Mùa hè năm 1959, lớp Đệ nhị C trường Petrus Ký chúng tôi với sĩ số 40 người, đã thi Tú tài 1 và đậu được đúng 9 người. Với số người đậu Tú tài 1 quá ít như vậy, Petrus Ký không thể mở lớp Đệ nhất C, và cả 9 đứa chúng tôi : Cao Văn Bảy, Nguyễn Thiện Giao, Quan Trung Hiếu, Trương Thanh Hoàn, Tân Văn Hồng, Lê Tấn Kiệt, Trần Đại Lộc, Phạm Phú Minh, Phạm Quang Trung được đưa qua “học nhờ” lớp Đệ nhất C của trường Chu Văn An.
Hồi đó vì trường mới chưa xây xong, các lớp học của Chu Văn An vẫn còn dùng những tòa nhà trong khuôn viên rất rộng của trường Petrus Ký. Riêng lớp Đệ nhất C thì được học trong một cái nhà một tầng khá lớn nằm ngay gần sân vận động, có cổng mở ra đường Trần Bình Trọng. Suốt một năm học trong cái phòng học đơn độc này (mà chúng tôi nghe loáng thoáng trước kia là chuồng nuôi ngựa của người Pháp), chúng tôi không bao giờ biết văn phòng của trường Chu Văn An nằm ở chỗ nào, chưa từng thấy mặt ông Hiệu trưởng lần nào. Thời gian về sau Trung tâm Học liệu của bộ Giáo Dục được xây cất trên mảnh đất này.
Học sinh của lớp Đệ Nhất C Chu Văn An năm đó là một tổng hợp khá phức tạp. Ngoài học sinh ban C của chính trường Chu Văn An thi đậu Tú tài 1 lên lớp học tiếp tục, những học sinh tương tự của các trường Petrus Ký, trường Võ Tánh Nha Trang, trường Nguyễn Đình Chiểu Mỹ Tho đều được thu nhận để học tiếp lớp Đệ Nhất C. Cho nên lớp Đệ Nhất C năm đó rất đông đúc và nguồn gốc địa phương của học sinh cũng không thuần nhất : người Bắc di cư, trộn lẫn với dân Sài Gòn chính cống, với dân ven biển miền Trung, và với con em miền Lục tỉnh… Thật là một tập hợp của tứ chiếng giang hồ.
Lên lớp Đệ nhất C, tính chất của môn học có phần thay đổi. Tuy vẫn gọi là ban văn chương, nhưng lên lớp cuối của ban C thì không còn học “văn chương” nữa, mà thay thế bằng môn Triết. Ngoài ra các môn khác như Sử, Địa, Lý, Hóa, Vạn Vật, Toán v.v… thì vẫn tiếp tục. Bước vào niên học mới, chúng tôi hồi hộp trông đợi sự mới lạ của môn Triết học. Tôi không còn nhớ rõ mỗi tuần chúng tôi học bao nhiêu giờ Triết, chỉ nhớ các môn : Tâm Lý học do Linh mục Trần Văn Hiến Minh dạy; các môn Luận lý học và Đạo Đức học do Giáo sư Trần Bích Lan đảm trách. Nội dung các môn này hoàn toàn mới đối với chúng tôi, trong đời đi học từ nhỏ đến lớn chưa hề gặp, và chúng tôi có vẻ phải vận dụng một khả năng mới mẻ để tiếp nhận chúng.
Từ nhiều năm trước, Linh mục Trần Văn Hiến Minh đã soạn và xuất bản một cuốn giáo khoa về môn Tâm Lý học, học sinh lớp Đệ nhất C năm nào cũng dùng quyển đó để học về môn Tâm lý. Đó là một cuốn sách giáo khoa về Tâm lý học được soạn kỹ lưỡng và đầy đủ nhất thời bấy giờ. Đến giờ dạy, cha Hiến Minh giở sách ra để đọc và giảng một bài với giọng đều đều, học sinh chăm chú theo dõi nội dung bài giảng trong sách, vì lời giảng của cha với nội dung bài in trong sách không khác biệt là mấy.
Hai môn Đạo Đức học và Luận Lý học do thầy Trần Bích Lan phụ trách thì rất sinh động. Trước hết, thầy còn rất trẻ, vào năm ấy thầy mới 27 tuổi, người cao lớn, trắng trẻo, phục sức rất giản dị. Theo trí nhớ có thể sai của tôi, thì hình như khi đi dạy thầy chẳng mang theo tài liệu sách vở gì cả, mỗi buổi tới lớp là thầy dạy một bài mới, giới thiệu đề tài rồi bắt đầu giảng với một giọng nói khúc chiết, rất dễ hiểu. Khi giảng xong một ý, thầy bắt đầu đọc cho học trò ghi bài vào vở, tôi vẫn nhớ hình như thầy ứng khẩu chứ không đọc một tài liệu nào soạn sẵn. Xong một đoạn, thầy lại giảng, giảng xong lại đọc cho học trò ghi, cho đến hết giờ thì cũng vừa xong một đề tài. Với phương pháp nghe giảng rồi ghi chép ngay từng phần như thế, học sinh đến cuối giờ hầu như đã “học thuộc bài” rồi.
Tôi nhớ ít nhất là một lần trong niên học thầy Trần Bích Lan ra một đề tài để cả lớp làm bài luận triết. Khi chấm bài xong ông dành gần cả một giờ học để đưa ra các nhận xét cho những bài luận triết học đầu tay của học trò. Ông lưu ý nhiều về cách hành văn của đám học sinh chúng tôi, từ trước đến giờ chỉ quen viết theo lối tả cảnh tả tình của các đề tài văn học. Ông đã trích một câu văn có vẻ hoa mỹ trong một bài luận nào đó, đọc lên cho cả lớp nghe, và căn dặn không nên viết triết học với lối hành văn như vậy. Triết học là văn của lý trí, cần rõ rệt, trong sáng nhưng không cần hoa mỹ. Đó là một bài học lớn cho chúng tôi khi bước vào ngưỡng cửa của triết học.
Thời chúng tôi học triết với giáo sư Trần Bích Lan thì ông đã nổi tiếng với những bài thơ như Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát, Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông, nhưng có cái lạ là lúc đó chúng tôi rất ít để ý về thơ của ông. Hằng tuần gặp gỡ thầy trong những giờ triết học, có vẻ chúng tôi say mê các bài giảng của ông hơn, và đặc biệt rất thích cung cách bình dân và thân thiện của thầy. Một lần bắt gặp ông đang đứng ăn một đĩa gỏi thịt bò khô của một người bán dạo trong sân trường, bọn tôi thích lắm, cảm thấy gần gũi với ông vô cùng.
Cuối năm 1992 tôi qua Mỹ, gia nhập ngay vào tòa báo Người Việt, làm việc với Lê Đình Điểu để tập điều hành tạp chí Thế Kỷ cũng do Người Việt chủ trương. Điều tôi rất vui mừng là tại phòng tòa soạn Thế Kỷ 21, tôi được gặp hai người khách thường tới thăm, là thầy Nguyễn Khắc Hoạch và thầy Trần Bích Lan. Khi tôi tự giới thiệu là học trò cũ của hai thầy, một ở Đệ Nhất C Chu Văn An và một ở lớp Dự bị Văn Khoa năm kế, hai thầy đều rất vui. Cả hai thầy đều theo dõi tạp chí Thế Kỷ 21 và góp ý kiến hầu như cho từng số một, Điểu và tôi đều sung sướng và cảm động trước sự yểm trợ tinh thần của các vị thầy cũ. Riêng thầy Hoạch khi biết tôi sắp xuất bản cuốn Hà Nội Trong Mắt Tôi và có ý định nhờ thầy viết lời Tựa cho cuốn sách, thầy vui vẻ nhận lời ngay.
Từ ngày đó đến nay đã hơn một phần tư thế kỷ, quý thầy đã qui tiên từ lâu. Nhưng những kỷ niệm từ thời còn đi học trong nước, cho đến cuộc gặp gỡ nồng ấm trên vùng đất tị nạn thì tôi không bao giờ quên. Thời gian qua mau, sắp xóa nhòa mọi chuyện cũ, ghi vội một số điều để tưởng nhớ đến người xưa, cũng là một chút vốn liếng lưu lại cho chính mình.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét