khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Ba, 2 tháng 7, 2019

Giáo sư Trương Nguyện Thành ra mắt sách Cha Voi



Giáo sư Trương Nguyện Thành chia sẻ với BBC về phương pháp dạy con ở thời đại công nghệ số và chuyện vì sao không nên đặt nặng mục tiêu cải thiện thứ hạng của trường đại học Việt Nam trong các bảng xếp hạng quốc tế.
Hai năm sau khi gây xôn xao công luận với hình ảnh mặc quần đùi nói chuyện trước sinh viên trong chương trình "Lộ trình sáng tạo" ở Đại học Hoa Sen, Giáo sư Trương Nguyện Thành "tái xuất" với vai trò hiệu phó Đại học Văn Lang.

Cùng thời điểm, cuốn sách Cha Voi: Dạy Con Nên Người Ở Thời Đại Số của ông cũng vừa được phát hành.

Trong cuộc phỏng vấn mới nhất dành cho BBC, Giáo sư Thành nói: "Tôi quyết định viết cuốn sách về việc dạy con vì nhận ra trong cuộc sống, có những vấn đề mà ta nên dạy con cái mình ở gia đình từ lúc chúng còn nhỏ. Cái gốc là ở gia đình và phần giáo dục nhân cách là trách nhiệm của cha mẹ cũng như phần lớn tư duy và kỹ năng sống.

Không có trường nào dạy phần này. Cuốn sách là tập hợp những trải nghiệm trong việc dạy con của một gia đình sống trong môi trường đa quốc gia: Chồng Việt, vợ Nhật, hai con quốc tịch Mỹ và bản thân tôi có thời gian sống ở Đan Mạch."

BBC: Một trong những cuốn sách best-seller ở Việt Nam đến nay là Dạy Con Làm Giàu và được nhiều phụ huynh tìm đọc. Vậy tác phẩm của ông có gì khác biệt?

Giáo sư Trương Nguyện Thành: Khác nhiều chứ. Khi dạy con làm giàu tức là bố mẹ muốn hướng con mình đặt mục tiêu cuộc sống vào tiền tài, danh vọng, quyền lực, trong lúc nó có thể không có nền tảng quan trọng là nhân cách. Đứa con khi lớn lên có thể phạm sai lầm là phải kiếm tiền nhanh bằng mọi giá, kể cả chiếm đoạt.

Còn cuốn sách của tôi nhằm mục tiêu tạo nên một con người toàn diện, nói về trách nhiệm của phụ huynh trong việc dưỡng dục và quan tâm đến cảm xúc của con.

Gần đây, báo chí Việt Nam đăng tải câu chuyện tranh chấp tài sản trong một gia đình "đại gia" ở lĩnh vực ngân hàng, địa ốc. Vụ này làm dấy lên câu hỏi: Cày kiếm tiền để làm gì và dạy con để làm gì?
Tôi không nghĩ cha mẹ nào cảm thấy hạnh phúc khi cuối đời phải nhìn thấy cảnh này. Đó cũng là một lý do mà các đại gia ở Mỹ hiến tài sản của mình để làm từ thiện và chỉ để một phần rất rất nhỏ cho con cháu.

Vụ này cũng cho thấy có thể gia đình đó đặt nặng vật chất mà quên dạy con đầy đủ, trang bị cho chúng những kỹ năng và nhân cách cần thiết chứ không chỉ việc kiếm tiền.

BBC: Phải chăng khi xây dựng hình tượng "cha voi", ông muốn tạo nên đối trọng với "mẹ hổ" từng gây tranh cãi với phương cách nghiêm khắc đến tàn nhẫn để con mình có thể sinh tồn trong một xã hội cạnh tranh quyết liệt?

Giáo sư Trương Nguyện Thành: Tôi nảy ra ý tưởng về "cha voi" khi biết về câu chuyện xảy ra tại các công viên quốc gia ở châu Phi. Khi lượng voi tăng nhanh ở một công viên, người ta muốn di chuyển đàn voi đến các một công viên khác.

Một số voi đực, voi cha do trọng lượng của chúng quá lớn nên chưa kịp di chuyển, phải để lại chỗ cũ. Rồi thì người ta nhận thấy ở chỗ mới, những con voi mới được chuyển đến hành xử hung hăng, bạo lực với nhau. Khi đưa voi cha đến thì các hành vi bạo lực chấm dứt.

Từ đó, tôi nhận ra điều quan trọng là không dạy con phải làm gì, mình làm gương là chính và con mình sẽ học được nhiều điều bổ ích từ hành vi của người cha.

Trái với hình ảnh "mẹ hổ" độc đoán, "cha voi" cũng có độ nghiêm khắc với khác nhưng khác là không đánh, không la rầy chúng. Người cha theo phương pháp này quan tâm và có cách khác để con phải nghe theo mà không dùng đến bạo lực.

Mặt khác, "cha voi" cũng là cách để nhìn nhận vai trò người cha trong việc dạy con. Lâu nay, xã hội Việt Nam đặt nặng trách nhiệm cho người mẹ với câu "Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà". Với cuốn sách này, tôi muốn những người cha nhìn thấy trách nhiệm của mình trong việc dạy con.

BBC: Trở lại câu chuyện liên quan đến chuyên môn giáo dục đại học của ông. Ông chia sẻ gì về những chiêm nghiệm của bản thân sau một năm kể từ vụ được đề cử giữ chức hiệu trưởng Đại học Hoa Sen bất thành và nay tái xuất với vai trò hiệu phó Đại học Văn Lang?

Giáo sư Trương Nguyện Thành: Trong một năm qua, tôi có dịp nhận ra có thể trong một vài chuyện, tôi đặt mục tiêu tốt nhưng không hiệu quả khi áp dụng kinh nghiệm của người Mỹ trong lúc văn hóa Việt Nam còn có sự khác biệt nhất định so với văn hóa Mỹ.

Thời điểm này một năm trước, tôi quyết định ra đi khỏi Đại học Hoa Sen vì biết rằng trường này khó tìm được vị hiệu trưởng nếu tôi tiếp tục giữ vị trí trong khi "cái bóng" của người hiệu phó quá lớn, nên tôi bước qua một bên để nhà trường ổn định.

Theo tôi, quyết định ra đi hay gia nhập với một trường đại học là tùy vào việc hội đồng quản trị cho mình làm được gì và quãng thời gian có làm việc hiệu quả hay không.

Với Đại học Văn Lang, hội đồng quản trị muốn tôi đem triết lý giáo dục, phương pháp tiếp cận nền giáo dục tiên tiến, đặt trọng tâm phải là người học, để xây dựng những chương trình tiên tiến cho ngôi trường này.

Hiện tại còn quá sớm để đánh giá, nhưng ở ngôi trường mới, những gì tôi muốn bắt tay vào làm thì đến nay đểu triển khai tốt.

BBC: Lâu nay, báo chí và công chúng Việt Nam có vẻ khá quan tâm về thứ hạng của các trường đại học trong những bảng xếp hạng quốc tế. Và nếu nhìn vào các chỉ số đó, so với đại học trong khu vực thì giáo dục đại học Việt Nam còn rất kém.Theo ông, các đại học Việt Nam có nên đặt mục tiêu cao nhất là cải thiện thứ hạng trong các bảng xếp hạng hay không?

Giáo sư Trương Nguyện Thành: Ồ, tôi cho rằng nếu chỉ tập trung vào thứ hạng là sai mục tiêu, giống như việc phụ huynh dạy con mà chỉ muốn chúng mau có khả năng làm giàu.

Theo tôi, mục tiêu chính của đào tạo đại học ở Việt Nam nên là đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế Việt Nam.

Việc đầu tư cho nghiên cứu, tăng lượng bài báo khoa học có thể giúp các trường ở Việt Nam nâng cao thứ hạng, nhưng điều quan trọng và cần thiết hơn là đẩy mạnh chất lượng đào tạo để đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp.

Theo như tôi thấy, các chương trình đào tạo đại học ở Việt Nam xài đi xài lại, ít có đánh giá, phản hồi từ doanh nghiệp. Có thể do vậy mà doanh nghiệp thường đánh giá cử nhân ra trường chỉ có cái bằng, nhưng trình độ, thái độ còn yếu.

Tôi nghĩ điều chính yếu của giáo dục đại học ở Việt Nam là trong bối cảnh chương trình đào tạo chưa quốc tế hóa được, nhưng vẫn cố gắng đào tạo ra những cử nhân có chất lượng.

BBC: Mỗi khi nói về hiện trạng giáo dục đại học, công luận thường hay phê phán, chỉ ra thiếu sót và trách nhiệm của Bộ Giáo dục-Đào tạo. Góc nhìn của ông thế nào?

Giáo sư Trương Nguyện Thành: Tôi nhìn giáo dục đại học Việt Nam với trải nghiệm từ nhiều năm công tác ở nhiều trường ở nước ngoài.

Nếu nói về tiêu cực thì chỗ nào cũng có. Chẳng hạn ở Mỹ thì gần đây có vụ bê bối mua điểm triệu đô.
Nhìn về giáo dục đại học Việt Nam, nếu tính từ vụ của tôi ở Đại học Hoa Sen thì đã có những biến chuyển rất đáng mừng.

Cụ thể là theo như tôi hiểu, trong luật Giáo dục Đại học sửa đổi, một số yêu cầu về quản lý đại học mà tôi từng vấp phải thì nay đã không còn nữa.

BBC: Nếu có dịp gặp bộ trưởng Giáo dục-Đào tạo, ông sẽ đề cập đến chuyện gì trước hết?

Giáo sư Trương Nguyện Thành: Tôi muốn chia sẻ với ông ấy về tầm quan trọng trong việc nâng cao trình độ và chiến lược giáo dục đại trà.

Phải làm sao đưa kiến thức phổ thông, cơ sở đến càng nhiều người dân càng tốt. Trong bối cảnh mới, cần hình thành hệ thống e-learning để có thêm người dân có điều kiện tiếp cận kiến thức mọi lúc mọi nơi.

Điều đó giúp phần đông người Việt không còn bị giới hạn trong các công việc tay chân mà có thể nghĩ đến phân khúc việc làm cao hơn về vị trí và mức lương.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét