Trong ba ngày, từ 08/12, Tập Cận Bình đã tới Saudi Arabia để tăng cường quan hệ kinh tế, quân sự, văn hóa và giáo dục giữa hai nước “cho kỷ nguyên mới”. Dù chẳng là chiến lược gia, chỉ theo dõi tin đó ta cũng rõ hai thủ đô Bắc Kinh và Riyadh muốn mở rộng quan hệ ngoại giao vì năm lý do: 1) Trung Cộng rất cần dầu khí Saudi, 2) cả hai đều tìm cách chống đỡ áp lực của Mỹ; 3) khi mâu thuẫn gia tăng giữa Chính quyền Joe Biden với Riyadh; 4) Bắc Kinh còn muốn giao kết nhiều hơn với các nước Á Rập Hồi giáo trong vùng Vịnh (là Gulf Cooperation Council); 5) nên đề nghị sẽ buôn bán với họ bằng đồng Nguyên (Nhân dân tệ Renminbi) thay đồng Mỹ kim.
Nhưng cái gai ở đây là quan hệ giữa Bắc Kinh với Mỹ đã gặp chướng ngại chính vì Đài Loan. Do đó hãy tạm cất vụ Saudi cho một dịp khác!...
Kỳ trước, ta thấy Bắc Kinh ráo riết tung đòn hăm dọa Đài Loan xem Chính quyền Đài Bắc ứng phó ra sao về chiến thuật tự vệ, về thuật lý và thể thức ứng chiến: Lý do là Bắc Kinh cần “Giải phóng quân” (PLA) của họ học thêm kinh nghiệm. Dĩ nhiên Đài Loan cũng biết vậy vì đã dày kinh nghiệm nên cũng thủ kín khi nghênh đón đòn khiêu khích của đối phương.
Bây giờ ta cố đoán tiếp mưu lược của Trung Cộng sẽ là gì…
1/ Muốn thôn tính Đài Loan từ lâu qua nhiều cách - kỳ trước, ta nói về việc này và nhấn mạnh đến hai vế là yêu cầu và khả năng - Bắc Kinh hiển nhiên biết là nếu dùng giải pháp quân sự thì cần xem đối thủ là ai. Ngoài Đài Loan, đối thủ là Bộ Tư Lệnh Hoa Kỳ với hơn 350 ngàn người, quân lẫn dân sự, trên một vành cung kết hợp cùng các đồng minh trong nhiệm vụ bảo vệ an ninh từ Alaska qua Biển Nhật Bản xuống tới Ấn Độ Dương. Đó là lực lượng thi hành chiến lược Ấn Độ Thái Bình Dương và thực tế canh chừng vùng duyên hải của Trung Cộng nên sẽ có phản ứng nếu Đài Loan bị tấn công (Như Bắc Kinh, chúng ta nhìn vào bản đồ thì hiểu ngay!)
2/ Như vậy, nếu đòi xâm lăng Đài Loan thì Bắc Kinh phải răn đe hoặc cản trở phản ứng của Hoa Kỳ. Việc răn đe là tác động vào chính trường Mỹ để gây tranh luận và phân hóa. Theo dõi tin thời sự ta nên chú ý tới yếu tố chính trị đó vì có thể là dấu hiệu tiên báo. Việc cản trở Hoa Kỳ thì khó hơn vì có khi gây đại chiến. Lúc đó ta mới thấy vai trò của hai căn cứ quân sự Mỹ là Okinawa và Guam. Nếu Bắc Kinh dám đụng vào hai ổ kiến lửa này là tính chơi bạo với Đài Loan hơn là với Mỹ, nên ta cũng chú ý. Người chú ý nhất là Đô đốc John C. Aquilino, Tư lệnh khu vực Ấn Độ Thái Bình Dương của Hoa Kỳ!
3/ Muốn tránh cả hai ngả lưỡng nan đó, Bắc Kinh có thể... học Vladimir Putin hồi đầu năm 2022: bất ngờ tấn công Đài Loan như một sự đã rồi, trước khi các nước kịp đưa quân viện qua đại dương cho Đài Loan. Mục tiêu là phá vỡ dàn phòng vệ và chiếm vài trung tâm chính trị Đài Loan để có phe xin hàng trước khi Hoa Kỳ kịp nhúc nhích. Nhưng Putin đã đại bại tại Ukraine và Đài Loan là cường quốc hải quân nên việc phá vỡ dàn phòng vệ là cái xương khó nuốt. Chưa kể là ai biết Đài Loan và Mỹ có mật ước gì về thông tin quân sự hay không?
4/ Mãi rồi Bắc Kinh cũng hiểu ra thay đổi lớn của xã hội Đài Loan: (a) thành phần Quốc dân đảng KMT từ Hoa lục di tản qua Đài Loan từ 1947-1949 (waicheng ren, người ngoại tỉnh) nay đã quá già; (b) khi tới Đài Loan, họ khinh dân bản địa (bensheng ren, người bản tỉnh) là man mọi; (c) rồi thấy việc “quang phục Trung Hoa” là hão huyền, nên họ giải trình lại là “quang minh chính đại khôi phục Trung Hoa” qua hợp tác kinh tế để thuần hóa Hoa lục; (d) vì vậy Bắc Kinh có thể mua chuộc thành phần này nhờ quyền lợi kinh tế.
5/ Nhưng dân bản địa chẳng muốn liên hệ gì với cuộc chiến xa xưa và mơ ước một tương lai tự trị nếu chưa là độc lập. Đa số bỏ phiếu cho đảng Dân Tiến. Nhân vật điển hình cho cục diện rắc rối đó là Lý Đăng Huy (1923-2020): là dân bản địa, tốt nghiệp Tiến sĩ tại Đại học Cornell bên Mỹ, chủ tịch đảng KMT, ông đắc cử Tổng thống qua phổ thông đầu phiếu năm 1996 và tiến hành dân chủ hóa. Rồi ông bị KMT trục xuất vì đề cao quyền tự trị cho Đài Loan, nhưng vẫn có thái độ thân đảng Dân Tiến và Nhật Bản! Kế tiếp, đắc cử Tổng thống là Trần Thủy Biển thuộc đảng Dân Tiến (lần đầu tiên sau 55 năm cai trị của KMT), rồi Mã Anh Cửu thuộc KMT có lập trường thân Bắc Kinh, nhưng Thái Anh Văn thuộc đảng Dân Tiến đã thắng lớn qua hai kỳ bầu cử!
6/ Vì vậy, ước mơ của Bắc Kinh là đột kích Đài Loan để có phe thân Trung Cộng xin đầu hàng (như Putin tại Ukraine!) chỉ là viễn mơ nên Bắc Kinh vẫn phát triển sức mạnh quân sự hầu các nước ngần ngại mà hết dám bênh Đài Loan: năm 1996, Hải quân của họ (PLAN) chỉ có 57 chiến hạm; tới 2019 có 335, năm 2022 thì đứng đầu thế giới về sức trọng tải. Song song, họ nâng khả năng chế hỏa tiễn có đầu đạn cao tốc (hypersonic), kết hợp trí tuệ nhân tạo (artificial intelligence) vào hệ thống chỉ huy, kiểm soát thông tin và sử dụng cách tấn công không gian điện não (cyberspace). Mục tiêu là chế ngự chuỗi đảo gần nhất (đệ nhất đảo liên - first island chain) hầu gây phí tổn cho Hoa Kỳ nếu muốn can thiệp để cứu Đài Loan.
7/ Nhưng đó chỉ là dọa, chứ thật ra nếu muốn tấn công và chiếm cứ Đài Loan thì Trung Cộng cần lực lượng đổ bộ và tiếp vận lên tới 600 ngàn lính thì mới vượt 130 cây số vào Đài Loan với phân nửa phải lo hậu cần. Trong giả thuyết lạc quan (!) là Bắc Kinh chiếm được rồi cai trị 24 triệu dân Đài Loan thì phải cần 600 ngàn lính ở tại chỗ, theo tỷ trọng 1/40, một lính canh chừng 40 người dân! Mà làm sao xoay trở khi Đài Loan phản công bằng du kích chiến trong các thành phố? Vẫn biết “công tâm” là chiến lược hay (binh pháp Tôn Tử!), nhưng làm sao tranh thủ lòng dân tại đây khi lại là lực lượng xâm lăng?
8/ Mà Đài Loan và Mỹ, Nhật không khoanh tay cho Bắc Kinh thực hiện việc đó khi thấy họ đưa quân nội địa qua xa lộ và xe lửa tới Phúc Kiến. Các nước sẽ ra tay bằng nhiều cách, kể cả lực lượng tiềm thủy đĩnh (tầu ngầm hay subsurface fleet) lẫn thủy lôi chìm, là nhược điểm của Trung Cộng. Đã thế, Bắc Kinh còn bị nghẹn chuỗi cung ứng khi vượt các eo biển Đông Á và Đông Nam Á hiện vẫn do Mỹ kiểm soát.
9/ Mà nhìn về dài thì Đài Loan vẫn là đại gia sản xuất chất bán dẫn lẫn vi tích mạch với TSMC (Taiwan Semiconductor Manufacturing Company Limited). Hôm mùng 9/12 Bắc Kinh lên án việc TSMC sẽ đầu tư 40 tỷ Mỹ kim vào Arizona! Nếu Đài Loan cho TSMC dẹp luôn hai chi nhánh đang hoạt động tại Thượng Hải và Nam Kinh thì ta ngửi thấy mùi khét.
Hơn 1400 chữ rồi, đã đến hồi kết luận nhé!
- Sau hơn 40 năm cải cách kinh tế và 30 năm hiện đại hóa quân đội, Trung Cộng gây ấn tượng là cường quốc kinh tế và quân sự Đông Á. Vì vậy, một số dư luận cho rằng việc họ thôn tính Đài Loan là khả thi (feasible, khả dĩ thi hành được), Bắc Kinh ráo riết tuyên truyền cho điều ấy, ít ra để thuyết phục người dân u mê của họ.
- Nhưng thực tế vốn cứng đầu hơn lý thuyết. Việc tấn công đòi hỏi sự phối hợp giữa kế hoạch với tiến trình hành quân là điều chỉ biết khi lâm trận! Bắc Kinh đã muốn vậy từ năm 1950 trở về sau mà vẫn bó tay. Tốn kém quá sức chịu đựng.
- Trong khi Mỹ không buông rơi Đài Loan, lại còn gia tăng quân viện thì việc Bắc Kinh dụng võ lại khiến Trung Cộng bị cô lập về chính trị, nhất là kinh tế, khi họ đã khác xưa: cần buôn bán với các nước chứ không như thời Mao hay thời Mãn Thanh.
- Chi bằng ồn ào bơi trong vùng nước xám để dọa và dụ chứ khỏi phải rút súng rồi tự bắn vào chân!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét