khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Ba, 14 tháng 9, 2021

Cầu Vồng Ngày Mưa - Tác giả Phạm Hải Anh


Tú về nhà giữa lúc bà già đang ca cẩm tao là ôsin già ở cái nhà này, vừa nói, vừa lấy giẻ lau di di vệt nước trên sàn đá hoa. Ông già dằn cái cốc xuống bàn, cáu kỉnh:

- Ðể đấy cho tôi. Ðã làm thì đừng than.
Bà già vặc lại:
- Quen thói được hầu, sõng lưng ra rồi. Than mà còn thế, không than thì tôi có sống được ở cái nhà này hay không. Này quần đùi bẩn thì vắt lên dây khăn mặt, dép đi đường tha sền sệt khắp nhà. Ho không thèm che mồm, tiểu thì văng vãi...
Bản rap của bà ngày một mở rộng không giới hạn, tội của ông già từ chỗ làm ướt sàn đã dần chuyển sang thái độ sống không coi ai ra gì suốt mấy chục năm qua.
- Thôi!
Thằng em lừ lừ hiện ra. Cái thằng thế mà khá, chỉ một tiếng đã dẹp yên được chiến sự suýt bùng nổ giữa hai ông bà già. Nó vẫn bảo nghề phụ ở nhà là trưởng ban hòa giải. Hai ông bà già nghỉ hưu, lấy cãi cọ làm vui, xung khắc với nhau mọi điểm, chỉ tâm đầu ý hợp ở khoản tắm trộm. Buồng tắm riêng của hai cụ gần phòng ngủ, tiện nghi đầy đủ nhưng bình nóng lạnh không bao giờ được bật. Tốn điện thế làm gì, trong khi buồng tắm của thằng con hoang toàng bao giờ cũng để sẵn nước nóng, không dùng cũng uổng. Hai cụ đồng lõa canh cho nhau, lũ lượt kéo lên dùng nhờ buồng tắm khi con giai đi vắng. Mỗi ngày như thế, chắc mẩm tiết kiệm được khối. Bây giờ già cả, không làm ra tiền, hai cụ đua nhau chắt bóp. Cụ ông kiên quyết không dùng khăn lông con để sẵn đầy tủ. Cụ chỉ dùng khăn bông Tàu, mua ở hàng rong, loại rẻ nhất, có pha sợi nilon cho bền. Lau mặt xong thì vắt ráo nước, quấn quanh cổ. Cả ngày cụ ông đi lại nghênh ngang với cái khăn bông hoa xanh đỏ vắt vai, đỡ tốn tiền mua khăn phu-la, vừa tiện lau mặt, lau tay, hắt hơi, xì mũi. Bao giờ khăn mòn như xơ mướp thì chuyển sang làm giẻ, còn tốt để lau bàn, rách nữa mới dùng lau sàn. Cái khăn mặt sợi pha nilon nhờ cụ ông mà được cống hiến hết mình cho đời, đỡ đi những năm khoản xa xỉ: khăn lông, khăn quàng, khăn giấy, giẻ lau loại một và loại hai. Cụ bà kém sáng tạo hơn, chỉ tái sử dụng được túi nilon đựng hàng làm bao rác. Khổ nỗi mắt kém, túi đựng hàng vừa bé, lại hay thủng, cụ bà đựng rác vào, túm tó thế nào cũng vẫn rơi vãi, thế là phải lau quét suốt ngày, tối nào về cũng tốn dầu cao con hổ xoa bóp vì lao động quá sức.
- Có ai gọi điện cho con không?
Tú hỏi, làm như tiện miệng.
- Không.
Bà già trả lời, giọng vẫn còn có vẻ phật ý. Thằng em đi vào bếp, một lúc sau chợt quay ra, cáu kỉnh:
- Cái bình xịt này con đã vứt đi rồi cơ mà, sao bây giờ lại nằm đây?
- Tao lắc lắc thấy nó vẫn còn.
Thằng em giơ hai tay lên trời:
- Con đã vứt đi lần này là lần thứ ba, như là nó có chân bò lại từ thùng rác. Cái gì cụ cũng giữ. Nhà này rồi thành kho chứa đồ phế thải. Nhìn đống vỏ chai và khăn mặt rách các cụ chất trong bếp kia kìa.
Không cái gì dễ dàng mất đi trong ngôi nhà này, Tú đã nghiệm ra điều ấy khi ngắm nhìn viên gạch vỡ dưới gốc cây nhãn. Ðen đúa, vô dụng, nó nằm đấy từ bao giờ, không ai biết. Chỉ nhớ lần ấy ông bác Việt kiều về thăm nhà, đứng lẩn thẩn ở gốc nhãn, ngậm ngùi bảo bố Tú:
- Anh nhớ viên gạch vỡ này nằm đây từ trước khi anh đi. Bây giờ về, nó vẫn y nguyên, không xê xích. Thế mà đầu anh em mình thì bạc hết cả. Bốn mươi mấy năm, gần nửa thế kỷ rồi còn gì...
Ông bác đem về tặng cậu em, nguyên học sinh trường Bưởi Hà thành ngày xưa, một hộp bút Parker tuyệt đẹp. Bố Tú hồi trẻ vẫn có thú sưu tầm bút đẹp. Một cái bút tạo dáng lạ mắt, ngòi vàng hoặc bạch kim, nét viết thanh mà sắc, đủ làm bố Tú mê mẩn, sung sướng hằng tháng trời. Ông bác về rồi, bố Tú lấy gói quà ra ngắm nghía, chặc lưỡi tiếc rẻ:
- Cái của này, đắt phải biết. Giá bác ấy cho tao tiền thì sướng hơn...
Cái hộp bút từ đó nằm vùi trong góc tủ, hình như chưa được sử dụng một lần. Chẳng biết từ bao giờ, cả hai ông bà già chỉ thích có tiền. Không tiêu, không gửi ngân hàng mà cất mỗi chỗ một tí, thỉnh thoảng lại kêu mất, vì để nơi này lại đi tìm nơi kia. Sung sướng nhất là khi đám cưới đám giỗ, hai ông bà diện chỉnh tề, tìm tờ tiền mới bỏ phong bì, hãnh diện vì người ta mừng một thì mình mừng gấp rưỡi, như thế là sang, là hơn hẳn thiên hạ... Ðôi khi, ngắm nghía tấm ảnh cưới của bố mẹ, Tú ước rằng giá con người cũng như cái hòn gạch ở gốc nhãn, đừng thay đổi gì. Người thanh niên âu phục trắng, cô thiếu nữ áo dài lụa Hà Ðông, cổ ba ngấn kiềng vàng trong tấm ảnh ngả màu mà còn sắc nét đó không có vẻ gì là mấy chục năm sau sẽ trở thành hai nhà tích trữ khăn bông rách và túi nilon đựng rác như hiện nay cả. Nhưng xét cho cùng, cũng không nên bì tị như vậy. Hòn gạch, bao nhiêu năm chẳng ai đụng tới, không phải đi sơ tán, không phải bạc mặt xếp hàng đong gạo đong mì, đậu phụ, nước mắm, cá biển tem phiếu, trượt giá, bù giá rồi mất giá, nó không suy suyển là phải. Con người ta thì khác. Có điều giá mà Tú có thể giới thiệu với bồ hai nhân vật giông giống bức ảnh ngày xưa, rằng bố mẹ em đấy ạ, cũng thanh lịch, danh giá Hà Nội một thời đấy ạ, như thế có lẽ sẽ ghi điểm hơn trong cuộc tình hiếm hy vọng này. Bồ bịch đã lâu, thế mà mãi chưa nghe người ta ngỏ ý “trăm năm tính cuộc vuông tròn”, Tú đành phải tuyên bố chia tay, đi tuốt về nhà bố mẹ, vừa khóc mùi mẫm, vừa âm ỉ chờ, biết đâu, giống như trong phim trong tiểu thuyết, bất chợt chàng bay qua ngàn dặm, đứng sừng sững trước mặt, nghẹn ngào thú nhận anh-không-sống-thiếu-em-được. Chuẩn bị cho cái phút ấy, Tú nhiều lần đã định tề gia, xông pha dẹp đống đồng nát của ông bà già, nhưng hai cụ chống cự khiếp quá mà chàng thì vẫn bặt tăm hơi, cuộc đổi mới xem ra chẳng tích sự gì.
Tú bước vào quán cháo lòng. Cái sàn chắc chưa bao giờ được cọ, mỡ dính gót giày. Gầm bàn ngổn ngang khăn giấy vo viên, vỏ chanh, bát đũa bẩn, phải quơ chân một vòng để dọn chỗ. Nếu không nhìn quanh thì cháo lòng ở đây vẫn ngon miệng. Ðĩa lòng bốc khói, cổ hũ, lòng non xe điếu, tràng, miếng nào ra miếng nấy, trắng nõn xen kẽ tim, gan hấp vừa chín tới nâu hồng. Diệp thành thạo vắt chanh vào bát mắm tôm, Trang gọi thêm hành sống và chai bia lạnh. Ba người đàn bà ăn mặc nhã nhặn, ngồi cạnh đĩa lòng trong một quán toàn đàn ông. Trang gắp miếng dồi, ngắm nghía chép miệng:
- Lắm lúc tao cứ ước lòng mình cũng phân minh, tim gan phèo phổi đâu ra đấy, nhưng mà sắp xếp mãi nó cứ lộn tùng phèo. Có đêm tao mơ thấy mình là một khúc dồi vĩ đại, mỗi anh gặm nham nhở một đầu.
Diệp thở dài:
- Còn tao thì lâu lắm chẳng mơ thấy gì cả. Ngủ cứ xám xìn xịt. Có lúc nghe tiếng ngáy sặc lên, choàng dậy, chẳng biết chồng ngáy hay là mình ngáy.
Trang khúc khích:
- Thế vẫn chưa tệ. Mày nhớ bà Vân phòng kế hoạch không? Hôm nọ tao lên, bắt gặp bà ấy ngồi sau bàn giấy, ngáy vang phòng, mà vẫn mở mắt hẳn hoi nhé. Bà ấy chỉ ngừng ngáy để ngáp, rồi hỏi tao ở đâu đến, rồi bắt mình xin giấy giới thiệu, chạy đủ các phòng ban từ dưới lên trên.
Bà Vân thì Tú nhớ vì chuyện tình lãng mạn với ông Hân phòng Thông tin. Thu Vân và Văn Hân yêu nhau tao nhã qua thơ cho đến khi chồng Thu Vân ghen, đấm Văn Hân văng bốn răng cửa, phải chuyển chỗ làm. Giá thi sĩ chứng kiến cảnh mây thu ngáy như sấm động sớm hơn thì có lẽ đỡ được mười mấy năm đeo răng giả. Nhưng mà có đám mây nào bồng bềnh mãi được ở căn phòng bê-tông xám xịt bấy nhiêu năm chưa từng quét vôi lại một lần, kẽo kẹt tiếng mọt nghiến gỗ và nước chè nguội đóng váng trong lòng chén.
Trang nói như than:
- Chẳng cứ bà ấy, ai ngồi vào cái ghế đấy cũng phải ngáp tuốt... À, hôm nọ bồ cũ đến cơ quan tìm tao.
- Bồ nào? Mày thì cả tá bồ.
- Tay viện Toán ấy. Tao mời hắn một chén nước chè. Hai đứa ngồi nhìn nhau qua cái mặt bàn gỗ tạp, chán như rá cơm khô để nguội, hạt rời long lóc, kiến chẳng buồn bu. Thế mà hồi trước, tao làm bao nhiêu thơ tình tặng hắn. Không có anh em sẽ là cơn bão đen tàn ác, phá phách mọi tượng đài trên lối mình đi...
- Mày phá rồi đấy thôi - Diệp cười - Cái hôm từ nhà anh ta về, mày tu đến cả chai rượu, làm loạn ký túc xá.
- Ừ. Hồi đó tao chửi hắn là đồ công chức tàn mạt. Xúc phạm nhau đến thế là cắt đứt. Bao nhiêu năm qua, hóa ra bây giờ mình cũng vậy. Tao định bụng hôm nào gặp lại, xin lỗi rằng quả báo nhãn tiền, tao cũng nhàm chán y như thế. Nhưng mà bây giờ hắn buôn khiếp lắm. Máy di động tít tít suốt buổi, mở miệng ra là nói đến tiền. May mà đã bỏ nhau...
Máy nhắn tin của Trang bíp bíp. Diệp nháy:
- Anh chữa cháy gọi đấy.
Trang mở máy xem, mặt chợt tươi, vơ túi xách, đứng lên:
- Chàng gọi thật. Thôi tao đi đây.
Mấy người đàn ông trong quán quay cả lại nhìn Trang bước ra. Bao nhiêu năm, Trang không còn cái dáng băm bổ, ngực rung bần bật như dừa sắp rụng nữa. Dáng Trang mỏng đi trong chiếc áo đũi trắng kín đáo nhưng gương mặt thường ngày te tẻ giờ bừng lên một thứ ánh sáng khác lạ. Trang bước qua những khăn giấy bẩn thỉu ngổn ngang mặt đất, nhẹ lâng như thể bay trên đám bông gòn. Tú ngạc nhiên:
- Thời buổi này mà nó vẫn mê giai được như thế à?
Diệp gật đầu:
- Lúc nào nó cũng phải mê ai đó. Mà lạ, bao giờ nó cũng tìm được người yêu nó thật. Chứ không khô dầu như mình.
Nhìn cái dáng Trang hối hả đến chỗ hẹn, Tú biết rằng Trang cứ sẽ như thế. Con chim mái vút theo tiếng chim trống, chẳng sợ gì thương tổn. Tú nhớ một lần theo Trang về thăm quê, mưa suốt mấy hôm, cây cỏ sũng sĩnh nước. Nhìn ra vườn, chỉ thấy hoa lựu từng đốm cháy trong mưa. Sau này, nghĩ đến Trang, Tú hay nhớ lại những bông lựu rạo rực trong ngày mưa bão ấy, cánh giập nẫu mà không nguôi đỏ. Trang yêu nhiều, lần nào cũng bắt đầu như điện giật, ngất ngất ngây ngây, sau cùng nhìn lại, ngạc nhiên sao lại có thể như thế. Nhưng mà hình như đấy là cách để Trang giữ mình khỏi ngủ mở mắt trong đời. Chứ không thì buồn tẻ lắm. Những quần áo mầu nhã Trang hay mặc, cái chức việc chẳng sang chẳng hèn Trang làm, tất tật y chang đời một công chức trung lưu thành phố. Trang kể có lần mơ thấy bị chôn sống trong bụi. Bụi tràn ra từ những tủ hồ sơ lưu cữu, làm thành một cơn lốc xám hoành hành trên toàn thành phố. Bụi bất tận đổ oằn các mái nhà, bàn ghế ken két sụm xuống, bụi đóng nghẹt tất cả các khe hở, lỗ thông hơi, các giác quan, và Trang thấy chính mình là một hình nhân xám chết cứng bên cái tủ rỗng tuếch, tròng mắt đầy bụi, ngực như hai cái túi da nhăn nheo, chảy xệ xuống buồn thảm. Choàng tỉnh khỏi cơn ác mộng, Trang ôm ghì lấy chồng mình. Đã lâu lắm bỗng dưng hai vợ chồng quấn vào nhau long trời lở đất. Chính trong đêm ấy, Trang có bầu đứa thứ ba, suýt bị đuổi việc vì làm cơ quan mất điểm thi đua. Thủ trưởng đơn vị gọi bà mẹ ham vui lên, giáo huấn một bài, đơn vị tiên tiến lại có cán bộ sinh con thứ ba thì còn ra thể thống gì. Trang không cãi, không xin, chỉ nói:
- Chồng em lạc hậu, không cho phá mà em không dám đi một mình. Nếu thủ trưởng dứt khoát phải như thế thì em nhờ thủ trưởng đưa em vào bệnh viện phụ sản.
Vợ thủ trưởng là sư tử Hà Ðông, nếu phát hiện ra chồng đưa gái đi nạo thai thì mười cờ tiên tiến đem về bà cũng xé te tua. Vụ ấy sau cùng thủ trưởng cho qua. Thằng bé giờ đã lên năm. Được hoài thai trong cơn ác mộng bụi bặm nhưng mắt nó trong vắt. Tú nhìn vào đấy, thấy mình bé xíu lại.
Mưa thoắt đến. Rào rào rơi trong nắng. Hai ông bà già ngừng cãi cọ, nhìn ra sân. Trên mái bê-tông xin xỉn rêu, những cọc ăng-ten vô tuyến đâm lởm chởm vào bầu trời chợt tối lại. Một dải cầu vồng uy nghi vắt trên nền mây xám bạc. Xa xôi. Cao vút. Tú chợt nhớ là hôm nay lúc về nhà, mình vẫn hỏi xem có ai điện thoại không. Nhưng mà hình như cũng không cần phải biết nữa. Nhắm mắt lại, Tú hình dung gương mặt người đàn ông đã gần gụi mình suốt ba năm, các đường nét ấy đang nhòa dần như tranh bột mầu phải mưa. Kỳ lạ thế, có những thứ ôm giữ trong lòng suốt bao năm, đến một ngày bỗng dưng rời rã, tan biến, để lại một nỗi trống rỗng nhẹ nhõm mà buồn tênh.
Chuông cửa reo. Mẹ Tú lập cập đội nón ra mở cửa. Không phải cô thu tiền điện mà là Trang gửi thằng cu Bụi đến nhờ Tú trông hộ một lúc. Bụi mân mê nghịch tóc Tú, hỏi sao tóc cô dài thế, dài như một cơn mưa ấy. Khi nào lớn lên, cháu sẽ lấy cô. Cuối cùng thì mình cũng được cầu hôn, Tú nghĩ, mỉm cười. Bụi nghiêm túc lên kế hoạch, cưới xong rồi thì cô về nhà cháu. Cháu sẽ ngủ với mẹ, còn cô ngủ ở ghế băng dài. Nhưng mà cô phải hứa là đẻ cho cháu một em bé, giống y như cháu, cũng đặt tên là Bụi, cũng con trai, mà phải bốn tuổi ngay lập tức cơ. Cháu thích như thế, vì cháu có thể chơi đá bóng với em. Tú hỏi Bụi có yêu cô không. Bụi gật đầu, chìa ngón tay trỏ bé xíu. Hai cô cháu nghiêm trang ngoéo tay. Tú ôm chú rể tí hon rất chặt, dụi mặt vào mái tóc tơ thơm tho, lòng bỗng ấm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét