khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Hai, 22 tháng 3, 2021

Nhuận Bút Ở Tây Phương - Tác giả Nguyễn Hưng Quốc


Trong status hôm qua, liên quan đến Nguyễn Huy Thiệp, tôi có nhắc đến nhuận bút. Tôi nghĩ, trong vấn đề này, ở Việt Nam, có khá nhiều ngộ nhận. Thỉnh thoảng, đọc báo, nghe nói nhà văn nào đó, ra sách, in một triệu cuốn và trở thành triệu phú đô Mỹ, người ta dễ ngỡ đó là hiện tượng phổ biến ở Tây phương.

Thật ra, không phải.
Số những người may mắn như thế rất ít. Cả thế giới, may ra, được vài ngàn người. Riêng ở Úc, với dân số khoảng 25 triệu, tôi nghĩ nhiều nhất là vài chục người. Còn những người còn lại? Cách đây 6 năm, theo một cuộc điều tra của trường Đại học Macquarie, căn cứ trên 1000 tác giả, người ta thấy thu nhập trung bình của họ với tư cách là tác giả (chủ yếu là từ nhuận bút và các khoản trợ cấp khác) chỉ có 12.900 đô một năm. Nói cách khác, thu nhập từ nhuận bút chưa bằng tiền trợ cấp… thất nghiệp.
Vậy làm sao họ sống được?
Nói chung, ở Úc cũng như nhiều quốc gia Tây phương, trừ một thiểu số ít ỏi sống được nhờ nhuận bút, đa số sống bằng một nghề gì khác. Nhiều nhất là dạy học. Thường là đại học. Viết sách hoặc viết báo, được ít tiền: Càng vui. Không thì cũng chả sao. Bởi vậy, cũng theo cuộc điều tra kể trên, thu nhập chung, từ nhiều nguồn, của giới cầm bút Úc lên đến 62.000 đô một năm!
Trong gần 20 cuốn sách tôi đã xuất bản, có một cuốn bằng tiếng Anh, Socialist Realism in Vietnamese Literature: An Analysis of the Relationship Between Literature and Politics, gần 400 trang, giá ghi trên Amazon.com
là gần 100 đô (Mỹ) một cuốn. Trong một buổi học, tôi đố các sinh viên của tôi: Tôi nhận được bao nhiêu tiền? Hầu hết đều đồng thanh: Nhuận bút thường là 10%. Nếu sách in được 1000 cuốn, nhuận bút cho tác giả sẽ là khoảng 10.000 đô! Tôi cười, đáp: Không có đồng nào cả!
Trước khi in sách, trong hợp đồng có ghi rõ: Nhuận bút cho tác giả là 10%, nhưng chỉ tính từ cuốn thứ 1001 trở lên! Nói cách khác, tiền lời thu từ 1000 cuốn đầu tiên nhà xuất bản sẽ hưởng hết. Để trừ vào các khoản chi phí hành chính, quảng cáo và in ấn. Với loại sách nghiên cứu như sách của tôi hay những gì tương tự, số sách bán được khó hy vọng vượt quá 1000 cuốn. Do đó, rốt cuộc, tác giả không được đồng nào cả.
Dù sao, tôi cũng may mắn hơn một người bạn của tôi. Anh ấy, người Úc, là chuyên gia khá nổi tiếng về Thái Lan. Năm 2000, một nhà xuất bản ở Anh nhận in sách của anh. Gần in, nhà xuất bản yêu cầu anh làm bảng tra cứu cuối sách (index). Lúc ấy, anh phát hiện bị bệnh ung thư gan. Đang mệt mỏi và tuyệt vọng, anh bảo nhà xuất bản nhờ ai làm giùm anh chuyện đó. Nhà xuất bản nhận lời, một cách đầy nhiệt tình. Mấy tháng sau, anh nhận được một bản biếu (chỉ một bản thôi!), kèm theo một hoá đơn làm index là 400 bảng Anh! Nhà xuất bản nói là, vì anh từ chối, họ phải nhờ một chuyên viên làm giúp. Anh chửi thề ỏm tỏi. Nhưng cũng phải chuyển tiền trả cho nhà xuất bản! Tiền bản quyền cho anh, trong cuốn sách đó, cũng giống như tôi: Con số không!
Các bạn có thể tự hỏi: Vậy tại sao phải viết sách làm gì cho mệt vậy? Câu trả lời: Vì đam mê. Để có tiếng. Và để có… tiền.
Như tôi viết ở trên, phần lớn giới cầm bút ở Tây phương, nhất là ở khu vực biên khảo, đều dạy đại học. Ở đại học, ngoài chuyện lên lớp và hướng dẫn sinh viên làm luận án (thạc sĩ, tiến sĩ), mọi người phải tham gia vào hoạt động nghiên cứu. Họ tính điểm rất cụ thể: In bài báo là 2 điểm; in cuốn sách là 4 điểm, v.v… Việc xét tăng cấp và lên lương tuỳ thuộc vào số điểm nghiên cứu và xuất bản. Ai không xuất bản sẽ có nguy cơ bị sa thải. Nếu không thì cũng xấu hổ với đồng nghiệp. Cho nên ai cũng cố.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét