khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Hai, 19 tháng 7, 2021

Nhạc Đọng Trong Lời - Tác giả Quỳnh Giao


Một buổi chiều Hè, khi đưa vợ chồng người bạn Việt Nam từ Pháp qua chơi lên Đồi Cam Orange Hill nhìn mặt trời lặn, chúng tôi đã nghe Jacques Brel trong xe của mình. Bài “Jaurès” của Jacques Brel gợi nhớ tới... Thanh Tâm Tuyền.

Ông Jean Jaures là một chính khách Pháp có nhiều công lao với giới lao động và nền giáo dục Pháp nhưng lại bị ám sát vào năm 1914. Trong bài ca, Jacques Brel nhiều lần nêu câu hỏi “Vì sao chúng giết Jaurès?” khiến mình nhớ tới một bài thơ của Thanh Tâm Tuyền. Nhà thơ của chúng ta không nêu câu hỏi mà giải thích vì sao chúng đã giết Tạ Thu Thâu hay Phan Văn Hùm... Bài thơ này không được phổ thành nhạc như nhiều tác phẩm tuyệt vời khác của Thanh Tâm Tuyền, cho nên giờ này nhiều người không còn nhớ hết lời. Âu cũng là một điều đáng tiếc.
Chính là vào lúc ấy, vợ chồng người bạn mới cho biết rằng lời từ trong các ca khúc của Jacques Brel có được đưa vào môn văn chương các lớp trung học tại Pháp. Nhận xét ấy khiến chúng ta ngậm ngùi...
Jacques Brel là một danh ca, một nhà soạn nhạc, làm phim và diễn viên nổi tiếng của Pháp dù ông sinh tại Bỉ, trong cộng đồng những người Flamands (Flemish) gần với Hòa Lan hơn là cộng đồng dân Wallons gần với Pháp. Ông là người Bỉ đã làm rạng danh cho nghệ thuật Pháp với các ca khúc có lời từ đẹp như thơ. Việc dân Pháp đưa lời ca của ông vào học đường là một điều may cho nước Pháp, nhờ đấy mà trẻ em sẽ biết thưởng thức cái đẹp để gìn giữ cái đẹp. Biết đâu là sau này cũng sẽ nhờ vậy mà viết lời nhạc như thơ...
Sau Maurice Chevalier và Édith Piaf, Brel cũng là nghệ sĩ Pháp nổi tiếng nhất tại Hoa Kỳ với nhiều vở ca vũ nhạc được trình diễn liên tục trên sân khấu Broadway. Trong nhiều ca khúc thật đẹp của Jacques Brel, “Ne me quitte pas” là bài nổi tiếng nhất, được dịch qua Anh ngữ thành “If you go away” với phần trình bày của nhiều danh ca Hoa Kỳ như Frank Sinatra, Tom Jones, Neil Diamond hay Cindy Lauper, nhiều lắm.
“Ne me quitte pas” là bản tình ca của người đàn ông tuyệt vọng đến đớn hèn vì van xin tình yêu... mà không được! Chàng có thể gào lên rằng xin nguyện làm cái bóng của bóng em, cái bóng của con chó của em, và khẩn nài nhiều điều bi thiết khác. Nhưng nàng vẫn bỏ đi. Lời ca là một bài thơ buồn, nhưng buồn nhất là bị mất tăm trong bản dịch sang Anh ngữ.
Một thí dụ là chàng nguyện “dâng lên người tình chuỗi hạt mưa từ một xứ không có mưa”. Lời ca óng chuốt ấy lại bị đổi thành lời hứa hẹn hơi ngây dại:
But if you stay,
I'll make you a day
Like no day has been
Or will be again.
Khi nhớ lại cả hai lời ca, chúng ta bỗng tiếc cho thính giả bản Anh ngữ là không thấm được nội dung rất đẹp của nguyên bản bài thơ. Càng nghĩ vậy càng thấy việc đưa lời ca của Jacques Brel vào học đường là điều chí lý.
Lúc ấy, mình lại nhớ tới lời từ của các ca khúc bất hủ của chúng ta.
Nhiều người nói rằng nếu ba bài Hòn Vọng Phu của Lê Thương được đưa vào trường, các học sinh sẽ thích đọc và học Chinh Phụ Ngâm Khúc hơn. Biết đâu là sẽ không đập phá một hòn vọng phu thật tại miền Trung để lấy đá vôi, rồi dựng lên hòn vọng phu giả để an ủi du khách!
Qua liên khúc bất hủ này, nhạc sĩ Lê Thương tài hoa của chúng ta đã lấy cảm hứng từ Chinh Phụ Ngâm khi dựng lại một số hình ảnh hào hùng bằng nhạc và bằng lời từ. Chính là nhạc sẽ khiến lời ca thấm đậm sâu hơn trong tâm khảm người nghe. Khi còn bé mà đã được thầy cô trong trường dạy về ý nghĩa của câu:
“Qua Thiên San kìa ai tiễn rượu vừa tàn
Vui ca xang rồi đi tiến binh ngoài ngàn”
thì mình sẽ không thấy Chinh Phụ Ngâm Khúc là một tác phẩm cổ xưa khó hiểu mà lũ nhóc phải miễn cưỡng học.
Cũng qua lời ca “tiến binh ngoài ngàn”, hoặc một đoạn ai oán trong bài số hai:
“Chín con long thật lớn,
Muốn đem tin tới chàng
Núi ngăn không được xuống
Chúng kêu ca dưới ngàn...”
các học sinh sẽ hiểu thêm một ý khác của chữ “ngàn”. Ngàn không phải là 10 lần một trăm phát âm theo giọng Nam mà là một khu vực bát ngát, hay một cánh rừng. Nếu được thầy cô dạy như vậy, các em nhỏ của chúng ta sẽ hiểu đúng lời ca của Việt Lang trong bài Tình Quê Hương:
“Ngàn dâu xanh ngắt
Mấy nếp tranh xa mờ
Tiếng sáo bay dập dìu
Ðường về thôn xưa...”
“Ngàn dâu” đây là một rừng dâu. Hình ảnh rừng dâu bát ngát màu xanh với mấy nếp tranh xa mờ là một bức tranh thật đẹp về quê hương thanh bình. Lại còn có tiếng sáo diều văng vẳng trên trời chiều... Lời và nhạc khiến mình càng nhớ quê hương.
Nhân đây, xin mở một ngoặc đơn để ghi thêm vài lời tri ân trong tâm khảm. Người viết mới nhận được một email có kèm theo bài Tình Quê Hương do Quỳnh Giao trình bày, với lời nhắn của nhiều người bên Pháp gửi cho nhau, xin được ghi lại nguyên văn:
“Nhân dịp Việt Lang vừa qua đời tại Việt Nam, hưởng thọ 82 tuổi, tôi xin gửi đến các bạn một bài hát. Xin mời các bạn nghe, hay nghe lại, như để tiễn đưa một người nghệ sỹ tài ba nhưng đã không sống trong một môi trường thích hợp để có thể sáng tác thêm. Việt Lang đã phải chối bỏ những tác phẩm của mình và thay đổi cả tên và họ của mình, làm nghề khác để sống thoải mái hơn... chút đỉnh”
Quỳnh Giao xin gửi lời nhắn này tới những ai yêu nhạc Việt Lang. Ông sinh năm 1926 trong một gia đình Công Giáo tại Thái Bình, nổi tiếng nhất với “Tình Quê Hương” ông sáng tác vào tuổi đôi mươi và bài “Ðoàn Quân Ði”, cũng viết trong thời kháng Pháp, vào năm 1948. Tên thật của ông là Lê Quý Hiệp, sau này dùng bút hiệu là Lê Huy. Việt Lang mất ngày 31 Tháng Bảy vừa qua, và quả thật là không xưng danh nhạc sĩ, cũng chẳng có tên trong Hội Nhạc Sĩ Việt Nam của Hà Nội, mà sống như một nhà giáo, một người làm văn hóa.
Khi nghe lại “ngàn dâu xanh ngắt” của Việt Lang, hay “chín con long đã kêu ca dưới ngàn” của Lê Thương, các học sinh được lời từ và giai điệu mở ra nhiều chân trời khác. Từ “chín con long” của Lê Thương mới nhớ đến sông Cửu Long, nhiều địa danh hào hùng của đất nước, như “Thành Cổ Loa, đền Vạn Kiếp, bao tháng năm dấu chưa xóa mòn”...
Nếu nhớ lại thì cũng thể không quên được hai chữ “ngàn” và “nghìn” trong “Mấy Dặm Sơn Khê” của Nguyễn Văn Ðông:

“Anh đến thăm, áo anh mùi thuốc súng
Ngoài mưa khuya lê thê, qua ngàn chốn sơn khê.
Non nước ơi, hồn thiêng của núi sông
Kết trong lòng thế hệ, nghìn sau nối nghìn xưa.”
Ngàn là không gian bát ngát, nghìn là thời gian miên viễn, cả hai được nối kết bằng lời từ, và tồn tại trong chúng ta bằng giai điệu nhạc. Bao giờ các tác phẩm âm nhạc có giá trị sẽ vào học đường cho nghìn sau vẫn nối được nghìn xưa?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét