khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Hai, 13 tháng 7, 2020

Chuyện học hành và thi cử thời trước 75

Thời đó, trước 75, đối với thế hệ chúng tôi thì học hành, đặc biệt là thi cử ngày ấy quả thực rất căng thẳng và quan trọng, bởi vì cái bằng cấp tú tài ngày ấy rất giá trị, có yếu tố sàng lọc người giỏi chứ không phải chỉ hình thức chiếu lệ cho qua, do vậy mà học sinh phải học thật tình, thi nghiêm túc để giành lấy mảnh bằng bước vào đời. Áp lực đè lên vai và trong tâm tưởng, nhất là đối với những bạn nam, thời ấy là thời chiến nên 18 tuổi là độ tuổi quân dịch, nếu thi rớt thì anh phải đi lính, phải vào quân trường ngay chứ không còn đường nào khác. Cũng vì thế mà Nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên ngày ấy viết trong bài "Thà như giọt mưa" do Nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc:

Ta hỏng tú tài,
Ta hụt tình yêu
Thi hỏng mất rồi
Ta đợi ngày đi…

Ông viết đúng lắm đấy, hỏng tú tài, e rằng người yêu cũng chia tay ta luôn chứ chẳng chơi, hỏng tú tài, chuẩn bị khăn gói lên đường vào quân trường chứ không còn được tiếp tục mài đũng quần trên ghế nhà trường đâu.

Thực sự mà nói thì thi cử ngày ấy công bằng hơn bây giờ rất nhiều, không có cái chuyện chấm lỏng tay hay nâng điểm để giành những con số tỉ lệ đậu tròn trĩnh như bây giờ đâu, theo như tôi biết thì suốt một thời gian dài tại miền Nam trước 75, tỉ lệ đậu tú tài toàn quốc chưa bao giờ đạt tới con số 30%. Như tôi đây ngày trước học ở trường công lập Tây Ninh, một trường mà cả tỉnh phải thi tuyển vào lớp đệ thất (lớp 6 bây giờ), nên tập trung trong trường trong lớp hầu như toàn học sinh học khá giỏi và ngoan học. Vậy mà lớp học khoảng 50 học sinh, thi đậu tú tài khoảng trên dưới 10 học sinh. Có người cho rằng sự khắt khe như thế là bất công, nhưng không phải, anh muốn đậu tú tài thì anh phải học đàng hoàng, thi đàng hoàng, và anh phải khá giỏi để anh có đủ năng lực vào thẳng đại học mà không cần phải thi thêm một lần nữa. Còn nếu anh học lơ mơ thì việc anh thi rớt phải đi lính thì đó là chuyện của anh.

Mà đâu phải thi tú tài một lần, hai lần thi: hết lớp 11 thì thi Tú tài phần nhất, hết lớp 12 thì thi Tú tài phần hai hay toàn phần, nhiều người gọi tắt là Tú tài toàn là vậy.

Đậu tú tài, anh có nhiều lựa chọn, nếu muốn thì anh có thể thi tuyển vào một số trường bây giờ ta nôm na gọi là top như Đại học Y khoa, Dược khoa, Kiến Trúc, Kỹ sư Phú Thọ (Bách khoa bây giờ), Sư Phạm và Quốc gia Hành chánh, còn nếu không thì anh không cần thi, ghi danh trực tiếp vào các trường Đại học Khoa học, Văn khoa, Luật khoa và một số trường Đại học Tư thục khác như Đại học Minh Đức, Vạn Hạnh, Cao Đài … Không cần thi vì họ nghĩ bằng Tú tài của anh đã được chọn lọc rồi thì anh có đủ sức học đại học, nghĩa là họ đánh giá cao cái bằng tú tài anh đang có, do đó mà thời đó, thi đậu tú tài, có nghĩa là anh thi đậu đại học.

Nhưng đừng tưởng rằng cứ việc vào đại học là xong đâu, vì học đại học là nơi chọn lọc và đào thải rất căng, vào thì dễ nhưng muốn tốt nghiệp thì vô cùng khó khăn, 10 người vào thì ra được 2,3 mà thôi, hoàn toàn khác với quan niệm bây giờ, vào khó nhưng ra thì dễ. Bởi vậy mà những ai tốt nghiệp đại học ngày xưa khi ra trường thì các nơi nhận vào làm ngay, vì họ học thật sự, giỏi thật sự.

Nhưng đó là chuyện đại học, còn chúng ta đang nói chuyện thi cử mà. Tú tài thời đó thi hết tất cả các môn học, nên bạn phải học đều thì mới mong đậu được, từ các môn Toán, Lý, Hóa, Triết (thay cho môn Văn, vì môn Văn đến lớp 11 là đã coi như học xong rồi), Sử Địa, Sinh ngữ 1, Sinh ngữ 2, Công dân, Vạn vật (bây giờ gọi là Sinh học) tất cả đều thi. Cũng cần nói rõ thêm một tí để một vài bạn trẻ ngày nay biết thời đó chúng tôi học như thế nào. Thời đó ở miền Nam, khi vào lớp 10, gọi là Trung học đệ nhị cấp, thì chúng tôi phải học phân ban, đại khái như chuyên ban bây giờ vậy, phân ban là để bắt đầu hình thành khả năng chuyên biệt của mỗi người tạo thế mạnh trong thi cử và học tập, có 4 ban là:

Ban A: Khoa học Thực nghiệm, học sinh ban này chuyên về Vạn vật (Sinh học), Lý, Hóa, mỗi môn thi có hệ số 4, nghĩa là khi đi thi, nếu anh có điểm cao các môn này sẽ rất lợi thế cho anh, bù điểm lại cho các môn yếu hơn. Ban này anh sẽ học Vạn vật nhiều và chi tiết hơn, vì sau này anh mới có đủ khả năng thi vào Đại học Y khoa chẳng hạn. Ban A vẫn phải học Toán (hệ số 2), nhưng ít chuyên sâu hơn, nếu tôi nhớ không lầm thì lớp 12 chỉ học Hình học Giải tích và Tân toán học mà thôi.

Ban B: Khoa học Toán, chuyên về Toán, Lý, Hóa trong đó Toán có hệ số 5 và Lý Hóa hệ số 4, nếu anh giỏi các môn này thì anh sẽ rất thuận lợi khi thi cử, nhưng để kiếm điểm cao cũng không phải dễ, vì ngoài môn Lý Hóa ban A và B như nhau thì môn Toán ban B rất nặng, bao gồm Giải tích, Hình học giải tích, Hình học không gian và cả Hình học phẳng, Tân toán học. Nói chung kiếm điểm Toán ban B thì phải thật là cố gắng và đam mê môn Toán. Tốt nghiệp Tú tài ban B, anh có thể thi vào Kỹ sư Phú Thọ, Kiến trúc hoặc Sư phạm chứ không vào Y khoa được.

Ban C: Khoa học Văn chương, chuyên về Văn, Triết học và Sinh ngữ.

Ban D: Cổ ngữ, chuyên biệt về các môn tiếng Hán, tiếng La tinh…

Bốn ban nhưng hầu hết học sinh chuyên về ban A và B, còn ban C thì rất ít trường đào tạo và ban D thì rất cá biệt, chỉ các trường dòng bên Tôn giáo chuyên những ngành này.

Chuyện đáng nói ở đây là hệ số và Sinh ngữ (ngày nay người ta gọi là Ngoại ngữ). Việc nhân hệ số khuyến khích và dẫn đường cho học sinh tạo kỹ năng chuyên biệt ngay từ lúc còn học phổ thông, để định hướng lên đại học sau này chứ không cào bằng, nếu bạn giỏi Văn và theo ban C từ lớp 10, bạn sẽ được học chương trình Văn và Ngoại ngữ nâng cao để bạn có thể phát triển về sau, đi thi bạn sẽ có hệ số cao, lợi thế hơn các môn khác. Ban A và ban B cũng vậy, mỗi ban có chuyên ngành riêng và được đào tạo kỹ lưỡng hơn các môn học khác. Còn chuyện Sinh ngữ, khi vào lớp 10, bạn phải học thêm sinh ngữ thứ nhì, nếu sinh ngữ chính của bạn là tiếng Anh thì bạn phải học thêm tiếng Pháp làm sinh ngữ 2 và ngược lại, cách học này tạo cho một tú tài tương lai phải toàn diện, ít ra sau khi tốt nghiệp tú tài, tiếng Anh biết đã đành, nhưng tiếng Pháp cũng phải biết đọc và giao tiếp đôi chút vì bạn cũng đã có 3 năm học sinh ngữ 2 rồi…

Có người lại bảo, tại sao lớp 12 ban A và ban B môn Văn lại không có? Thưa rằng nếu bạn chọn ban C thì Văn các bạn sẽ học bù đầu ấy chứ, nhưng ban A và B thì không, vì chương trình Văn hồi ấy đã học rất bao quát ngay từ lớp 6, thuần về Văn học chứ không lẫn chính trị hoặc tuyên truyền trong đó. Tôi nói như thế là vì chúng tôi tuy ở miền Nam, nhưng vẫn học các Tác giả ở miền Bắc, biết rằng đất nước chia đôi, hai miền hai ý thức hệ, nhưng văn chương đứng trên tất cả mà không phân biệt Cộng sản hay Quốc gia. Cái đặc trưng của nền giáo dục miền Nam ngày xưa là như thế đó. Văn học rất bao quát cho nên đến năm 11 là coi như đã học xong môn Văn chương, vì từ lớp 6, bạn đã bắt đầu học Bà Huyện thanh Quan rồi dần dà lên từng cấp nào là Chinh phụ ngâm, bắt đầu quen với các thể thơ Đường luật, tứ tuyệt cùng các tác giả khác như Cao Bá Quát, Trần Tế Xương, Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu, Nguyễn Công Trứ với những bài hát nói, Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Khuyến… rồi sang năm lớp 9 bắt đầu vào Truyện Kiều, sang năm 11 lại học Kiều chuyên sâu hơn, ngoài hình thức Cổ văn là các tác giả tôi vừa nêu, hồi đó học thêm Giảng văn bao gồm các nhà văn cả hai miền không phân biệt Nam Bắc, mấy chục năm qua rồi tôi không nhớ hết được, nhưng rõ ràng cái cách giáo dục thời đó nó quy củ và thực dụng lắm, cho nên không ít người khi ra trường đời vẫn nhớ lại những gì mình đã học như những hành trang rất quý giá cho một con người là vậy.

Đến lớp 12 thì ban A và B phải học Triết, bao gồm Luận lý học, Đạo đức học và Tâm lý học, tức là suy luận về văn chương và xã hội ở một mức cao hơn về nhận thức, để chuẩn bị những kiến thức sẽ được đào tạo chuyên sâu về sau này trên Đại học.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét