khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Chủ Nhật, 11 tháng 12, 2022

Trung Cộng đòi tấn công Đài Loan như thế nào? - Tác giả Nguyễn Xuân Nghĩa

 

Trong cuộc bầu cử địa phương (hội đồng hàng tỉnh và thị trưởng) ngày 26 Tháng 11, Đảng Dân Tiến (Democratic Progressive Party - DPP) mất đa số tại 13 trong 21 đơn vị khiến Tổng thống Thái Anh Văn phải từ chức Chủ tịch đảng. Phó Tổng thống Lại Thanh Đức (Lai Chinh-te), nguyên là thị trưởng thành phố Đài Nam, vừa cho biết ông sẽ ra tranh cử chức vụ này vào ngày 15 Tháng Giêng năm tới.

Người ta tự chuẩn bị cho cuộc bầu cử Tổng thống Đài Loan vào năm 2024.

Trong cuộc bầu cử 26/11, Trung Hoa Quốc Dân Đảng (KMT - Kuomintang) thắng lớn qua chủ trương hữu nghị với Trung Cộng hơn tập trường cứng rắn của đảng Dân Tiến. Bắc Kinh mặc nhiên thắng một keo và ngay từ đó cho tới nay, tiếp tục gây áp lực kinh tế, như tuần qua đã hạn chế nhập cảng ngư hải sản từ Đài Loan…

Thời sự dồn dập qua tin tức hàng ngày như vậy khiến chúng ta cần lùi lại mà nhìn vào toàn cảnh. Xem Trung Cộng tính gì về Đài Loan và có thể tiến hành ra sao khi giới quan sát quốc tế đưa ra nhiều giả thuyết trái ngược, như Bắc Kinh không thể, hoặc sẽ tấn công Đài Loan nội trong năm năm tới!

Với tinh thần “giải ảo”, bài này không có tham vọng dự báo, chỉ cố gắng trình bày cơ sở của các lý luận và giả thuyết: 

1/ Từ Tháng Tám, Trung Cộng công bố bạch thư “Vấn để Đài Loan và việc Trung Hoa sẽ tái thống nhất trong Kỷ nguyên mới”. Tài liệu này nhắc lại lập trường cố hữu rằng đảo quốc đó là một phần không thể tách rời của Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc, và nhấn mạnh “giải quyết vấn đề Đài Loan và thực hiện việc thống nhất hoàn toàn là một mơ ước chung của mọi con em, nam như nữ”. Ta chú ý tới yếu tố “con em” vì bạch thư cần thuyết phục giới trẻ về việc thôn tính Đài Loan.

2/ Dù Tập Cận Bình cứ nói việc tái thống nhất mang tính chất ôn hòa, giới lãnh đạo Trung Cộng không hề loại bỏ giải pháp quân sự. Thực ra họ ráo riết hiện đại hóa quân đội khi gia tăng cung cấp võ khí mới và việc huấn luyện để bảo đảm rằng nếu đánh thì thắng. Khi theo dõi thì ta chớ căn cứ vào lời phát biểu (muốn hay không) mà cố tìm hiểu thêm về khả năng trong kịch bản quân sự, là điều không dễ: Bắc Kinh cố giấu kín!  

3/ Nói về khả năng, ta còn phải lùi thêm trên cái trục không gian! Trận chiến giữa Bắc Kinh và Đài Loan không chỉ là thủy chiến giữa một cường quốc lục địa muốn diệt một đảo quốc trên vùng biển cận duyên. Nhiều cường quốc trong khu vực cũng quan tâm, như Nhật Bản, Hoa Kỳ, Úc và cả Ấn Độ. Khi đó, ta thấy sách lược kết hợp bốn nước trên hai đại dương Ấn Độ và Thái Bình Dương (Indo-Pacific) bị nhược điểm vì CHƯA là liên minh quân sự như Minh ước NATO. Bắc Kinh có ưu thế là dễ chặn đà quân viện của các nước dân chủ cho Đài Loan. Khi ấy, vai trò chủ chốt vẫn thuộc về Hoa Kỳ với rất nhiều căn cứ quân sự trong khu vực. 

4/ Vì vậy Bắc Kinh phải tìm cách gián chỉ (deterrence) hoặc giảm bớt khả năng của Mỹ để khỏi nhảy vào bảo vệ Đài Loan. Việc Bắc Kinh răn đe Hoa Kỳ gồm hai mặt là quân sự và chính trị. Thực tế thì Bắc Kinh đã tiến hành về chính trị, qua mồi nhử kinh tế và việc vận động ngầm vào chính trường Mỹ. Giới chiến lược gia Hoa Kỳ có thể ít nhìn ra sự liên hệ rộng lớn đó vì quen suy nghĩ trên cơ sở quyền lợi Mỹ. Chính quyền Joe Biden cũng thế, chưa nói đến nhiều tai tiếng khác….

5/ Vì các yếu tố đa diện và rắc rối trên, ta nên mường tượng là Bắc Kinh có loại tính toán sâu xa và thâm độc hơn nếu muốn thôn tính Đài Loan. Ít ra thì cũng qua ba ngả là (a) tác động vào môi trường quốc tế; (b) khởi sự tấn công; (c) nếu thắng thì củng cố thắng lợi. Họ đã nói ra điều ấy mà có lẽ ta chưa hiểu nên mới cần giải ảo! Về môi trường quốc tế, họ tiến hành cái gọi là “tam chiến”, ba cuộc chiến (sanzhan), là tâm lý chiến (xinlizhan) nhằm thay đổi ấn tượng của thiên hạ, dư luận chiến (yulunzhan) qua tuyên truyền để thuyết phục người dân của họ về lẽ tất thắng, và pháp luật chiến (faluzhan) để lập ra căn bản pháp lý mới cho quốc tế về Đài Loan! 

6/ Từ lối tính toán gian hiểm mà chi ly ấy của Trung Cộng, ta hiểu vì sao Bắc Kinh kết án xứ nào bênh vực Đài Loan là “can thiệp vào nội tình Trung Quốc”. Cũng hiểu luôn lập trường của Hiệp hội ASEAN hay các nước nghèo muốn buôn bán với Bắc Kinh. Nhưng đối tượng bị răn đe chủ yếu là Hoa Kỳ, giới kinh doanh muốn làm ăn với Trung Cộng và cả truyền thông lẫn Quốc Hội Mỹ. Ta cũng hiểu thêm nghịch lý là Bắc Kinh đã bênh Nga khi xâm lăng Ukraine: đấy chỉ là… quyết định “tự vệ”! Từ lối tính toán đó, ta còn suy ra việc Bắc Kinh muốn phân hóa chính trường Đài Loan khi tuyên truyền về lợi ích kinh tế, văn hóa và hòa bình trong luồng giao dịch của đôi bên qua Eo biển Đài Loan!

Quá ngàn chữ thì xin tạm kết luận đã, và còn phải giải ảo nữa!

- Có muốn thôn tính Đài Loan hay chưa, Bắc Kinh vẫn cần chi phối ấn tượng của các nước, từ Đài Loan tới quốc tế. Anh ngữ có một từ cho việc đó: “perception management”, ta có thể dịch theo đúng văn hóa Trung Hoa là “thuật quỷ biển”, biển lận và quỷ quái!

- Thuật đó giúp Bắc Kinh cô lập Đài Loan rồi thôn tính mà khỏi dụng binh, trong khi vẫn cố hiện đại hóa về quân sự để tránh thất bại nếu lâm trận. Họ biết rõ nhược điểm và rủi ro trong giả thuyết võ trang. ‘Khỏe dùng sức, yếu dùng mưu’: họ đang dùng mưu khi liên tục biểu diễn khả năng quân sự trên Eo biển Đài Loan! Để thăm dò đối phương, học hỏi và cho quân đội cơ hội tập dợt!

- Tuy nhiên, chính là các vụ “xuất quân giả” lại có thể gây ra tai nạn thật mà Bắc Kinh khó đoán trước! Và Đài Loan có cùng nền văn hóa nên rất hiểu đối thủ, lại qua 70 năm dày kinh nghiệm nghênh chiến - điều Trung Cộng chưa hề có!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét