khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Chủ Nhật, 11 tháng 5, 2014

Đến với Đức Mẹ ‘Măng Đen’ (Mẹ của núi rừng đại ngàn Tây Nguyên) -- Phượng Vũ . Thân tặng Dũng hai bài viết về Nha Trang và bài viết này. Mong bạn nhiều niềm vui.




Sáng hôm sau, A nhắc tôi chuẩn bị kỹ lưỡng vì trên đó là vùng đồi núi nên rất lạnh. Tôi mặc áo ấm, ngoài khoác thêm chiếc áo Jacket dày có mũ che đầu, khăn len dày quấn cổ. Bên ngoài đội thêm cái nón có khăn che cổ và cả mặt, chỉ còn chừa 2 con mắt để mang kính mát. Khi cài giùm dây nón bảo hiểm, đội ngoài cùng, em gái A cười bảo:

- Bây giờ trông chị “kín mít” giống mấy bà Hồi giáo (Bin Ladin) đi khủng bố, không ai nhận diện nổi.
- Đâu cần ai “nhận diện”, chỉ cần Đức Mẹ “nhận diện” là đủ rồi! Tôi sẽ cầu nguyện theo ý nguyện của mỗi người trong nhà.
- Chị chưa cần cầu nguyện, từ hôm có chị ra, chị A em vui vẻ cuời nói nhiều hơn là em đủ thấy vui rồi.
Sau khi máng thêm túi đồ ăn (bắp luộc, chuối) vào xe, phòng hờ khi hữu sự, chúng tôi lên đường sớm. Đường đi hôm nay tốt hơn hôm qua đi Pleiku, hai bên đường là những buôn làng người dân tộc, gió thổi ù ù bên tai như tiếng đàn thiên nhiên của rừng núi đại ngàn. Tôi thích nhất là khi đi ngang những khu đồi núi hoang vu, nhìn những cụm lau sậy cao, trắng nuốt, uốn theo chiều gió lung lay!
Những bông sậy long đong rời ra, rồi tình cờ kết lại thành chùm xoay tròn là là trên mặt đất, khiến tôi chợt nhớ tới đoạn văn của Nguyễn Ngọc Tư viết về nó:
“... thấy buồn, chúng nhỏ nhoi đến mắt thường nhìn còn khó, mà biết tìm kiếm và quấn quít thương nhau, mà mấy bạn mình cũng long đong xứ khác lại không thèm ngó mặt mình, mà chính mình cũng đang muốn tránh xa người.”

...Tha thiết sống, bất chấp yêu ghét, lau sậy cũng trổ bông. Bông cũng không níu kéo bất cứ cái nhìn nào. Bông lau sậy đẹp nhất là lúc đang tàn, lúc đang phai. Dường như có vài thứ giống vậy, như mùa thu, pháo hoa, giao thừa, tiếng chuông chùa... lúc đẹp là lúc mất. Chẳng hiểu đẹp để mất hay vì biết sẽ mất nên đẹp?”
Đang chạy, tôi bỗng thấy nổi lên hình ảnh một ngôi thánh đuờng uy nghi quá đẹp, nhất là kiểu dáng nhà Rông ngay ở mặt truớc nhà thờ, chúng tôi bèn dừng lại ghé thăm. Đó là giáo xứ Kon Xơm Luh, ngôi nhà thờ cao rộng, hai cánh cửa gỗ to vào nhà thờ, được khắc bảng 8 mối Phúc thật bằng hai thứ tiếng Việt và Tây Nguyên, mỗi thứ tiếng ở mỗi bên cánh cửa gỗ. Nhà thờ không mở cửa nên không vào được bên trong, chung quanh nhà thờ đất rộng mênh mông.
Tôi hỏi thăm, anh T cho biết đường lên Măng Đen còn xa, mới đi được nửa đường, sẵn dịp ngừng xe, tôi muốn đi toilet cho chắc ăn, vì sáng trước khi đi uống nước hơi nhiều, nhưng đi vòng quanh nhà thờ tìm hoài chẳng thấy. May quá có 3 chị người Thượng địu con sau lưng đang đi tới, tôi bèn hỏi thăm:
- Làm ơn chỉ giùm chỗ đi toilet.
Tôi phải nhắc đi nhắc lại nhiều lần chữ toilet, cuối cùng họ cũng hiểu! Một chị hỏi lại tôi :
- Mắc cái lớn hay cái nhỏ?
Tôi chợt hiểu và trả lời ngay: “Cái nhỏ”.
Họ cười và đưa tay chỉ bao quát chung quanh: “Cái nhỏ thì mênh mông, chỗ nào chẳng được” rồi bỏ đi. Thì ra cuộc sống họ thật đơn sơ, chẳng nhiêu khê như những người “văn minh” phố thị chúng ta
Rời huyện Kơn Rẫy, chúng tôi bắt đầu đi vào huyện Kon Plong, càng lên cao, gió càng lạnh. Nhìn cảnh núi liền núi bên đường đi, tôi mới cảm nghiệm hết được hình ảnh trong một bài hát của TCS. Có đoạn, các công nhân đang khai thác núi đất đỏ, nhờ vậy tôi mới khám phá ra có 2 loại núi: núi đá và núi đất. Từ trước tới nay tôi cứ nghĩ hễ núi thì phải là núi đá, đúng là “đi một ngày đàng, học một sàng khôn”.
Trước khi lên đến Đức Mẹ Măng Đen, chúng tôi phải vượt qua đèo Măng Đen ngoằn ngoèo, cong queo dài hơn 10 cây số. Càng lên cao, tôi càng thấm cái lạnh của “gió núi”, lạnh run thấu xương, mặc dù tôi đã “bọc” mấy lớp rất kỹ, hai bàn tay tôi cóng lại muốn hóa đá, vì ỷ y không mang theo bao tay. Hết đoạn đèo, kìa xa xa hình dáng Đức Mẹ nhỏ xíu đã hiện ra trên ngọn đồi giữa rừng thông lộng gió, với đại ngàn mênh mông chung quanh
Lịch sử Đức Mẹ Măng Đen
Măng Đen là tên một làng dân tộc bình thường như bao làng dân tộc khác của núi rừng Tây Nguyên. Nó nằm trên đỉnh Trường Sơn, giao điểm giữa Trường Sơn Đông và Trường Sơn Tây, vị trí cao hơn mặt nước biển 1200m.
Vào năm 1971, Linh Mục tuyên úy Giuse Phạm Minh Công được giao nhiệm vụ chăm sóc đời sống tinh thần cho quân nhân tiền đồn Măng đen. Thời đó, Măng đen là vùng chiến sự ác liệt, mọi người luôn ở trong tình trạng căng thẳng giữa cái sống và cái chết! Có một cha bạn tặng cho cha Công một bức tượng đức Mẹ Fatima cao hơn 1 mét, cha Công nghĩ các quân nhân nơi đây cần một nơi cầu nguyện để nâng đỡ tinh thần trong lúc nguy nan khốn khó, nên quyết định dựng tượng Đức Mẹ tại đây. Thế là các quân nhân bèn đi tìm và nhặt những hòn đá to và đẹp nhất về làm bệ và dựng lên tượng đài Đức Mẹ để làm chỗ cầu nguyện và nương tựa cho đời sống tâm linh.
Năm 1974, chiến tranh càng lúc càng ác liệt, các quân nhân được lệnh rút đi, rồi sau biến cố 1975, tượng đài Đức Mẹ bị lãng quên, mọi người tưởng tượng đài đã bị hủy hoại theo chiến tranh. Nhưng không, Mẹ vẫn đứng đó thầm lặng chờ đợi một ngày đoàn con sẽ trở về bên Mẹ.
Năm 1987, Măng Đen hồi sinh do những người từ miền Bắc vào khai khẩn lập khu kinh tế mới. Một lần đi khai rẫy, chị Hương (ngoại đạo, quê ở Hà Tĩnh) đã phát hiện ra tượng Mẹ vẫn còn nguyên vẹn. Sau đó thỉnh thoảng chị vẫn ghé thăm tượng đài, làm cỏ chung quanh... Đến năm 2002 một lần ghé thăm, chị ngạc nhiên khi thấy Đức Mẹ bị mất đầu và mất cả hai tay. Thật là đau xót khi Mẹ đứng đó trong thinh lặng, không làm tổn hại ai, ngược lại còn phù giúp những ai đến khấn xin cùng Mẹ, nhưng vẫn bị người ta cam tâm xúc phạm và phá hoại.
Năm 2002, huyện Kon Plong được thành lập, người ta muốn mở đường và nới rộng quốc lộ 24 nối liền với Mộ Đức -Quảng Ngãi. Khi 3 xe ủi đất tiến lên san bằng khu đồi để mở đường thì bỗng nhiên tất cả 3 xe đều bị khựng lại, không thể nhúc nhích, dù đã thử đi thử lại nhiều lần. Họ liền xuống xe đi lên phía trước để tìm hiểu thì khám phá ra tượng đài Mẹ, họ liền báo cáo với cấp trên. Sau đó khi biết rằng không có cách gì có thể san bằng khu tượng đài Đức Mẹ được, họ bèn phải thay đổi bản vẽ, để làm đường cong tránh khu tượng đài.
Năm 2005, anh Lê văn Hoàng, một công nhân Công Giáo làm việc cho nông trường, cùng hai người bạn khi biết tin về tình trạng “khiếm khuyết” của tượng Mẹ, bèn xin xi măng và cát để đắp lại đầu và 2 bàn tay Đức Mẹ (nhưng sau này 2 bàn tay lại bị đập phá một lần nữa). Sau khi “tôn tạo” lại tượng Đức Mẹ, 3 anh đã bị công an bắt tạm giam 3 ngày vì “dám làm một việc chưa được cho phép”, rồi thời gian tiếp theo họ thường xuyên bị công an mời lên điều tra, hạch hỏi làm khó dễ, nên các anh phải rút về quê để được yên ổn làm ăn.
Gương mặt Đức Mẹ do anh tạo ra, không đẹp như những gương mặt Đức Mẹ xinh đẹp ở các trung tâm hành hương khác. Có lẽ ý Mẹ muốn mượn tay 1 người thợ không chuyên phục chế gương mặt Mẹ, một gương mặt sầu bi, mà nhiều người cho rằng mang đầy nét đau khổ chịu đựng của người phụ nữ Việt Nam trải dài qua bao năm tháng từ thời chiến tới thời bình.
Mẹ là Mẹ của những người đau khổ khốn cùng, trái tim Mẹ luôn mở ra để ôm ấp những ai sầu khổ chạy đến với Mẹ. Từ đó tiếng đồn Đức Mẹ linh thiêng lan tỏa ra khắp nơi, mọi người không phân biệt Kinh - Thượng và Lương - Giáo kéo đến khấn xin cùng Đức Mẹ, và được Đức Mẹ linh thiêng nhậm lời, nhất là với những người ngoại đạo và nghèo khổ.
Năm 2007 Đức Giám Mục Giáo phận Kon Tum và hơn 2000 người (Kinh - Thượng) từ các nơi xa xôi (Gia Lai, Nha Trang, Xuân Lộc...) cùng hành hương đến viếng Đức Mẹ và chính thức thành lập Trung Tâm Hành Hương Đức Mẹ Măng Đen. Từ đó hằng năm, sau 8/12 lễ Đức Mẹ hồn xác lên trời, ngày 9/12 là cuộc hẹn hằng năm mọi người cùng hành hương tìm về kính viếng Đức Mẹ Măng Đen
 
Năm 2008 Sứ thần Tòa Thánh đến viếng Đức Mẹ Măng Đen, ngài nhắc nhở mọi người: “Tượng đức Mẹ thiếu bàn tay, ý Đức Mẹ muốn chúng ta là bàn tay nối dài của Đức Mẹ để giúp đỡ những người khốn khó, bị bỏ rơi . “Hãy cho Mẹ mượn đôi tay” để nâng đỡ những người sắc tộc, những người tật nguyền đau khổ chung quanh ta...”

Sau cuộc viếng thăm và hội ý với Sứ thần Tòa Thánh, Tòa Giám Mục Kon Tum quyết định từ nay chọn ngày kính Đức Mẹ Sầu Bi ( 15/9) để làm ngày hành hương hằng năm đến kính viếng Đức Mẹ và đặt tên là “Trung Tâm Hành Hương Mẹ Sầu Bi Măng Đen.”

Leo lên đến nơi tượng đài Đức Mẹ, điều đầu tiên đập mắt tôi là hằng mấy trăm ghế đá “Tạ Ơn” la liệt chung quanh tượng đài Đức Mẹ (nên nhớ đây là nơi núi đồi cao, nhiều xa xôi cách trở, do đó mang được chiếc ghế đá nặng lên tận nơi đây, không phải là điều dễ dàng như ở vùng xuôi). Còn những bảng đá “Tạ Ơn” khắc cả tên vợ, chồng thì nhiều vô số không thể nào đếm hết! Nghe nói phần lớn từ những người ngoại đạo, đã có lòng tin tưởng khấn xin Mẹ giúp đỡ trong cơn ngặt nghèo, khốn khó. Tất cả những điều này nói lên sự linh thiêng của Đức Mẹ biết là dường nào!

Mẹ vẫn đứng đó nhỏ bé, khiêm cung giữa vô số những chậu hoa tươi đủ loại, với sắc vàng tươi thắm, mà mọi người mang lên đây đặt chung quanh để bày tỏ lòng tôn kính Đức Mẹ. Tôi đọc được bài thơ dài khắc chữ vàng nổi trên một bảng đá đen to, dựng bên hàng rào:

“Con vừa ở dưới xuôi lên,
Rét run chờ nhóm lửa đêm ngủ rừng
Nghẹn ngào đôi mắt rưng rưng
Lệ vui hay giọt lệ mừng, lệ thuơng...
Mẹ về ngự giũa mênh mông
Âm vang rừng núi tiếng cồng, tiếng chiêng
Lạy ơn Đức Mẹ Măng Đen
Mẹ là Mẹ của Tây Nguyên Đại Ngàn...”

Lời thơ đọc lên lúc này nghe sao hợp cảnh, hợp tình đến thế!

Tôi lấy từ trong giỏ ra một chậu hoa xương rồng, nhỏ bé xinh tươi của một học sinh cũ vừa mới tặng tôi ngay trước khi đi Kon tum. Tôi cất công gìn giữ mang từ Saigòn lên đây để kính dâng Đức Mẹ. Có thể chậu hoa xương rồng này sẽ phù hợp với khí hậu đại ngàn Tây Nguyên và tồn tại được lâu hơn những loại hoa tươi khác. Tuy là ngày thường, nhưng vẫn liên tục có khách hành hương từ các nơi xa đến kính viếng Đức Mẹ, thắp nhang, đọc kinh, cầu nguyện.

“Măng Đen là đâu? mà bao đôi mắt dõi tìm
Vì Mẹ ở đó, thầm ủi an ai đó khổ đau lầm than…”

Sau khi đọc kinh, khấn nguyện, tôi đến một căn lều nhỏ gần đó để mua một số dĩa VCD về Đức Mẹ Măng Đen, và CD thánh ca. Nhân cơ hội đó, hỏi thăm bà bán hàng về lịch sử Đức Mẹ Măng đen vì bà là cư dân địa phương ở đây.

Trên đuờng về, tôi quan sát thấy Măng Đen có nhiều biệt thự xinh xắn, nhiều hotel, nhà hàng để phục vụ cho khu du lịch sinh thái, vì nơi đây đuợc xem là Đà Lạt thứ hai. Nhưng tôi thấy không khí vắng vẻ, còn nhiều ngôi nhà, biệt thự xây dở dang hoặc bỏ trống. Có lẽ tất cả sẽ trôi vào quên lãng, nếu không có sự hiện diện của Đức Mẹ, dù con người đã bỏ hết công sức đầu tư vào nó. Có thể vì ý thức được điều này nên năm 2013 chính quyền đã đồng ý cấp 10 hecta rừng để giáo phận Kon Tum xây dựng “Trung Tâm Hành Hương Đức Mẹ Sầu Bi Măng Đen”. Đức Giám Mục Hoàng Đức Oanh đang cần sự hỗ trợ của mọi người ở mọi nơi để có thể tiến hành xây dựng công trình lớn này. Một công trình tôn vinh Đức Mẹ đứng vững giữa đại ngàn Tây Nguyên, dù gắp bao nhiêu gian nguy, hiểm độc, để tiếp tục phù trì đoàn con cái Mẹ

Nghe nói khu du lịch sinh thái ở đây rất đẹp, người ta mang về trồng những loại hoa đặc trưng của Đà Lạt, vì khí hậu cũng tuong tự, nên chúng tôi ghé vào thăm cho biết, và quả là lời đồn không sai! Vừa mới quanh vào vùng hồ Dak Long, tôi đã bị hớp hồn vì những cây Mimosa to, hoa vàng rực cả một khung trời, mà trước đây tôi nghĩ nó chỉ có ở Đà Lạt. Dọc theo bờ hồ là những cây hoa Đào màu hồng phấn tỏa nét đẹp nhẹ nhàng, duyên dáng soi mình bên hồ nước trong veo, tạo cho người ngắm một cảm giác bình yên, nhẹ nhàng trong một không gian thiên nhiên tươi mát:

“Bình yên để đóa hoa ra chào
Bình yên không ngờ
Lòng ta se sẻ hát câu Bình yên”

Đi một vòng quanh hồ Dak Long, khi trở ra hướng khác, tôi sững sờ thấy trước mặt một nhà sàn cao là một cây hoa Đào nở rực đỏ một màu hồng xác pháo tưng bừng. Ôi chao! Vẻ đẹp huy hoàng của nó khiến tôi cầm lòng không đặng, phải xuống xe để chụp hình. Vì trước đó tôi đã “bao bọc” nhiều lớp cẩn thận để tránh lạnh trên đường về, nên rất ngại ngần khi phải “cởi tháo” nó ra! Đúng là vẻ đẹp thiên nhiên có sức thu hút mạnh mẽ tuyệt vời, thật là “kỳ công của tạo hóa”. Tạ ơn Chúa vì đồi nương, núi rừng đẹp xinh, vì những bông hoa tươi thắm rực rỡ sắc màu mà con được chiêm ngưỡng hôm nay!

Về tới Kon Tum, sau khi ăn trưa anh T đề nghị đưa tôi đi thăm Cầu Treo của Kon Tum, sau đó đi thăm một “buôn” người Thượng gần đó cho biết! Thật là hiếm hoi khi có một “thiện nguyện viên” nhiệt tình và hăng hái như anh T, Chúa sẽ trả công cho anh.

Đường vào “buôn” nhỏ cũng có những căn nhà sàn xinh đẹp chắc chắn và cũng có những nhà sàn xiêu vẹo sắp đổ, nhưng họ vẫn sống thanh bình với nhau. Đặc biệt là trên con đường nhỏ chạy giữa làng, tôi thấy trẻ con chạy chơi với đàn gà mẹ lẫn gà con cùng các con chó, và lạ là cả những chú heo mọi cũng lon ton chạy khắp xóm. Tôi thắc mắc là sao họ để những chú heo mọi chạy lung tung khắp nơi mà không sợ bị mất? Vì dân trong làng sống rất trung thực, không ai lấy của ai bao giờ. Nhà của họ không cần đóng cửa

Bên đường có con heo mẹ đang nằm cho một bầy 10 con heo con bú. Tôi phải dừng lại xuống xe chụp hình, heo mẹ bèn đủng đỉnh đứng dậy, đàn heo con lúp xúp chạy theo và rồi mẹ con thong thả dắt nhau đi dạo xóm. Nghe kể có nhà nuôi heo nái thả rông, tới kỳ sinh nở heo mẹ ủi vô bụi lang nào đó sinh 10 heo con, rồi nuôi con lớn. Sau phải có người đi tìm, chủ mới tới mang cả đàn heo mẹ lẫn con về!

Ngược lại ở phố thị “hở ra là mất” thậm chí còn bị giật cả trên tay. Như vậy không biết lối sống “văn minh tình người” của hai nền văn hóa quá khác biệt.

Thử hỏi “nhịp điệu” lối sống “tử tế tình người” bên nào cao hơn bên nào???

Cuối cùng trước khi về nhà, anh T đưa tôi ghé thăm Tòa Giám Mục Kon Tum, Vào đến sân là biết tòa giám mục của vùng Tây Nguyên, hình ảnh những chiếc gùi, những bình nước, nhà sàn, chiêng cồng... và cả con trâu rừng nằm bên vũng nước hiện điện đây đó trong sân trông rất mỹ thuật. Nhưng đặc biệt hơn hết vẫn là “Đức Mẹ Sơn Nữ” trông thật duyên dáng đứng ngay trước sân, nơi trang trọng nhất của Tòa giám mục. Mẹ mặc bộ váy của nàng sơn nữ, trán thắt dây tua, vai đeo gùi, tay bồng Chúa Jesu, cũng mặc áo em bé sắc tộc. Đúng là nền văn hóa Kitô hôm nay là nền văn hóa hội nhập và tan chảy trong nền văn hóa các dân tộc. Tôi chắp tay cầu nguyện trước Đức Mẹ sơn nữ, có chút bỡ ngỡ vì mới gặp lần đầu, nhưng Mẹ vẫn là Mẹ Maria của chúng con;

“Xin cám ơn Mẹ đã cho con một ngày hành hương tràn đầy viên mãn, được biết thêm về Mẹ với nhiều hình ảnh khác nhau! Đặc biệt cám ơn Mẹ đã dẫn đưa con tới chốn này, gặp được người tử tế giúp đỡ con trong chuyến hành hương tìm về với Mẹ Măng Đen hôm nay. Hình ảnh Mẹ Măng Đen cụt cả hai bàn tay nhắc nhở con phải luôn là “bàn tay nối dài” của Mẹ để đỡ nâng, giúp đỡ những ai cần đến con trong cuộc sống hằng ngày. Hình ảnh Mẹ Măng Đen kiên cường đứng vững, dù gặp bách hại hiểm nguy giúp con mạnh dạn dấn thân hơn mà không hề sợ sệt trước bất kỳ áp lực nào, để con luôn một niềm cậy trông:

“Khi con an vui, con dâng lên Mẹ,
Khi con cô đơn, xin dâng về Mẹ
Đời những gian truân, Mẹ sẽ ủi an
Trong khi âu lo, xin dâng lên Mẹ
Lời yêu con dâng một niềm phó thác...”

Kết thúc chuyến hành hương Măng Đen 1/2014
Phượng Vũ


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét