Làm việc phê bình tôi vẫn nhớ câu: mỗi nhà văn đều muốn chôn một nhà phê bình, hình như của Goethe, thường được Nguyễn Tuân nhắc lại.
Thiệp với tôi quen nhau rất sớm, ngay từ khi chưa muốn "chôn" tôi, anh đã nhận ra tôi, lúc đó tôi còn chưa "nổi tiếng", mà anh thì đã như sóng cồn, với Tướng về hưu, từ năm 87, 88. Bảo Ninh cũng vậy.
Tôi về Hà Nội năm 1993, tình bạn của chúng tôi bắt đầu từ đó.
Thiệp kém tôi sáu tuổi, nhưng tôi luôn luôn thấy anh già hơn tôi về đủ mọi mặt, từ cách xử thế đến, suy nghĩ, tư tưởng. Khi bạn viết phê bình về một người, điều đầu tiên là bạn phải đọc kỹ người đó, đọc đi đọc lại nhiều lần, đọc đến thuộc lòng tư tưởng của người ấy, tới cả dấu chấm, dấu phẩy, bạn cũng phải hiểu nghĩa là gì. Tôi thuộc Thiệp như thế, nên lại càng thấy anh rất già. Già như một ông cụ sống đã hơn trăm tuổi hoặc từ một thế giới nào xưa lắm, sống lại. Bao nhiêu lần anh sang Pháp, tôi không nhớ nữa, lần nào anh cũng ở nhà chúng tôi và tôi "kèm" anh trong tất cả các buổi gặp nhà báo, do Marion Hennebert, chủ nhà xuất bản Aube, in sách anh, tổ chức. Marion rất tham, lần nào cũng nhồi nhét cho đủ mặt từ phóng viên của các báo lớn nhất như Le Monde, Libération, Le Nouvel Observateur đến những báo ít nổi tiếng hơn, để sách của Thiệp ra, là có một tiếng vang lớn trên báo chí.
Thiệp có cách ứng xử rất chì, nghiã là không bao giờ anh nao núng trước một câu hỏi khó, một câu hỏi hóc búa mà nhà báo cố tình đưa ra để moi một câu trả lời nhát sợ của nhà văn (đang sống ở nước cộng sản) về tự do dân chủ.
Đó là trường hợp của nhà báo kỳ cựu Jean Lacouture, một tên tuổi lớn đã từng phỏng vấn nhiều lần Hồ Chí Minh, Phạm Văn Đồng. Lần này, Lacouture, rất đàn anh, trưởng thượng, cố tình "quay" Thiệp, hỏi những câu đại loại: Anh thấy bây giờ nước anh đã có tự do, dân chủ chưa? Tôi không nhớ rõ năm nào, chắc là vào khoảng 2008-2010, thời kỳ còn bao cấp; và muốn Thiệp trả lời thẳng, để xem anh này gan hay nhát.
Thiệp trả lời hết và anh thường cho bọn nhà báo thấy rằng anh không ngu, anh sẵn sàng hạ họ đo ván, bằng những câu trả lời hai nghiã, thâm thuý, khôi hài và luôn luôn họ phải chịu, phải chấp nhận bằng một tràng cười.
Những buổi tiếp xúc với độc giả, dù ở Paris hay Toulouse, Bordeaux, luôn luôn là những buổi nói chuyện rất vui và ý vị, vì Thiệp rất có duyên, trả lời lúc nào cũng hóm hỉnh, người Pháp tính tình lại hóm hỉnh, nên họ rất thích. Những khi anh ở Paris, có vài nhà văn Pháp đến thăm, tôi nhớ có một bà lãnh giải Goncourt, tôi quên tên, khẩn khoản đến xin gặp "đại văn hào" (le grand écrivain viêtnamien) cho bằng được, và qua câu chuyện, tôi thấy ở bà một sự kính nể thực thụ.
Thiệp tin mình sẽ nhận giải Nobel, điều này có thật. Không phải lỗi ở anh, mà do hoàn cảnh đưa đẩy, và nếu có lỗi, thì từ Marion Hennebert.
Marion Hennebert là một trong những người đọc đầu tiên của Thiệp trên đất Pháp. Đọc và thích ngay, mặc dù những bản dịch đầu tiên còn nhiều sơ hở, có khi phản nghiã.
Từ đó, là một sự trung thành tuyệt đối giữa hai người. Thiệp có lần được một nhà xuất bản lớn đề nghị ký giao kèo, in sách, lượng nhiều gấp đôi nhà Aube, và bảo đảm sẽ có những bản dịch ra nhiều thứ tiếng, nhưng anh không nhận và nói: mình đã ở với Marion, thì đâu có bỏ được.
Về giá trị văn học của Nguyễn Huy Thiệp, ta không cần lặp lại ở đây. Giá trị ấy, khi dịch sang Pháp văn, dù đã mất đi ít nhiều, nhưng vẫn còn là một giá trị độc đáo.
Marion Hennebert là người có kinh nghiệm văn chương, vẫn tự hào là đã đưa Václav Havel ra với thế giới bên ngoài, khi dịch ông sang tiếng Pháp. Và đã khám phá và dịch Cao Hành Kiện, Nobel 2000. Lần này, Marion "nhất định" rằng Nguyễn Huy Thiệp sẽ đoạt giải, và bà đã vận dụng tất cả mọi phương tiện để… thành công.
Bản thân tôi không tin vào giải Nobel hay bất cứ giải thưởng văn chương nào khác và vẫn thầm phục Jean-Paul Sartre khi ông từ chối giải này, vì tôi nghĩ rằng, các cụ hàn lâm ngồi chấm giải, nhân danh gì mà dám chấm bài cho Sartre?
Nhưng sự nhiệt thành của Marion khiến tôi xiêu lòng và giúp bà trong việc này: Marion muốn in lại Nguyễn Huy Thiệp, trong một tuyển tập dày dạn, đầy đủ các tác phẩm, đã được hiệu đính hay dịch lại, nếu cần, để gửi đến ban chấm giải Nobel. Y hệt như bà đã bỏ công vào việc dịch và in Linh Sơn (Montagne de l’âme) của Cao Hành Kiện ngày trước.
Marion đã bỏ ra gần hai năm để thực hiện công trình này, cố gắng hoàn thành tập Nguyễn Huy Thiệp Crimes, amour et châtiment, dày 745 trang, tuyển chọn 45 truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp. Sách in xong, năm 2012, lại gặp một trở ngại lớn. Marion bảo tôi: Ban xét giải bảo, Nobel thường chỉ phát cho những nhà văn viết tiểu thuyết, chưa hề phát giải cho truyện ngắn bao giờ.
Năm ấy, Mạc Ngôn được giải Nobel vì sự nghiệp tiểu thuyết, mặc dầu tác phẩm của ông rất cổ, ông viết theo lối hiện thực xã hội kiểu xưa, mà thường viết quá quắt lên, nhiều chỗ giả tạo, không thể tin đưọc. Ông viết nhiều tiểu thuyết nhưng chỉ cần đọc một cuốn là đã biết những cuốn sau như thế nào. Nhưng Trung Quốc là một nước lớn.
Đến năm 2013, Alice Munro, được giải Nobel vì toàn bộ truyện ngắn của bà; thì lý do Thiệp chỉ viết truyện ngắn nên không được xét giải Nobel, không còn giá trị nữa. Mà tôi chắc chắn, bất cứ nhà phê bình đứng đắn nào, khi đọc và so sánh truyện ngắn của Munro với truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp, sẽ thấy rõ nhà văn nào đáng lĩnh giải Nobel hơn.
Việc này khiến tôi cay đắng nghĩ lại lời Nguyên Sa thủa trước:
"Giới văn học nghệ thuật Pháp Anh không bàn đến Nguyễn Du như ta bàn đến Victor Hugo hay Lamartine, Byron hay Keats. Nghĩa là ngay khi được phiên dịch, tác phẩm của văn học nghệ thuật ta vẫn đứng ở cái chỗ khốn nạn ấy: hàng ghế chót của đại sảnh, chỗ chầu rìa trong thiên đường của anh thánh đàn em mà cả các thánh đàn anh, cả Thượng Đế, nếu có, đều không biết tên, không biết mặt. (…)
"Chỗ đứng sáng chói của Tây phương trên thế giới ngày nay, Tây phương Mỹ cũng như Nga, Anh cũng như Pháp, đã mang lại cho văn học nghệ thuật của họ cái chỗ đứng sáng chói. Và trong vùng sáng chói lòa đó, dù không chủ trương ý thức và hữu ý, các nhà văn học nghệ thuật Tây phương vẫn bị lóa mắt, không còn nhìn thấy trong vùng bóng tối, do đó chỗ đứng của văn học nghệ thuật các nước nhỏ, đã hoặc đang bị trị, nghèo đói, trong đó có ta, đã bị lệch lạc vì chỗ đứng của quốc gia, lại càng bị lu mờ hơn nữa vì khuynh hướng kỳ thị vô thức."
(Nguyên Sa, Một bông hồng cho văn nghệ).
Năm 2017, tôi về lại Hà Nội sau 20 năm xa cách, gặp lại Thiệp sau 10 năm. Thiệp đã già đi và tôi cũng già nhiều. Nhưng chúng tôi vẫn thế, không cần nói mà hiểu. Lúc ấy, anh vẫn còn khoẻ, vẫn đi xe máy lên thăm tôi, và anh thường phải lựa giờ để kịp đón cháu đi học về. Lần ấy anh dẫn tôi đi khắp Hà Nội, chụp ảnh những nơi tôi muốn đến, thăm những địa chỉ mà Khái Hưng đã ở để làm Phong Hoá Ngày Nay. Thiệp lái xe lách từng con phố đông người và khi tìm được nơi nào, chúng tôi mừng rỡ. Tôi có cảm tưởng như một nhà văn lớn thời nay dẫn tôi đi chụp ảnh quá khứ một một nhà văn lớn thời xưa. Tôi thấy lại ở Nguyễn Huy Thiệp tính trung dung, nhân hậu của Khái Hưng. Không hiểu bây giờ gặp nhau, họ nói những gì?
Lần trở lại năm 2018, Thiệp dẫn tôi về nhà thăm Trang. Trang nay đã yếu lắm, biết bao kỷ niệm từ ngày ấy, từ 1993 đến giờ, thực ra, tôi chỉ gặp Trang ba lần trong gần ba mươi năm, nhưng đã nói chuyện nhiều lần với Trang qua điện thoại viễn liên Paris-Hà Nội. Đối với tôi, Trang là người chị, người em, là nhẫn nại và bao dung của trần gian trời tặng Thiệp để vượt những khổ ải và hạnh phúc mà có lẽ tôi là người đầu tiên và sau cùng biết được qua văn và lời. Mối liên hệ của chúng tôi là như thế, nhà văn không chôn nhà phê bình mà nhà phê bình tìm thấy ở nhà văn một chỗ tựa, một tình bạn chưa hề có bao giờ, với ai.
Ngày Thiệp đi, 20-3-2021
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét