Ôi những đêm rừng chôn xác bạn,
Những mai nhìn xử bắn anh em…
«Ly la-de đổ lên đầu…», cả bài thơ «Tôn Thất Trung Nghĩa» mà Tạ Ký đã đọc cho tôi nghe ở trại tù Xuận Lộc, tháng 9/1975, tôi chỉ còn nhớ có mỗi một câu. Chắc khi ra tù Ký có trao toàn bài thơ cho Nghĩa. Không rõ Nghĩa có còn lưu giữ được bản nào chăng. Nhiều lần tôi tìm cách liên lạc với Nghĩa nhưng Nguyễn Xuân Hoàng cho biết vô phương. Tôi nhớ, ngày tôi đi định cư Nghĩa nói với tôi (lúc tình cờ gặp nhau trong trại tỵ nạn Galang), dù Nghĩa được đi Hoa Kỳ Nghĩa cũng tìm cách bỏ sang Nam Mỹ làm lại cuộc đời…
Nếu Hoàng, trong «Người đi trên mây» đã nói rõ không thích thơ Tạ Ký –Hoàng chỉ yêu thơ Quang Dũng- thì tôi cũng chẳng hơn gì Hoàng. Tôi chỉ biết tên Tạ Ký từ lúc còn học ở trung học. Lúc bấy giờ Ký có thơ đăng trên Đời Mới và Văn Nghệ Tiền Phong. Nhưng dù rất mê Tạ Ký lúc đó, tôi chẳng thể nào thuộc thơ Tạ Ký. Điều này, đã nhiều lần Tạ Ký lưu ý tôi.
Văn kỳ thanh bất kiến kỳ hình. Lần đầu tiên tôi biết mặt Tạ Ký là lúc ở Liên Trường Võ Khoa Thủ Đức (Ký và tôi bị động viên vào khóa 14 sinh viên sĩ quan trừ bị). Dĩ nhiên Ký làm gì biết tôi. Khi nghe Tạ Ký xưng danh trình diện trong buổi họp đại diện sinh viên các cấp đại đội, tiểu đoàn, liên đoàn, v.v… tôi mới nhận diện được nhà thơ đã một thời dệt mộng cho lứa tuổi học trò chúng tôi. Sau đó, khi ra trường, tôi chẳng có dịp nào gặp lại Tạ Ký…Cho đến năm 1969, nhân nhận dạy cho trường Tân Văn và qua nhiều trận «đụng độ» ở Chợ Đũi tôi mới được Tạ Ký bắt đầu cho gia nhập hội lưu linh. Trên giấy tờ Ký và tôi cùng tuổi; trên thực tế, Ký hơn tôi bốn tuổi. Tóc Ký đã hoa râm, ống vố ít khi rời khỏi miệng, Ký chỉ uống la-de lớn. Chất thơ ở Tạ Ký tựu nơi khóe mắt lúc nào cũng ươn ướt. Tôi không còn nhớ rõ Ký được Giải Thuởng Văn Chương Toàn Quốc năm nào; nhưng Ký có tặng cho tôi tập thơ «Sầu Ở Lại» năm 1971, trong đó có một bài thơ Ký đề tặng tôi. Điều khiến tôi để ý là Ký bao giờ cũng xách một «cạc-táp» đã sờn cũ, trong đựng rất nhiều sách và một cây thước dùng để khẻ tay (hay gõ đầu?) học trò.
Hình như không đêm nào không có mặt Tạ Ký ở Chợ Đũi. Chủ quán nào cũng biết Ký. Không cô hầu bàn nào không biết «ông thầy». Từ em bé đánh giày, anh phu xích lô, bà bán xoài-ổi-cóc đến chú xào hủ tiếu, mì v.v… không ai không biết Ký, kể cả mấy thầy cảnh sát gác rạp hát bóng Nam Quang, mấy chú lính ba gai ba gốc thường đóng đô ở khu nầy và mấy đứa nhỏ ăn xin… Thi nhân Tạ Ký không chỉ nổi tiếng ở Làng Văn! Về điểm này tôi thấy Tạ Ký sống ngang tàng, phiêu lãng như Nguyễn Bính ngày xưa : Ký nghèo nhưng rất thèm bạn bè. Dĩ nhiên phải là bạn mà Ký cho là «chơi được».
Nhiều đêm Ký ngồi độc ẩm ở Chợ Đũi chờ Nghĩa, Hoàng và tôi hết giờ dạy chạy đến «đồng ẩm», dù Ký không có giờ dạy những đêm đó. Cũng có đêm, dù biết chúng tôi dạy nơi khác Ký vẫn ngồi chờ chúng tôi tạt ngang, «ghé vô làm bậy vài chai». Thân với Ký nhất là Nghĩa. Nghĩa đã từng hứng chịu những cú đấm của Ký đến sưng vù cả mặt mũi vì Ký bực tức chuyện gì ở đâu đâu. Nghĩa chỉ cần xô nhẹ một cái là Ký nát xương (Nghĩa cao gần 1 mét 90 , nặng non 100 ký, còn là huyền đai đệ tứ đẳng nữa!). Vậy mà Nghĩa vẫn xuôi tay đưa mặt cho Ký đấm để Ký trút bớt hằn học. Nhưng ở gần Ký, hiểu Ký thì mới rõ không ai thương Nghĩa hơn Ký và ngược lại. Quả là đôi bạn sống chết có nhau.
Nếu Kiệt Tấn «binh đĩ» thì Tạ Ký rất «thương đĩ». Ký thuờng nói với bạn bè đĩ coi vậy chớ rất có tình nghĩa. Ký kể nhiều chuyện rất thương tâm trong giới kiều nữ, lâm ly hơn cả chuyện nàng Marguerite-Trà-Hoa-Nữ của Alexandre Dumas-fils. Hình ảnh đậm nét nhất hiện trong đầu tôi mỗi lần nhớ tới Tạ Ký là hình ảnh Ký cầm «ly la-de đổ lên đầu» Tôn Thất Trung Nghĩa, rồi đọc hai câu thơ của Nguyễn Bính:
Mẹ con nắn vú cho tròn lại
Chịu các hoang tàn của khách chơi
Sở dĩ tôi nhớ hoài hình ảnh này là bởi có lần Ký kể một đêm nọ đi tìm hoa, Ký đọc hai câu thơ trên cho em nghe trước khi «hành sự». Em đọc tiếp bài thơ và cho biết mẹ em thường nhắc tới «người xưa» đã chép bài thơ đó để lại trước khi âm thầm ra đi mà không biết mẹ em đã…mang thai! Ký chợt tỉnh rượu, mặc vội quần áo ra về. Nghe đâu hôm sau Ký trở lại tìm bà chủ động xin chuộc em về giao cho người thân nuôi dưỡng. Cố nhiên đây chỉ là giả thuyết. Tuy nhiên phải nhìn nhận chuyện này gần như thường xuyên ám ảnh Ký:
Một đêm, cận Tết năm 1975, Nghĩa, Trương vĩnh Án, Chánh sở học chánh Bạc Liêu, Lâm võ Huỳnh, Giám đốc trung tâm giáo dục Hồng Bàng, Phan ngọc Răng, Thanh tra trung học và tôi tới Chợ Đũi ngồi quây quần bên Tạ Ký ở một bàn lẻ đầy vỏ chai la-de. Không khí rất vui vẻ, mạnh ai nấy «dô» đều đều. Đột nhiên Tạ Ký chảy nước mắt, vỗ bàn đọc lớn:
Không đủ say nào quên được em,
Mà say càng thấy nhớ nhung thêm.
Hỡi ơi tuổi tác làm chênh lệch,
Chờ đến thiên thu đá có mềm ?...
Ngay lúc đó, một thiếu nữ khoảng 17, 18 tuổi bước tới bàn rượu. Ký đứng lên choàng vai người con gái kéo ra xa, móc bóp lấy ra một xấp giấy bạc ấn vào tay nàng. Cô bé âm thầm bỏ đi, không ai để ý. Khi Ký quay lại bàn tiệc, tôi lập lại: Hỡi ơi tuổi tác làm chênh lệch...và thoáng thấy Ký xuống sắc. Đột nhiên Ký nắm tóc kéo mặt Nghĩa lên (Nghĩa đang gục ngủ trên bàn tiệc) đấm đá túi bụi. Án xô ghế đứng dậy, tức tối xốc tới…Huỳnh , Răng và tôi, vồn nhiều phen chứng kiến Ký «đục» Nghĩa nhào vô ôm Án cứng ngắt, can gián, giải thích và thuyết phục Án để yên cho Ký bỏ ra xe Lambretta hấp tấp phóng đi như gió. Án chạy vào mượn bà chủ quán chai dầu gió để thoa bóp các vết sưng vù trên mặt Nghĩa. Tôi kéo mấy cái ghế kê thành hàng dài cho Huỳnh đỡ Nghĩa nằm tạm cho Răng và Án thay phiên nhau cạo gió . Một lúc sau, tất cả dìu Nghĩa ra xe và chạy Lambretta theo kèm cho Nghĩa lái chiếc «đơ-sơ-vô» về nhà.
Sau cùng chỉ còn một mình tôi ngồi lại thanh toán tiền nhậu. Xong xuôi, tôi sửa soạn ra về thì bị ba bốn chú lính ăn mặc rằn ri, đội mũ đỏ, mặt mũi trông rất «cô hồn» chận đường. Một chú khoanh tay xấc láo hỏi tôi:
-Anh làm nhục ông thầy tôi phải không?
Tôi hỏi lại:
-Ông thầy nào?
Hắn gằn giọng:
-Thầy Tạ Ký. Ổng là "ông thầy" của tụi này.
Tôi phân bua:
-Ký là bạn tôi. Tôi cũng là thầy giáo mà cũng là đại úy…
Hắn sừng sõ:
-Tôi không cần biết. Ông không phải là "ông thầy" của tụi tôi!
Thấy không êm, một tay chống nạnh, tay kia chỉ vào mặt hắn, tôi cao giọng hỏi:
-Anh nhẩy dù thiệt hay giả. Nhẩy dù thiệt thì có một ông thầy: đó là ông thầy Vinh!
Cả bọn rằn ri đột nhiên xếp hàng ngang, đứng nghiêm, giơ tay chào tôi và đồng thanh «xin lỗi ông thầy»! Rồi cả bọn tình nguyện lái xe Honda hộ tống tôi về tận nhà, ở Gia Định…
Mấy hôm sau, Ký ngồi một mình ở Chợ Đũi chờ…bạn! Vì mặt mày te tua Nghĩa phải nghỉ dạy vài hôm. Tuần đó Hoàng không có giờ dạy ở Tân Văn. Mấy đêm liền, sau giờ dạy tôi ngồi uống la-de một mình ở một sạp giải khát trong sân trường. Đến đêm thứ tư, chịu không nổi nữa Ký bỏ Chợ Đũi lò mò vô trường Tân Văn, từ phía sau bước tới choàng vai tôi, mỉm cười khổ sở hỏi:
-Bộ mầy giận tao sao Lộc?
Tôi ứa nước mắt, kéo Ký ngồi xuống, gọi bia, trả lời:
-Tao chỉ sợ mầy giận tao thôi!
Ký cũng ứa nước mắt. Thế là xong, là quên hết. Ký và tôi mặc nhiên hiểu vì sao Ký nộ khí xung thiên. Chuyện «tuổi tác làm chênh lệch» không còn được nhắc tới nữa…
Nghĩa, Ký, Hoàng và tôi trở lại chơi thân như xưa, coi như chẳng có chuyện gì xảy ra. Ai mà giận nổi Tạ Ký! Bốn thằng chúng tôi -sau này thêm Kiệt*, tuy không phải là thầy giáo- đều «khùng» hết, mỗi thằng một cách. Đúng hơn là ngông. Một buổi ngồi chung, Ký nói với Kiệt có ngày Ký sẽ đập Kiệt một trận nên thân. Kiệt cười, biết chuyện đó thế nào cũng xảy ra (Chắc thơ đụng thơ xẹt lửa chăng?). Quả nhiên, sau đó Ký có vác ghế rượt đuổi Kiệt chạy có cờ trước mặt người đẹp Thanh Thảo! Hoàng, tuy bị Ký chọc quê là «thằng phá mồi»(Hoàng vốn không uống rượu được) vẫn được Ký ưa chuộng ở chỗ thành thật và lương thiện. Nghĩa thì nhiều lần Ký thố lộ:
-Nó, coi như em ruột của tao.
Về Kiệt, Ký nói:
-Nó có nhiều điểm giống tao quá nên tao phải đục nó. Coi như tao đục tao!
Riêng tôi, Ký nhận xét:
-Thằng Lộc không những là giáo sư triết mà còn là con-người-triết-học(sic!). Nó sống thực điều nó nói và nó cũng chỉ nói điều gì nó đã sống qua. Không như đại giáo sư Vê Đê, dạy cảm xúc mà không hề cảm xúc, dạy đam mê mà không hề đam mê. Chưa biết khoái lạc sao dám nói mình đau khổ. Chưa qua đau khổ sao biết mình khoái lạc? Tao đây chơi bời, mê cờ bạc, nhưng (đm) thằng giáo giả (ý Ký muốn nói thầy-giáo-đạo-đức-giả) Ái-Dà nó biết cái con củ c…gì mà "khuyên" tao đừng trác táng, đổ bác. Thằng Lộc nó bảo tao bớt chơi gái, tạm ngưng đánh bạc, may ra tao còn nghe được, hiểu được, ngửi được. (Đm) chưa chơi sao biết không đã, chưa nếm mùi sao biết nguy hại ?
Một điều tôi chắc chắn không lầm: cái ngông của Tạ Ký là cái ngông của kẻ sĩ. Bạn bè chắc chẳng có ai hổ thẹn vì Ký. Suốt đời Ký chỉ dạy học và làm thơ. Không «công hầu», không «khanh tướng», không xu thời, không nịnh bợ. Nhất là rất thành thật và sống hết mình với bạn bè. Ký chắc phải nợ nần rất nhiều, nhưng tôi chắc Ký đã trả xong hết các món nợ vật chất lẫn tinh thần trước khi tay rũ sạch nợ trần gian.
Lần chót gặp Tạ Ký ở Chợ Đũi, Kiệt đã mắt thấy tai nghe Ký trối trăn:
-Ngày nào chôn tao, tụi bây nhớ vác tới một két la-de, cứ uống một chai thì khui một chai đổ lên mộ tao.
Điều này, Ký nhắc lại khi gặp tôi ở trại tù Xuân Lộc:
-Đời không đáng một cơn say!
Tôi không rõ giờ đây Tạ Ký đã vĩnh viễn nằm xuống, đã có ai thực hiện niềm mơ ước cuối cùng của Ký chưa. Tôi cũng không biết đóa hoa khôi Xuân Lan ở Vĩnh Long «Cao nguyên ngực, Thái Bình Dương mắt biếc» đã một thời chung sống với Ký trước, trong và sau khi làm dân biểu Quốc Hội thời Đệ Nhất Cộng Hòa có còn nhớ đến người đã từng «Chỉ xin một nửa miệng cười, Chỉ xin một phút bên người yêu thương» chăng ?
Riêng tôi, khi ra tù tôi mới biết Tạ Ký chết. Lúc Ký nhắm mắt lìa đời, tôi vẫn còn nằm bệ rảc trong trại cải tạo. Ký mất ngày nào, tháng nào, năm nào tôi cũng chẳng rõ. Ký hiện an nghỉ nơi phần đất nào ở Việt Nam tôi cũng không biết. Có thể thi hài Ký bị quấn chiếu, vùi lấp ở một xó xỉnh nào đó trong rừng sâu, nước độc như biết bao bạn tù của tôi khi qua đời trong hỏa ngục phi nhân của cộng sản.
Đêm cuối gặp Ký ở Xuân Lộc, Ký cầm một que cây khơi đống tro tàn, ứng khẩu:
-Đêm sâu đóm lửa đương tàn,
Khói làm cay mắt cho hàng lệ rơi.
Rồi trao cho tôi một mảnh giấy nhỏ ghi lại bốn câu thơ Ký đã đọc trong dịp gần Tết 1975 ở Chợ Đũi và hai câu Ký viết thêm:
-Đoạn thơ ấy viết từ hai năm trước,
Rồi tự nhiên không tiếp được lời nào…
Điếu anh, điếu tôi, qua khói thuốc lào chúng tôi nhắc chuyện xưa, bùi ngùi, chua xót…Ký cho biết đã từng vào tù ra khám. Hết Tây nhốt, tra khảo đến Việt Minh nhốt, khảo tra. Ký cũng đã nếm mùi mật vụ thời đệ nhất cộng hòa. Nhưng Ký nói lần này Ký kinh hoàng nhất:«Chắc chết trong tù!». Quả nhiên, sau đó Ký đã bỏ mạng khi vào tù cộng sản lần thứ hai vì tội vượt biên…hụt!
Lúc đến trại tù Long Giao, cũng nhân dịp Tết đến (1976), nhớ Tạ Ký, tôi tiếp tục bài thơ bơ lững của Ký :
(Anh)
Không có em càng không thể say,
Khi muốn yêu, tình đã đổi thay.
Thâu canh độc ẩm, sầu vạn cổ,
Quán vắng, lều thưa gió lắt lay
(Em)
Không biết yêu vì không thiết yêu,
Thương ai trường hận mãi đăm chiêu.
Mình em về lại rừng hoang dại,
Dã thú, sài lang ắt phải nhiều…
Em đã tới từ trong bóng tối
Van xin ai đừng chối từ em
Giận ai khe khắt muộn phiền,
Vết đau ngày cũ, lòng điên đảo sầu.
Em đã tới, cười qua nước mắt
Xin cho em dìu dắt tình say,
Hằng mong quên hết đọa đày,
Nỡ đâu ngườ nới vòng tay, hững hờ…
(Anh)
Em hỡi em! Tình đã tưởng quên,
Sao cứ say cười lên đảo điên ?
Cố nhân ơi! cố nhân biền biệt…
Tượng đá vô tri thấu nỗi niềm ?
(Em)
Em bước tới từ trong gió lốc
Xin ai kia đừng khóc đời em,
Nhìn hoa tan tác bên thềm,
Bước đi lặng lẽ, sầu riêng ngất trời.
(Anh)
Ô hay khói thuốc làm cay mắt,
Thế gian tiếu ngã bất tang thương.
Rượu chuốc tàn canh, mưa lất phất,
Ngã tiếu thế gian khấp đoạn trường.
(Em)
Em đã khóc và em đã khóc,
Xin cho em ngủ giấc bình yên !
Ngày mai quên hết ưu phiền,
Chẳng bao giờ nữa còn điên đảo sầu…
(Anh)
Em hỡi em! Đường lên suối tiên
Xa lắm không? Chờ ta với em!
Hỡi ơi! Rung cảm ta tàn tật
Vì đã cho ai hết lửa tim.
Em hỡi em! Rượu không thể quên,
Ôi dáng xưa nhòa trong bóng đêm…
Hỡi Angélique muôn đời trẻ!
Chờ đến thiên thu đá có mềm?...
Tôi đặt tên bài thơ là «Không đủ say»: sau đó tôi phổ nhạc vài đoạn trong bài nầy: tình khúc mang tên «Angélique Gwen ». Gần Ký lâu ngày tôi cũng nhiễm chút ít chất thơ. Cũng như trước đây gần Cung Tiến tôi cũng bị lây chút ít âm nhạc. Nhưng chắc không đời nào tôi dám đọc thơ của mình cho Tạ Ký nghe, cũng như dạo nhạc của mình cho Cung Tiến thưởng thức. Tôi rõ biết, nếu về thơ Tạ Ký khó tánh bao nhiêu thì về nhạc Cung Tiến cũng khó bấy nhiêu. Thiên tài thường hay khó tính!!!
Tôi viết những dòng trên đây không ngoài mục đích nhắc nhở một người bạn chung của nhiều người. Tôi ý thức mình có quá nhiều thiếu sót đối với Tạ Ký-thi sĩ. Nhưng tôi chắc mọi người cũng hoan hỉ bỏ qua cho tôi nếu tôi chỉ còn nhớ tới Tạ Ký như một người bạn. Xin hãy coi đây như một thứ hồi ký viết bên lề văn nghệ.
Tạ Ký ơi! Chắc giờ nầy mầy đang thèm la-de. Mầy đã từng nhắc anh em đám ma mầy đừng có khóc. Những câu thơ dính ít nhiều tim óc của mầy, tao lại không thể nhớ!
Đêm nay, ngồi uống rượu một mình, trước mặt đầy vỏ chai la-de, tao vẫn tưởng có mầy bên cạnh như những đêm mầy, tao, Nghĩa, Hoàng và Kiệt chén thù chén tạc quên thời gian ở Chợ Đũi. Bạn bè còn đây…Người tình còn đây. Nhưng hỡi ôi! Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản.
Tạ Ký ơí!
Ai làm cho tóc bạc đầu,
Cho câu kỳ ngộ thành câu giã từ…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét