khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Năm, 25 tháng 3, 2021

Tổng Thống Ngô Đình Diệm và đồng bào miền Bắc Di Cư năm 1954

 

Sau khi thành lập Chính phủ VNCH, việc tái định cư cho những người tị nạn miền Bắc vào Nam cùng việc tạo sự hòa nhập của họ vào xã hội miền Nam trở thành một trong những nhiệm vụ cấp bách nhất mà chính quyền Ngô Đình Diệm phải đối diện trong những năm tháng đầu cầm quyền.

Chính quyền VNCH đã thành lập các tổ chức, các cơ quan chuyên chỉ đạo, đôn đốc, giúp đỡ người dân di cư vào Nam.

Ngày 9/8/1954, tại Sài Gòn, Ngô Đình Diệm ký quyết định thành lập Phủ Tổng ủy di cư tỵ  nạn do Bùi văn Lương đứng đầu, với nhiệm vụ điều khiển việc di cư từ Bắc vào Nam. Bên cạnh Phủ Tổng ủy di cư tị nạn, một tổ chức cứu trợ di cư cũng được thành lập do Linh mục Phạm Ngọc Chi đứng đầu là “Ủy ban Hỗ trợ Định cư” (UBHTĐC) và một số tổ chức cứu trợ tư nhân giúp sức.

Đối với sinh viên đại học, Bộ Tư lệnh Pháp dành 12 chuyến bay trong hai ngày 12 và 13 Tháng Tám đưa khoảng 1200 sinh viên miền Bắc vào Nam. Ước tính chỉ khoảng 1/3 ở lại còn 2/3 chọn di cư.

Vì không có đủ phương tiện cho những người di cư vào Nam nên chính quyền Pháp và Bảo Đại phải kêu gọi các nước khác giúp chuyên chở và định cư. Các chính phủ Anh, Ba Lan, Tây Đức, Nam Hàn, Hoa Kỳ, Nhật, Philippines, New Zealand, Trung Hoa Dân quốc, Úc và Ý hưởng ứng cùng các tổ chức UNICEF, Hồng Thập Tự, Catholic Relief Services (CRS), Church World Services (CWS), Mennonite Central Committee (MCC), International Rescue Committee (IRC), CARE và Thanh thương Hội Quốc tế.

Ngày 4/8/1954 cầu hàng không nối phi trường Tân Sơn Nhất, Sài Gòn trong Nam với các sân bay ngoài Bắc như Gia Lâm, Bạch Mai, Hà Nội và Cát Bi, Hải Phòng được thiết lập. Nỗ lực đó được coi là cầu không vận dài nhất thế giới lúc bấy giờ (khoảng 1.200 km đường chim bay). Phi cảng Tân Sơn Nhất trở nên đông nghẹt, tính trung bình mỗi 6 phút một là một máy bay hạ cánh và mỗi ngày có từ 2000 đến 4200 người di cư tới. Tổng kết là 4280 lượt hạ cánh, đưa vào 213.635 người.

Ngoài ra, một hình ảnh quen thuộc với người dân tỵ nạn là "tàu há mồm" (tiếng Anh: landing ship tank) đón người ở trên bờ rồi chuyển ra tàu lớn neo ngoài hải phận miền Bắc. Các tàu thủy vừa hạ xuống, hàng trăm người đã giành lên. Các tàu của Việt Nam, Pháp, Anh, Hoa Kỳ, Trung Hoa, Ba Lan... giúp được 555.037 người "vô Nam". "Vô Nam" được hiểu là cả dãy duyên hải miền Nam Việt Nam, từ Đà Nẵng tới Vũng Tàu. Vì số người di cư quá đông Cao uỷ Pháp đã xin gia hạn thêm ba tháng và phía Hà Nội đã thoả thuận nên ngày cuối cùng thay vì là ngày 19/5 được đổi thành ngày 19/8. Trong thời gian gia hạn thêm 3.945 người đã vượt tuyến vào Nam. Chuyến tàu thủy cuối cùng của cuộc di cư cập bến Sài Gòn vào ngày 16/8.

Thêm vào đó, còn tới 102.861 người tự tìm đường bộ hoặc ghe thuyền và phương tiện riêng.

Đến tháng 10/1955, theo số liệu của Việt Nam Cộng Hòa có 676.348 tín đồ Công giáo (76,3% tổng số người miền Bắc di cư), 209.132 tín đồ Phật giáo (23,5%) và 1.041 tín đồ Tin Lành (0,2%) di cư vào Nam. Tính đến giữa năm 1954 và 1956, trên 1 triệu người đã di cư từ Bắc vào Nam, trong đó có khoảng 800.000 người Công giáo, tức khoảng 2/3 số người Công giáo ở miền Bắc đã bỏ vào Nam.

Công cuộc định cư ngót người tị nạn được thực hiện thành công cũng là nhờ có các cơ quan ngoại viện và tổ chức từ thiện quốc tế, đặc biệt là chính phủ Pháp, Mỹ và Cơ quan Cứu trợ Công giáo Hoa Kỳ.

Nhiều người di cư ngay sau khi tới miền Nam hoặc sau một thời gian ngắn ở trại tạm trú đã tự lo liệu việc định cư ở những nơi có thân nhân hay bạn bè hoặc ở những vùng lựa chọn thích hợp với khả năng nghề nghiệp của mình.

Những người hoàn toàn trông cậy vào chương trình của chính phủ được xếp vào ba loại nghề nghiệp chính: nông nghiệp, ngư nghiệp hay tiểu công nghệ, sau đó được đưa đi định cư ở những địa điểm thích hợp tại các tỉnh miền Nam, miền Trung hay Cao nguyên Trung phần.

Chính quyền VNCH đã thiết lập được trên 300 trại định cư, xây cất hàng trăm nhà thờ và trường học, cung cấp các dịch vụ cho người tị nạn không phân biệt tôn giáo. Sau hơn hai năm hoạt động, UHHTĐC đã gây được cơ sở vững chãi cho các trại định cư.

Những người làm nghề nông, nghề đánh cá hay tiểu công nghệ được cấp phát các dụng cụ và phương tiện thích hợp (trâu bò, hạt giống, phân bón; thuyền xuồng, lưới chài; nguyên liệu và vật liệu sản xuất.) Ngoài ra, trong thời gian đầu định cư, tất cả mọi gia đình đều được trợ cấp nhu yếu phẩm như gạo, muối, nước mắm, mùng mền, giường tủ… Tại mỗi tỉnh có đồng bào di cư, một Ủy ban Định cư tỉnh được thành lập do Tỉnh trưởng làm chủ tịch gồm đại diện dân chúng và các cơ quan liên hệ.

Riêng về nông nghiệp, nông dân được cấp phát đất hoang để làm vườn hay làm ruộng. Chỉ trong vòng một năm, 23 trại định cư tại 5 tỉnh miền Nam đã được chính quyền ký nghị định thiết lập thành làng xã địa phương.

Công cuộc định cư sở dĩ hoàn thành mau chóng và tốt đẹp là một phần nhờ ông Diệm đã chọn được, những vùng đất phì nhiêu rộng lớn cho dân di cư.

Ví dụ như ông Diệm đã:

- Lấy đất Cái Sắn màu mỡ cấp phát cho 45.000 nông dân.

- Lấy bờ biển Bình Tuy và đảo Phú Quốc, nổi tiếng nhiều hải sản cho dân chài lưới.

- Lấy Long Khánh, Định Quán, Gia Kiệm, Hố Nai cho dân khai thác lâm sản và làm đồ mộc.

- Lấy Ban Mê Thuột và Cao Nguyên đất đỏ phì nhiêu cho dân trồng trọt hoa mầu xuất cảng.

- Lấy vùng Ngã Ba Ông Tạ, Tân Bình, Gò Vấp chung quanh Sài Gòn cho dân thương mãi và kỹ nghệ …

Một khía cạnh đặc biệt khác của chương trình định cư là vấn đề hội nhập của dân di cư miền Bắc vào xã hội miền Nam. Vấn đề này đặc biệt quan trọng vì nguyên nhân và hệ quả chính trị của nó.

Tại các vùng định cư đã hình thành nên các cộng đồng xã hội mới, mang theo những dấu ấn văn hóa, tên xóm, tên làng ngoài Bắc. Sau một vài năm tình hình ổn định, cuộc sống người dân di cư vào Nam cơ bản ổn định, hòa nhập vào đời sống mới.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét