Lớn thuyền tất nhiên phải lớn sóng.
Đã từng tuyên bố nọ kia lúc ra đi thì ắt phải có chuyện rùm beng khi trở về.
Ca khúc khải hoàn trước khi bước lên máy bay với đoàn tuỳ tùng? Bước lê trên xa lộ Phạm Văn Đồng để đến hí viện dưới những con mắt tò mò tinh nghịch? Thú hiếm? Hay thú sút chuồng bị nhử mồi?
Một cây bút nữ nọ muốn tỏ ra rằng mình “cool”, “nhân từ”, “sáng suốt”, đã tuyên bố một cái rụp, tôi xin vắn tắt:”Hãy đặt cô sĩ sắp về nước hát vào đúng vị trí bé nhỏ của xướng ca vô loài, không đáng kể, không nên bận tâm thái quá, cứ để mặc cho họ được tự do ca hát.” Đại khái. Hy vọng tôi tóm lược không sai quá nhiều để sẽ bị chất vấn, kiện thưa.
Ô hay! Ngủ mê hay là u mê? Lập luận của “kẻ cả” (xin lỗi)... chả biết gì cả. Xin thưa: Ca sĩ bây giờ, nếu nổi tiếng thì thuộc loài tỷ phú đô-la, chủ nhân những căn hộ triệu đô. Đi tới đâu cũng có một đám đông xin chữ ký, vài bác phó nhòm bấm máy. Kể lại một câu nói dân gian quá xa xưa, quá cũ kỹ, có tính cách miệt thị, của thời kỳ nghệ sĩ còn nghèo đói lang thang hát rong, trước cả thời ca nhi lãng mạn... đối gương ôm sầu riêng bóng, để lập luận là quá hay ho.
Không thể vô loài, một ca sĩ vang bóng một thời, tiếng tăm khắp nước qua nhiều thế hệ, tiếng tăm lan qua một nước láng giềng, xưa cũng như nay được báo chí, truyền hình, truyền thanh phỏng vấn, chụp ảnh, thu thanh giọng hát để phát sóng, thì xin thưa chỉ “vô loài” đối với tác giả bài viết kể trên thôi. Một tác giả, xin nói thẳng thừng, tôi chưa rõ thuộc loài nào, nhưng chắc chắn trăm phần là chưa thuộc loài được phỏng vấn, được chụp ảnh.
Một ông bầu sô tuyên bố khi được hỏi: “Tôi nghĩ chuyện ca nghệ sĩ ở đây về Việt Nam hát, được đón tiếp nồng hậu thì điều đó chứng tỏ chúng ta là người chiến thắng... Văn hoá không biên giới, âm nhạc chỉ đơn thuần là nghệ thuật, không có xu hướng chính trị gì cả...”
Những nhận định rất thú vị... rất đơn thuần nghệ thuật. Không xu hướng chính trị “nhạc phản chiến”, ca khúc “Hồ Chí Minh đẹp nhất tên người”? Chỉ xin kể hai trường hợp dễ nhận thấy nhất.
Người chiến thắng. Được đón tiếp nồng hậu. Văn hoá không biên giới. Tôi thấy thật không cần chứng minh ngược lại, mất thì giờ của tôi, mất thì giờ của độc giả. Chỉ xin nói vắn tắt: Không biên giới khi vẫn còn phân chia trong ngoài, được đón tiếp nồng hậu bởi những ai sau hơn một thập niên dọ đường hay xin xỏ, các ca khúc dự định trình diễn phải nộp danh sách trước để kiểm duyệt.
Một bầu sô khác tuyên bố nửa nạc nửa mỡ, hai phải: “Tôi thất vọng vì không ngờ ca sĩ Khánh Ly đã không giữ lời khi trước đây bà nói ‘Không về Việt Nam hát khi đất nước còn cộng sản’. Dẫu sao chị tuổi cũng đã cao, ước vọng về Việt Nam hát cho trên 80 triệu đồng bào là nỗi khắc khoải của bà, cho dù về đó hát chỉ một lần rồi thôi...”
Bốn hay năm vị bầu sô được hỏi ý kiến về việc Khánh Ly về nước hát chỉ có vị đầu tiên (âm nhạc chỉ đơn thuần là nghệ thuật) có ý kiến minh bạch. Các vị còn lại tuy “không có ý kiến” nhưng đều đồng thanh ca Khánh Ly về nước hát thì... ô kê.
Tôi thử hình dung trên 80 triệu đồng bào ngồi xem (tôi nhấn mạnh) trong một rạp hát trong một đêm hát duy nhất. Vấn đề và câu hỏi cần được đặt ra ở đây là khán giả trong cái đêm hát đó là ai? Trước tiên là họ phải có tiền, con cái, vợ yêu, tình nhân của đại gia, của lãnh tụ, hoa hậu, siêu mẫu..., vân vân và vân vân..., chắc chắn sẽ di chuyển bằng “xế khủng” và chưng diện “hàng hiệu” để tới rạp hát vỗ tay hoan hô nhiệt liệt để tỏ ra mình thuộc giới thượng lưu, văn minh, sành điệu, tất nhiên sẽ rất tiêu biểu cho trên 80 triệu con rồng cháu tiên. Giá vé chắc sẽ không hạ, sẽ có giành giựt, bán chui, chợ đen chợ đỏ.
Nếu ước mơ của ca sĩ Khánh Ly lúc về chiều là hát “sống” cho trên 80 triệu đồng bào trong nước nghe, nghĩa là cả nước không phân biệt già trẻ bé lớn, giàu nghèo, thành thị thôn quê, để phục vụ nghệ thuật, phục vụ đồng bào, thì chí ít là bà và ban tổ chức cũng có thể chọn một cái stadium hay một bãi đất trống rộng như các festival nhạc rock của các ca sĩ Anh Pháp Mỹ, và hát miễn phí cho một số khán giả sẽ đông gấp bội, gấp mười lần khán giả trong một rạp hát. Và tại sao không ở lại hát nhiều lần? Vì chắc bà không cần tiền, di chuyển từ tỉnh này qua tỉnh nọ, hay chí ít là ba lần như vậy, ở Hà Nội, ở Huế, ở Sài Gòn - hay theo thứ tự Huế-Sàigòn-Hànội của ca khúc da vàng (phản chiến) vang vang một thời. Dù sao Huế cũng là quê hương của Trịnh Công Sơn, nhạc sĩ “đồng cảm” với bà (lời Khánh Ly) mà bà muốn vinh danh một lần cuối qua tiếng hát của mình. Nếu độc mồm độc miệng thì có thể nói “bản cũ soạn lại”. Bản cũ của Sài Gòn trước 75, bản cũ của hải ngoại sau 75, nhưng bản mới cho những kẻ thừa tiền trong nước hiện nay, sính bỏ tiền ra sưu tập các thứ để bày biện trong phòng khách, phòng ngủ.
Không thể so sánh Khánh Ly với các ca sĩ khác, ngoài và trong, về ra, ở lại, hay ở luôn, khi họ được phép “giao lưu” văn hoá. Họ cũng nổi tiếng, họ cũng hát hay. Nhưng họ không phải là Khánh Ly. Không thể vơ đũa cả nắm, hay đồng hoá trong trường hợp này. Dù muốn dù không, do sự ngẫu nhiên hay do hoàn cảnh xã hội đưa đẩy, Khánh Ly là một hiện tượng, một biểu tượng của một thời kỳ, của một cuộc chiến, dù hoà bình đã đến, không những vẫn chưa lụn tàn, chưa nguôi, mà càng ngày càng thêm nóng bỏng.
Khi ra quân, chính Khánh Ly cũng dư biết rằng bà là một con thú hiếm, và hãnh diện tự hào về điều đó. Tiền cát-sê nếu không thật vĩ đại thì cũng phải thật dồi dào cho bõ công, cho xứng đáng với danh tiếng của mình. Dù món tiền đó Khánh Ly có thể sẽ không bỏ túi hết mà có thể sẽ chia bớt cho các hội từ thiện như bà đã làm nhiều lần ở hải ngoại, một hành động tôi rất khâm phục vô cùng và mong nó đã giúp ích được cho nhiều người trong cảnh khó khăn cần sự đùm bọc.
Trịnh Công Sơn đã chọn ở lại. Khánh Ly đã chọn ra đi. Ở xứ người lúc mới di tản, đồng tiền của cộng đồng đã tưới nước, nuôi dưõng tiếng hát Khánh Ly cho nó khỏi bị mai một. Các đồng nghiệp thiếu may mắn, không thoát thân được sau 75, như Thái Thanh, Lệ Thu... hoặc bị cấm hát, hoặc không muốn hát. Lúc còn ở trong nước, Lệ Thu cuối cùng vì chén cơm manh áo đã hát và thu bài “nếu là chim tôi sẽ là loài bồ câu trắng... nếu là người tôi sẽ chết cho quê hương...”, một bài hát tuyên truyền của miền Bắc rỉ rả sau “giải phóng”, không đến nỗi tệ, không quá chói tai. Việc này khiến Khánh Ly đã bày tỏ sự bất bình của mình khi viết một bài về phòng trà/quán rượu Queen Bee Sài Gòn xưa, ca tụng Thái Thanh và Ngọc Minh, một ca sĩ bậc đàn chị vô hại, và một ca sĩ mới nổi tiếng, bạn thân nhưng ít nổi tiếng hơn mình. Khánh Ly, Lệ Thu lúc ấy (trước 75 trong nước) đang tranh ngôi nữ hoàng nhạc thời trang. Sau khi ra được hải ngoại mang theo những vết thương khó hàn gắn, Lệ Thu có được Khánh Ly mời hát chung, hoặc là để giúp đồng nghiệp, hay là với mục thương mại, tôi không rõ. Dù sao, khán giả mua vui, nếu mua “một mà được hai”, thì sẽ hể hả hơn. Sắc tài thế mấy đi nữa mà cứ solo mãi cuối cùng khán giả cũng phải chán. Trịnh Công Sơn thì đã bị/được miền Bắc lợi dụng trước và sau chiến tranh, lúc còn sống và sau khi chết. Nhưng từ “nội chiến” tới nay vẫn còn là điều cấm kỵ.
Bảo rằng ca sĩ hải ngoại về nước hát là một chiến thắng, vì họ mang theo sự tự do hay cái gì đó, là tự cao tự đại, nếu đó không phải là ngụy biện. Chiến thắng trong trường hợp này xin hiểu là chiến thắng chế độ. Cái chế độ hiện hữu thì nó đã tự coi, tự vỗ ngực xưng mình là kẻ chiến thắng độc nhất, vĩnh hằng, bất di bất dịch rồi. Cái mà nó muốn là số tiền đô mà khúc ruột ngàn dặm mang về. Vắt chanh xong nó sẽ bỏ vỏ.
Điều mà tôi thích ở Khánh Ly là tiếng hát “có hồn” của cô/bà ta. Khánh Ly “đồng cảm” với con người Trịnh Công Sơn và nhạc Trịnh Công Sơn. Có thể Khánh Ly hát chưa đúng theo nốt nhạc, như bà đã tâm sự, vì kém nhạc, vì tự học. Vài ca sĩ hải ngoại, và hầu hết ca sĩ trong nước bây giờ, theo thiển nghĩ của tôi, là họ cố rống, cố rung tiếng hát cho thật cao, để khoe khoang cái kỹ thuật điêu luyện của mình, mà họ lầm tưởng là tài năng. Ca sĩ trong nước hiện nay đều có học nhạc, được luyện giọng ở trường nhạc. Nhiều “nghệ sĩ nhân dân” đã về chiều, từng được cho sang Nga hay các nước cộng sản bạn để huấn luyện thêm tiếng hát. Hát nhạc nhẹ, nhạc buồn, nhạc tình mà sử dụng kỹ thuật hát nhạc ô pê ra tôi nghĩ là khó nghe. Nói tóm lại, Khánh Ly hát theo con tim, nên tiếng hát Khánh Ly không thể thay thế. Ca sĩ trong nước bây giờ thì chỉ là những cái “máy hát” không hồn, với kỹ thuật càng ngày càng thêm tinh vi.
Nhạc Trịnh Công Sơn, tiếng hát Khánh Ly là nỗi đau khổ, trong xã hội cũng như trong tình yêu, âm vọng của “nỗi buồn chiến tranh”. Nhưng “nỗi buồn hoà bình” thì chính Trịnh Công Sơn cũng không bậm tâm, dù nó có thể đã sâu đậm hơn cả nỗi đau chiến tranh rồi. Khánh Ly “ăn mày quá khứ” sống trong dĩ vãng, điều đó chẳng khó hiểu, chẳng đáng trách. Nhưng về nước, Khánh Ly ít nhất cũng phải bày tỏ chút ít mối quan tâm về “nỗi buồn hoà binh” chứ, bằng thái độ, hay bằng ám chỉ, nếu không trong hành vi, thì cũng phải qua tiếng hát. Một trong những hành vi tỏ ngầm thái độ ấy là mặc chiếc áo dài đen, đeo vòng cổ thánh giá, không đeo hoa tai, chuỗi ngọc, vòng cẩm thạch, để tiếp tục “để tang” trên phương diện hình thức cho các nạn nhân của chiến tranh và hoà bình, như tôi đã gợi ý trong một bài đối thoại trước đây. Tiếng hát Khánh Ly đã “để tang” cho đất nước trong thời khói lửa, theo lời giới thiệu trong một băng cassette cũ, bán tại Sài Gòn. Khánh Ly về nước có dám hát, có được cho phép hát “Huế Hà Nội ôi quê hương ta sao vẫn lầm than” hay không? Không thể viện cớ đứng bên lề chính trị, vì cặp đôi Khánh Ly-Trịnh Công Sơn dù muốn dù không đã dính líu tới chính trị. Bom đạn thời chiến tranh và bom đạn của chế độ thời hoà bình chí ít là cũng ngang bằng nhau. Bom đạn chiến tranh đốt phá xóm làng. Bom đạn khách sạn, sân gôn, xa lộ, cưỡng chế đã và đang tiêu diệt ruộng đồng khắp nước. Tôi có viết trong trang “thơ bất tận” của tôi, chưa được trình làng bốn câu vần vè sau đây:
khách sạn với sân gôn
tượng đài ngộp bóng cờ
xế khủng và xeo phôn
quê giàu thêm xác xơ
Sau đêm 9 tháng Năm, sau đêm hát duy nhất của Khánh Ly ở Hà Nội, xin hỏi trên 80 triệu “đồng bào” của Khánh Ly hay của ông bầu sô đã kể trên, có hạnh phúc hơn không? Khán thính giả ưu tú của Khánh Ly trong đêm hát kia chắc sẽ không được 1 phần trăm của 1 phần trăm của trên 80 triệu dân Việt hiện nay.
Khánh Ly về nước hát, hay không về, là chuyện ngoài thẩm quyền của cá nhân tôi, và tôi thật tình không bận tâm. Tôi đã dứt khoát với tiếng hát Khánh Ly và nhạc Trịnh Công Sơn từ lâu rồi. Tôi viết bài này là chỉ trong tinh thần thuần tranh cãi mà thôi. Nếu không có những tiếng nói, những bài viết thảy đều bênh vực về ngày trở về của Khánh Ly, viện lý kia lẽ nọ, thì sẽ không có bài viết này. Viết để cho có thêm ý kiến, có đối thoại hai chiều hầu rộng đường luận.
Vài nhạc sĩ sau nhiều lần cố gắng nhưng không trốn thoát, và đã bị bắt lại, thất nghiệp, ngày càng sa sút, vô gia cư, lang thang cô độc cho tới cuối đời. Đó là chưa kế thêm vài tiểu thuyết gia nổi tiếng của miền Nam trước 75 bị chế độ kỳ thị, rẻ rúng, không cho viết, kiếm sống qua ngày bằng cách bán thuốc lá lẻ từng điếu một, trong thời kỳ còn bao cấp. Quan niệm nghệ thuật, văn chương, âm nhạc không biên giới, thuần nghệ thuật ơi, hãy đi chỗ khác coi ta có mặt ở đó hay không.
Phạm Duy về nước sống được vài năm, mong tiếng tăm mình thêm lẫy lừng với “đồng bào”, nhưng thật ra chỉ bị mất thêm vài cái lông đã thưa thớt. Vẫn là cái ego to tổ bố già của một kẻ rất chú trọng đến cái bề ngoài “nghệ sĩ với cây đàn hát rong trên con đường cái quan” phục vụ nghệ thuật và phục vụ đồng bào. Nhiều bài hát của Phạm Duy tới nay vẫn còn bị cấm. Viết 10 bài tục ca “vì thấy những cái xấu xa và đồi trụy của xã hội miền Nam lúc đó” (trước 75). Nhưng khi trở về nước được nhìn tận mắt, nghe tận tai, thì bỗng dưng “cánh chim bỏ xứ” oang oang ngày nào lại theo “triết lý 3 con khỉ”, tự bịt mắt bịt tai bịt miệng. Có nhiều khi đời nghệ sĩ (danh thơm) chóng tàn vì... bắt cá hai tay. Và hai lần. Cuối đời, hứng cảm đã khô cạn, tìm cách núp bóng Nguyễn Du mong được chút thơm lây. Nhưng có ai hát, có ai nghe, những bài Kiều phổ nhạc? Tính chơi khôn nhưng lại hoá dại. Câu thơ lục bát Kiều tự nó đã có nhạc điệu “buồn rưng rưng cuối đường của một ngày” (Thanh Tâm Tuyền) rồi.
Em còn nhớ hay em đã quên?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét