khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Tư, 15 tháng 9, 2021

Danh ca Nam Kỳ Lục Tỉnh hát tình ca xứ Huế tuyệt thế vô song - Tác giả Nguyễn Gia Việt

 

Sáng sớm nghe nhà hàng xóm phát nhạc ,nhạc Huế và giọng hát cũng rất Huế,tiếng hát một ca sĩ cũng có tiếng .Nhưng thú thiệt nghe quá ba bài là thấy "ngán"
Vì giọng rặc ròi Huế hát nhạc Huế trước hết là nó "ai oán",não nề quá,cái hơi "Nam ai" ,sau là nó chát và rổn rảng quá,làm câu thơ,câu nhạc không có mềm và "mùi",chí ít là với khán giả Lục Tỉnh,Sài Gòn
Không chê cô ca sĩ hát dở .Nhưng cô không thể vượt qua cái "đỉnh" của những bài hát về Huế mặc dù cô hát giọng Huế
Tại sao nghe nhạc Huế lại phải nhớ về giọng một cô ca sĩ gốc Mỹ Tho tên là Hoàng Oanh?
Có gì khác lạ rồi,sao người Huế hát nhạc Huế không hay bằng người Nam Kỳ hát nhạc Huế?
Bạn thử nghe "Thương về xứ Huế" song ca Hoàng Oanh và Hà Thanh ,bạn thấy hai trường phái hoàn toàn khác nhau.Cái thần của Hoàng Oanh là "mùi" và "mướt rượt" ,cái thần của Hà Thanh là "rặc Huế"
"Mây vương khói chiều xứ Huế đẹp yêu kiều
Ngơ ngẩn lòng du khách những chiều xưa
Hương Giang lững lờ trăng nước vờn đôi bờ
Câu hò vẳng xa đưa khúc buồn mơ"
Nói tới cô Hoàng Oanh mà dân Sài Gòn kêu là ca sĩ Quàng Quanh thì bạn phải nhớ tiếng hát của con chim Vàng Anh của đất Mỹ Tho,tiếng chim đã réo rắt nhưng cô ca sĩ này điệu điệu,liếc liếc xéo xéo ,lúc nào cũng như con gái 18 mới lớn chúm cím tình xuân
Hoàng Oanh không đẹp mỹ miều kiểu sắc nước hương trời,cô có duyên,nhìn rất ngộ,Cô có mái tóc lòa xòa xõa ngang vai, khuôn mặt bầu bầu với con mắt mí lót, da bánh ít kiểu Nam Kỳ xưa. Mỗi khi lên sân khấu, cô đi đứng chậm rãi,mắt liếc liếc sắc lẹm , thái độ thân thiện, giọng nói ngọt ngào e ấp,cái e ấp của những cô gái miệt vườn thiệt kín đáo Nam Kỳ xưa
Chỉ cần cô ra sân khấu hò vài câu,tay vén tóc,bước qua vài vòng mà nghiêng mình ẹo một cái,nhoẻn miệng cười kín đáo một cái thôi là khán giả đã nhận ra cô liền
Ca sĩ nổi tiếng ‘điệu” Hoàng Oanh tên thật là Huỳnh Kim Chi. Kim Chi là cành vàng chứ không phải cà pháo kim chi như bây giờ vẫn diễu
Từ Kim Chi cành vàng ra nghệ danh Hoàng Oanh –con chim oanh có giọng hát vàng,thấy đúng quá xá chưa?
Mà không riêng hát nhạc hơi hám Nam Kỳ hay, cô hát hay luôn nhạc hơi hám Huế, nổi tiếng ngâm thơ, tất nhiên cô hò Huế cũng giỏi
Tiếng đệm hò ơ kéo dài của Huế rất đặc biệt, không phải người Huế thì không kéo thanh âm đó ra được, cách nhả chữ câu hò cuối như thở của người Huế
Hoàng Oanh có giọng ca mướt rượt mà mùi mùi kiểu người Nam Kỳ.Không phải người sanh đẻ ở Lục Tỉnh đố ai tìm ra cái mùi đó đặng.Mùi là ngọt,là thanh,là mơn trớn ,tình cảm kiểu tô hủ tíu Mỹ Tho,Sa Đéc ,kiểu bòn bon,măng cụt,vú sữa Miền Nam ăn vô phải chắt lưỡi hít hà
Cái mùi Lục Tỉnh đỉnh cao là cải lương,đố cô đào nào gốc Bắc và Trung luyện thanh nhạc hát cải lương kiểu Miền Nam đặng
Hoàng Oanh có giọng không mạnh,nhưng đều,nội lực,giọng ca ngọt ngay, truyền cảm luyến láy
Hoàng Oanh lại có tài ngâm thơ
"Vượt núi tiếng hò ra xứ Huế
Oanh vàng dìu dặt gợn dòng Hương…"
Hoàng Oanh lấy hơi quá ngọt, quá mùi, nó không có cái bi ai, chát chát oán oán,lơ lơ lửng lửng, cứng cứng đặc trưng của ca sĩ gốc Bắc
Hơi hò của Hoàng Oanh lại không rặc mùi mắm ruốt Huế,không chát,không cứng,không ai oán kiểu Huế,hò Huế của Hoàng Oanh lại tỉnh cảm và mùi mẫn
Hoàng Oanh hò Huế xuất sắc,là hò Huế đó,nhưng lại là hò Huế kiểu của Nam Kỳ,của Hoàng Oanh .Lối ngâm thơ của Hoàng Oanh là riêng,không giống lối ngâm thơ của ai khác
“Hơ hơ hơ… ờ… ơ…
Chiều chiều trước bến Vân Lâu
Ai ngồi, ai câu, ai sầu, ai thảm
Ai thương, ai cảm, ai nhớ, ai trông
Thuyền ai thấp thoáng bên sông
Đưa câu mái đẩy chạnh lòng nước non”
Hò mái nhì là một loại hò của riêng xứ Huế ,người Huế hay ở chổ họ hò mà ờ ờ rất nhiều,cách lấy hơi tưởng chừng như muốn tắt nhưng mà vẫn kéo dài ra làm một câu nghe rất buồn trước cảnh sông Hương lững lờ
Hò mái nhì, hò mái đẩy là điệu hò trên sông nước,thường các cô vừa chèo vừa hò ,tay chèo thì cầm mái chèo ,còn sao gọi là mái nhì thì chưa rõ
Cô Hoàng Quanh nổi tiếng hát nhạc Huế hay,nổi tiếng ngâm thơ ,tất nhiên cô hò Huế cũng giỏi
Nhưng nói thực,giỏi là giỏi so với người Nam Kỳ,ngộ là ngộ với dân Nam Kỳ,chứ so với dân Huệ chắc xứ thì sao Hoàng Quanh hò bằng người Huế
Nhưng hò Huế trong nhạc Huế của Hoàng Oanh lại lấn át những cô ca sĩ chánh gốc giọng Huế ,thế mới ác đạn và tài tình
Hoàng Oanh hát "Ai ra xứ Huế" của Duy Khánh không có đối thủ
"Ai ra xứ Huế thì ra
Ai về là về núi Ngự
Ai về là về sông Hương
Nước sông Hương còn thương chưa cạn
Chim núi Ngự tìm bạn bay về
Người tình quê ơi người tình quê thương nhớ lắm chi"
Câu hò đóng đinh,lộng chữ vàng tên tuổi của cô ca sĩ
"Hò ơi à ơi !
Cầu Trường Tiền sáu vai mười hai nhịp Thương nhau rồi chớ xin kịp về mau
À ơi ơi à! Hò ơi!
Kẻo mai tê bóng xế qua cầu
Bạn còn thương bạn chứ biết gởi sầu về nơi mô
À ơi ơi à!"
Duy Khánh còn có "Sầu cố đô" và cũng qua giọng hát Hoàng Oanh có cái vô cùng sâu lắng,riêng biệt sâu lắng muôn đời với câu "người em nhỏ Miền Trung"
"Thông cảm nỗi buồn người em... không hỡi anh!
Đây người em nhỏ Miền Trung
Tình yêu xếp chặt trong lòng
Đêm về nghe gió lạnh sầu đông
Thì cho cách biệt muôn trùng
Người tình quê xin vẫn chờ mong"
Hoàng Oanh cũng viết tên mình cùng "Mưa trên phố Huế" bằng cái giọng mùi mà tràn đầy cái buồn,song lại linh láng tình cảm,chân thành yêu thương
"Chiều nay mưa trên phố Huế
Kiếp giang hồ không bến đợi
Mà mưa rơi vẫn rơi rơi hoài
Cho lòng nhớ ai"
Hoàng Oanh hát "Huế mù sương" cũng bằng kiểu của cô,kiểu Huế mà đậm Nam
"Huế bây giờ buồn lắm không em ?
Tháng đông dài mưa lạnh buốt đêm đen
Và đường khuya thành phố có lên đèn
Ðã lâu rồi anh không về thăm Huế
Chân theo chân nhặt bóng nắng đường dài
Giọt nắng thu vàng giấc ngủ ngày mai"
Hoàng Oanh ca rằng "Huế bây dờ buồn lắm không em?" và " Dọt nắng thu vàng giắc ngủ ngày mai"
Hoàng Oanh luyến chữ rất rõ:
"Nhớ áo trắng với nụ cười
Em ngơ ngác qua Trường Tiền lộng dó"
Nhạc sĩ Nguyễn Minh Khôi đã ghi tên vào lịch sử Việt Nam với bài "Cơn mê chiều" khi ông làm bài nhạc tả cảnh Huế "bạc màu loang giòng máu","xác phơi trên mái lầu","thịt xương khô sườn đá"
Nguyễn Minh Khôi là bút danh của nhà giáo Vĩnh Khôi thuộc dòng Tùng Thiện Vương xứ Huế
Ngoài "Cơn mê chiều" bất hủ,ông còn có "Huế mù sương" viết năm 1969 có những câu cũng rất buồn:
"Đã lâu rồi anh không về thăm Huế
Từ độ nào thành phố chết đêm xuân
Huế bây giờ buồn lắm không em
Huế bây giờ buồn lắm không em?"
Bản gốc của nhạc sĩ Nguyễn Minh Khôi viết là "Huế bây giờ buồn lắm không em" ,ấy vậy mà nhiều ca sĩ sau này tự làm ra chất Huế bằng đổi lại thành "Huế bây chừ buồn lắm không em?"
Hoàng Quanh hát” Chuyện một chiếc cầu đã gãy”,”Những con đường trắng”thành công mà ca sĩ gốc Huế không dám hát
"Hò ... ơ ... à ... ơ !
Ngày nay Huế có nhiều con đường trắng
Áo qua Đông Ba
Áo về Thượng Tứ
Áo lên Bến Ngự
Áo ngược Phú Cam ...
Hò ơi, ơi !
Đầu xanh mà ai quấn khăn tang
Mùa xuân chừ héo hắt
Hò ơi Mùa xuân mà héo hắt
dấu hờn chưa nguôi ...
Hò ơi ơi ...!"
Chúng ta hiểu rằng,nhờ giọng "mùi" kiểu Nam Kỳ mà ca sĩ Hoàng Oanh đã đặt dấu ấn trong những bài nhạc Huế đó
Là vì những bài này nó là nhạc ngũ âm ,nhạc ngũ âm là tổ của nhạc tài tử Nam Kỳ,tổ cải lương đó,đầu dây mối nhợ là đây
Nhạc lễ Nam Kỳ bắt nguồn từ nhạc cung đình Huế,sau vô Nam thành nhạc lễ,và hình thành nên đờn ca tài tử và cải lương,nó dựa vào đặc trưng âm "mùi" và "ngọt" của người Nam Kỳ mà thành
Nhạc lễ trong xóm làng là loại nhạc chuyên phục vụ cho các dịp lễ hội “quan, hôn, tang, tế” của người Nam Kỳ
Nhạc lễ rồi nhạc đờn ca tài tử,cải lương trong yếu tố "mùi" trong giọng hát ,bạn không có chất giọng đó thì khó thành công
Các bài hát Huế là nhạc ngũ âm.Những bài hát Huế này bi thương song nó cần một chút luyến lái “mùi mùi” tình cảm của Nam Kỳ.Thành ra kiểu hát của Hoàng Quanh lại khiến bài hát thành công vang dội
Chúng ta nhìn Hoàng Oanh thành công nhạc Huế thì nhớ tới cái "giọng nói Hoàng Gia" của triều Nguyễn ngày xưa
Trong lịch sử đã có tới bảy người đàn bà Nam Kỳ từng là chủ nhân của hậu cung Nguyễn mà nổi tiếng,uy quyền nhứt là Hoàng Thái Hậu Từ Dũ Phạm Thị Hằng và Nam Phương Nguyễn Hữu Thị Lan
Và do các bà quyền thế nhứt trong nội cung ở Huế bấy giờ đều nói giọng Nam Kỳ. Các cung phi thị nữ được tuyển vào cung cũng phải học tiếng Nam Kỳ làm vừa lòng quý bà
Lâu dần sống ở Huế thành giọng pha nữa Nam nữa Huế ,đó không phải giọng Huế rặc ,thành ra các bà mệnh phụ phu nhơn toàn nói giọng pha đó
Phương ngữ Nam Kỳ trở thành biệt ngữ cung đình nhà Nguyễn .Dần dà lan ra dân gian,dân Huế kinh thành bắt chước giọng quý lơ lớ nửa Nam nửa Huế đó nên dần dà thành tiếng lai
Thành ra ngôn ngữ Huế có nhiều từ ngữ mà các vùng Trung Kỳ khác không hề có.Và người Huế đi vô Sài Gòn chuyển giọng một cái rột từ tê,răng ,rứa qua giọng Nam rất dễ dàng ,điều nầy dân Quảng Bình,Quảng Ngãi,Quảng Nam,Bình Định…..không làm được
Nói về giọng quý tộc đó thì phải nó là giọng hoàng tộc,giọng Huế pha Nam
Cái sự gắn kết "lai" đó lại thể hiện một lần nữa qua giọng ca Hoàng Oanh với nhạc Huế
Nghe Hoàng Oanh hát "Bài hương ca vô tận" cũng không có đối thủ ,một bài nhạc ngũ cung và không có nói gì có chữ Huế nhưng lại rất nhịp nhàng,e ấp và thẹn thùng kiểu Huế
"Bài hương ca vô tận" được ông Trầm Tử Thiêng viết 1958 tại Sài Gòn,là một trong những bài đầu tiên của ông
Để ý kỹ sẽ thấy bài nhạc có cái tên "Bài hương ca vô tận" ,chữ "hương" viết thường,nhưng vô e nhạc thì "Hương" lại viết hoa
Hán tự ,chữ hương có nghĩa là quê nhà,là xứ sở ,là mùi thơm của rơm rạ,cơm mới nấu ,thành ra Nam Kỳ ta có lúa "Nàng Thơm Chợ Đào" ,rồi "Nàng Hương" là vậy
Tức là tên nhạc thì chữ hương là là tất cả những gì của quê hương được ông Thầy Lợi gom góp lại nâng niu,ca ngợi,xiển dương ,nói như Lam Phương là "Gom góp yêu thương quê nhà. Dâng hết cho người tình xa."
Toàn bài nhạc tác giả nhắc tới tên "Hương" tới 9 lần,số 9 Hán tự là cửu,một con số linh thiêng kiểu Cửu Long của Nam Kỳ mình
Tác giả nhắc tới hiện thực năm 1958 Miền Nam vẫn còn chiến tranh ,người dân phải căng người ra vì giặc giã,trai hùng phải đi tòng chinh ra sa trường
Mở đầu bài đã là một nốt trầm,một điệu nhạc buồn bi ai oán
"Hát nữa đi Hương hát điệu nhạc buồn điệu nhạc quê hương
Hát nữa đi Hương hát lại bài ca tiễn anh lên đường
Ngày đao binh chưa biết còn bao lâu,
cuộc phân ly may lắm thì qua maụ
Hát nữa đi Hương hát để đợi chờ"
Hiệp định Geneve chia VN ra làm hai,và tới năm 1958 cũng không ai biết khi nào có hòa bình trở lại nên mới có câu" Ngày đao binh chưa biết còn bao lâu,cuộc phân ly may lắm thì qua maụ"
Hoàng Oanh ca ngọt xớt,mùi mẫn ,đẩy đưa cái tình quê hương lên cao vút ,luyến khéo léo,chổ nào cần nhấn như Hương ôi!","nghe Hương" như cứa vào lòng người nghe ,thiệt sướng con ráy
Nhà văn Hồ Trường An từng nói về Hoàng Oanh như sau:
“Trong hàng ngũ các nữ ca sĩ nổi tiếng thuở xa xưa chỉ có Lệ Thanh, Thanh Thúy và Hoàng Oanh là nhu mì, khiêm tốn, ngoan hiền và biết tự trọng”
Nhạc sĩ Lê Thương nhận xét:
“Dễ thương nhất có tiếng ngâm vượt núi của Hoàng Oanh, nõn nà, cao vút đến mây xanh, nghe mát mẻ như gió chiều hồ Lăng Bạc"
Đó là trình độ và cách sống bình thường,bình thản dù là một ngôi sao lớn trong làng nhạc vàng
Nhiều ca sĩ hát nhạc vàng,hát tròn bài nhưng không ra hồn vì không có hồn vía chi hết.Chưa kể giọng Bắc cứng mà ráng bẻ lái cho mùi kiểu Nam.Cô ráng bẻ giọng,uốn giọng luyến lái,cố nhăn mặt lấy hơi làm "mùi" cho bài hát
Nhưng cô thất bại
Có một cô ca sĩ nào hát nhạc vàng mà mặt mày căng cứng ,mồm quặm lợi,mắt lim dim như đang phê thuốc vậy
Quan trọng là cách hát nữa,uốn éo,bẻ giọng như cô giáo đang dạy học sinh phát âm,không có tự nhiên,không có mùi
Lại xiển dương cái mùi trời cho ở những cô ca sĩ Nam Kỳ như Hoàng Oanh
Cái ngọt mà thiên hạ kêu là “mùi”.Cái chữ mùi nó ngộ lắm nha.Thí dụ trái cây mới hườm có mùi nó khác trái cây chín rục nha .Như bông mới nở khác bông bung ra nha
Trái mùi nó ngọt,nó béo,nó thơm,da nó bóng lưỡng mà người nhìn cũng ngây ngất vì nó nữa,mùi làm người ta phải bung hết các giác quan mà thưởng thức nó
Tiếng hát mà mùi cũng vậy,khán giả nhắm mắt để mà nghe
Bảo Yến là danh ca đình đám trong thập niên 1980-1990 với "Chuyện hợp tan","Lối thu xưa","Ngại ngùng","Hoa sứ nhà nàng","Đường xưa" và nhạc Gò Công
Nhắc tới Bảo Yến những ai sống thời đó và cho tới hôm nay vẫn nhớ một giọng ca có hơi hám xứ Huế,giọng buồn,chậm với những âm sắc rất riêng ẩn chứa những nỗi niềm
Chất giọng Bảo Yến đặc biệt,riêng biệt,cất lên là ai cũng biết.Cô trung thành với chất "rất Huế" của cô,nhưng Bảo Yến sanh ra ở Huế và lớn lên ở Cần Thơ .Thành ra cái mùi trong nhạc của cô là giọng Huế mà "mùi" kiểu Cần Thơ chứ không phải rặc Huế
Như ca sĩ Thanh Thúy,nhan sắc Huế thành danh giữa Sài Gòn.Cô Thanh Thúy đẹp mà mắt rất buồn ,mắt cô lúc nào cũng như muốn khóc ,cộng với giọng hát kiểu u uẩn,cô cười rất buồn hình thành nên một nét riêng chỉ của Thanh Thúy thôi
Cô Thanh Thúy lấy hơi kiểu Bắc,giọng có chút Bắc,chút Huế,nhưng cho thả chữ,phát âm lại có mùi kiểu Sài Gòn.Chất Huế trong Thanh Thúy rất nhẹ ,còn đậm lại là chất Sài Gòn nên cô thành công với những tình khúc của Trúc Phương
Hoàng Oanh là tiếng hát vượt thời gian,là đứa con cưng ,là biểu tượng của Lục Tỉnh,cô có riêng một trường phái của riêng cô
Trên thế giới hiếm có xứ sở nào mà "lì đòn" và kiên định lòng dạ như người Miền Nam ,nghe nhạc mà cứ "nâng" hoài những ca sĩ "lão bà bà"," lão ông" mà nay tuổi đã trên 70 có cháu nội ngoại đầy nhà
Gần nửa thế kỷ kể từ ngày 30/4,có một giai đoạn lịch sử xáo trộn,dục dặc,không vui vẻ gì đã hằn sâu vào lòng tự trọng,khắc ghi vào tâm khảm người Miền Nam về thân phận mình
Vậy là âm nhạc với những nhạc sĩ,ca sĩ với lời ca tiếng nhạc của nhạc vàng đã làm bạn đồng hành ,làm nhân chứng đồng hành với dân Lục Tỉnh vui buồn thế sự,thành ra nó cứ hiện diện hoài trong tình cảm người Miền Nam
Nhiều người nói nhạc vàng sến súa,nhưng ở mặt nào đó nó là văn hóa mà con cháu sẽ giữ để mà tiếp tục cuộc chiến giữ gìn cái riêng của mình
Xin hãy yêu thương những thông điệp của âm nhạc,yêu mến những tiếng hát vượt thời gian đặng giữ tình yêu quê nhà tràn trề vô bờ bến ,dạy cho hậu sinh một niềm tin vào tình yêu quê hương bất diệt của mình một cách chắc chắn để tìm ra con đường sáng lạn ,tranh đấu tự do,no ấm cho quê nhà
"Hò ớ hò ơ !
Em và cùng anh xây một nhịp cầu
Để mai đây quân Nam về Thăng Long
Đem thanh bình sưởi ấm muôn lòng!".

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét