khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Chủ Nhật, 11 tháng 5, 2014

Nha Trang về đêm -- Tác giả : Trần Công Nhung




 
 
 
 
 
 
 
Người ta thường nói Sài Gòn by Night, Paris by Night, ít ai nghe Nha Trang by Night. Ngày nay, về đêm mới thấy sức sống của Nha Trang.

Hồi tưởng lại những năm tháng xa xưa, thành phố Nha Trang lúc nào cũng bình thản, êm đềm với tiếng phi lao và sóng biển rì rào. Khách đường xa ghé qua Nha Trang sẽ được giới thiệu về những thắng tích nơi đây như Tháp Bà, Hòn Chồng, Đại Lãnh, Bích Đầm, Bãi Trũ ...

Sinh hoạt của Nha Trang thời ấy chỉ tập trung dọc con đường Độc Lập (nay là Thống Nhất), từ rạp chiếu bóng Tân Tân xuống phố Phan Bội Châu. Ban đêm Nha Trang lại càng thu gọn hơn, mọi ngã đường đều đỗ về chợ Đầm : Phở mì, chè cháo, hột vịt lộn nước mía...hầu hết các món ăn đêm đều trải đầy trước chợ. Đặc biệt có xe xôi gà của ông lão Bắc Kỳ là đông khách.

 Chiều khoảng bốn giờ ông đã đẩy xe đến ở góc chợ Đầm. Vài ba cái bàn con, mấy chiếc ghế đẩu, ông chưa bầy hàng xong mà đã có khách đứng đợi. Xôi ông nấu rất khác người, hạt nếp màu mỡ gà, rời tơi, mềm, vừa béo vừa ngọt, ăn không thấy ngán. Hương vị thịt gà của ông lão mới là tuyệt. Gọi một dĩa thịt rồi ngồi nhìn động tác ông xẻ gà, con dao to bản ông phập đều đặn xuống chiếc đùi gà, cánh gà, nghe êm tai. Từng miếng thịt gà vàng được xếp rất khéo vừa một dĩa, một vài cây hành hương chẻ hai rắc lên trên... chén nước chắm...

Người ta bảo: “Ăn ngậm mà nghe”, đúng như vậy. Thịt gà của ông mềm ngọt mà không bở, béo nhưng không béo ngậy đến độ làm cho thực khách ớn mà sợ. Thịt gà của ông thơm một cách quyến rũ. Mà mùi thơm của thịt gà chứ không phải do gia vị biến chế. Dường như ngày nào tan trường tôi cũng ghé qua làm một dĩa. Thịt 5 đồng, xôi 3 đồng, sương sương chẳng tốn bao nhiêu mà khoái khẩu, riết rồi như ăn cơm tháng. Một hôm, chờ lúc không có khách, tôi hỏi nhỏ ông:

- Bác à, gà bác mua đâu mà thịt ngon thơm dữ vậy?

Ông lão cười ra điều thông cảm, giải thích cho tôi:

- Công phu lắm cậu à, gà phải mua gà tơ rồi nuôi vỗ cho ăn mè.

- Nuôi bao lâu hả bác?

- Thường khoảng ba tuần.

Vài năm sau, ông có một quán Xôi Gà Công Nhiên ngay lối vào Phường Củi, đầu phố Đôc Lập, vẫn đắt khách. Một thời gian, ông dời về Cầu Dứa, rồi theo thế sự thăng trầm, không rõ ông lão đi về đâu. Ngày nay, Nha Trang có quán Huỳnh Lai sau lưng nhà Bưu Điện, nổi tiếng xôi cháo gà, nhưng không thể sánh với tác phẩm “Xôi Gà Công Nhiên” ngày trước. Với tôi, đây là “tuyệt tác chỉ có một thời”.

Nhà hàng thời ấy cũng chỉ có một vài, như Đồng Khánh, Dân Thiên cho khách sang. Thấp một chút có Á Đông đường Hai Chùa, mì Hòa Ký đường Độc Lập... . Ngoài ra đường nào cũng ngủ êm, đèn đường mờ mờ...

Ban đêm rong xe đạp từ đầu đường Duy Tân (nay là Trần Phú) xuống Cầu Đá, du khách đều phóng được tầm nhìn thẳng ra biển, không bị che chắn bất cứ thứ gì. Ngày nay bờ biển NhaTrang đã thay đổi nhiều, chỉ thông thoáng mỗi một đoạn từ Bưu Điện đến khoảng đường Yersin.

Nha Trang đã khác hẳn, tất nhiên về vóc dáng Nha Trang lớn mạnh hơn, nhà cửa đường sá, xe cộ trên đà tăng trưởng, nhưng điều làm cho tôi ngạc nhiên hơn cả sau 10 năm xa cách là sinh hoạt về đêm của Nha Trang: Ăn chơi.

Ở đâu, dân tộc nào, thời nào, việc ăn uống cũng được coi trọng. Lẽ bình thường, có ăn uống mới có sức làm việc. Nhưng ăn uống có tính cách chơi, ăn chơi, tôi nghĩ Việt Nam ngày nay phải được kể hàng đầu. Nha Trang là một điểm nóng của du lịch, do đó ăn uống là một trong những ngành được phát triển khá ồ ạt. Ăn uống kéo theo nghỉ ngơi, nên khách sạn, nhà hàng mọc như nấm sau cơn mưa.

Những đường phố lớn khách sạn hàng ăn đã đành, ngay trong các ngõ hẻm cũng nhiều phòng trọ nhà nghĩ. Nhiều công chức, giáo viên ngày trước có căn nhà rộng nay sửa sang làm khách sạn mini. Villa của bác sĩ Lý Cẩm Chương (ở Pháp), nhà nước trưng dụng làm Bảo Tàng, nơi 10 năm trước tôi trưng bày Cây Kiểng, nay đã là khách sạn Khánh Hòa. Có thể nói nhà nước và nhân dân tận dụng tối đa mặt bằng để phục vụ du lịch. Ăn chơi, nghỉ ngơi và dưỡng bệnh như một giây chuyền chặt chẽ, bác sĩ tư, nay không còn lo thiếu gạo như những ngày sau tháng 3-75 (đạp xe thồ chỉ mong ngày hai bữa cơm) .

Trời chưa tối, hàng ăn đã bày ra lề đường, phố tấp nập người. Đường nào cũng có hàng ăn, lớn hoặc nhỏ. Có đường chuyên bán một món và có những tên gọi nghe lạ tai. Đường Hàm Nghi (nay Nguyễn Thị Minh Khai), chuyên về Lẩu : Lẩu Lươn, Lầu Dê, Lẩu Bò...Quốc lộ 1 từ Mã Vòng lên Cầu Dứa chuyên vịt nướng. Những nơi sáng sủa ăn chơi đã đành, trong các hẻm nho, khách vẫn đông không kém. Đường Ngô Sĩ Liên chỉ một đoạn ngắn nối Yersin và đường Nhà Thờ (nay Lê Thành Phương), tối tăm thế mà cũng đông khách ăn đêm.

Thực tình thì đời sống không cao, lao động trung bình tháng 600 ngàn đến 1 triệu, một bữa ăn hai người đã ngót mấy chục ngàn. Tôi không hiểu tiền đâu ra. Hỏi một bạn cũ, anh cười trả lời: “Tôi còn không hiểu huống ông”. Mà anh không hiểu cũng đúng, giáo chức về hưu, tiền bạc đâu mà vào chốn ăn chơi để hiểu. Hỏi một bạn trẻ thường đi nhậu:

- Dân Nha Trang không ăn cơm tối ở nhà?

- Sao chú nói vậy?

Thì cứ chiều là họ kéo nhau vào quán, quán hàng nào cũng đầy thực khách.

Anh bạn trẻ giảng cho tôi :

- Ban ngày lo làm, chiều mới họp mặt kéo nhau đi, và thường là những buổi liên hoan sơ kết, liên hoan vượt mức kế hoạch, liên hoan tiễn đưa.. vv. Những buổi tiệc như vậy, ai dại gì vắng mặt. Ngày thường sau giờ tan sở là công nhân viên chức kéo nhau đi họp liên hoan, không ăn cơm nhà, còn ngày nghỉ thì trễ một chút, nghĩa là cơm tối rồi mới lên đường.

Cứ nhìn vào liên hoan vui chơi là biết kinh tế đang lên! Ban đêm, trung tâm thành phố (nhà Thông Tin), Ngã Năm, Ngã Sáu, hệ thống đèn màu nhấp nháy hoa cả mắt. Có một loại đèn pháo bông: Một trụ sắt cao, đầu trụ bung ra những vòng ánh sáng đủ màu, không lấy gì làm nghệ thuật, chỉ hại mắt, nhưng trẻ nhỏ thì thích thú vô cùng. Các đường lớn có giây đèn kết chữ: “Nha Trang chào mừng quí khách”. Tôi thấy có cái gì đó như một thứ đua đòi của kẻ tập ăn chơi, nó ngây ngô mộc mạc (1). Mà xem ra dân chúng rất thoải mái hài lòng.

Con đường tiêu biểu cho sức sống về đêm của Nha Trang có lẽ con đường biển. Bao nhiêu khách sạn, nhà hàng, mọc nối tiếp nhau. Đèn sáng rực. Một khách sạn, tên rất Nhật Bản nhưng mang nét của một Casino Las Vegas: Khách sạn Yashaka. Lối trang trí mặt tiền rất tuyệt, những cây thiên tuế trong một phối cảnh hài hòa, tạo cho khách cái cảm giác thiên nhiên rừng núi đầy nghệ thuật. Las Vegas, trang trí bằng cây Palm, Palm mà sánh với Thiên Tuế Việt Nam thì cũng chẳng khác gì mấy chị da đen phục phịch bên cạnh cô gái Hà Thành mảnh mai trong chiếc áo lụa Hà Đông. Yashaka là một trong những khách sạn loại sang của Nha Trang, giá phòng $35 đô.

Từ Yashaka đi về hướng Phi Trường, ngày trước nhiều biệt thự, nhà ở, nay thay thế bằng nhiều khách sạn lớn. Khách sạn Yashaka khách sạn Duy Tân, Hải Yến, Lodge, Grand Hotel... Khách sạn đi đôi với nhà hàng có đủ các món ăn chơi phục vụ du khách. Nghe nói Yashaka có tắm hơi đặc biệt... Nhà hàng Louisana Café, liên doanh Pháp và Công Ty Cung Ứng Tàu Biển, có lối kiến trúc kín cổng cao tường, không ai biết gì bên trong nhưng khách phải trả bằng đô la, và giá rất đắt.

Phía bờ biển thì xen lẫn nhiều khu giải trí. Khu Công Viên Phù Đổng, một trung tâm giải trí vui chơi lớn, dành cho trẻ em, đang được xây cất. Vào xem một vòng mới thấy cái tinh thần vô trách nhiệm của người mình. Công trình đang dở dang, gạch đá, ngổn ngang, có những miếng ván đinh đóng lởm chởm vứt bừa bãi trên mặt đất, vậy mà bán vé cho trẻ em vào chơi. Nếu xẩy ra tai nạn thì thưa kiện ai? Biểu tượng của công viên là tượng Phù Đổng cưỡi ngựa xung trận. Tượng đồng khá lớn, song không hiểu sao nhà làm tượng lại cho Phù Đổng cười.

Vào một nhà hàng có món cháo hải sản đặc biệt, tôi và một bạn trẻ đang nhâm nhi, thấy đàng xa có cô gái mặc chiếc áo dài màu lá cây, đeo giây quàng như Miss Vietnam, cô gái có thân hình dong dỏng, dáng uyển chuyển mềm mại, đúng mẫu người lý tưởng cho chiếc áo dài. Tôi hỏi:

- Sao cô kia không đến rót bia ở bàn mình?

- Tại cô ấy bán bia tiếp thị.

Em nói gì tôi không hiểu.

- Mình uống bia Saigon 50 nên nhà hàng chỉ mang bia ra, mình tự túc, còn cô gái bán bia Carlberg, bia của hãng khác quảng cáo nên cần các cô đẹp tiếp khách.

- Biết thế mình gọi mấy chai cho các cô tha hồ rót.

Có một ông Tây cứ uống lia lịa để giữ cô gái đứng hầu. Buôn bán ngày nay đã cởi mở thông thoáng nhiều, cách phục vụ cũng tươm tất hơn.

Con đường Duy Tân (Trần Phú) về đêm có ba thời điểm rõ rệt: 6 chiều đến 9 giờ đêm dành cho khách gia đình (vợ chồng con cái) dạo chơi hóng mát, đây là lớp trung lưu, đi ngắm hơn là đi nhà hàng. 10 giờ cho trai gái lứa đôi, 12 giờ khuya trở đi cho giới đua xe gắn máy...

Tôi không rõ dân số Nha Trang nay bao nhiêu nhưng cứ nhìn mức độ sinh hoạt về đêm của thành phố thì hẳn là gấp bội ngày trước. Mà không phải chỉ trong thành phố, ra các khu phụ cận như về Cầu Đá, qua Đồng Đế Ba Làng... Đường đi Cầu Dứa, qua khỏi cổng Chùa Long Sơn là một dãy Làng Nướng liên tiếp dọc Quốc Lộ lên Thành. Thoạt mới nghe: “Làng Nướng Miền Tây Nam Bộ”, tôi rất đổi ngạc nhiên, đến bây giờ vẫn còn lối đặt tên kiểu 75: “Cửa Hàng Chất Đốt Thanh Niên,” “Ngày Chia Thịt Nhà Giáo,” v.v..

Quán Cafe “Em Và Tôi” ngay chân cầu Dứa, trời vừa tối đã đầy khách. Nói là quán nhưng hình thức không như quán cốc bên đường hay quán cafe trong phố. Một cái rạp khá rộng, mỗi bàn bốn ghế, xếp như bàn cờ. Ánh sáng lù mù từ trên sân khấu tỏa xuống không đủ cho mọi người nhìn mặt nhau. MC của quán là một thiếu nữ lớn tuổi, xét cách ăn nói thì rõ là tay nghề không cao.

Ban nhạc cũng đơn giản: Một guitar, một trống, một Orgue... Khán giả làn lượt ghi tên hát, các anh chị choai choai liên tiếp lên sân khấu. Có đôi giọng nghe ngọt ngào, có ngưới cố rống cho hết bài hát để được vỗ tay. Khán thính giả xem ra rất rộng lượng, hay dở gì pháo tay cũng nổ bôm bốp. Đặc biệt của quán là tiếp viên toàn thanh niên, những sinh viên làm thêm để có tiền chi tiêu cho việc học hành. Khách đến với “Em và Tôi” không phải tìm hương vị các thức ăn uống mà cốt ở cái không khí nhộn nhịp mờ ảo để làm nơi hẹn hò. Với ly café đen, muốn ngồi bao lâu cũng được.

Nha Trang về đêm là một bức tranh sôi động rực rỡ tưng bừng, nhưng ẩn nấp đâu đó cũng có những màu âm u hơn, lạnh hơn, êm đềm hơn..., có lẽ để lấy lại quân bình cảm quan cho người thưởng ngoạn, như quán trà “Hoa Biển” ở cuối đường Trần Nhật Duat


Hoa rừng thì nhiều nhưng Hoa Biển hiếm, tôi và một người bạn vào thăm Hoa Biển. Khoảng sân trước của căn nhà bề ngang chừng 5 mét, nhiều cây kiểng cao, rải rác những chiếc bàn và ghế làm bằng gốc cây, nhiều hình dáng lạ nhưng thô cứng. Tôi biết chủ nhân cố cách điệu lối trình bày cho có vẻ nghệ thuật, thứ nghệ thuật Đông Phương. Phòng trong, có một bàn trà Nhạt Bản, đặt trên nền nhà trải chiếu hoa, một vài bức tranh Thiền của họa sĩ Phượng Hồng treo trên vách... vắng lặng. Gọi một bình trà, trong khi chúng tôi uống trà thì bên ngoài phát ra những bài hát không có gì Thiền, hay “Trà Đạo”. Hoa Biển đã không tạo được ấn tượng đặc biệt nào. Tôi nghĩ, bên cạnh những náo nhiệt tưng bừng của bao thứ đèn màu thời đại, Hoa Biển chưa đủ bản lãnh để thu hút khách.
Đối với du khách cũng như dân chúng địa phương, đặc trưng của Nha Trang về đêm vẫn là con đường biển, con đường nhiều ánh đèn màu, nhiều trò chơi, nhiều món ăn cho nhiều giới. Nếu không muốn vào một nơi nào cứ việc chạy xe mấy vòng con đường bờ biển cũng thấy được Nha Trang về đêm hấp dẫn như thế nào.

(1). Nay (2013) đã dẹp bỏ, có lẽ nhờ thêm tuổi mà ba thứ trẻ con đã giảm nhiều

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét