đứt đuôi...”

Ở chung với gia đình câu được 6 tháng thì Minh xin dọn ra sống share phòng với bạn cùng học chung ESL, các bạn cùng thời gian đến Mỹ như Minh, Minh và các bạn đều có trợ cấp welfare được 18 tháng, hàng ngày đi học, cui tuần đi dọn hàng ngoài chợ trời OC Fair, thành phố Costa Mesa. Sau đó Minh ghi danh vào học trường dạy nghề Vocational and ESL Lincoln School ngay góc đường Euclid và Garden Grove (gần chợ Đà Lạt, thành phố Garden Grove bây giờ). Minh học electronic technician, welding và ESL full time, cuối tuần đi phụ cắt cỏ hay đi phụ dọn hàng ngoài chợ trời tùy theo mối nào kêu trước. Đúng một năm kể từ ngày đến Mỹ, Minh nhận được giấy báo đến kỳ cam kết trả nợ tiền vé máy bay $480.00 USD từ Singapore đến Los Angeles của sở di trú Mỹ, Minh viết thư xin hoãn trả tiền thêm một năm vì Minh còn đi học, chưa có việc làm.

Hết 18 tháng welfare, Minh được nhận vào làm electronic mechanic assembler, một hãng điện tử ở thành phố Costa Mesa vơi lương $4.00/ giờ. Ngày di làm, chiều 6 giờ Minh đi học thêm trường Santa Ana College cũng về electronic beginning, chuẩn bị dọn đường trờ thành kỹ sư điện tử sau này... Minh và Tường là hai bạn thân thời chung trường đại học tại Sài Gòn, năm 1979, Tường rủ Minh bỏ học để đi vượt biên, Minh không thể đi chung với Tường vì bất ngờ và gấp rút quá không thể quyết định được, nên Tường đành chia tay với Minh ra đi trước thành công, còn Minh thì 2 năm sau mới vượt biên và phải mất thêm 2 năm tại các trại tị nạn rồi mới đến Mỹ... Hôm nay đây, tình cờ Minh và Tường gặp lại nhau nơi sân trường Santa Ana College, Tường đang theo học về computer science, Tường có ý kêu Minh chuyển sang học computer như Tường, Minh đồng ý, hẹn mùa tới sẽ tính.

Minh làm giỏi và có nhiều sáng kiến tranh thủ làm ra hàng cho công ty trước thời hạn, nên sau hai năm, mức lương của Minh tăng thêm được $1.50 tức đạt được $5.50/giờ, đó là sự tăng thưởng khá nhanh, chứ theo như quy định thì tăng lương chỉ có 25 cents/năm. Nhưng với mức lương mới và lòng ưu ái của supervisor không phải là mục đích của Minh, với cuộc sông bấm thẻ tính giờ, lương tăng vài chục cent/ năm thì biết bao giờ mới ngóc đầu lên nổi...Minh con nhà thương mại với châm ngôn “phi thương bất phú...” không thể chấp nhập dễ dàng cuộc đời tính băng time card, nên một ngày như dự định, Minh báo với supervisor rằng Minh xin thôi việc, ông thật bất ngờ, ngạc nhiên, và đề nghị tăng thêm lương cho Minh, nhưng Minh đã nhất quyết ra đi, ông đành chấp nhận trong sự luyến tiếc, và cũng không quên chúc Mình đạt nhiều thành công trong công việc mới.

Tường tiếp tục học cho đến khi ra trường kỹ sư computer programmer, Minh tiếp tục con đường thương mại, Minh kết hợp được hai người bạn chuyên viên sửa radio, cassette, TV, VCR...mở tiệm sửa chữa và buôn bán hàng điện tử, người có công, kẻ có của chung sức nhau xây dựng tương lai.

Tiệm Minh chuyên mua bán, lắp ráp car stereo, car alarm và sửa chửa các loài máy stereo, TV, VCR...trong cộng đồng Việt Nam khu Little Saigon. Thời đó, bọn Minh không có chú trọng đến tình hình an ninh trong cộng đồng, chỉ vô tình mình có chút vốn và kỹ thuật sửa chữa điên tử mà nhào ra làm ăn buôn bán thôi, đâu ngờ thời buổi trộm cắp như rươi, xe để hở thì bị mất trộm, nặng thì nguyên xe mất tích, nhẹ thì bể kiếng mất trộm đồ trong xe, radio cassette không cánh mà bay...KHÔNG PHẢI NHỜ ĐÓ, mà là VÌ VẬY mà cửa hàng Minh buôn bán và lắp ráp rất nhiều car stereo và car alarm...cơ sở phát lên trong năm đầu, tạo niềm phấn khởi, hy vọng cuộc sống tốt đẹp sẻ vươn lên từ đây...Nhưng...! cái nhưng tai hại bắt đâu xuất hiện, khi có cuộc sống sung túc hơn thì các bạn Minh bắt đầu tự mãn, không còn tập trung phát triển cơ sở mà bắt đầu bê tha nhậu nhẹt sau giờ làm việc, rượu chè đến khuya, đợi khi Minh ra về thì bọn nó đi casino đánh bài. Minh có hay chuyện, nhưng cho đó là chuyên riêng tư, mọi người có quyền tự do muốn làm gì thì làm sau giờ làm việc, sự việc không dừng ở chỗ riêng tư cá nhân vui chơi giải trí, ngày nào bọn nó cũng nói đi casino kiếm được chút đính, tiền bạc vô sòng bài dễ kiếm quá, dễ thì ai đi làm, đến casino mà kiếm tiền cho đỡ mất thì giờ,... “Bần cùng, sanh đạo tặc...” cờ bạc trăm lần thắng, vài lần thua thi cũng đủ mạc, từ đó dẫn đến chỗ không còn tha thiết, kiên nhẫn làm việc, thấy kiếm tiền bằng sức lao động ít quá so với thắng một vài cây bài tiền thu bằng lương làm cả tuần, cả tháng, trong cơ sở làm ăn, bọn nó chỉ bỏ công mà không bỏ vốn, tiền lời được chia đủ, nên họ không lo gì đứt vốn, sập tiệm...Tiền bạc, hàng hóa trong tiệm bắt đầu thất thoát,...Minh thấy tình hình không còn tin tưởng nhau nên đề nghị bán tiệm, giải tán...

Minh được một người chủ tiệm bán hàng điện tử giống như Minh, cửa hàng lớn và đầy đủ mặt hàng hơn mướn làm manager, Minh tạm thời ổn định lại đời sống sau bài học Tin Người, cũng may không đến nỗi đứt vốn, và còn tim được việc làm mới, ông chủ mới rất tin tưởng Minh, vì trong buôn bán đã có qua lại biết nhau trước, nên cơ sơ ông từ ngày có Minh về thêm vững chắc và phát đạt hơn.

Vài năm sau, Minh lập gia đình, gia đình bên vợ Minh cũng là khách hãng thường xuyên của tiệm Mình, mua bán một thời gian dài qua lại tạo được cảm tình thân thiện, rồi Minh may mắn được làm rể gia đình Bác Tư má anh Bình, cô Lan khách hàng, từ những lần đến nhà lai rai với anh Bình, đều có mang hai hộp sầu riêng đông lạnh biếu Bác Tư ăn lấy thảo...Bác Tư cười, khen thầm, “Thằng nhỏ con nhà ai mà cũng biết chuyện lắm...” Duyên Trời định, thì đâu có khó khăn gì, chỉ một hộp sầu riêng thay miếng trầu cay mà minh nên duyên vợ chồng..

Mình bảo lãnh gia đình ba, mẹ và mấy đứa em qua Mỹ sau gần mười năm chờ đợi, ở chung với vợ chồng Mình vừa có con trai đầu lòng. Lúc này Minh đã có một cơ sở buôn bán riêng, giờ đây Minh tự làm chủ và mướn thợ sửa chữa, vợ Minh trông coi con ở nhà và lãnh đồ may gia công tại nhà cùng mấy đứa em, vừa đi học ESL, vừa phụ may...Cuộc sống bình bình, êm trôi...Một hôm mấy đứa em đề nghi đi học nails, Minh thấy một đề nghị thiết thật quá hay...thế là cả nhà, trai gái đều xúm nhau đi học nails, facial, học tóc...ôi thôi! Cả nhà lúc nào cũng có mùi nước sơn móng tay, mùi acetone, cả mùi khó chịu nhất là liquid làm móng bột...vạn sự khởi đầu nan, trâu chậm uống nước đụt...mọi người tranh thủ học, trao đổi thực tập lẫn nhau... gần một năm sau thì trong nhà có ba cái license manicurist, và hai cái license esthetician...thế là gia đình Minh ồn ào, náo nhiệt bàn tính...làm ở đâu, đi hay ở..., ai cũng muốn ôm cái bằng bay đi kiếm tiền, bay đi xuyên bang, làm ở Cali cũng được, nhưng vì thợ nails đông nên hơi bị kén chọn và giá không cao bằng các tiểu bang ít người Việt định cư...các em của Minh bây giờ kéo valise đi đi, về về như khách đi du lịch, mỗi đứa một gái, hai trai bay đi xuyên bang chưa gọi là lập nghiệp, chỉ mới đi làm công cho các tiệm nails ở các tiểu bang khác, nay tiểu bang này, mai tiểu bang kia, họ cần thợ như đất hạn cần mưa vì rất ít người Việt Nam, không phân biệt nam hay nữ, họ bao cả vé máy bay nếu mình chịu đi, bao lương tuần, mới ra trường OK, sẻ training thêm...chịu khó, kiên nhẫn, chịu đựng thì sự thành công đã đạt được hơn năm mươi phần trăm rồi...điều kiện quá dễ dàng còn chần chờ gì nữa...chỉ còn ước mong gặp được người chủ tốt, thợ làm chung vui vẻ hợp tác lẫn nhau là thành công...Thiên thời, địa lợi, nhân hòa...

Hai thằng em trai Minh đi xuyên bang làm nails một thời gian rồi mất biệt cả năm không thấy về thăm nhà, thăm cha mẹ ở Cali chỉ vì một lý do đơn giản là hai thằng đã có tình yêu, tình yêu đã cột chặt chân hai thằng em, một ở xứ lạnh Ohio, một ở xứ nóng Arizona...Hai thằng em lần lượt dắt nhau về Cali làm đám cưới, dâu, rể gì cũng có gia đình cha mẹ gốc ở vùng Little Sài Gòn nên lễ cưới của chúng nó mời bạn bè toàn dân làm nails hơn phân nửa nhà hàng, tụi nó giờ mỗi đứa đều làm chủ tiệm nails, có nhà, có cửa, hai thợ nails, trai gái độc thân nơi đất khách lại gặp nhau: “Hữu duyên thiên ly nan tương ngộ...” chúc mừng hai em. Còn đứa em gái là chị, trở về Cali làm ở Palm Spring, cũng thành thân, lập gia đình, nhưng chỉ được vài năm thì ly dị...!? Nỗi buồn biết tỏ cùng ai, duyên phận...trong nghề nghiệp cô em gái rất giỏi tay nghề, tất cả các món “ăn chơi” trong nghề cô làm rất khéo, chuyên nghiệp, kề cả waxing và facial..đường công danh thì suông sẻ, còn tình duyên thì lận đận....Số mệnh, lỗi tại ông Trời.

Cha mẹ Minh giờ đã qua đời, Bác Tư thích ăn sầu riêng cũng vừa mới mất năm rồi, cô em gái và vợ chồng son thằng em út về ở chung với vợ chông Minh, thằng em trai út còn gọi là “Cậu ấm” thích đi làm hãng, để vợ đi làm nails, chưa chịu mở tiệm nails. Bây giờ, vợ chồng Minh cũng là chủ tiệm nails gần mười năm nay, do sự thúc đẩy của các đứa em, vợ chồng Minh “mạnh dạng” vào nghề nails, Minh thấy có nhiều người thành công trong nghề nails, từ chủ đến thợ...nhưng Minh có một điều thiếu sót quá sơ đẳng là chỉ thấy người thành công, mà không tìm hiểu người thất bại do bản tánh quá tự tin và sự hối thúc của vợ Minh sau khi đã đi làm manager cho một vài tiệm nails, khách ra vô nườm nượp, tiền típ ngon lành, thấy mà ham... Giờ đây sóng yên, bể lặng con thuyền đã xuôi gió, đôi khi cũng có vài cơn giông nhưng không làm nao lòng người thuyền trưởng già...

Nghề nails, ai có từng trải qua mới biết, “Đời đá vàng...!”

Cơn mưa kéo dài, Minh yên lặng ngồi thâu đêm nơi bàn viết, nhìn về vài kỷ niệm của cuộc đời, nhớ về một người, ...hình bóng xưa vừa thoáng qua, hai mái đầu xanh đều đã bạc..

“Chờ hương tri kỷ, nhớ nghìn thâu...!”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét