khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Tư, 10 tháng 4, 2019

Từ, một thể loại văn học đáng chú ý- Tác giả Trần văn Tích



Bài viết này rất mới vì đây là lần đầu tiên một tài liệu nghiên cứu văn học sử dân tộc đề cập đến thi loại từ một cách có hệ thống. Thực vậy, Trường Đại học Văn khoa Hà nội trước 1954 và Trường Đại học Văn khoa Sài gòn trước 1975 không có một giờ nào giảng về từ cho sinh viên.
 
Giáo sư Văn khoa Trần Trọng San cho rằng “trong văn học Việt-Hán chỉ có độc nhất một bài từ: bài này làm theo điệu Vương lang qui do Đại sư Ngô Chân Lưu tặng sứ thần nhà Tống Lý Giác ở thời Lê Đại Hành (năm 907); trong văn chương chữ Nôm chỉ có mấy bài từ làm theo điệu Tây giang nguyệt trong truyện Sơ kính tân trang của Phạm Thái ở đời Hậu Lê(1).
 
Ở miền Bắc, Xuân Diệu trong Thơ và Từ Đào Tấn liệt kê được ba từ gia Việt Nam là Liễu Hạnh, Phạm Thái và Đào Tấn. Nhà thơ viết nguyên văn: “(…) bởi lẽ, trong văn học truyền thống Hán-Nôm, ở tình hình sưu tầm phát hiện của ta cho đến hôm nay, thì sau Phạm Thái có những bài từ chen trong Sơ kính tântrang và tương truyền, có bốn bài từ chữ Hán của bà chúa Liễu Hạnh (…), người viết nhiều từ hơn ai hết là Đào Tấn(2).
 
*
Từ là một thi loại đặc biệt
 
Từ là một thể loại thi ca cổ điển của Trung Hoa. Thoạt tiên chữ “từ“ dùng để chỉ loại thơ có thể phối hợp với nhạc để ca xướng. Sau này từ thoát ly khỏi âm nhạc và trở thành một văn thể độc lập. Giống như luật thi, từ được qui định chặt chẽ về đặt câu, số chữ, bằng trắc, gieo vần nhưng đặc trưng nhất của từ là câu dài ngắn không đều nên từ còn được gọi là trường đoản cú thi.
 
Từ manh nha thời Nam triều, hình thành ở đời Đường, thịnh hành ở đời Tống. Từ sản sinh sớm nhất trong dân gian, đến đời Đường bắt đầu có văn nhân sáng tác từ, như bài Ức Tần nga tương truyền do Lý Bạch sáng tác hoặc bài Trúc chi từ mà LưuVũ Tích là tác giả.
 
Từ, như đã nói, khác thơ Đường ở chỗ có câu dài câu ngắn, khác Nhạc phủ ở cách luật hết sức nghiêm ngặt, khác thơ cổ phong ở số chữ cố định. Từ có nhiều điệu. Điệu ngắn nhất là Trúc chi từ, chỉ có mười bốn chữ; điệu dài nhất là Oanh đề từ, có hai trăm bốn mươi chữ.
 
Có bài từ dài hơn hai trăm bốn mươi chữ – ví dụ bài từ theo điệu Ỷ la hương – nhưng thực ra đó là những điệu gồm nhiều đoạn với công thức hoặc hoàn toàn giống nhau hoặc khác hẳn nhau. Có những câu trong bài từ rất dài; mười hai, mười ba chữ; có câu lại chỉ gồm một chữ duy nhất. Tuy nhiên mỗi điệu từ thường có những biến thể.
 
Trong thơ Đường luật và ở câu thất ngôn, chữ thứ nhất và chữ thứ ba không bắt buộc phải theo tiết điệu bằng trắc: nhất tam bất luận là vậy; thậm chí có khi chữ thứ năm cũng thoát khỏi luật lệ bằng trắc; ta có nhất tam ngũ bất luận. Bài từ, nhìn chung, không chấp nhận lệ bất luận theo cung cách đó: từ luật về tiết điệu hết sức chặt chẽ.
 
Qui tắc hiệp vận cũng là luật thép theo từ luật. Có bài từ dùng nguyên một vần bằng, ví dụ Phá trận tử, Tấm viên xuân, Ức Giang nam, Giá cô thiên, Nhất tiễn mai. Có bài từlại chỉ dùng nguyên vần trắc như Hậu đình hoa, Mãn giang hồng, Niệm nô kiều, Thanh thương oán. Tuy nhiên cũng có những thể từ dùng cả vần bằng lẫn vẫn trắc, hoặc chủ yếu vần bằng, chủ yếu vần trắc. Trình tự gieo vần cũng đa dạng: liên vận (vần liền: Chiêu Quân oán); giao vận (vần xen kẽ: Tây giang nguyệt, Sa song hận); bão vận (vần ôm: Điều tiếulệnh) v.v..
 
Từ là tổng hoà thi và nhạc vì gốc gác của từ vốn là chốn thanh lâu và các chuyên viên trình diễn từ đầu tiên là giới kỹ nữ. Nhà thơ đến xóm bình khang tìm vui với giai nhân và soạn từ khúc cho người đẹp hát. Đó là một lề lối sinh hoạt rất quen thuộc vào các đời Đường, Tống, Ngũ Đại; vì thế giới thưởng ngoạn đã dành cho từ nhóm chữ hoa gian tôn tiền (trong hoa trước rượu).
 
Như vậy, từ là một thứ thơ gắn với âm nhạc, dựa vào nhạc thức mà đặt lời, thích hợp với đài ca quán vũ, lời lẽ hoa lệ, sắc màu sặc sỡ, phong cách uỷ mị; từ chuyên tả đàn bà con gái, chan chứa hương thơm, ngạt ngào son phấn. Nhưng rồi dần dà từ tự tách rời khỏi âm nhạc và trở thành một thể thơ mới tự do với câu ngắn câu dài. Nó không còn là một nhạc thức, nó trở thành một thi loại và đến thời điểm này thì, cũng vẫn như thơ, từ được viết ra không phải để hát nữa (tụng nhi bất ca).
 
Song cho dù là lời ca của một khúc hát dành cho các ca nhi hay một hình thức thi ca mới mẻ dành cho khách phong nhã thì từ vẫn mang những nguyên tố di truyền do xuất xứ của nó quyết định: từ luôn luôn đậm đà yếu tố cảm xúc, từ chủ yếu mang nặng dấu ấn trữ tình.
 
Phê bình ngắn gọn mà đầy đủ về từ ít có ai làm được như Paul Demiéville: “Phong cáchgầngụi với khẩu ngữ, nặng bản sắc thổ ngữ; cảm hứng tự do và tinh tế, chủ yếu trữ tình và tính dục (từ có vẻ xuất xứ từ nơi ca lâu); tạo ấn tượng cực cao khi trình bày phong cảnh và hoàn cảnh(3). Giớinghiên cứu quốc tế phải dùng một thủ pháp sáng tạo để dịch tên các điệu từ từ chữ Hán:
 
Sur l‘air “Les barbares Bodhisattvas“: Bồ tát man.
Sur l‘air court “Les vagues baignent le sable“: Lãng đào sa.
Chanson de Leang-Tcheou: Lương châu từ.
Poème à chanter sur l‘air de la “Branche de Bambou“: Trúc chi từ.
Sur l‘air Shui Xian Zi: Thủy tiên tử.
The song “Past youth“: Ai thanh xuân.
According to the air “The fate of a beautiful maid“: Niệm nô kiều.
To the tune of Jiang cheng zi: Giang thành tử.
To the tune-title“The Immortal by the River“: Lâm giang tiên.
Tune 6, Butterflies Lingering over Blossoms: Điệp luyến hoa.
Song of the Waters“: Thủy điệu ca đầu.
Zur Melodie “Die schöne Yue“: Ngu mỹ nhân.
 
Còn để gọi chung các điệu từ thì người ta sử dụng những khái niệm tổng quát, khái quát, ví dụ poèmesàchanter (Paul Demiéville), poésie chantée (Francois Cheng) hay poèmes lyriques (Xu Yuanzhong), trong Pháp ngữ.
 
Tuy nhiên những đặc tính bẩm sinh của từ: nặng màu tình cảm, tiết tấu uyển chuyển, tứ thơ nùng diễm lại vô hình trung hạn chế sự đắc dụng của nó đối với giới nhà nho mà lối suy nghĩ qui củ, cách sống mực thước dễ hướng về các thể loại thi ca đứng đắn chững chạc như thơ Đường chẳng hạn.
 
Văn nhân thi sĩ ngày trước vốn ít nhiều bị ám ảnh bởi quan điểm truyền thống Thi trang Từ mị (Thơ mới trang nghiêm còn Từ thì nịnh bợ). Đó là lý do tại sao chúng ta có một đội ngũ từ gia rất khiêm tốn nếu so với tập thể thi sĩ, văn sĩ trong văn học sử Hán-Nôm và văn học sử Việt ngữ.
 
 
Từ phổ, từ điệu, từ pháp, từ luật, từ thức
 
Mỗi bài từ có một nhạc phổ riêng nhưng hấu hết các nhạc phổ đó đều đã thất truyền. Tuy nhiên hậu thế vẫn có may mắn tiếp thu được một số từ phổ. Đó chẳng hạn là trường hợp của từ gia Khương Quỳ đời Đường. Trong tập hợp từ phẩm Bạch Thạch Đạo nhân Ca khúc, mười bảy bài từ của Khương Quỳ được lưu lại cho hậu thế nguyên vẹn cả lời ca lẫn điệu nhạc.
 
Chúng ta được thưởng thức nhạc điệu của những bài Ám hương, Sơ ảnh, Ngọc mai lệnh, Thạch hồ thiên, Thu tiêu lệnh, Túy ngâm thương, Dương châu mạn, Ức Vương tôn, Hạnh hoa thiên ảnh, Trường đình oán mạn.
 
Trong số mười bảy bài từ này thì có bốn tiểu lệnh (thể từ ngắn) và mười ba mạn từ (thể từ dài), do chính đích thân Khương Quỳ phổ thành ca khúc. Đây là tư liệu Từ Tống phổ nhạc hoàn chỉnh duy nhất còn lại đến nay.
 
 Tôi xin giới thiệu bản nhạc của điệu tiểu lệnh Ức Vương tôn, rút từ công trình nghiên cứu của Alan Ayling và Duncan Mackintos(4). Dành ưu tiên cho từ gia Việt Nam, bài Ức Vương tôn này là của Đào Tấn, nguyên tác chữ Hán, phần điền từ bằng Việt ngữ là của Giang Tân. Trên khung nhạc năm gạch ngang song song là nhạc phổ theo ký âm pháp Tây phương hiện đại.
 

 
Như vậy, vì là nhạc phẩm nên từđiệu và tổng số điệu từ lên đến hàng mấy trăm. Công trình thống kê do vua Khang Hy chỉ đạo biên soạn, bộ Khâm định Từ phổ, tổng kết được tất cả 820 điệu từ với 2.300 biến thể. Các nhà văn khố Trung Hoa chỉ ra rằng chỉ riêng đời Tống (960-1279) đã truyền lại cho hậu thế 20.000 bài từ, do 1.331 tác giả (không kể các tác giả khuyết danh) sáng tác, trong số có 873 tác giả còn lưu lại tiểu sử với ít hay nhiều chi tiết lý lịch. Từ đạt đỉnh cao vào thời Nam Tống (1127-1279).
 
Phép điền từ (từ pháp), luật điền từ (từ luật), các thể từ (từ thức) được tiêu chuẩn hóa và hệ thống hóa trong một công trình gối đầu giường của giới đam mê từ. Đó là bộ Từ luật, hai tập(5). Về bố cục toàn thể, một bài từ ngắn – gọi là tiểu lệnh – đúng luật thường có hai phân đoạn, phân đoạn trên gọi là thượng bán khuyết, phân đoạn dưới gọi là hạ bán khuyết. Những bài từ dài – trường điệu hay mạn từ – có khi chia làm ba, bốn đoạn, mỗi đoạn gọi là điệp.
 
Từ vựng vận dụng khi điền từ phải được tuyển trạch sao cho cả câu lẫn chữ đều tự nhiên. Nhưng tự nhiên lại không phải là sống sượng, dung tục; mà tự nhiên lại đi đôi với tiêm tân, nghĩa là sắc nhọn và mới mẻ. Từ pháp kỵ nhất là lời văn lão thực, cũ kỹ và quê mùa, thật thà và chất phác. Phải chọn lọc từng chữ một sao cho chữ nào cũng đủ nhạc tính, êm tai, réo rắt, thánh thót, du dương, để ca sĩ có thể hát được.
 
Bên cạnh tên điệu từ, có từ gia còn đặt thêm tiêu đề nhưng luôn luôn đặt tiêu đề dưới tên từ điệu. Đặt đầu đề cho thể từ do mình sáng tác song song với tên điệu từ nhằm nói rõ hơn nội dung ký thác trong từ phẩm. Chẳng hạn Lý Thanh Chiếu có bài từ theo điệu Túy hoa âm mang tiêu đề Cửu nhật, Tân Khí Tật có bài từ theo điệu Bốc toán tử mang tiêu đề Ẩm tửu.
 
Đến thời hiện đại, hầu hết các bài từ của Mao Trạch Đông đều mang đầu đề phụ gia, như điệu Thấm viên xuân có các bài Tuyết, Trường sa; điệu Thái tang tử có bài Trùng dương; điệu Niệm nô kiều có bài Côn luân, điệu Mãn giang hồng có bài Họa Quách Mạt Nhược Đồng chí, điệu Bồ tát man có bài Hoàng hạc lâu, điệu Tây giang nguyệt có bài Tỉnh cương sơn, điệu Như mộng lệnh có bài Nguyên đán, điệu Thủy điệu ca đầu có bài Du vịnh v.v..(6) Tùng Thiện Vương Miên Thẩm trong từ tập Cổ duệ từ có những bài mang tên Xuân hiểu theo điệu Hoãn khê sa, Tảo phát theo điệu Thanh bình lạc, Du sơn theo điệu Kim nhân bổng ngọc bàn v.v..
 
Điệu từ kết hợp với tiêu đề như thế hỗ trợ cho nhau nhằm giải thích những chi tiết khó hiểu, hầu cắt nghĩa những tư tưởng ẩn giấu, giúp người đọc thấu triệt ý tứ bài từ sâu sắc và đầy đủ.
 
 
Từ gia Việt Nam
 
Ở nước ta, nhà Trần tiếp sứ Nguyên là Trần Phu đã cho cử nhạc gồm các điệu Trang Chu mộng điệp, Bạch Lạc Thiên, Mẫu biệt tử, Vi sinh, Ngọc tiêu, Đạp ca, Thanh ca, Giáng chân long, Nhập hoàng đô, Yến giao trì Nhất thanh phong. Đó là những khúc hát đã được Lê Quí Đôn ghi lại trong Kiến văn tiểu lục, dựa theo Sứ Giao châu Thi tập của Trần Cương Trung, mà tôi nghi chắc là những điệu từ.
 
Điệu Đạp ca chẳng hạn, rất có thể là điệu Đạp ca từ. Nhưng chính Lê Quí Đôn cũng không còn được nghe các bản nhạc liên hệ nữa: “Tôi thiết nghĩ đó là nhạc triều Trần, hiện nay cũng không có nhạc này“. Nhạc khúc không còn mà tên họ những từ gia điền từ cũng thất truyền.
 
Tình trạng chỉ còn lại những dòng thơ không nốt nhạc như vừa trình bày kéo dài trong văn học sử Việt Nam. Bài từ đầu tiên còn truyền lại do tổ tiên chúng ta điền từ là bài Nguyễn lang quy do Đại sư Khuông Việt sáng tác để tiễn tống sứ thần Lý Giác vào thế kỷ thứ mười. Bài từ cuối cùng là của Tản Đà, đó là bài Tống biệt viết theo điệu Hoa phong lạc năm 1917.
 
Giữa hai thời điểm đó, thỉnh thoảng cũng có tác gia vận dụng thể từ. Về phái nữ có Liễu Hạnh tiên chúa với các bài theo điệu Bộ bộ thiềm, Xuân quang hảo, Cách phố liên, Nhất tiễn mai; Trương Quỳnh Thư trong Sơ kính tân trang với hai điệu Tây giang nguyệt Nhất tiễn mai; Hồ Xuân Hương với điệu Xuân đình lan.
 
 Linh mục Bửu Dưỡng, trong Tùng Thiện vương, cho biết Mai Am công chúa cũng có làm từ. Về nam giới có thể kể chúa Trịnh Cương với điệu Kiều dương cách; Ngô Thì Sĩ với điệu Tô mộ già; Tùng Thiện Vương Miên Thẩm với rất nhiều điệu tập hợp trong từ tập Cổ duệ từ(7) như Hoãn khê sa, Thanh bình lạc, Dương châu mạn, Mô ngư nhi, Giải bội lệnh, Lưỡng đồng tâm, Kim nhân bổng ngọc bàn, Pháp khúc hiến tiên âm; Đào Tấn với gần hai mươi điệu trong Mộng Mai từ tập: Mãn giang hồng, Bồ tát man, Nhất lạc sách, Ngư phủ từ, Lâm giang tiên, Trường tương tư, Giá cô thiên, Ức Vương tôn, Ức Giang nam, Hậu đình hoa, Ỷ la hương, Ngu mỹ nhân, Tiểu trùng sơn, Như mộng lệnh, Điệp luyến hoa, Chuyển ứng khúc, Bốc toán tử v.v..
 
Thi hào Nguyễn Du cũng có ít nhất một bài theo điệu Hành lạc từ và mười lăm bài theo điệu Trúc chi từ (mà tác giả Truyện Kiều gọi là Trúc chi ca). Trong Phủ biên Tạp lục, Quyển Năm, nhân giới thiệu những khuôn mặt văn học Miền Nam nước ta, Lê Quý Đôn đan cử nhân vật Nguyễn Quang Tiền, chủ nhân bài Cẩm đường Xuân khúc theo điệu Tây giang nguyệt.
 
Ngoài ra, các nhân vật hư cấu truyện Nôm như Vương Thúy Kiều trong Truyện Kiều của Nguyễn Du, Tô Hữu Bạch trong Ngọc Kiều Lê tân truyện của Lý Văn Phức cũng có điền từ. Khi mơ màng gặp gỡ Đạm Tiên, khi tay tiên một vẩy, đủ mười khúc ngâm thì mười khúc ngâm đó Kiều đã viết theo mười điệu từ: Tích đa tài, Lân bạc mệnh, Bi kỳ lộ, Ức cố nhân, Niệm nô kiều, Ai thanh xuân, Ta kiển ngộ, Khổ linh lạc, Mộng cố viên, Khốc tương tư. Còn Tô Hữu Bạch, nhân vật nam chính trong Ngọc Kiều Lê tân truyện của Lý Văn Phức, cũng từng làm một lúc chín bài từ Vịnh Hồng lê: Hồng lê say vẻ hoa xuân, Khúc từ mong chế mấy vần thưởng hoa.
 
Ngoài ra, theo Trần Ngọc Vương và Đinh Thanh Hiếu trên Nghiên cứu Văn học, còn có thể kể thêm Nguyễn Khản và Nguyễn Hữu Chỉnh(8).
 
Thời đại máy điện toán vẫn có người dịch Tống từ sang tiếng Việt theo nguyên điệu. Đó là Bác sĩ Nguyễn Đương Tịnh, bút hiệu Trúc Cư với các bản dịch Tống từ trong Tống từ tam bách thủ.
 
 
Vài bài từ của từ gia Việt Nam
 
Bà chúa Liễu Hạnh là một bà tiên bị đày xuống trần vào thời vua Lê Anh Tông. Trương Quỳnh Thư là một nhân vật hư cấu trong truyện Sơ kính tân trang của Phạm Thái. Cả hai vị nữ lưu này đều cùng đàn hát một điệu từ, đó là điệu Nhất tiễn mai lấy đối tượng là một trong tứ thời, một bài vịnh đông, một bài oán thu:
 
Liễu Hạnh (theo Phan Kế Bính. Nam hải Dị nhân. Liễu Hạnh tiên chúa):
 
Khí đen mờ mịt toả non sông
Hồng về nam xong!
Nhạn về nam xong!
Gió bấc căm căm tuyết mịt mùng,
Tựa triện ngồi trông,
Tựa triện đứng trông.
Sưởi lò mặt vẫn giá như đồng.
Ngồi chẳng yên lòng!
Nằm chẳng yên lòng!
Dậy xem phong cảnh lúc trời đông,
Hoa quên lạnh lùng!
Người quên lạnh lùng!
 
Trương Quỳnh Thư (Phạm Thái. Sơ kính tân trang):
 
Tuyết sương lác đác nguyệt mờ mờ
Quế nhạt hương đưa!
Sen nhạt hương đưa!
Rải rác trên không nhạn lửng lơ,
Oanh cũng thờ ơ,
Bướm cũng thờ ơ,
Chồi ngô gió thổi lá bơ sờ.
Mai ủ hình thơ!
Trúc ủ hình thơ!
Khúc dạ thanh ca khéo hững hờ,
Cung quảng xa xa!
Cầu thước xa xa!
 
Vì cả hai bài từ đều theo điệu Nhất tiễn mai nên bố cục giống nhau và đều dùng vần bằng theo dạng vần liền (sông, xong, mùng, trông, đồng, lòng, đông, lùng mờ, đưa, lơ, ơ, sờ, thơ, hờ, xa); nóicách khác, chúng có cùng một nhạc thức và được sáng tác theo cùng một nhạc phổ.
 
Về nam giới, tôi xin đặc biệt chọn từ gia Nguyễn Quang Tiền vì những lý do sau: 1) từ trước đến nay không hề có tài liệu văn học sử tiếng Việt nào đề cập đến vị tiền bối họ Nguyễn ở Đàng Trong; 2) từ gia Nguyễn Quang Tiền được Lê Quí Đôn giới thiệu trong công trình Phủ biên Tạp lục, thànhquả trí tuệ nàycủa Quế Đường tiên sinh là hậu quả kết hợp thành công giữa hai mặt trí thức sách vở và trí thức đời sống; 3) công việc ấn loát và phát hành Phủ biên Tạp lục theo khuôn khổ lớn, giấy dày, vừa gồm phần dịch sang Việt ngữ kèm theo chữ Hán vừa đính theo nguyên tác chữ khối vuông chụp lại thủ bản lưu trữ tại Viện Khảo cổ Việt Nam Cộng Hoà bằng vi phim và phóng lớn cho dễ đọc là một thành tựu xuất sắc rất đáng trân trọng của Tủ sách Cổ văn thuộc Uỷ ban Dịch thuật, Phủ Quốc vụ khanh Đặc trách Văn hoá; 4) dịch giả Lê Xuân Giáo là một học giả có uy vọng của chế độ quốc gia(9).
 
Nguyễn Quang Tiền Cẩm đường Xuân khúc, điệu Tây giang nguyệt:
 
Tú hộ hảo nghinh thu nguyệt,
Châu liêm sơ quyển xuân phong.
Bất đãn xuân thu hồn nhược hử?
Nghi hạ hựu nghi đông.
 
Vạn vựng đô quy hú dục,
Quần sinh hàm bị biền mông.
Hỷ tế thanh thời hà dĩ chúc?
Như bá hựu như tùng.
 
Lê Xuân Giáo dịch sang thể lục bát:
 
Ngõ hoa chào rước trăng thu,
Rèm châu mới cuốn đón mùa gió xuân.
Xuân thu khí hậu bình quân,
Hạ qua, đông tới trăm phần vui tươi.
Muôn loài hoá dục ơn trời,
Đều nhờ che chở nơi nơi hoà bình.
Nay mừng gặp buổi quang minh,
Chúc như tùng bá thiên sinh thọ trường.
 
 
Tồn nghi liên quan đến từ Việt Nam
 
Trong thư tịch Việt Nam, nhiều tác phẩm, sau một thời gian lưu hành, đã không giữ được nguyên vẹn nội dung và diện mạo vốn có lúc ban đầu. Thơ và từ Đào Tấn là công trình quốc ngữ duy nhất giới thiệu một tập hợp những bài từ của từ gia họ Đào một cách có hệ thống lại còn kèm theo phần nguyên văn chữ Hán. Đáng tiếc phần trình bày về từ còn nhiều thiếu sót và phạm nhiều sai lầm lắm khi nặng nề; mặc dầu những người hữu trách biên soạn nhấn mạnh ở phần Phàm lệ rằng: “chúng tôi đặc biệt quan tâm đến những điều tồn nghi về từ(10).
 
Chúng tôi chỉ xin nêu ra vài ba điểm đáng chú ý: 1) Có bài từ bị ghi sai điệu, thay vì Ngu mỹ nhân lại ghi thành Mãn giang hồng (Bài số 87); 2) Nhiều bài từ không ghi tên điệu, đó là bài số 90 điệu Tiểu trùng sơn, bài số 91 điệu Ức Vương tôn, bài số 100 điệu Hảo sự cận, bài số 101 điệu Bồ tát man, bài số 102 điệu Điểm giáng thần; 3) Bài từ số 88 điệu Nhất lạc sách thiếu hẳn một bán khuyết 23 chữ; 4) Bài từ số 93 điệu Tô mộ già thiếu mất một chữ; 4) Hai bài Dương liễu chi ở trang 158 là hai bài từ, không phải hai bài thơ.
 
Bài từ theo điệu Tây giang nguyệt của Nguyễn Quang Tiền được giới thiệu trước đây cũng có điều gây thắc mắc. Điệu Tây giang nguyệt có 50 chữ, bố trí theo công thức 6-6-7-6; 6-6-7-6; trong khi đó bài của Nguyễn Quang Tiền chỉ có 48 chữ, bố trí theo công thức 6-6-7-5; 6-6-7-5. Phải chăng đây là một biến thể?
 
Có trường hợp ngay lúc bài từ chào đời thì nội dung và diện mạo đã mang khuyết tật. Hoàng Xuân Hãn, qua chuyển dịch Bích câu kỳ ngộ ký trong Truyền kỳ tân phổ từ trang 43a nguyên tác chữ Hán cho biết nhân vật nam chính Tú Uyên sau khi gặp Giáng Kiều đã làm một bài hát “Nhớ Tần nga“ mà nhà biên khảo quá cố “dịch theo nguyên điệu“ như sau(11):
 
Nhớ Tần nga
Dáng điệu sang! Kìa cô nàng!
Ấy thật Quan-âm xuống đạo-tràng.
Như khiến lòng ta sắt đá đa-mang.
Thư-phòng luống tựa ánh gương.
Nhân-gian muôn ước cũng tầm thường.
Ngày nào gặp gỡ, trăng giại Tây-sương.
 
Nguyên văn chữ Hán của bài từ được Hoàng Xuân Hãn dịch theo nguyên điệu có thể đọc trong Kho tàng truyện truyền kỳ Việt Nam với hai tác giả Giáo sư Vũ Ngọc Khánh và Nguyễn Quang Ân(12):
Ức Tần nga từ
Sảo dạng trang, giá kiều nương,
Hựu thị Quan âm huyễn đạo trường.
Nhược giao thiết thạch quải đỗ khiêu trường.
Thư phòng hảo bạn thanh quang.
Nhân gian vạn nguyện tổng tầm thường.
Hà thời dữ hội, minh nguyệt Tây sương.
 
Điệu Ức Tần nga là một điệu từ phổ biến. Trong Tống từ tam bách thủ tiên chú(13) có một bài của Phạm Thành Đại, trong Tống từ kỷ sự có một bài của Trịnh Văn Thê(14), trong Từ luật có một bài được xem là của Lý Bạch(15), trong Toàn Tống từ có rất nhiều bài, ví dụ của Lý Thanh Chiếu, của Hạ Chú, của Lục Du(16) v.v..Những bài từ theo điệu Ức Tần nga đó đều không hề có bố cục cấu trúc như bài do Hoàng Xuân Hãn “dịch theo nguyên điệu“ và được hai tác giả Vũ Ngọc Khánh-Nguyễn Quang Ân giới thiệu nguyên văn.
 
Thật vậy, Từ luật cho biết điệu Ức Tần nga có 46 chữ, cũng có những tên khác là Tần lâu nguyệt, Bích vân thâm, Song hà diệp, Ngọc giao chi. Nó có một biến thể 46 chữ, một biến thể khác 37 chữ, một biến thể khác nữa 38 chữ và một biến thể thứ ba 41 chữ. Cấu trúc kinh điển của nó là 3-7-3-4-4; 7-7-3-4-4. Trong khi đó thì bài được gọi là theo điệu Ức Tần nga của Tú Uyên lại có bố cục 3-3-7-8-6-7-8, 42 chữ. Những điệu từ có 42 chữ là Hoãn khê sa, Luyến tình thâm, Tán phổ tử, Tuyết hoa phi; nhưng chúng hoàn toàn không có cùng bố cục như bài từ của Tú Uyên. Điệu Hoãn khê sa chẳng hạn có dạng một bài thơ sáu câu bảy chữ.
 
Để so sánh, xin trình bày nguyên văn bài từ theo điệu Ức Tần nga nổi tiếng thường được xem là của Lý Bạch:
 
Tiêu thanh yết,
Tần nga mộng đoạn Tần lâu nguyệt.
Tần lâu nguyệt,
Niên niên liễu sắc,
Bá lăng thương biệt.
Lạc du nguyên thượng thanh thu tiết,
Hàm dương cổ đạo âm trần tuyệt.
Âm trần tuyệt,
Tây phong tàn chiếu,
Hán gia lăng khuyết.
 
Cấu trúc lặp lại ba chữ cuối câu thứ hai và câu thứ bảy – giống như một điệp khúc ngắn – để tách ra một câu phụ thành dòng ba và dòng tám có tính đặc trưng chuyên biệt của điệu Ức Tần nga, ngoại trừ trường hợp biến thể. Dữ kiện ngữ văn này không hề hiện diện trong điệu Ức Tần nga gán cho Tú Uyên. Như vậy, với tất cả sự dè dặt, chúng tôi đành nêu nghi vấn như sau:
 
- có vẻ như người sáng tác và/hoặc người sao chép Bích câu kỳ ngộ ký đã điền một điệu từ nào đó, chắc chắn không phải điệu Ức Tần nga, nhưng lại gọi là Ức Tần nga;
 
- dường như cá nhân nhà biên khảo quá cố Hoàng Xuân Hãn không biết rằng đây không phải là điệu từ Ức Tần nga.
*
Các bài từ trong văn học sử Việt Nam là những trân phẩm. Những trân phẩm đó kết hợp hài hoà thi và nhạc, khác hẳn với những văn thể hay thi loại phổ thông. Từ ở nước ta được sáng tác vừa bằng chữ Hán vừa bằng chữ Nôm vừa bằng quốc ngữ hiện đại và vì thế đáng được dành cho một vị trí độc đáo và quan trọng trong nền văn học dân tộc.
 
Từ gia Việt Nam hầu như bỏ hết những nét hương phấn, mơ mộng, lượt là, quấn quít, uyển chuyển của thể loại từ trần hạ (bụi bậm, thấp kém) để đưa vào từ một nội dung lãng mạn, lành mạnh, đầm ấm, khoáng đạt, thanh thoát như tiếng tơ tiếng trúc. Từ của tổ tiên chúng ta chứa tải tâm sự, tình cảm của con người đối trước thiên nhiên, đối trước tứ thời, đối trước xã hội. Một tình yêu của Đào Tấn với sông Hương, một tình bạn của Tùng Thiện Vương với Cao Bá Quát. Qua thi nhà thơ chủ ý diễn đạt tìnhý, qua từ từ gia ký thác cảmxúc. Nhịp điệu của câu và âm thanh của chữ gói ghém trọn vẹn được ý tại ngôn ngoại.
 
Kết hợp nghiên cứu từ chữ Hán, từ chữ Nôm, từ chữ quốc ngữ với các công trình biên khảo về từ bằng ngoại ngữ Tây phương – ví dụ nhằm trình bày tiết tấu âm nhạc dựa theo các cung bậc cổ kính ho, ssu, i, shang, kou, ch‘ê, kung, fan, liu, wu, i-wu(17) liên minh cùng các nốt nhạc hiện đại do, re, mi, fa, sol, la, si(18) – đồng thời tham khảo các tài liệu quan phương kinh điển chữ khối vuông, có thể đạt được những thành tựu khả quan trong bước đầu tìm hiểu có hệ thống thi loại từ và giới thiệu đội ngũ từ gia Việt Nam.
 
22.02.2019
 
(1) Trần Trọng San.- Đường Tống Từ tuyển. Bắc Đẩu. Ontario. Canada. 1995. Lời nói đầu. trang 1.
(2) Vũ Ngọc Liễn (Chủ biên).- Thơ và Từ Đào Tấn. Nhà Xuất bản Văn học. Hà nội. 1987. Lời giới thiệu của Xuân Diệu. trang 24.
(3) P. Demiéville.- Anthologie de la poésie chinoise classique (Tuyển tập thi ca Trung Hoa cổ điển). Gallimard. Paris. 1962. page 239.
(4) Alan Ayling and Duncan Macintosh.- A Collection of Chinese Lyrics. Routledge and Kegan Paul. London. 1965. page 220.
      (5) Từ luật (Thượng sách, Hạ sách).- (Thanh) Vạn Thụ soạn. (Thanh) Ân Tích, Đỗ Văn Lan hiệu. Dương Gia Lạc chủ biên. Tăng đính Trung quốc học thuật danh trứ               đệ nhất tập. Tăng bổ từ học tùng thư đệ nhất tập. Đệ thập bát sách. Đệ thập cửu sách. Thế giới thư cục phát hành. Đài Bắc. Trung Hoa dân quốc ngũ thập nhất niên nhị nguyệt sơ bản.
(6) Mao Chủ tịch thi từ tam thập thủ.- Văn vật Xuất bản xã xuất bản. Bắc kinh. 04.1964. Đệ nhị bản; và Mao Chủ tịch thi từ. Nhân dân Văn học Xuất bản xã. Bắc kinh. 12.1963.
(7) Phan Văn Các dịch và giới thiệu.- Tùng Thiện Vương Miên Thẩm. Cổ duệ từ. Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia. Viện Nghiên cứu Hán-Nôm. Hà nội. 1999.
(8) Trần Ngọc Vương-Đinh Thanh Hiếu.- Từ, một chủng loại còn ít được biết tới. Tạp chí Nghiên cứu Văn học. Viện Văn học. Viện Khoa học Xã hội Việt Nam. 09.2004. trang 35-47.
(9) Lê Quý Đôn.- Phủ biên Tạp lục. Tập II. Quyển 4, 5 & 6. Bản dịch Lê Xuân Giáo. Tủ sách Cổ văn. Ủy ban Dịch thuật. Phủ Quốc vụ khanh Đặc trách văn hóa xuất bản. Sài gòn. 1973. trang 213-214 (phần tiếng Việt). Trang 174a-174b (phần chữ Hán).
(10) Trần Văn Tích.- Vấn đề văn bản học của một số bài từ Đào Tấn. Văn Học số tân niên, tháng 3 và tháng 4 .2003. Garden Grove. CA 92842-1359. USA. trang 73-94.
(11) Hoàng Xuân Hãn hiệu đính và chú giải.- Bích câu Kỳ ngộ (Chuyện Tú Uyên). Nhà Xuất bản Đại học. Huế. 1964. trang 97.
(12) Giáo sư Vũ Ngọc Khánh-Nguyễn Quang Ân.- Kho tàng truyện truyền kỳ Việt Nam. Nhà Xuất bản Văn hóa Thông tin. Hà nội. 1995. trang 661-662.
(13) Tống từ tam bách thủ tiên chú.- Tiên chú giả Đường Khuê Chương. Đài loan Học sinh Thư cục. Trung Hoa dân quốc lục thập niên tam nguyệt sơ bản. Trang 149.
(14) Tống từ kỷ sự.- Đường Khuê Chương biên trứ. Thượng hải Cổ tịch xuất bản xã. Thượng hải. 1982. trang 378.
(15) Từ luật.- tlđd. Thượng sách. Từ luật mục thứ. Trang 27; Quyển tứ trang 137.
(16) Toàn Tống từ.- Tinh trang toàn ngũ sách. Đường Khuê Chương biên. Trung Hoa Thư cục xuất bản. Thượng hải. 1965. Nhị trang 931 và Tam trang 1587.
(17) Chúng ta quen với ngũ cung, gam năm cung tức hệ thống thang năm bậc trong âm nhạc dân tộc hồ xự xang xê cống.
(18) Các nhạc phổ của những điệu từ Ức Vương tôn (Tần Quan), Ám hương, Ngọc mai lệnh, Túy ngâm thương, Hạnh hoa thiên ảnh, Trường đình oán mạn và Dương Châu mạn (Khương Quỳ) được ghi lại trong: a) Alan Ayling and Duncan Macintosh, tlđd. và b) Stephen C. Soong.- Song without Music. Chinese Tz‘u Poetry. The Chinese University Press. Hong Kong. 1980.
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét