- Hỏi: Xin Tiến sĩ Viện Trưởng tóm tắt đường hướng và mục tiêu giáo dục của quí Viện và nếu được xin cho biết quí Viện có một vị trí và vai trò đặc thù nào khác với các Viện Đại học hiện hữu không?
- Đáp: Viện Đại học Cao Đài là một trong năm viện Đại học xuất phát từ bốn tôn giáo lớn tại Việt Nam đã được thành lập từ năm 1971 do giấy phép số 7999/GD/VP ngày 29/09/1971 và số 9335/GD ngày 24/11/1971 của Bộ Giáo dục và khai giảng niên khóa đầu tiên vào ngày 20/12/1971.
Viện Đại học Cao Đài hiện hoạt động với 2 Phân khoa Nông lâm mục với 4 ngành (Nông khoa, Lâm khoa, Súc khoa và Biến chế Nông phẩm) và Sư phạm với 2 ngành Văn khoa (Ban Việt - Hán và Ban sử địa) và Khoa học (Ban Toán lý, Ban Lý hóa và Ban Lý hóa Vạn vật) còn 1 phân khoa chưa hoạt động là Phân khoa Thần học và một Phân khoa dự trù khai giảng là Phân khoa Kinh tế — Thương mại hoặc Phân khoa Khoa học Thực dụng.
Nhìn chung, nước ta là một nước nông nghiệp đang trên đà phát triển, mặc dầu luôn luôn bị xáo trộn bởi tình trạng chiến tranh. Cho nên đường hướng giáo dục của Viện Đại học Cao Đài hướng về việc phát triển nông nghiệp và các khoa học thực dụng vì tài nguyên quốc gia rất nhiều mà chưa được khai thác thật sự, nhứt là về mặt thổ sản, khoáng chất (việc tìm kiếm dầu hỏa trên thềm lục địa Việt Nam vừa có kết quả trong mấy tháng vừa qua chỉ là bước đầu đáng lẽ đã được xúc tiến từ lâu). Mục tiêu của Viện Đại học Cao Đài là cung cấp cán bộ trung và cao cấp cho việc phát triển những ngành kỹ thuật nông nghiệp và khoa học thực dụng nói trên, cũng như việc đào tạo các giáo chức để thực hiện đường hướng đó.
Vì vậy phương pháp giảng dạy đặt nặng phần thực tập và thực hành để cho các sinh viên làm quen trước với nghề nghiệp của mình hầu rút tỉa ít nhiều kinh nghiệm trước khi vào nghề.
Cố nhiên là phần lý thuyết cũng được chú trọng đúng mức, nhưng không đến đỗi là tuyệt đối.
Vị trí Viện Đại học Cao Đài hiện nay rất là khiêm tốn trong cộng đồng Đại học, công cũng như tư. Điều đó rất dễ hiểu vì lẽ Viện đã sanh sau đẻ muộn, mà lại nằm vào một vị thế địa dư không thuận lợi vì ở bìa biên giới giáp Miên, không được có một số tỉnh trù phú bao bọc chung quanh để hỗ trợ và vấn đề an ninh của tỉnh Tây Ninh thỉnh thoảng cũng gặp khó khăn phần nào tuy rằng ở những nơi xa Viện.
Tuy vậy, Viện cũng có vài nét đặc thù về lề lối tổ chức học trình làm 2 cấp: cấp I là 2 năm đầu (Tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm cho Phân khoa Sư phạm và Tốt nghiệp Cán sự Nông lâm mục cho Phân khoa Nông lâm mục) và cấp II là 2 năm sau (Cử nhân Sư phạm và Kỹ sư Nông lâm mục). Như vậy các sinh viên không có khả năng hay phương tiện tiến xa, có thể sử dụng văn bằng cấp I của mình và có thể tiếp tục cấp II liền theo đó hoặc một thời gian sau nếu hoàn cảnh cho phép.
Tuy nhiên, bắt đầu từ niên khóa 1975, tổ chức này còn có được duy trì nữa hay không là tùy theo quan niệm của giới thẩm quyền trong khi nguyên tắc tự trị Đại học chưa được xác định rõ rệt. Nét đặc thù khác là trong chương trình giảng huấn có phần dành cho tôn giáo về giáo lý, tổ chức hay lịch sử Cao Đài giáo, hoặc dưới hình thức trực tiếp bằng môn dạy chính thức, hoặc dưới hình thức các buổi nói chuyện và tham luận có vẻ linh động và dễ thâu nhập hơn.
- Hỏi: Theo Viện Trưởng, Chính phủ nên hỗ trợ cho các Đại học Tư bằng cách nào và theo những tiêu chuẩn nào?
- Đáp: Viện Đại học tư không thể là một cơ sở có tính cách vừa giáo dục, vừa kinh tài, vì nếu ở cấp Trung Tiểu học sĩ số rất đông thì ngược lại sĩ số sinh viên Đại học rất kém, không thể đem lại một số lợi tức đáng kể. Chính vì vậy mà một vài Viện Đại học tư đã có những cơ sở kinh doanh để dùng lợi tức đó yểm trợ cho sự thiếu hụt thường xuyên của Viện.
Nghĩ rằng vai trò của các Đại học Tư lập không những rất quan trọng vì các Viện Đại học là lò đào tạo các chuyên viên cao cấp trong mọi ngành hoạt động quốc gia, mà lại còn là thiết yếu vì đa số Đại học Tư do các Tôn giáo lớn thành lập có nhiệm vụ bổ túc cho các Viện Đại học Công vì lẽ chương trình được uyển chuyển hơn, không quá gò bó vào những khuôn khổ có sẵn, các giáo sư được thoải mái tự do hơn trong việc giảng dạy và nhứt là không khí trang nghiêm của tôn giáo trong các Viện Đại học có tính cách tôn giáo giữ vững tinh thần Dân tộc của thanh niên nam nữ và ảnh hưởng thuận lợi đến tâm tính và bản chất hành thiện của lớp người trẻ này hơn, trước những xáo trộn càng ngày càng gia tăng trong xã hội Việt nam do chiến tranh kéo dài và đời sống quá chật vật của mọi từng lớp nhân dân.
Do đó, sự trợ giúp của chánh quyền đối với các Đại học Tư rất cần thiết để tránh cho họ sợ ve vãn của những ý nghĩ vọng ngoại vì những hoàn cảnh tế nhị và phức tạp.
Đại học không phải chỉ có nhiệm vụ cấp các cấp bằng chuyên khoa mà còn có nhiệm vụ khảo cứu các ngành quan yếu trong việc phát triển quốc gia.
Bỏ phần nghiên cứu là một khuyết điểm lớn của Đại học. Vì vậy sự hỗ trợ của Chánh phủ bằng hiện kim, hoặc bằng hiện vật nên nhắm vào tiêu chuẩn nhu cầu thật sự trong việc phát triển Viện về phần giảng huấn điều hành cũng như phần nghiên cứu.
- Hỏi: Hiện nay quí Viện có bao nhiêu giáo sư cơ hữu và quí Viện có kế hoạch nào để đào tạo thêm giáo sư cơ hữu không?
- Đáp: Hiện nay Viện Đại học Cao Đài có 29 giáo sư cơ hữu, phần lớn là phụ khảo đang hoạt động dưới sự hướng dẫn của các giáo sư thỉnh giảng có nhiều cảm tình với Viện. Và hiện Viện không có kế hoạch nào đào tạo khác hơn là sự hướng dẫn từ từ đó và việc xin học bổng tu nghiệp cho một số phụ khảo để du học ngoại quốc do các hiệp hội tư nhân hay các quốc gia Âu Mỹ tặng về bực Cao học.
- Hỏi: Sĩ số tân sinh viên gia tăng mau lẹ là một điều đáng mừng hay đáng lo? Theo Tiến sĩ Viện Trưởng có nên mở thêm Đại học Tư không và nếu có thì theo tiêu chuẩn nào?
- Đáp: Sĩ số tân sinh viên gia tăng mau lẹ là một điều đáng mừng mà cũng là một điều đáng lo.
Đáng mừng là vì điều đó chứng tỏ sự lớn mạnh của Quốc gia trên phương diện trao đổi trí thức. Nó chứng tỏ nền Đại học Đại chúng không phải là một danh từ rỗng không, mà dân chủ đã có những bước tiến dài trong vấn đề văn hóa giáo dục. Ngày nay, Đại học không còn là một cánh cửa sơn son thếp vàng chỉ mở cho con cháu những người giàu sang quyền thế và phương ngôn «Con vua thì được làm vua, con sãi ở chùa phải quét lá đa» có thể đi lần vào một dĩ vãng xa xôi nào.
Nhưng lại cũng là điều đáng lo vì lượng không hẳn là phẩm và nhiều khi, lượng càng to thì phẩm càng kém. Và đó có thể là tình trạng Trung Tiểu học ngày nay nếu không phải là một sự khẳng định quá đáng vì từ lâu, trung học đã thay đổi nhiều và có khi thay đổi nhiều vì những yếu tố khác hơn là yếu tố thuần túy văn hóa giáo dục. Ấy là một điều đáng ngại.
Nếu Trung Tiểu học không vững chắc lắm thì Đại học cũng có thể biến thành học đại. Do đó, có thể sinh viên ngày nay biết được nhiều việc hơn sinh viên lớp trước, nhưng kiến thức căn bản thường kém hơn và tinh thần, luân lý có thể thiếu sự vững mạnh hơn nên dễ bị ngoại cảnh cám dỗ và ảnh hưởng hơn.
Nhưng đó không phải là lỗi của họ mà là lỗi của một xã hội quá xáo trộn đến đỗi mọi giá trị không còn được tôn trọng nữa, mà một trật tự mới tốt đẹp hơn cũng chưa có cơ thực hiện được trong tình thế hiện tại.
- Hỏi: Theo Tiến sĩ Viện Trưởng, Hội đồng Đại học Tư lập Việt nam nên hoạt động như thế nào?
- Đáp: Hội đồng Đại học Tư lập Việt Nam là một cơ quan tương đối mới mẻ chỉ mới hoạt động có một năm đầu. Tuy nhiên đó là một sáng kiến hay để có sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa các Viện Đại học tư hầu có thể trao đổi kinh nghiệm và giúp đỡ nhau, ít nhứt là về mặt tinh thần, và tạo niềm thông cảm dễ dàng giữa các tôn giáo trên khía cạnh văn hóa giáo dục.
Cố nhiên, Hội đồng đang cố gắng hoạt động trong chiều hướng ích lợi chung cho các Viện và sinh viên các Viện trong việc phát huy nền Văn hóa Dân tộc Việt nam. Hội đồng đang kiện toàn tổ chức thì ít nhứt qua một thời gian thử thách mới thấy rõ hiệu quả như thế nào hầu chấn chỉnh khi cần.
Nếu người ta thường nói «có» còn hơn «không» thì rồi đây vai trò của Hội đồng Đại học Tư lập Việt Nam có thể từ «không» trở thành «có» một cách rất cụ thể và trên một vài lãnh vực.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét