khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Chủ Nhật, 11 tháng 5, 2014

Bãi Tiên - Bãi Dài -- Tác giả: Trần Công Nhung


 
Bãi tắm Resort MIA
Sống và làm việc khá lâu tại Nha Trang, trước 75 tôi chỉ nghe tên Bãi Tiên. Bãi nằm phía Bắc thành phố Nha Trang chừng 10km. Từ trung tâm thành phố qua cầu Hà Ra theo QL1 qua Vĩnh Hải rẽ đường Mai Xuân Thưởng (không nhớ tên đường trước 75) xuống biển, con đường đất sỏi viền theo bờ biển qua Đường Đệ ra Bãi Tiên. Hồi đó do tò mò tôi đã đạp xe đi “thám hiểm”. Cứ nghĩ Bãi Tiên nếu không Tiên thật thì cũng có gì đó đẹp như Tiên. Lại tưởng tượng một hai cô Tiên (đời thường) tắm bên hốc đá thì hay “hết ý”.

Đường ra Bãi Tiên hồi ấy toàn sỏi đá, khúc khuỷu quanh co, một vài nhà ở lơ thơ, bên biển bên rừng, càng đi càng vắng. Gần cuối đường có một vài doi núi ăn ra biển, tạo nhiều hóc đá, sóng vỗ bọt biển trắng xóa tung cao làm thành sương khói một vùng. Cảnh đẹp hoang dã khô khan xơ cứng.

Dọc đường một đoàn lính tập vừa đi vừa hát bài Lục Quân Việt Nam:

Đường trường xa muôn vó câu bay dập dồn,
Đoàn hùng binh trong sương lướt gió reo vang,
Đi đi đi lời thề nguyền tung gươm thiêng thi gan trai.
Đời hùng cường quyết chiến đấu đoàn quân ra đi...
(nhạc Văn Giảng)
Nhại theo tiếng hát của đoàn quân, tôi lẩm nhẩm “đường trường xa ta quyết đi cho đến cùng.” Ra đến mút bờ biển là bãi tập bắn của lính quân trường, chẳng thấy Tiên đâu. Quay về ngang trường hạ sĩ quan, tôi đón hỏi mấy anh lính “Sao gọi Bãi Tiên? Tôi chẳng thấy Tiên mà cũng không thấy có gì đẹp?”

“Muốn thấy Tiên anh mang ba lô súng đạn chừng 30kg, đi ắc ê từ đây ra bãi 5km, lúc đó là thấy Tiên ngay.” Nói xong mấy anh cười sảng khoái ra điều xí gạt được tôi.


 Bãi Dài.

Có người giải thích thêm “Đúng đấy, do mấy anh lính tập quá mệt, hoa mắt mà thấy Tiên. Bãi Tiên là do họ đặt chứ trước kia làm gì có. Bãi Trũ, bãi Sạn thì có. Bãi Tiên trước 75 như là xứ “khỉ ho cò gáy”, không cư dân, bãi bắn của quân trường chẳng ai mò đến làm gì.

Giữa đường ra bãi Tiên còn có núi Cô Tiên. Dãy Trường Sơn tẻ một nhánh như tường thành chắn mặt Bắc Nha Trang, núi chạy ra tạn biển. Bờ biển từ Đường Đệ trở ra có nhiều khúc quanh khá đẹp. Đứng ở “vòng xoay” (traffic circle) Vĩnh Hải nhìn thấy rõ ba đỉnh núi cao, tạo thành dáng một thiếu nữ nằm xỏa tóc, hai bầu ngực nhô lên và hai chân duỗi lưng chừng. Có hình một quân nhân bắt súng trong thế nghỉ. Do đó đã có câu “Anh đứng ngàn năm thao diễn nghỉ, Em nằm xỏa tóc đợi chờ ai.” Một ý tưởng ca ngợi thiên nhiên với tất cả tình người. Tôi nghĩ đây là nét đẹp của con người kể cả người lính ngày đêm ôm súng canh giữ quê hương.

Núi Cô Tiên
Sau 75 hình tượng anh “lính ngụy” bị phá bỏ và núi cô Tiên gắn liền với trường Hạ Sĩ Quan Đồng Đế cũng không còn nghe nhắc tới. Chắc đâu đó đã có câu “O du kích nằm dài ôm súng đợi, Giết thật nhiều quân ngụy phá quê hương.” Quân ngụy đã vắng bóng gần nửa thế kỷ, nhưng đất nước xem ra còn chìm ngập trong mây mù. Quê hương bị xé vụn, sứt mẻ từng ngày, nơi nào cũng thấy toàn “bọn xấu và thế lực thù địch” khiến cho bộ phận lo an ninh mất ăn mất ngủ.

Việt Nam (vốn là con Hồng cháu Lạc) từ ngàn xưa, thiên nhiên với con người là một, núi sông được tôn vinh bằng những mỹ từ qua hàng bao thế kỷ: Núi Cánh Diều, động Thiên Đường, Núi Thần Đinh, Hương Giang Ngự Bình…Tuy nhiên cũng có giai đoạn bị lãng quên hay thay tên đổi họ, thậm chí còn bị phá hủy hình hài do xã hội đổi thay. Núi Cô Tiên sau 75 không còn được nhắc nhở do đã có thời kỳ gắn liền với hình ảnh người lính quân trường Đồng Đế, và đã có “nhà thơ cách mạng” đòi đánh thức Cô Tiên dậy đi nơi khác. Một nhạc sĩ vừa là thi nhân (1) đã có mấy câu đáp trả:

Nếu Cô Tiên tỉnh thức,
Thi nhân toan tính sao!
Nếu Cô Tiên ngồi dậy,
Nhà di dời chỗ nào?
Xin Cô Tiên cứ ngủ,
Trách chi kẻ mộng mơ.
Thi nhân chỉ đánh thức,
Tiên dậy để nghe thơ.

Thực tế đời sống còn nhiều bất cập, những bất cập hạ tầng không được nói đến lại dồn toàn lực cho những công trình lớn với ý đồ phô trương không thiết thực. Một vài hình ảnh của xã hội hôm nay ai cũng thấy, “báo đài” rao hàng ngày: bệnh viện 3 người một giường, chủng ngừa trẻ chết ngay, nhà trường dạy lếu láo nhưng mở ra trăm mục để thu tiền học sinh, tệ nạn xã hội thì không nói hết, đặc như lục bình trôi sông... nhưng cả nước đã “thắng lợi” nhiều mặt. Trên Blog Que Choa, Nguyễn Quang Lập nhận định: “Nhờ có nói dối chúng ta có được hàng ngàn dự án bánh vẽ, giải thưởng ma, tiến sĩ giấy, công trình dổm. Nhờ có nói dối mà nhân dân tin tưởng, bạn bè quốc tế nể trọng, cho vay ngày càng nhiều đòi nợ ngày càng khó. Thử hỏi cứ nói thật làm thật thì chúng ta có bao nhiêu thắng lợi rực rỡ, bao nhiêu thành công lớn lao, bao nhiêu công trình vĩ đại. Và lấy đâu ra sự đồng thuận hả các đồng chí, lấy đâu ra?”

Sau 75, Nha Trang cũng như nhiều thành phố trên cả nước thi đua xây dựng, mở mang đường sá, cầu cống, công viên, khách sạn sao, resort... mục đích phục vụ du lịch (làm giàu). Tất nhiên dân chúng được ăn theo, nhưng không phải ai cũng có khả năng “ăn”. Hòn Chồng trước 75 cuối tuần dân thành phố, du khách, tấp nập vui chơi không tốn xu nào, bây giờ suốt bốn mùa Hòn Chồng chơ vơ một mình chẳng có ma nào thăm hỏi. Muốn thăm phải chi tiền. Nhiều công trình gọi là vì “nhân dân quên mình” nhưng làm ra rồi bỏ không.


MIA Resort
Bãi Tiên bây giờ hoàn toàn khác, du khách không vất vả vòng vèo như trước đây. Từ trung tâm thành phố theo đường biển chạy về hướng Xóm Cồn (2) có cầu qua cửa sông Cái, cứ thế qua đồi La San, Ba Làng Đường Đệ rồi ra Bãi Tiên. Đường rộng hai chiều, bờ biển xây kè có lan can, có lề đường cho người đi bộ...Con đường này dài 18km gặp QL1 ngoài địa phận Lương Sơn, nhờ thế mà Bãi Tiên nay có vẻ tiên hơn. Nhà cửa mọc nối tiếp, hàng quán và khách sạn cũng nổi lên dài dài, con đường ra Bãi Tiên nay không còn cô quạnh, con đường mang tên Phạm Văn Đồng. Mỗi buổi chiều bàn ghế giải khát trám đầy những vạt đất trống hai bên đường, nhất là khoảng công viên nằm trong Bãi Tiên chừng cây số. Buổi tối nơi đây khá yên tĩnh, gió biển lồng lộng, hóng mát thư giãn không gì bằng. Nhưng, không có chỗ cho du khách đặt chân, vì ghế xếp từng cặp xếp chiếm hết đường đi, buộc khách phải uống thứ gì đó mới có chỗ.

Từ Đường Đệ ra qua dốc thứ hai là thấy phong quang khác hẳn. Bãi Tiên nay nhiều nhà hàng qui mô, cứ nhìn cách thiết kế là biết chỉ có khách “sộp” mới kham nổi, dân quán cốc gốc me thì “kính nhi viễn chi.” Đứng đầu dốc chỗ mấy nhà hàng nhìn ra Bãi Tiên thấy nguyên một làng Resort dài sát mé biển. Những nóc nhà nhái theo dạng nhà rong của người miền cao, trông khá hấp dẫn. Đây là công trình xây dựng khu Rusalka Golf Resort, công trình có một không hai, nhất là địa thế như chốn non bồng nước nhược. Nhưng tiếc thay, nửa chừng thì mọi việc bị ngưng trệ. Khánh Hòa một dạo người dân xôn xao Rusalka bị đáo tụng đình. Làm ăn càng lớn càng dễ bị sai sẩy. Cả một vùng trời nước đang tưng bừng chuẩn bị cho ngày khai hội hoa đăng thì bổng dưng tê liệt như con bệnh khô máu. Những nóc “nhà rong” buồn hiu câm nín, cỏ cây phủ rợp một vùng trông chẳng khác gì một hoang đảo. Đến nổi cây dại còn bò ra mặt đường nhựa lấp hết những lối vào khu Resort và sân Golf. Tôi hỏi một người dân sống mé bên kia đường lý do sao công trình bị ngưng, “thiếu tiền”! Không riêng gì Rusalka mà nhiều nơi như Đại Lãnh, Thuận An (Huế) cũng cùng một kiểu dựng lên thật “hoành tráng” rồi thả nổi chẳng ai chịu trách nhiệm, một loại đàn bà đoản hậu, sinh mà không dưỡng, đầu óc lúc nào cũng chỉ nghĩ đến thi đua “lập thành tích.” Một đất nước nổi tiếng nhờ thành tích, thành tích càng cao nói dối càng giỏi.

Bãi Tiên chỉ là tên gọi một vùng biển đẹp nếu con người đừng mó tay vào. Thực tế Bãi Tiên hôm nay như một cơ thể chết lâm sàng. Những nhà hàng quán nhậu chẳng nói lên được ý nghĩa của Bãi Tiên mà còn che lấp những góc cạnh đẹp của con đường ven biển.



Đường ra Bãi Tiên
Nếu đi ngược hướng ra Bãi Tiên, chúng ta sẽ vào Bãi Dài cách thành phố Nha Trang khoảng 12km. Trước kia không nghe ai nói đến Bãi Dài. Từ ngày bờ biển Nha Trang bị kinh doanh khai thác cạn kiệt, người ta mò dần ra hướng Bắc hoặc vô hướng Nam tìm đất dựng khu du lịch giải trí, Resort, Nhà hàng…Hướng đi Bãi Dài xem ra tấp nập hơn nhờ cùng đường đi phi trường Cam Ranh. Từ Nha Trang xuống Bình Tân (phi trường Nha Trang cũ) qua cầu Bình Tân chừng vài cây số sẽ gặp khu du lịch qui mô, chiếm nguyên vùng đất sát biển dài cả cây số: Diamond Bay. Khu du lịch Diamond – Hoàn Vũ đã mọc lên từ nhiều năm nay, tách hẳn ra khỏi cảnh náo nhiệt của thành phố nên mang rõ nét thiên nhiên. Điểm đặc biệt là những tảng đá tại chỗ được dựng thay trụ cho hàng rào xanh, lề đường trông loại cỏ mịn có hoa vàng lấm tấm. Màu sắc giữa cỏ đá và cây xanh cho ta cảm giác khá đằm thắm và thân mật. Ra khỏi đia phận Diamond, chúng ta lên đèo, đèo thấp, đường chạy viền theo bờ biển, nơi đây có nhiều chỗ dành cho du khách dừng chân ngắm biển đảo. Hết đèo ta lại lên một con dốc, đường quành qua lại như rắn bò. Đoạn này cũng có vài khu Resort, đặc sắc nhất là MIA Resort, tất cả nét hấp dẫn của MIA đều hướng ra biển, các công trình xây dựng xuống thấp dần, cuối cùng là bãi tắm. Từ trên đường không thấy gì, đứng ở một khúc quanh sẽ bao quát được vẻ đẹp nên thơ của khu Resort này. Nhưng không có mấy khách, có lẽ còn mới quá, hoặc xa thành phố không tiện đi lại. Chạy thêm một đoạn là nom thấy Bãi Dài dưới xa bên trái. Bãi cát trắng cong cong, một làng quán tranh chạy dài cho đến cuối bãi. Cảnh khô quá, không ghe thuyền không người tắm biển, không thấy du khách.Xuống hết dốc, có ngay bảng giới thiệu Bãi Dài. Nhìn mũi tên chỉ hướng ra bãi, biết ngay là chưa ai đầu tư gì nhiều. Con đuờng mòn hẹp như bờ ruộng, đá cuội lởm chởm, xe máy chạy cũng khó khăn, chừng 200m. Ra bờ biển mới thấy sự nghèo nàn và tồi tệ của một bãi tắm. Rác bẩn đủ thứ, quán lều nhếch nhác, quán nào cũng cả trăm ghế xếp, mà không thấy ai ngồi, ngoại trừ mấy đứa bé đùa giỡn với sóng biển. Tôi vào một quán đầu bãi hỏi thăm sinh hoạt quán hàng, mấy bà bán quán cho biết mùa hè mới đông khách, mùa này cuối tuần khách lai rai.”


 Rusalka hoang phế

Có những cuộc du lịch đôi lúc dọc đường lại gặp nhiều điểm hay. Từ Bãi Tiên vô Bãi dài theo tôi, chỉ đẹp về đoạn đường hai đầu thành phố, có nhiều vị trí để ngắm cảnh trời nước, biển đảo giúp tâm trí vơi bớt âu lo, bớt phiền muộn, còn tắm biển thì hơi phí thì giờ. Tất nhiên cũng có ngoại lệ, tỉ như các cô cậu muốn tìm một thế giới riêng để tâm tình hay khách Tây tìm nơi yên vắng để phơi mình thì Bãi Dài đúng địa chỉ không sai.

Trần Công Nhung (2013)

(1) Đỗ Trí Dũng người nghệ sĩ năng nổ và đa tài. Có lần tôi nhận xét về “loa công cộng” anh đọc ngay mấy câu “Loa là dụng cụ tuyên truyền, Cớ sao đem đặt ngay liền khu dân”. Hiện anh mang chứng bịnh xơ gan cổ trướng, đã một lần lấy ra 4 bình nước, anh nói “mà không chết”. Mấy lần tìm thăm, hôm 23/11/13 tôi vào khoa lây trung tâm y tế Nha Trang, hỏi mấy cô y tá “phòng 1A” thì cả loạt lên tiếng “chú Đỗ Trí Dũng hả”- ‘Sao các cô biết hay vậy?”- “dạ phòng đó chỉ mình chú ấy nằm, hôm nay chú ấy đến lấy thuốc về rồi, chú ấy là Đỗ Lang Thang”. Tôi không nhịn được cười, hỏi xin số phone và gọi anh suốt, chẳng thấy tăm hơi, đến chiều anh bắt liên lạc đến tận nhà đọc cho tôi bài Núi Cô Tiên và đặc biệt bài nhạc anh phổ thơ “Đôi Dép” của Nguyễn Trung Kiên, hiện đang lan truyền rộng rãi trên mạng. Anh cũng cho biết tháng 12 tới đây một nhóm nghệ sĩ sẽ cùng anh làm một Liveshow tại Sài Gòn để gây quỹ giúp anh chữa bệnh.

(2) Giải tỏa xóm Cồn làm cho con đường biển sáng sủa đẹp hẳn lên, tuy nhiên phá luôn ngôi nhà của BS Yersin, một đại ân nhân của dân Việt, một vỹ nhân của thế giới để lấy mặt bằng xây nhà nghỉ bộ nội vụ (nay là Nha Trang View), nhiều người chê cười điều này và chắc chắn người ngoại quốc, nhất là Pháp sẽ cho ta là thứ mọi rợ, có châu báu trong tay mà không biết giữ. Thử tưởng tượng, nếu ngôi nhà của Yersin còn nguyên, nổi bật giữa vườn hoa với một bảng giới thiệu sự nghiệp người bác sĩ này thì sức thu hút du khách (thế giới) gấp vạn lần món ăn đặc sản của khác sạn này quảng cáo. Có người an ủi “Nói đi phải nghĩ lại, nhà nghèo, tài trí kém mà làm được thế là “hồ hởi phấn khởi” rồi!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét