Sáng nay, khu nhà bên cạnh có tiếng xôn xao. Chui đầu ra cửa sổ nhìn xuống, thấy dân chúng chung quanh cũng tò mò y như mình. Một cái bàn được đặt ngay giữa hẻm lớn gần đó, chung quanh có bóng mấy người mặc đồ bảo hộ PPE, đeo khẩu trang kín mít đang dọn dụng cụ. Hóa ra, có đợt xét nghiệm cho toàn khu, vì cách đây mấy ngày, bên phòng dịch phát hiện có người cách vài chục mét bị dương tính với covid-19.
Chợt nghe tiếng sụyt suỵt bên hông nhà, quay lại nhìn, thấy ông cụ trong ngõ gần đó, cũng ló đầu ra từ cửa sổ, trợn mắt hỏi nhỏ “Ai cũng phải xét nghiệm hả chú?”. “Dạ, chắc vậy, vì họ cho tổ trưởng và công an khu vực đến để thúc mọi người ra xét nghiệm mà”. Nhìn mặt ông cụ bần thần. Nhà đó, chỉ có một vài người. Ông cụ ở canh nhà cho con cháu là chính chứ quanh năm, không có thêm ai.
“Chắc bác lớn tuổi, sẽ là nhóm ưu tiên được xét nghiệm đó, bác ra sớm sẽ được về sớm”, tôi nói thêm vì thấy mặt bác có vẻ lo lo. “Không, né được thì né, không xét nghiệm đâu. Ngộ nhỡ mình bị nói dương tính thì đưa đi cách ly, chết cũng không ai lo. Cứ ở yên trong nhà, chết cũng êm”, ông lắc đầu, nói.
Ở Sài Gòn đã có rất nhiều trường hợp như vậy. Nhiều người né không chịu xét nghiệm diện rộng chỉ vì sợ “tai bay vạ gió”, phải đi vào khu cách ly rồi chẳng may chết. Ngay cả tro cốt đi hỏa thiêu giao lại gia đình, cũng không biết có giao nhầm không. Báo chí, và cả người trong khu cách ly kể chuyện, quay video, đưa tin ra, cho thấy mọi thứ đã quá tải. Nhiều người già, ngày thường được gia đình chăm sóc cẩn thận, khi vào cách ly thiếu thốn điều kiện, lặng lẽ đi lúc nào không hay. Có video gửi ra từ một nơi nào đó, thấy có một người mất, phía nhân viên trực cách ly lật thi thể qua lại, quấn lại bằng băng nhựa bọc thức ăn. Một cái chết lặng lẽ và lạnh lẽo.
Không biết ông cụ có ra xét nghiệm không, nhưng ngay cả nhóm nhân viên y tế cũng làm nhanh và ra đi. Tội nghiệp, họ cũng mệt mỏi lắm rồi. Không gian yên lặng của một khu xóm, và của cả một thành phố lại quay về.
Buổi tối, chợt điện thoại reo lên. Đầu dây là anh T., ở Đà Lạt. Chỗ thành phố núi đồi đó cũng bị vào giãn cách rất căng thẳng. Sài Gòn hay Đà Lạt, hay nhiều nơi nữa ở miền Nam đang vào đợt phong tỏa mới. Gặp nhau chỉ qua điện thoại, bày tỏ tình cảm chỉ bằng tín hiệu kỹ thuật số.
Anh T. gọi, giọng như hơi say rồi. Anh nói năm nay sinh nhật của anh buồn quá, chỉ có thể ngồi nhà uống rượu với con gái thôi. Anh nói thèm được cầm đàn hát cho tôi nghe. Tự nhiên cảm động lạ. Anh T. là một giọng ca quen thuộc ở Đà Lạt. Anh hát tuyệt hay những bài của Phạm Duy, những bài mà lâu lắm không ai hát, không ai nhớ. Nghe anh hát tự nhiên mà cứ ước phải chi quá khứ là cái chăn lớn, cứ chui vào đó để không cần bước về tương lai nữa. Anh lại hay hát cho tôi nghe khi được yêu cầu.
“Nếu không có gì, sau dịch tụi mình gặp nhau, làm một bữa nha”, anh T. nói.
Có rất nhiều người Việt Nam, người Sài Gòn… hẹn nhau như vậy về một cuộc gặp trong hy vọng, khi khốn đốn đi qua. “Nếu không có gì…”, là cách nói thật thà về ngày mai, nếu ai đó không lỡ hẹn, rời bỏ thế giới này vì con virus quái quỷ của thế kỷ 21. Ở đời thường, hẹn nhau như vậy, cũng không khác nào một người đi vào chiến tranh, và hẹn quay lại với hy vọng mỏng manh. Dù không quá bi quan, nhưng rõ ràng, hàm ý của nó là vậy. Sống chết vô thường.
Đâu phải là chuyện chơi. Sài Gòn đêm nay đi qua, chưa biết đêm mai ra sao. Thật vậy!
Hồi tháng trước, nghe con của nhà thơ Nguyễn Lương Vỵ nhắn về, nói ông qua đời trong bệnh viện ở Mỹ. Tự nhiên thấy mắt cay cay. Ông già lù khù, tối ngày chỉ lo viết sách và nói chuyện thi ca, đã đi rồi. Trước khi dịch bùng phát, ông còn dặn là khi nào quay lại Cali nhớ gọi ông, vì ông thèm được nói chuyện Việt Nam, thèm được ngồi café dưới tán hoa giấy và khoe những gì mình đang làm. Đại dịch kéo dài hai năm. Giờ thì không kịp nữa. Nếu có quay lại quán café cũ, chắc sẽ gọi một ly café, để riêng và nhớ ông.
Người ta thường có cảm giác sửng sốt về những mối quan hệ quen thuộc qua đời. Còn phần nhiều chứng kiến chuyện của người khác, chỉ là cảm giác xót thương. Nhưng ngay cả cảm giác xót thương cứ bị chà xát và lặp lại liên tục vào lúc này, cũng lạnh dần. Trong một video quay cảnh một người phụ nữ qua đời trong trại cách ly, tiếng một người con gái – có thể là con bà – khóc dấm dứt lúc to lúc nhỏ quanh hình ảnh đó, trở thành một sự ám ảnh, đi sâu vào trong giấc ngủ.
Ở Quận 7, tại khu chung cư Bellaza, một người Hàn Quốc có vợ Việt Nam bị đưa đi trại cách ly. Ông xin đi theo để chăm sóc cho vợ mình nhưng không được. Đoạn video quay cảnh ông khóc và gào thét liên hồi như một con thú bị thương nghe xé lòng. Trong bóng đêm, tiếng khóc gào của ông cứ vang động cả một vùng, não nề. Chỉ nghe thôi, chứ cũng không thể làm gì. Chỉ nghe thôi đêm nay, và chợt nghĩ đến mình, đêm mai.
Trong những ngày phong tỏa Sài Gòn đợt hai, lại nghe nhà văn, dịch giả Khổng Đức qua đời. Ông già xứ Quảng đó không cho cơ hội để hỏi đôi câu về đời, về sách nữa. Ngày thường ông không xài điện thoại. Mọi thứ chỉ qua email. Giờ thì cái email đó còn tên, mà cũng vô chủ rồi.
Gần nhất, lại nghe nhà thơ, họa sĩ Lê Thánh Thư mất vì covid. Nhà ông quận Tân Bình, khu vực cũng đang chi chít các dây cách ly và barie. Nhà thơ Lý Đợi hỏi thăm rồi cho biết: khi ông vừa mất, cơ quan y tế đến làm giấy ghi nhận, gói mang đi thiêu ngay. Bạn bè không ai nhìn được lần cuối, và sự ra đi cũng vội vã, không giống gì, như của một người Việt Nam hàng trăm năm nay vẫn có.
Những đêm chờ sáng của thời phong tỏa tại đô thị thật nặng nề. Vì đêm nay hay đêm mai… mọi thứ cũng như nhau, thành phố uể oải gượng hơi thở. Chỉ có những con số của cơ quan y tế gửi đến, những con số nhảy múa về những con người bị lây nhiễm mới, hay được gói mang đi để thiêu, như một món hàng không được loài người thừa nhận.
Có câu chuyện người mẹ và 3 đứa con, sống làm việc ở Sài Gòn, nhưng khi đợt phong tỏa kéo dài, kiệt quệ vì không thể cầm cự nổi nên quyết định cùng nhau đạp xe về quê nhà ở Nghi Lộc, Nghệ An. Điểm xuất phát của họ bắt đầu từ Trảng Bom, Đồng Nai, tính ra họ sẽ phải đạp xe đến 1380 km để có thể về đến quê.
Nghe kể họ đi miệt mài, mất 11 ngày để đi từ Trảng Bom đến Ninh Thuận (280km). Nếu với tốc độ đó, họ mất cả tháng hơn, mới về được nhà. Nghe vừa cảm động, vừa rợn người. Ở mọi nơi họ đến, người ta đón, khuyên ở lại chờ dịch bớt rồi đi tiếp, nhưng cả nhà vẫn chọn đi về – một ngày còn vất vưởng đâu đó, nghèo khó và cái chết vì dịch bệnh vẫn còn đuổi theo họ.
Nghe đâu có một nhà báo ở Sài Gòn thấy thương quá, đã tặng tiền vé tàu hỏa cho 4 người, để họ không gặp bất trắc dọc đường. Thật đúng là qua đêm thâu, trời lại sáng.
Trong tất cả những người được liệt kê chết vì covid ở Việt Nam, đã có những người rất trẻ, chỉ mới 26 tuổi. Và cũng có những người đã 70 hay 80 tuổi. Cái chết đến vô chừng, nhất là khi chết trong lúc này được chia ra làm nhiều kiểu: chết vì covid, hay chết vì bệnh nền khi vừa nhiễm covid. Nhưng ở Việt Nam, ai mà không có bệnh nền? Người thì tiểu đường, người thì huyết áp cao, người thì tim mạch… và chết vì bệnh nền, cũng có thể gọi là chết vô danh, không có tên trong hồ sơ đại dịch vào lúc này.
Tôi thấy mình thay đổi cách ứng xử lúc nào không hay. Chẳng hạn như nhắn trả lời anh T. hay bất cứ ai liên lạc với mình bằng một giọng điệu nhẹ nhàng và rất cân nhắc cảm giác với người đối diện. Như mọi người dân đang sống ở Sài Gòn, tôi chợt nhận ra mọi thứ diễn ra quanh mình thật bấp bênh, bất cứ lúc nào cũng có thể là cuối cùng. Nhưng cũng như hàng triệu người con người Việt Nam đã sống và cam chịu những điều bất khả, tôi cũng nuôi một niềm hy vọng từ bóng tối. Khi tôi viết, lúc này chắc cũng có nhiều con người, từ các khung cửa sổ ở Sài Gòn đang nhìn nhau, và chắc họ sẽ thấy yêu thương nhau hơn, yêu thương một Sài Gòn hơn, khi đã biết cuộc sống là những đêm chờ sáng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét