khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Chủ Nhật, 11 tháng 12, 2022

Một Thời Để Ăn - Tác Giả Phạm Khắc Long

 

Mới đó mà đã hơn 22 năm tôi sống nơi xứ người. Quê hương Nhatrang chỉ còn trong nỗi nhớ. Nhatrang trong lòng một tên phàm phu tục tử như tôi nào chỉ là bờ biển với bãi cát trắng, hàng dừa xanh và con đường Duy Tân lộng gió. Nhatrang cũng không phải chỉ có Tháp Bà cổ kính, Hòn Chồng, Cầu Đá nên thơ, hay con đường Bá Đa Lộc đầy lá vàng khô v.v...Nhatrang trong lòng tôi còn là nỗi nhớ và những ước ao được nếm lại cái hương vị những món ăn đặc biệt nơi quê nhà...
Giờ này ước gì mà có một nồi cá ngừ kho lạt, lõng bõng nước, ăn với bún tươi cọng to, với đủ loại rau giá, với nước mắm ớt cay xé lưỡi. Cứ tưởng tượng trong mùa đông giá buốt mà có một nhóm bạn ngồi quây quần bên lò bánh căn, vừa ăn vừa thổi những chiếc bánh nóng hổi thơm ngậy mỡ hành, còn cái thú nào hơn !!!.
Một nồi cá nục kho béo ngậy, một tô canh cá liệt ngọt lịm, một tô canh dưa hồng cá cơm thơm ngon, hay là khúc cá hố chiên dòn rụm v.v...chỉ là những món ăn thật tầm thường nơi quê nhà, thế nhưng bây giờ nơi xứ người đã trở thành những ước mơ xa vời vợi !
Nghĩ đến ngày mai, ngày mốt, đến những buổi ăn trưa vội vã nơi làm việc, ngày nào cũng như ngày nấy, quanh đi quẩn lại cũng chỉ một miếng bánh mì kẹp xúc xích dăm bông nhạt nhẽo hay một container cơm với leo teo dăm ba miếng thịt heo, thịt gà kho, hay giản tiện hơn, một đĩa rau trộn, một trái táo, một trái cam v.v...Ăn vội vàng, ăn để lấy sức mà cày tiếp. Ăn để sống, nói theo kiểumấy ông Tây mũi lõ “manger pour vivre” !!!
Bữa cơm chiều ở nhà thong thả hơn, được ăn thoải mái các món quốc hồn quốc túy như nước mắm, mắm ruốc, mắm nêm, mắm thái v.v....Bữa ăn trưa tại nơi làm việc, ai mà dám đem các món này vào, vừa lỉnh cà lỉnh kỉnh lại vừa sợ “phiền hà” thính giác của các bạn đồng nghiệp khác chủng tộc. Bữa cơm nhà tuy vậy cũng chẳng khá gì hơn, cũng lại miếng thịt gà luộc trắng bệch như da mặt của mấy chị đầm gìa, cũng lại nồi thịt heo kho khô khan, đã lạng hết mỡ vì sợ cholesterol, cũng lại tô canh cá trout nấu dấm có khi còn hôi mùi rong, hay tô canh chua cá hồi (salmon) dở ẹc so với tô canh chua cá lóc, cá mú nơi quê nhà v.v... và rồi cũng lại “manger pour vivre”, không hơn không kém !!!
Chỉ có một thời xa xưa nơi quê nhà tôi mới đích thực “sống để ăn”, vivre pour manger ! Tôi muốn ghi lại “thực đơn” những món ăn năm xưa, từ các hàng quà rong trước cổng trường cho tới các quán ăn nơi góc chợ, từ đầu tỉnh cho tới cuối tỉnh, ngòai phố xá thênh thang hay trong hang cùng ngõ hẹp v.v... Xin các bạn hãy cùng tôi sống lại cái “thời để ăn” đó:
QUÀ RONG TRƯỚC TRƯỜNG HỌC:
Khoảng cuối thập niên 50, những ai học ở trường Nam Tiểu Học Nhatrang có lẽ đều biết đến hai ông cai của trường: đó là ông “Cai Ốm” và ông “Cai Sáu Ngón”. Cả hai bà cai đều có gánh hàng bán trước cổng trường thế nhưng quán của bà Cai Sáu Ngón đã được lũ học sinh chúng tôi chiếu cố nhiều hơn vì món chả ram độc đáo của bà ta. Hàng ngày khi tiếng trống ra chơi chưa đánh xong đủ nhịp là chúng tôi đã tranh nhau chạy ra hàng của bà để dành chỗ ngồi và để có ăn trước ! Tôi còn nhớ dạo ấy một đồng 3 cuốn chả ram, một dĩa rau đầy cộng thêm tô nước mắm chấm ngon tuyệt, và chỉ vèo một cái, độ dăm ba phút là một cọng rau cũng không chừa,một giọt nước mắm cũng không bỏ xót!
Nói đến hàng quà rong nơi cổng trường có lẽ phải kể đến xe kem của chú Xường. Cứ tưởng tượng vào một trưa hè nóng bức, sau khi chạy nhảy trong sân trường, mồ hôi vã ra như tắm mà rồi sau đó lại có được một ly kem của chú thì “đả” quá “chừng chừng” ! Trên ly kem lúc nào chú cũng rắc ít đậu phọng rang, rưới tí sữa đặc và quẹt thêm muỗng chantilli (whip) mà chú cũng như lũ học sinh chúng tôi vẫn thường gọi đùa là “cứt gà sáp” (!). Chính chú Xường đã bày ra món bánh mì ngọt xẻ đôi bỏ kem vào ăn. Ở bên này có một hôm đi làm về, vừa đói lại vừa khát cho nên tôi đã lấy kem bỏ vào cái bánh mì hotdog ăn dằn bụng, con gái tôi thấy vậy bèn la toáng lên “ Trời đất! ba ăn kiểu gì mà kỳ vậy !?”.Tôi chỉ mỉm cười không trả lời. Con gái tôi nào biết ông bố đang nhớ đến chú Xường, nhớ đến những năm tháng đẹp nhất trong đời !
Cuộc đời học trò của tôi gắn liền với xe kem của chú Xường, từ trường Nam Tiểu Học, qua đến trường Collège Francais, rồi Võ Tánh.Trong những năm cuối ở Võ Tánh tôi đã “bỏ” chú để qua quán chè của bà cai. Hình như một vài năm sau đó chú bỏ nghề bán kem về phụ vợ buôn bán đô la, hột soàn và trở nên giàu có lắm. Sau năm 75, chú vượt biên, định cự tại Canada. Chú đã mất mấy năm naỵ
Suốt ba năm học Võ Tánh, hình như không có hôm nào mà thiếu mặt tôi ở quán chè bà cai. Nói ra thì có vẻ thái quá chứ bấy lâu nay tôi chưa hề ăn lại được một ly chè đậu ngon như ly chè của bà cai. Có những hôm tôi đã ngồi ở quán chè nhiều hơn là ngồi trong lớp học. Tôi vốn là chuyên viên “cúp cua” thứ thiệt. Buổi trưa, vào giờ những môn học phụ, thay vì ngồi trong lớp ngáp ngắn ngáp dài, tôi thường chuồn ra quán chè. Ăn ly chè đá, phì phà điếu thuốc lá Ruby, đón ngọn gió mát rợi từ hướng biển thổi về, ôi còn cái thú nào bằng !!! Hồi đó mỗi ngày đi học tôi được mẹ tôi cho 5$ tiền ăn sáng, một ly chè chỉ có 1$, ấy thế mà trong sổ nợ của bà cai tên tôi lúc nào cũng ghi đầy trang, có thể vì vậy mà bà đã nhớ tên tôi rất lâu. Hè năm 70, bốn năm sau khi rời mái trường Võ Tánh, một hôm đi tắm biển về tôi đã ghé lại quán của bà, gọi một ly chè đậu xanh. Bà nhìn tôi đăm đăm và hỏi nhỏ:
“ Xin lỗi có phải cậu Long không ? “
- “ Trời đất ! Sao mà bà cai nhớ tên em dữ vậy ?”.
- “ Hồi đó cậu lúc nào cũng tía lia cái miệng, ai mà không nhớ”
- “ Vậy chứ không phải là vì hồi đó em hay ăn chịu hay sao?”
- “ Ừ, tui nhớ sáng nào cậu cũng một ly chè và mấy điếu Ruby, nói xin lỗi chứ hồi đó nhìn mấy cậu còn con nít ranh mà phì phà điếu thuốc sao tui thấy ghét ghê !”
Khi từ giã, tôi trả tiền ly chè bà nhất định không lấy mà còn nói :
“ Khi nào cậu lấy vợ, đám cưới nhớ mời tui nghen”
Xem cuốn video “ Chúc Tết Thầy Cô ” do cô bạn Xuân Hương gửi cho, lòng tôi bỗng dâng nghẹn khi nhìn thấy con đường BáĐa Lộc đã mất đi hàng cây rợp bóng mát ngày xưa, và ngôi trường Võ Tánh đã đổi tên. Tôi chợt nghĩ đến bà cai, tự hỏi không biết bà vẫn còn sống hay đã mất rồi ?
PHỞ GÀ CHUTT :
Phở thì ở đâu mà chẳng có. Phở Nhatrang tuy không sánh bằng phở Tàu Bay, phở Pasteur, phở 79, hay phở gà Hiền Vương v.v... của Saigòn, thế nhưng đi ăn phở ở Nhatrang có cái thú vị khác hẳn, nó không ồn ào , không chen chúc, không xa lạ như khi ghé vào một tiệm phở nổi tiếng ở Saigon. Đi ăn phở ở Nhatrang, nhất là vào những ngày cuối tuần thì thế nào cũng gặp được một vài người bạn thân quen để vừa ăn vừa chuyện trò cà kê dê ngỗng. Nhatrang có khá nhiều tiệm phở (phở Hợp Lợi, Tân Thành, Hai Chùa, phở gà Hàm Nghi, Phan Đình Phùng, Chợ Đầm, Cầu Đá v.v...) nhưng có thể nói tiệm phở gà Cầu Đá (còn gọi là phở Chutt) là tiệm được nhiều người biết đến hơn hết. Cố giáo sư Lê Thế Nhiếp trong bài viết đăng trên giai phẩm VT/NTH 2001 đã mô tả tô phở gà Cầu Đá như sau: “ ...một tô phở gà khô đặc biệt, có mấy cái trứng non và tô nước dùng béo ngậy...Ăn một miếng phở, húp một muỗng nước lèo thơm mùi tôm khô, mực nướng ngọt lịm, phải dùng câu “tuyệt cú mèo” như nhà văn Duyên Anh thường nói mới tả hết ...”Nói đến phở Nhatrang mà quên đề cập đến phở xe là một thiếu xót lớn lao. Thật vậy ai đã từng ở trong Xóm Mới có lẽ đều không xa lạ gì ông phở xe “Đầu Đỏ”. Ông bán phở có biệt danh này vì luôn luôn chít trên đầu chiếc khăn đỏ. Cứ tưởng tượng xế trưa vừa ngủ dậy, bụng đang đói cồn cào mà có xe phở ngay trước cửa nhà, kêu một tô phở nóng hổi, trộn thêm tí cơm nguội vào. Ôi ! cao lương mỹ vị chắc cũng chỉ bằng ngần ấy thôi !!!
PATÉ CHAUD HƯNG HOA :
Tiệm bánh paté chaud Hưng Hoa nằm trên góc đường Độc Lập và Công Quán. Tiệm chỉ bán bánh paté chaud, sữa đậu nành và kem flanc. Đang đói bụng mà đi ngang qua tiệm, nội ngửi cái mùi bánh thơm phưng phức từ trong tiệm bay ra, đố ai mà có thể dằn lòng cho được. Hồi đó, mỗi lần đi xem ciné xuất chiều tại rạp Minh Châu, tan phim xong là tôi thường ghé tiệm, kêu hai cái bánh paté chaud và một chai sữa đậu nành lạnh. Ăn vừa ngon, vừa chắc dạ, lại vừa rẻ tiền, đã vậy còn được dịp ngắm người đẹp Lâm Chí Anh, con gái ông bà chủ tiệm. Cô bé có đôi mắt một mí, làn da trắng ngần, nét đẹp của một thiếu nữ Nhật Bản. Năm học đệ nhất C, một hôm sau khi đi bán vé văn nghệ Đại Nhạc Hội Tình Thương về, bạn Hồ Thị Trai đã khao tụi tôi một chầu tại tiệm Hưng Hoa Trong quyển Lưu Bút của tôi, HTT đã viết: “Long còn nhớ buổi đi kéo ghế không , nhờ đó mà tôi thân và mến Long nhiều hơn các bạn trai khác trong lớp. Hy vọng cuối tháng 6 lại có một chầu như rứa...Một Xê - Sáu Sáu ...”
36 cái tháng 6 đã trôi qua, biết đến khi nào tôi mới có dịp gặp lại cô bạn cũ để đòi thêm một chầu ăn nữa đây nhỉ ?
TIẾT CANH VỊT CẦU DỨA:
Trên đường lên Thành, ngang Cầu Dứa có tiệm tiết canh vịt nổi tiếng ngon. Các bợm nhậu thích quán này lắm. Cứ tưởng tượng bạn cùng tôi đang ngồi trong quán, trên bàn là một đĩa tiết canh, một đĩa thịt vịt và một tô cháo. Xin mời...Bẻ miếng bánh tráng mè, xúc miếng tiết canh, ngắt thêm cọng rau húng quế, bỏ vào miệng nhai từ từ cho thấm cái vị mằn mặn của tiết, vị sừng sực của cổ cánh và lòng mề vịt, vị bùi bùi của đậu phọng và vị thơm của rau quế. Rồi ực vào một hớp rượu đế cho trọn mùi nồng cay ! Gắp miếng thịt vịt non mềm, chấm vào chén mắm gừng, nhai cho kỹ để tận hưởng vị thơm ngọt của thịt. Húp thêm vài muỗng cháo béo ngậy... Khà, khà ... Ngon quá đi thôi !!!
Tôi xin mở ngoặc ở đây để kể cho các bạn một kỷ niệm khá vui của tôi về món tiết canh vịt. Mấy năm đầu lúc mới định cư ở Canada, một hôm tôi và vài người bạn nhậu bỗng dưng thèm món tiết canh vịt. Cả bọn bèn rủ nhau đi đến một trang trại mua năm con vịt sống về làm thịt. Về nhà cả bọn kéo nhau xuống basement xăn tay vén áo trổ tài cắt tiết. Mặc dù đã làm đúng y chang cách “hãm” huyết (1 muỗng mắm, 2 muỗng nước, bỏ huyết đầu, huyết cuối v.v...), thế nhưng cắt cổ năm con vịt “kếch xì nái”, tụi tôi chỉ làm được đúng có một đĩa tiết canh, còn lại hư hết vì tiết vừa cắt xong đã bị đông ngaỵ Đến màn nhổ lông vịt thì mới thật “trần ai” ! sáu thằng nhổ lông năm con vịt từ 12 giờ trưa đến 5 giờ chiều, rút cuộc vịt vẫn còn chưa sạch lông còn người nhổ lông vịt thì bị dính đầy lông trên mặt mũi ! Hì hà hì hoạch mãi rồi cũng xong được nồi cháo và mấy dĩa thịt vịt thế nhưng chẳng ai dám ăn vì cả thịt lẫn cháo còn hôi mùi lông đến lợm giọng. Rốt cuộc sáu thằng chia phần đĩa tiết canh bé tí tẹo và cuối cùng sau khi thu dọn “chiến trường” cả bọn đã phải kéo nhau ra Mc Donald ăn hamburger cho đỡ đói !
BÁNH ƯỚT THÀNH :
Phải là dân ham ăn ham uống lắm mới cất công đi tận lên Thành ăn bánh ướt ! Đọc đến đoạn này chắc sẽ có bạn la toáng lên rằng : “bánh ướt có gì đặc biệt hay ngon đâu mà kể ” Dạ tôi xin “ga răng ti” với các bạn là bánh ướt Thành ngon lắm !
Tiệm bánh nằm ngay trên đường Quốc Lộ 1, gần ngã ba Thành. Ngoài cái lò tráng bánh nằm chình ình ngay giữa nhà, tiệm chỉ có vài ba cái bàn ghế xập xệ. Khách ăn có thể kéo ghế ngồi vây quanh lò, chờ từng cái bánh ướt vừa tráng xong. Bánh nóng hổi còn thơm mùi bột gạo mới, mỡ hành thoa béo ngậy, mắm nêm chấm dầm ớt xiêm cay xé lưỡi. Vừa ăn vừa thổi, vừa hít hà. Ăn xong kêu ly nước dừa xiêm, uống vào mát rợi ! Đã vậy lâu lâu khách còn được bà chủ mang mít của cây nhà lá vườn ra đãi ăn tráng miệng.
NEM NƯỚNG NINH HÒA :
Dân Saigòn thường hay ca tụng nem nướng Thủ Đức. Ôi nhằm nhò gì khi so với nem nướng của Nhatrang ! Mấy “O”, mấy “Mệ” tối ngày “gáy” về món nem chua Huế. Hứ !!! sao mà ngon bằng nem chua Ninh Hòa !!!
Cả hai tiệm nem nướng Ninh Hòa nổi tiếng đều nằm trên con đường Trần Quý Cáp: tiệm Mỹ Hạnh và Mỹ Hương. Vào tiệm trong khi chờ món nem nướng, khách hàng có thể lai rai vài lọn nem chua Ninh Hòa. Nem chua mà nhậu với bia 33 thì “bắt” lắm ! Nem nướng cuốn với bánh tráng, có rau sà lách, hẹ, dưa leo, khế, chuối chát v.v.., ăn với nước chấm có tương hột giã và thịt heo bầm sền sệt. Ngon hết xẩy !!!
BÚN BÒ HUẾ RỘC RAU MUỐNG:
Các gánh bún bò Huế ở rải rác khắp thành phố thế nhưng quán bún bò Huế ở Rộc Rau Muống có lẽ ngon hơn hết. Quán nằm trong một khu vườn khá rộng, rợp bóng mát những hàng dừa cao. Nhớ lại tô bún bò dạo ấy, sao thấy thèm chi lạ ! Tô bún nước váng đỏ ớt màu, thơm mùi sả lẫn mùi mắm ruốc, những miếng thịt bò bắp gân mềm, miếng giò heo béo ngậy, rồi rau thơm, hành ngò, bắp chuối v.v...
Phải đợi tới hai mươi năm sau ngày xa quê hương tôi mới được ăn một tô bún bò Huế rất “Huế”, đó là vào dịp tôi đi dự buổi họp bạn lớp IC/ Võ Tánh tại nhà cô bạn học Nguyễn thị Như Ý ở Greensboro, North Carolina vào tháng 9 năm 2000. Tô bún của khổ chủ nấu đãi bạn bè tuy thiếu giòheo và rau bắp chuối thế nhưng ăn rất ngon. Cứ nhìn bạn Nguyễn Văn Quang “đá” liền tù tì 4 tô thì đủ biết ngon cỡ nào !
BÁNH CANH CÁ HẺM TRẦN QUÝ CÁP :
Tôi đi đây đi đó cũng nhiều nhưng tôi thấy hình như chỉ mỗi Nhatrang mới có cái món bánh canh cá mà thôi. Trong hẻm Trần Quý Cáp đi vào Xóm Giá có một quán bán bánh canh cá ngon tuyệt.
Hôm nào đi nhậu về khuya, hơi ngà ngà say, ghé lại quán kêu một tô bánh canh nóng hổ, rắc thật nhiều tiêu, bỏ thật nhiều hành, thêm vào chút tương ớt, rồi lựa từng miếng cá trắng phau, nhai từ từ để tận hưởng vị thơm của cá, rồi nuốt cái “chụt” sợi bánh canh mềm mềm, rồi húp tí nước có vị cay cay, ngọt ngọt. Chả mấychốc mà giã rượu !
MÌ QUẢNG CHỢ XÓM MỚI :
Hè năm 66 cô bạn Tôn Nữ Ngọc Lâm thường rủ tôi đến nhà ở hẻm Huỳnh Thúc Kháng để cùng học thi tú tài. Tối tối đói bụng hai đứa tôi hay rủ nhau ra chợ Xóm Mới ăn mì quảng. Ngọc Lâm mất vì bạo bệnh vào năm 68. Bây giờ hễ khi nào nhắc tới cô bạn cũ là tôi lại liên tưởng đến quán mì quảng ở góc chợ Xóm Mới, và mỗi lần ăn mì quảng là tôi lại nhớ đến người bạn yểu mệnh năm xưa.
Ở bên này thỉnh thoảng Tuyết Lê, vợ tôi cũng có nấu món mì quảng. Nấu theo kiểu “dã chiến” ăn cho đỡ ghiền vậy thôi, chứ làm sao mà có sợi mì quảng vàng nghệ, có con tôm, miếng thịt ba chỉ hay miếng chả cá thơm ngon của quê nhà, làm sao mà có cái nước dùng xăm xắp thơm mùi đậu phọng sống, có rau giá, có bắp chuối bào trắng tươi .
BÁNH BÈO, BÁNH BỘT LỌC, BÁNH NẬM XÓM ĐÌNH :
Người Nhatrang chẳng cần phải ra Huếmới ăn được các món ngon đặc biệt của Huế. Ghé lại Xóm Đình ở gần góc đường Nhà Thờ và Hoàng Tử Cảnh là có đủ cả : nào là món bánh bèo với đậu xanh, tôm chấy và tóp mỡ, nào là món bánh nậm gói lá chuối, lột lá ăn mệt nghỉmà vẫn chưa đả thèm, hay là món bánh bột lọc có con tôm đỏ au ăn với nước mắm dầm ớt xanh .
GỎI ĐU ĐỦ BỜ BIỂN :
Trước 75, dọc theo bãi biển Nhatrang có hơn chục cái kiosque bán đủ các món ăn nhậu. Khách có thể vào kêu vài con ghẹ luộc chấm muối tiêu, hay một chục xò huyết nướng vỉ, hay con khô mực nướng rồi ngồi nhâm nhi dăm ba chai bia. Nếu không phải là dân nhậu, khách có thể kêu dĩa bánh tôm (ngon nhất ở kiosque số 5), hay làm một tô hủ tíu đồ biển. Nếu không muốn vào quán, khách có thể mua vài trái cóc, tầm ruộc hay ổi ngâm ở những quán hàng rong bên đường rồi xuống bãi cát ngồi ăn. Nhưng cái món ăn đặc biệt nhất ngòai bờ biển là phải kể đến món gỏi đu đủ (còn gọi là gỏi bò khô). Hàng bò khô ở cạnh quán Kiosque số 5, trước Khu Công Chánh cũ, lúc nào cũng đông nghẹt khách. Mấy chục năm trôi qua tôi vẫn chưa quên được cái dĩa gỏi bò khô năm xưa : những sợi đu đủ bào trắng xanh, những cong rau răm xắt nhỏ, những miếng bò khô màu nâu xẫm, trộn với nước dấm tỏi chua chua ngọt ngọt, nước mắm ớt cay nồng.
Nhatrang còn biết bao nhiêu hàng quán, nào là tiệm xôi gà ở Chợ Đầm, tiệm ăn Dân Thiên ở đường Độc Lập với món tôm hoả tiễn, thịt bò bí tết và soupe au fromage nổi tiếng, nào là quán cơm gà rô ti ở đường Hai Chùa, rồi hàng cháo lòng trong chợ Xóm Mới, hàng bún sứa và bánh khoái ở hẻm Xóm Gà, hàng bánh xèo trước trường Đăng Khoa, hàng bánh căn ở khắp nơi v.v...Đó là chưa kể đến những gánh hàng rong buổi tối như gánh hột vịt lộn, bánh ú, bánh ít lá gai, chè lục tàu xá, chè mè đen, hay những xe mì gõ, xe mía hấp v.v...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét