khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Chủ Nhật, 30 tháng 3, 2014

Du lịch đến Petra nằm ở vùng Trung Đông bằng hình

Ngày xưa còn nhỏ, khi đọc Tam Quốc Chí, tôi rất thích một đoạn chuyện kể về “Thượng Phương Cốc,” có nghĩa là hang động hẻm núi Thượng Phương. Ðây là một hang động lớn, có thể ra vào hai đầu hang động. Thuở đó đọc truyện tôi cũng chỉ mơ hồ hiểu rằng Khổng Minh Gia Cát Lượng muốn thâu tóm hai nước Ngụy và Ðông Ngô về một mối cho nhà Thục Hán của Lưu Bị. Ðể đạt được điều này, Gia Cát Lượng phải trừ khử Ðại nguyên soái Tư Mã Ý của nhà Ngụy nên ông đã dùng đủ mưu kế. Một trong mưu kế đó là thả hàng binh trốn về và phao tin rằng tất cả lương thực của quân Thục Hán đều được gom góp cất giữ trong khu vực hang động Thượng Phương Cốc, mục đích là để lừa quân binh Tư Mã Ý vào đây. Gia Cát Lượng đã cho phục binh đóng hai đầu cửa hang động lại, sau đó cho quân dùng củi lửa rơm rạ đốt chặn bít hai đầu hai động và phóng hỏa cốt thiêu sống cha con Tư Mã Ý. Tư Mã Ý trúng kế tưởng đã bị thiêu sống, nhưng trời đã cứu Tư Mã Ý. Một trận mưa lớn đổ xuống dập tắt lửa đã cứu thoát cha con Tư Mã Ý. Ý thoát chết nên Khổng Minh Gia Cát Lượng buồn rầu sinh bệnh mà mất, triều đại nhà Thục Hán mất sau đó. Tiếp theo là cả triều đại nước Ngụy của Tào Phi (con Tào Tháo) cũng mất vào tay dòng họ Tư Mã. Người đời sau có nhiều ý kiến về hai nhân vật này, Gia Cát Lượng giỏi hay Tư Mã Ý giỏi!

Ðường mòn từ thung lũng Moses vào hẻm núi Petra. (Hình: ATNT Tours & Travel)

Qua đoạn truyện thời Tam Quốc, tôi chỉ loáng thoáng biết về Thượng Phương Cốc và hiểu đó là một hang động hẻm núi hiểm trở, tiến vào hay rút ra đều không phải dễ dàng nên đây là nơi có thể dùng kế phục binh tiêu diệt quân địch. Thích thú về câu chuyện trên, nhưng không bao giờ tôi có thể hình dung ra hang động hẻm núi hiểm trở như thế nào để mà nó có thể tạo ra sự khó khăn khi tiến quân hoặc lui quân. Cho đến một ngày khi có dịp đặt chân đến vùng Petra của đất nước Jordan thì tôi chợt vỡ lẽ hình dung ra được hình ảnh “Thượng Phương Cốc” trong tâm trí ngày xưa. Ôi! Chuyện bên Tàu mà chạy sang mãi tận Jordan, trái đất hình như càng ngày càng bé lại! Bây giờ thế giới quả thực trong tầm tay mình.
Petra là một vùng núi đồi nằm về phía Nam của Jordan, một tọa điểm nối liền giữa hai biển Red Sea (Hồng Hải) và Mediterrean (Ðịa Trung Hải). Ðồng thời, Petra cũng gần như là điểm nối liền của hai lục địa Á Châu (miền Trung Ðông) và Phi Châu (bán đảo Sinai). Nhờ vào vị trí thuận tiện như vậy, thời đó Petra trở thành giao điểm về thương mại và văn hóa hết sức quan trọng trong khu vực từ thế kỷ 1 trước công nguyên. Ðiều này hấp dẫn và thu hút tham vọng của các đế quốc đến tranh chấp để chiếm giữ vùng đất Petra. Trong các trận chiến, vị trí thung lũng và các hẻm núi hang động Petra dễ dàng trở thành một tử địa cho những đoàn quân nào không kinh nghiệm. Ngoài ra, các kiến trúc thung lũng thiên nhiên và sự cấu tạo các núi đồi bằng “đá cát đỏ” ở nơi đây đã biến Petra trở thành một địa danh du lịch tuyệt vời tại phía nam Jordan. Năm 2001 Petra đã được Swiss Corpration New 7 Wonders Foundation chọn làm một trong bảy kỳ quan thế giới.

Bản đồ vị trí Petra giữa Red Sea và Mediterrean Sea. (Hình: ATNT Tours & Travel)

Petra tuy có một thành phố một nằm trong khu vực du lịch nổi tiếng nhưng lại là thành phố không quá lớn. Cũng có khá nhiều khách sạn nhỏ được xây dựng gần trước cổng vào khu thưởng ngoạn. Những ai thích mạo hiểm và tìm tòi nghiên cứu về Petra thường sẽ chọn ở lại nơi đây vài đêm để tiện cho việc ra vào thung lũng. Từ cổng vào Petra cho đến trước hẻm núi hiểm trở Petra dài khoảng một cây số, du khách lớn tuổi nếu không muốn đi bộ thì có thể cưỡi lừa, ngựa hay lạc đà đi từ cổng đến trước hẻm núi Petra (nhưng khi dùng các dịch vụ này người du khách phải hết sức cẩn thận rõ ràng). Ðoạn đường này gọi tên là Bal as-Siq, con đường mòn nối dài hai đầu Thung lũng Moses (Valley of Moses) xuyên qua hai ngọn núi Jabal al-Khubtha và Jabal al-Jilf.
Ngoài ra, còn có các con sông ngoằn ngoèo nối tiếp nhau chảy từ Springs of Moses đến Petra. Ðoạn đường đi bộ Bal as-Siq này rất đẹp và có nhiều thắng cảnh di tích và thiên nhiên thưởng ngoạn và dĩ nhiên du khách không thể thiếu những tấm hình kỷ niệm nên chụp ở đoạn Bal as-Siq.

Obelisk Tomb trên đường mòn Bal as-Siq. (Hình: ATNT Tours & Travel)
Những ngọn đồi nhỏ sắc vàng sắc nâu đỏ vươn cao hai bên đường như nhắc nhở người ta về cái nóng bỏng của sa mạc; những hình dáng cong tròn của đồi núi cho du khách hình dung ra được sự “vuốt ve” của gió với núi đồi sa mạc qua cả một quãng thời gian có đến những chục ngàn năm. Bên cạnh đó là những hang động nho nhỏ do con người đào xới, không phải để người sống ở mà là những ngôi mộ xưa nơi người chết an nghỉ. Có ngôi mộ đục khắc như hình dạng Obelisk Tomb bên Ai Cập vẫn còn hiện hữu bên đường. Tuy nét đục khắc đơn sơ, không thể nào so sánh được với kiến trúc đền Abu Simbel của Ai Cập nhưng cũng cho người du khách cảm nhận được một nét phảng phất kiến trúc của người Ai cập cổ xưa (hơn 3,300 năm trước) hiện diện quanh quẩn đâu đó tại Petra.
Ðối diện không xa là hình dáng của những tảng đá Djinn Blocks to lớn đã được bộ lạc Nabataean xưa kia sinh sống ở đây đục khắc theo niềm tin thần linh dân gian Ả Rập từ đầu thế kỷ thứ nhất. Tôi đã gặp những nghệ nhân đến đây, đứng dưới bầu trời sa mạc tháng hai vừa lên cơn nóng, vẫn say mê vẽ hình ảnh “không gian của Djinn Block” mà hình như không màng gì đến cái nóng chung quanh.

Những tảng đá Djinn Blocks, nghệ thuật dân gian của bộ tộc Nabataean từ thế kỷ 1. (Hình: ATNT Tours & Travel)
Hành trình thưởng ngoạn hẻm núi Petra bắt đầu từ điểm Wadi Al Mudhlim (thung lũng Al Mudhlim). Ðây là điểm khởi đầu đi vào hẻm núi Petra (đoạn đường này còn được gọi là As-Siq, dài hơn 1.2km). Người ta cho hai chiến binh ăn mặc theo cung cách chiến binh ngày xưa đứng đây ra vẻ như quân lính ngày xưa đứng canh gác, để những người như tôi tha hồ tưởng tượng về một trận chiến.
Hẻm núi này có khúc chật hẹp nhưng cũng có khúc tương đối rộng, có khúc ánh nắng chui qua được khe núi, có khúc ánh nắng không còn ánh nắng mà chỉ còn ánh sáng bên trên hai vách núi. Hai bên con đường ngoằn ngoèo là những vách núi cao có đến 80m. Tuy hiểm trở như thế nhưng phong cảnh nơi đây lại rất hữu tình. Những màu sắc đỏ hồng vàng nâu của núi, của cát kèm theo những hình thể sinh vật mà bàn tay tạo hóa đã uốn nắn cho hẻm núi tạo cho du khách những cảm giác thật bất ngờ.

Ðiểm bắt đầu vào hẻm núi Wadi Al Mudhlim. (Hình: ATNT Tours & Travel)
Vừa ra khỏi hẻm núi As-Siq du khách bàng hoàng trước một công trình tuyệt đẹp được đục khắc vào vách núi, đó là một kho tàng bảo vật Petra đẹp nhất của “kinh đô Petra cổ,” có tên là Al-Khazna. Ðây có lẽ là một lăng mộ dành cho một vị vua nổi tiếng của người Nabataean, nhưng sau đó lại được dùng như một ngôi đền (Temple). Al-Khazna được xem như là một bảo vật, một kho tàng công trình thiết kế điêu khắc tuyệt hảo của bộ tộc Nabataean vào thế kỷ 1 trước công nguyên. Tôi cho rằng những kiến trúc đền đài bên Ai Cập mà ta thưởng ngoạn đều lép vế rất xa so với nghệ thuật đục khắc tỉ mỉ của Al-Khazna.
Các đền đài Ai Cập cho người xem cảm nhận được sự vĩ đại vào thời điểm cách đây hơn 3,300 năm, nhưng Kho tàng Al-Khazna (cao 43m và rộng ngang 30m) lại cho người xem cảm nhận được sự tinh xảo của nghệ thuật đục khắc vách núi. Càng quan sát công trình điêu khắc này người ta càng cảm thấy sự khéo tay của những người nghệ nhân xưa kia ấy đã đạt đến mức độ hoàn hảo. Chỉ cần xem những cột đá tròn cao lớn được đục khắc kích thước đều nhau cũng đã đủ làm cho người thưởng ngoạn ngưỡng mộ. Al-Khazan không còn mở cửa cho du khách vào thưởng ngoạn như xưa nữa vì Al-Khazan cần được “nghỉ ngơi” trước làn sóng du khách đến mỗi ngày mỗi đông.

Ðoạn Al-Siq hẻm núi hẹp nhất. (Hình: ATNT Tours & Travel)
Nhưng khi bước đến Kho tàng bảo vật Al-Khazna cũng chính là lúc du khách mới bước đến điểm khởi đầu cho những ai muốn khám phá Petra. Thời gian để bạn có thể khám phá các điểm di tích khác của Petra phải mất ít nhất hai ngày, phải leo núi xuống non. Ðây là một vùng thung lũng rộng lớn Mousa, Farasa, As-Siyyagh bao gồm các quần thể đền đài, hang động và các hầm mộ đã được xây dựng khoảng hai ngàn năm và còn tồn tại cho đến bây giờ. Các hang động làm nơi trú ngụ cho người dân ngày xưa màu sắc đẹp rực rỡ của đá làm kinh ngạc du khách.
Các điểm di tích rất đáng xem phải kể đến là “Rạp hát ngoài trời” (The Theatre), Urn Tomb, Palace Tomb và kiến trúc của tu viện đền Ad Deir. Tu viện này là một tuyệt tác kiến trúc điêu khắc khác của Petra. Nhưng muốn đến các nơi đây thì bạn cần phải có chút ý chí tò mò muốn xem và đôi chân còn trong tình trạng ham muốn đi, nhất là “đi nhiều nghỉ ít”!

Al-Khazna bảo vật Petra xây từ năm 60BC-50AD. (Hình: ATNT Tours & Travel)
Hẻm núi Petra làm tôi nhớ chuyện cổ tích ngày xưa, nhưng cũng cho tôi cảm nhận được rất nhiều điểm tinh hoa của dân tộc Ả Rập cổ và bàn tay kiến trúc khéo léo của tạo hóa. Thượng Phương Cốc thì dùng “hỏa” nên Tư Mã Ý suýt bị thiêu sống! Ải Chi Lăng “lầy lội” nên danh tướng nhà Minh Liễu Thăng mới bị Bình Ðịnh Vương Lê Lợi chém! Còn hẻm núi Petra thì “sông lũ” làm chết đuối cho quân địch thiếu kinh nghiệm vào mùa mưa (1). Nhưng nếu quân địch kinh nghiệm chiến trận thì dân Nabataean phải diệt vong (vì địch quân chỉ cần ngăn chận nguồn nước vào thành thì dân trong thành đành phải chịu thua).
Ngày nay, Petra trở thành một trọng điểm du lịch cho những du khách đến thưởng ngoạn thắng cảnh thiên nhiên và văn hóa, nơi chốn đã để lại những công trình tuyệt tác về điêu khắc kiến trúc và những thắng cảnh thiên nhiên thung lũng đá với nhiều tầng lớp đá cát hồng vàng đỏ. Petra được chọn là một trong bảy kỳ quan của thế giới vào đầu thế kỷ 21 thì cũng chẳng có gì là ngạc nhiên. Petra đang nằm trong tầm tay bạn!

Một hang động màu sắc đá thiên nhiên, nơi trú ngụ của dân vùng thung lũng Mousa. (Hình: ATNT Tours & Travel)
Trần Nguyên Thắng/ATNT Tours & Travel
*
(1) Lúc nước lũ người ta cho nước lũ chảy về một hướng khác, sau khi lừa quân địch vào trong hẻm núi thì chận nút đầu hẻm núi ra, lúc đó mới cho nước lũ tuôn chảy vào. Có đến đây du khách mới cảm nhận được sự hiểm trở của hẻm núi Petra.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét