khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Tư, 21 tháng 7, 2021

Nhớ về thầy Tôn Thất Trình - Tac' giả Trần Trung Chính

 

Tuy danh tự THẦY và GIÁO SƯ không khác nhau mấy về ngữ nghĩa, nhưng tôi thích dùng danh tự THẦY trong bài viết này vì danh tự THẦY nghiêng về chức năng dạy học trò, trong khi danh tự GIÁO SƯ nghiêng về nghiệp vụ và ngạch trật hành chánh, thí dụ người ta phân biệt “giáo sư trung học” và “giáo sư đại học”.
Tôi theo học năm thứ nhất Trường Cao Đẳng Nông Lâm Súc Sài Gòn vào niên khóa 1968-1969. Các môn học của năm thứ nhất là các môn khoa học căn bản như Động Vật Học, Thực Vật Học, Vật Lý , Hóa Học, Giải Tích và Đại Số, Kinh Tế Đại Cương…Thầy TÔN THẤT TRÌNH dạy môn Nông Học Đại Cương cho năm thứ hai và dạy môn Kỹ Thuật Trồng Lúa cho năm thứ ba.
Niên khóa 1969- 1970, danh xưng Trường Cao Đẳng Nông Lâm Súc biến mất, danh xưng mới là TRUNG TÂM QUỐC GIA NÔNG NGHIỆP với 3 Trường Cao Đẳng Thủy Lâm, Trường Cao Đẳng Canh Nông, Trường Cao Đẳng Thú Y và Chăn Nuôi.
Từ 1959 đến năm 1969, tuy mang danh xưng Trường Cao Đẳng Nông Lâm Súc nhưng 3 Ban Lâm, Ban Nông và Ban Súc Khoa vẫn học riêng và thi riêng. Khi bầu bán Ban Đại Diện Tổng Hội Sinh Viên Sài Gòn, Trường Cao Đẳng Nông Lâm Súc vẫn chỉ có 01 phiếu. Sau khi trở thành Trung Tâm Quốc Gia Nông Nghiệp với 3 Trường Cao Đẳng thì Trung Tâm Quốc Gia Nông Nghiệp có được 3 phiếu bầu cho tổ chức Tổng Hội Sinh Viên Sài Gòn..
Tôi còn nhớ vào năm 1969, có 17 phiếu bầu của các Ban Đại Diện các phân khoa và các Trường Cao Đẳng tại Sài Gòn được phân bổ như sau : Viện Đại Học Sài Gòn có 8 phiếu bầu của 8 phân khoa Y, Nha, Dược, Kiến Trúc, Khoa Học, Sư Phạm, Văn Khoa và Luật Khoa, Trung Tâm Quốc Gia Kỹ Thuật Phú Thọ có 4 phiếu của 4 Trường Cao Đẳng Điện Học, Trường Kỹ Sư Công Nghệ, Trường Cao Đẳng Công Chánh, Trường Cao Đẳng Hóa Học; Trung Tâm Quốc Gia Nông Nghiệp có 3 phiếu của 3 Trường Cao Đẳng Thủy Lâm, Canh Nông và Thú Y- Chăn Nuôi; Học Viện Quốc Gia Hành Chánh có 01 phiếu và phiếu thứ 17 thuộc về Trường Cao Đẳng Mỹ Thuật (Ghi chú : những trường Cao Đẳng hệ 2 năm không có quyền đi bầu trong tổ chức Tổng Hội Sinh Viên Sài Gòn, thí dụ như Trường Cao Đẳng Thương Mại, Trường Cao Đẳng Sư Phạm Kỹ Thuật hay Trường Cao Đẳng Sư Phạm Nông Lâm Súc…)
Môn NÔNG HỌC ĐẠI CƯƠNG và môn KỸ THUẬT TRỒNG LÚA rất quan trọng vì chiếm hệ số 5 cho nên tôi đặc biệt “luyện thi ráo riết”. Tôi lấy những “đề thi” của thầy TÔN THẤT TRÌNH từ khóa 7 (qua anh Lý Tửng), của khóa 8 (từ anh Nguyễn Văn Đô), từ khóa 9 qua 2 anh bạn Nguyễn Văn Thu và Nguyễn Dức Chí. So sánh và đối chiếu, tôi nhận ra có khoảng 10 câu, năm nào thầy TÔN THẤT TRÌNH cũng ra đề thi; đó là những câu hỏi thuộc về phần căn bản thiết yếu của bộ môn. Tôi soạn sẵn phần trả lời và chỉ tốn thì giờ để học “tủ” 10 câu hỏi này thôi.
Thời sinh viên năm thứ hai và năm thứ ba, tôi không có đi dạy ở trường tư, nhưng có tham gia vào nhóm quay roneo cho các sinh viên trường Luật và trường Y khoa, cho nên cũng thường hay vắng mặt. Trước ngày thi khoảng một tháng, tôi mượn cours ghi chép của 3 cô bạn đồng lớp là NGÔ CẨM TÚ, CHUNG THỊ KIM LIÊN và NGÔ BẠCH YẾN (3 sinh viên này lúc nào cũng hiện diện, không có chuyện coupe cours đi xem cinema như tôi). Riêng cours ghi tay của NGÔ BẠCH YẾN thì ưu việt hơn cả vì nếu đang giảng bài mà thầy TÔN THẤT TRÌNH bị ho thì Ngô Bạch Yến (có lẽ) ghi vào “thầy ho”). Cả 3 nếu ghi chép có nhấn mạnh giống nhau thì chắc chắn là thầy TÔN THẤT TRÌNH sẽ cho ra thi những chủ điểm mà thầy đã nhấn mạnh khi giảng dạy trên giảng đường.
Chị Trần Kiều Nga đi du học New Zealand theo chương trình Colombo (chương trình giúp đỡ sinh viên các nước kém phát triển do KHỐI THỊNH VƯỢNG CHUNG của Liên Hiệp Anh tài trợ); chồng chị Nga là anh Toại (cũng là du học sinh chương trình Colombo) tốt nghiệp Kỹ Sư Điện về nước thì chị cũng về theo, nên Ban Giám Đốc TTQGNN Sài Gònxếp chị vào học năm thứ hai của khóa 10. Chị rất siêng năng và học giỏi nên đứng hạng nhất trong năm thứ nhì và năm thứ ba. Nhưng chị hết sức ngạc nhiên vì điểm thi của tôi của môn NÔNG HỌC ĐẠI CƯƠNG và KỸ THUẬT TRỒNG LÚA thua chị không tới 01 điểm, điển hình là KỸ THUẬT TRỒNG LÚA chị được 18 điểm ½ và tôi được 17 điểm ¾.
Tất cả mọi người đều biết là cách ra đề thi của thầy TÔN THẤT TRÌNH thì không có chuyện quay film hay copy ai được. Chị NGA nói với tôi là chị học quyển KỸ THUẬT TRỒNG LÚA 57 lần, nhưng tôi không nói cho chị biết cách học của tôi. Và chủ ý của tôi là chỉ cần đạt điểm lớn vào 2 môn có hệ số lớn, chứ còn những môn khác chỉ đạt trên mức tối thiếu một chút thôi. Do vậy, điểm trung bình toàn niên tôi thua chị Trần Kiều Nga xa( thực ra tôi chỉ cần đủ điểm để lên lớp để được hoãn dịch thôi)
Các chính trị gia và các nhà báo thường hay đặt vấn đề là tại sao VNCH là một quốc gia nông nghiệp mà luôn luôn phải nhập cảng phân bón urea chứ không lập nhà máy chế tạo phân bón urea ???. Thầy TÔN THẤT TRÌNH cả cười cho sinh viên chúng tôi hay rằng nhà máy chế tạo phân bón urea cũng là nhà máy chế ra chất NITROGEN (tức là có thể chuyển qua chế tạo chất TNT của thuốc nổ) cho nên không một nhà đầu tư nào dại dột bỏ ra cả trăm triệu dollars để lập ra một nhà máy như vậy vào một xứ xảy ra chiến tranh triền miên và đầy rẫy những khủng bố phá hoại của VC như xứ VNCH của chúng ta !!!
Ghi chú của người viết : vào năm 1993, khi Mc Veight cho nổ hàng trăm kilogram bom tự chế từ urea đã phá sập federal building tại Oklahoma City tôi mới sực nhớ lời của thầy Tôn Thất Trình, Và FBI cũng chỉ cho phép điều này xảy ra chỉ có 01 lần duy nhất mà thôi : những lần sau, ai đó download cách chế tạo TNT bằng phân bón urea trên internet thì FBI sẽ theo dõi, sau đó nếu lại đi mua urea hàng trăm kilogram (mà lại không có làm chủ nông trại) thì sẽ bị cảnh sát tóm cổ ngay bãi đậu xe của Home Depot chớ cảnh sát không đợi hung thủ chở urea về tới nhà của y !!
Trong quyển sách KỸ THUẬT TRỒNG LÚA, thầy TÔN THẤT TRÌNH chỉ giảng phớt qua có 2 lần, đó là nếu nhiệt độ khí quyển thấp hơn 18 độ C thì hạt giống lúa ngưng tăng trưởng. Thầy Trình nói thêm là lãnh thổ VNCH từ Đà Nẵng vào Nam ít khi nào dưới 18 đô C nên ít ai chú ý điểm này.
Tôi bị giam tại Trại Cải Tạo Bình Điền –Huế từ 1978 đến 1984 về tội vượt biên, Thượng Úy Nguyễn văn Nghị (phụ trách kế hoạch sản xuất nông nghiệp của Trại) nhờ tôi cho ý kiến về việc gieo trồng lúa theo chỉ thị của Đảng Ủy Tỉnh Thừa Thiên. Lúc đó nhiệt độ chỉ có 12 độ C nên tôi nói tuyệt đối không gieo trồng gì hết cho đến khi nào nhiệt độ tăng quá 18 độ C. Sợ bị khiển trách vì bất tuân thượng lệnh, Thượng Úy Nghị hỏi tôi làm cách nào né tránh, tôi nói khi về họp tại Huế, ai ra lệnh gieo trồng thì phải ký vào văn bản ông mới tuân lệnh vì trời lạnh mà gieo lúa giống thì khi lúa giống bị chết thì căn cứ vào văn bản kẻ đó phải bồi thường thiệt hại. Kết quả : cấp trên của Thượng Úy Nghị không ai dám ký lệnh.
Trong quyển NÔNG HỌC ĐẠI CƯƠNG, thầy Trình cũng viết về các phân bón hóa học cung cấp Nitrogen cho cây cỏ, đó là urea với hàm lượng 60% nitrogen và Nitrate Sulfure với hàm lượng chỉ có 24% chất nitrogen. Nitrate Sulfure dùng cho việc trồng rau hoa vì sulfure làm tăng phẩm chất của rau hoa, cho nên ở chợ Cầu Muối các rau trái từ Dalat chở về Sài Gòn bị hư thối, đống rác rau hoa có mùi hôi do acid sulfhydric (không phải acid sulfuric). Nitrate Sulfure cũng cần cho thuốc lá vì phân bón nitrogen cần cho các loại cây ăn lá, nhưng thuốc lá mà không có sulfure thì hút không cháy.
Thầy TÔN THẤT TRÌNH đùa là nếu cây thuốc lá chỉ bón urea không thôi thì thuốc lá đó sẽ trở thành “thuốc ngon không nói”. Thầy giải thích luôn là hút thuốc này phải hút liên tục, ngưng hút để nói chuyện, điếu thuốc sẽ bị tắt. Thượng Úy Nghị đưa văn bản hỏi tôi là về Huế đi nhận lãnh phân đạm nhưng họ nói là lãnh urea và phân muối diêm ông không biết là phải đi nhận lãnh loại nào (vì một số lớn dân chúng cũng gọi phân urea là phân muối diêm). Nhớ bài học của thầy Trình, tôi nói Thượng Úy Nghị đi lãnh urea cho việc trồng lúa, còn phân muối diêm để trồng thuốc lá cho 5 phân trại (mổi phân trại phải trồng 01 hectare cây thuốc lá)
Sau khi hoàn tất năm thứ ba, tất cả các sinh phải chọn Ban, đó là Ban Nông Học, Ban Thủy Nông và Nông Cơ, Ban Ngư Nghiệp, Ban Kỹ Nghệ Biến Chế Nông Sản và Ban Kinh Tế. Khóa 10 của chúng tôi có 8 nữ sinh viên thì 6 cô chọn Ban Nông Học của Thầy TÔN THẤT TRÌNH, 01 cô chọn Ban Ngư Nghiệp và 01 cô chọn Ban Biến Chế Nông Sản. Những khóa 1, khóa 2, khoá 3, khoá 4, khóa 5 không có những ban chuyên môn như tôi vừa nêu. Khi Thầy TÔN THẤT TRÌNH làm Giám Đốc Trường Cao Đẳng Nông Lâm Súc vào khoảng năm 1965, chính Thầy mới đề xướng ra 5 ban chuyên môn như tôi vừa nêu.
Riêng 2 ban Nông Học và Ban Biến Chế Nông Sản vào năm thứ tư lại có nhiều môn học chung như là KỸ THUẬT TRỒNG MÍA, KỸ THUẬT TRỒNG BÔNG VẢI, KỸ THUẬT TRỒNG THUỐC LÁ,KỸ THUẬT TRỒNG DỪA, KỸ THUẬT TRỒNG ĐẬU PHỘNG...Ban Kỹ Nghệ Biến Chế Nông Sản thì phải học những môn như KỸ THUẬT NẤU ĐƯỜNG, KỸ THUẬT ÉP HẠT BÔNG VẢI (dầu của hạt Bông Vải để chế ra bơ thực vật và margarine), KỸ THUẬT ÉP DẦU ĐẬU NÀNH VÀ ÉP DẦU ĐẬU PHỌNG,riêng dầu dừa thì để cung ứng cho kỹ nghệ làm xà bông. Thầy TÔN THẤT TRÌNH làm Tổng Trưởng trong chính phủ của Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ, sau khi thôi không làm Tổng Trưởng, thầy về làm Tổng Giám Đốc Nhà Máy Đường Quảng Ngãi. Và thầy định nghĩa thế nào là SUCRERIE và RAFFINERIE như sau :
1/ Sucrerie là loại nhà máy ép cây mía, lóng lọc,chưng cất rồi ly tâm và kết tinh thành hạt (crystalisation và granulation). Thầy nhấn mạnh có khoảng hơn 150 loại đường nhưng chỉ có duy nhất SACCHAROSE mới kết tinh thành hạt được mà thôi. SACCHAROSE cũng chỉ có trong 2 loại cây, đó là MÍA và CỦ CẢI ĐƯỜNG. Nhà máy SUCRERIE (Tiếng Việt dịch là NHÀ MÁY ĐƯỜNG) đạt tối đa 96% đường tinh chất, lọai đường do nhà máy SUCRERIE sản xuất được bán để dân chúng dùng trực tiếp hay dùng trong kỹ nghệ làm bánh kẹo. Nhưng kỹ nghệ dược phẩm, kỹ nghệ sữa và kỹ nghệ thức uống không chấp nhận loại đường do nhà máy SUCRERIE sản xuất, vì vậy đường từ nhà máy SUCRERIE lại phải đưa qua nhà máy RAFFINERIE tinh lọc lại.
2/ RAFFINERIE (tiếng Việt dịch là NHÀ MÁY LỌC ĐƯỜNG), Công Ty Đường Việt Nam có nhà máy RAFFINERIE ở Khánh Hội, chỗ đó sau này quá nhỏ hẹp nên sau này chỉ dùng làm văn phòng, còn RAFFINERIE xây dựng hoàn toàn mới trong Khu Kỹ Nghệ Biên Hòa, do hãng thầu SUMIMOTO của Nhật thực hiện, trị giá khoảng 150 triệu dollars thời 1971)
Mùa hè đỏ lửa bắt đầu từ tháng 3 năm 1972 với các trận đánh lớn tại Quảng Trị, An Lộc, Kontum,chính phủ VNCH buộc phải ban hành LUẬT TỔNG ĐỘNG VIÊN để có nhân lực cung ứng cho các chiến trường. Tất cả nam sinh viên của khóa 10 sinh năm 1948 đều phải nhập ngũ vào tháng 5/1972 dù một số lớn chưa trình Luận Trình(Memoire) Trung Tâm QGNN yêu cầu quý vị giáo sư cho sinh viên thi cuối khóa để các trường Cao Đẳng có thế cấp CHỨNG CHỈ TẠM cho tất cả các sinh ĐÃ HOÀN TẤT HỌC TRÌNH.
Tôi gặp thầy TÔN THẤT TRÌNH ở hành lang trước văn phòng Trường Cao Đẳng Canh Nông vào tháng 7 /1972, thầy hỏi thăm về các nam sinh viên khóa 10, tôi nói các bạn từ 1948 về trước thì đã nhập ngũ rồi, đa số đang thụ huấn tại các quân trường Đồng Đế - Nha Trang, còn các sinh viên sinh năm 1949 và 1950 sẽ nhập ngũ vào đầu tháng 9/1972 dưới dạng sinh viên tốt nghiệp. Một số ít các bạn khác xin ghi danh ban Cao Học bên Đại Học Khoa Học (cô Mai Trần Ngọc Tiếng bảo trợ) để được tiếp tục hoãn dịch, một số khác đóng tiền để ghi danh tại Ban Cao Học Chính Trị Kinh Doanh trên lầu Thương Xá Tax cũng để được tiếp tục hoãn dịch. Thầy TÔN THẤT TRÌNH cho tôi hay thầy sinh năm 1929 nên thoát khỏi lứa tuổi mà LUẬT TỔNG ĐỘNG VIÊN quy định.
Tôi cũng báo tin mừng cho thầy hay là Bác Sĩ NGUYỄN THÀNH HẢI – Giám Đốc Trung Tâm QGNN đồng ý cho các Giám Đốc các Trường Cao Đẳng cấp giấy CHỨNG CHỈ TẠM cho tất cả các sinh viên đã hoàn tất học trình và Bác Sĩ TRẦN QUANG MINH đương kim Tổng Giám Đốc Tổng Nha Nông Nghiệp đã thu dụng cấp tốc để có thẻ công vụ trước ngày nhập ngũ hầu sau này xin được biệt phái (Sau này Bác Sĩ TRẦN QUANG MINH còn đi xa hơn chuyện chúng tôi mong đợi, thay vì học xong khóa sĩ quan rồi mới xin biệt phái, Bộ Canh Nông đã can thiệp với Thủ Tướng Trần Thiện Khiêm cho chúng tôi xuất ngũ về Bộ Canh Nông làm việc vì được hoãn dịch vì lý do công vụ)
Trong buổi nói chuyện đặc biệt này, tôi được thầy TÔN THẤT TRÌNH dạy về phương cách xử thế khi đi làm công chức. Xin ghi lại những điểm chính yếu như sau:
1/ Thầy nói tiếng Pháp politesse có xuất xứ từ động từ polir, có nghĩa là mài gọt dũa. Con người mới ra đời giống như viên đá còn nhiều góc cạnh, được lăn lộn,được mài dũa nhiều thì sẽ bớt được góc cạnh bén nhọn. Con người có politesse thì rất có ích cho việc giao tế để làm việc cùng nhau.
2/Đại danh từ xưng hô lịch sự nhất là TÔI, không nên xưng EM, xưng CON, xưng CHÁU nơi công đường, công sở. Ngôi vị THẦY - TRÒ, CON –CHÁU…vẫn còn nhưng chỉ giới hạn trong phòng khách gia đình mà thôi.Gọi nhau bằng chức vụ là vì chúng ta là đại diện cho chính quyền, chúng ta là những viên chức hành chánh của chính phủ, dân chúng nhìn vào chúng ta dưới nhãn quan đó.
3/Ai là người dơ tay ra trước ? Dù các anh nhỏ tuổi hơn, cấp bậc và chức vụ nhỏ hơn nhưng ở địa vị CHỦ các anh phải dơ tay ra trước, thí dụ ông Thanh Tra đến Ty Sở của anh, dù nhiệm vụ đi thế nào đi nữa, anh vẫn ở vai CHỦ và người kia vẫn chỉ ở vai KHÁCH.
4/Không được bắt tay bằng 2 tay,, thông tục của người La Mã, bắt tay là có nghĩa là trong tay không có vũ khí và bình đẳng, do đó khi bắt tay thì mắt nhìn mắt, đứng thẳng,vai ngang vai…Nếu ta có kính trọng đối tượng kia thì sau cái bắt tay , gật đầu chào là đủ.
Thầy TÔN THẤT TRÌNH nói nhà trường và các vị giáo sư đã giảng dạy các sinh viên PHƯƠNG PHÁP LÀM VIỆC (=hệ thống các cách sử dụng để tiến hành một hành động nào đó), nhưng khi ra làm việc các kỹ sư phải biết vận dụng trí óc rồi tìm được PHƯƠNG CÁCH ÁP DỤNG ( =cách để giải quyết một khó khăn nào đó trong đời sống). Thầy TÔN THẤT TRÌNH đưa ra thí dụ năm 1967 – 1968, khi thầy đang làm Tổng Trưởng Bộ Canh Nông tuy thành công trong việc quảng bá Lúa Thần Nông 8 nhưng chưa đạt chỉ tiêu trồng lúa Thần Nông như Thầy mong muốn thì biến cố Tết Mậu Thân xảy ra. Trung Tướng Nguyễn Đức Thắng – nguyên Tổng Trưởng Bộ Xây Dựng Nông Thôn được bổ nhiệm về làm Tư Lệnh Quân Khu 4 và Quân Đoàn 4 thay thế Trung Tướng Nguyễn Văn Mạnh (về Bộ Tổng Tham Mưu giữ chức Tham Mưu Trưởng Liên Quân). Trung Tướng Nguyễn Đức Thắng có thói quen dùng xe Jeep đi từ Cần Thơ xuống tận Cà Mau để thanh tra tình trạng an ninh của quốc lộ 4. Thỉnh thoảng vài tên du kích bắn sẻ vào đoàn xe nhà binh, nên ông ra lệnh cho các tiểu khu Phong Dinh, Ba Xuyên, Bạc Liêu, An Xuyên không cho nông dân trồng lúa 2 bên quốc lộ 4 (khoảng cách là 400 thước cho mỗi bên lề quốc lộ 4)
Lúa Thần nông
Lúa Thần nông
Lúc đó, kỹ Sư Nguyễn Hoàng Long (Súc Khoa) làm Trưởng Ty Nông Nghiệp Ba Xuyên trình với Trung Tướng Nguyễn Đức Thắng là Bộ Canh Nông có Lúa Thần Nông 8 chỉ cao có 90 mm là thu hoạch trong 4 tháng, vì thấp như vậy nên du kích VC không thể có chỗ núp để băn sẻ được. Trung Tướng Nguyễn Đức Thắng ký văn bản dọc theo quốc lộ 4 chỉ được phép trồng lúa Thần Nông 8 mà thôi (vì lý do an ninh) . Sau đợt thu hoạch đầu tiên, nông dân thấy có lợi nên không những dọc theo quốc lộ 4 mà các vùng sâu và xa quốc lộ cũng xin lúa giống của Ty Nông Nghiệp về trồng. Bộ Canh Nông đã ban thưởng Chương Mỹ Bội Tinh hạng nhì cho Kỹ Sư Nguyễn Hoàng Long về thành tích nói trên.
Thầy TÔN THẤT TRÌNH đi du học Pháp về nước khoảng 1954 cùng thời với Hiệp Định Geneve 1954.Khi Thủ Tướng Ngộ Đình Diệm thành lập 2 Tổng Ủy Di Cư và Tổng Ủy Dinh Điền,thì tôi đã biết ông đảm nhậm chức vụ lớn trong Nội Các. Tôi không còn nhớ tên của vị Tổng Ủy Trưởng Dinh Điền, nhưng tôi biết chắc chắn vị 2 Phó Tổng Ủy Trưởng Dinh Điền là Kỹ Sư Nông Cơ NGUYỄN GIA HIẾN (phụ trách khai khẩn đất đai thành lập dinh điền) và vị Phó Tổng Ủy Dinh Điền thứ hai là Kỹ Sư Nông Học TÔN THẤT TRÌNH (phụ trách trồng trọt,canh tác và chăn nuôi cho các khu dinh diền)
Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã dành một kế hoạch để chiêu dụ nhân tài về nước, cho nên những vị như Kỹ Sư Trần Lê Quang,Kỹ Sư Trần An Nhàn, Kỹ Sư Tôn Thất Trình, Kỹ Sư Thái Công Tụng,Kỹ Sư Nguyễn Gia Hiến, bác sĩ Thú Y Vũ Ngọc Tân., bác sĩ Trần Đình Đệ,bác sĩ Trần Quang Đệ, Kiến Trúc Sư Ngô Viết Thụ, giáo sư Nguyễn Quang Trình, Tiến sĩ Dược Khoa Trần Ngọc Tiếng, Bác sĩ Y khoa Trần Ngọc Ninh, bác sĩ Y khoa Trần Vỹ…đều được chính phủ Ngô Đình Diệm xếp vào bậc lương THAM VỤ. Và đảm nhận những chức vụ quan trọng trong guồng máy chính quyền trung ương. Có lẽ nhờ được tiếpxúc với những môi trường có tầm vóc quốc tê nên thầy TÔN THẤT TRÌNH đã có những “viễn kiến “rất đáng được kính nể (những vị khoa bảng về nước sau thầy TÔN THẤT TRÌNH 10 năm dù có kèn cựa và ghen tỵ với thầy TÔN THẤT TRÌNH nhưng không được ai mời ra làm Tổng, Bộ Trưởng hết cả) . Đây cũng là nhận xét của Chánh Án Nguyễn Hữu Hùng- nguyên Tổng Trưởng Bộ Lao Động của chính phủ Nguyễn Cao Kỳ, và cũng là nhận xét của Luật Sư Nguyễn Hữu Hiệu nguyên là Chủ Tịch Ủy Ban Tư Pháp Định Chế của Hạ Nghị Viện nhiệm kỳ 1971-1975 (Luật Sư Nguyễn Hữu Hiệu làm Cố Vấn Pháp Luật của Tổng Liên Đoàn Lao Công Việt Nam của ông Trần Quốc Bửu từ năm 1960)
Năm 1970, thầy TÔN THẤT TRÌNH được bầu vào làm Giáo Sư trong HỘI ĐỒNG VĂN HÓA GIÁO DỤC do Phó Tổng Thống Trần Văn Hương làm Chủ Tịch. Trong giờ ra chơi, thầy nói chuyện ngoài lề với một số sinh viên Khóa 10 về ý nghĩa của nhóm từ “ĐẠI HỌC KHAI PHÓNG” và ‘KHOA HỌC ỨNG DỤNG” (tới 50 năm sau -2020, tôi hỏi lại một số bạn của tôi thì không một ai nhớ một chút gì về buổi nói chuyện ngoài lề đó cả). Đây là ý kiến của thầy TÔN THẤT TRÌNH chứ không phải ý kiến của tôi vì thời điểm 1970 đang học năm thứ hai thì cá nhân người viết bài nàykhông thể nào có nhận thức cao siêu như vậy:
*ĐẠI HỌC KHAI PHÓNG= là đại học tìm tòi và nghiên cứu những đường hướng mới , những quan niệm mới, những ý niệm mới…Vì bản chất của nhóm từ KHAI PHÓNG nên các mục tiêu có thể đúng có thể sai và nếu có tìm được những cái mới thì không ai đặt vấn đề giá phí
*ĐẠI HỌC ỨNG DỤNG : sau khi thử nghiệm và loại bỏ những cái sai, ĐẠI HỌC ỨNG DỤNG phải dựa vào 3 tiêu điểm chính yếu :
a) SẢN XUẤT NHANH NHẤT
b) SẢN XUẤT NHIỀU NHẤT
c) GIÁ PHÍ RẺ NHẤT
Thế hệ của thầy TÔN THẤT TRÌNH từ ngoại quốc về nước phục vụ lúc mới 25 tuổi đời, đã cùng nhau xây dựng và đào luyện nhân tài hữu dụng cho đất nước, nhưng tôi chưa thấy ai vỗ ngực xưng tên tự phong là ĐỈNH CAO TRÍ TUỆ, nhưng ước mơ của cựu Thủ Tướng LÝ QUANG DIỆU mong rằng Singapore sẽ được ngang bằng với SÀI GÒN HÒN NGỌC VIỄN ĐÔNG đã là một phần thưởng quý giá mà các thành phần trí thức của VNCH rất đáng hãnh diện.
Tôi sang Hoa Kỳ năm 1989 và không có cơ hội để tiếp xúc với thầy TÔN THẤT TRÌNH, nhưng tôi biết thầy TÔN THẤT TRÌNH là con người phi chính trị, không đảng phái. Do đó nếu gặp được thầy,tôi sẽ nói với thầy rằng 20 năm xây dựng VNCH (1955-1975) đã vượt xa VNDCCH. Còn nếu tính từ 1975 đến nay 2021 là 46 năm, miền Nam bị kiềm hãm bị ngăn chận, bị thuộc địa hóa mà vẫn lặng lẽ tiến bộ, miền Bắc dù có được đảng CS hỗ trợ một cách ưu ái vẫn không vượt qua nổi. Ngụy biện cho tình trạng sung túc của VNCH, bọn VC thường rêu rao là “phồn vinh giả tạo”, nhưng tôi phản bác lại rằng “miền Bắc đói nghèo thật sự “.
Xin mượn 2 câu thơ của Bác Sĩ PHẠM BIỂU TÂM để tiễn đưa thầy TÔN THẤT TRÌNH:
Một trăm năm trước thì ta chưa có
Một trăm năm sau thì có cũng như Không.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét